Thuật ngữ tổng quát

THUYẾT DUY NGHIỆM / EMPIRICISM

 

THUYẾT DUY NGHIỆM / EMPIRICISM

 

NHẬN THỨC LUẬN, SIÊU HÌNH HỌC  Một cách tiếp cận triết học đối với nhận thức và thực tại. Các luận điểm trung tâm của nó là mọi nhận thức hay mọi diễn ngôn có nghĩa về thế giới đều có mối liên hệ với kinh nghiệm của giác quan (gồm cảm nhận bên trong hay nội quan), và các ranh giới của kinh nghiệm khả hữu của giác quan là các ranh giới của nhận thức khả hữu. Các nhà duy nghiệm khác nhau có những quan niệm khác nhau về việc nhận thức dựa trên cảm giác như thế nào. Lợi ích chính của thuyết duy nghiệm là trong lĩnh vực của tri giác bằng giác quan, và nó tiến hành khảo sát chi tiết các vấn đề về tri giác, mối quan hệ giữa dữ kiện-cảm giác và các đối tượng vật chất, vấn đề về thế giới bên ngoài, những kết quả và phương pháp luận của các ngành khoa học. Các tiếp cận này bao gồm tính cụ thể và tính đặc thù, và khuyến khích các chuẩn mực khắt khe về sự rõ ràng và chính xác. Thuyết duy nghiệm tuyên bố rằng các ngành khoa học cung cấp cho ta tri thức tốt nhất về thực tại. Nó hoài nghi sự trừu tượng hóa và khái quát hóa, và bác bỏ mọi yêu sách phi lý và mê tín. Khó khăn chủ yếu mà thuyết duy nghiệm đối mặt là cung cấp một lối giải thích thỏa đáng về những cái phổ quát, và về những chân lý tất yếu tiên nghiệm trong toán học và logic học. Thuyết duy nghiệm tương phản với thuyết duy lý, được hiểu như là một lối tiếp cận nhận thức luận coi nhẹ vai trò của kinh nghiệm giác quan và nhấn mạnh tầm quan trọng trung tâm của chính quan năng lý tính trong nhận thức. Khi thuyết duy lý được hiểu rộng rãi là sự tôn trọng đối với lý tính và sự bác bỏ tính phi lý thì thuyết duy nghiệm là một loại hình của thuyết duy lý. Nền học thuật hiện đại bác bỏ sự phân biệt quá sắc nét giữa thuyết duy lý và thuyết duy nghiệm ở một số triết gia vĩ đại thế kỷ 17.

Thuyết duy nghiệm với tư cách là một truyền thống có thể bắt nguồn từ Aristotle, và đã bám rễ sâu trong truyền thống trí tuệ Anh kể từ thời Trung đại. Các nhà duy nghiệm cổ điển Anh gồm HobbesLockeBerkeley và Hume, và trong thế kỷ 20 RussellAyer, và Nhóm Viên (còn gọi là các nhà duy nghiệm logic) là những đại biểu chính của nó. 

------------------------------------------

"Thuyết duy nghiệm hiện đại được quy định chủ yếu bởi hai giáo điều. Một là niềm tin vào sự phân chia cơ bản nào đó giữa các chân lý phân tích, lấy ý nghĩa làm cơ sở, độc lập với vấn đề sự kiện, và các chân lý tổng hợp, lấy sự kiện làm cơ sở. Giáo điều thứ hai là thuyết quy giản: niềm tin rằng mỗi một phát biểu có nghĩa đều tương đương với cấu trúc logic nào đó dựa trên các hạn từ quy chiếu đến kinh nghiệm trực tiếp." Quine, From a Logical Point of View

------------------------------------------

 

Nguồn: Từ điển triết học phương Tây, (ĐHP dịch).

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt