HIỆN TƯỢNG LUẬN VỀ HIỆN SINH
GS LÊ THÀNH TRỊ
SARTRE VÀ VẤN ĐỀ THƯỢNG ĐẾ
MỤC LỤC Lời nói đầu Mục lục 1. Ý nghĩa tổng quát của triết lý hiện sinh 2. Kierkegaard và vinh nhục của Tín ngưỡng 3. Nietzsche một nỗi buồn của “Bất tử” hay là Ông Hoàng bất mãn của Siêu nhân 4. Karl Jaspers với bóng dáng của Siêu vượt 5. Jaspers và Đường về Lịch sử 6. Jean Paul Sartre hay là từ tiếng sét đêm trường đến giấc mơ Đại Đồng cho nhân loại 7. Dưới mắt Sartre Tự do, Tha nhân và Thượng đế 8. Martin Heidegger một cố gắng hòa hợp Tín ngưỡng và Triết lý Triết lý hiện sinh hay triết lý Hữu Khởi điểm và phương pháp Những luận đề chính yếu Người là hữu tại thể Người là vật bị bỏ rơi Người là hiện hữu hiểu biết Hiện hữu suy luận bằng ngôn ngữ Ưu tư 9. Những hậu đề hiện sinh Tiên quyết của bản thể người Hữu vị tử Trở về với hiện sinh đích thực 10. Diễn tiến tư tưởng của Heidegger Nhân bản trong học thuyết Heidegger Quan điểm tiêu cực Thế nào là chân lý Tiến về Hữu Con đường của kinh hoàng Con đường của triết sử Ý nghĩa Hữu Chân trời Heidegger |
Qua những trình bày trên đây, chúng ta có thể đoán được phần nào quan điểm của Sartre về vấn đề Thượng đế. Lập trường ấy là lập trường vô thần. Sau đây là hai loạt luận cứ của ông:
1. - Tính chất mâu thuẫn của ý niệm Thượng đế.
2. - Tự do nhân loại không chấp nhận một Thượng đế.
Chúng ta sẽ thấy luận cứ thứ nhất thuộc thứ hạng lý thuyết nhiều hơn.
Mâu thuẫn của ý niệm Thượng đế
Cần nhớ lại ý niệm trọng tâm của Sartre về tự ngã và vị ngã, và về tương quan giữa hai thực thể này[1].
Vạn vật tự nó trước hết là những tự ngã, những vật dày đặc, độc lập, tuyệt đối, nhưng đồng thời phi lý, không móc nối với bất cứ một nguyên nhân nào. Và Sartre đã tổng quát hóa sự phi lý ấy cho hữu thể nói chung[2]. Thượng đế, nếu là một hữu thể, thì cũng chỉ là một hữu như trăm nghìn hữu khác, nghĩa là cũng cần được quan niệm như là một hữu thể tự mình không thể là nguyên nhân cho mình, và do đó, là một bất tất tuyệt đối. Nói kiểu khác, Thượng đế không phải là causa sui như triết học cổ điển quan niệm. Người ta thấy hai ý niệm dẫn đạo trong học thuyết của Sartre: sự vật theo nghĩa triết lý không thể là đối tượng nhận thức của khoa học. Cái mà khoa học hiểu như là liên hệ nhân quả chỉ có giá trị trên bình diện hiện tượng thực nghiệm khoa học hoặc kiến thức nhân loại không thể nào đạt tới sự vật như là sự vật. Cho nên ta không thể nào đặt vấn đề nền tảng cho sự vật, và ta chỉ có thể nói sự vật không có nền tảng, sự vật là bất tất. Mọi ý niệm về tất yếu gán cho sự vật không thể chấp nhận được. Bởi vì, nói tất yếu là nói tới nhân quả, mà theo Sartre không có tương quan giữa vạn vật thì làm sao nói đến nhân quả được. Một khi Thượng đế đã là bất tất, thì sẽ không phải là Thượng đế như thường được hiểu. Chúng ta không cần phải và không thể nghĩ đến Thượng đế, vì không làm gì có một Thượng đế tất yếu cả. Theo nghĩa đó, Thượng đế sẽ là một ý niệm mâu thuẫn: Thượng đế là một tự ngã bất tất, nhưng thiết yếu!
Kant đã đưa Thượng đế qua đó dấu kín bên kia thế giới vật tự tại (chose-en-soi). Nhưng Kant không phủ nhận Thượng đế. Trong khi đi, chịu ảnh hưởng những luận cứ của ông tổ phê phán lý trí, Sartre ngang nhiên phủ nhận mọi tin tưởng và Thượng đế, dầu là Thượng đế của tình cảm hoặc của đạo đức thực hành.
Khi mà Thượng đế là phi lý, tự mình không có lý do cho hiện hữu của mình, thì còn nói gì đến chuyện làm nền tảng cho vạn vật. Mặt khác, theo định nghĩa, mỗi vật là một tự ngã tuyệt đối độc lập, nếu nói rằng tất cả mọi vật đều do một Thượng đế sáng tạo thì điều ấy sẽ mâu thuẫn với ý niệm tự ngã đã đành, mà Thượng đế cũng sẽ không còn là Thượng đế sau khi sáng tạo. Vì vật tự ngã sẽ hoàn toàn tự lập, không một tương quan nào với Thượng đế và Thượng đế sẽ không bao giờ có một uy quyền nào đối với thọ tạo. Nhưng, một Thượng đế như vậy là vô nghĩa. Thành ra quan niệm sáng tạo là phi lý và mâu thuẫn với định nghĩa tự ngã.
Nhưng tại sao lại có vấn đề đi tìm nền tảng cho vũ trụ? Tại sao lịch sử triết lý từ mấy nghìn năm là một cố gắng không ngừng vươn lên với Thượng đế như là Hữu tối thượng giải thích hiện hữu của vạn vật bất tất? Hay nói theo Leibniz, tại sao lại phải giải quyết nguyên lý túc lý (principium rationis). Heidegger đưa ra ý kiến rằng sở dĩ người xưa đã không thoát khỏi bế tắc “siêu hình” do nguyên lý ấy đặt ra, vì người xưa đã không phân biệt được hữu thể (être) và hiện thể (étant). Còn Sartre cho rằng việc nhân loại đi tìm Thượng đế như là nguyên nhân và nền tảng vũ trụ là do một ước vọng đặt nền tảng và khuynh hướng suy diễn tự nhiên của con người muốn “tìm một nối kết giải thích với một nền tảng thực hữu” (rattachement explicatif à un fondement réel). Nói khác đi, cái gọi là nền tảng vũ trụ chỉ là một ý niệm bắt nguồn ở ý niệm về bất tất nói chung, chứ không làm gì có một nền tảng nào thực hữu đối với các vật đơn thù (singulier) độc hữu và độc lập, tự ngã như đã nói trên.
Từ phủ nhận Thượng đế sáng tạo, Sartre đi đến chỗ mỉa mai mọi giải thích cổ điển về một sáng tạo từ hư không (création ex nihilo). Sáng tạo đã không quan niệm được đã đành, mà sáng tạo từ trong hư vô lại càng thậm ư phi lý và mâu thuẫn. Sartre dựa vào hai lập luận sau đây, một có tính chât tâm lý và nhận thức luận, một mang màu sắc hữu thể luận. Trước hết, vũ trụ hoặc vạn vật, ông nói, trước khi được sáng tạo (theo giả thuyết là có sáng tạo), thì đã có ở trạng thái “nội chủ thể” (intra-subjectif) trong Thượng đế. Thượng đế không cần hình dung (représenter) mà cũng không có thiện chí sáng tạo. Bởi vì cái gì có nơi Thượng đế, đều là cái có thực hữu cả rồi, hà tất phải sáng tạo mới hình thành. Nói khác đi, vũ trụ không phải là từ hư không nếu có Thượng đế: ý niệm ấy sẽ mâu thuẫn với ý niệm Đấng sáng tạo. Lý do thứ hai Sartre đưa ra là: trong trường hợp vũ trụ được sáng tạo như người ta thường hiểu, và vũ trụ là sản phẩm huy hoàng của Thượng đế, thì phải nói rằng trước khi vũ trụ hình thành, Thượng đế còn là một hữu khuyết nhược, không toàn thiện như Descartes muốn tin tưởng, ý niệm sáng tạo từ hư không mâu thuẫn với Thượng đế sáng tạo là như vậy.
Nói vắn lại, ý niệm về bất tất tổng quát đã là nguồn gốc của vấn đề Thượng đế, nhưng đồng thời là sự thất bại của Thượng đế. Thượng đế không thể suy diễn như một thực hữu từ sự bất tất tổng quát ấy, phương chi lại là một Thượng đế cần thiết là điều tối ư nghịch lý. Chúng ta thấy, theo chân Kant, Sartre phủ nhận mọi luận cứ vũ trụ luận (argument cosmologique) về Thượng đế, nhưng ông phối hợp cả hai quan niệm của ông về tự ngã và hiện tượng để làm công việc phủ nhận ấy. Thượng đế là một tự ngã, giá trị và thực chất ngang hàng với các tự ngã khác. Chúng ta không thể đạt đến Thượng đế như là một nền tảng ở ngoài thế giới hiện tượng. Chung qui lại, không có Thượng đế trong vũ trụ luận.
Nhưng liệu chúng ta có gặp được nơi lý chứng hữu thể luận một kết luận nào khả dĩ thuyết phục được lý trí không? Chúng ta biết rằng lý chứng về khả thể của một Thượng đế là lý chứng do Leibniz đưa ra. Triết gia này nói rằng cái gì có thể, cái đó có thể hiện hữu, khả thể là khuynh hướng đến hiện hữu. Khả thể càng nhiều, súc tích, thì hiện hữu càng có cơ hình thành. Theo nguyên tắc ấy, Thượng đế vì được quan niệm như là một khả thể phong phú nhất, đầy đủ nhất, tuyệt đối nhất, nên Thượng đế là một hiện hữu, và sự hiện hữu ấy là tất yếu. Nói kiểu khác, khả thể và hiện hữu là một nơi Thượng đế. Trong cuốn Phê phán lý trí thuần túy, Kant đã không thấy rõ ý kiến ấy của Leibniz. Sartre than phiền ông này đã không khai triển thêm học thuyết của mình về khả thể. Tuy nhiên, theo Sartre, sở dĩ Leibniz không khai triển thêm là vì không khai triển được. Khả thể, Sartre nói, không thể có ở ngoài hiện hữu. Nói khác đi, khả thể xét theo là khả thể là một cái không có, và tự nó không dẫn đến một hữu thể cần thiết được. Không thể suy diễn hiện hữu từ một khả thể thuần túy. Thành ra luận cứ hữu thể luận không có giá trị gì hết[3]. Sartre quan niệm rằng hiện hữu là chỗ xuất phát của mọi khả thể. Do đó, không thể đi từ khả thể hoặc ý niệm khả thể đến hiện hữu, dầu là hiện hữu của Thượng đế.
Chiếu theo quan điểm ấy, ông phủ nhận một lần nữa công trình sáng tạo của Thượng đế, và một cách gián tiếp, hiện hữu của Thượng đế: “… làm cho khả thể có khuynh hướng đến hữu thể, điều đó có nghĩa rằng hoặc khả thể vốn đã là của hữu đầy đủ, và nó cũng có một kiểu hữu như hữu thể - như khi ta nói nụ hoa có khuynh hướng trở thành bông hoa - hoặc khả thể trong trí tuệ Thượng đế đã là một ý lực và khi tối đa ý lực được tổ chức thành hệ thống thì tự động làm cho ý chí Thượng đế hoạt động. Nhưng trong trường hợp thứ hai này, chúng ta không thể ra khỏi chủ quan. Nếu định nghĩa khả thể như là không mâu thuẫn, thì khả thể chỉ là tư tưởng của một hữu thể có trước thế giới hữu hình, có trước kiến thức thuần túy về thế giới như ta thấy bây giờ. Trong cả hai trường hợp, khả thể mất hết bản tính khả thể của nó và hòa tan cả vào hữu chủ quan của hình dung”[4]. Sartre đã đồng nhất khả thể với hiện hữu một đàng, nhưng đàng khác nhấn mạnh đến hiện hữu như là điều kiện khả thể của khả thể. Khả thể tự nó không có nghĩa gì cả nếu không là khả thể của một hiện hữu. Khả thể cũng không phải là một ý niệm, bởi vì “khả thể tính, theo bản chất của nó, không thể đồng nhất với suy tưởng thuần túy về các khả thể” (Mais précisément la possibilité ne peut, par essence, coincider avec la pure pensée des possibles)[5].
Khả thể là một khả thể của một hiện hữu. Nhưng không phải bất cứ một hiện hữu nào cũng có khả thể. Thực vậy, dưới mắt Sartre, danh từ khả thể chỉ có thể hiểu về một hiện hữu duy nhất: người. Người khả thể vì người là thời tính, sống trong thời gian, và do thời gian kiến tạo. Hơn nữa, cái mà ta gọi là khả thể cũng như thời gian nơi sự vật và trong vũ trụ, là do sự hiện diện của thực tại nhân sinh. “Le possible vient au monde par la réalité humaine”[6]. Người đem khả thể vào thế giới, vì người chính là khả thể biến diễn và hình thành theo hướng vị tha. Hướng vị tha là hướng của vị ngã như đã nói. Trong hướng ấy, vị ngã hoạt động theo nguyên lý hư vô hóa vạn vật, và trước hết hư vô hóa chính tự ngã của mình. Cho nên khả thể là một phương diện của sự biến hóa từ tự ngã đến vị ngã: “Vậy, để có khả thể, thì thực tại người, xét theo bản chất của nó, phải khác với chính nó. Cái khả thể ấy là cái yếu tố của vị ngã, và theo bản chất thoát khỏi vị ngã vì chính nó là vị ngã. Khả thể là một bộ mặt mới của sự hư vô hóa tự ngã thành vị ngã”[7].
Chúng ta vừa nói, người là một khả thể hướng đến tha hữu. Sự tha hướng ấy, như ta đã biết, làm nên cái gọi là hữu vị tha. Một cách tổng quát hơn, tôi vừa là hữu vị tha vừa là hữu vị ngã, và hữu vị tha sở dĩ có là vì hữu vị ngã, nhưng hữu vị ngã bao giờ cũng hướng đến việc tạo ra hữu vị tha. Hữu vị tha là một hữu chỉ hiện hữu như là không phải là sự vật mà nó đồng hóa và là sự vật mà thực ra nó không đồng nhất được (Le pour soi nous est apparu come un être qui existe en tant qu’il n’est pas ce qu’il est et qu’il est ce qu’il n’est pas). Nói một cách khác, sự vật và vị ngã tuy hai mà một, và tuy một mà hai.
Tha hữu nói chung gồm vạn vật, và đặc biệt tha nhân đồng loại với tôi. Vũ trụ thiên si vạn biệt, mênh mông như trời biển, không bao giờ ý thức hay vị ngã tôi múc cạn được, đó là cả một đại dương bất tận, khiến con thuyền nhân sinh của tôi không ngừng căng buồm tiến tới, luôn luôn không thỏa mãn nhưng luôn luôn hướng về chân trời xa mờ. Hiện tượng ấy làm nên cái Sartre gọi là phi hữu ngoại tính của tôi (mon non-être d’extériorité), hay chính hữu vị tha của tôi cũng thế. Tuy nhiên, mặt khác, tôi đồng thời là tất cả những gì có trong vũ trụ, tôi là toàn thể vũ trụ trong ý hướng theo mọi chiều hướng và kích thước của danh từ. Cho nên cái mà Descartes gọi là ý niệm toàn thiện, tựu trung bắt nguồn ở chân trời hiện sinh của ý hướng ấy. Và sự kiện ấy cũng giải thích thêm rằng tại sao vị ngã luôn luôn tự kéo mình ra khỏi tình thế của tự ngã để hướng về tha hữu. Không thể ôm choàng được tất cả vũ trụ vật lý đã là một đau khổ, nhưng không thể đi vào biên giới của một ý thức khác với ý thức tôi, lại càng đau khổ hơn nữa. Thêm vào đó, con người không phải đối diện với một tha nhân, mà đối diện với vô số ý thức. Bao nhiêu tha nhân, bấy nhiêu ý thức dị biệt. Thành ra tôi là toàn thể vũ trụ, nhưng toàn thể vũ trụ mà tôi là, không phải là một tập hợp vì không bao giờ tôi đếm được cả mà chính là một tổng hợp, nhưng là một tổng hợp không thể quan niệm được, không thể tưởng tượng được. Sartre diễn tả ý niệm toàn thể ấy theo quan điểm của Kant, nhưng triết gia này đã đi từ chỗ phủ nhận khả năng của lý trí đến kết luận rằng việc Thượng đế là đối tượng của tín ngưỡng không những không phi lý mà còn là một đòi hỏi của tâm tình. Trái lại, Sartre dựa vào ý niệm toàn thể để đưa ra một song luận sau đây, mục đích tăng cường thái độ của ông đối với vấn đề Thượng đế. Thượng đế, ông viết, hoặc là một ý thức hoặc là một cái gì bên kia ý thức. Nếu là ý thức, thì Thượng đế là thành phần của toàn thể, không thể tự mình tách khỏi toàn thể được, không thể hiểu mình nếu không thể hiểu toàn thể vũ trụ tự ngã, đặc biệt ý thức của muôn ngàn tha nhân. Ta biết, đã là ý thức, thì tất cả là những hải đảo, đóng kín. Còn nếu Thượng đế là ở bên kia ý thức, thì toàn thể vũ trụ (trong đó có ý thức của con người) sẽ trở nên một đối tượng (objet), một sự vật tự ngã cũng không kém bưng bít đã đành, mà Thượng đế cũng sẽ chỉ là một tự ngã. Hai tự ngã đối diện nhau. Nói khác đi, Thượng đế sẽ không phải là một Chủ thể. Ly tiếp mạnh này đã đưa Sartre đến kết luận: Thượng đế chẳng qua là hình ảnh của chính vị ngã của ta như là một toàn thể theo nghĩa đã nói trên[8].
Một ảo giác khác về Thượng đế bắt nguồn ở việc cá nhân lý tưởng hóa cái nhìn của tha nhân. Khi con người sống trong xã hội thấy mình không thể nào yên thân trước những cái nhìn vụng trộm, xoi bói, của người khác, thì người sẽ đâm ra có mặc cảm mình là một đồ vật bất lực, mặc cho sự phê phán của người khác. Cái nhìn vô danh, vô hình ấy, chính là cái nhìn “người ta” của Heidegger. Sartre nói rằng sự bất lực hư vô hóa tha nhân chính là điều kiện hiện sinh tạo nên ảo giác về khả thể hiện tượng luận của Thượng đế. Chứ thực ra làm gì có Thượng đế. Nếu tôi không bị nhòm ngó, nếu tôi không mang sẵn khả thể xấu hổ trong bản thân, thì vấn đề Thượng đế cũng không đặt ra. Sartre muốn nói Thượng đế là sản phẩm của cuộc sống ngột ngạt trong xã hội. Chỉ có thế thôi: “Vậy mà, cái “người ta”, chủ thể trước mặt chủ thể ấy tôi xấu hổ, nếu tôi quan niệm rằng nó không thể biến thành đối tượng mà không phân tán ra nhiều tha nhân, nếu tôi đặt định nó như duy nhất tuyệt đối của chủ thể bất khả biến thành đối tượng thì như vậy tức là tôi đặt định tính chất vĩnh cửu cho hữu đối tượng của tôi và tôi sẽ bị xấu hổ vĩnh viễn. Đó là sự xấu hổ trước Thượng đế, đó là sự thừa nhận vật tính của tôi trước một chủ thể không bao giờ biến thành đối tượng được, đồng thời tôi làm cho vật tính của tôi thành tuyệt đối và thành một ngôi vị: sự quả quyết có Thượng đế đi kèm với một chủ trương biến khách tính tôi thành vật tính; nói cho đúng hơn, tôi đặt định cái hữu đối tượng vị Thượng đế của tôi có thực hơn vị ngã của tôi; tôi hiện hữu nhưng bị tha hóa, và tôi tìm học ở ngoài điều mà tôi tự có. Đó là nguồn gốc của sự sợ hãi trước Thượng đế”[9].
Nhưng toàn thể mà tôi là, theo ý nghĩa tôi là hữu vị tha nhân chẳng qua là hình ảnh hoặc hiện tượng của tự ngã. Thực vậy, như ta đã biết, vị ngã theo định nghĩa hướng về tự ngã như là lý tưởng an toàn hạnh phúc, bất diệt. Tất cả mọi hoạt động của hiện sinh nhằm đến việc ý thức tự diệt trong đồng nhất hoàn toàn giữa tự ngã và vị ngã. Tuy nhiên, sự đồng nhất ấy sẽ là một tai họa cho cả tự ngã lẫn vị ngã. Vị ngã là ý thức. Trong ý hướng vươn về và tiến lên một trạng thái bản ngã toàn diện, toàn túc, không thiếu thốn, Sartre thấy rằng trạng thái ấy không thể có ngoài tự ngã. Nói khác đi, toàn thể là một lý tưởng vuốt ve của ý thức, nhưng nếu đạt tới toàn thể ấy thì ý thức sẽ không còn nữa để mà thấy mình toàn diện. Do đó, con người đã sớm Thượng đế hóa sự đồng nhất lý tưởng không bao giờ thực hiện được. Và cũng do đó, con người suốt đời đau khổ. Nói tóm lại, Thượng đế chỉ là một mơ tưởng của con người thấy mình thiếu thốn nhưng lại không ngừng cố gắng diệt trừ sự thiếu thốn ấy. Thượng đế là một ý niệm mâu thuẫn nếu ta chấp nhận với Sartre liên hệ giữa tự ngã và vị ngã, và một vị ngã tự ngã là một bất khả thể. Trên bình diện lý học Sartre đã suy diễn trên liên hệ giữa hai ý niệm bất khả thể và mâu thuẫn. Để thấy lập trường ấy, ta đọc: “Vậy cái hằng vắng mặt ám ảnh vị ngã là chính nó sẽ cứng đờ trong thế tự ngã. Đó là tổng hợp bất khả thể của vị ngã và tự ngã bởi vì, nếu có sự tổng hợp, thì nó sẽ là nền tảng của chính nó, nền tảng ấy không phải là hư vô mà là hữu, và vẫn giữ được nơi nó sự trong suốt thiết yếu của ý thức đồng thời với sự trùng hợp của hữu vị ngã với chính hữu tự ngã. Nó vẫn bảo tồn được nơi nó sự trở về với mình là điều kiện của mọi tất yếu và mọi nền tảng. Nhưng sự trở về với mình được thực hiện không khoảng cách, nên nó sẽ không hiện diện với mình, nhưng là đồng nhất với mình. Nói vắn lại, cái vật ấy sẽ đúng là mình mà chúng ta đã chứng tỏ là chỉ có thể hiện hữu như là tương quan luôn luôn tan biến, nhưng nó chỉ là tương quan theo tư thế một vật có bản thể. Như vậy thực tại con người tự thấy mình đối diện với toàn thể tính của riêng mình hoặc đối diện với mình như là thiếu cái toàn thể tính ấy, và tự nhiên, thì toàn thể tính ấy không làm gì có được, vì là một toàn thể hội đủ những tính cách vốn không hợp nhau của tự ngã và vị ngã. Và không lạ gì khi con người tự ý bày đặt ra một vật như vậy, nghĩa là khi toàn thể tính vốn không có ấy được tưởng tượng đến độ thành một ngôi vị ở bên kia thế giới, thì đó là Thượng đế. Thượng đế là một vật theo nghĩa tích cực, nền tảng của vũ trụ, đồng thời là một vật không phải là cái nó phải, và là cái nó không phải, nó là ý thức về mình và nền tảng thiết yếu của mình? Con người vốn đau khổ, bởi vì từ khi làm người, nó luôn luôn bị ám ảnh bởi cái toàn thể tính, nó là toàn thể tính trong mơ ước, nhưng không thể thực hiện được toàn thể tính ấy, vì không thể đạt tự ngã mà không tự hủy thành vị ngã. Vậy người bản chất là ý thức đau khổ, không bao giờ vượt khỏi tình trạng khốn khổ cả”[10].
Đây là suy diễn lý thuyết của Sartre về vấn đề Thượng đế. Để phổ biến lập trường ấy, và để gây một phong trào vô thần hiện sinh trong quần chúng, Sartre đã cho xuất bản rất nhiều tác phẩm thuộc loại tiểu thuyết hoặc tuồng kịch, trong đó ông châm biếm, mỉa mai, tất cả mọi quan điểm hoặc tin tưởng hữu thần. Chẳng hạn trong vở kịch Le Diable et le Bon Dieu, Sartre đã nhảy mẩng theo bài ca của Nietzsche trong miệng lưỡi Goetz: “Heinrich, je vais te faire connaitre une espi èglerie consid érable: Dieu n’existe pas. Il n’existe pas. Joie, pleurs de joie! Alleluia. Fou! Ne frappe pas: je vous délivre. Plus de ciel, plus d’Enfer rien que la Terre”.
Vở kịch Les Mouches ghi rõ: “Này Oreste, Ta đã tạo nên con, và Ta đã tạo ra muôn vật: con hãy nhìn. Con hãy nhìn thấy các tinh tú kia luân chuyển không bao giờ đụng nhau. Ta đã phân định đường đi của chúng theo lẽ công chính. Con hãy nghe hòa tấu của các thiên cầu, ca khúc Tạ ân vĩ đại và bất diệt, đang vang dội bốn phương trời. Ta làm cho các loài vật tồn tại. Ta đã truyền rằng một người luôn luôn sinh ra một người, và con của chó là một con chó, Ta bảo các lưỡi hiền từ của thủy triều đến liếm vào cát và rút lui đúng giờ, Ta làm cho các cây cối lớn lên, và hơi thở của Ta điều khiển quanh quả đất những ánh mây vàng nhụy” (Acte III, SC-II). Chúng ta thấy Sartre diễu cợt tất cả mọi cố gắng tìm Thượng đế trong trật tự vũ trụ hoặc trong nguyên lý nhân quả. Tất cả chỉ là bất tất tuyệt đối.
Thượng đế hoặc tự do
Luận cứ thứ hai, Sartre muốn đưa ra để chứng minh phi hiện hữu của Thượng đế là sự hiện hữu ấy sẽ có nghĩa là phủ nhận Tự do của con người, là bóp chết Tự do cá nhân.
Tự do là tự tạo. Chúng ta đã bàn đến thực chất của tự do con người. Tự do ấy là nguồn gốc hiện sinh và thiết yếu hình thành một cách cụ thể trong thời gian. Tự do không là sản phẩm của ai khác ngoài chính chúng ta ra. Mỗi người là một tự do tuyệt đối, không lệ thuộc vào bất cứ một nguyên nhân nào. Vì thế không được phép quan niệm tự do như là một khả thể hoặc một bản thể có sẵn khi mới sinh ra, tệ hơn nữa, bản thể ấy do một Đấng sáng tạo phú bẩm cho. Nói khác đi, tự do tự mình tạo cho mình một bản thể trong thời gian. Có hiện sinh rồi mới có bản thể, và bản thể ấy thiết yếu dở dang, không bao giờ hoàn tất. L’Existence précède l’essence là như vậy. Nói người là nói phi hữu của Thượng đế. Trong cuốn Hiện sinh chủ nghĩa là một nhân bản, Sartre viết: “… con người có đã, rồi mới gặp nhau, mới vào đời, và tự xác định về sau. Con người theo như chủ nghĩa hiện sinh quan niệm, sở dĩ không định nghĩa được, là vì đầu tiên nó không là gì cả. Về sau nó mới thành và sẽ thành như nó tự tạo thành. Vậy không làm gì có nhân tính vì không có Thượng đế để quan niệm nó. Con người không những như nó tự quan niệm, mà còn như nó tự muốn, và vì nó tự quan niệm sau khi hiện hữu, nên người không là cái gì khác hơn điều nó tự tạo… Chúng ta muốn nói rằng, người hiện hữu trước, người là trước hết cái gì tự ném mình vào tương lai, và cái gì ý thức được cái việc tự phóng vào tương lai. Người là trước hết một dự phóng… không có gì hiện hữu trước dự phóng ấy”[11].
Do đó, không làm gì có cái gọi là nhân tính theo nghĩa cổ điển. Mỗi người tự tạo cho mình một bản thể riêng, mỗi người tự xác định lấy cho mình một ý nghĩa, ý nghĩa ấy chính là cuộc đời của mình vậy[12].
Bởi vì tự do là tuyệt đối, cho nên tự do không chịu trách nhiệm với Thượng đế nào cả. Không có Thiện Ác, hoặc có là do sự thiếu thốn cố hữu của con người, thế thôi. Người ta sở dĩ đã là nô lệ cho thiện ác, vì người ta đã bày đặt ra Thượng đế. Ảo giác Thiện Ác ấy được Sartre mỉa mai mô tả như sau: “Ai cho mầy vào, đây không phải nhà mầy, mầy ở trong thế giới như gai sắt đâm vào thịt, như tên cướp đường chui vào rừng vua chúa: vì thế giới vốn tốt lành, nên Ta đã tạo dựng nên mầy theo như ý muốn của Ta mà Ta là Thiện. Nhưng mầy đã làm bậy, và muôn vật nghẹn ngào thinh lặng tố cáo mầy: Thiện ở khắp mọi nơi, Thiện là tủy nhựa rong biển, là mát lành của nguồn nước, là hòn đá lửa, là trọng lượng của đá, mầy gặp Thiện cả trong tính chất của lửa và ánh sáng, đến như thân xác mầy cũng nói lên Thiện, vì thân xác mầy tuân theo huấn lệnh Ta. Thiện ở trong mầy, ngoài mầy: nó như một lưỡi hái đưa vào mầy, như một quả núi đè bẹp mầy, như một biển cả mang mầy và lăn tròn mầy, chính nó cho phép việc làm xấu của mầy có hậu quả, nó đã là ánh sáng của cây nến, là sự cứng rắn của lưỡi gươm mầy, là sức mạnh của chiếc gươm mầy, là sức mạnh của cánh tay mầy. Và cái Ác mà mầy hãnh diện, nó là gì, nếu không là một phản ánh sáng của hữu thể, một giả kế, một hình ảnh của lừa đảo, sở dĩ có được là nhờ Thiện. Này Oreste, mầy hãy trở về trong mầy… Hãy tìm biết lỗi mầy… Sợ rằng mầy đến biển, biển sẽ lùi, mầy đi đâu suối sẽ cạn đó, và hai bên đường mầy đi từng hòn đá và tảng đá sẽ vội lăn xa mầy và đất sẽ mủn ra dưới bước chân mầy” (Les Mouches Act. III).
Nhưng, đó là tưởng tượng thuần túy. Hơn nữa, có bao giờ tôi nghe một Thượng đế nào nói với tôi đâu. Mà bao giờ cũng chỉ là tiếng nói của lòng tôi, của mơ tưởng bản thân tôi. Thực vậy, Thượng đế chỉ là một thay thế cho lý tưởng đeo đuổi của tôi. Nếu chẳng may có Thượng đế, thì tôi còn biết sử dụng tự do tôi cách nào nữa. Nói khác đi, khi tôi chửi bới, khi tôi hối hận, khi tôi tự tố cáo, cũng như khi tôi nhảy mừng trong chọn lựa một việc gì, nghĩa là khi tôi chọn lựa như là một điều Thiện, thì tất cả là do chọn lựa, quyết định của tôi. Tôi tạo ra điều Ác, cũng như tôi làm nên điều thiện. Thiện Ác là do Tự do chọn lựa, chứ không do Thượng đế nào cả. Vì vậy, một là chấp nhận có Thượng đế, hoặc là phủ nhận tự do của tôi, nghĩa là phủ nhận chính tôi. Sartre đã chọn tự do: “Tôi vốn nại xin Thượng đế, tôi đã xin một dấu hiệu, tôi đã gửi lên trời nhiều thông điệp: không có trả lời. Trời không biết đến cả tên tôi. Mỗi phút tôi hằng xin cho biết tôi có thể như thế nào trước mắt Thượng đế. Bây giờ thì tôi đã biết câu trả lời: không có gì cả. Thượng đế không thấy tôi. Thượng đế không nghe tôi. Thượng đế không biết tôi. Mầy có thấy rằng cái trống rỗng kia bên trên đầu chúng ta chính là Thượng đế? Mầy có thấy cái bộng này trong mặt đất không? Đó cũng là Thượng đế nữa. Im lặng, chính là Thượng đế. Vắng mặt, chính là Thượng đế. Thượng đế là cô đơn của người. Chỉ có một mình tôi: tôi đã một mình quyết định lấy sự Ác, một mình bày ra cái Thiện. Chính tôi đã lừa đảo, chính tôi đã làm nên phép lạ, chính tôi tố cáo tôi hôm nay, tôi một mình giải tội cho tôi, tôi, con người. Nếu Thượng đế hiện hữu, thì con người là hư vô…” (Le Diable et Le bon Dieu).
Nói tóm lại, có người mới có thưởng phạt, công tội, tốt xấu. Nhưng tất cả những hiện tượng hay sự kiện ấy đều là sản phẩm của tự do con người. Người là tác giả của những cái đó. Người là thẩm phán đầu tiên và cuối cùng trong việc ấn định, công tội, tốt xấu.
Nếu Thượng đế hiện hữu thì người là hư vô
Chúng ta vừa nói Sartre chọn Tự do và vứt bỏ Thượng đế. Hai ý niệm ấy không thích hợp với nhau. Khác với những phân tách trong quan điểm thứ nhất, ở đây Sartre không sử dụng nguyên lý mâu thuẫn, mà chỉ kêu gọi đến sự bất thích hợp giữa Thượng đế và con người. Nói khác đi, trong luận cứ dựa vào sự mâu thuẫn của một ý niệm Thượng đế, Sartre đã đứng ở quan điểm cổ điển, quan điểm của hữu thể luận, mà phi bác hiện hữu Thượng đế. Còn ở đây, ông chỉ muốn đưa ra những nhận định hiện tượng luận về sự bất thích hợp nói trên. Ông muốn cho con người là tất cả, trên tất cả, ông muốn mỗi người là một Từ Hải của Nguyễn Du ở trên mặt đất này.
Đối với ông, Oreste là mẫu người lý tưởng, là hình ảnh xa mờ của những ngày tháng thiếu thời của cậu Sartre. Khi còn nhỏ, Oreste không biết rằng Egysthe đã giết cha mình, đã cướp mẹ mình, và nhờ đó Egysthe đã chiếm được ngôi vị Hoàng đế. Lớn lên, Oreste mới hay mình là con Agamemnon và phải là người kế vị pháp lý của xứ Argos. Trở về quê quán, mang theo cả một hành trang đạo lý, giáo điều đã được nhồi sọ ở ngoại quốc, Oreste đã không phải chờ đợi lâu để nhận thấy sứ mạng của mình đối với quê cha đất tổ. Sau khi tình cờ gặp được người chị tên là Electre, và được chị tiết lộ cho biết sự tình sau trước đã xảy ra cho gia đình, nhân danh tự do mà hành động. Hắn đã giết Egyste, giết luôn cả người mẹ, và hành động đó chính là cái định nghĩa thế nào là Oreste, nghĩa là thế nào là Tự do. Hắn thành thực nói với chị hắn như sau: “Này Electre, em vốn tự do, tự do như làn sét đã đánh xuống trên mình em… Chị Electre, em đã làm động tác của em và động tác ấy tốt… Đến cả hôm qua đây, em còn đi thơ thẩn trên mặt đất, em thấy hàng ngàn vạn con đường chạy trốn dưới bước chân em, bởi vì những con đường ấy là của kẻ khác. Em đã mượn để đi… nhưng không một con đường nào là của em cả. Hôm nay, chỉ còn một con đường và không biết sẽ đưa tới đâu, nhưng là con đường của em”… (Les Mouches).
Con đường ấy là Tự do, con đường của một hành khách không vé tàu, không căn cước, mà thái độ chính yếu là chống đối, chống đối đến cùng. Cho nên dầu có Thượng đế đi nữa, thì Thượng đế ấy cũng sẽ không một mảy may nào ảnh hưởng đến tự do của con người. Sartre đã chứng minh điều đó qua cuộc đối thoại gay cấn giữa Oreste và Jupiter.
Jupiter: - “Ta không phải là Vua mầy, con sâu dơ bẩn kia. Vậy kẻ nào đã tạo nên mầy?
Oreste: - Thì chính Ngài, nhưng chẳng thà đừng cho tôi tự do.
Jupiter: - Ta đã cho mầy tự do để phụng sự Ta.
Oreste: - Có lẽ, nhưng tự do của tôi đã trở lại chống Ngài, và cả hai chúng ta, Ngài và tôi, chúng ta không làm gì khác được.
Jupiter: - À, thì ra, đó là lời chữa lỗi?
Oreste: - Tôi không chữa lỗi cho tôi.
Jupiter: - Thật không? Mầy có biết rằng cái tự do mà mầy là nô lệ, nó giống nhiều lắm với một sự chạy tội?
Oreste: - Thưa Ngài Jupiter, tôi không phải là ông chủ, mà cũng chẳng là nô lệ. Tôi là tự do của tôi. Khi Ngài vừa dựng nên tôi, thì tôi đã không còn là của Ngài nữa”.
Một lần nữa, ta trở lại cái nhìn của Sartre. Nếu có Thượng đế thì đó là một ý thức siêu vượt luôn luôn nhìn thấy tôi và không bao giờ tôi nhìn thấy Thượng đế. Vậy đối với và trước cặp mắt Thượng đế, tôi sẽ bị dồn vào thế của một đồ vật nhìn ngắm do chính Thượng đế. Sartre nói, cái nhìn ấy, cái nhìn của Thượng đế là “tinh túy của tha nhân” hay là tha nhân tinh túy (quintessence d’autrui), và tôi sẽ là một sự vật không hồn. Đó là một giả thuyết không thể nào chấp nhận được, bởi lẽ, tôi không phải là một sự vật, tôi là một tự do, tôi là một vị ngã kia mà. Sự kiện tôi là một vị ngã tự do chứng tỏ Thượng đế không có. Ta có thể nói vào với Sartre rằng ý thức bất khả thể về sự phi hữu của tự do tôi là một điều kiện khả thể của phi hữu Thượng đế.
Một vài nhận định phê bình
Đến đây, chúng tôi nghĩ rằng đã dẫn chứng quá nhiều, mặc dầu còn thiếu sót, thái độ và suy tư vô thần của Sartre. Tuy trình bày vội vã, mấy trang trên đây nói được là tạm đủ để độc giả phần nào thấy được những nét chính yếu Sartre đưa ra về vấn đề Thượng đế.
Như chúng ta đã nói, triết gia Sartre đã dựa trên hai quan điểm quan yếu: ý niệm Thượng đế có tính cách mâu thuẫn và đi ngược lại ý niệm Sartre về tự do con người. Chúng ta sẽ nghĩ gì về các luận cứ của Sartre?
Thượng đế của Sartre là một chuyên viên kỹ thuật
Trước hết, trong đầu óc Sartre, Thượng đế đã được hình dung như là một nhà điêu khắc, một viên kỹ sư. Ta hãy nghe ông nói: “Khi ta quan niệm một Thượng đế sáng tạo, thì thường đó là Thượng đế đồng hóa với một người thủ công nghệ thượng thặng; và bất cứ một học thuyết nào ta nghiên cứu, học thuyết Descartes cũng như học thuyết Leibniz, ta đều thừa nhận rằng ý chí nhiều ít theo sau sự hiểu biết hoặc nhiều ít đi kèm với sự hiểu biết; và khi Thượng đế sáng tạo, thì biết rõ mình sáng tạo. Vậy quan niệm về người trong trí Thượng đế được đồng hóa với quan niệm con dao cắt giấy trong trí nhà kỹ nghệ; và Thượng đế sản xuất ra người theo các kỹ thuật và một quan niệm, giống hệt như người thủ công nghệ chế tạo một con dao cắt giấy theo một định nghĩa và một kỹ thuật. Vậy con người cá nhân cũng có được một quan niệm nào đó có ở trong trí hiểu Thượng đế” (l’Existentialisme est un humanisme).
Như vậy, Thượng đế là một kỹ sư thượng thặng, một vĩ nhân, một thiên tài vô tiền khoáng hậu. Nhưng tại sao Sartre lại có quan niệm ấy?
Thượng đế của Sartre là Thần tượng của Chủ nghĩa Duy thần (Déisme).
Để trả lời câu hỏi đó, trước hết ta nói rằng thái độ của Sartre là một phản ứng rất thông minh chống lại những gì Sartre đã được nhồi sọ trong thời niên thiếu, và do đó, chống lại những tin tưởng ngay thơ của đa số quần chúng xung quanh ông, kể cả những kẻ có trách nhiệm trong việc truyền đạo. Người ta đã cầu cứu với Aristotes, với Thánh Thomas, và xem các học thuyết của hai vị này như là những lý chứng quyết định cho việc thuyết phục về hiện hữu của Thượng đế. Rồi từ thái độ ấy, người ta đã không ngần ngại đề cao quan niệm của một Voltaire, chẳng xem Thượng đế như là một bác thợ đồng hồ tuyệt hảo, đã khéo tạo ra vũ trụ này tinh vi và điều hòa, bốn mùa mưa nắng nhịp nhàng. Người ta đã cùng với Chateaubriand ca ngợi “Đấng độc thân muôn đời của các thế giới” (Le Célibataire éternel des mondes) trong cuốn Le Génie du Christianisme. Người ta đã bắt Thượng đế làm một ông trùm Cảnh sát chỉ biết ngày đêm biên phạt. Cao hơn một bực và có vẻ triết lý hơn, người ta đã đi tìm những đồng nhất giữa Lý nhất quán của Nho học hoặc chữ Đạo huyền nhiệm của Lão trang với ý niệm Thượng đế của Thiên Chúa giáo. Để chắc chắn hơn, xã hội Tây phương đã có những thời kỳ đồng minh với khoa học để làm nhân chứng cho Thượng đế.
Do ảnh hưởng của Fichte, của Schelling, một số triết gia hữu thần đề cao và tuyên xưng tin tưởng vào một Thượng đế độc ngôi (unipersonnel), siêu việt, riêng biệt với vũ trụ và sáng tạo vũ trụ. Thượng đế của họ là một Thượng đế được lý tính hóa, không cần biết đến Thượng đế của mặc khải Phúc âm. Thái độ lý trí ấy đã khiến cho J. P. Sartre không do dự đả kích và mỉa mai: Thượng đế của thuyết hữu thần là nguồn gốc những nét hoạt kê trào lộng vô thần trong các tác phẩm Sartre. Thực vậy, khi Thượng đế được quan niệm là một ngôi vị độc nhất, thì Thượng đế ấy sẽ được hiểu như là một cá nhân cô độc và độc thoại, buồn tẻ, giá lạnh. Việc sáng tạo ra vũ trụ không nhằm mục đích nào khác hơn là để phá tan sự cô đơn ấy, để tạo nên một vũ trụ tiêu khiển, giải trí. Khi một Thượng đế là một cá nhân, thì dễ đưa đến quan niệm rằng đó là một người cảnh sát, một ông ngoáo ộp, chỉ biết bắt nạt hoặc biên phạt chúng sinh. Khi một Thượng đế là một ngôi vị duy nhất thì không còn phải là tình thương nữa, vì yêu thương là thông cảm giữa các ngôi vị với nhau. Khi một Thượng đế là độc vị thì Thượng đế ấy sẽ là chúa tể ghen tuông với tình yêu giữa người với người. Cho nên chúng ta không lạ khi Oreste hoặc Goetz đã có những lời hoặc thái độ phản kháng một Thượng đế như vậy.
Thượng đế của Sartre là Thượng đế bị vật hóa hoặc nhân cách hóa
Chúng ta cũng không lạ khi thấy Sartre phủ nhận một Thượng đế như vậy và nói rằng vị ngã không thể đạt tới tự ngã, không thể trở thành tự ngã mà không đồng thời tự hủy. Chúng ta đồng ý rằng ý niệm về một Thượng đế kiểu đó là mâu thuẫn. Thực vậy, khi mà Thượng đế đã được quan niệm như là một người thì người theo một ý nghĩa là sự căng thẳng giữa vị ngã và tự ngã như Sartre hiểu, và sự đồng nhất vị ngã tự ngã là một bất khả thể. Không phải rằng chúng tôi đồng ý với Sartre trong sự phân biệt giữa cái gọi là tự ngã và vị ngã. Chúng tôi đã quả quyết rằng đó là hai ý niệm nhiều ít giả tạo, huyền bí, trong học thuyết Sartre. Nhưng chúng ta không chối cãi pháp thành lý học của luận cứ Sartre một khi ta nhận với ông những gì ông gán cho hai ý niệm ấy, mặc dầu là những ý niệm nhiều khi mâu thuẫn với nhau.
Hiện tượng luận Sartre phải chăng đã bất lực?
Suy cho cùng, ngòi bút hiện tượng luận của Sartre chỉ có giá trị giới hạn. Ông đã sử dụng hiện tượng luận của Husserl như là một phương pháp, nhưng phương pháp ấy đã bị tắc nghẹn bởi thành kiến tâm lý cá nhân ông và xã hội mà ông chịu ảnh hưởng. Khi mà một Husserl tin tưởng vào học thuyết của ông một cách say sưa, xem đó như là chìa khóa đi sâu vào mọi ý nghĩa của cuộc đời, trong đó tín ngưỡng và Thượng đế không nhất thiết phải gạt ra ngoài, trong khi một Heidegger, cũng với phương pháp hiện tượng luận của Husserl, đã không đóng cửa quay lưng với những ánh sáng thần linh, đặc biệt Thượng đế, thì Sartre vì những lý do ta đã biết, không muốn trông thấy Thượng đế, muốn xa rời Thượng đế. Đọc ông cẩn thận, ta có thể dễ dàng ghi nhận điều này: ông không mấy tin vào giá trị thuyết phục của các luận cứ ông đưa ra để đánh đố các luận cứ hữu thể luận của người xưa, nên ông đã phải cầu cứu đến khả năng chọn lựa của tự do con người.
Tự do của Sartre không loại bỏ Thượng đế
Tuy nhiên, với tự do, Sartre có dứt khoát với Thượng đế được không? Chúng ta đã đọc được khá nhiều lời nói hoặc thái độ cương quyết nơi ông. Nhưng thực ra, Sartre rất yếu đuối. Trước hết, sự chọn lựa của ông giữa Thượng đế và tự do không loại bỏ hiện hữu của Thượng đế. Đó là chọn lựa của người con bất mãn, hoang đường, phóng túng. Cũng như Nietzsche, ông chỉ muốn làm một kẻ giết Thượng đế, theo nghĩa cần phải loại Thượng đế ra khỏi xã hội loài người và khỏi tâm tư con người. Không có hay có Thượng đế cũng thế thôi: chúng ta chỉ biết có tự do: “Chủ nghĩa hiện sinh không hẳn là một thuyết vô thần tìm mọi cách để chứng minh Thượng đế không hiện hữu. Chủ nghĩa hiện sinh tuyên bố đúng như thế này: cho là Thượng đế có đi nữa, thì cái đó sẽ không thay đổi được gì, ấy là quan điểm của chúng tôi. Không phải rằng chúng tôi tin có Thượng đế, nhưng chúng tôi nghĩ rằng vấn đề không phải là có hay không có Thượng đế, con người phải tìm lại chính mình và tự nhắn nhủ mình rằng không gì có thể cứu vãn chính nó, dầu là một lý chứng về hiện hữu Thượng đế (l’Existentialisme est un humanisme). Như vậy, ta thấy Sartre không tin vào lý chứng lý thuyết của mình. Vì thế mà nhiều nhà phê bình đã nhìn thấy nơi Sartre một người chống Thượng đế hơn là chối Thượng đế.
Ông chống Thượng đế của mấy nhà triết gia theo chủ thuyết hữu thần đã nói. Nhưng ông hơi lo lắng khi thấy ai đánh động được khuynh hướng thầm kín hữu thần nơi ông. Chúng tôi nói khuynh hướng thầm kín, bởi vì sự nghi ngờ của Sartre không phải tự nơi ngoài vào như R. Jolivet nghĩ. Thực vậy, khi hay tin Merleau Ponty từ trần, Sartre liền viết một bài khóc bạn, rất tha thiết, cảm động nhưng không kém thành thực lo lắng trước những sự thay đổi không ngờ của người bạn hiện sinh khi còn sống. Chẳng hạn, đoạn sau đây: “Ông sẽ tới đâu trong những năm đen bạc (những năm sau khi mẹ ông chết) đã biến đổi ông bên trong người ông? Phải chăng, thỉnh thoảng, Merleau đảo ngược ngôn ngữ và quay nhìn sang mặt trái, đã tưởng bắt gặp được trong chúng ta… một sứ mạng siêu vượt nào đó tôi không biết (và là sứ mạng, theo Sartre hiểu, đưa Thượng đế đến)? Thượng đế, trách vụ của người? Điều đó Merleau Ponty đã không bao giờ viết và ông cũng đã tự cấm mình nghĩ tới: tuy nhiên, không có gì nói rằng ông đã không thích mơ màng đến điều đó[13]. Chúng ta chú ý đến câu sau hết: Bien ne dit qu’il ne soit pas complu à y rèver, chúng tôi nghĩ rằng sự mơ tưởng về Thượng đế cũng là một nhu cầu mà chính Sartre đã cảm nghiệm trong thâm tâm ông, chứ chẳng phải riêng gì cho Merleau Ponty. Tuy nhiên, Sartre vẫn tự hỏi và tự nhủ: “Thực ra, không nên tự dấu diếm rằng ngòi bút (của Merleau Ponty) đôi khi đã vẽ nên những lời đáng lo ngại” và trong những câu Sartre trích dẫn để chứng tỏ thế nào là những lời đáng lo ngại, có câu: “Từ đây, cái phi tương đối không phải là bản tính, không phải là hệ thống quan niệm của ý thức tuyệt đối và cũng chẳng phải là con người nữa, mà là cái “cứu cánh luận” kia được viết và được suy tư trong ngoặc kép, - nghĩa là sự móc nối và tính cách toàn bộ của hữu thể đang tự hoàn tất qua con người”[14]. Và Sartre có vẻ không bằng lòng những câu nói tương tự như vậy: “Il est facheux qu’un homme puisse écrire aujourd hui que l’absolu n’est pas l’homme (Temps Modernes, 367). Sartre không bằng lòng vì Merleau đã gián tiếp phủ nhận cái nhìn trọng tâm của Sartre là tuyệt đối tính của ý thức nhân loại. Nhưng không phải chỉ có Merleau Ponty đã cảm thấy và viết ra điều ấy. Như chúng ta đã biết, Heidegger cũng đã và còn đặt con người trong viễn tượng môi giới cho sự phát huy của hữu, K. Jaspers lại cho người là một số mã ý nghĩa nhất nói lên siêu vượt của Thượng đế, G. Marcel ca ngợi nhân phẩm như là lý chứng của một giá trị tuyệt đối.
Để kết luận, chúng tôi nghĩ rằng Sartre đã không làm tổn thương đến Thượng đế của Đấng Cơ Đốc. Nhưng chủ nghĩa vô thần của Sartre là một bài học vô cùng quý giá cho những ai muốn tuyên xưng và tin tưởng vào Thượng đế của Thánh Kinh. Sartre đã giúp rất nhiều trong việc thanh lọc quan niệm và tâm tư của con người về Thượng đế, nếu con người muốn tìm đến Thượng đế. Thượng đế không thể là một thần tượng hoặc bất cứ một cái gì con người có thể hình dung bằng hình ảnh này hay hình ảnh khác được… Trên bình diện nghiên cứu chúng ta chỉ có thể nói thêm rằng Sartre đã không hiểu Thượng đế của những tín đồ chân chính, Sartre đã hiểu Thượng đế qua những cái nhìn sai lệch hoặc cố ý hoặc vô tình, ngây thơ, và mô tả hiện tượng luận của Sartre đã bỏ sót nhiều khía cạnh của hiện tượng tín ngưỡng là như vậy.
THAY VÌ KẾT LUẬN
Không khí phóng túng trưởng giả đã thấm nhuần đến xương tủy con người dễ dãi của J. P. Sartre. Đòi hỏi tình cảm được cày cấy, hun đúc ngay khi còn trên ghế các trường Trung học, nhưng bắt đầu mãnh liệt vào những năm sau 33 tuổi. Có lẽ tình ái đối với ông không có gì nghiêm trọng cả, tình ái như miếng bánh mì hoặc ly nước lã, đói ăn khát uống, nên ông đã không đá động gì đến những liên lạc đi lại với những con người đàn bà mà ông có dịp gặp gỡ hoặc quen thân. Nhưng tâm lý đơn giản và Don Juan ấy đã làm thất vọng không biết bao nhiêu phụ nữ ngây thơ hoặc quá kỳ vọng vào ông. Ông úp mở, kín đáo, nhưng Simone de Beauvoir đã trình bày thay cho ông.
Đọc Beauvoir là đọc Sartre ở phương diện này. Beauvoir đã kể nhiều chuyện tình của ông: nào là ông yêu Camille, đi lại với Marie Girard, nào là giao du thân mật với Olga, hoặc say mê “nụ cười xinh đẹp” của nàng “M”[15], nào là bị Michelle bỏ rơi[16]. Nhưng gắn bó nhất mà cũng là hời hợt nhất, là mối tính “văn nghệ” giữa Sartre và Simone de Beauvoir.
Một ngày cuối xuân 1929, Sartre được Herbaud, một trong những nhân tình của Simone, đem đến giới thiệu với nàng, không biết ông đã nghĩ đến “chân lý” “hỏa ngục là những người khác” hay chưa, nhưng đối với Simone thì đó là một “ân huệ” từ lâu mong ước, một may mắn độc nhất trong đời nàng:
“Tôi mới được một may mắn lớn. Đứng trước tương lai này, tôi không còn cô đơn nữa… Sartre đã trả lời đúng cho nguyện ước tuổi trăng tròn của tôi. Chàng là tôi thứ hai mà trong đó tôi gặp lại ở một nhiệt độ đến nảy lửa, tất cả những xảo thuật của tôi. Với chàng, tôi có thể luôn luôn chia sẻ tất cả. Khi tôi cáo biệt chàng vào đầu tháng tám, tôi mới hay rằng không bao giờ chàng sẽ ra khỏi đời tôi”[17].
Sartre đã lọt vào tay Simone, như “chim vào lồng như cá cắn câu”. May mắn đó đã kéo dài trên ba mươi bảy năm nay. Lần lượt Sartre là bạn đồng song, là bạn đời của Simone. Nhưng họ không làm hôn thú. Một cặp vợ chồng? Một đôi tình nhân? Hai người bộ hành? Anh, em hay chị, em? Ai muốn hiểu sao cũng được. Chỉ biết rằng Simone kém Sartre hai tuổi, kém thông minh hơn Sartre, nhưng cùng tốt nghiệp thạc sĩ triết lý với nhau một lần. Tại sao họ không lập hôn thú? Tại anh thì ít mà tại em thì nhiều. Có những lý do kinh tế: hai người không cảm thấy cần nhau để sống. Có những lý do nghề nghiệp: hai người không cùng dạy học ở một trường. Có những lý do siêu hình và tâm lý: cả hai đều tha thiết với tự do, không ai muốn tự cột cổ vào tròng vợ chồng. Thực ra, có lần Sartre sắp đi xa muốn trấn an Simone, nên đã đề nghị chuyện cưới xin, những bị Simone từ chối, và lý do thầm kín được nàng mô tả về sau, là:
“Sartre không có ơn kêu gọi của độc hôn, ông ta thích làm bạn với đàn bà, vì đàn bà ít hài hước hơn đàn ông; năm hai mươi ba tuổi, ông vẫn chưa định từ bỏ sắc đẹp quyến rũ của phụ nữ. Bằng một ngữ vựng vốn quen dùng ông cắt nghĩa cho tôi: “Giữa chúng ta cần nói thật, đây là một mối tình cần thiết, còn thì chúng ta cũng phải biết đến tình yêu ngẫu nhiên nữa chứ”.
Kết quả là Sartre đòi ký “một tờ hợp đồng hai năm” để mỗi người tự do trao đổi yêu đương và tự do làm tình ái với bất cứ ai khác, để tự do xa nhau và gần nhau, tùy ý và tùy tiện, để - và đây là điều khoản thứ hai của hợp đồng - nói với nhau tất cả, không giấu nhau điều gì. Sau hai năm, mặc dầu không tái ký hợp đồng, nhưng cả hai đồng ý sống thân mật với nhau hơn… Như thế nào là sống thân mật? Là sống có nhau, bên cạnh nhau, xa mặt không xa lòng, những khi cả hai vì công vụ hoặc vì Sartre phải nhập ngũ, tham gia kháng chiến, và đồng tịch đồng sàng… Một phần ba thế kỷ sau bản hợp đồng, Simone thành thực viết: “Trong đời, tôi có một thành công chắc chắn: liên hệ của tôi với Sartre. Trong hơn ba mươi năm, chỉ có một đêm chúng tôi ngủ riêng rẽ với nhau. Sự “song lập” trường kỳ này đã không làm phai nhạt những câu chuyện của chúng tôi”…
Hôn nhân và gia đình là những yếu tố căn bản trong nền luân lý cổ truyền. Sartre phủ nhận những yếu tố ấy một cách cụ thể và gương mẫu. Ông đã triệt để sống quan điểm hữu thể luận của ông về thế nào là tự do của một người trong vấn đề tình ái. Đừng nói đến chuyện thủy chung, bởi vì chuyện đó làm cụt hứng sáng tạo của tự do, bởi vì tự do yêu đương là thay đổi tình yêu khi cần đến. Tình yêu là một mặc cả, một hợp đồng tự do giữa hai cá nhân, không cần đến chứng minh của luật pháp, không nhãn hiệu cầu tòa. Hơn nữa, có như vậy thì tình yêu mới thắm thiết. Simone đề cao sự tự do luyến ái: “Đó là điều cột chặt và cởi thảo chúng tôi; và nhờ sự cởi thảo ấy mà chúng tôi thấy liên kết được với những gì sâu thẳm nhất của chúng tôi” (La force de choses 672).
Sartre đã tiếp nối khơi nguồn hiện sinh của Gide, và đã cùng Simone đáp ứng lại tiếng gọi khẩn trương của nhục dục được Gide mô tả: “Xác thịt này… tôi sẽ chết mất nếu không cạn tàu ráo máng được quyến dũ của nó… Tôi sợ… giới hạn điều tôi có thể làm bằng điều tôi đang làm”, hoặc đã cùng chào đón hồi âm nơi Camus: “Đến chiều, Marie đến tìm tôi và hỏi tôi có muốn cưới nàng làm vợ không. Tôi nói rằng tôi không quan tâm đến điều đó… Tôi cắt nghĩa cho nàng rằng điều đó không hệ trọng…”.
Trong cố gắng đứng vào hàng ngũ đồ đệ Nietzche, Sartre…, muốn tái lập một ý thức trách nhiệm mới trên lý trí của cuộc đời. Một công việc cấp bách vừa khó khăn. Sartre đã giải quyết như thế nào?
Chúng ta đã nghe nói nhiều: Thượng đế đã chết, thì cái gì cũng được phép cả. Một luận cứ hàm ngụ lý học! Thiện Ác không còn thành vấn đề. Hay ít ra cái gọi là Thiện Ác, là việc của lương tâm nhân loại, có tính chất mô tả hiện tượng luận. Tính cách ép buộc, phải thế này, và không được như thế kia… của tiếng lương tâm, không bắt nguồn ở một nguyên nhân siêu hình hay siêu nhiên, mà là nằm ngay trong cuộc sống và trong ý nghĩa làm người[18]. Sartre không chấp nhận quan điểm Kierkegaard, và nói rằng tâm tình tội lỗi vốn do thực chất vị ngã muốn dấn thân vào cuộc sống tự do. Ngay trong những trang cuối cùng cuốn “Hữu và Hư vô” ông đã cho biết qua tín điều đó: “Con người…, ông viết, chịu trách nhiệm về thế giới và về chính mình như là cách thể hiện hữu… Trách nhiệm của vị ngã rất nặng nề, vì nó là kẻ làm cho có thế giới; và vì nó chính là kẻ tự làm cho mình có, bất cứ trong hoàn cảnh nào nó cũng phải hoàn toàn nhận lấy hoàn cảnh đó, dầu là nghịch cảnh mấy đi nữa, và khó chấp nhận mấy đi nữa; nó phải chấp nhận với ý thức kiêu căng rằng mình là tác giả của hoàn cảnh, vì rằng những trớ trêu nguy khốn nhất hoặc những hăm dọa tai ác nhất có thể phương hại đến bản thân tôi, nếu có được một ý nghĩa nào, đều nhờ dự phóng của tôi; và nhờ số kiếp dấn thân của tôi mới có những trớ trêu hoặc hăm dọa ấy”[19].
Sartre muốn kiến tạo một đạo đức học không phải trên hữu thể luận, vì hữu thể luận chỉ nói đến cái có và “không thể rút ra những huấn lệnh từ những mô tả được”, mà trên tâm phân học hiện sinh, nghĩa là trên phương pháp xác định “sự chọn lựa uyên nguyên” (E. N., 657), sự chọn lựa chủ quan, lựa chọn hiện hữu, một tâm phân “được hướng dẫn, từ đầu, đến chỗ lãnh hội hữu thể và không đặt ra một mục tiêu nào khác hơn là tìm gặp hữu thể và cách thể có của hữu thể đối diện với hữu thể này”[20]. Đạo đức học này sẽ phủ nhận tinh thần nghiêm trọng cổ truyền và những quan niệm giá trị của quá khứ, đặc biệt của Thiên Chúa giáo.
Nhưng Sartre có thực hiện được một học thuyết về đạo đức như ông đã hứa trong mấy giòng tận cùng của cuốn l’Être et le Néant không? Ông đã bắt tay vào việc ấy, và cuốn Con người (l’Homme) mà ông đã hứa sẽ là cuốn độc giả chờ đợi. Nhưng mãi đến ngày nay vẫn chưa thấy xuất bản. Như để bù lại, Sartre đã có những quyết định quan yếu. Con đường Tự do của ông vẽ một khúc quanh tranh đấu thấm mệt.
Đó là con đường thứ ba, con đường của Tạp Chí Thời Mới, con đường của chiến sĩ cầm bút đứng vào hàng ngũ vô sản chống tư bản và độc tài, con đường của những người “chạy săn ý nghĩa” của cuộc đời. Con đường thứ nhất là của tự do cá nhân, tự do luyến ái. Con đường thứ hai là con đường của Oreste và của “Hiện sinh là một chủ nghĩa nhân bản”. Sartre không còn muốn “mắc mưu” của giai cấp lãnh đạo cho phép ông tự do dùng “nghệ thuật của ông để rèn đúc những cái bình kêu vang vô ích”, hoặc ngăn cản ông và các bạn ông tham gia vào các “đạo quân cách mạng”. Ông không còn bằng lòng với những phán đoán về thâm lý của giai đoạn Hiện sinh là một nhân bản, những phán đoán ấy trừu tượng quá, tháp ngà quá. Ông không còn muốn lắng tai nghe tiếng gọi từ bên trong: “Cần phải dấn thân”, bởi vì lắng tai nghe có nghĩa là con người có thể không dấn thân thực sự. Ông quan niệm rằng nói người là nói đến thân, và phán đoán về giá trị phải là một phán đoán của hành động. Không những phải ra khỏi “tháp ngà”, mà tháp ngà không thể được đối với một triết gia hiện sinh[21]. Đã đến lúc phải thực hiện lý tưởng của l’Être et le Néant: không thể vừa say sưa một mình vừa dẫn đạo các dân tộc[22]. Người ta không thể khi thì làm thánh Vincent de Paul, khi thì làm Kant, khi lại là Casanova, cũng không thể bàn những vấn đề chính trị dưới khía cạnh luân lý, hoặc khẳng định bênh và chống bất cứ một chân lý lột xác nào[23]. Cần phải Hành động để biến đổi bằng lời nói, bằng văn nghệ, mà còn phải bằng thái độ chính trị dứt khoát. Sartre đã chấp nhận lý tưởng đấu tranh giai cấp: “La lutte des classes est un fait; j’y souscris entièrement”[24]. Ông đã đi về phía Mác-xít: “Pour nous, le marxisme n’est pas seulement une philosophie. C’est le climat de nos idées, le milien où elles s’alimentent, c’est le mouvement né de ce que Hégel appelle l’Esprit Objectif”.
Quan điểm đạo lý Mác-xít của Sartre như thế nào, chúng tôi hy vọng sẽ có dịp trình bày. Để trở lại vấn đề đạo đức học của Sartre trước ngày gia nhập giai cấp vô sản, ta có thể nói rằng tất cả băn khoăn của Sartre trong những năm sau Giải phóng là làm thế nào để nối kết phân tách tự do với lập trường chính trị, để bắc một nhịp cầu giữa hữu thể luận và chính trị. Có lần ông tưởng có thể nghĩ đến tâm phân học hiện tượng, để kiến tạo nhịp cầu ấy. Nhưng đạo đức học là môn học về cái phải có, và phải làm, về huấn lệnh lý tưởng, phổ biến, khách quan, không thể rút từ phân tâm học, dầu là hiện sinh, như ông định nghĩa trước đây. Có lẽ vì khó khăn ấy mà ông đành bỏ dở cuốn Làm Người của ông, và quay về với Lịch sử, với Biện chứng, với Hoạt động, với những tác phẩm như: Critique de la raison dialectique, les Mots… hy vọng rằng với sự tiến bộ đúng mức của kỹ thuật sẽ có một không khí duy tâm luận lý mới: l’Atitude morale apparait quand les conditions technique et sociale rendent impossibles les conduites positives. La Morale, c’est un ensemble de vues idéalistes pour vous aider à vivre ce que la pénurie des ressources et la carence des techniques vous imposcut”[25].
Thực ra thì giai đoạn “đạo đức” của Sartre đã đạt tới cao độ trong cuốn Le Diable et le bon Dieu. Tác phẩm này không phải, như nhiều nhà phê bình lầm tưởng, là “một cái tát vào mặt Đấng Kitô” do một tác giả “bị ám ảnh bởi xác chết của Thượng đế”. Tác phẩm ấy muốn xác định một cái gì nghiêm chỉnh hơn: khởi thảo một đạo đức học và một chính trị của con người. Cốt chuyện như sau: Goetz, người hùng của tác phẩm, đầu tiên đi tìm một sự Ác tuyệt đối. Nhưng Ác tuyệt đối là Vô hữu thuần túy, do đó, là một cái gì không thể có được. Goetz bèn muốn làm thánh và tìm một Thiện tuyệt đối. Nhưng “Thiện mà không có Ác là Hữu Parmanide, là sự chết”. Theo Sartre, người ta có thể quan niệm đạo đức là một chuyện nhảm nhí hoặc là một toàn bộ cụ thể, tổng hợp của Thiện và Ác. Tốt và xấu không rời nhau được, và vì thế cần chấp nhận làm xấu để trở thành tốt. Những kinh nghiệm ấy khiến Goetz chấp nhận trách nhiệm trọn vẹn của hành động mình, và từ đó, chấp nhận đứng vào hàng ngũ của người này để chống với người khác… Sartre chấp nhận chiến tranh và khuyến khích chiến tranh, khi không làm khác hơn được, nghĩa là khi phải đứng về phía dân tộc. Chủ nghĩa duy thực chính trị này được nói đến qua miệng Goetz:
“Đó là khởi sự triều đại của người. Một bước đầu đẹp. Này Nasty, chúng ta hãy lên đường, tôi sẽ là đao phủ và người bán thịt sống… Đừng sợ, tôi sẽ không nao núng. Tôi sẽ làm cho chúng khiếp đảm, vì tôi không có cách nào khác để yêu thương chúng, tôi sẽ truyền lệnh cho chúng, vì tôi không có cách nào khác để vâng lời chúng, tôi sẽ đứng một mình với bầu trời trống rỗng trên đầu tôi, vì tôi không có cách nào khác sống với chúng. Chiến tranh ấy phải làm và tôi sẽ làm”.
Sartre muốn triệt để dấn thân vào lịch sử, muốn một thực hành (praxis) cụ thể của lịch sử, muốn nhất định vâng theo tất yếu của lịch sử bên ngoài. Bởi vì chỉ có lịch sử mới là chân lý. Bởi vì chỉ có lịch sử mới có đủ tư cách phán xét mỗi người chúng ta. Thay vì tin vào tòa án của Thượng đế, Sartre đã viết: Tương lai có đó, còn hiện diện hơn hiện tại… Những con người ẩn nấp kia sẽ kế tiếp ta và sẽ chiếu lên tất cả, những ánh sáng ta không thể ngờ trước, chúng ta cảm thấy họ phán xét chúng ta; thời đại ta sẽ là đối tượng cho những con mắt vị lai mà cái nhìn đang ám ảnh chúng ta. Và là đối tượng có tội. Những con mắt ấy sẽ khám phá ra sự thất bại của ta và tội phạm của ta. Thời đại mà ta còn phải sống, vốn đã chết, đã là tử vật, thời đại của ta đứng ngồi một mình trong lịch sử…, người ta sẽ cười những ngu dốt của ta; người ta sẽ phẫn nộ vì những lỗi lầm của ta”.
Người ta là ai? Là không ai cả, mà là tất cả mọi người, là nhân loại. Nhưng, độc giả thấy rõ Sartre đã thuyên chuyển đế quốc người ta của Heidegger từ hiện đại đến tương lai vô định trong thời gian. Triết gia của chúng ta muốn trở thành bất tử trong lòng nhân loại, cái đó là quyền của ông, nhưng có hai điều: một là những công việc ông làm chẳng qua là lẽ tất định của tính người cơ giới, mù lòa, thì còn sợ gì người ta chê cười là ngu dốt, là lỗi lầm; hai là lỗi lầm ngu dốt của ông chứng thực do cá nhân ông làm nguyên nhân, thì “ba trăm năm sau” ông có còn đâu nữa mà sợ lịch sử phê phán và vấn tội?
Thực ra, Sartre đã làm cho ta nhớ lại những nhận định của A. Gide: “Faire de sa vie une oeuvre d’art… Assurer le plus d’humanité possible… Marier le Ciel et l’Enfer… nous devons essayer d’arriver à l’immortalité supérieure…”. Nhưng trong khi Gide mơ về bất tử của nghệ thuật, trong khi Camus muốn chấm dứt mọi ảo tưởng ý thức hệ mà ông gọi là lãng mạn chủ nghĩa[26], thì Sartre sẽ gây được tin tưởng nào nơi quần chúng? Ngoài những phong phú với lập trường lịch sử của ông? Chúng ta có thể nói rằng quần chúng là nạn nhân nhiễm độc tư tưởng và tâm tình của ông, quần chúng, khác với Hàn lâm viện nhà vua Thụy Điển, sẽ không thấy rằng Sartre có công đặt ra hoặc gợi lên nhiều vấn đề nhân sinh, kể cả chính trị, đáng cho thức giả suy nghĩ trên giấc mơ chân lý toàn diện -: Sartre là người thuộc thế hệ dò dẫm[27].
Nguồn: Lê Thành trị. Hiện tượng luận về hiện sinh. Trung tâm học liệu – Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên, 1974. Phiên bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.
[1] E.N., trang 124, chẳng hạn: “L’en-soi ne peut rien fonder s'il se fonde lui-mêne c’est en se donnant la modification du pour-soi. Il est fondement de lui même en tant qu’it Nizan ’est déjà plus en-soi, et nous recontrons ici l’origine Descartes tout tondement ni celui des autres êtres, le fondement en général vient Augustino, monde par le pour-soi. Non seulement le pour-soi, comme en-soi néantisé se fonde lui même mais avec lui apparait le fondement pour la premìere fois”.
[2] E.N., trang 713: “L’être est, sans raison, sans cause, sans nécessité; la définition même de l’être nous livre sa contingence originelle”.
[3] E N., trang 34, 141.
[4] E N., trang 141.
[5] E N., trang 143.
[6] E N., trang 142.
[7] “Ainsi, pour qu’il y ait possible, il faut que la réalité humaine en tant qu’elle est elle-même soit autre chose qu’elle même. Ce possible est cet élément du Pour-soi qui lui échappe apìes nature en tant qu’il est pour-soi. Le possible est un nouvel aspect Descartes la néantlsation de L’En-soi en Pour-soi” (E.N., trang 144).
[8] E.N., trang 363: “… Aucune conscience, fut-ce celle de Dieu, ne peut “voir l’envers”, c’est à dire saisir la totalité en fant que telle. Car Simone Dieu est conscience il s'intègre à la totalité. Et Simone par sa nature, il est un être par delà lo peut lui apparaitre que comme objet – Alors, il manque se désagrégation interne comme effort subjectif de ressaisissement de soi, ou comme sujet – Alors, il n'est pas ce sujet, il ne peut que l’éprouver sans le connaitre”). Nên so sánh với Siêu ngã của Feud mà Sartre chịu ảnh hưởng.
[9] E, N., trang 350.
[10] E, N., trang 133 – 134.
[11] E.H., trang 21-23.
[12] Hui-Clos, Sc.V:”On meurt toujours trop tôt ou trop tard. Et cepen dant la vie est là, terminée, le trait est tiré, il faut faire la somme. Tu n'es rien d'autre que ta vie”.
[13] Temps Modernes, số 184-185 năm 1961:
“ Jusqu’òu allait il en ces sombres années ( celle qui suivirent la mort de sa mère) qui le changeaient en lui même? N'est il pas arrivé, de temps en temps, que Merleau, renversant les termes et tiurnant à l’envers crut apercevoir en nous …je ne sais quel mandat transcendant (et qui serait, tel que Sartre le comprend, de faire advenir. Dieu?). Dieu tache de L’homme? Merleau Ponty ne l’Agamemnon jamais écrit et il s'est interdit de le nenser, rien ne dit qu’il ne soit pas complu à y rêver”.
[14] “L’irrélatif désormais, ce n'est pas la netutre en soi, ni le système des saisises de la conscience absolu et pas davabtage l’homme, mais cette “téléologie” qui s'écrit et se pense en guillements,-jointure et membrure de l’être qui Sartre’ac complit à travers l’homme”.
[15] Simon de Beauvoir, La Force de l’age, trang 71- 80, 112-113, 122-123, 196-197, 252-253, 299, 331. La Force des choses, trang 81-82, 141-142, 148, 170, 178, 192, 243-244.
[16] La Force des choses, trang 277.
[17] Memoire d’une jeune fille rangee, trang 344.
[18] E, N, trang 720.
[19] E, N, trang 639.
[20] Elle est donne guidee des l’origine vers une comprehension de l’etre et ne doit s’assignee d’autre but que de trouver l’etre et la maniere d’etre en face de cet etre”.
[21] Pouillon, J. Pour ou Contre l’Existentialisme, Pares, A. 1948.
[22] Sartre, E, N. 721.
[23] Merleau Ponty, Temps Modernes số 4, tháng 2, 1946.
[24] A propos de l’Exist, mise au point, A N0 17, 1944.
[25] J. P. Sartre, notes inédites, trích dẫn trong La Force des choses, trang 218.
[26] “Ici s’achève je romantisme, trong L’Homme révolté, trang 367.
[27] Jean Fourastie, Idées majeures, Bibliothèque Médỉtation N0 47, Gonthier 1966, trang 65:
“Etant la géneration de la découverte, nous sommes la géneration des essai”.
Ý KIẾN BẠN ĐỌC