Triết học tôn giáo

Vấn đề 7. Về sự vô hạn của Thiên Chúa. Mục 1

 

VẤN ĐỀ 7

VỀ SỰ VÔ HẠN CỦA THIÊN CHÚA

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999. | Xem: Bản dịch Tiếng Anh ; bản dịch tiếng Pháp.


 

 

Sau khi tìm hiểu sự hoàn bị của Thiên Chúa, cần phải nghiên cứu sự vô hạn và sự hiện diện của Người trong các vật. Sở dĩ người ta nói Thiên Chúa ở khắp mọi nơi là vì Người là Đấng không thể bị vây bọc và là Đấng vô hạn.

Về vấn đề này có bốn điều cần tìm hiểu:

1. Phải chăng Thiên Chúa là Đấng vô hạn? 

2. Ngoài chính Người, còn có chi vô hạn chăng? 

3. Có thể có chi vô hạn về đại lượng chăng? 

4. Phải chăng các vật có thể phả đa vô hạn?

 

MỤC 1

Phải chăng Thiên Chúa là Đấng vô hạn?

 

NGHI VẤN. Hình như Thiên Chúa không phải là Đấng vô han.

1. Phàm chi là vô hạn thì khiếm khuyết: vì có lý tính của thành phần và của chất thể, như nhà Hiền triết đã nói. Nhưng Thiên Chúa là Đấng cực kỳ hoàn bị. Cho nên Thiên Chúa không phải là Đấng vô hạn.

2. Theo nhà Hiền triết, vô hạn và hữu hạn đều qui về lượng. Nhưng nơi Thiên Chúa không có lượng, vì không phải là vật thể, như đã chứng minh (vđ.3, m.1). Cho nên tính vô hạn thì không xứng với Người.

3. Phàm chi đã ở đây mà không ở đó thì hữu hạn về nơi chốn, và phàm chi là thế này mà không phải là thế khác thì hữu hạn về bản thể. Nhưng Thiên Chúa là thế này, và không phải thế khác: vì Người không phải là đá cũng không phải là gỗ. Cho nên Thiên Chúa không phải là vô hạn theo bản thể.

NHƯNG. Thánh Damasceno nói: Thiên Chúa là Đấng vô hạn, vĩnh hằng và không thể bị vây bọc.

LUẬN GIẢI. Như nhà Hiền triết đã viết, tất cả các triết gia cựu trào đều cho căn nguyên thứ nhất là vô hạn, vì họ nhận thấy một cách hữu lý là các vật phát xuất cách vô hạn định bởi căn nguyên đệ nhất. Nhưng ví có một số người hiểu sai vể bản tính của căn nguyên đệ nhất, thành thử cũng hiểu sai về sự vô hạn của nó. Quả thực, vì công nhận căn nguyên đệ nhất là chất thể, thành thử họ chủ trương rằng căn nguyên đệ nhất của mọi vật là vật thể vô hạn.

Vậy phải suy rằng, một vật không hữu hạn mới được gọi là vô hạn. Mà chất thể được hạn định cách nào đó bởi mô thể, và mô thể bởi chất thể. Chất thể bởi mô thể, vì trước khi nhận được mô thể, chất thể ở trong tiềm thể để nhận nhiều mô thể; khi đã nhận một mô thể rồi thì bị nó giới hạn. Còn mô thể bởi chất thể, vì mô thể nguyên nó thì chung cho nhiều vật; nhưng vì được đón nhận vào chất thể, thì trở thành mô thể của một vật cách phân minh. Nhưng chất thể được kiện toàn bởi mô thể hạn định nó, vì thế vô hạn, xét như thuộc tính của chất thể, có lý tính của điều bất toàn, vì là như chất thể không mô thể. Trái lại, mô thể không được kiện toàn bởi chất thể, nhưng vì chất thể mà tính phổ đạt của nó bị thu hẹp lại, cho nên tính vô hạn của mô thể, không bị hạn định bởi chất thể, có lý tính của điều hoàn bị.

Vậy điều có tính mô thể nhất của các vật là chính hiện hữu, như đã thấy rõ trên đây (vđ.4, m.1, gđ.3). Mà vì hiện hữu của Thiên Chúa không bị thâu nhận vào chủ thể nào cả: Thiên Chúa là hiện hữu tự lập hữu. Cho nên hiển nhiên Thiên Chúa là Đấng vô hạn và hoàn bị.

GIẢI ĐÁP

1. Do đó, giải đáp cho nghi vấn thứ nhất đã rõ.

2. Giới hạn của lượng là như mô thể của nó: bằng chứng là hình thù, hệ tại giới hạn của lượng, là một thứ mô hình đối với lượng. Vì thế sự vô hạn của lượng là vô hạn về mặt chất thể: thứ vô hạn ấy không thể gán cho Thiên Chúa, như đã nói (1g).

3. Chính vì hiện hữu của Thiên Chúa là tự lập hữu, không được thâu nhận vào chủ thể nào, nên gọi là vô hạn tức là phân biệt với tất cả mọi vật khác, và loại trừ mọi vật khác ra khỏi Người, cũng như nếu có sắc trắng lập hữu, thì chính vì nó không ở trong chủ thể nào, nên khác biệt với mọi sắc trắng hiện hữu nơi một chủ thể.

 


MỤC 2
VẤN ĐỀ 6

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt