Chủ nghĩa Marx

Tiền

[TIỀN]

KARL MARX (1818-1883)

 


KarL Marx. "Bản thảo kinh tế-triết học năm 1844", trong Toàn tập, tập 42. Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, 2000. | Phiên bản điện tử: http://www.cpv.org.vn


 

 

MỤC LỤC

  1. Lời tựa
  2. Tiền công
  3. Lợi nhuận tư bản
  4. Địa tô
  5. Lao động bị tha hóa
  6. Quan hệ sở hữu tư nhân
  7. Bản chất của chế độ tư hữu trong sự phản ánh của kinh tế chính trị học
  8. Chủ nghĩa cộng sản
  9. Nhu cầu, sản xuất và phân công lao động
  10. Tiền
  11. Phê phán phép biện chứng và triết học nói chung của Hegel

 

[XLI] Nếu cảm giác của con người, sự ham muốn của họ v.v. không chỉ là những quy định có tính chất nhân loại học theo nghĩa [hẹp], mà còn thực sự là những khẳng định có tính chất bản thể luận bản chất (tự nhiên) - và nếu chúng tự khẳng định chúng một cách hiện thực chỉ bằng cái sự thật là đối tượng của chúng tồn tại  thể cảm giác được đối với chúng, thì hoàn toàn dễ hiểu là: 1) phương thức khẳng định của chúng hoàn toàn không phải là một, hơn nữa, phương thức khẳng định khác nhau tạo thành đặc điểm của tồn tại của chúng, của đời sống của chúng; đối tượng tồn tại như thế nào đối với chúng, đó chính là sự độc đáo của mỗi sự hưởng thụ đặc thù; 2) ở chỗ nào mà sự khẳng định cảm tính là sự trực tiếp xoá bỏ đối tượng dưới hình thức độc lập của nó (ăn, uống, xử lý đối tượng v.v.), thì đó chính là sự khẳng định đối tượng; 3) chừng nào con người có tính người, và do đó cảm giác v.v. của con người cũng có tính người, thì chừng đó việc những người khác khẳng định một đối tượng cũng là sự hưởng thụ của bản thân nó; 4) chính chỉ nhờ có công nghiệp đã phát triển, nghĩa là thông qua chế độ tư hữu, thì bản chất bản thể luận của dục vọng của con người mới được thực hiện, cả trong toàn bộ tính toàn vẹn của nó, lẫn trong tính người của nó; vậy, bản thân khoa học về con người là sản phẩm của việc con người biểu hiện bản thân mình một cách thực tiễn; 5) ý nghĩa của chế độ tư hữu, nếu tách nó ra khỏi sự bị tha hoá của nó, là sự tồn tại của những đối tượng căn bản đối với con người, dưới dạng những đối tượng hưởng thụ cũng như dưới dạng những đối tượng hoạt động.

Vậy là tiền, với thuộc tính là có thể mua được tất cả, có thể chiếm hữu mọi vật, là vật với ý nghĩa tối cao. Tính phổ biến của thuộc tính ấy của tiền là sức mạnh vạn năng của bản chất của tiền; cho nên tiền được coi là vạn năng... Tiền là kẻ môi giới giữa nhu cầu và vật phẩm, giữa đời sống và tư liệu sinh hoạt của con người. Nhưng cái làm môi giới giữa tôi và đời sống của tôi, cũng làm môi giới giữa tôi và tồn tại của người khác đối với tôi. Đối với tôi, đó là người khác.

"Khiếp thay! Tay, chân, đầu

Và mông - là của anh, không nghi ngờ sao?

Nhưng quyền của tôi về cái tôi hưởng thụ

Lẽ nào ít hơn?

Nếu tôi mua sáu con ngựa can trường,

Sức của chúng chẳng phải của tôi sao?

Tôi phóng băng băng

Tựa hồ như tôi có hai tá chân".

                 Gơ-tơ, Phau-xtơ (lời của Mê-phi-xtô-phê-le-xơ)[1]

Sếch-xpia viết trong "Ti-môn thành A-ten":

"... Vàng? Vàng lấp lánh, đẹp, quý giá?

Không, trời ơi! Không, tôi cầu xin thật lòng...

ở đây vàng đủ để biến đen thành trắng,

Xấu thành đẹp, sai thành đúng,

                           thấp hèn thành cao quý,

                                     già thành trẻ,

                                              hèn nhát thành dũng cảm.

Vàng đó sẽ đuổi các đệ tử của các ngài khỏi bàn thờ;

Nó giật gối dưới đầu người ốm,

Tên tráo trở lấp lánh ấy trói buộc và phá bỏ lời thề,

Ban phúc cho bọn người đáng nguyền rủa,

Làm cho người ta phải phủ phục trước ung nhọt kinh niên

Kính nể, khen ngợi, ngưỡng mộ bọn cướp

Đặt chúng lên ghế thượng nghị sĩ;

Đem cho mụ goá đã hết thời

Những vị hôn phu;

Nạn nhân của ung nhọt thối tha

Bị bệnh viện đuổi đi ghê tởm

Được nó tô điểm, làm cho thơm tho

Như ngày tháng Năm

Thôi đi, kim loại đáng nguyền rủa,

Hầu non chung của cả loài người

Nguyên nhân hận thù và chiến tranh của các dân tộc...".

Và tiếp sau đó:

"Ôi, kẻ giết vua đáng yêu của ta!

Người là công cụ dễ mến gây bất hoà

Giữa cha và con! Người thanh thản xúc phạm

Chiếc giường trinh bạch nhất của vợ chồng

Thần Chiến tranh vô cùng dũng cảm;

Vị hôn phu luôn luôn trẻ, tươi tỉnh, được yêu,

Vẻ huy hoàng của anh xua tuyết trắng thiêng liêng

Khỏi đầu gối của thần Di-a-na; Anh, thần thánh hữu hình,

Anh xích những cái trái ngược nhau lại

Bảo chúng hôn nhau!

Anh nói cho mục đích của mọi người bằng mỗi thứ tiếng;

[XLII] Anh là hòn đá thử những quả tim,

Hãy hình dung, mọi người, nô lệ của anh, bỗng nổi loạn,

Và bằng khí lực của anh,

Hãy đưa bất hoà đẫm máu vào giữa họ

Để những con thú trở thành kẻ thống trị thế giới"[2].

Sếch-xpia miêu tả tuyệt vời bản chất của tiền. Để hiểu ông, chúng ta trước hết hãy bắt đầu giải thích đoạn thơ của Gơ-tơ.

Cái đang tồn tại đối với tôi nhờ có tiền, cái mà tôi có thể trả tiền, nghĩa là cái mà tiền có thể mua được, đó là bản thân tôi, người có tiền. Sức mạnh của tiền lớn bao nhiêu thì sức mạnh của tôi cũng lớn bấy nhiêu. Những thuộc tính của tiền là những thuộc tính và sức mạnh bản chất của tôi, người có tiền. Cho nên tôi là gì và tôi có thể làm gì, điều đó hoàn toàn không phải do cá tính của tôi quy định. Tôi xấu xí, nhưng tôi có thể mua cho tôi một người đàn bà tuyệt đẹp. Do đó tôi không phải xấu, vì tác dụng của sự xấu xí, sức mạnh đáng ghê tởm của nó, đã bị tiền làm tiêu tan. Xét về cá tính của tôi thì tôi là người thọt, nhưng tiền đã cung cấp cho tôi hai mươi bốn chân; do đó tôi không thọt. Tôi là người xấu, không thật thà, không có lương tâm, ngu ngốc, nhưng tiền được tôn thờ thì người có tiền cũng được tôn thờ; tiền là cái tốt cao nhất thì người có nó cũng tốt. Ngoài ra tiền còn tránh cho tôi khỏi phải trở thành kẻ không thật thà, cho nên người ta vẫn cho rằng tôi là người thật thà; tôi là người không có trí tuệ, nhưng tiền là trí tuệ hiện thực của mọi sự vật, - vậy thì làm thế nào mà kẻ có tiền lại không có trí tuệ được? Ngoài ra, anh ta còn có thể mua những con người tài trí, và kẻ nào có thế lực đối với những người có trí tuệ thì há lại không có tài trí hơn họ hay sao? Và tôi, nhờ có tiền, tôi có thể có được tất cả những cái mà trái tim con người khao khát, chẳng lẽ tôi không có tất cả những năng lực của con người hay sao? Vậy, tiền của tôi chẳng lẽ không biến mọi sự bất lực của tôi thành cái đối lập trực tiếp với nó hay sao?

Nếu tiền là sợi dây ràng buộc tôi với đời sống con người, với xã hội, với giới tự nhiên và với con người thì tiền chẳng lẽ không phải là sợi dây của mọi sợi dây hay sao? Nó chẳng lẽ không thắt nút và cởi nút mọi sợi dây hay sao? Vậy do đó, nó có phải là phương tiện phổ biến để chia rẽ hay không? Nó quả thật là "tiền lẻ" chia rẽ con người và là phương tiện liên hợp thật sự; nó là lực lượng hóa học [. . . . .][3] của xã hội.

Sếch-xpia đặc biệt nhấn mạnh hai thuộc tính của tiền:

1) Tiền là thần linh hữu hình, là sự chuyển hoá của tất cả những thuộc tính của con người và của giới tự nhiên thành cái đối lập với chúng, là sự lẫn lộn và sự xuyên tạc phổ biến các sự vật; nó thực hiện sự kết hợp mật thiết của những cái không thể kết hợp được.

2) Nó là nàng hầu toàn thiên hạ, là kẻ môi giới phổ biến của con người và của các dân tộc.

Sự xuyên tạc và sự lẫn lộn tất cả những thuộc tính của con người và của giới tự nhiên, sự kết hợp những cái không thể kết hợp được, - sức mạnh thần thánh ấy của tiền nằm trong bản chất của nó, với tính cách là bản chất có tính loài đã bị tha hoá, đang làm tha hoá, và tự tha hoá của con người. Nó là năng lực đã bị tha hoá của nhân loại.

Cái mà tôi không thể làm được với tính cách là con người, nghĩa là cái mà tất cả những lực lượng bản chất cá nhân của tôi không thể đảm bảo được thì tôi có thể làm được nhờ có tiền. Vậy là tiền biến mỗi lực lượng bản chất ấy thành cái mà lực lượng ấy tự nó vốn không phải là như vậy, nghĩa là thành cái đối lập với nó.

Khi tôi thèm muốn một món ăn nào đó, hoặc khi tôi muốn sử dụng xe thư vì tôi không đủ khoẻ để đi bộ thì tiền cung cấp cho tôi cả thức ăn lẫn xe thư, nghĩa là tiền cải biến nguyện vọng của tôi từ cái gì đó nằm trong trí tưởng tượng, từ tồn tại được nghĩ tới, được hình dung, được mong muốn của những nguyện vọng ấy thành tồn tại hữu hình, hiện thực của chúng; từ tưởng tượng thành cuộc sống, từ tồn tại được hình dung đến thành tồn tại hiện thực. Với vai trò làm môi giới ấy, tiền là một lực lượng sáng tạo đích thực.

Tất nhiên, cầu cũng tồn tại cả ở người không có tiền, nhưng cầu đó chỉ là cái nằm trong trí tưởng tượng, cái không có một tác dụng gì đối với tôi, đối với một người khác, đối với người khác nữa [XLIII], cái không có sự tồn tại và do đó đối với bản thân tôi, nó vẫn là một cái gì đó không hiện thực, không có đối tượng. Sự khác nhau giữa cầu hữu hiệu, dựa vào đồng tiền, và cầu vô hiệu, dựa vào nhu cầu của tôi, dục vọng của tôi, nguyện vọng của tôi v.v. là sự khác nhau giữa tồn tại và tư duy, giữa sự tưởng tượng chỉ tồn tại trong tôi và sự tưởng tượng tồn tại đối với tôi ở bên ngoài tôi, với tư cách là đối tượng hiện thực.

Nếu tôi không có tiền để đi du lịch thì tôi cũng không có nhu cầu, nghĩa là nhu cầu hiện thực và được chuyển thành hiện thực về du lịch. Nếu tôi có khiếu nghiên cứu khoa học, nhưng không có tiền để làm việc đó thì tôi cũng không có năng khiếu, nghĩa là không có khiếu hữu hiệu, thật sự để làm việc đó. Trái lại, nếu thực ra tôi hoàn toàn không có khiếu nghiên cứu khoa học, nhưng tôi có ý muốn và tiền, thì tôi có khiếu hữu hiệu để làm việc đó. Tiền - với tính cách là phương tiện phổ biến và năng lực phổ biến, bên ngoài, không nảy sinh ra từ con người với tính cách là con người và không nảy sinh ra từ xã hội con người với tính cách là xã hội, - với tính cách là phương tiện và năng lực biến sự tưởng tượng thành hiện thực, và biến hiện thực thành tưởng tượng đơn giản - một mặt, biến những lực lượng bản chất hiện thực và tự nhiên của con người thành những tưởng tượng thuần tuý trừu tượng và do đó thành sự không hoàn thiện, thành những ảo tưởng đau đớn, và mặt khác, cũng biến những sự không hoàn thiện hiện thực và những ảo tưởng hiện thực, những lực lượng bản chất thực sự bất lực, chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của cá nhân, thành những lực lượng bản chất và năng lực hiện thực. Do đó theo quy định ấy, tiền là sự xuyên tạc một cách phổ biến những cá tính mà tiền biến thành những cái đối lập với chúng, và đem lại cho chúng những thuộc tính mâu thuẫn với những thuộc tính hiện thực của chúng.

Sau đó, tiền biểu hiện với tính cách là lực lượng có tác dụng xuyên tạc ấy cả đối với cá nhân lẫn đối với những mối liên hệ xã hội và những mối liên hệ khác có tham vọng muốn đóng vai trò có ý nghĩa là những bản chất độc lập. Tiền biến trung thành phản, yêu thành ghét, ghét thành yêu, đức hạnh thành thói xấu, thói xấu thành đức hạnh, tớ thành chủ, chủ thành tớ, ngu thành khôn, khôn thành ngu.

Vì tiền, với tính cách là khái niệm đang tồn tại và đang biểu hiện của giá trị, làm lẫn lộn và trao đổi mọi sự vật, cho nên nó là sự lẫn lộn phổ biến và sự thay thế phổ biến mọi sự vật, nghĩa là thế giới lộn ngược, là sự lẫn lộn và sự thay thế tất cả những phẩm chất tự nhiên và có tính người.

Kẻ nào có thể mua được dũng khí thì kẻ đó cũng có dũng khí, mặc dù anh ta hèn nhát. Vì tiền không được đem đổi lấy một phẩm chất nhất định nào đó, lấy một vật nhất định nào đó, hoặc lấy những lực lượng bản chất nhất định của con người, mà được đem đổi lấy toàn bộ thế giới vật thể của con người và của giới tự nhiên, cho nên xét theo quan điểm của kẻ sở hữu nó thì nó đổi bất cứ thuộc tính nào và bất cứ vật thể nào lấy bất cứ thuộc tính hoặc vật thể nào khác, dù là mâu thuẫn với cái được đem trao đổi. Tiền thực hiện sự kết hợp những cái không thể kết hợp được; nó buộc những cái mâu thuẫn với nhau phải hôn nhau.

Nếu giờ đây anh giả định con người với tính cách là con người và quan hệ của con người với thế giới với tính cách là quan hệ có tính người, thì trong trường hợp như vậy anh chỉ có thể đổi tình yêu lấy tình yêu, tín nhiệm lấy tín nhiệm, v.v.. Nếu anh muốn hưởng thụ nghệ thuật, thì anh phải là người được giáo dục về nghệ thuật. Nếu anh muốn ảnh hưởng tới những người khác thì anh phải là người thực sự kích thích và thúc đẩy những người khác. Mối quan hệ của anh đối với con người và đối với giới tự nhiên phải là một biểu hiện của đời sống cá nhân hiện thực của anh, một biểu hiện xác định, đáp ứng đối tượng của ý muốn của anh. Nếu anh yêu mà không được yêu trở lại, nghĩa là nếu tình yêu của anh, với tính cách là tình yêu, không nhen lên được tình yêu đáp lại, nếu với tính cách là một người muốn yêu, mà bằng biểu hiện sinh hoạt của anh, anh không làm cho anh trở thành người được yêu thì tình yêu của anh là bất lực, và đó là một sự bất hạnh. [XLIII]

 

Do C.Mác viết vào tháng Tư - tháng Tám 1844

Công bố  toàn văn lần đầu trong Marx - Engels Gesamtausgabe. Erste Abteilung, Bd, 3, 1932

 

In theo bản viết tay

Nguyên văn là tiếng Đức

 

 

 


 

[1] I.V. Gơ-tơ. "Phau-xtơ, phần I, cảnh thứ tư.

[2] Sếch-xpia "Ti-môn thành A-ten", màn IV, cảnh thứ ba.

[3] ở chỗ này, bản thảo bị hư hại.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Cao Ngọc Quỳnh - 15:10 06/12/2017
đề nghị Tạp chí đăng tải toàn bộ bộ tư bản của Mác lên cho mọi người có tư liệu...
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt