Triết học tôn giáo

Vấn đề 12. Thiên Chúa được chúng ta nhận biết như thế nào. Mục 1.

 

VẤN ĐỀ 12

THIÊN CHÚA ĐƯỢC CHÚNG TA NHẬN BIẾT NHƯ THẾ NÀO?

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.| Xem: Bản dịch tiếng Anh


 

 

Trên đây chúng ta đã tìm hiểu xem Thiên Chúa đích thị là gì, bây giờ phải tìm hiểu xem Người là gì trong nhận thức của ta, nghĩa là Người được các thụ tạo nhận biết như thế nào. Về vấn đề này, mười ba điểm được đặt ra:

1. Có trí khôn thụ tạo nào có thể nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa chăng?

2. Phải chăng yếu tính Thiên Chúa được trí khôn nhìn thấy qua hình ảnh thụ tạo?

3. Phải chăng yếu tính Thiên Chúa có thể được mắt phàm nhìn thấy?

4. Có bản thể thụ tạo có lý trí nào, với năng lực tự nhiên, đủ sức để nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa chăng?

5. Để nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa, trí khôn thụ tạo có cần ánh sáng thụ tạo nào chăng?

6. Trong những người nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa, người nọ có nhìn thấy cách hoàn bị hơn người kia chăng?

7. Có trí khôn thụ tạo nào thấu hiểu yếu tính Thiên Chúa chăng?

8. Khi nhìn thấy tính Thiên Chúa, trí khôn có nhìn thấy mọi điều trong yếu tính ấy chăng?

9. Những chi trí khôn nhìn thấy trong yếu tính của Thiên Chúa, có nhìn qua ảnh niệm nào chăng?

10. Những chi trí khôn nhìn thấy trong yếu tính Thiên Chúa có nhìn thấy tất cả một trật chăng?

11. Trong lúc sinh thời, có ai nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa được chăng?

12. Ở đời này chúng ta có thể nhờ lý trí tự nhiên mà biết Thiên Chúa chăng?

13. Trong cuộc sống hiện tại, có sự nhận biết nào khác bởi ân sủng vượt trên sự nhận biết của lý trí tự nhiên chăng?

 

MỤC 1

Có trí khôn thụ tạo nào có thể nhìn thấy

yếu tính Thiên Chúa chăng?

 

NGHI VẤN. Hình như không trí khôn thụ tạo nào có thể nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa.

1. Khi chú giải Tin Mừng thánh Gioan: “không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ”, thánh Gioan Kim khẩu viết: “Chính Thiên Chúa là chi, thì chẳng những các ngôn sứ, lại cả thiên thần hay tổng lãnh thiên thần cũng không thấy; thực vậy, bản tính thụ tạo làm sao có thấy được điều tự hữu”. Khi bàn về Thiên Chúa, Dionysio cũng viết: “Cả giác quan, cả óc tưởng tượng, cả sự phỏng đoán, hay lý trí và khoa học cũng không biết được”.

2. Vả lại, phàm điều gì là vô hạn, xét như vô hạn, thì không người nào biết. Nhưng Thiên Chúa là Đấng vô hạn, như đã chứng minh (vđ.7, m.1). Cho nên chính Thiên Chúa thì không ai biết.

3. Trí hiểu thụ tạo chỉ biết được những vật hiện hữu: thực vậy, điều trí tuệ thâu nhận trước tiên là hữu thể. Nhưng Thiên Chúa không phải là vật hiện hữu, mà là siêu hiện hữu, như Dionysio đã nói. Cho nên Thiên Chúa không phải là điều khả hội, nhưng vượt trên mọi trí tuệ.

4. Giữa người nhận biết và điều được nhận biết phải có một tỷ lệ tương ứng nào đó, vì điều được nhận biết kiện toàn chủ thể nhận biết. Nhưng giữa trí khôn thụ tạo và Thiên Chúa không có tỷ lệ nào hết: cả hai xa cách nhau vô hạn. Cho nên trí khôn thụ tạo không thể nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa.

NHƯNG. Thánh Gioan tông đồ viết: “Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy”.

LUẬN GIẢI. Phàm chi càng ở trong hiện thể càng khả tri. Mà Thiên Chúa là hiện thể thuần túy, không pha trộn mảy may tiềm thể, vì thế chính Thiên Chúa là Đấng khả trị nhất. Nhưng điều nguyên nó là khả tri nhất lại không khả tri đối với trí khôn nào đó, vì điều khả hội vượt trên năng lực của trí khôn đó: như mặt trời thì rất sáng láng, nhưng vì ánh sáng quá chói chang nên chim cú không thể nhìn thấy. Căn cứ vào điều đó có người cho rằng không một trí khôn thụ tạo nào có thể nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa.

Nhưng không thể chấp nhận lập trường đó. Thực vậy, hạnh phúc tuyệt đỉnh của con người hệ tại hoạt động tối cao của con người, tức là hoạt động của trí khôn. Nếu trí khôn thụ tạo không bao giờ có thể nhìn thấy yếu tính của Thiên Chúa, thì hoặc con người không bao giờ đạt được hạnh phúc, hoặc hạnh phúc này hệ tại điều gì khác, chứ không phải Thiên Chúa. Nhưng đó là điều nghịch với đức tin. Sự hoàn bị tối hậu của con người hệ tại chính điều là uyên nguyên hiện hữu của nó: thực vậy sự hoàn bị tối hậu của thụ tạo có lý trí là đạt tới nguyên khởi của mình. Lập trường này còn nghịch với lý trí: vì phàm ai đã nhận ra công hiệu cũng đều muốn biết nguyên nhân, và do đó phát sinh ra sự ngạc nhiên nơi con người. Vậy nếu trí khôn con người không thể đạt tới căn nguyên đệ nhất của mọi vật, thì ước muốn của tính tự nhiên là hão huyền. Cho nên, phải công nhận cách tuyệt đối là các phúc nhân nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa.

GIẢI ĐÁP

1. Cả hai thế giá được viện dẫn đều nói về thị kiến thấu triệt. Vì ngay trước khi đưa ra những lời ấy Dionysio nói: “Người là Đấng mọi người hết thảy không thể thấu hiểu, dù bằng cả giác quan.,”. Sau những lời đã viện dẫn, thánh Gioan Kim khẩu thêm: “Ở đây thánh Gioan gọi thị kiến là sự chiêm ngưỡng và thấu hiểu Chúa Cha một cách thật chắc chắn, cũng như Chúa Cha thấu hiểu Chúa Con”.

2. Vô hạn về phía chất thể, không được hạn định bởi mô thể, thì nguyên nó là bất khả tri: vì mọi nhận thức đều do mô thể. Nhưng vô hạn về phía mô thể không được giới hạn bởi chất thể thì nguyên nó là khả tri. Vậy theo những điều đã nói trên (vđ.7, m.1) Thiên Chúa thì vô hạn theo kiểu thứ hai, chứ không theo kiểu thứ nhất.

3. Khi nói Thiên Chúa không hiện hữu thì không có ý hiểu là tuyệt nhiên không hiện hữu cách nào cả, nhưng là vượt trên mọi niện hữu, vì Người là chính hiện hữu của mình. Do đó không thể kết luận Người là Đấng tuyệt nhiên không ai biết, nhưng là Đấng trổi vượt trên mọi nhận biết, nghĩa là không ai thấu triệt được Người.

4. Có hai thứ tỷ lệ: Một là tương quan nhất định giữa lượng nọ với lượng kia, như gấp đôi, gấp ba hoặc bằng nhau là những loại tỷ lệ. Hai là, bất cứ một tương quan nào giữa lượng nọ với lượng kia cũng được gọi là tỷ lệ. Và theo nghĩa này, có thể có tỷ lệ giữa vật thụ tạo với Thiên Chúa, vì thụ tạo tương quan với Thiên Chúa như công hiệu với căn nguyên, và như tiềm thể với hiện thể. Như thế trí khôn thụ tạo có khả năng để nhận biết Thiên Chúa.

 


 MỤC 2
 VẤN ĐỀ 11

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt