BẢN THẢO KINH TẾ-TRIẾT HỌC NĂM 1844
KARL MARX (1818-1883)
[PHÊ PHÁN PHÉP BIỆN CHỨNG
VÀ TRIẾT HỌC NÓI CHUNG CỦA HÊ-GHEN]
MỤC LỤC
|
[XI] 6) Ở điểm này - vì mục đích giải thích và xác minh tính hợp lý của những tư tưởng trình bày ở đây - nếu đưa ra một số nhận xét về phép biện chứng của Hê-ghen nói chung, cũng như nói riêng về sự trình bày phép biện chứng trong "Hiện tượng học" và "Lô gích học", và cuối cùng là về quan hệ của sự vận động phê phán mới đối với Hê-ghen thì có lẽ cũng là thích đáng.
Sự phê phán hiện đại ở Đức chuyên nghiên cứu nhiều về nội dung của thế giới cũ, sự trình bày của nó bị tài liệu được phê phán ràng buộc đến mức đã sinh ra thái độ hoàn toàn không phê phán đối với phương pháp của bản thân sự phê phán, và hoạt động thiếu ý thức đối với vấn đề nhìn bề ngoài có tính chất hình thức, nhưng trong thực tế thì lại có tính chất căn bản, tức vấn đề chúng ta quan hệ như thế nào với phép biện chứng của Hê-ghen. Tình trạng thiếu ý thức về vấn đề quan hệ của sự phê phán hiện đại đối với triết học Hê-ghen nói chung và đối với phép biện chứng nói riêng nghiêm trọng đến nỗi những nhà phê phán như Stơ-rau-xơ(a) và Bru-nô Bau-ơ(b) vẫn còn bị lô-gích học của Hê-ghen chi phối - người thứ nhất còn bị chi phối hoàn toàn và người thứ hái thì ít ra là có khuynh hướng tiềm tàng là bị chi phối hoàn toàn trong quyển "Những kinh Phúc âm tương đồng"[1] (trong đó trái với Stơ-rau-xơ ông ta đem "tự ý thức" của con người trừu tượng thay thế cho thực thể của "tự nhiên trừu tượng") và ngay cả trong quyển "Đạo Cơ Đốc bị vạch trần"[2]. Chẳng hạn như trong quyển "Đạo Cơ Đốc bị vạch trần" có viết:
"Dường như tự ý thức thiết định thế giới, thiết định sự khác nhau và nó tự sáng tạo ra bản thân mình trong cái mà nó sáng tạo, vì nó lại xoá bỏ sự khác nhau giữa cái được nó sáng tạo ra và bản thân nó, vì nó chỉ là bản thân nó trong hành vi sáng tạo và trong vận động, - tựa hồ như tự ý thức ấy không có mục đích của nó trong sự vận động ấy", v.v.. Hoặc là: "Họ" (các nhà duy vật Pháp) "chưa có thể thấy rằng sự vận động của vũ trụ chỉ thực sự trở thành sự vận động cho mình với tính cách là sự vận động của tự ý thức, và đạt tới sự thống nhất với bản thân mình trong sự vận động của tự ý thức".
Những lời phát biểu đó ngay cả xét về mặt ngôn ngữ cũng không khác gì những quan điểm của Hê-ghen và đúng hơn là lặp lại từng chữ những quan điểm của Hê-ghen.
[XII] Trong thời gian diễn ra hành vi phê phán (Bau-ơ. "Những kinh Phúc âm tương đồng") có ít ý thức như thế nào đối với phép biện chứng của Hê-ghen và ít có ý thức đó như thế nào cả sau hành vi phê phán có đối tượng, điều đó được Bau-ơ chứng minh, nếu trong "Sự nghiệp chính nghĩa của tự do" của ông ta[3], ông ta đã tránh câu hỏi hỗn láo của ngài Grúp-pê(c): "Thế thì tình hình lô-gích học như thế nào?" - bằng cách giao vấn đề đó lại cho các nhà phê phán tương lai[4].
Nhưng cả ngày nay sau khi, trong những "Luận cương" viết trên tạp chí "Anekdota" và chi tiết hơn trong "Triết học tương lai", Phoi-ơ-bắc(d) đã đánh đổ tận gốc phép biện chứng và triết học cũ, sau khi trái lại, sự phê phán nói trên, không hoàn thành được công việc ấy, đã thấy rằng công việc ấy đã được hoàn thành và đã tuyên bố mình là sự phê phán thuần tuý, kiên quyết, tuyệt đối và đã làm cho mình sáng rõ mọi cái rồi, sau khi sự phê phán đó với một thái độ kiêu ngạo duy linh chủ nghĩa đem quy toàn bộ sự vận động lịch sử thành quan hệ của thế giới còn lại (thế giới này được sự phê phán ấy - khác với chính nó - liệt vào phạm trù "quần chúng") đối với bản thân sự phê phán đó và đã làm hoà tan mọi sự đối lập giáo điều chủ nghĩa trong một sự đối lập giáo điều chủ nghĩa duy nhất giữa sự thông minh của bản thân mình và sự ngu muội của thế giới, giữa Cri-xtơ(e) phê phán và loài người coi như một "đám người", sau khi nó chứng minh hàng ngày và hàng giờ những phẩm chất ưu việt của bản thân mình bằng cách vạch ra sự thiếu trí tuệ của quần chúng, sau khi nó tuyên bố trên báo chí về tính ưu việt quyết định của nó so với những cảm giác của con người cũng như so với thế giới mà nó nổi lên cao hơn trong sự cô tịch uy nghiêm, chỉ thỉnh thoảng mới ran lên những tiếng cười châm biếm của các vị thần trên núi Ô-lim-pia, cuối cùng, sau khi cuối cùng nó tuyên cáo sự phán xét khủng khiếp có tính chất phê phán, tuyên bố rằng sắp đến ngày mà toàn thể loài người đang diệt vong đứng lên chống lại nó, loài người mà nó sẽ phân ra từng nhóm, hơn nữa mỗi nhóm đặc biệt sẽ nhận được testimonium paupertatis[5] của mình, - sau tất cả những cái nhăn nhó khôi hài ấy của chủ nghĩa duy tâm đang diệt vong dưới hình thức phê phán (phái Hê-ghen trẻ), chủ nghĩa duy tâm ấy không nói ngay cả đến lời bóng gió xa xôi tỏ ý rằng giờ đây là lúc phải phân rõ ranh giới một cách có phê phán với mẹ nó, với phép biện chứng của Hê-ghen và thậm chí không biết nói [gì] về thái độ phê phán của nó đối với phép biện chứng của Phoi-ơ-bắc. Đó là thái độ hoàn toàn không phê phán đối với bản thân mình.
Phoi-ơ-bắc là nhà tư tưởng duy nhất mà chúng ta nhận thấy có thái độ nghiêm túc, phê phán đối với phép biện chứng của Hê-ghen; chỉ có ông mới có những phát hiện chân chính trong lĩnh vực ấy và nói chung đã thực sự khắc phục triết học cũ. Tầm vĩ đại của cái mà Phoi-ơ-bắc đã làm, tính giản dị khiêm tốn của ông khi ông phát biểu trước thế giới tương phản một cách lạ lùng với cái mà người ta nhận thấy về phương diện này ở những nhà phê phán.
Kỳ tích của Phoi-ơ-bắc là ở chỗ:
1) đã chứng minh rằng triết học chẳng qua là tôn giáo được diễn đạt trong tư duy và được hệ thống hoá một cách lô-gích, chẳng qua là một hình thức tồn tại khác, một phương thức tồn tại khác của sự tha hoá của bản chất con người, rằng do đó nó cũng phải được phê phán.
2) đã xây dựng cơ sở của chủ nghĩa duy vật chân chính và của khoa học hiện thực, vì Phoi-ơ-bắc cũng làm cho quan hệ xã hội của "con người đối với con người" trở thành nguyên tắc cơ bản của lý luận.
3) ông đem cái khẳng định dựa trên bản thân mình và căn cứ một cách tích cực vào bản thân mình đối lập với phủ định của phủ định (phủ định của phủ định tuyên bố nó là cái khẳng định tuyệt đối).
Phoi-ơ-bắc lý giải phép biện chứng của Hê-ghen (do đó xác minh sự tất yếu phải xuất phát từ cái khẳng định, từ cái xác thực cảm tính) như sau:
Hê-ghen xuất phát từ sự tha hoá (về mặt lô-gích: từ cái vô tận, cái phổ biến - trừu tượng), từ thực thể, từ sự trừu tượng tuyệt đối và cố định, nghĩa là, nói một cách thông tục, ông xuất phát từ tôn giáo và thần học.
Thứ hai: ông lột bỏ cái vô tận, thiết định cái hiện thực, cái cảm tính, cái thực tại, cái có tận cùng, cái đặc thù (triết học, tức sự tước bỏ tôn giáo và thần học).
Thứ ba: ông lại tước bỏ cái khẳng định và khôi phục sự trừu tượng, cái vô tận. Việc khôi phục tôn giáo và thần học.
Như vậy, Phoi-ơ-bắc coi phủ định của phủ định chỉ là mâu thuẫn của triết học với bản thân mình, là triết học khẳng định thần học (tính siêu nghiệm v.v.), sau khi nó đã phủ định thần học, nghĩa là khẳng định thần học bất chấp bản thân mình.
Sự khẳng định, hay sự tự khẳng định và sự tự chứng thực bao hàm trong phủ định của phủ định, được Phoi-ơ-bắc coi như sự khẳng định chưa tin chắc vào bản thân mình, và do đó bao hàm trong bản thân nó mặt đối lập của nó, coi như sự khẳng định hoài nghi đối với bản thân mình và vì thế cần được chứng minh, do đó coi như sự khẳng định không chứng minh bản thân mình bằng tồn tại của mình, coi như sự khẳng định chưa được thừa nhận [XIII], cho nên sự khẳng định có tính chất xác thực cảm tính, dựa vào bản thân mình, được trực tiếp đem đối lập với sự khẳng định đó[6].
Và vì Hê-ghen coi phủ định của phủ định từ phía khẳng định nằm trong phủ định của phủ định, là cái khẳng định chân thực và duy nhất, từ phía phủ định nằm trong phủ định của phủ định là hành vi chân thật duy nhất và là hành vi tự thực hiện của mọi tồn tại, nên ông chỉ tìm thấy biểu hiện trừu tượng lô-gích, tư biện cho sự vận động của lịch sử chưa phải là lịch sử hiện thực của con người với tính cách là chủ thể đã được giả định, mà chỉ là hành vi sinh đẻ, lịch sử xuất hiện của con người.
Chúng tôi sẽ cố gắng giải thích hình thức trừu tượng của sự vận động đó ở Hê-ghen, cũng như những đặc điểm vốn có của Hê-ghen trái với sự phê phán hiện đại, nghĩa là trái với sự miêu tả cùng một quá trình ấy trong "Bản chất của đạo Cơ Đốc" của Phoi-ơ-bắc, hay nói đúng hơn, chúng tôi sẽ cố gắng làm rõ hình thức phê phán của sự vận động ấy, sự vận động chưa có tính chất phê phán ở Hê-ghen.
Hãy xem hệ thống của Hê-ghen. Nên bắt đầu từ "Hiện tượng học" của Hê-ghen, nguồn gốc và bí mật thật sự của triết học Hê-ghen.
Hiện tượng học.
A) Tự ý thức. I. ý thức. a) Tính xác thực cảm tính, hoặc "cái này", và ý kiến. b) Tri giác, hoặc sự vật với những thuộc tính của nó, và ảo giác. g) Lực lượng và lý trí, hiện tượng và thế giới siêu cảm tính.
II. Tự ý thức. Tính chân thực của tính xác thực của bản thân mình. a) Tính độc lập của tự ý thức và tính không độc lập của nó, thống trị và nô lệ. b) Tự do tự ý thức. Chủ nghĩa khắc kỷ, chủ nghĩa hoài nghi, ý thức bất hạnh.
III. Lý tính. Tính xác thực và tính chân thực của lý tính. a) Lý tính đang quan sát; sự quan sát giới tự nhiên và tự ý thức. b) Sự thực hiện tự ý thức có lý tính thông qua bản thân mình. Sự thích thú và tính tất yếu. Quy luật của trái tim và sự điên rồ của tính tự phụ. Đức hạnh và cuộc sống bình thường. c) Cá tính có tính chất thực tại trong bản thân và đối với bản thân. Giới động vật có tinh thần và sự lừa dối, hoặc bản thân sự việc. Lý tính lập pháp. Lý tính nghiên cứu pháp luật.
B) Tinh thần.
I. Tinh thần chân thực; luân lý. II. Tinh thần tự tha hoá giáo dục. III. Tinh thần xác nhận bản thân mình. Tính đạo đức.
C) Tôn giáo. Tôn giáo tự nhiên, tôn giáo nghệ thuật, tôn giáo linh báo.
D) Tri thức tuyệt đối.
Vì "Bách khoa thư" của Hê-ghen bắt đầu từ lô-gích học, từ tư tưởng tư biện thuần tuý và kết thúc bằng tri thức tuyệt đối, bằng tinh thần có tự ý thức, nắm được bản thân mình, có tính chất triết học hoặc tuyệt đối, nghĩa là có tính chất siêu nhân trừu tượng, nên toàn bộ "Bách khoa thư" chẳng qua là bản chất được khai triển của tinh thần triết học, là sự tự đối tượng hoá của nó; còn tinh thần triết học thì chẳng qua là tinh thần bị tha hoá của thế giới, đang nắm bản thân mình trong tư tưởng, nghĩa là một cách trừu tượng, bên trong sự tha hoá của mình. Lô-gích học là tiền tệ của tinh thần, giá trị tư tưởng tư biện của con người và của tự nhiên - là bản chất đã trở thành hoàn toàn bàng quan đối với mọi tính quy định hiện thực và do đó có tính chất không hiện thực - là tư duy đã bị tha hoá, và do đó trừu tượng hoá tự nhiên và con người hiện thực: tư duy trừu tượng. - Tính bên ngoài của tư duy trừu tượng ấy... là giới tự nhiên y như nó tồn tại đối với tư duy trừu tượng ấy. Tự nhiên là ở bên ngoài đối với tư duy trừu tượng, nó là sự tự mất đi của tư duy trừu tượng; và tư duy trừu tượng đó hiểu được tự nhiên cũng một cách bên ngoài, như là tư tưởng trừu tượng, nhưng như là tư duy trừu tượng đã bị tha hoá. - Cuối cùng, tinh thần, cái tư duy quay về trong lòng mẹ của chính nó, tư duy này với tính cách là tinh thần nhân loại học, hiện tượng học, tâm lý học, luân lý học, nghệ thuật, tôn giáo vẫn chưa phải là bản thân nó vì nó, một khi rút cục nó chưa tìm thấy mình như là tri thức tuyệt đối và do đó như là tinh thần tuyệt đối, nghĩa là tinh thần trừu tượng, trong đó nó chỉ quan hệ với bản thân nó và có được tồn tại có ý thức và thích ứng với bản thân nó. Vì tồn tại hiện thực của nó là sự trừu tượng.
Hê-ghen phạm sai lầm về hai mặt.
Sai lầm thứ nhất biểu hiện rõ rệt nhất trong "hiện tượng học" với tính cách là nguồn gốc của triết học Hê-ghen. Chẳng hạn khi ông xem xét sự giàu có, quyền lực nhà nước v.v. như là những bản chất bị tha hoá khỏi bản chất con người, thì ông chỉ nắm những cái ấy trong hình thức tư tưởng của chúng. Chúng là bản chất được tư tưởng và do đó chỉ là sự tha hoá của tư duy triết học thuần tuý, nghĩa là trừu tượng. Cho nên toàn bộ sự vận động kết thúc bằng tri thức tuyệt đối. Cái mà từ đó những đối tượng ấy tha hoá và đối lập lại đồng thời đòi được thừa nhận là tính hiện thực - đó chính là tư duy trừu tượng. Nhà triết học - bản thân hình ảnh trừu tượng của con người bị tha hoá - biến bản thân mình thành thước đo của thế giới bị tha hoá. Cho nên toàn bộ lịch sử của sự tha hoá và toàn bộ việc xoá bỏ sự tha hoá chẳng qua là lịch sử của sự sản xuất ra tư duy trừu tượng, nghĩa là tư duy tuyệt đối [XVII][7], tư duy lô-gích, tư biện. Do sự tha hoá đó - hình thành sự quan tâm thực thụ của sự hoá ấy - và việc tước bỏ sự tự tha hoá ấy được Hê-ghen hình dung là sự đối lập giữa tự nó và vì nó, giữa ý thức và tự ý thức, giữa khách thể và chủ thể, nghĩa là sự đối lập giữa tư duy trừu tượng và hiện thực cảm tính hoặc cảm tính hiện thực, trong giới hạn bản thân tư tưởng. Mọi sự đối lập khác và sự vận động của các mặt đối lập ấy chỉ là vẻ ngoài, vỏ ngoài, hình thức bề ngoài của những mặt đối lập duy nhất đáng quan tâm cấu thành ý nghĩa của những mặt đối lập tầm thường khác ấy. Cái biểu hiện ở đây với tính cách là bản chất được thiết định và phải bị tước bỏ sự tha hoá không phải là việc bản chất con người được đối tượng hoá một cách không phải người, đối lập với bản thân mình, mà là việc bản chất đó được đối tượng hoá khác với tư duy trừu tượng và đối lập với nó.
[XVIII] Do đó, sự chiếm hữu những lực lượng bản chất của con người đã trở thành đối tượng, hơn nữa trở thành đối tượng của người khác, thứ nhất, chỉ là sự chiếm hữu diễn ra trong ý thức, trong tư duy thuần tuý, nghĩa là trong sự trừu tượng, là sự chiếm hữu những đối tượng ấy như là tư tưởng và sự vận động của tư tưởng; cho nên trong "Hiện tượng học", - mặc dầu hình thức hoàn toàn có tính chất phủ định và phê phán của nó và mặc dầu sự phê phán thực sự bao hàm trong nó thường thường đi trước xa sự phát triển về sau - cũng đã có dưới hình thức che giấu, với tính cách là mầm mống, tiềm năng, bí mật, chủ nghĩa thực chứng không có tính chất phê phán và chủ nghĩa duy tâm cũng không có tính chất phê phán trong các tác phẩm về sau của Hê-ghen, đó là sự tan rã về mặt triết học và sự khôi phục của kinh nghiệm hiện có. Hai là, sự đòi hỏi hoàn lại thế giới đối tượng cho con người - thí dụ việc nhận thức được rằng ý thức cảm tính không phải là ý thức cảm tính trừu tượng, mà là ý thức cảm tính nhân cách, rằng tôn giáo, của cải v.v. chỉ là hiện thực bị tha hoá của sự đối tượng hoá con người, hiện thực bị tha hoá của những lực lượng bản chất khách thể hoá của con người và do đó chúng chỉ là con đường đi tới hiện thực chân thật của con người, - vì vậy Hê-ghen cho rằng sự chiếm hữu những lực lượng bản chất của con người hay việc nắm được quá trình đó có một hình thức khiến cho cảm tính, tôn giáo, chính quyền v.v. là những bản chất tinh thần, vì chỉ có tinh thần là bản chất chân thật của con người, còn hình thức chân chính của tinh thần là tinh thần đang tư duy, tinh thần lô-gích, tư biện. Tính người của tự nhiên và của tự nhiên do quá trình lịch sử sáng tạo, của những sản phẩm của con người biểu hiện ra ở chỗ chúng là những sản phẩm của tinh thần trừu tượng và do đó trong chừng mực ấy cũng là những nhân tố tinh thần, những bản chất tinh thần. Cho nên "Hiện tượng học" là sự phê phán bị che giấu, chưa rõ ràng đối với bản thân nó và có một hình thức thần bí; nhưng vì nó cố định sự tha hoá của con người, - mặc dầu con người xuất hiện ra trong nó chỉ dưới hình thức tinh thần, - nên trong đó vẫn có dưới hình thức che giấu tất cả những yếu tố của sự phê phán, những yếu tố này được chuẩn bị và hoàn thiện thường là dưới hình thức vượt lên trên quan điểm của Hê-ghen. Những phần nói về "ý thức bất hạnh", về "ý thức trung thực", về đấu tranh "của ý thức cao quý và ý thức thấp hèn" v.v., v.v., bao gồm trong nó - mặc dầu dưới hình thức bị tha hoá - những yếu tố có tính chất phê phán của trọn nhiều lĩnh vực như tôn giáo, nhà nước, sinh hoạt công dân v.v.. Và giống như bản chất, đối tượng ở Hê-ghen biểu hiện ra là bản chất tư tưởng, chủ thể bao giờ cũng là ý thức hoặc tự ý thức, hoặc nói đúng hơn, đối tượng chỉ biểu hiện như là ý thức trừu tượng, còn con người thì chỉ biểu hiện như là tự ý thức. Cho nên những hình thức tha hoá khác nhau biểu hiện trong "Hiện tượng học" chỉ là những hình thức khác nhau của ý thức và tự ý thức. Giống như ý thức trừu tượng - đối tượng được xem xét với tính cách như vậy - tự nó chỉ là một trong những nhân tố của tự ý thức đang thiết định những sự khác nhau của bản thân nó, kết quả của toàn bộ sự vận động ấy là sự đồng nhất của tự ý thức với ý thức, là tri thức tuyệt đối, hay sự vận động của tư duy trừu tượng không phải hướng ra bên ngoài mà chỉ diễn ra bên trong bản thân nó, nghĩa là kết quả thu được là phép biện chứng của tư tưởng thuần tuý[8]. [XVIII]
Do đó, sự vĩ đại của "Hiện tượng học" của Hê-ghen và của kết quả cuối cùng của nó - phép biện chứng của tính phủ định với tính cách là nguyên lý thúc đẩy và sản sinh - là ở chỗ Hê-ghen xem xét sự tự sản sinh của con người như là một quá trình, xem xét sự đối tượng hoá như là sự phân hoá đối tượng, như là sự tha hoá và sự tước bỏ sự tự tha hoá ấy, do đó ông nắm lấy bản chất của lao động và hiểu con người đối tượng, con người chân chính, vì có tính chất hiện thực, là kết quả của lao động của bản thân con người. Quan hệ hiện thực, tích cực của con người đối với bản thân mình với tính cách là thực thể loài, hoặc sự biểu hiện của bản thân trong thực tế với tính cách là thực thể loài hiện thực, có nghĩa là thực thể con người, chỉ có thể có được bằng cách con người thực tế rút ra từ bản thân mình tất cả những lực lượng loài của mình (điều này lại chỉ có thể có được thông qua toàn bộ hoạt động của nhân loại, chỉ là kết quả của lịch sử) và đối đãi với chúng như là với những đối tượng, và điều đó lại chỉ có thể có được lúc đầu dưới hình thức tha hoá.
Tính phiến diện và tính hạn chế của Hê-ghen, chúng tôi sẽ nói tỷ mỷ qua ví dụ về chương cuối của "Hiện tượng học" về tri thức tuyệt đối; chương này bao hàm dưới hình thức tóm tắt ngắn gọn tinh thần của "Hiện tượng học", quan hệ của nó với "phép biện chứng tư biện" cũng như quan niệm của Hê-ghen về cả hai cái đó và về mối tương quan của chúng.
Chúng tôi chỉ nhận xét trước thêm những điều sau đây. Hê-ghen đứng trên quan điểm kinh tế chính trị học hiện đại. Ông coi lao động là bản chất, là bản chất tự xác nhận của con người; ông chỉ nhìn thấy phương diện khẳng định của lao động, chứ không nhìn thấy phương diện phủ định. Lao động là sự sinh thành vì mình của con người trong khuôn khổ sự tha hoá, hoặc với tính cách là con người bị tha hoá. Hê-ghen chỉ biết và thừa nhận một thứ lao động, cụ thể là lao động tinh thần trừu tượng. Như vậy, phàm cái gì nói chung cấu thành bản chất của triết học, cụ thể là sự tha hoá của con người hiểu biết mình, hoặc khoa học bị tha hoá tự tư duy về mình, thì Hê-ghen thừa nhận là bản chất của lao động, cho nên, trái với triết học trước kia, ông có thể tập hợp thành một khối những nhân tố riêng biệt của triết học trước kia và trình bày triết học của mình như là triết học chính cống. Cái mà những nhà triết học khác trong khi xem xét những nhân tố riêng biệt của tự nhiên và của đời sống con người đã coi là những nhân tố của tự ý thức, hơn nữa của tự ý thức trừu tượng, thì Hê-ghen coi là công việc của bản thân triết học. Cho nên khoa học của ông là tuyệt đối.
Giờ đây chúng ta hãy chuyển sang đối tượng của chúng ta.
Tri thức tuyệt đối. Chương cuối cùng của "Hiện tượng học".
Thực chất của vấn đề là ở chỗ đối tượng của ý thức theo Hê-ghen chẳng qua là tự ý thức, hoặc đối tượng chỉ là tự ý thức đối tượng hoá, tự ý thức với tính cách là đối tượng (coi con người ngang với tự ý thức).
Cho nên vấn đề là ở chỗ khắc phục đối tượng của ý thức. Tính đối tượng với tính cách như vậy được coi là quan hệ bị tha hoá, không thích hợp với bản chất con người (với tự ý thức), của con người. Cho nên sự chiếm hữu trở lại bản chất đối tượng của con người - bản chất này được sản sinh ra như một cái gì xa lạ, dưới phạm trù tha hoá - không chỉ có ý nghĩa xoá bỏ sự tha hoá mà còn có ý nghĩa xoá bỏ tính đối tượng, nghĩa là con người được coi là thực thể phi đối tượng, duy linh chủ nghĩa.
Hê-ghen mô tả sự vận động khắc phục đối tượng của ý thức như sau:
Đối tượng không chỉ tự biểu hiện như là quay trở về cái tự ngã [das Selbst] (theo Hê-ghen, đó là cách hiểu phiến diện, nghĩa là chỉ nắm có một mặt, sự vận động đó). Con người được đặt ngang với cái tự ngã. Nhưng cái tự ngã chỉ là con người được quan niệm một cách trừu tượng và do sự trừu tượng đẻ ra. Con người là thực thể tự hướng [selbstisch]. Con mắt, lỗ tai v.v. của con người là tự hướng; mỗi lực lượng bản chất của nó có trong nó thuộc tính tự hướng. Nhưng chính vì thế mà nếu nói: tự ý thức có con mắt, lỗ tai, lực lượng bản chất thì hoàn toàn không đúng. Tự ý thức đúng ra là phẩm chất của bản tính con người, của con mắt người v.v., chứ không phải bản tính con người là phẩm chất [XXIV] của tự ý thức.
Cái tự ngã bị trừu tượng hoá và bị cố định dưới hình thức thực thể độc lập là con người với tính cách là người vị kỷ trừu tượng, đó là tính vị kỷ được đề lên sự trừu tượng thuần tuý của nó, đến lĩnh vực tư duy (sau này chúng ta sẽ trở lại vấn đề này).
Đối với Hê-ghen, bản chất người, con người đồng nghĩa với ý thức. Cho nên đối với con người, mọi sự tha hoá của bản chất con người chẳng qua là sự tha hoá của tự ý thức. Sự tha hoá của tự ý thức không được coi là biểu hiện, là biểu hiện được phản ánh vào trong ý thức và tư duy, của sự tha hoá hiện thực của bản chất con người. Trái lại, sự tha hoá hiện thực có tính chất thực tại, xét theo thực chất che giấu rất sâu bên trong nó - và chỉ do triết học vạch ra - chẳng qua là biểu hiện của sự tha hoá của bản chất người chân chính, của tự ý thức, cho nên khoa học nhận thức điều này được gọi là hiện tượng học. Cho nên mọi sự chiếm hữu trở lại cái bản chất đối tượng đã tha hoá biểu hiện ra là sự đem nhập nó vào tự ý thức: con người chiếm lấy bản chất của mình chỉ là tự ý thức chiếm lấy bản chất đối tượng. Cho nên đối tượng quay trở về tự ngã chính là chiếm hữu trở lại đối tượng.
Theo Hê-ghen, sự khắc phục đối tượng của ý thức được biểu hiện một cách toàn diện ở chỗ:
1) đối tượng với tính cách như vậy biểu hiện ra đối với ý thức như là đang biến mất;
2) sự tha hoá của tự ý thức là cái mà tính vật thể thiết định;
3) sự tha hoá ấy không chỉ có ý nghĩa phủ định mà còn có ý nghĩa khẳng định nữa;
4) nó có ý nghĩa đó không chỉ đối với chúng ta hoặc ở trong bản thân nó mà cả đối với bản thân ý thức;
5) đối với ý thức, sự phủ định đối tượng, hoặc việc đối tượng xoá bỏ bản thân nó, có một ý nghĩa khẳng định (hoặc nó có ý thức về cái hư vô của đối tượng) do chỗ nó tha hoá bản thân nó, hoặc trong sự tha hoá ấy nó thiết định bản thân nó như là đối tượng, hoặc thiết định đối tượng như là bản thân nó, do sự thống nhất không thể phân chia của tồn tại vì mình;
6) mặt khác, ở đây đồng thời cũng bao hàm cả nhân tố thứ hai, cụ thể là trên một trình độ như vậy ý thức cũng tước bỏ và thu hút trở lại bản thân mình sự tha hoá ấy và tính đối tượng ấy và, do đó, trong tồn tại khác với tính cách là tồn tại khác của nó nó vẫn ở trong bản thân nó;
7) đó là sự vận động của ý thức, và trong sự vận động ấy, ý thức là tập hợp những nhân tố của nó;
8) ý thức cũng phải đối đãi với đối tượng phù hợp với tập hợp những quy định của mình và xem xét nó trên góc độ mỗi quy định đó. Tập hợp những quy định ấy của ý thức làm cho đối tượng tự nó trở thành bản chất tinh thần, còn đối với ý thức thì đối tượng thực sự trở thành như vậy là do việc nhận thức mỗi quy định riêng biệt của đối tượng như là cái tự ngã, hoặc do thái độ tinh thần đối với chúng như đã nói ở trên[9].
Thêm vào điểm 1. - Việc đối tượng với tính cách là đối tượng biểu hiện ra đối với ý thức như là đang biến mất, là sự quay trở lại cái tự ngã của đối tượng như đã nói ở trên.
Thêm vào điểm 2. - Sự tha hoá của tự ý thức thiết định tính vật thể. Vì con người là tự ý thức nên bản chất đối tượng đã tha hoá của nó, hoặc tính vật thể của nó (cái là đối tượng đối với con người, và chỉ có cái đối với con người là đối tượng bản chất, do đó là bản chất đối tượng của con người, thì mới thực sự là đối tượng đối với con người. Vì không phải con người hiện thực với tính cách là con người hiện thực và do đó, không phải là tự nhiên - con người là tự nhiên có tính chất người cơ mà, - mà chỉ có sự trừu tượng của con người, tự ý thức mới là chủ thể, nên tính vật thể chỉ có thể là tự ý thức đã bị tha hoá) là đồng nhất với tự ý thức đã bị tha hoá, và tính vật thể là do sự tha hoá ấy thiết định. Hoàn toàn tự nhiên là thực thế sống, tự nhiên, được phú và được tặng những lực lượng bản chất bẩm sinh, có tính chất đối tượng, nghĩa là có tính vật chất, cũng có những đối tượng tự nhiên hiện thực của bản chất của mình, cũng giống như sự tự tha hoá của thực thể ấy là sự thiết định một thế giới đối tượng hiện thực nào đó, nhưng thế giới ấy hiện ra dưới hình thức vẻ ngoài và do đó không thuộc về bản chất của nó và thống trị nó. ở đây không có gì là khó hiểu và huyền bí cả. Đúng ra, cái ngược lại mới là huyền bí. Nhưng một điều cũng rõ ràng là tự ý thức thông qua sự tha hoá của mình chỉ có thể thiết định tính vật thể, nghĩa là lại chỉ thiết định vật trừu tượng, vật có tác dụng trừu tượng, vật không hiện thực. [XXVI][10]. Ngoài ra rõ ràng là do đó tính vật thể không có gì là độc lập, bản chất đối với tự ý thức, mà chỉ là sản vật thuần tuý, là một cái gì đó do tự ý thức thiết định, rõ ràng là cái được thiết định đó đáng lẽ phải chứng thực bản thân mình thì lại chỉ là sự chứng thực hành vi thiết định, hành vi thiết định này trong nháy mắt cố định tinh lực của mình dưới hình thức sản phẩm và tựa hồ truyền cho nó - nhưng lại chỉ trong nháy mắt - vai trò của đối tượng độc lập, hiện thực.
Khi con người hiện thực, nhục thể đứng trên quả đất vững chắc, tròn trặn thu hút vào mình và toả ra từ trong bản thân mình tất cả những lực lượng tự nhiên, thông qua sự tha hoá của mình mà thiết định những lực lượng bản chất hiện thực, có tính đối tượng của mình như những đối tượng xa lạ, thì không phải sự thiết định là chủ thể: nó là tính chủ thể của những lực lượng bản chất đối tượng hoá, tác dụng của những lực lượng này do đó cũng phải là tác dụng có tính đối tượng. Thực thể có tính đối tượng hoạt động một cách có tính đối tượng, và nó đã không hoạt động một cách có tính đối tượng, nếu cái có tính chất đối tượng không bao hàm trong sự quy định có tính chất bản chất của nó. Nó chỉ sáng tạo hoặc thiết định đối tượng, vì bản thân nó được các đối tượng thiết định và ngay từ đầu nó là tự nhiên. Như vậy, vấn đề không phải là hành vi thiết định nó chuyển từ "hoạt động thuần tuý" của mình sang sự sáng tạo đối tượng, mà là sản phẩm có tính đối tượng của nó chỉ chứng thực hoạt động có tính đối tượng của nó, chứng thực hoạt động của nó là hoạt động của thực thể tự nhiên có tính đối tượng.
Ở đây chúng ta thấy rằng chủ nghĩa tự nhiên hoặc chủ nghĩa nhân đạo đã được phát huy một cách triệt để khác với chủ nghĩa duy tâm, cũng như khác với chủ nghĩa duy vật, đồng thời là chân lý kết hợp cả hai. Chúng ta đồng thời cũng thấy rằng chỉ có chủ nghĩa tự nhiên mới có khả năng hiểu được hành vi của lịch sử toàn thế giới[11].
Con người trực tiếp là thực thể tự nhiên[12]. Với tính cách là thực thể tự nhiên, hơn nữa là thực thể tự nhiên sống, một mặt, nó được phú cho những lực lượng tự nhiên, những lực lượng sống, nó là thực thể tự nhiên hoạt động; những lực lượng đó tồn tại trong nó dưới hình thức thiên bẩm và năng lực, dưới hình thức năng khiếu; và mặt khác, với tính cách là thực thể tự nhiên, nhục thể, cảm tính, có tính đối tượng, nó giống như động vật và thực vật, là thực thể đau khổ, bị quy định và bị hạn chế, nghĩa là những đối tượng của năng khiếu của nó tồn tại bên ngoài nó như những đối tượng không phụ thuộc vào nó; nhưng những đối tượng ấy là những đối tượng của nhu cầu của nó; đó là những đối tượng cần thiết, căn bản để thể hiện và khẳng định những lực lượng bản chất của nó. Con người là thực thể nhục thể, có những lực lượng tự nhiên, sinh động, hiện thực, cảm tính, có tính đối tượng, điều đó có nghĩa là con người có những đối tượng hiện thực, cảm tính làm đối tượng của bản chất của mình, của biểu hiện đời sống của mình, hoặc con người chỉ có thể biểu hiện đời sống của mình dựa trên những đối tượng hiện thực, cảm tính. Có tính chất đối tượng, tự nhiên, cảm tính, điều đó cũng tức là có đối tượng, tự nhiên, cảm giác ở bên ngoài mình hoặc bản thân mình là đối tượng, tự nhiên, cảm giác đối với một thực thể thứ ba nào đó. Đói là nhu cầu tự nhiên; cho nên nó cần có tự nhiên ở bên ngoài nó, cần có đối tượng ở bên ngoài nó để thoả mãn mình, làm cho mình no. Đói là nhu cầu được thừa nhận của thân thể tôi về một đối tượng nào đó tồn tại bên ngoài thân thể tôi và cần thiết để bổ sung cho nó và để cho bản chất của nó biểu hiện. Mặt trời là đối tượng của thực vật, là đối tượng cần thiết cho nó, đảm bảo đời sống của nó, cũng giống như thực vật là đối tượng của mặt trời với tính cách là biểu hiện của lực lượng tạo sự sống của mặt trời, là biểu hiện của lực lượng bản chất có tính đối tượng của mặt trời.
Thực thể không có tự nhiên của nó ở bên ngoài nó thì không phải là thực thể tự nhiên, nó không tham gia vào đời sống của tự nhiên. Thực thể không có một đối tượng nào bên ngoài nó thì không phải là thực thể có đối tượng. Một thực thể mà tự nó không phải là đối tượng đối với thực thể thứ ba thì không có bất cứ thực thể nào làm đối tượng của mình, nghĩa là không hành động một cách có đối tượng, tồn tại của nó không phải là cái có đối tượng.
[XXVII] Thực thể không có đối tượng là một thực thể không thể có được, phi lý [Unwesen].
Anh hãy tưởng tượng một thực thể mà bản thân không phải là đối tượng và không có đối tượng. Thứ nhất, một thực thể như thế sẽ là thực thể duy nhất, bên ngoài nó sẽ không có một thực thể nào cả, nó sẽ tồn tại một mình, đơn độc. Vì một khi tôi thừa nhận rằng bên ngoài tôi có đối tượng, rằng tôi không tồn tại một mình, thì tôi phải thừa nhận rằng tôi là một cái khác, là hiện thực khác với đối tượng ở bên ngoài tôi. Do đó, đối với đối tượng thứ ba ấy tôi là hiện thực khác với nó, có nghĩa tôi là đối tượng của nó. Như vậy, cái thực thể không phải là đối tượng của một thực thể khác, giả định rằng không có một thực thể đối tượng nào cả. Một khi tôi có một đối tượng nào đó thì đối tượng đó lấy tôi làm đối tượng. Một thực thể không có đối tượng là một thực thể không hiện thực, không cảm tính, chỉ được quan niệm, nghĩa là chỉ được tưởng tượng ra mà thôi, là sản phẩm của sự trừu tượng. Tồn tại một cách cảm tính, nghĩa là tồn tại một cách hiện thực, có nghĩa là tồn tại như là đối tượng của cảm giác, tồn tại như là đối tượng cảm tính, nghĩa là có những đối tượng cảm tính ở bên ngoài mình, những đối tượng của cảm tính của mình. Tồn tại một cách cảm tính có nghĩa là đau khổ[13].
Cho nên con người, với tính cách là thực thể có đối tượng, có cảm giác, là một thực thể đang đau khổ; và vì thực thể đó cảm thấy sự khổ não của mình, cho nên nó là thực thể có dục vọng. Dục vọng là lực lượng bản chất của con người kiên quyết hướng về đối tượng của mình.
<Nhưng con người không chỉ là thực thể tự nhiên, nó là thực thể tự nhiên có tính chất người, nghĩa là thực thể tồn tại cho bản thân mình và do đó là thực thể loài. Nó phải biểu hiện và tự khẳng định như là thực thể loài trong tồn tại của nó cũng như trong tri thức của nó. Như vậy, giống như những đối tượng có tính chất người không phải là những đối tượng tự nhiên dưới hình thức như những đối tượng này trực tiếp có sẵn trong tự nhiên, thì cảm giác của con người như nó tồn tại trực tiếp, trong tính đối tượng trực tiếp của nó, cũng không phải là cảm tính của con người, tính đối tượng của con người. Tự nhiên theo ý nghĩa khách quan, cũng như tự nhiên theo ý nghĩa chủ quan đều không được đem lại một cách trực tiếp và phù hợp cho thực thể con người.> Và giống như mọi cái tự nhiên đều phải nảy sinh, con người cũng có hành vi phát sinh của mình, có lịch sử, nhưng lịch sử được phản ánh trong ý thức của con người và do đó với tính cách là hành vi phát sinh, nó là hành vi phát sinh tự tước bỏ mình một cách có ý thức. Lịch sử là lịch sử tự nhiên chân chính của con người. - (Về điểm này còn phải quay trở lại lần nữa).
Thứ ba, vì bản thân sự thiết định ấy của tính vật thể chỉ là cái vẻ ngoài, chỉ là hành vi mâu thuẫn với bản chất của hoạt động thuần tuý, nên nó phải được tước bỏ lần nữa, còn tính vật thể thì phải được phủ định.
Thêm vào điểm 3, 4, 5, 6. - 3) Sự tha hoá ấy của ý thức không chỉ có ý nghĩa phủ định mà còn có ý nghĩa khẳng định và 4) nó có ý nghĩa khẳng định ấy không những đối với chúng ta, hoặc trong bản thân nó, mà cả đối với bản thân nó, đối với ý thức. 5) Đối với ý thức, sự phủ định đối tượng, tức việc đối tượng xoá bỏ bản thân nó có một ý nghĩa khẳng định là do chỗ (hoặc nó có ý thức về tính hư vô ấy của đối tượng là do chỗ) nó tự tha hoá bản thân mình, vì trong sự tha hoá ấy, nó biết mình là đối tượng hay biết đối tượng là bản thân mình, do sự thống nhất không thể phân chia của tồn tại vì mình, 6) Mặt khác, ở đây đồng thời cũng bao hàm cả một yếu tố thứ hai, cụ thể là ý thức cũng tước bỏ và thu hút trở lại vào mình sự tha hóa ấy và tính đối tượng ấy và do đó trong tồn tại khác của nó với tính cách là tồn tại khác, nó cũng vẫn ở trong bản thân nó.
Chúng ta đã thấy rằng đối với Hê-ghen, sự chiếm hữu bản chất đã tha hoá, có đối tượng hoặc sự xoá bỏ tính đối tượng hoá xuất hiện dưới sự quy định của sự tha hoá, - sự tha hoá này phải được phát triển từ tính xa lạ bàng quan đến sự tha hoá đối địch có tính chất hiện thực - đồng thời hoặc thậm chí chủ yếu có ý nghĩa là xoá bỏ bản thân tính đối tượng, vì đối với tự ý thức thì không phải tính chất xác định ấy của đối tượng mà bản thân tính chất đối tượng của nó là nhân tố đáng trách và là sự tha hoá. Cho nên đối tượng là một cái gì phủ định, tự xoá bỏ mình, là tính hư vô. Tính hư vô đó của đối tượng không những chỉ có ý nghĩa phủ định mà còn có ý nghĩa khẳng định đối với ý thức, vì tính hư vô của đối tượng chính là sự tự khẳng định của tính phi đối tượng, [XXVIII] của sự trừu tượng, của bản thân nó. Đối với bản thân ý thức, tính hư vô của đối tượng có một ý nghĩa khẳng định vì nó biết tính hư vô ấy, biết bản chất có tính đối tượng ấy là sự tự tha hoá của bản thân nó, biết rằng tính hư vô ấy chỉ tồn tại nhờ sự tự tha hoá của nó.
Phương thức tồn tại của ý thức và của một cái gì đó đối với ý thức, đó là tri thức. Tri thức là hành vi duy nhất của ý thức. Cho nên một cái gì đó nảy sinh ra đối với ý thức, chừng nào ý thức biết cái đó. Tri thức là quan hệ có tính chất đối tượng duy nhất của ý thức. - ý thức biết tính hư vô của đối tượng, nghĩa là tính không thể phân biệt của đối tượng với ý thức, sự không tồn tại của đối tượng đối với ý thức do chỗ nó biết rằng đối tượng là sự tự tha hoá của nó, nghĩa là nó biết bản thân nó (tri thức với tính cách là đối tượng) nhờ chỗ đối tượng chỉ là vẻ ngoài của đối tượng, một ảo ảnh nào đó, còn xét theo bản chất của nó chẳng qua chỉ là bản thân tri thức tự đối lập mình với bản thân mình và do đó đem tính hư vô, cái không có bất cứ tính đối tượng nào ngoài tri thức đối lập với bản thân mình; nói cách khác, tri thức biết rằng khi nó có quan hệ với một đối tượng nào đó, thì nó chỉ ở ngoài bản thân nó, nó tự tha hoá khỏi mình, rằng bản thân nó mang hình thức đối tượng đối với nó, hoặc cái biểu hiện ra trước nó như là đối tượng thì chỉ là bản thân nó mà thôi.
Mặt khác, theo lời Hê-ghen, ở đây đồng thời cũng có một nhân tố khác, đó là: trên một mức độ y như thế, tự ý thức đã tước bỏ và hấp thu trở lại vào mình sự tha hoá ấy và tính đối tượng ấy và do đó, trong tồn tại khác của nó với tính cách là tồn tại khác, cũng vẫn ở trong bản thân nó.
Trong suy luận đó chúng ta có tất cả những ảo tưởng của tư biện được nhập lại làm một:
Một là: trong tồn tại khác của nó với tính cách là tồn tại khác, ý thức, tự ý thức vẫn ở bản thân nó. Cho nên ý thức, hoặc, - nếu ở đây chúng ta bỏ qua không nói đến sự trừu tượng của Hê-ghen và đem con người có tự ý thức thay cho tự ý thức, - cho nên con người trong tồn tại khác của nó với tính cách là tồn tại khác, nó vẫn ở bản thân nó. Ở đây bao hàm, một là, tình hình như sau: ý thức, nghĩa là tri thức với tính cách là tri thức, tư duy với tính cách là tư duy, mạo nhận mình trực tiếp là cái khác của bản thân mình, là cảm tính, là hiện thực, là đời sống, - tức tư duy vượt quá bản thân mình trong tư duy (Phoi-ơ-bắc). ở đây bao hàm mặt nói trên trong chừng mực ý thức, chỉ được hiểu là ý thức, nhìn thấy trở ngại đáng trách đối với mình không phải trong tính đối tượng đã bị tha hoá, mà trong tính đối tượng với tính cách là tính đối tượng.
Hai là: ở đây bao hàm tình hình là: vì con người có tự ý thức nhận thức thế giới tinh thần - hoặc tồn tại tinh thần phổ biến của thế giới của mình, - với tính cách là sự tự tha hoá, và tước bỏ thế giới tinh thần, cho nên con người dù sao cũng lại khẳng định thế giới tinh thần dưới hình thức bị tha hoá ấy, coi thế giới tinh thần là tồn tại chân thật của mình, khôi phục thế giới tinh thần, cho rằng trong tồn tại khác của mình với tính cách như thế, bản thân mình vẫn ở trong bản thân mình; do đó, sau khi xoá bỏ tôn giáo chẳng hạn, sau khi thừa nhận tôn giáo là sản phẩm của sự tự tha hoá, con người vẫn cho rằng mình được xác nhận trong tôn giáo với tính cách là tôn giáo. ở đây bao hàm gốc rễ của chủ nghĩa thực chứng sai lầm của Hê-ghen, hoặc của chủ nghĩa phê phán chỉ có tính chất tưởng tượng của ông, - cái mà Phoi-ơ-bắc gọi là sự thiết định, sự phủ định và sự khôi phục tôn giáo hoặc thần học, nhưng phải xem xét dưới hình thức chung hơn. Như vậy, ở bản thân nó, lý tính nằm trong phi lý tính với tính cách là phi lý tính. Khi con người đã hiểu rằng trong pháp luật, chính trị v.v. nó sống một đời sống bị tha hoá, thì nó sẽ sống cuộc sống chân chính con người của mình trong cuộc sống bị tha hoá ấy. Như vậy, sự tự thiết định, sự tự khẳng định trong mâu thuẫn với bản thân mình, trong mâu thuẫn với tri thức cũng như với bản chất của đối tượng là tri thức chân thật, là đời sống chân thật.
Như vậy, giờ đây không còn có thể nói đến chuyện Hê-ghen đơn thuần thích ứng với tôn giáo, với nhà nước v.v., vì sự nói dối đó là sự nói dối của nguyên tắc của ông.
[XXIX] Nếu tôi biết rằng tôn giáo là tự ý thức đã tha hoá của con người thì do đó tôi biết rằng không phải tự ý thức của tôi mà tự ý thức đã tha hoá của tôi được khẳng định trong tôn giáo với tính cách là tôn giáo. Cho nên, tôi biết rằng tự ý thức của tôi, tự ý thức thuộc về bản thân tôi, thuộc về bản chất của tôi được khẳng định không phải trong tôn giáo, mà trái lại trong tôn giáo đã bị tiêu diệt, đã bị xoá bỏ.
Cho nên ở Hê-ghen phủ định của phủ định không phải là sự khẳng định bản chất chân chính thông qua sự phủ định bản chất hư hảo, mà là sự khẳng định bản chất hư ảo hoặc đã bị tha hoá khỏi mình trong sự phủ định bản chất hư ảo, hoặc là sự phủ định bản chất hư ảo ấy với tính cách là bản chất có tính đối tượng, ở bên ngoài con người và không phụ thuộc vào con người và là sự chuyển hoá của bản chất đó thành chủ thể.
Cho nên ở Hê-ghen sự tước bỏ trong đó sự phủ định và sự giữ lại, tức sự khẳng định kết hợp với nhau, có một vai trò độc đáo.
Chẳng hạn như trong triết học pháp quyền của Hê-ghen, tư pháp đã bị tước bỏ là đạo đức, đạo đức đã bị tước bỏ là gia đình, gia đình đã bị tước bỏ là xã hội công dân, xã hội công dân đã bị tước bỏ là nhà nước, nhà nước đã bị tước bỏ là lịch sử thế giới. Trong hiện thực thực tế, tư pháp, đạo đức, gia đình xã hội công dân, nhà nước v.v. tiếp tục tồn tại như trước, chúng chỉ trở thành những nhân tố, những hình thức sinh tồn và hình thức tồn tại hiện có của con người, những hình thức và nhân tố này nếu cô lập với nhau thì không có sức mạnh, chúng xoá bỏ lẫn nhau, sản sinh lẫn nhau v.v.. Những nhân tố của vận động.
Trong sự tồn tại hiện thực của chúng, bản chất cơ động ấy của chúng bị che giấu. Bản chất đó chỉ bộc lộ ra, được vạch ra lần đầu tiên trong tư duy, trong triết học, và do đó tồn tại tôn giáo đích thực của tôi là tồn tại của tôi trong triết học tôn giáo, tồn tại chính trị đích thực của tôi là tồn tại của tôi trong triết học pháp quyền, tồn tại tự nhiên đích thực của tôi là tồn tại của tôi trong triết học tự nhiên, tồn tại nghệ thuật đích thực của tôi là tồn tại của tôi trong triết học nghệ thuật, tồn tại con người đích thực của tôi là tồn tại của tôi trong triết học. Chính như vậy sự tồn tại đích thực của tôn giáo, của nhà nước, của tự nhiên, của nghệ thuật là triết học tôn giáo, triết học tự nhiên, triết học nhà nước, triết học nghệ thuật. Nhưng nếu đối với tôi tồn tại đích thực của tôn giáo chỉ là triết học tôn giáo v.v., thì tôi chỉ thật sự có tôn giáo với tính cách là nhà triết học tôn giáo và như vậy tôi phủ định tinh thần tôn giáo hiện thực và con người tôn giáo hiện thực. Nhưng đồng thời tôi cũng khẳng định chúng, một phần trong khuôn khổ tồn tại của bản thân tôi hoặc trong khuôn khổ của tồn tại của người khác, tồn tại mà tôi đem đối lập với chúng (vì đó chỉ là biểu hiện triết học của bản thân chúng); vì tôi coi chúng chỉ là tồn tại khác có tính chất hư ảo, là những hình tượng, những hình thức - che giấu dưới những cái vô cảm tính - của tồn tại đích thực của bản thân chúng, nghĩa là của tồn tại triết học của tôi.
Cũng đúng như vậy, chất đã bị tước bỏ là lượng, lượng đã bị tước bỏ là độ, độ đã bị tước bỏ là bản chất, bản chất đã bị tước bỏ là hiện tượng, hiện tượng đã bị tước bỏ là hiện thực, hiện thực đã bị tước bỏ là khái niệm, khái niệm đã bị tước bỏ là tính khách quan, tính khách quan đã bị tước bỏ là tư tưởng tuyệt đối, tư tưởng tuyệt đối đã bị tước bỏ là tự nhiên, tự nhiên đã bị tước bỏ là tinh thần chủ quan, tinh thần chủ quan đã bị tước bỏ là tinh thần đạo đức khách quan, tinh thần đạo đức đã bị tước bỏ là nghệ thuật, nghệ thuật đã bị tước bỏ là tôn giáo, tôn giáo đã bị tước bỏ là tri thức tuyệt đối.
Một mặt, sự tước bỏ ấy là sự tước bỏ bản chất trong tư duy và do đó chế độ tư hữu trong tư duy được tước bỏ thành ý niệm trong tư duy về đạo đức. Và vì tư duy tự cho rằng nó trực tiếp là một cái khác của bản thân nó, tức là hiện thực cảm tính, vì do đó, nó coi tác dụng của nó cũng là tác dụng hiện thực cảm tính, nên sự tước bỏ trong tư duy ấy - trong thực tế sự tước bỏ này vẫn để cho đối tượng của mình không bị đụng chạm đến - giả định rằng nó thực tế đã khắc phục đối tượng ấy; và mặt khác, vì đối với tư duy đối tượng ấy giờ đây đã trở thành một nhân tố trong tư duy, nên đối với tư duy nó cũng là sự tự khẳng định bản thân nó, sự tự ý thức, sự trừu tượng cả trong hiện thực của nó.
[XXX] Cho nên, một mặt, tồn tại mà Hê-ghen tước bỏ, bằng cách chuyển vào trong triết học, hoàn toàn không phải là tôn giáo hiện thực, nhà nước, tự nhiên, mà là tôn giáo dưới hình thức trong đó bản thân tôn giáo cũng là đối tượng của tri thức, tức giáo lý; luật học, khoa học về nhà nước, khoa học tự nhiên cũng có tình hình như vậy. Như vậy, một mặt Hê-ghen giữ lập trường đối lập với bản chất hiện thực cũng như với khoa học trực tiếp, không có tính chất triết học, hoặc với những khái niệm không có tính chất triết học về bản chất đó. Cho nên ông mâu thuẫn với những khái niệm thông dụng của những khoa học đó.
Mặt khác, ở Hê-ghen con người có đạo v.v. có thể tìm thấy cho mình sự khẳng định cuối cùng của mình.
Giờ đây phải xét - trong khuôn khổ phạm trù tha hoá - những nhân tố tích cực của phép biện chứng của Hê-ghen.
a) Sự tước bỏ với tính cách là sự vận động có tính chất đối tượng, hấp thụ trở lại bản thân mình sự tha hoá. Đó là tư tưởng (biểu hiện trong khuôn khổ sự tha hoá) về sự chiếm hữu bản chất có tính đối tượng bằng cách tước bỏ sự tha hoá của nó; đó là cách nhìn tha hoá sự đối tượng hoá hiện thực của con người, việc con người chiếm hữu một cách hiện thực bản chất có tính đối tượng của mình bằng cách tiêu diệt sự quy định đã tha hoá của thế giới đối tượng, bằng cách tước bỏ thế giới đó trong tồn tại đã bị tha hoá của nó, giống như chủ nghĩa vô thần, với tính cách là sự tước bỏ thượng đế, có nghĩa là sự sinh thành của chủ nghĩa nhân đạo lý luận, còn chủ nghĩa cộng sản với tính cách là sự tước bỏ chế độ tư hữu, có nghĩa là yêu cầu của đời sống thật sự của con người, với tính cách là sở hữu không thể tách rời của con người, có nghĩa là sự sinh thành của chủ nghĩa nhân đạo thực tiễn; nói cách khác, chủ nghĩa vô thần là chủ nghĩa nhân đạo được môi giới với bản thân mình bằng con đường tước bỏ tôn giáo, còn chủ nghĩa cộng sản thì là chủ nghĩa nhân đạo được môi giới với bản thân mình bằng con đường tước bỏ chế độ tư hữu. Chỉ bằng con đường tước bỏ sự môi giới đó, - nhưng sự môi giới này là tiền đề cần thiết, - mới sinh ra chủ nghĩa nhân đạo tích cực bắt đầu một cách tích cực từ bản thân mình.
Nhưng chủ nghĩa vô thần, chủ nghĩa cộng sản quyết không phải là sự lẩn tránh, sự trừu tượng, sự đánh mất cái thế giới đối tượng do con người sản sinh ra, không phải là sự đánh mất những lực lượng bản chất, những lực lượng đã mang hình thức đối tượng, của con người, không phải là sự cùng khổ quay trở về với trạng thái giản đơn trái tự nhiên, không phát triển. Trái lại, lần đầu tiên chúng là sự sinh thành hiện thực, sự thực hiện bản chất con người, sự thực hiện này xuất hiện một cách hiện thực đối với con người, sự thực hiện bản chất con người như một cái hiện thực nào đó.
Như vậy, trong khi xét - tuy lại xét dưới hình thức đã tha hoá - ý nghĩa tích cực của sự phủ định quan hệ đến bản thân nó, Hê-ghen đồng thời coi sự tự tha hoá của con người, sự tha hoá của bản chất con người, sự phi đối tượng hoá, sự sa đọa của con người - như là sự tự chiếm hữu sự biểu hiện của bản chất, sự đối tượng hoá, sự thực hiện. Nói tóm lại, ông coi - trong khuôn khổ sự trừu tượng - lao động là hành vi tự sản sinh của con người, quan hệ đối với bản thân mình như đối với bản chất xa lạ và sự thực hiện bản thân mình như là sự thực hiện một thực thể xa lạ - như là ý thức loài đang sinh thành và đời sống loài đang sinh thành.
b) Nhưng ở Hê-ghen - ngoài sự xuyên tạc khái niệm đã nói ở trên hoặc nói đúng hơn, với tính cách là kết quả của sự xuyên tạc đó - hành vi ấy, thứ nhất, chỉ mang tính chất hình thức, vì nó là trừu tượng, vì bản chất con người tự nó chỉ được thừa nhận là bản chất trừu tượng đang tư duy, là tự ý thức, và thứ hai, vì quan điểm đó có tính chất hình thức và trừu tượng, nên tước bỏ sự tha hoá trở thành khẳng định sự tha hoá, nói cách khác, đối với Hê-ghen sự vận động nói trên của sự tự sản sinh, của sự tự đối tượng hoá với tính cách là sự tự tha hoá là sự biểu hiện đời sống của con người, một sự biểu hiện tuyệt đối và do đó là một sự biểu hiện cuối cùng, có mục đích là bản thân mình, ổn định trong bản thân mình và đạt tới bản chất của mình.
Cho nên vận động đó dưới hình thức trừu tượng [XXXI] của nó, với tính cách là phép biện chứng, được coi là đời sống chân chính của con người; và vì nó vẫn là sự trừu tượng, sự tha hoá đời sống con người, nên nó được coi là quá trình thần linh, nhưng là quá trình thần linh của con người, quá trình mà bản chất của con người, một bản chất trừu tượng, thuần túy, tuyệt đối khác với con người, tiến hành.
Thứ ba, quá trình đó phải có kẻ đảm nhiệm, phải có chủ thể; nhưng chủ thể chỉ nảy sinh như là kết quả; cho nên kết quả đó - chủ thể hiểu mình như tự ý thức tuyệt đối - là thượng đế, tinh thần tuyệt đối, ý niệm hiểu mình và tự thực hiện mình. Con người hiện thực và giới tự nhiện hiện thực trở thành đơn thuần những tân từ, những biểu tượng của con người không hiện thực và bị che giấu ấy và của giới tự nhiên không hiện thực ấy. Cho nên quan hệ giữa chủ từ và tân từ bị xuyên tạc một cách tuyệt đối: đó là, chủ thể - khách thể thần bí, hoặc là tính chủ thể trùm lên khách thể, là chủ thể tuyệt đối với tính cách là một quá trình, với tính cách là chủ thể tự tha hoá mình và trở lại bản thân mình từ trong sự tha hoá ấy và đồng thời hấp thu sự tha hoá ấy trở lại bản thân mình, và là chủ thể với tính cách là quá trình ấy; đó là sự loanh quanh thuần tuý, không ngừng trong bản thân mình[14].
Về điểm thứ nhất: quan niệm hình thức và trừu tượng về hành vi tự sinh sản hoặc tự đối tượng hoá của con người.
Vì Hê-ghen coi con người ngang với tự ý thức, cho nên đối tượng bị tha hoá của con người, hiện thực bản chất bị tha hoá của con người chẳng qua là ý thức về sự tha hoá, vẻn vẹn là tư tưởng về sự tha hoá, biểu hiện trừu tượng và do đó không có nội dung và không hiện thực của nó - là sự phủ định. Cho nên tước bỏ sự tha hoá cũng chẳng qua là tước bỏ một cách trừu tượng, không có nội dung sự trừu tượng không có nội dung ấy - sự phủ định của phủ định. Cho nên hoạt động có nội dung, sinh động, cảm tính, cụ thể của sự tự đối tượng hoá trở thành vẻn vẹn là sự trừu tượng của hoạt động ấy - trở thành tính phủ định tuyệt đối, sự trừu tượng, sự trừu tượng này đến lượt nó lại được cố định thành ra sự trừu tượng và được hình dung như là hoạt động độc lập, đơn thuần như là hoạt động. Vì cái gọi là tính phủ định ấy chẳng qua là hình thức trừu tượng, không có nội dung của hành vi sinh động hiện thực nói trên, nên nội dung của nó cũng chỉ có thể là một nội dung có tính chất hình thức, thu được bằng con đường trừu tượng hoá mọi nội dung. Cho nên đó là những hình thức của trừu tượng, những hình thức của tư duy, những phạm trù lô-gích tách rời khỏi tinh thần hiện thực và tự nhiên hiện thực, những hình thức và những phạm trù này có tính chất phổ biến, trừu tượng, là những hình thức và phạm trù vốn có của mọi nội dung và do đó đồng thời cũng không quan tâm đến bất cứ nội dung nào và chính vì thế mà thích dụng đối với mọi nội dung. (Dưới đây chúng tôi sẽ phân tích nội dung lô-gích của tính phủ định tuyệt đối).
Mặt tích cực của cái mà Hê-ghen làm được ở đây trong lô-gích tư biện của ông là ở chỗ những khái niệm nhất định, những hình thức tư duy cố định phổ biến trong tính độc lập của chúng đối với tự nhiên và tinh thần, là kết quả tất nhiên của sự tha hoá phổ biến của bản chất con người và do đó cả của tư duy con người, và ở chỗ do đó Hê-ghen mô tả chúng như là những nhân tố của quá trình trừu tượng hoá và trình bày như là một chỉnh thể cố kết. Chẳng hạn như, tồn tại bị tước bỏ là bản chất, bản chất bị tước bỏ là khái niệm, khái niệm bị tước bỏ...là ý niệm tuyệt đối. Mà ý niệm tuyệt đối là gì? Đến lượt nó, ý niệm tuyệt đối lại tự tước bỏ bản thân mình, nếu nó không muốn tiến hành lại từ đầu toàn bộ hành vi trừu tượng và không muốn bằng lòng với việc là một tập hợp những trừu tượng hoặc là sự trừu tượng tự mình hiểu mình. Nhưng sự trừu tượng tự hiểu mình như một sự trừu tượng, thì biết rằng nó là hư vô; nó phải từ bỏ bản thân mình, từ bỏ sự trừu tượng, và bằng cách đó, nó đi tới một bản chất với mặt đối lập trực tiếp của nó, đi tới tự nhiên. Như vậy, toàn bộ lô-gích học là sự chứng minh rằng tư duy trừu tượng tự bản thân nó là hư vô, rằng ý niệm tuyệt đối tự bản thân nó là hư vô, rằng chỉ có tự nhiên là một cái gì mà thôi.
[XXXII] ý niệm tuyệt đối, ý niệm trừu tượng
"được xét về phía sự thống nhất với bản thân, là sự trực quan" ("Bách khoa thư" của Hê-ghen, xuất bản lần thứ ba[15], tr.222), "trong chân lý tuyệt đối của nó", nó "quyết định tự do thả khỏi bản thân mình cái nhân tố của tính đặc thù của mình, hoặc của sự quy định đầu tiên và của tồn tại khác, thả ý niệm trực tiếp với tính cách là phản ánh của nó, nghĩa là quyết định tự do thả bản thân mình với tính cách là tự nhiên khỏi bản thân mình" (như trên),
toàn bộ cái tư tưởng hành động một cách lạ lùng và kỳ dị đến như thế đã buộc phái Hê-ghen phải vỡ đầu nát óc ra một cách ghê gớm, toàn bộ cái tư tưởng đó không phải là gì khác mà là sự trừu tượng - nghĩa là nhà tư tưởng trừu tượng, - nhờ có kinh nghiệm mà khôn ngoan lên, và sau khi đã hiểu được bản chất thực sự của bản thân mình, ý niệm tuyệt đối này quyết định, trong một số điều kiện - sai lầm và cũng còn trừu tượng - nào đó, từ bỏ bản thân mình và đem tồn tại khác của mình, nghĩa là một cái đặc thù, xác định thay cho tồn tại ở mình của mình (do tồn tại này mà nó là hư vô), thay cho tính phổ biến và tính không xác định của mình; quyết định tự do thả khỏi bản thân mình cái tự nhiên tiềm ẩn, trong ý niệm tuyệt đối với tính cách là sự trừu tượng, với tính cách là vật trong tư duy, nghĩa là rời bỏ sự trừu tượng và cuối cùng đứng nhìn tự nhiên thoát khỏi ý niệm, mà được tự do. ý niệm tuyệt đối đang trực tiếp trở thành sự trực quan chẳng qua là tư duy trừu tượng đang từ bỏ bản thân mình và quyết định trở thành sự trực quan. Toàn bộ sự chuyển biến ấy từ lô-gích học sang triết học tự nhiên chẳng qua là sự chuyển biến - hết sức khó khăn đối với nhà tư tưởng trừu tượng và do đó được nhà tư tưởng trừu tượng miêu tả một cách hết sức hư ảo - từ sự trừu tượng hoá sang sự trực quan. Cảm giác thần bí đuổi nhà triết học từ lĩnh vực tư duy trừu tượng vào lĩnh vực trực quan là sự buồn chán, sự buồn nhớ nội dung.
(Con người tha hoá khỏi bản thân mình cũng là nhà tư tưởng tha hoá khỏi bản chất của mình, nghĩa là khỏi bản chất người và tự nhiên của mình. Cho nên tư tưởng của anh ta là những tinh thần đã cứng đờ nào đó cư trú ở bên ngoài tự nhiên và bên ngoài con người. Hê-ghen nhập lại làm một và giam hãm tất cả những tinh thần đã cứng đờ ấy vào trong "Lô-gích học" của ông, bằng cách coi mỗi tinh thần ấy trước hết như là sự phủ định, nghĩa là như là sự tha hoá của tư duy con người, rồi sau đó như là phủ định của phủ định, có nghĩa như là sự tước bỏ sự tha hoá ấy, như là biểu hiện hiện thực của tư duy con người; nhưng trong khi còn bị sự tha hoá cầm tù, bản thân sự phủ định của phủ định ấy một phần là sự phục hồi những tinh thần đã cứng đờ lúc đầu trong sự tha hoá của chúng, một phần là sự dừng lại ở hành vi cuối cùng, là sự quy bản thân mình vào bản thân mình trong sự tha hoá, coi như tồn tại đích thực của những tinh thần đã cứng đờ ấy[16]; còn một phần, vì sự trừu tượng ấy hiểu bản thân mình và cảm thấy một sự buồn chán vô tận về bản thân mình, cho nên ở Hê-ghen sự từ bỏ tư duy trừu tượng chỉ vận động trong tư duy, tồn tại không cần có con mắt, răng, tai, không có mọi cái, biểu hiện như sự quyết tâm thừa nhận tự nhiên với tính cách là bản chất và chuyên vào việc trực quan).
[XXXIII] Nhưng cả đến tự nhiên xét một cách trừu tượng cô lập, cố định trong sự tách rời với con người, cũng là hư vô đối với con người. Không cần nói ai cũng rõ rằng nhà tư tưởng trừu tượng đã quyết tâm chuyển sang trực quan sẽ trực quan tự nhiên một cách trừu tượng. Giống như lúc trước tự nhiên bị nhà tư tưởng cầm tù trong hình thức - bí ẩn và khó hiểu đối với bản thân anh ta - của ý niệm tuyệt đối, sự vật trong tư duy, sự trừu tượng, thì giờ đây khi anh ta thả tự nhiên khỏi bản thân mình, trong thực tế anh ta cũng chỉ thả khỏi bản thân mình cái tự nhiên trừu tượng ấy, sự trừu tượng thuần tuý của tự nhiên, nhưng với ý nghĩa là tự nhiên là một tồn tại khác của tư tưởng, là tự nhiên hiện thực, có thể trực quan, khác với tư duy trừu tượng. Hoặc là - nói theo ngôn ngữ của con người - trong khi trực quan tự nhiên, nhà tư tưởng trừu tượng hiểu rằng: những bản chất - trong phép biện chứng thần diệu, anh ta nghĩ rằng anh ta sáng tạo những bản chất này từ hư vô, từ trừu tượng thuần tuý, như là những sản phẩm thuần tuý của một công tác tư tưởng loay hoay trong bản thân mình và không nhìn vào hiện thực thực tế bất cứ ở đâu - bản chất đó chẳng qua là sự trừu tượng của những quy định của tự nhiên. Như vậy, toàn bộ tự nhiên đối với anh ta chỉ là sự lặp lại dưới hình thức cảm tính, bên ngoài những sự trừu tượng lô-gích. Anh ta lại phân tích tự nhiên và những trừu tượng ấy lần nữa. Như vậy, việc anh ta trực quan tự nhiên chỉ là hành vi khẳng định việc anh ta trừu tượng hoá sự trực quan tự nhiên, chỉ là quá trình sản sinh ra những sự trừu tượng của anh ta, được anh ta lặp lại một cách có ý thức. Chẳng hạn như thời gian là ngang với sự phủ định được quy về bản thân mình (sách đã dẫn, tr.238). Dưới hình thức tự nhiên, sự vận động đã được tước bỏ với tính cách là vật chất phù hợp với sự sinh thành đã được tước bỏ với tính cách là tồn tại hiện có. ánh sáng là hình thức tự nhiên của sự phản xạ vào bản thân. Vật thể với tính cách là trăng, sao chổi là hình thức tự nhiên của cái mặt đối lập mà theo "Lô-gích học" thì một mặt là cái khẳng định dựa vào bản thân mình, và mặt khác là cái phủ định dựa vào bản thân mình. Quả đất là hình thức tự nhiên của căn cứ lô-gích với tính cách là sự thống nhất phủ định của các mặt đối lập, v.v..
Tự nhiên với tính cách là tự nhiên, nghĩa là chừng nào nó còn khác một cách cảm tính với ý nghĩa bí mật, che giấu trong nó đó, tự nhiên tách rời những trừu tượng ấy, khác với những trừu tượng ấy là hư không tự bộc lộ ra như là hư không. Nó là vô nghĩa hoặc chỉ có ý nghĩa là tính bên ngoài cần phải tước bỏ.
"Trong quan điểm về mục đích luận hữu hạn bao hàm tiền đề đúng đắn là tự nhiên không chứa đựng mục đích tuyệt đối trong bản thân mình" (tr.225).
Mục đích của nó là khẳng định sự trừu tượng.
"Tự nhiên biểu hiện ra là ý niệm dưới hình thức tồn tại khác. Như vậy, vì ý niệm biểu hiện ra ở đây là sự phủ định bản thân mình, hoặc như ở ngoài bản thân mình, cho nên không phải tự nhiên chỉ có tính chất bên ngoài theo ý nghĩa tương đối, so với ý niệm ấy, mà tính bên ngoài tạo thành sự quy định trong đó ý niệm biểu hiện ra là tự nhiên" (tr.227).
Phải hiểu tính bên ngoài ở đây không phải như là cảm tính biểu hiện ra bên ngoài và phơi bày ra đối với ánh sáng, đối với con người cảm tính. Cần phải hiểu tính bên ngoài ở đây theo ý nghĩa sự tha hoá, theo ý nghĩa sự thiếu sót, khuyết điểm không nên có. Vì cái chân thực vẫn còn là ý niệm. Tự nhiên chỉ là hình thức tồn tại khác của ý niệm. Và vì tư duy trừu tượng là bản chất, nên cái ở bên ngoài nó, xét về bản chất chỉ là cái bên ngoài. Nhà tư tưởng trừu tượng thừa nhận rằng cảm tính, tính bên ngoài đối lập với tư duy vận động bên trong bản thân nó là bản chất của tự nhiên. Nhưng đồng thời anh ta diễn đạt sự đối lập ấy một cách khiến cho tính bên ngoài ấy của tự nhiên, sự đối lập của tự nhiên với tư duy là sự thiếu sót của tự nhiên khiến cho vì tự nhiên khác với sự trừu tượng cho nên nó là một thực thể không hoàn bị. [XXXIV] Thực thể không hoàn bị không chỉ đối với tôi, không chỉ theo quan điểm của tôi, mà không hoàn bị trong bản thân nó, có ở bên ngoài nó cái nó thiếu, nghĩa là bản chất của nó là cái khác với bản thân nó. Cho nên đối với nhà tư tưởng trừu tượng, tự nhiên phải tự tước bỏ bản thân mình, vì anh ta đã giả định tự nhiên là bản chất đã được tước bỏ một cách tiềm tàng.
"Đối với chúng ta tinh thần có tự nhiên làm tiền đề của nó, mà bản thân nó là chân lý của tự nhiên, và do đó là cái gì đó có trước một cách tuyệt đối so với tự nhiên. Tự nhiên mất đi trong tính chân thực ấy, và tinh thần biểu hiện như là ý niệm đã đạt được cái tồn tại vì mình của nó, khách thể của ý niệm và đồng thời cả chủ thể nữa là khái niệm. Sự đồng nhất ấy là tính phủ định tuyệt đối, vì trong tự nhiên, khái niệm có tính khách quan bên ngoài đầy đủ của nó, nhưng giờ đây sự tự tha hoá ấy của nó đã bị tước bỏ và nó, tức khái niệm, trong sự tự tha hoá ấy đã trở thành đồng nhất với bản thân mình. Như vậy, nó chỉ là sự đồng nhất đó với tính cách là sự quay trở về từ trong tự nhiên" (tr.392).
"Mặc khải, với tính cách là ý niệm trừu tượng, là bước chuyển trực tiếp sang tự nhiên, là sự sinh thành của tự nhiên, với tính cách là mặc khải của tinh thần tự do, là việc nó thiết định tự nhiên với tính cách là thế giới của mình, - sự thiết định này với tính cách là sự phản tư, đồng thời là tiền đề của thế giới với tính cách là tự nhiên độc lập. Sự mặc khải trong khái niệm là sự sáng tạo ra tự nhiên với tính cách là tồn tại của tinh thần bởi tinh thần, trong đó tinh thần đem lại cho mình sự khẳng định và tính chân thực của tự do của mình. - Cái tuyệt đối là tinh thần; đó là định nghĩa tối cao của cái tuyệt đối"[17]. [XXXIV].
Nguồn: C.Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 42. Hà Nội: Nxb. Chính trị quốc gia, tr. 126-46. [Bản thảo kinh tế-triết học năm 1844. Bản thảo thứ nhất]. Bản điện tử: http://www.cpv.org.vn
(a) David Friedrich Strauss (hay Strauβ) (1808-1874) nhà thần học và triết gia Đức.
(b) Bruno Bauer (1809-1882) triết gia Đức.
[1] Có ý nói đến tác phẩm gồm ba tập của B.Bau-ơ "Phê phán lịch sử phúc âm của những kinh Phúc âm tương đồng" ("Kritik der evangelischen Geschichte der Synoptiker". Bd. 1-2, Leipzig, 1841; Bd. 3. Braunschweig, 1842). Trong sách báo về lịch sử tôn giáo ba cuốn kinh Phúc âm đầu tiên sát nhau về nội dung (của Mát-phây, của Mác-cơ, của Lu-ca) nằm trong "Kinh tân ước thường được gọi là những kinh Phúc âm tương đồng. Cách trình bày có tính nhất quán, những điểm vay mượn lẫn nhau, sự giống nhau của nhiều nguồn gốc, sự trùng hợp về cách thể hiện và dùng thuật ngữ đã chứng tỏ sự giống nhau của các kinh Phúc âm tương đồng này.
[2] B.Bauer. "Dasentdeckte Christenthum". Zỹrich und Winterthur, 1843 (B.Bau-ơ. "Ki-tô giáo bị vạch trần". Xuy-rích và Vin-téc-tua. 1843).
[3] B.Bauer. "Die gute Sache der Freiheit und meine eigene Angelegenheit". Zỹrich und Winterthur, 1842 (B.Bau-ơ. "Sự nghiệp chính nghĩa của tự do và sự nghiệp của bản thân tôi". Xuy-rích và Vin-téc-tua. 1842).
(c) Herr Gruppe
[4] Có ý nói đến các bài phát biểu của phái Hê-ghen trẻ trên tờ "Allgemeine Literatur - Zeitung" .
(d) Feuerbach
(e) Christ
[5] chứng minh thư về sự nghèo khổ.
[6] ở chỗ này Mác viết thêm: "Phoi-ơ-bắc xét phủ định của phủ định, khái niệm cụ thể cũng như tư duy đang vượt lên trên bản thân mình trong tư duy, là tư duy muốn là sự trực quan, giới tự nhiên, hiện thực"
[7] ở đây trong bản thảo, tác giả ghi: xem tr.XIII.
[8] Trong bản thảo tác giả ghi: xem phần tiếp ở tr. XXII, song trong bản thảo không có trang này.
[9] Tám cụm từ "sự vượt qua mọi mặt của đối tượng" này được chép ra gần như nguyên văn từ chương cuối của "Hiện tượng học tinh thần" của Hê-ghen.
[10] Khi đánh số trang bản thảo, Mác không đánh số trang XXV.
[11] Phoi-ơ-bắc gọi các quan điểm triết học của mình là chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa nhân đạo, nhưng đồng thời ông cũng thường tránh thuật ngữ chủ nghĩa duy vật, rõ ràng là bằng cách đó ông thể hiện sự không tán thành của mình đối với một số nguyên tắc của chủ nghĩa duy vật Anh và Pháp trước đây, đặc biệt là không tán thành tính trừu tượng, thuyết duy cảm, coi cảm tính là cơ sở và nguồn gốc duy nhất của tri thức. ở chỗ này Mác nói về các hình thái của triết học duy vật trước Phoi-ơ-bắc, tán thành việc không thoả mãn với các hình thái này, - điều vốn có của Phoi-ơ-bắc. Không phải chủ nghĩa duy vật cũ ấy, không phải chủ nghĩa duy tâm, mà là triết học Phoi-ơ-bắc - chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa nhân đạo - có khả năng khám phá bí mật của lịch sử toàn thế giới.
[12] Những luận điểm do Mác trình bày về con người như một thực thể tự nhiên trực tiếp và hoạt động chủ yếu dựa vào các nguyên tắc mà Phoi-ơ-bắc đã phát triển, đối lập với chủ nghĩa duy tâm tôn giáo và chủ nghĩa duy tâm triết học; coi con người là một thực thể đặc biệt, có ý thức của tự nhiên, xác định bản chất bằng tính chất của sự vật bên ngoài, tính chất sự vật tất yếu của bất kỳ một sinh vật nào, của bất kỳ bản chất nào để một sinh vật cảm tính tồn tại cần có những sự vật khác ngoài bản thân nó (không khí để thở, nước để uống, ánh sáng để nhìn, sản phẩm động vật và thực vật để ăn v.v.).
[13] Thuật ngữ "sự đau khổ" xuất phát từ Phoi-ơ-bắc, người, cũng giống như Mác, đã lý giải nó là một hình thái biểu hiện và phương thức tác động của môi trường xung quanh và thế giới bên ngoài đến con người. Phoi-ơ-bắc nói rằng chỉ có sinh vật nào chịu đau khổ, sống thiếu thốn mới là sinh vật cần thiết; sự tồn tại không có nhu cầu là sự tồn tại thừa; chỉ có cái gì biết đau đớn mới xứng đáng được tồn tại. Khác với Phoi-ơ-bắc, Mác sửa lại một cách căn bản và mở rộng nguyên tắc có tính chất kinh nghiệm "sự đau khổ", đưa vào đó cả thực tiễn xã hội, hoạt động khôn ngoan và hướng đích của con người nhằm nắm chắc và cải tạo thế giới bên ngoài.
[14] Mác, dựa vào Phoi-ơ-bắc và sử dụng thuật ngữ của Phoi-ơ-bắc, phê phán các luận điểm của Hê-ghen. Đặc biệt, Phoi-ơ-bắc viết trong "Đề cương sơ thảo về cải cách triết học" rằng ở Hê-ghen tư tưởng là tồn tại, là chủ thể, mà tồn tại đồng thời lại là vị thể, lô-gích là tư duy trong những hình thái đặc biệt đối với nó, ý nghĩa là chủ thể không có vị thể, hay ý nghĩa là chủ thể và cũng là vị thể của chính mình; Hê-ghen nắm bắt khách thể chỉ trong ý nghĩ thôi, coi đó là vị thể của ý nghĩ biết tư duy. Cách nói "sự quay vòng thuần tuý, liên tục trong bản thân mình" - đó có lẽ là phỏng theo cách nói của Hê-ghen "vòng tròn thu hút trong bản thân nó", "vòng tròn của những vòng tròn" trong tác phẩm của Hê-ghen "Lô-gích học".
[15] ở đây và tiếp theo Mác trích dẫn các trang của cuốn sách: G.W.F.Hegel. "Encyclopọdie der philosophischen Wissenschaften im Grundrisse". Dritte Ausgabe, Heidelberg, 1830 (G.V. Ph. Hê-ghen. "Bách khoa thư tóm tắt của khoa học triết học". Xuất bản lần thứ ba. Hây-đen-béc, 1830).
[16] Nghĩa là Hê-ghen đem hành vi trừu tượng hoá luẩn quẩn trong bản thân mình thay cho những sự trừu tượng đã cứng đờ ấy; nhờ đó ông có thể chỉ ra nguồn gốc của tất cả những khái niệm không thích đáng ấy, những khái niệm này xét theo nguồn gốc ban đầu của chúng thì thuộc về các nhà triết học cá biệt, ông có thể bao quát chúng trong một cái nhìn và tạo ra một sự trừu tượng cùng cực, bao trùm tất cả với tính cách là đối tượng của sự phê phán để thay cho một sự trừu tượng nhất định nào đó. (Sau này chúng ta sẽ thấy vì sao Hê-ghen tách tư duy khỏi chủ thể : nhưng cả giờ đây cũng đã rõ rằng nếu không có con người thì sự hiểu biết của bản chất con người cũng không thể có tính chất người và do đó cả tư duy cũng không thể được coi như là biểu hiện của bản chất con người, với tính cách là một chủ thể có tính chất người và tính chất tự nhiên, có mắt, có tai v.v. sống trong xã hội, trong thế giới và tự nhiên).
[17] Trích dẫn tr.393 cuốn sách của Hê-ghen (xem chú thích 79).
Ý KIẾN BẠN ĐỌC