Chủ nghĩa hiện sinh

Triết học về hiện hữu - Kết luận phê bình

 

TRIẾT HỌC VỀ HIỆN HỮU

1 2 3 4 5

 

21.

KẾT LUẬN PHÊ BÌNH

 

I. M. BOCHENSKI (1902-1995)

TUỆ SĨ dịch

 


I. M. Bochenski. Triết học tây phương hiện đại. Chương IV: “Triết học về hiện hữu”. Tuệ Sỹ dịch, Nxb. Ca Dao. | Bản điện tử do bạn Phạm Tấn Xuân Cao gửi cho triethoc.edu.vn.


 

 

Để đưa ra một bức tranh trung thực về triết học hiện sinh, ta phải phân biệt rõ hai nét khác nhau. Trước hết, hiện sinh luận chính là sự trở về với những vấn đề nóng bỏng về thân phận con người và ý nghĩa với vũ trụ, và thứ hai thêm vào đó, là một phân tích mới mẻ về hiện hữu của con người trên một nền tảng thể luận và siêu hình học.

Trở về những vấn đề con người – ta hãy gọi đó là yếu tố tychic (từ chữ tyke của Hy Lạp, có nghĩa là số phận hay vận mệnh của con người) – dĩ nhiên đáng được tán thưởng vì những quan hệ của nó đối với văn hóa Âu châu. Thực vậy, sự chú trọng thân phận con người dường như có mối liên hệ bất khả phân với nền văn hóa Âu châu như đã có từ những cỗi nguồn Hy Lạp, La Mã và Thiên Chúa giáo. Nhưng suốt trong những thế kỷ cận đại yếu tố tychic này hầu như biến mất khỏi triết học Âu châu. Spinoza đã nói, “con người tự do nghĩ về hư vô hơn là về sự chết” và ở thế kỷ XIX nhân vị được coi như là “không khoa học.” Tuy nhiên, ta không nên nghĩ về yếu tố tychic như là cái gì có tính cách tôn giáo. Tỉ dụ, ta không thể coi Nietzsche là một triết gia tôn giáo, ngay dù ông ta rõ ràng là một triết gia tychic. Cũng như không thể đồng nhất nó với yếu tố hiện sinh. Như đã nói, cả St. Augustine và Pascal đều không phải là những nhà hiện sinh. Ta có thể thấy rõ ý nghĩa đích thực của yếu tố này bằng cách so sánh Haeckel và Nietzsche. Cả hai đều chủ vô thần và tất định, nhưng mỗi người đi một đường lối riêng. Tỉ dụ, sự phi hữu của Thượng đế đối với Haeckel là một luận đề khả chứng, với Nietzsche, đó là một bi kịch. Nếu triết học Âu châu phải đi theo sự chỉ đạo của những tư tưởng gia kiểu Haeckel, nó sẽ hoàn toàn sụp đổ, song song với cả văn hóa Âu châu. Khi đặt yếu tố tychic lại vị trí nổi bật, hiện sinh luận chắc chắn đã cống hiến cho sự khôi phục đời sống và tư tưởng của chúng ta.

Theo thói thường, hiện sinh luận đã đi quá xa trong sự phản ứng, cố nhiên là chính đáng, chống lại quá khứ. Với phần lớn các triết gia hiện sinh, hình như không có điều nào khác hơn là những vấn đề tychic, những vấn đề về thân phận. Toàn thể suy tư triết học của họ hình như quy tụ trên sự chết, đau khổ, thất bại. Vì thế họ bỏ quên một yếu tố chính yếu khác trong văn hóa Âu châu, đó là ý nghĩa của cái khách quan và khoa học mà những người Hy Lạp đã tới mức độ cao. Hiện sinh luận thường nhấn mạnh trên yếu tố tychic mà hình như đó là một triết học Ấn Độ hơn là triết học Âu châu, nghĩa là một thứ tư tưởng coi như cực đoan, ngay cả ở luận lý học của nó, một thứ phương sách cứu chữa. Chính vì những lý do đó mà hiện sinh luận gặp phải sự chỉ trích chính đáng ở nhiều – có lẽ là hầu hết – triết gia nghiêm túc của Âu châu.

Một nét độc nhất khác của triết học hiện sinh thêm vào yếu tố tychic là đặc điểm triết học rất chuyên môn của nó. Ở đây, ta có thể ghi nhận những quan điểm và những thành quả có giá trị rất lớn. Chắc chắn triết học đã được làm giàu bằng một số những phân tích quan trọng ở tâm lý học và hiện tượng học, và cũng là lần đầu tiên họ thám hiểm những lĩnh vực mới mẻ, như những tương quan thuần nhân vị giữa loài người (“cộng thể”, “thể vị tha”, “anh”, “cảm thông”). Một loạt những vấn đề mới mẻ như thế ra đời tạo nên một tiến bộ rõ rệt trong triết học. Những cuộc tấn công phê bình thực chứng luận và duy tâm luận cũng là căn bản của các nhà hiện sinh. Chống thực chứng luận, họ đã thành công trong công việc bảo vệ tính cách bất phân của hiện hữu con người đối với vật chất, và chống duy tâm luận, họ cực lực khẳng nhận và xác tín tính chất ưu tiên của hiện hữu đối với tư tưởng. Họ bận tâm với thể luận trong nhiều đường lối và một số không những nghiên cứu tỉ mỉ mà con khoác thêm siêu hình học. Thêm nữa, sự hiểu biết của họ về những vấn đề nhân loại học còn vượt lên công trình của thế kỷ XIX. Do đó, nói rằng hiện sinh luận chẳng những chỉ là một tiếng kêu lớn tiên tri mà còn là một nền triết học chuyên môn đáng giá, nói thế không có chi quá đáng.

Nhưng ở phương diện chuyên môn ày thì chúng ta thấy rõ những nhược điểm lớn nhất của hiện sinh luận. Các triết gia này khó khăn lắm mới có thể vượt qua được duy tâm luận. Họ bắt đầu với giả định rằng khách thể nhất định được tạo nên do chủ thể và như thế họ đi tìm thể tính trong cái “siêu khách thể” tưởng tượng, không thể nghĩ đến được và như vậy chỉ nắm được bằng những danh ngôn. Cái cụ thể là cái nằm lòng của họ cho đến nỗi họ chỉ tìm cách bàn đến cái riêng-cho-mỗi-người (jemeinig). Nhưng vận chuyển trong chiều hướng này, triết học thường trở thành một thứ ”tự sự” thôi mà họ không thể diễn tả gì hơn bằng những cảm thức, trong hình thức thi vị, nhưng thường là vô nghĩa, hơn là trong hình thức có khoa học. Công trình thể hiện của chủ hiện sinh lại đáng nghi ngờ hơn: dưới mắt một học thuyết nghiêm túc về thể tính phục hưng ngày nay thì thể luận ấy thường thường có vẻ là một trò chơi tài tử với những khái niệm lệch lạc, nhất là ở luận thuật về vô thể của Sartre. Không triết gia hiện sinh nào đã thâm nhập thể tính như là thể tính, và tất cả luôn luôn lẫn lộn cấp độ đặc biệt của thể tính (Seinsstufe) riêng cho con người, với cách thái của thể tính (Seinsweise) mà họ gán ghép sai lầm cho con người. Sự phân chia thể tính nhân và phi nhân của Descartes đã xác định một cách trung thành tất cả tư tưởng cận đại chưa được vượt qua bằng một thể luận thực thụ mà chỉ làm nghiêm trọng thêm. Do đó, không kể những công trình to lớn của hiện sinh luận, trực giác của nó về tính bất tất của những thể tính đặc biệt và về siêu việt thể của Thượng đế trong số những sự thể khác, nói cho cùng vẫn còn chưa thỏa đáng. Những vấn đề này sẽ được biện luận nghiêm túc hơn và sâu sơn ở triết học về thể tính.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt