BẢN THẢO KINH TẾ - TRIẾT HỌC NĂM 1844
KARL MARX (1818-1883)
[Chủ nghĩa cộng sản]
MỤC LỤC
|
[I] Trong tr. XXXIX - Những sự đối lập giữa tình trạng không có sở hữu và sở hữu còn là một sự đối lập chung chung; nó chưa được xét trong quan hệ hoạt động của nó, trong tương quan bên trong của nó và chưa được quan niệm như là mâu thuẫn[1], chừng nào người ta chưa hiểu nó như là sự đối lập giữa lao động và tư bản. Sự đối lập ấy cũng có thể biểu hiện dưới hình thức thứ nhất mà không có sự vận động phát triển hơn của chế độ tư hữu (ở La Mã cổ đại, ở Thổ Nhĩ Kỳ, v.v.). Dưới hình thức như vậy sự đối lập ấy chưa biểu hiện như là do bản thân chế độ tư hữu quyết định. Nhưng lao động, bản chất chủ quan của chế độ tư hữu, với tính cách là cái loại trừ sở hữu, và tư bản, lao động đã khách quan hoá, với tính cách là cái loại trừ lao động, - đó là chế độ tư hữu với tính cách là hình thức - đã phát triển đến trình độ mâu thuẫn - của sự đối lập nói trên, do đó với tính cách là hình thức mãnh liệt, thúc đẩy giải quyết mâu thuẫn đó.
Cũng trang ấy. - Việc xoá bỏ sự tự tha hoá đi theo cùng một con đường như sự tha hoá. Lúc đầu chế độ tư hữu chỉ được xét từ phương diện khách quan của nó, - nhưng lao động vẫn được quan niệm như là bản chất của nó. Vì vậy hình thức tồn tại của nó là tư bản phải bị tiêu diệt "với tính cách như vậy" (Pru-đông). Hoặc là tính chất đặc biệt của lao động - lao động bị san bằng, bị phân nhỏ và do đó không tự do - được quan niệm như là nguồn gốc của sự nguy hại của chế độ tư hữu và của tồn tại tha hoá khỏi con người của nó; Phu-ri-ê, cũng giống như phái trọng nông, lại coi lao động nông nghiệp ít ra là dạng lao động tốt nhất[2], còn theo Xanh Xi-mông thì trái lại, thực chất của vấn đề là lao động công nghiệp với tính cách là lao động công nghiệp, và phù hợp với điều đó ông cố đạt được sự thống trị hoàn toàn của các nhà công nghiệp và sự cải thiện tình cảnh của công nhân[3]. Và, cuối cùng, chủ nghĩa cộng sản là biểu hiện tích cực của sự xoá bỏ chế độ tư hữu; trong những thời kỳ đầu nó biểu hiện ra là chế độ tư hữu phổ biến[4]. Nắm lấy quan hệ tư hữu trong tính phổ biến của nó, chủ nghĩa cộng sản.
1) Trong hình thức đầu tiên của nó chỉ là sự khái quát và sự hoàn thành quan hệ đó[5]. Với tính cách như vậy, nó có hai dạng: một là, sự thống trị của sở hữu vật chất đối với nó lớn đến nỗi nó tìm cách xoá bỏ tất cả những cái mà trên cơ sở chế độ tư hữu tất cả mọi người không thể có được; nó muốn gạt bỏ tài năng, v.v. đi bằng bạo lực. Đối với nó, sự chiếm hữu nhục thể trực tiếp là mục đích duy nhất của cuộc sống và của sự tồn tại; phạm trù người công nhân không bị xoá bỏ mà được mở rộng ra cho tất cả mọi người; quan hệ tư hữu vẫn là quan hệ của toàn xã hội đối với thế giới sự vật; cuối cùng, sự vận động ấy nhằm đem chế độ tư hữu phổ biến đối lập với chế độ tư hữu, biểu hiện trong hình thức hoàn toàn động vật, khi nó đem chế độ cộng thê đối lập với hôn nhân (quả thực, hôn nhân là một hình thức nào đó của chế độ tư hữu độc quyền), do đó trong chế độ cộng thê người đàn bà trở thành sở hữu xã hội và sở hữu chung. Có thể nói rằng tư tưởng đó về chế độ cộng thê tiết lộ bí mật của chủ nghĩa cộng sản còn hoàn toàn thô lỗ và chưa được suy nghĩ chín chắn ấy. Giống như người đàn bà ở đây chuyển từ hôn nhân sang sự mại dâm chung1*, toàn thế giới của cải, nghĩa là toàn thế giới của bản chất đối tượng của con người, cũng chuyển từ hôn nhân độc quyền với người sở hữu riêng sang mại dâm phổ biến với toàn thể xã hội. Chủ nghĩa cộng sản đó đâu đâu cũng phủ định cá tính của con người, chỉ là biểu hiện nhất quán của chế độ tư hữu vốn là sự phủ định đó. Sự ghen ghét phổ biến và được cấu thành như một quyền lực là hình thức che giấu của thói tham lam và trong đó thói tham lam được thoả mãn chỉ bằng cách khác mà thôi. Bất cứ chế độ tư hữu nào với tính cách như vậy đều cảm thấy sự ghen ghét và sự thèm muốn bình quân hoá - ít ra là đối với chế độ tư hữu giàu có hơn, - thành thử những cái này thậm chí họp thành bản chất của cạnh tranh. Chủ nghĩa cộng sản thô lỗ chỉ là sự hoàn thành sự ghen ghét đó và sự bình quân hoá đó, xuất phát từ quan niệm về một mức tối thiểu nào đó. Nó có một thước đo có giới hạn nhất định. Sự xoá bỏ chế độ tư hữu như vậy hoàn toàn không phải là sự chiếm hữu thật sự thước đo ấy, điều đó thấy rõ chính là từ sự phủ định một cách trừu tượng toàn bộ thế giới văn hoá và văn minh, từ việc quay trở về tính giản dị không tự nhiên [IV] của người nghèo và không có nhu cầu, người này không những không vượt lên trên trình độ chế độ tư hữu mà thậm chí chưa đạt tới chế độ đó[6].
Đối với loại chủ nghĩa cộng sản đó, tính cộng đồng chỉ là tính cộng đồng của lao động và sự bình đẳng về tiền công mà nhà tư bản công cộng, khối cộng đồng với tính cách là nhà tư bản phổ biến trả. Cả hai mặt của mối tương quan được nâng lên trình độ của tính phổ biến tưởng tượng: lao động được nâng lên thành thiên chức của mỗi người, của tư bản thì được nâng lên thành tính phổ biến được thừa nhận và sức mạnh toàn xã hội.
Trong quan hệ với đàn bà với tính cách là chiến lợi phẩm và nữ tỳ của khoái lạc xã hội biểu lộ sự thoái hoá vô tận của con người đối với bản thân mình, vì bí mật của quan hệ đó biểu hiện một cách rõ ràng, kiên quyết, công nhiên, lộ liễu trong quan hệ của đàn ông đối với đàn bà và cả trong cách quan niệm quan hệ có tính loài trực tiếp, tự nhiên. Quan hệ trực tiếp, tự nhiên, tất nhiên của con người với con người là quan hệ của đàn ông với đàn bà. Trong quan hệ có tính loài tự nhiên ấy, quan hệ của con người với tự nhiên trực tiếp là quan hệ của con người với con người, còn quan hệ của con người với con người trực tiếp là quan hệ của con người với tự nhiên, là thiên chức tự nhiên của bản thân con người. Như vậy, trong quan hệ đó biểu hiện dưới hình thức cảm tính, dưới hình thức sự kiện cụ thể, tình hình là: đối với con người, bản chất con người đã trở thành giới tự nhiên đến mức nào, hoặc tự nhiên đã trở thành bản chất người của con người đến mức nào. Do đó, căn cứ vào quan hệ đó có thể xét đoán về trình độ văn hoá chung của con người. Từ tính chất của quan hệ đó, thấy rõ con người đã trở thành thực thể tộc loại đối với mình đến mức độ nào, đã trở thành con người đến mức độ nào đối với mình và quan niệm mình như vậy đến mức độ nào. Quan hệ của đàn ông với đàn bà là quan hệ tự nhiên nhất của con người với con người. Cho nên trong quan hệ đó bộc lộ hành vi tự nhiên của con người đã trở thành hành vi có tính chất người đến mức độ nào, hoặc là bản chất con người đã trở thành bản chất tự nhiên đối với con người đến mức độ nào, bản tính người đã trở thành tự nhiên đối với con người đến mức độ nào. Từ tính chất của quan hệ đó cũng biểu lộ rõ nhu cầu của con người đã trở thành nhu cầu con người đến mức độ nào, nghĩa là con người khác với tính cách là con người đã trở thành nhu cầu đối với con người đến mức độ nào, bản thân con người trong tồn tại hết sức cá nhân của mình đồng thời cũng là một thực thể xã hội đến mức độ nào.
Như vậy, sự xoá bỏ tích cực thứ nhất đối với chế độ tư hữu, chủ nghĩa cộng sản thô lỗ chỉ là hình thức biểu hiện của sự ty tiện của chế độ tư hữu, chế độ này muốn tự xác định với tính cách là một chế độ cộng đồng tích cực.
2) Chủ nghĩa cộng sản a) còn có tính chất chính trị, không kể là dân chủ hay chuyên chế; b) với sự xoá bỏ nhà nước, nhưng đồng thời chưa hoàn bị và vẫn còn chịu ảnh hưởng của chế độ tư hữu, nghĩa là của sự tha hoá của con người. Cả trong hình thức này lẫn trong hình thức kia, chủ nghĩa cộng sản đã quan niệm mình như là việc con người tái liên kết hoặc quay về bản thân mình, như là sự thủ tiêu sự tự tha hoá của con người; nhưng vì con người chưa làm rõ được cho mình bản chất tích cực của chế độ tư hữu và chưa hiểu được tính chất con người của nhu cầu, cho nên con người cũng còn bị chế độ tư hữu cầm tù và truyền nhiễm. Đúng là con người đã hiểu khái niệm chế độ tư hữu, nhưng nó chưa làm rõ được cho mình bản chất của chế độ đó.
3) Chủ nghĩa cộng sản với tính cách là sự xoá bỏ một cách tích cực chế độ tư hữu - sự tự tha hoá ấy của con người - và do đó với tính cách là sự chiếm hữu một cách thực sự bản chất con người bởi con người và vì con người; do đó với tính cách là việc con người hoàn toàn quay trở lại chính mình với tính cách là con người xã hội, nghĩa là có tính chất người - sự quay trở lại này diễn ra một cách có ý thức và có giữ lại tất cả sự phong phú của sự phát triển trước đó. Chủ nghĩa cộng sản như vậy, với tính cách là chủ nghĩa tự nhiên hoàn bị, = chủ nghĩa nhân đạo, với tính cách là chủ nghĩa nhân đạo hoàn bị, = chủ nghĩa tự nhiên; nó là sự giải quyết thực sự mâu thuẫn giữa con người và tự nhiên, giữa con người và con người, là sự giải quyết thực sự cuộc tranh chấp giữa tồn tại và bản chất, giữa sự đối tượng hoá và sự tự khẳng định, giữa tự do và tất yếu, giữa cá thể và loài. Nó là sự giải quyết câu đố của lịch sử và nó biết rằng nó là sự giải quyết ấy[7].
[V] Cho nên toàn bộ sự vận động của lịch sử một mặt là hành vi sinh sản hiện thực của chủ nghĩa cộng sản đó - hành vi sinh đẻ của tồn tại kinh nghiệm của chủ nghĩa cộng sản, - và mặt khác, đối với ý thức đang tư duy, nó là sự vận động được hiểu thấu và được nhận thức của sự sinh thành của chủ nghĩa cộng sản. Còn chủ nghĩa cộng sản chưa hoàn bị nói trên, đi tìm cho mình sự chứng minh lịch sử trong sự hình thành lịch sử cá biệt đối lập với chế độ tư hữu, đi tìm sự chứng minh trong cái đang tồn tại, bằng cách tách ra những nhân tố cá biệt của sự vận động (Ca-bê, Vi-lơ-gác-đen và những người khác đặc biệt thích cưỡi con ngựa đó) và cố định chúng thành sự chứng minh tính chất chính cống lịch sử của mình; nhưng làm như vậy nó chỉ chứng minh rằng một bộ phận hết sức lớn của vận động lịch sử mâu thuẫn với những sự khẳng định của nó và nếu nó đã tồn tại một lúc nào đó thì chính là tồn tại đã qua ấy của nó bác bỏ tham vọng của nó đối với bản chất.
Không khó khăn gì mà không thấy tình hình sau đây là tất nhiên: toàn bộ cuộc vận động cách mạng tìm thấy cơ sở kinh nghiệm cũng như cơ sở lý luận của mình trong sự vận động của chế độ tư hữu, trong kinh tế.
Chế độ tư hữu vật chất, trực tiếp cảm tính ấy là biểu hiện vật chất, cảm tính của sinh hoạt bị tha hoá của con người. Sự vận động của nó - sản xuất và tiêu dùng - là biểu hiện cảm tính của sự vận động của toàn bộ sản xuất có trước, có nghĩa nó là sự thực hiện hoặc là hiện thực của con người. Tôn giáo, gia đình, nhà nước, pháp luật, đạo đức, khoa học, nghệ thuật, v.v. chỉ là những hình thức đặc biệt của sản xuất và phục tùng quy luật chung của sản xuất. Cho nên sự xoá bỏ một cách tích cực chế độ tư hữu với tính cách là sự khẳng định sinh hoạt của con người là sự xoá bỏ một cách tích cực mọi sự tha hoá, nghĩa là việc con người từ tôn giáo, gia đình, nhà nước, v.v. quay trở về tồn tại con người, nghĩa là tồn tại xã hội của mình. Sự tha hoá tôn giáo với tính cách như vậy chỉ xẩy ra trong lĩnh vực ý thức, trong lĩnh vực thế giới bên trong của con người, nhưng sự tha hoá kinh tế là sự tha hoá của sinh hoạt hiện thực, - vì thế sự xoá bỏ nó bao gồm cả hai mặt. Dễ hiểu là nếu ở các dân tộc khác nhau sự vận động đó, bắt đầu hoặc là trong lĩnh vực này hoặc là trong lĩnh vực kia, thì điều đó phụ thuộc vào chỗ sinh hoạt chân thực được thừa nhận của dân tộc đó diễn ra chủ yếu trong lĩnh vực ý thức hay trong lĩnh vực thế giới bên ngoài, nó là sinh hoạt trong ý niệm hay sinh hoạt thực tế nhiều hơn. Chủ nghĩa cộng sản bắt đầu ngay lập tức từ chủ nghĩa vô thần (Ô-oen)[8], còn chủ nghĩa vô thần trong những thời kỳ đầu thì hoàn toàn chưa phải là chủ nghĩa cộng sản; vì chủ nghĩa vô thần mà từ đó chủ nghĩa cộng sản bắt đầu còn chủ yếu là một sự trừu tượng. Cho nên lòng thương người của chủ nghĩa vô thần lúc đầu chỉ là lòng thương người có tính chất triết học, trừu tượng, còn lòng thương người của chủ nghĩa cộng sản thì lập tức có tính chất hiện thực và trực tiếp nhằm vào hành động.
Chúng ta đã thấy với sự giả định là chế độ tư hữu bị xoá bỏ một cách tích cực thì con người sản xuất ra con người - bản thân mình và người khác - như thế nào; chúng ta đã thấy đối tượng, tức sản phẩm trực tiếp của hoạt động của cá tính con người, đồng thời cũng là tồn tại của bản thân con người đối với người khác, tồn tại của người khác ấy và tồn tại của người sau đối với người trước như thế nào. Nhưng cũng đúng như vậy vật liệu lao động và con người với tính cách là chủ thể cũng là kết quả và điểm xuất phát của cuộc vận động (chúng phải là điểm xuất phát ấy ở chỗ nào thì tính tất yếu lịch sử của chế độ tư hữu cũng là ở chỗ đó). Như vậy, tính chất xã hội là cái vốn có của toàn bộ sự vận động; bản thân xã hội sản xuất ra con người với tính cách là con người như thế nào thì nó cũng sản xuất ra xã hội như thế. Hoạt động và sự hưởng dụng những thành quả của hoạt động, xét theo nội dung của nó cũng như xét theo phương thức tồn tại, đều mang tính chất xã hội: hoạt động xã hội và hưởng dụng xã hội. Bản chất con người của tự nhiên chỉ tồn tại đối với con người xã hội; vì chỉ có trong xã hội, tự nhiên đối với con người mới là một cái khâu liên hệ con người với con người, mới là tồn tại của con người đối với người khác và tồn tại của người khác đối với người đó, mới là nhân tố sinh hoạt của hiện thực con người; chỉ có trong xã hội, tự nhiên mới biểu hiện ra là cơ sở của tồn tại có tính chất người của bản thân con người. Chỉ có trong xã hội, tồn tại tự nhiên của con người mới là tồn tại có tính chất người của con người đối với con người và tự nhiên mới trở thành con người đối với con người. Như vậy, xã hội là sự thống nhất bản chất đã hoàn thành của con người với tự nhiên, sự phục sinh chân chính của tự nhiên, chủ nghĩa tự nhiên đã được thực hiện của con người và chủ nghĩa nhân đạo đã được thực hiện của tự nhiên.
[VI] Hoạt động xã hội và hưởng dụng xã hội tồn tại hoàn toàn không phải chỉ dưới hình thức hoạt động tập thể trực tiếp và dưới hình thức hưởng dụng tập thể trực tiếp, mặc dầu hoạt động tập thể và hưởng dụng tập thể, nghĩa là hoạt động và hưởng dụng biểu lộ và tự khẳng định một cách trực tiếp trong sự giao tiếp hiện thực với những người khác, có thể phát sinh bất cứ chỗ nào mà biểu hiện trực tiếp nói trên của tính xã hội có căn cứ trong bản thân nội dung của hoạt động đó hay sự hưởng dụng đó và phù hợp với bản tính của nội dung đó.
Nhưng ngay cả khi tôi chuyên về hoạt động khoa học v.v. - hoạt động mà chỉ trong những trường hợp hiếm có tôi mới có thể thực hiện trong sự giao tiếp trực tiếp với những người khác, - ngay cả lúc đó tôi cũng tiến hành một hoạt động xã hội, bởi vì tôi hoạt động như một con người. Không những tài liệu cần cho hoạt động của tôi, - cả đến bản thân ngôn ngữ mà nhà tư tưởng dùng để hoạt động, - được cung cấp cho tôi với tính cách là một sản phẩm xã hội, mà cả tồn tại của bản thân tôi cũng là hoạt động xã hội; cho nên cả cái mà tôi làm ra từ trong con người của tôi, tôi cũng làm ra từ bản thân tôi cho xã hội, vì tôi biết rằng tôi là một thực thể xã hội.
Ý thức phổ biến của tôi chỉ là hình thức lý luận của cái mà hình thức sinh động của nó là tính tập thể hiện thực, là bản chất xã hội, nhưng trong thời đại chúng ta ý thức phổ biến là sự trừu tượng sinh hoạt hiện thực và đối lập với sinh hoạt hiện thực với tính cách là một sự trừu tượng như thế. Cho nên cả hoạt động của ý thức phổ biến của tôi với tính cách như vậy cũng là tồn tại lý luận của tôi với tính cách là thực thể xã hội.
Trước hết cần phải tránh không được lại lần nữa đem "xã hội" với tính cách là một sự trừu tượng đối lập với cá nhân. Cá nhân là thực thể xã hội. Cho nên mọi biểu hiện sinh hoạt của nó - ngay cả nếu nó không biểu hiện dưới hình thức trực tiếp của biểu hiện sinh hoạt tập thể, được thực hiện cùng với những người khác - là biểu hiện và sự khẳng định của sinh hoạt xã hội. Sinh hoạt cá nhân và sinh hoạt loài của con người không phải là một cái gì khác biệt, mặc dù phương thức tồn tại của sinh hoạt cá nhân tất nhiên là một biểu hiện hoặc là đặc thù hơn, hoặc là phổ biến hơn của sinh hoạt loài, còn sinh hoạt loài là một sinh hoạt cá nhân hoặc là đặc thù hơn, hoặc là phổ biến.
Với tính cách là ý thức loài, con người khẳng định sinh hoạt xã hội hiện thực của mình và chỉ lặp lại - trong tư duy - tồn tại hiện thực của mình, cũng như ngược lại tồn tại loài tự khẳng định mình trong ý thức loài và tồn tại đối với mình trong tính phổ biến của mình như một thực thể đang tư duy.
Cho nên, nếu con người là một cá nhân đặc thù nào đó và chính tính đặc thù của nó làm cho nó thành ra một cá nhân và một thực thể xã hội cá thể hiện thực, thì trong mức độ như thế, nó cũng là một tổng thể, một tổng thể trong ý niệm, một tồn tại - cho - mình chủ quan của xã hội đang được tư duy và đang được cảm giác, cũng giống như trong hiện thực nó tồn tại một mặt như là sự trực quan tồn tại xã hội và sự hưởng dụng tồn tại ấy một cách hiện thực, và mặt khác, như tổng thể của biểu hiện sinh hoạt của con người.
Như vậy, mặc dù tư duy và tồn tại khác nhau, nhưng đồng thời chúng lại thống nhất với nhau.
Cái chết hình như là thắng lợi khắc nghiệt của loài đối với một cá thể nhất định và tựa hồ mâu thuẫn với sự thống nhất của chúng; nhưng một cá thể nhất định nào đó chỉ là một thực thể loài nhất định nào đó và với tính cách như thế thì phải chết.
4) Giống như chế độ tư hữu chỉ là biểu hiện cảm tính của tình hình là: con người trở thành đối tượng đối với mình và đồng thời trở thành một đối tượng phi nhân xa lạ đối với bản thân mình; sự biểu hiện sinh hoạt của nó là sự tha hoá sinh hoạt của nó; sự tiếp xúc của nó với hiện thực là sự gạt bỏ nó khỏi hiện thực, là hiện thực xa lạ đối với nó, - đối với sự xoá bỏ một cách tích cực chế độ tư hữu, nghĩa là sự chiếm hữu một cách cảm tính bản chất con người, đời sống con người, con người đối tượng hoá và các tác phẩm của con người bởi con người và vì con người cũng vậy, cần phải hiểu nó không những theo ý nghĩa sự hưởng dụng vật phẩm một cách trực tiếp, một chiều, không những theo ý nghĩa chiếm hữu, sở hữu. Con người chiếm hữu bản chất toàn diện của mình một cách toàn diện, nghĩa là như một con người toàn vẹn. Mỗi quan hệ có tính chất người của con người với thế giới - thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ, tư duy, trực quan, cảm giác, mong muốn, hoạt động, yêu, nói tóm lại, tất cả những khí quan của cá tính của nó, cũng như những khí quan, xét về hình thức, tồn tại một cách trực tiếp như: những khí quan xã hội [VII] - trong quan hệ đối tượng của nó hoặc trong quan hệ của nó với đối tượng đều là sự chiếm hữu đối tượng. Sự chiếm hữu hiện thực của con người, quan hệ của hiện thực ấy với đối tượng là sự thực hiện tính hiện thực của con người2*, là hiệu lực của con người và sự khổ não của con người, bởi vì sự khổ não được hiểu theo ý nghĩa nhân tính, là sự tự tiêu dùng của con người.
Chế độ tư hữu đã làm cho chúng ta ngu xuẩn và phiến diện đến nỗi một số đối tượng nào đó chỉ là của chúng ta khi chúng ta có nó, nghĩa là khi nó tồn tại đối với chúng ta như tư bản hoặc khi chúng ta trực tiếp chiếm hữu nó, ăn nó, uống nó, mặc vào ta, cư trú ở trong đó, v.v., - nói tóm lại, khi chúng ta tiêu dùng nó - mặc dù bản thân chế độ tư hữu đến lượt nó lại coi tất cả những hình thức thực hiện trực tiếp sự chiếm hữu ấy chỉ là tư liệu sinh hoạt, còn sinh hoạt mà chúng được dùng làm tư liệu để phục vụ, là sinh hoạt của chế độ tư hữu - lao động và tư bản hoá.
Cho nên thay thế tất cả những cảm giác nhục thể và tinh thần là sự tha hoá đơn giản của tất cả những cảm giác ấy - là cảm giác chiếm hữu. Thực thể con người đã phải bị dẫn tới sự nghèo nàn tuyệt đối ấy, khiến nó có thể đẻ ra từ bản thân nó sự phong phú bên trong của nó. (Về phạm trù chiếm hữu xem bài của Hét-xơ trong Văn tập "Hai mươi mốt tờ"[9]).
Cho nên xoá bỏ chế độ tư hữu có nghĩa là giải phóng hoàn toàn tất cả những cảm giác và thuộc tính của con người; nhưng nó là sự giải phóng đó chính vì những cảm giác và thuộc tính ấy đã trở thành của con người theo ý nghĩa chủ quan cũng như theo ý nghĩa khách quan. Con mắt trở thành con mắt người cũng như đối tượng của con mắt trở thành đối tượng của xã hội của con người, do con người tạo ra vì con người. Cho nên các cảm giác trong thực tiễn của chúng đều trực tiếp trở thành những nhà lý luận. Chúng có quan hệ với sự vật vì sự vật, nhưng bản thân sự vật đó là quan hệ đối tượng có tính chất người đối với bản thân mình và đối với con người3* và ngược lại. Do đó nhu cầu và sự hưởng dụng vật phẩm mất bản tính ích kỷ của nó, còn tự nhiên thì mất tính có ích hiển nhiên của nó, vì sự ích lợi trở thành sự ích lợi của con người.
Cảm giác và sự hưởng thụ của những người khác cũng trở thành sở hữu của bản thân tôi. Cho nên, ngoài những khí quan trực tiếp ấy hình thành những khí quan xã hội, dưới hình thức xã hội. Chẳng hạn như hoạt động trong sự giao tiếp trực tiếp với những người khác v.v. đã trở thành khí quan biểu hiện sinh hoạt của tôi và một trong những phương thức lĩnh hội sinh hoạt của con người.
Rõ ràng là con mắt người tri giác và hưởng thụ một cách khác với con mắt thô lỗ không phải con mắt người, lỗ tai con người tri giác và hưởng thụ một cách khác với lỗ tai thô lỗ, không phát triển v.v..
Chúng ta đã thấy rằng con người không để mất bản thân mình trong đối tượng của mình chỉ trong trường hợp đối tượng ấy trở thành đối tượng của con người đối với con người, hoặc trở thành con người đã đối tượng hoá. Điều đó chỉ có thể có được khi đối tượng ấy trở thành đối tượng xã hội đối với con người, bản thân con người trở thành thực thể xã hội đối với mình, còn xã hội thì trở thành bản chất đối với con người trong đối tượng đó.
Cho nên, một mặt, hiện thực đã đối tượng hoá khắp nơi trong xã hội càng trở thành - đối với con người - hiện thực của những lực lượng bản chất của con người, càng trở thành hiện thực của con người và, do đó, càng trở thành hiện thực của những lực lượng bản chất của bản thân con người thì mọi đối tượng càng trở thành sự đối tượng hoá của bản thân con người đối với con người, trở thành sự khẳng định và sự thực hiện cá tính của con người, trở thành những đối tượng của con người, và như thế có nghĩa là bản thân con người trở thành đối tượng. Chúng trở thành đối tượng của con người đối với con người như thế nào, điều đó tuỳ thuộc vào bản tính của đối tượng và vào bản tính của lực lượng bản chất phù hợp với bản tính của đối tượng; vì chính tính quy định của quan hệ đó sáng tạo ra phương thức khẳng định đặc thù, hiện thực. Con mắt tri giác đối tượng một cách khác với lỗ tai, và đối tượng của con mắt khác với đối tượng của lỗ tai. Tính độc đáo của mỗi lực lượng bản chất chính là bản chất độc đáo của nó, do đó là phương thức đối tượng hoá độc đáo của nó, là phương thức tồn tại đối tượng hoá có tính chất hiện thực, sinh động của nó. Cho nên con người tự khẳng định mình trong thế giới đối tượng không phải chỉ trong tư duy, [VIII] mà cả bằng tất cả các cảm giác.
Mặt khác, xét từ phía chủ quan: chỉ có âm nhạc thức tỉnh cảm giác âm nhạc của con người; đối với lỗ tai không thính âm nhạc thì âm nhạc hay nhất cũng không có ý nghĩa là gì cả, đối với nó, âm nhạc không phải là đối tượng, bởi vì đối tượng của tôi chỉ có thể là sự khẳng định một trong những lực lượng bản chất của tôi, do đó nó chỉ có thể tồn tại đối với tôi giống như lực lượng bản chất của tôi tồn tại đối với mình với tính cách là năng lực chủ quan, vì cảm giác của tôi trải ra với mức nào thì ý nghĩa của một đối tượng nào đó đối với tôi (nó chỉ có ý nghĩa đối với cảm giác phù hợp với nó) cũng trải ra đúng với mức ấy. Đó là lẽ tại sao cảm giác của con người xã hội là những cảm giác khác với những cảm giác của con người phi xã hội. Chỉ có nhờ sự phong phú đã được phát triển về mặt vật chất, của bản chất con người, thì sự phong phú của tính cảm giác chủ quan của con người mới phát triển và một phần thậm chí lần đầu tiên được sản sinh ra: lỗ tai thính âm nhạc, con mắt cảm thấy cái đẹp của hình thức, - nói vắn tắt là những cảm giác có khả năng về những sự hưởng thụ có tính chất người và tự khẳng định mình như những lực lượng bản chất của con người. Vì không những năm giác quan bên ngoài mà cả những cái gọi là cảm giác tinh thần, những cảm giác thực tiễn (ý chí, tình yêu v.v.), - nói tóm lại, cảm giác của con người, tính người của cảm giác, - chỉ nảy sinh nhờ có đối tượng tương ứng, nhờ bản tính đã nhân hoá. Sự hình thành năm giác quan là công việc của toàn bộ lịch sử toàn thế giới đã diễn ra từ trước tới nay. Cảm giác bị nhu cầu thực tiễn thô lậu cầm tù chỉ có một ý nghĩa hạn hẹp. Đối với con người sắp chết đói thì không có hình thức người của thức ăn, mà chỉ có sự tồn tại trừu tượng của nó với tính cách là thức ăn: thức ăn có thể có một hình thức thô lỗ nhất, và không thể nói việc nuốt thức ăn như thế khác với việc động vật nuốt thức ăn ở chỗ nào. Con người cùng khổ bị những nỗi lo lắng dày vò hững hờ ngay cả đối với một cảnh tượng tuyệt đẹp; người buôn bán khoáng vật chỉ thấy giá trị thương nghiệp, chứ không thấy vẻ đẹp và bản tính độc đáo của khoáng vật; anh ta không có cảm giác khoáng vật học. Như vậy, sự đối tượng hoá bản chất con người là tất yếu - xét về phương diện lý luận cũng như về phương diện thực tiễn - để một mặt nhân hoá cảm giác của con người, và mặt khác tạo ra cảm giác con người tương ứng với toàn bộ sự phong phú của bản chất con người và tự nhiên.
Giống như nhờ sự vận động của chế độ tư hữu, của sự phong phú và sự nghèo nàn của nó - sự phong phú về vật chất và tinh thần và sự nghèo nàn về vật chất và tinh thần, - xã hội đang nảy sinh tìm thấy trước mặt mình toàn bộ tài liệu cho quá trình hình thành đó, cũng vậy, xã hội đã xuất hiện sản sinh ra, với tính cách là hiện thực thường xuyên của mình, con người với tất cả sự phong phú ấy của bản chất của nó, sản sinh ra con người phong phú và toàn diện, sâu sắc trong tất cả các cảm giác và tri giác của nó.
Chúng ta thấy rằng chỉ có trong trạng thái xã hội thì chủ nghĩa chủ quan và chủ nghĩa khách quan, chủ nghĩa duy linh và chủ nghĩa duy vật, hoạt động và đau khổ mới mất đi sự đối lập giữa chúng với nhau và do đó cũng mất đi sự tồn tại của mình với tính cách là những sự đối lập như thế; chúng ta thấy rằng bản thân việc giải quyết những sự đối lập về lý luận chỉ có thể làm được bằng con đường thực tiễn, bằng cách thông qua tinh lực thực tiễn của con người, rằng do đó việc giải quyết chúng hoàn toàn không phải chỉ là nhiệm vụ của nhận thức mà còn là nhiệm vụ hiện thực của đời sống mà triết học đã không thể giải quyết được chính là vì nó coi nhiệm vụ đó chỉ là nhiệm vụ lý luận.
Chúng ta thấy rằng lịch sử của công nghiệp và sự tồn tại có tính đối tượng đã hình thành của công nghiệp là quyển sách đã mở ra của những lực lượng bản chất của con người, là tâm lý con người bày ra trước mắt chúng ta một cách cảm tính61 mà từ trước tới nay người ta xem xét nó không gắn nó với bản chất của con người, mà bao giờ cũng chỉ dưới góc độ mối quan hệ bên ngoài nào đó của sự có ích, bởi vì, - vận động trong khuôn khổ sự tha hoá, - con người chỉ nhìn thấy hiện thực của những lực lượng bản chất của con người và hoạt động loài của con người trong tồn tại phổ biến của con người, trong tôn giáo, hoặc trong lịch sử dưới những hình thức chính trị, nghệ thuật, văn học, v.v. trừu tượng phổ biến của nó [IX]. Trong công nghiệp thông thường, vật chất (mà người ta có thể coi như là một bộ phận của sự vận động phổ biến nói trên, cũng như người ta có thể coi bản thân sự vận động ấy như là một bộ phận đặc biệt của công nghiệp, bởi vì toàn bộ hoạt động của con người từ trước tới nay là lao động, nghĩa là công nghiệp, là hoạt động bị tha hoá khỏi bản thân mình) chúng ta có những lực lượng bản chất đã đối tượng hoá của con người dưới hình thức những đối tượng cảm tính, xa lạ, có ích, dưới hình thức sự tha hoá. Tâm lý học -mà đối với nó quyển sách ấy, nghĩa là chính cái bộ phận dễ cảm thấy nhất, dễ tiếp xúc nhất của lịch sử đã khép lại - không thể trở thành khoa học thực sự có nội dung phong phú và hiện thực. Nói chung nên nghĩ gì về cái khoa học gạt bỏ một cách ngạo nghễ cái bộ phận to lớn ấy của lao động và của con người và không cảm thấy tính không hoàn toàn của bản thân mình, khi tất cả sự phong phú ấy của hoạt động của con người không nói với khoa học đó cái gì khác ngoài cái mà người ta có thể diễn đạt bằng mỗi một thuật ngữ "nhu cầu", "nhu cầu thường ngày"?
Các khoa học tự nhiên đã triển khai một hoạt động to lớn và đã tích luỹ những tài liệu không ngừng tăng thêm. Nhưng triết học vẫn xa lạ đối với chúng cũng như chúng vẫn xa lạ đối với triết học. Sự kết hợp ngắn ngủi của chúng với triết học chỉ là một ảo tưởng quái dị. ý chí kết hợp đã có, còn năng lực thì thiếu. Cả đến môn sử ký cũng chỉ nhân tiện chú ý đến khoa học tự nhiên như là nhân tố của sự khai sáng, của tính có ích của những phát hiện lớn cá biệt. Nhưng khoa học tự nhiên nhờ có công nghiệp mà càng thâm nhập một cách thực tiễn vào đời sống con người, cải tạo đời sống con người và chuẩn bị cho việc giải phóng con người, mặc dầu nó trực tiếp buộc phải hoàn tất việc phi nhân hoá các quan hệ con người. Công nghiệp là quan hệ lịch sử hiện thực của tự nhiên, và do đó cả của khoa học tự nhiên với con người. Cho nên nếu coi nó là sự phát huy một cách đại chúng những lực lượng bản chất của con người thì bản chất con người của tự nhiên hoặc bản chất tự nhiên của con người cũng trở nên dễ hiểu; do đó khoa học tự nhiên sẽ mất cái phương hướng vật chất trừu tượng, hay nói đúng hơn, cái phương hướng duy tâm chủ nghĩa của nó và sẽ trở thành cơ sở của khoa học của con người, cũng giống như hiện nay nó đã - mặc dầu dưới hình thức tha hoá - trở thành cơ sở của đời sống con người hiện thực, còn như lấy một cơ sở này cho đời sống và một cơ sở khác cho khoa học thì ngay từ đầu đó là một sự nói láo. Tự nhiên sinh thành trong lịch sử loài người - trong hành vi xuất hiện của xã hội loài người - là tự nhiên hiện thực của con người; cho nên tự nhiên như nó đang sinh thành - mặc dầu dưới hình thức tha hoá - nhờ công nghiệp là tự nhiên nhân bản chân chính.
Cảm tính (xem Phoi-ơ-bắc) phải là cơ sở của toàn bộ khoa học. Khoa học chỉ là khoa học thực sự trong trường hợp nó xuất phát từ cảm tính dưới hai hình thức của nó: tự ý thức cảm tính và từ nhu cầu cảm tính; do đó, chỉ trong trường hợp khoa học xuất phát từ tự nhiên. Toàn bộ lịch sử là sự chuẩn bị để "con người" trở thành đối tượng của ý thức cảm tính và để nhu cầu "của con người với tư cách là con người" trở thành nhu cầu [tự nhiên, cảm tính]. Bản thân lịch sử là một bộ phận hiện thực của lịch sử tự nhiên, của sự sinh thành của tự nhiên bởi con người. Về sau khoa học tự nhiên bao hàm trong nó khoa học về con người cũng như khoa học về con người bao hàm trong nó khoa học tự nhiên: đó sẽ là một khoa học.
[X] Con người là đối tượng trực tiếp của khoa học tự nhiên; vì đối với con người tự nhiên cảm tính trực tiếp là cảm tính của con người một cách trực tiếp (đó là một sự diễn đạt đồng nhất), trực tiếp như là con người khác mà nó tri giác một cách cảm tính; vì cảm tính của bản thân con người tồn tại đối với bản thân con người như là cảm tính của con người chỉ thông qua con người khác. Còn tự nhiên là đối tượng trực tiếp của khoa học về con người. Đối tượng thứ nhất của con người - con người - là tự nhiên, cảm tính; còn những lực lượng bản chất cảm tính đặc thù của con người chỉ tìm thấy sự thực hiện có tính chất đối tượng của mình trong những đối tượng tự nhiên, thì chỉ có thể có được sự tự nhận thức của mình trong khoa học về tự nhiên nói chung. Ngay cả yếu tố của bản thân tư duy, yếu tố trong đó biểu hiện sinh hoạt của tư tưởng - ngôn ngữ - cũng có tự nhiên cảm tính. Hiện thực xã hội của tự nhiên và khoa học tự nhiên của con người, hay là khoa học tự nhiên về con người, đó là những cách diễn đạt đồng nhất.
Chúng ta thấy con người phong phú và nhu cầu phong phú của con người đang sinh thành như thế nào thay cho sự phong phú kinh tế và sự nghèo nàn kinh tế. Con người phong phú đồng thời cũng là con người có nhu cầu về toàn bộ sự toàn vẹn của những biểu hiện sinh hoạt của con người, là con người trong đó sự thực hiện của bản thân nó biểu hiện ra là tính tất yếu bên trong, là sự thiếu thốn. Trong điều kiện chủ nghĩa xã hội không chỉ sự phong phú của con người mà cả sự nghèo nàn của nó đều có ý nghĩa con người và do đó có ý nghĩa xã hội như nhau. Sự nghèo nàn là sự ràng buộc bị động buộc con người phải cảm thấy nhu cầu về sự phong phú hết sức to lớn như con người khác. Sự thống trị của bản chất đối tượng trong tôi, sự phấn chấn cảm tính của hoạt động bản chất của tôi là dục vọng, như vậy ở đây dục vọng này trở thành hoạt động của bản chất của tôi.
5) Trong con mắt của mình một thực thể nào đó là một thực thể độc lập chỉ khi nó đứng trên đôi chân của bản thân mình, và nó chỉ đứng trên đôi chân của bản thân nó khi nó tồn tại được nhờ vào bản thân nó. Con người sống dựa vào ân huệ của người khác tự coi mình là một thực thể phụ thuộc. Nhưng tôi sống hoàn toàn bằng ân huệ của người khác nếu tôi không chỉ nhờ vào người đó mà duy trì được đời sống của tôi mà ngoài ra còn dựa vào người đó vì người đó tạo ra đời sống của tôi, người đó là nguồn gốc đời sống của tôi; còn đời sống của tôi tất nhiên có nguyên nhân như vậy ở bên ngoài tôi nếu nó không phải là sự sáng tạo của bản thân tôi. Đó là lẽ tại sao sự sáng tạo là biểu tượng rất khó trừ bỏ khỏi ý thức của nhân dân. ý thức của nhân dân không thể hiểu được sự tồn-tại-thông-qua-mình của tự nhiên và của con người, vì rằng cái tồn-tại-thông-qua-mình ấy mâu thuẫn với tất cả những sự kiện cảm thấy được của đời sống thực tiễn.
Quan niệm về sự sáng tạo ra quả đất đã bị địa chất địa cầu học[10] - nghĩa là khoa học miêu tả sự hình thành của quả đất, sự sinh thành của quả đất, như là một quá trình nào đó, như là một sự tự sinh - giáng cho một đòn kịch liệt. Generatio aequivoca[11] là một sự bác bỏ thực tiễn duy nhất lý luận về sự sáng tạo.
Dĩ nhiên, dễ dàng nói với từng cá nhân cái mà A-ri-xtốt đã nói: Anh là do cha và mẹ anh đẻ ra; cho nên trong trường hợp anh, sự liên kết của hai người, nghĩa là hành vi sinh đẻ của con người đã sinh sản ra con người. Cho nên, anh thấy rằng về thể xác con người tồn tại được là nhờ có con người. Cho nên anh phải chú ý không chỉ một mặt - sự tiến lên vô tận do đó mà anh tiếp tục hỏi: ai đẻ ra cha tôi? ai đẻ ra ông của cha tôi? v.v.. Anh cũng còn phải chú ý đến sự vận động tuần hoàn được đem lại một cách cảm tính cụ thể trong sự tiến lên vô tận ấy, - sự vận động tuần hoàn mà vì thế con người lặp lại bản thân mình trong việc sinh con đẻ cái và do đó con người bao giờ cũng vẫn là chủ thể. Nhưng anh sẽ trả lời: tôi thừa nhận sự vận động tuần hoàn đó, như vậy anh cũng hãy thừa nhận sự tiến lên vô tận nói trên, đẩy tôi không ngừng đi xa hơn cho đến khi tôi hỏi vậy ai đẻ ra con người đầu tiên và tự nhiên nói chung. Tôi chỉ có thể trả lời anh như sau: bản thân câu hỏi của anh là sản phẩm của sự trừu tượng. Anh hãy tự hỏi: anh đã đi đến câu hỏi đó như thế nào; anh hãy tự hỏi: phải chăng câu hỏi của anh xuất phát từ quan điểm mà tôi không thể trả lời được, bởi vì nó hoàn toàn không đúng. Anh hãy tự hỏi đối với tư duy lý tính thì có một quá trình vô tận nói trên không. Đặt vấn đề về sự sáng tạo ra tự nhiên và con người, qua đó anh trừu tượng hoá con người và tự nhiên. Anh giả định con người và tự nhiên là không tồn tại, tuy nhiên anh muốn tôi chứng minh sự tồn tại của con người và tự nhiên cho anh. Tôi nói với anh: hãy từ bỏ trừu tượng của anh đi, và anh sẽ từ bỏ vấn đề của anh; còn nếu anh muốn bám lấy sự trừu tượng của anh thì anh hãy trước sau như một đi, và khi anh quan niệm con người và tự nhiên là không tồn tại [XI] thì anh hãy quan niệm cả bản thân anh cũng không tồn tại, vì anh cũng là tự nhiên và cũng là con người. Đừng suy nghĩ, đừng hỏi tôi, vì hễ anh bắt đầu tư duy và hỏi thì việc anh trừu tượng hoá tồn tại của tự nhiên và của con người mất hết mọi ý nghĩa. Hoặc là, có lẽ anh là một người ích kỷ đến nỗi anh giả định mọi cái đều không tồn tại, còn bản thân anh thì anh lại muốn tồn tại chăng?
Anh có thể bẻ lại tôi: tôi hoạt động không giả định tự nhiên là không tồn tại; tôi hỏi anh về hành vi phát sinh của tự nhiên như người ta hỏi nhà giải phẫu về sự hình thành của xương cốt ở bào thai, v.v..
Nhưng vì đối với con người xã hội chủ nghĩa, toàn bộ cái gọi là lịch sử toàn thế giới chẳng qua chỉ là sự sáng tạo con người kinh qua lao động của con người, sự sinh thành của tự nhiên cho con người, cho nên người đó chứng minh một cách rõ ràng không bác bỏ được sự sáng tạo ra bản thân mình bởi chính mình, quá trình phát sinh của mình. Vì đối với người xã hội chủ nghĩa, tính thực tại căn bản của con người và của tự nhiên đã có tính chất thực tiễn, cảm tính, trực quan, vả lại con người rõ ràng trở thành tồn tại của tự nhiên đối với con người, còn tự nhiên thì rõ ràng trở thành tồn tại của con người đối với con người, cho nên vấn đề về một thực thể xa lạ nào đó, về một thực thể đứng trên tự nhiên và con người, - vấn đề bao hàm trong nó việc thừa nhận tính không căn bản của tự nhiên và con người, vấn đề đó trở thành không thể có được về mặt thực tiễn. Chủ nghĩa vô thần, với tính cách là sự phủ nhận tính không căn bản đó, không có ý nghĩa nào nữa, vì chủ nghĩa vô thần là sự phủ định thần linh và khẳng định tồn tại của con người chính là thông qua sự phủ định đó; nhưng chủ nghĩa xã hội với tính cách là chủ nghĩa xã hội đã không cần đến sự môi giới như vậy nữa: nó bắt đầu từ ý thức cảm tính lý luận và thực tiễn của con người và tự nhiên với tính cách là bản chất. Chủ nghĩa xã hội là sự tự ý thức tích cực của con người, sự tự ý thức không còn bị sự phủ định tôn giáo làm môi giới nữa, giống như đời sống hiện thực là hiện thực tích cực của con người, hiện thực này đã không còn bị sự phủ định chế độ tư hữu tức chủ nghĩa cộng sản làm môi giới nữa. Chủ nghĩa cộng sản là lập trường với tính cách là phủ định của phủ định, cho nên nó là nhân tố hiện thực, cần thiết cho giai đoạn phát triển lịch sử sắp tới, của sự giải phóng con người và của sự giành lại con người. Chủ nghĩa cộng sản là hình thức tất yếu và là nguyên tắc kiên quyết của tương lai sắp tới.
Do C.Mác viết vào tháng Tư - tháng Tám 1844 Công bố toàn văn lần đầu trong Marx - Engels Gesamtausgabe. Erste Abteilung, Bd, 3, 1932
|
In theo bản viết tay Nguyên văn là tiếng Đức
|
Nguồn: C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập, tập 42. Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, 2000. Phiên bản điện tử: http://www.cpv.org.vn
1] Các khái niệm "đối lập" và "mâu thuẫn" được Hê-ghen phân biệt trong "Lô-gích học" như sau: trong sự đối lập, mối quan hệ giữa hai mặt là một trong hai mặt đó do mặt kia quyết định và vì vậy nó chỉ là một yếu tố, nhưng đồng thời mỗi mặt của đối lập cũng tự quyết định chính nó, và điều đó truyền cho nó tính độc lập; trong mâu thuẫn, ngược lại, mối quan hệ là mỗi mặt, trong tính độc lập của mình lại bao hàm mặt kia, và vì vậy mà tính độc lập của cả hai hoá ra bị loại trừ.
[2] Trong sự không tưởng của mình về thế giới tương lai, cái gọi là chế độ thành viên. Sắc-lơ Phu-ri-ê, bất chấp những xu hướng hiện thực của sự phát triển kinh tế và bất chấp những nguyên lý cơ bản của kinh tế chính trị học mà ông hoàn toàn phủ nhận, ông coi kinh tế chính trị học ấy là một khoa học sai lầm và khẳng định rằng nền sản xuất công nghiệp trong những điều kiện của một "chế độ hợp lý" phải được duy trì chỉ như phần bổ sung cho nghề nông, như "một phương tiện làm lãng quên sự lặng yên của lòng đam mê" trong lúc có mưa to và lúc thiếu việc làm vào mùa đông dài đằng đẵng; ông khẳng định rằng chính chúa trời, chính thiên nhiên định sẵn cho con người thành viên chỉ dành cho lao động công nghiệp một phần tư lượng thời gian của mình, rằng lao động công nghiệp chỉ là nghề nông phụ trợ và đa dạng.
[3] Những luận điểm này được Xanh - Xi-mông mở rộng trong tác phẩm "Kinh bổn của các kỹ nghệ gia" ("Catéchisme des industriels". Paris, 1824).
[4] ở đây Mác hiểu "chủ nghĩa cộng sản" là những hệ thống quan điểm không tưởng do Ba-bớp. Ca-bê, Đê-đa-mi ở Pháp, Ô-oen ở nước Anh, Vai-tlinh ở nước Đức đề xuất. Lần đầu tiên Mác dùng thuật ngữ "chủ nghĩa cộng sản" để chỉ những quan điểm của chính mình trong tác phẩm ""Gia đình thần thánh".
[5] ở đây với cụm từ hình thái đầu tiên của chủ nghĩa cộng sản, chắc là, trước hết Mác ngụ ý những quan điểm không tưởng được hình thành dưới ảnh hưởng của cuộc cách mạng tư sản Pháp 1789 - 1794 của Ba-bớp và những người ủng hộ ông về một xã hội "hoàn toàn bình đẳng" và những phương thức thực hiện trên cơ sở "công xã dân tộc" thay thế cho kinh tế tư nhân. Mặc dù những quan niệm này thể hiện được nguyện vọng của giai cấp vô sản thời đại của mình, nhưng xét toàn bộ chúng còn mang tính sơ khai, bình quân thô thiển.
1* Mại dâm chỉ là một biểu hiện đặc biệt nào đó của sự mại dâm hoá phổ biến của công nhân, và vì sự mại dâm hoá ấy là quan hệ mà không những người mại dâm và người gây ra mại dâm sa vào, hơn nữa người sau còn ti tiện hơn nhiều, nên cả nhà tư bản v.v. cũng rơi vào phạm trù đó.
[6] Đây hoàn toàn có thể là ý kiến của Mác nhằm chống lại Rút-xô. Tình trạng mà Mác gọi là không tự nhiên thì, ngược lại, Rút-xô và những người kế tục ông lại cho là tự nhiên đối với con người sự tồn tại chưa được học vấn, văn hoá và văn minh đụng tới. Những luận điểm loại này được Rút-xô mở rộng trong các cuốn sách "Bàn về khoa học và nghệ thuật", "Bàn về nguồn gốc và cơ sở của sự bất bình đẳng giữa mọi người" và trong những tác phẩm khác.
[7] Dùng thuật ngữ của Phoi-ơ-bắc, ở đây Mác nêu quan niệm duy vật biện chứng của mình về chủ nghĩa cộng sản đem lại "việc giải đáp câu đố của lịch sử", nói cách khác, có nghĩa là đưa ra sự tất yếu của chủ nghĩa cộng sản xuất phát từ sự phát triển của những mâu thuẫn khách quan của xã hội dựa trên cơ sở tư hữu.
[8] Có ý nói đến những ý kiến phê phán của Ô-oen đối với tất cả mọi tôn giáo mà, theo như ông nói, đã gây ra những tiền đề nguy hiểm và tai hại cho mọi người, đã gieo rắc trong xã hội sự thù địch giả tạo; Ô-oen chỉ ra rằng sự không thể dung thứ được của tôn giáo là cản trở trực tiếp con đường dẫn tới sự hài hoà và niềm vui rộng khắp; Ô-oen coi những quan niệm của bất kỳ tôn giáo nào đều là những sự lầm lạc thô bạo.
2* Cho nên hiện thực của con người cũng hết sức muôn vẻ như những sự quy định của bản chất con người và hoạt động của con người vậy.
[9] Phạm trù chiếm hữu ["Haben"] gặp trong các tác phẩm của M.Hét-xơ, đặc biệt trong bài báo "Triết học hành động", đăng trong văn tập "Hai mươi mốt tờ gửi từ Thụy Sĩ".
3* Trong thực tiễn tôi chỉ có thể có quan hệ với sự vật một cách có tính chất người khi sự vật có quan hệ với người một cách có tính chất người.
[10] Phoi-ơ-bắc gọi lý luận của mình về nhận thức là tâm lý học. Có lẽ ở đây thuật ngữ này được dùng với nghĩa đó.
[11] Địa cầu học được dùng ở thế kỷ XVIII - XIX để chỉ ngành địa chất học mô tả.
Ý KIẾN BẠN ĐỌC