Thuật ngữ tổng quát

Chân lý logic / logical truth

 

CHÂN LÝ LOGIC

(LOGICAL TRUTH)

 

LOGIC HỌC, NHẬN THỨC LUẬN.  Một ký hiệu hay công thức logic có thể là một chân lý logic vì nó đúng trong mọi diễn giải. Một phát biểu hay mệnh đề là đúng về mặt logic nếu nó được suy diễn một cách hợp lệ trong một hệ thống logic. Theo nghĩa này, một chân lý logic nói chung là một định lý của một hệ thống logic. Thông thường hơn, ta nói rằng một phát biểu là một chân lý logic vì nó là một trường hợp của một hình thức logic hợp lệ. Ví dụ: “Một ngôi nhà không thể vừa ấm và vừa không ấm”. Hình thức logic của câu này là “không cả p lẫn không-p”, và vì thế nó phù hợp với nguyên tắc cấm mâu thuẫn. Nếu một phát biểu đúng về mặt logic thì đó là phát biểu phân tích và tất yếu đúng. Trái lại, nếu một phát biểu vi phạm một hình thức hợp lệ về mặt logic, tức là nếu hình thức logic của nó xung đột với một nguyên tắc logic nào đó thì nó sẽ sai về mặt logic hay là một sự sai lầm logic. Nếu một phát biểu sai về mặt logic thì nó tất yếu sai. Các luận giải về loại chân lý logic phụ thuộc vào nghĩa của các từ biểu đạt được chứa trong một mệnh đề đã gặp phải khó khăn từ việc Quine bác bỏ sự phân biệt phân tích-tổng hợp cũng như các khái niệm về đồng nghĩa và nghĩa. Nếu không dựa vào ý nghĩa, một chân lý logic sẽ trở thành bất cứ chân lý nào có thể thu được từ một sơ đồ logic hợp lệ. 


"Một sơ đồ logic là hợp lệ nếu mọi câu có được từ nó bằng cách thay thế các câu bằng câu đơn là đúng. Cuối cùng, một chân lý logic là chân lý có thể đạt được từ một sơ đồ logic hợp lệ.” Quine, Philosophy of Logic


 

Nguồn Từ điển triết học phương Tây của Nicholas Bunin và Jiyuan Yu (Blackwell, 2004)

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt