Triết học nghệ thuật

Thái độ và nhận xét của Mác và Ăng-ghen về văn học

 

THÁI ĐỘ VÀ NHẬN XÉT CỦA MÁC VÀ ĂNG-GHEN VỀ VĂN HỌC

 

GIĂNG PHƠ-RÊ-VIN

Xuân Tửu, Trần Hữu Thung dịch

 


Giăng Phơ-Rê-Vin. Mác, Ăng-ghen, Lê-Nin và văn học nghệ thuật. Xuân Tửu, Trần Hữu Thung dịch. Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1962, tr.88-84.


 

4. Chủ nghĩa xã hội "chân chính"

Hệ tư tưởng được đem vào nước nào thì nó liền chịu ảnh hưởng của nước đó. Đó chính là trường hợp của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản Pháp, khi nhập cảnh vào nước Đức.

Những điều mà các nhà cải lương Pháp viết ra, phản ánh những mâu thuẫn của xã hội tư sản, những khát vọng mơ hồ của một giai cấp vô sản đã đông đảo nhưng chưa có tổ chức. Ý muốn xóa bỏ tình trạng người bóc lột người là từ trong bản thân sự bóc lột mà ra, từ trong sự vận động lịch sử, từ trong chủ nghĩa tư bản đang chà đạp đông đảo quần chúng lao động, ý muốn đó nhen nhóm đấu tranh giai cấp. Thật không thể có cách hiểu nào khác. Nhưng tại Đức, nơi cách mạng tư sản đang diễn ra, chủ nghĩa chuyên chế phong kiến lại ngăn trở sự phát triển kinh tế, làm tê liệt một giai cấp trung gian do dự và sợ sệt, không cho phép giai cấp vô sản tản mạn trong các cửa hàng nhỏ và trong những xưởng thủ công, phát triển được. Chủ nghĩa xã hội ở Pháp có cơ sở trong những điều kiện lịch sử và xã hội. Trái lại, mọi nền móng cụ thể đều thiếu hẳn ở nước Đức lạc hậu bị vô số quyền lực và áp bức chi phối, một nước Đức chia xẻ thành 314 vương quốc và 1475 hạt, phục tùng giai cấp quý tộc, nghĩa là có 1789 đơn vị độc lập. Là một món hàng được nhập khẩu, chủ nghĩa xã hội đem vào nước Đức sẽ nhuốm màu chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm, sẽ mất hết nội dung hiện thực và trở thành một nguyên lý tinh thần, một bản thể, một yêu sách có tính chất siêu hình.

Cuộc nổi dậy của thợ dệt năm 1844 ở Xi-lê-di đánh dấu sự bừng tỉnh của phong trào vô sản. Vấn đề xã hội đã được đặt ra. Những phần tử tri thức tiểu tư sản mệnh danh là những người xã hội « chân chính » đứng đầu là Mô-i-dơ Hét-xơ và Các Gơ-run vỗ ngực tự xưng là đại diện của thợ thuyền. Người ta bàn về cải cách xã hội: họ đề ra chương trình của họ, một thứ hẩu lốn mập mờ, lẫn lộn tư tưởng Pháp và khái niệm Đức. Tư tưởng Hê-ghen đầy rẫy trong Mô-i-do Hét-xơ ; Các Gơ-run lại muốn đem trộn lẫn Phơ-bách, Phu- ri-ê và Pơ-ru-đông vào với nhau để lọc ra một thứ thuốc trường sinh bất lão trong đó tình yêu và sự hòa hợp lẫn lộn với nhau.

Họ không thể có được khả năng phân tích nghiêm túc mối quan hệ giữa các giai cấp, họ lý luận trên một con người trừu tượng bên ngoài lịch sử, họ không tính đến sự lạc hậu mà nước Đức phải bù đắp để đuổi kịp nước Pháp, nơi giai cấp tư bản ngân hàng và tư bản công nghiệp đã thống trị từ năm 1830, dưới danh nghĩa cái ông vua – công dân. Hơn thế nữa, họ tưởng tượng rằng cái nước Đức bán trung cổ ấy sẽ nhờ những lời khuyên bảo sáng suốt của các nhà trí thức « nhân đạo » mà có thể tránh được giai đoạn tư bản chủ nghĩa và tiến thẳng từ chế độ phong kiến lên chủ nghĩa xã hội. Đối với họ, chủ nghĩa xã hội không phải là biểu hiện của đấu tranh giai cấp mà là một hệ thống xuất phát từ lý trí thuần túy, một mệnh lệnh của « ý thức con người ». Mô-i-do Hét-xơ viết năm 1845 rằng : « Ở Pháp, đại biểu của chủ nghĩa nhân đạo là giai cấp vô sản, ở Đức đỏ là tầng lớp thượng lưu tri thức ». Ông ta định nghĩa chủ nghĩa cộng sản là « quy luật của tình yêu, áp dụng vào đời sống của xã hội ». Các Gơ-run bài bác chủ nghĩa vị kỷ và cũng cho rằng tình yêu là dấu hiệu chân chính của bản chất con người. « Tình thương yêu đồng loại », sự tu dưỡng cá nhân sẽ củng cố mối cộng đồng giữa con người, sẽ đảm bảo cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi.

Theo Các Gơ-run, Cách mạng Pháp đã thất bại vì lúc giải phóng lao động, cái « thuộc tính » ấy của con người, cách mạng đã không giải phóng tâm hồn họ. Ở Pháp, cuộc chiến đấu diễn ra trên mặt trận chính trị, ở Đức trên mặt trận tôn giáo ; nhưng thắng lợi về tôn giáo cũng sẽ dẫn đến những hậu quả như thắng lợi về chính trị vì «tôn giáo và chính trị cùng tồn tại và cùng hủy diệt theo nhau ».[1]

Chủ nghĩa xã hội « chân chính » tin chắc rằng đã vượt qua « tính chất phiến diện của Pháp », đã dựng lên một thứ mỹ học cũng lờ mờ như học thuyết chính trị của nó. Gơ-run tuyên bố rằng « nội dung của nghệ thuật là nhân tính ». Ông ta viết : « Nền giáo dục chân chính sẽ tạo ra một He-len mới, một con người thật sự tự do ». Cũng như Sde-li-ga, ông ta hoan hỉ nhận thấy bộ Bí mật thành Pa-ri là một khám phá, một bản anh hùng ca chuộc tội của thời hiện đại ; việc phê phán những thói đồi trụy và tật xấu của thế giới cũ há chẳng chuẩn bị cho một thế giới mới hay sao?

Nhiều nhà thơ kéo tới xếp hàng dưới lá cờ của chủ nghĩa xã hội « chân chính », những tưởng rằng tình cảm nhân đạo sẽ đủ để cải tạo bọn tư bản, đủ để biến họ thành những nhà « từ thiện xã hội chủ nghĩa ».

Cả một nền thi ca sướt mướt lấy đói khát, cùng khổ, mãi dâm, giết con, tội lỗi, tù đầy, lấy mọi giai đoạn của sự suy sụp của loài ngoài, làm đề tài. Chưa bao giờ bọn kêu rên ấy truy đến nguồn gốc nguyên nhân đầu tiên của những nỗi khổ đau đã làm bọn họ rơi nước mắt. Họ hô hào lòng thương người, lòng độ lượng, và tình đoàn kết giai cấp. Kẻ giàu và người nghèo hả chẳng phải đều là những người có đau khổ, nhưng chỉ là đau khổ không giống nhau đó sao ? Đối với người nghèo họ khuyên : Hãy kiên nhẫn ! Đối với kẻ giàu, họ lại thủ thỉ : Hãy nhân từ !. Các nhà thơ của chủ nghĩa xã hội « chân chính » chọn người ăn mày, người nghèo tủi phận, người nhặt giẻ rách, đám lưu manh, đám tàn tật, những cô gái bị ruồng bỏ... làm nhân vật. Khó mà tìm thấy trong đám thây ma ủ rũ, rách rưới đó, một người công nhân chân chính khả dĩ nói lên được một tiếng nói tự hào, một tiếng kêu phẫn uất, một lời hiệu triệu chiến đấu để bảo vệ những người bị áp bức bóc lột.

Chủ nghĩa xã hội « chân chính » biểu dương những đức tính tôn giáo, ca tụng thời kỳ hoàng kim của những nghề nghiệp nhỏ, của những thợ thủ công, những quan hệ thân hữu giữa thợ cả và thợ bạn, ca tụng thú vui chất phác ở nông thôn, rộng bụng và hiếu khách. Một trong các nhà thơ của phái đó là An-phơ-rê Mây-sne, ca tụng mối giao hảo vĩ đại giữa các dân tộc, nền hòa bình tương lai, những lưỡi kiếm trở thành diệp cày, lưỡi cày trở thành cái tượng trưng cho xã hội, tất cả mọi người đều quay về ruộng đồng...

Ăng-ghen đã tìm ra cơ sở kinh tế và nội dung giai cấp của loại thi ca đó. Ông nhấn mạnh tinh chất thiển cận và tiểu tử sản của nó; nó bất lực không hiểu nổi quá trình lịch sử, không thể vươn lên trên những trường hợp đặc thù. Ông viết hai bài nghiên cứu đề chống lại những người thợ thơ đó mà hệ tư tưởng trở ngại sự phát triển của những tư tưởng cách mạng. Bài đầu ra năm 1847 trong Báo tiếng Đức của thành Bờ-rúc-xen, vạch trần những ảo tưởng của Các Bếch, vạch trần sự đầu hàng của ông ta trước cái xã hội mà ông ta định đánh đổ : Bếch tiếc rẻ rằng bọn chủ ngân hàng lại không phải là ân nhân của nhân loại mà lại là chủ ngân hàng ! Ông ta đối lập nhà tư bản « xấu » Rốp-sin với nhà tư bản « tốt» Láp-phit ; ông ta tưởng tượng rằng có thể xóa bỏ những « mặt xấu » của chủ nghĩa tư bản ; ông ta ước mong chế độ sẽ tồn tại vĩnh viễn bên ngoài những điều kiện cần thiết cho sinh mệnh của nó.

Điều ngây ngô đó còn thấy ở các nhà thơ khác của chủ nghĩa xã hội « chân chính ». Tháng hai năm 1847 Ăng-ghen đã lưu tâm viết một bài nghiên cứu dài về các nhà thơ này, nhưng không in được lúc sinh thời. Ăng-ghen chế nhạo Phơ-rây-li-gờ-rát là người tưởng tượng rằng có thể làm cách mạng mà không cần nỗ một phát súng. Các nhà mơ mộng ngoan cố đó dùng chủ nghĩa duy tâm mà câu rử, họ đem nghề thuyết giáo lòng tin hay tài hùng biện thay cho sự phê phán xã hội ; đáng lẽ phơi bày mâu thuẫn họ lại che dấu đi. Ăng-ghen nhận xét: « Người xã hội chân chính đầu tiên là Các Mô-rơ »[2], nhân vật của cuốn Bọn cướp. Nhưng đám hậu sinh đáng thương của Các Mô-rơ tư tưởng thì hồ đồ, tình cảm thì giả tạo, ngôn từ thì hoa hòe, xử sự thì hèn nhát, là những điều khó tìm thấy trong nhân vật nổi loạn của nhà thơ trẻ Sin-le...

Trong khi tấn công chủ nghĩa xã hội « chân chính » không những Ăng-ghen phải chiến đấu cho một nền thi ca hiện thực và cách mạng, ông còn bảo vệ những giá trị văn hóa quá khứ chống lại mọi sự xuyên tạc. Trong một tác phẩm viết về Gớt-tơ, Các Gơ-run đã khám phá thấy Gớt-tơ là một dấu hiệu của chủ nghĩa xã hội « chân chính », là « nhà thơ của nhân tính », hiện thân của « nhân loại toàn thiện », của « bản chất của con người ». Nhưng thực ra, Các Gơ-run hiểu « con người » như thế nào? Ăng-ghen vạch rõ « con người » theo Các Gơ-run chính là anh tiểu tư sản Đức...

Ăng-ghen chỉ ra rằng Gơ-run đã hạ thấp Gớt-tơ từ một người khổng lồ xuống thành một anh lùn, nhốt ông ta lại trong một chân trời chật hẹp, và cắt nghĩa cái « nhân đạo » của nhà thơ thiên tài, theo quan điểm phi-lít-stanh của mình.

Chủ nghĩa xã hội « chân chính » bị Ăng-ghen lên án chỉ sống được vài ba tháng. Cuộc cách mạng 1848 đã cuốn đi những lời trống rỗng, và các điều mơ ước trẻ con của nó theo tiếng rít của đạn và cảnh tàn sát của cuộc nội chiến.



[1] Mô-i-dơ Hét-xơ : Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sån, tr. 81 (1843).

[2] Ăng-ghen : Những người xã hội “ chân chính », Toàn tập, *. VI, tr. 97.

 


5. Gớt-tơ
3. Ơ-gien Xuy

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt