Chủ nghĩa hiện sinh

Triết học về sự hiện hữu - Gabriel Marcel

 

TRIẾT HỌC VỀ HIỆN HỮU

1 2 3 4 5

 

19.

GABRIEL MARCEL

 

I. M. BOCHENSKI (1902-1995)

TUỆ SĨ dịch

 


I. M. Bochenski. Triết học tây phương hiện đại. Chương IV: “Triết học về hiện hữu”. Tuệ Sỹ dịch, Nxb. Ca Dao. | Bản điện tử do bạn Phạm Tấn Xuân Cao gửi cho triethoc.edu.vn.


 

A. DIỄN TIẾN VÀ ĐẶC ĐIỂM

Gabriel Marcel (-1889) cùng với Karl Jaspers (người thường được so sánh với Marcel) thuộc nhóm thứ hai trong những triết gia hiện sinh. Trái với Heidegger và Sartre, cả hai cùng có cái đặc trưng là không những chỉ nhận có siêu việt thể “theo chiều ngang” mà còn cả siêu việt thể “theo chiều dọc” (nghĩa là hướng về Thượng đế), và thêm nữa, họ bác bỏ một thể luận theo nghĩa cổ điển và không nhờ đến sự phân tích duy lý và chỉ đồng ý với những mô tả tự do về kinh nghiệm hiện sinh. Lập trường của Marcel là chống đối mãnh liệt tính cách hệ thống đến nỗi các quan điểm khó mà tập thành hơn bất cứ một triết gia hiện sinh nào. Quả thực, chưa có ai thành công trong việc làm này. Vì lý dó đó và cũng bởi Marcel chỉ đưa ra một phát biểu sơ về tác phẩm chính của ông (Thám sát tính thể của đời sống tâm linh), tác phẩm dành cho việc đưa ra một cố gắng hệ thống hóa; tốt hơn là nên khái thuật triết lý của ông giới hạn trong những chính yếu thôi, mặc dù tầm quan trọng lớn lao của nền triết học này.

Xét theo thời gian thì Marcel là người đầu tiên trong những triết gia hiện sinh đương thời. Ngay từ đầu năm 1914 ông đã đề ra những thể tài hiện sinh trong bài báo của ông nhan đề Existence et objectivité. Trong trường phái này, có lẽ ông là người gần Kierkegaard nhất, nhưng ta phải ghi nhận rằng ông đã khai triển quan điểm căn bản của mình trước khi đọc được Kierkegaard. Những đường nét phát triển của ông, như được trình bày trong hai tập “ký lục siêu hình” (Journal métaphysique, 1914-1917, và Être et Avoir, 1918-1933), song hành với những đường nét của Kierkegaard. Cũng như khởi điểm của Kierkegaard là chống đối Hegel, Marcel cũng thế, sau khi đã nghiên cứu cặn kẽ những nhà tân chủ Hegel ở Anh, và nhất là  Royce (La métaphysique de Royce, 1945), ông thoát khỏi duy tâm luận dần dần để đi đến một thứ triết học chủ quan, hiện sinh. Ông bắt đầu với quan điểm rằng, để trả lời cho câu hỏi về hiện hữu của Thượng đế, trước tiên không thể không xác định cho rõ khái niệm về hiện hữu. Những nghiên cứu của ông về chủ để này dẫn ông đến chỗ kiến lập một thứ triết học “cụ thể”. Rồi thì, Marcel quy đầu Công giáo và ngày nay ông là một trong những phát ngôn viên công giáo quan trọng ở Pháp. Tuy nhiên, ông giữ lập trường tiêu cực đối với triết học công giáo cổ truyền, nhất là chủ thuyết Thomas. Năm 1949, ông nhận chức giảng viên Gifford, một vinh dự lớn nhất của một triết gia và chỉ một số ít triết gia Đại lục nhận được (trong số đó có, Hans Driesch, Étienne Gilson, Karl Barth). Không khác gì Sartre, Marcel không trở thành một giáo sư Đại học. Nhưng qua sự tiếp xúc rộng rãi với thế hệ trẻ, ông đã gây ảnh hưởng quan trọng trên tư tưởng Pháp và ngày nay là một trong những triết gia nổi tiếng nhất ở Âu châu.

B.  Ý NIỆM CĂN BẢN

Marcel chủ trương rằng thể đối vật và hiện hữu là hai chiều hoàn toàn khác nhau của thể tính. Điều này được thấy rõ nhất trong vấn đề căn bản: hiện thân (Incarnation). Mối tương quan giữa thân xác tôi và tôi không thể được mô tả như là là (être) và có  (avoir). Tôi  thân xác tôi, nhưng tôi không thể đồng nhất mình với nó. Vấn đề hiện hữu đã dẫn Marcel đi đến chỗ phân biệt rõ ràng giữa nghi đề (problème) và huyền thể  (mystere). Một nghi đề quan hệ cái gì hoàn toàn ở phía trước tôi, cái mà tôi có thể nhìn với tư cách một quan sát viên; trái lại, huyền thể là “cái mà tôi dấn thân (engagé, vào”, như thế, tự bản chất, nó không thể hiện hữu ở ngoài tôi. Chỉ có những huyền thể là thuộc triết học, và như triết học phải là siêu khách quan, cá biệt, bi kịch và bi tráng nữa. “Tôi không làm chứng cho một hí kịch”, Marcel hay gợi lại hằng ngày lời nói này cho ký ức. Ông nói, khả tính của tự tử là khởi điểm của mọi siêu hình học chân thực. Một siêu hình học như thế nhất định không phải là duy lý, cũng không phải là trực giác: nó là sản phẩm của loại phản quan hạng thứ (réflexion seconde).

Marcel chưa đưa ra nền siêu hình học này nhưng ông đã phác họa phương pháp của nó. Nó phải đưa ra một giải đáp cho nhu cầu căn bản của thể luận: phải có thể tính; phải có cái gì mà người ta không thể giải quyết bằng một phân tích, hơi giống như tâm lý học “giải thích” các hiện tượng tâm thể. Chắc chắn có thể tính, có cái “là”, thực tại huyền nhiệm của cái “Tôi là” (không phải cogito ergo Sum) bảo đảm nó cho chúng ta. Như thế người ta khắc phục sự đối lập của chủ và khách, duy thực và duy tâm. Thực tại con người tự bộc lộ như là thực tại của một homo viator, một thể tính luôn luôn biến dịch; một nền triết học nào mà ngộ nhận chân lý này, mà toan cắt nghĩa con người bằng một hệ thống, triết học ấy không thể lý giải được con người.

Chính do sự nhận xét về những tương quan của con người, về thực tại phù hợp với những phán đoán của người thứ hai, tức là “Anh”, nhận định ấy cho phép ta lý giải thể tính con người. Những tương quan phi đối tượng của cái Anh này là những tương quan sáng tạo, vì qua chúng, tôi tự tạo và đồng thời giúp tha nhân tự tạo tự do tính của nó. Ở đây, Marcel gần với Martin Buber (-1878), triết gia Do Thái, người đã chủ trương tương tự những điều này trước cả Marcel.

Trung tâm của những tương quan ngôi hai này là thành tính (fidélité): con người trung thành khi tự tạo trong tự do tính; thành tính xuất hiện như một hiện thân của thực tại cao đẳng và tự do. Sự hy vọng lại còn căn bản hơn thành tính vì thành tính được xây trên sự hy vọng. Theo Marcel, sự hy vọng có một tầm mức thể luận: nó chứng tỏ rằng sự chiến thắng của tử diệt tính chỉ là ngoại ảnh và không phải sự kiện chung kết. Marcel coi thuyết hy vọng của mình như là kết quả quan trọng nhất trong công trình của mình. Ở đây ông hoàn toàn tách rời khỏi Sartre và Heidegger, và hình như cả Jaspers nữa.

Cái con người “Anh” cũng có thể bị khách thể hóa và trở thành “Nó”. Nhưng có một giới hạn xác định cho điều này, mà phía sau đó hiện diện một cái Anh tuyệt đối không thể bị biến thành một đối tượng được, đó là Thượng đế. Không thể minh chứng hiện hữu của Thượng đế bằng những đường lối duy lý; người ta gặp gỡ Thượng đế trên bình diện tha nhân, trên bình diện cái Anh, trong tình yêu và sự ngưỡng vọng bằng sự tham dự vào thể tính chân thực, sự tham dự có lẽ là bắt đầu ngay với những vấn đề triết học.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt