Thuật ngữ chuyên biệt

Siêu việt (sự, tính)

Thuật ngữ Husserl:

 

SIÊU VIỆT (sự, tính)

[Đức: Transcendenz; Anh: transcendence]

Xem thêmNội tại (sự, tính)Duy tâm siêu nghiệm (thuyết)

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20
21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40
                                       

DERMOT MORAN

JOSEPH COHEN

 

Nghĩa đen của chữ “siêu việt” là “trèo qua”, “vượt lên khỏi”, “bước qua”, “vượt qua”, “vượt quá”. Thuật ngữ “sự siêu việt” và thuật ngữ đối chọi với nó là “sự nội tại” (Immanenz/Anh: “immanence”) được Husserl tiếp thu từ triết học cận đại và đặc biệt là từ Kant. Husserl du nhập thuật ngữ này trong Ý tưởng về Hiện tượng học (1907) và phần bàn luận về các hình thức khác nhau của sự siêu việt giữ vai trò trung tâm trong Các ý tưởng I (YN I) (1907). Nó cũng được bàn luận trong Những suy niệm Descartes (SND). Husserl nói về “sự siêu việt” theo nhiều nghĩa. Có giả định của thái độ tự nhiên rằng các đối tượng của nhận thức siêu việt khỏi (vượt ra khỏi) (transzendiert/Anh: “transcend”) chủ thể. Thực vậy, Husserl nói rằng “sự siêu việt” là bộ phận của nghĩa cố hữu của bất cứ thứ gì tồn tại trong thế giới” (SND §11). [Theo “thái độ tự nhiên” ấy], bất cứ đối tượng nào được mang lại trong các Profil (“trắc diện”/Anh: profiles) cũng đều siêu việt khỏi dòng ý thức nội tại. Husserl nói đến một nghĩa của sự siêu việt như là sự giả định rằng đối tượng của nhận thức siêu việt hay vượt ra khỏi hành vi nhận thức và không thực sự được chứa đựng trong hành vi ấy. Husserl phê phán vấn đề nhận thức luận truyền thống về việc làm thế nào tinh thần vượt ra khỏi nó để đạt được nhận thức về các đối tượng bên ngoài (vấn đề đã được Kant trình bày trong Thư gửi Markus Herzt năm 1772) là điều vô nghĩa. Husserl đưa ra một cách giải thích hiện tượng học mới mẻ về sự siêu việt – đó là, “sự siêu việt trong sự nội tại” (SND §47). Theo Husserl, đặc biệt là trong Các ý tưởng I, có nhiều thực thể được [“thái độ tự nhiên”] cho là “siêu việt”, chẳng hạn như vật thể, cái Tôi, ý thức của người khác, thậm chí cả Thượng đế nữa. Vì thế, “vật thể được xem một cách sai lầm, không thích đáng (unqualifiedly) là tự thân mang tính siêu việt” (Các ý tưởng I §42, tr. 90; Hua III/1: 77), tức là, cho rằng nó không phải là một bộ phận nội tại của dòng ý thức đang lĩnh hội đối tượng ấy. Tương tự như thế, cái Tôi - với tư cách là cực chủ thể - không phải là bộ phận nội tại của khách thể. Những cái phổ quát và bản chất cũng là những sự nhất thể mang tính ý thể (ideal unities) siêu việt khỏi ý thức (Các ý tưởng I §59). [Trong khi đó, nơi Husserl], Thượng đế xét như là một “siêu việt thể” bị phương pháp giảm trừ hiện tượng học loại trừ một cách minh nhiên (Các ý tưởng I §58). Cái Tôi thì được coi là “sự siêu việt trong sự nội tại”. Theo thuyết duy tâm siêu nghiệm của Husserl, “sự siêu việt” trong mọi hình thức đều là một đặc điểm nội tại, được cấu tạo bên trong cái Tôi. Bất kỳ ý nghĩa nào và bất kỳ tồn tại nào có thể tưởng tượng ra được, cho dù cái sau có được gọi là nội tại hoặc siêu việt, đều rơi vào bên trong lĩnh vực của tính chủ thể siêu nghiệm, xét như là tính chủ thể cấu tạo nên ý nghĩa và tồn tại.

Đinh Hồng Phúc dịch

Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt