Triết học tôn giáo

Vấn đề 4. Về sự hoàn bị của Thiên Chúa. Mục 1

 

VẤN ĐỀ 4

VỀ SỰ HOÀN BỊ CỦA THIÊN CHÚA

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.


 

Sau khi đã bàn về sự đơn thuần của Thiên Chúa, thì phải bàn về sự hoàn bị của Người. Mà phàm một vật hoàn bị thì được gọi là thiện hảo, nên trước hết bàn về sự hoàn bị của Thiên Chúa, rồi bàn đến sự thiện hảo của Người. Về điểm thứ nhất có ba vấn đề được đặt ra:

1. Phải chăng Thiên Chúa là Đấng hoàn bị ?

2. Phải chăng Thiên Chúa thì hoàn bị về mọi mặt đến độ gồm thâu nơi mình những hoàn bị của mọi vật ?

3. Phải chăng có thể nói các vật thụ tạo thì giống như Thiên Chúa?

 

MỤC 1

Phải chăng Thiên Chúa là Đấng hoàn bị ?

 

NGHI VẤN. Hình như nói “Thiên Chúa hoàn bị” là điều không phù hợp.

1. Hoàn bị là được hoàn chỉnh, là được làm xong hoàn toàn. Nhưng Thiên Chúa đâu có được ai tác tạo. Cho nên Ngài không hoàn bị.

2. Thiên Chúa là nguyên lý đệ nhất của muôn vật. Nhưng hình như nguyên lý của vạn vật thì không hoàn bị: mầm sống là nguyên lý của động vật và của cây cối. Cho nên Thiên Chúa thì không hoàn bị.

3. Như đã chứng minh trên (vđ.3, m.4), yếu tính của Thiên Chúa cũng là hiện hữu của Người. Nhưng hình như hiện hữu thì cực kỳ bất toàn: vì là điều rất chung và đón nhận mọi thêm thắt. Cho nên Thiên Chúa thì không hoàn bị.

NHƯNG. Tin mừng có viết: “Anh em hãy nên hoàn bị như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn bị”.

LUẬN GIẢI. Như nhà Hiền triết ghi lại, sở dĩ một số triết gia cổ thời, như nhóm Pythagore, Speusippe không cho nguyên lý đệ nhất là tuyệt hảo và thập toàn là vì những triết gia thời đó chỉ để ý đến căn nguyên chất thể: nhưng căn nguyên chất thể đệ nhất thì hoàn toàn không hoàn bị. Vì chất thể, xét như chất thể, thì ở trong tiềm thể, cho nên căn nguyên chất thể đệ nhất phải ở trong tiềm thể đến tột mức; và như thế thì hoàn toàn không hoàn bị.

Nhưng Thiên Chúa không phải là căn nguyên chất thể đệ nhất, nhưng là căn nguyên tác thành: và do đó phải cực kỳ hoàn bị. Như chất thể, xét như chất thể, thì phải ở trong tiềm thể, cũng vậy tác căn, xét như tác căn, phải ở trong hiện thể. Cho nên căn nguyên chủ động đệ nhất phải ở trong hiện thể cách tuyệt mức: và do đó phải cực kỳ hoàn bị. Bởi vậy phàm chi càng ở trong hiện thể thì càng hoàn bị: ta gọi điều hoàn bị là điều không thiếu chi hết về mặt hoàn bị riêng của nó.

GIẢI ĐÁP. 1. Như thánh Gregorio nói: “Chúng ta chỉ có thể nói bập bẹ về những điều cao nhã của Thiên Chúa, nhưng phàm chi chưa được hoàn thành thì, đúng ra, không thể gọi là hoàn bị. Song vì trong những vật đang được hình thành, một vật chỉ được coi là hoàn bị, khi nó từ tiềm thể trở thành hiện thể: rồi tiếng hoàn bị được chuyển nghĩa để chỉ tất cả những chi hoàn toàn ở trong hiện thể, mà không thiếu chi hết, bất kỳ là vật thụ tạo hay chăng.

2. Căn nguyên chất thể, nơi chúng ta là bất toàn, nên không thể là căn nguyên đệ nhất cách đơn thuần, nhưng trước nó đã có cái gì hoàn bị. Như mầm sống, dù là nguyên lý của động vật bởi mầm sống ấy sinh ra, nhưng trước đó đã có động vật hay thảo mộc phát sinh ra nó. Cho nên trước cái ở trong tiềm thể phải có cái khác ở trong hiện thể: vì hữu thể trong tiềm thể chỉ nhờ hữu thể trong hiện thể mới có thể trở thành hiện thể.

3. Hiện hữu là điều hoàn bị nhất trong vật thực hữu: vì là hiện thể đối với mọi vật hiện hữu. Không có chi hiện thực nếu không hiện hữu: vì thế chính hiện hữu là hiện thể của vạn vật và của chính những mô thể. Bởi đó, hiện hữu không tương quan với bất cứ điều nào như chủ thể đón nhận với điều được đón nhận, mà như điều được đón nhận với chủ thể đón nhận. Chẳng hạn khi tôi nói: hiện hữu của người, của ngựa hay của bất cứ vật gì, thì tôi quan niệm hiện hữu như yếu tố mô thể và như điều được đón nhận: chứ không như chủ thể có sở năng hiện hữu.


MỤC 2
VẤN ĐỀ 3

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt