Chủ nghĩa hiện sinh

Triết học về sự hiện hữu - Martin Heidegger

 

TRIẾT HỌC VỀ HIỆN HỮU

1 2 3 4 5

 

17.

MARTIN HEIDEGGER

 

I. M. BOCHENSKI (1902-1995)

TUỆ SĨ dịch

 


I. M. Bochenski. Triết học tây phương hiện đại. Chương IV: “Triết học về hiện hữu”. Tuệ Sỹ dịch, Nxb. Ca Dao. | Bản điện tử do bạn Phạm Tấn Xuân Cao gửi cho triethoc.edu.vn.


 

A. CĂN NGUYÊN. ĐẶC ĐIỂM

Martin Heidegger (-1889) thuở nhỏ tu theo dòng Tên. Sau đó, ông học với Rickert đại học Freiburg im-Breisgau và đậu bằng tiến sĩ tại đây; tiếp đó, ông theo Husserl. Dưới sự đỡ đầu của Husserl ông sửa soạn chức giảng viên đại học với một luận án về những phạm trù và ý nghĩa trong học thuyết Duns Scotus (1916), và trở thành biên tập viên tờ Jahrbuch fiir Philosophie und phaenomenologische Forschung. Năm 1923, ông được cử làm giáo sư tại Marburg; nơi đây, ông cho xuất bản tác phẩm quan trọng nhất của ông, phần đầu của Sein und Zeit (1927). Ngay sau đó, năm 1928, ông trở về Freiburg làm người kế vị Husserl và tiếp tục dạy học ở đây cho đến năm 1946.

Heidegger là một tư tưởng gia vô cùng độc đáo. Vấn đề những mối quan hệ lịch sử của ông ở đây không cần thiết lắm và chúng ta chỉ cần biết rằng ông vay mượn phương pháp của Husserl, chịu ảnh hưởng Dilthey trong nhiều đường hướng, và thể tài tổng quát của ông được gợi hứng rất nhiều từ Kierkegaard. Ông có một kiến thức lạ thường về những triết gia lớn của quá khứ, trong số đó, ông thường trích dẫn Aristote, mặc dù ông giải thích Aristote theo ý riêng rất tự tại. Tác phẩm đã gây nên chấn động được ông để dành cho Kant, quyển Kant und das Problem der Metaphysik (1929).

Ít có triết gia khó hiểu như Heidegger. Sự khó hiểu này không do khiếm khuyết ngôn ngữ hay kém về cơ cấu luận lý học, vì tác phẩm của ông luôn luôn tiến hành trong một thể điệu rất là mạch lạc. Đúng ra khó là do thuật ngữ lạ lùng và bất thường mà ông tạo ra với hy vọng đưa ra một thứ ngôn ngữ để diễn đạt những tư tưởng của mình. Đó là căn nguyên của một số hiểu lầm và là lý do tại sao triết học của ông thường bị chỉ trích là một cuộc trào lộng, nhất là những người theo tân thực chứng luận.

A. VẤN ĐỀ VÀ PHƯƠNG PHÁP

Chủ đích của Heidegger trong tác phẩm chính là đưa ra một trả lời cụ thể cho câu hỏi về ý nghĩa của thể tính (la question du sens de l’être). Câu hỏi này không phải bị rơi vào quên lãng một cách giản dị nhưng thông thường đã bị đặt sai trong một ấn tượng rằng nó tự thị (self-evident) và minh nhiên. Sự thực hiển nhiên rằng một người tầm thường cũng đã có một lý giải chung và mập mờ về thể tính, nhưng khái niệm về thể tính thật tối tăm nhất. Trong thực tế, Thể tính (Sein) không phải là một cái tương tự với hiện thể (Seiende) nhưng nó là cái xác định hiện thể như là hiện thể. Nếu chúng ta muốn tìm một câu trả lời cho câu hỏi về thể tính chúng ta phải truy tầm một hiện thể khả dĩ ta nắm được nó hiện hữu trong chính nó. Nhưng sự truy tầm này tự nó là một cách thái hiện hữu nào đó của Thể tính – của thể tính nghĩa là chính chúng ta; đây là điều mà Heidegger gọi là “hiện thực con người” (Dasein: Lộ thể). Như thế, phân tích về hiện thể Dasein này được công bố là khởi điểm của sự truy tầm.

Tính chất đặc biệt của Dasein ở chỗ chính nó là một hiện thể (l’étant) mà, trong thể tính của nó, nó có liên hệ đến chính thể tính đó. Sự lý giải về thể tính tự nó là một sự xác định về thể tính của Dasein, và vì lý do này Dasein được gọi là “thể luận” (ontologique) trong khi tất cả những hiện thể khác chỉ thuộc tính bình diện “vật thể luận” (ontique). Chính cái thể tính mà Dasein có liên quan đặc biệt với được gọi là Hiện hữu(Existenz). Để xác định tinh thể của Dasein người ta cần có giải đáp hiển nhiên thực sự cho câu hỏi “Cái gì?”. Bởi vì tinh thể của Dasein lưu tồn trong hiện hữu của nó và luôn luôn nó trình thị bằng hiện hữu ấy. Chúng ta chỉ có thể lý giải hiện hữu trong thuần tính của nó bằng sự kiện hiện hữu. Sự lý giải này được gọi là hiện sinh (existentielle). Trái lại, toàn thể cơ cấu của hiện hữu được gọi là “hiện sinh tính” (Existentialität) và phân tích về điều này được gọi là “lý giải hiện sinh” (existentiales Verstehen). Đây là một giải thích về những đặc tính thể luận của Dasein được coi là những hiện sinh chất (Existentiale) (trái với những đặc tính thể luận của các hiện thể cứng đọng khác, chúng được gọi là nichtdasein smässige Seinde, những vật thể phạm trù). Phân tích hiện sinh là căn thể luận (ontologie fondamentale). Nó thiết lập nền tảng của tất cả thể luận và mọi khoa học. Chỉ có phương pháp hiện tượng luận là khả dĩ đối với nó. Những gì tự bộc lộ như-nhiên-tính của nó gọi là “hiện tượng”. Như thế, những hiện tượng không phải là những giả tượng (apparence) theo nghĩa thông thường. Vĩ ngữ “logie” trong chữ “phénoménologique” xuất xứ từ chữ légein của Hy Lạp, ở đây có nghĩa là “kéo hiện thể ra khỏi sự minh muội của nó”, bởi vì, nhiều hiện tượng còn bị tàng ẩn hay lẫn trốn trong minh muội. Như thế hiện tượng luận ở đây là một khoa chú giải học (herméneutique) (Dilthey). Nó được ứng dụng vào hiện hữu để giải thích cơ cấu của hiện hữu. Do đó, triết học là một thể luận hiện tượng học phổ quát kết quả từ khoa chú giải về Dasein, như là phân tích về hiện hữu, nó là sợi dây chỉ hướng cho tất cả mọi vấn đề triết học; làm nơi xuất phát và quy thú cho triết học. Nhưng Heidegger chưa làm gì hơn là phân tích về Dasein mà trên đó một thể luận phổ quát được thiết lập. 

B. TẠI-THẾ-THỂ

Dấu hiệu của hiện thực con người Dasein, Lộ thể) là sự kiện nó hiện hữu, với sai biệt tính (Jemeinigkeit: le mien), nghĩa là nó không bao giờ có thể thiết lập một tiêu thức dưới một loại thể; và nó hướng đến thể tính của nó bằng những mối tương quan sai biệt. Nền tảng cho những cách thái hiện hữu này là Tại-thế-Thể (In-der-Weit-Sein). Tính cách tại-thế này không phải là một tương quan hiện hữu giữa hai thể tính trải ra trong không gian, lại càng không phải giữa chủ thể và khách thể. Sự biểu lộ của nó hoặc là ưu lự (Besorgen) khi nó ưu tư về những hiện thể trơ lì, hoặc là tư lự (Fiir Sorgen) nếu nó tương quan với hiện thực con người.

Thế giới được họp thành không do những sự vật, mà do những dụng vật (Zenge) mà tự bản chất chúng là “sự thể cho…”. Cách thái hiện hữu của dụng vật được gọi là sở dụng thể (Zuhandenheit). Dụng vật (das Zuhamdene) luôn luôn quan hệ với những dụng vật khác. Một dụng vật đều có một tương duyên với dụng vật khác đồng thời với một sở hữu chủ và sở dụng chủ. Đặc tính hiện hữu của dụng vật là trạng thể (Bewandtnis) của nó và hiển nhiên trạng thể này tương quan với một hướng sở (Wozu) và một “ý hướng sở” (Worum-willen) nghĩa là tương quan với Dasein. Như thế, Dasein là điều kiện cho khả năng hiển lộ dụng vật. Mỗi dụng vật đều có một vị thế của nó, nghĩa là nó được an lập, phối trí, v.v… Vì thế khả dĩ của một dụng vật là đối vị tính (Gegend). Trong Dasein có một xu hướng chính yếu tiến đến đối vị tính nghĩa là đến một gián cách (= tiếp cận) của dụng vật. Những gián cách vật thể không chứng tỏ đối vị tính hay viễn ly tính của dụng vật, bởi vì chính mối ưu lự thiết lập đối vị tính và viễn ly tính. Thế thì vũ trụ là một hạn thể của Dasein trên bình diện thể luận và chỉ hiện hữu cho một lộ thể Dasein.

Tất cả những thể luận xưa nay đã mắc phải sai lầm vì coi dụng thể, tức sở dụng thể (Zuhandene) chính là sự thể hiện tại hay đương-dụng-thể (Vorhandene); đặc biệt sự sai lầm này có thể thấy ở Descartes (res extensa). Thực tế, không phải chỉ sở dụng thể là thiết lập trên đương dụng thể  (Vorhandenheit) mà trái lại đương dụng thể luôn luôn chỉ là một “đương-dụng-thể thuần túy” (nur Vorhandenes), nghĩa là một cách thái vị toàn của dụng vật, của cái sở dụng.

Sự kiện hiển nhiên rằng một dụng vật là để cho hoạt dụng không có nghĩa những lộ thể (Dasein) khác cũng được đưa ra đồng thời; vũ trụ của Dasein là một Cộng thế (Mitwelt). Tính cách tại thế của Dasein là một Cộng hữu (Mitdasein) và Dasein tự bản chất là một Cộng thể (Mitsein). Nếu sự tương quan trên dạng thức của Dasein đối với dụng vật là tương quan của mối ưu tư, thì đối với những Dasein khác là tương quan của tư lự, hoặc tự nhận phải tư lự về những tha thể, hoặc giúp các tha thể viên toàn tự do tính trong sự ưu tư (Sorgen) của chúng. Sự tương cảm (Einfiihlung) chỉ có thể có trên căn bản cộng thể (Mitsein).

C. LỘ TÍNH (DA) VÀ ƯU TÍNH

Dasein không phải chỉ hiện thể trong thế giới, mà thiết yếu, nó còn được thiết lập bởi tại-thế-thể: đó là lộ tính (da) của Dasein (lộ thể). Dasein chính là sự biểu lộ này, nghĩa là, nó chính là khai tính(Erschlossenheit). “Khái tính” không đồng nhất với hành vi nhận thức; nó chỉ cho một hiện vật làm gốc rễ cho hành vi ấy. Cách thái hiện hữu này chứa đựng ba yếu tố: cảm ngộ tính (Befindlichkeit), lý giải tính (Verstehen) và thông đạt tính (Rede), tất cả đều có chung một căn nguyên.

1) Cảm ngộ tính là một cảm thức, trạng thái, của tâm hồn nhờ đó mà Dasein tự hiển lộ như một hiện thể và nhờ đó mà “kiện tính” – tự nhĩ tính của Dasein – được tỏ bày. Cái “tự nhĩ tính” này được gọi là khí xả tính (Geworfenheit), cách thế hiện hữu của Dasein theo đó nó bị vứt bỏ trong lộ tính của một hiện hữu, trong vũ trụ. Cần phải nhấn mạnh rằng kiện tính không phải là sự hiện hữu của Dasein.

2) Lý giải tính ở đây được hiểu theo nghĩa một “khả năng đối diện (Vorstehen) với một sự thể.” Lý giải chính là cách thái hiện hữu của Dasein như là “khả năng hiện hữu.” Dasein hoàn toàn không phải là cái gì hiện tại bất biến, nó  cái gì mà nó có thể là: nó là một tiềm thể “xuất phóng”. Lý giải tính có một cơ cấu mà Heidegger gọi là dự phóng (Entwurf: projet-esquisse). Dự phóng hướng theo những lối đi mà nó đã tạo ra trong không gian vạch ra con đường của khả năng hiện hữu của Dasein. Chính trong cách thể hiện hữu này mà Dasein trở thành là tiềm thể của nó. Sự tri nhận (Ausbildung) về Dasein như là hành vi lý giải được gọi là “biểu xuất” (Auslegung). Nó không hẳn nhiên là một diễn xuất (Aussage).

3) Thông đạt tính: là nền tảng của ngôn ngữ, nhưng không phải là tự thân của ngôn ngữ. Nó là sự tương giao ý nghĩa về niệm thể của tại-thế-thể. Con người là một zöon lógonhékhon, một sinh thể biết nói. Thông đạt tính được giải thích một cách khá rộng rãi, rằng những cách thái của nó bao gồm cả sự nghe và im lặng.

Người ta có thể nắm được toàn bộ cơ cấu của lộ tính bằng cách y cứ trên hiện tượng ưu tư (Angst). Sự khác biệt giữa ưu tư và sợ hãi ở chỗ trong ưu tư mối đe dọa không nhất định ở đâu. Cái thế giới nó như thế: điều này gợi lên mối ưu tư; lý do là vì nó là tại-thế-thể. Nhưng thể tính này luôn luôn ở trên và ở trước chính nó. Do đó, cơ cấu của Dasein là tự-trình-tại-thế-thể (Sichvorwegschon-sein-in-der-Welt: l’être-en-avance-de-lui-même-qui-est-déjà-jeté-au-monde; already-being-oneself-in-the-world) có vẻ như là hiện-đối-thể đối diện với những hiện thể khác. Đó chính là ưu tính (Sorge). Tất cả những gì mà Dasein thể hiện, ước vọng, nhận thức, v.v…, mối ưu tư, niềm ưu lự, lý thuyết, thực hành, ước muốn, động lực, xu hướng, tất cả chỉ là những biểu lộ của ưu tính. Ưu tính là thể tính của Dasein.

D. BỈ THỂ VÀ HƯỚNG TỬ THỂ

Sự phân tích trên chưa trọn vẹn, vì khi nào Dasein còn hiện hữu thì Dasein vẫn chưa đạt được “viên tính” của nó, có một khuyết tính thường tại trong tinh thể của nó. Chỉ có sự chết mới là cứu cánh của Dasein. Với sự chết, ta chưa có thể nắm được Dasein như là hiện thể, và ta không bao giờ có một kinh nghiệm chính xác về sự chết của kẻ khác. Tuy nhiên, trong sự chết, Dasein không tự thành và biến mất một cách đơn giản: cứu cánh qua sự chết, cứu cánh ấy chỉ cho chung tất-thể của Dasein. Sự chết là khả tính của thể tính, cái khả tính cá biệt nhất, vô quan nhất, và nan việt nhất. Tử thể của Dasein là hướng tử thể(l’Être même du Dasein est l’être-pour-la-mort). Ngay khi Dasein hiện thể, Dasein nhận lấy cách thái hiện hữu này.

Chính đó là nguyên lưu ưu tư của Dasein. Nó tự cứu trong thế giới. Vì e ngại về tự thể của mình, vì sợ hãi đối diện với ưu tư, nó tìm một chỗ trú ẩn trong “bỉ thể” (man: on / one: người ta). Bỉ thể là một hiện vật, một cách thái hiện hữu, là thể-bất-chính (uneingentlich) của Dasein. Ở đây, nó trở thành nô lệ cho một yếu tố trung dung đặt ra quan điểm của nó và phương cách hành động của nó. Bỉ thể này không phải là một nhân cách xác thực hay một chủ thể tập hợp. Sắc thái đặc trưng nhất của nó là tôn sùng sự tầm thường và hay hạ mọi vật xuống một mức độ độc nhất. Nó gỡ Dasein ra khỏi tất cả sự quyết định và nhận lãnh trách nhiệm: bỉ nhân (thể) làm hay nói như thế này hay như thế nọ. Bỉ thể là một sự cám dỗ, một sự ru ngủ, một sự tha hóa; nó ngoại hiện trong phiếm luận (Gerede) ở đó cái “bỉ ngôn” người ta nói) trở thành thực tại chân thực của thuyết-thoại; ngoại hiện trong tính tò mò không thôi, trong sự tiêu thoát, và trong sự dao động liên tục, sau hết, trong sự hàm hỗn: người ta không thể phân biệt cái người ta biết với cái người ta không biết. Những thứ này hình thành đặc chất của thể tính thường nhật (Alltaglichkeit), nó phẩm định sự thoái đọa (Verfallen) của Dasein. Dasein rơi vào thoái đọa, nó chìm ngập vào thế giới.

Ưu tư về sự chết làm cho Dasein rơi vào bất chính thể, thường nhật thể, một thể tính thực sự là phi-chân(non-vérité). Vì bỉ thể không cho phép nghĩ về cái chết của riêng nó nên nó chỉ nói trống: “người ta chết” (man stirbt).

E. Ý THỨC VÀ QUYẾT TÍNH

Rút khỏi Bỉ thể là thể hiện một sự lựa chọn, một quyết định hầu dễ hiện hữu bằng cái tôi trung chính nhất. Chứng thực cho khả tính này là ý thức của chúng ta. Ý thức (Gewissen) là một cách thái của thông đạt tính là tiếng gọi Dasein thôi nghe bỉ thể và phiếm luận của nó. Ta không thể giải thích ý thức như một chức phận sinh vật học, cũng không nên coi nó như là tiếng nói của một thế lực xa lạ (Thượng đế); tiếng gọi đó phát ra từ ưu tính, từ Dasein mà, bị vứt bỏ trong khí xả tính, nó ưu tư về khả tính của nó. Tiếng gọi của ý thức không chỉ cho cái gì có thể “được nói đến”; chính trong sự vụ trầm mặc mà nó gợi lên  quá thất tính. Ở đây không phải là một trạng thái quá thất theo nghĩa thông thường mà là trạng thái của cái làm căn cơ cho ý nghĩa đó, và căn cơ này là tiêu cực thể (Nichtigkeit). Như vậy, trạng thái quá thất trước hết không phải khởi lên từ một cử chỉ sai lầm. Trái lại, tiêu cực thể trong ý nghĩa hiện sinh của khí xả tính và dự phóng (Entwurfenheit) không phải chỉ xuất phát từ tiêu cực tính của căn cơ, mà nó cũng là tiêu cực tự bản chất. Như vậy, trạng thái quá thất lệ thuộc thể tính của Dasein và có nghĩa: căn cơ tiêu cực của tiêu cực thể của nó.

Khi chúng ta tự do lựa chọn con đường của ý thức, chúng ta sẵn sàng chịu đối diện với ưu tư cùng với sự im lặng mà nó tự hoàn thành ở trong đó. Heidegger gọi đó là “quyết tính” (Entschlossenheit) khi chúng ta tụ xuất phóng một cách im lặng vào quá thất tính của chúng ta và được chuẩn bị đối diện với ưu tư về nó; quyết tính thiết lập thực tính của hiện hữu hướng đến tự thể của nó; quyết tính là tự do tính đối với tử vong tính. Nó giải phóng Dasein khỏi bỉ thể, nhưng không thoát khỏi thế giới của nó. Sự mâu thuẫn này là chân thực, bởi vì chỉ có quyết tính mới cho phép tha nhân thực sự hiện hữu với chúng ta hợp với khả năng hiện hữu cá biệt của chúng. Chỉ có quyết tính mới lột trần trạng huống bằng cách mở ra “lộ tính” đang hiện diện trong đó. Nhờ đó, con người can đảm chấp nhận định mệnh của mình và quyết định nhận lãnh vai trò trong thế giới.

F. THỜI TÍNH VÀ SỬ TÍNH

Quyết tính làm chìa khóa cho vấn đề nhất thể của Dasein. Cái nhất thể này không an lập trong cái “Tôi” và lý do tại sao bỉ thể rất thường và rất lo kêu lên “Tôi, tôi” (Ich, Ich) là vì tự căn bản tiếng kêu này không quan hệ đến bản ngã cá biệt của mình. Lý thuyết của truyền thống và của Kant đã không thể vượt lên trên cái quan điểm Bỉ thể này. Tuy nhiên, sự phân tích về cái “Tôi” cho thấy rằng ưu tính được bộc lộ với cái tôi. Như thế bản ngã mãi mãi hiện diện như là căn cơ của ưu tính và bản ngã liên đới (self-dependence) của cái “Tôi” chính là chỉ cho quyết tính tiên hướng. Bấy giờ, quyết tính tiên hướng đồng nhất với thể tính hướng vào tiềm tính của thể tính ẩn áo nhất và đặc trưng nhất, đó là thể hướng tử. Nhưng điều này chỉ có thể có nếu Dasein có thể đối diện được với chính nó, nghĩa là nếu Dasein có khả năng kiên thủ. Tương lai là sự sẵn sàng đối diện và kiên thủ những khả tính hướng cận. Đằng khác, khí xả tính chỉ có thể có khi mà Dasein tương-lai (Zukunft) có thể là quá khứ của nó, nó là như là nó đã là : Dasein chỉ có thể tự hướng khi nào nó tự phản. Sau hết, không có trạng huống nào đưa khả tính cho thể quyết tính ngoại trừ trong sự “trình diện” của những gì xuất hiện trong hiện thể. Do tự phản nghịch lưu trong tương lai bằng tiên hướng mà hiện hữu quả quyết tính tự trình diện trong trạng huống. Trong nhất thể tính của nó, hiện tượng này được gọi là Thời tính (Zeitlichkeit). Thời tính là ý nghĩa của ưu tính và như vậy là của hiện hữu. Tự bản chất, thời tính là xuất hóa tính, là ngoại quá tính nguyên sơ (Ursprüngliche Asser-sich). Tương lai, quá khứhiện tại, tất cả đều là xuất hóa thể (Ekstasen) của thời tính, trong số đó, tương lai là yếu tố dẫn đầu. Nhưng vì Dasein là hướng tử thể, nên tương lai cá biệt của chúng ta tự biểu lộ như là vô hạn. Thời thể nguyên sơ là vô hạn.

Mọi hiện vật, hiện thể, đều có thể được cắt nghĩa, và phải được cắt nghĩa, bằng thời tính. Thời tính khiến chúng khả dĩ. Nhưng Dasein không hiện hữu như là tổng số của những thực tại Sát na; không du hành qua một con đường tiên định, Dasein tự khoáng trương cho đến nổi ngay từ đầu tự thể của nó tự thiết lập như là một khả năng tự khoáng trương. “Cuối” và “giữa” chỉ  “cuối” và “giữa” khi nào Dasein hiện hữu. Vận tính dành riêng cho sự khoáng trương của thể tính được Heidegger gọi là “diễn tính” (Geschehen) của Dasein, và sự vén mở cơ cấu của diễn tính thiết lập sự lý giải của chúng ta về sử tính (Geschichtlichkeit). Ban sơ, chính Dasein là lịch sử, nhưng sau đó, thể hướng nội, và cả thế giới nữa, là lịch sử. Nhưng thế giới chỉ hiện hữu khi nào Dasein thời hóa (Zeitigen). Diễn tính lịch sử là diễn tính của tại-thế-thể.

Từ sự phân tích này, Heidegger triển khai một lý thuyết về thời thể; dưới ánh sáng của nó ông chỉ trích tất cả những lý thuyết xưa nay, nhất là những lý thuyết của Aristote và của Hegel.

G. VIỆT THỂ VÀ VÔ THỂ

Heidegger không vạch ra nhiều đường nét về siêu hình học của ông, thứ siêu hình học khó mà giải thích chính danh. Ở đây chúng tôi chỉ trình bày vắn tắt.

Mối tương quan giữa Dasein và các hiện thể trơ lì là một vật thể nhị diện. Một đằng, Dasein bị ném vào trong thế giới và bị chi phối bởi hiện thể (l’étant): thế giới siêu việt Dasein. Nhưng, đàng khác, Dasein tự bản chất là “tạo chủ của thế giới”, nó siêu việt thế giới, nó vượt qua (übersteigt) hiện thể, trong chiều hướng này nó mang hữu thể lại cho hiện thể, nghĩa là hữu nghĩa, hữu thực. Không có Dasein, không có hữu thể, dù là có một hiện thể. Sự vượt quá (Uberstebgt) này là ngã tính (Seldstheit) của Dasein: Dasein trở thành siêu việt hiện-thể. Yếu tính của Dasein là việt.

Dasein còn có một việt thể thứ ba: việt thể của vô thể. Vô thể không phải chỉ là một phạm trù luận lý, mà nguyên khai, nó còn là một phạm trù thể luận: không phải tiêu cực thể tạo nên vô thể, mà chính vô thể (trên bình diện vật thể luận) tạo ra tiêu cực thể. Tương quan giữa Dasein và vô thể là như thế này: trước hết, Dasein không có căn cơ, nó xuất hiện từ một hố thẳm không đáy, hố thẳm vô thể; thứ đến, cứu cánh của nó là tử diệt tính: một hố thẳm vô thể khác nữa; thứ ba, tự thể của Dasein là một tiên hướng về tử diệt tính, về vô thể: Dasein trống rỗng từ nội thể. Đằng khác, tất cả hiện thể trơ lì đều được lôi ra từ vô thể: ex nihilo omne ens qua ens fit. Heidegger thừa nhận cách ngôn này là hữu giá phổ quát. Dù trên những nguyên tắc của riêng ông, ông phải nói: “cái không-có (vô thể) có”, ông vẫn cố tránh diễn đạt vô nghĩa này bằng cách nói “Cái Không-có tự nó không có” (Das Nichts selbst nichtet), thành ngữ này đã bị chế diễu rất nhiều, nhất là các nhà tân thực chứng.

Câu hỏi bấy giờ là: “vô thể” có nghĩa là gì? Lập tức câu trả lời diễn ra như sau: xuyên qua Dasein, các hiện thể phi nhân xuất hiện từ vô thể, một tiến trình mà niệm tính (chân lý) được xác chứng xuyên qua Dasein: chính Thể (Sein) chứ không phải hiện thể (Seiende), khởi lên từ Dasein. Như thế, có lẽ tư tưởng của Heidegger có thể được diễn đạt bằng cách nói rằng: “vô thể” được nhận như là một hiện thể không có thể tính, một hỗn thể hoàn toàn bất khả niệm. Ông coi Dasein như là minh tính bản nhiên (lumen naturale), là cái duy nhất mang lại cho hiện thể một cơ cấu và một ý nghĩa. Nếu giải thích này mà đúng, thì triết học của Heidegger có thể được giải thích như là một chủ nội tại triệt để (immanentisme), theo đó mọi ý nghĩa đều phụ thuộc Dasein. Nhưng dù nó được giả thiết đại khái rằng đó là ý hướng của ông, thì điều đó bị ông bác bỏ kịch liệt. Không nên coi triết học của ông như là một thứ chủ quan luận (subjectivisme). Heidegger nhấn mạnh rằng vũ trụ bắt nguồn trong cả chủ quan tính và khách quan tính.

Những biện luận này đưa thẳng đến quan điểm về tự do tính theo Heidegger. Dasein tự nó đứng lên như một dự phóng trong sự vượt qua (Übersteig) của nó: sự vượt qua chính là tự do tính. Người ta cũng có thể nói rằng Dasein là tự do tính. Và bởi vì mọi giải thích và mọi căn cơ đều lưu xuất từ Dasein nên chính tự do tính là căn cơ tối hậu của tất cả niệm tính: Tự do tính là căn cơ của căn cơ, đây dường như là lời nói cuối cùng trong triết học của Heidegger.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt