DUY VẬT LỊCH SỬ
CHƯƠNG THỨ HAI QUY LUẬT TƯƠNG ỨNG TẤT YẾU GIỮA LỰC LƯỢNG SẢN XUẤT VÀ TƯƠNG QUAN SẢN XUẤT
Bài giảng của Giáo sư Trần Văn Giàu tại Trường Dự bị Đại học Việt Nam đầu năm 1954.
III. ĐẶC TÍNH THỨ HAI CỦA SỰ SẢN XUẤT: SỰ BIẾN CHUYỂN VÀ PHÁT TRIỂN CỦA SẢN XUẤT LUÔN LUÔN BẮT ĐẦU BẰNG SỰ BIẾN CHUYỂN VÀ PHÁT TRIỂN CỦA LỰC LƯỢNG SẢN XUẤT, TRƯỚC HẾT LÀ CỦA KHÍ CỤ SẢN XUẤT
Trong đặc tính thứ nhất của sự sản xuất chúng ta đã thấy rằng sự sản xuất luôn luôn phát triển thì trong đặc tính thứ nhì này, chúng ta sẽ nghiên cứu xem nó phát triển thế nào, tác động qua lại giữa hai mặt của sản xuất, giữa lực lượng sản xuất và tương quan sản xuất ra làm sao? 1. Lực lượng sản xuất là yếu tố linh động nhất của sự sản xuất Xem xét sự biến chuyển và phát triển của sự sản xuất qua các chế độ các phương thức thì bao giờ ta cũng thấy rằng lực lượng sản xuất chuyển biến phát triển trước rồi sau đó, tương quan sản xuất chuyển biến và phát triển theo. Nói rõ hơn trong bốn yếu tố của lực lượng sản xuất thì công cụ phát triển trước tiên rồi kế nó thì kinh nghiệm hay thói quen, số con người dùng công cụ tiến, phát theo. Cần biết rằng sụ phát triển của công cụ, kết quả của sự đấu tranh không ngừng giữa con người và thiên nhiên, sự phát triển đó xảy ra gần như ngoài ý thức chung của xã hội; đập, cọ đá để có lửa, tìm được kim khí để làm khí cụ tinh xảo hơn là khí cụ bằng đá và bằng gỗ và đến gần đây sự làm ra máy hơi nước, máy in, máy điện, sự phá vỡ hạt nhân nguyên tử. Mỗi lúc phát triển ra khí cụ mới như thế, con người nói chung là chỉ tưởng rằng với khí cụ mới ấy ta sản xuất được nhiều hơn, nhanh hơn, tốt hơn, ta tranh đấu được đắc lực hơn, thế thôi; con người đâu có dè ra rằng: “cách mạng hóa” khí cụ như thế, họ tạo ra điều kiện đầu tiên, điều kiện trọng yếu nhất của cuộc cách mạng trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị, tư tưởng. Người thượng cổ tìm được sắt, có dè đâu sắt, khí cụ bằng sắt đã đưa đến sự tan rả không thể tránh khỏi được nữa của nền Công xã nguyên thủy. Bọn tư bản ngày nay hợp lý hóa sản xuất, chế ra máy móc tinh xảo, nó làm như thế để bóc lột thêm nhiều, cạnh tranh thêm dài nữa, có dè đâu nó đào mồ cho nó. Hễ khí cụ biến đổi thì ngay con người dùng khí cụ đó cũng phải biến đổi với cả kinh nghiệm, thói quen của họ. VÍ dụ: máy hơi nước thay cho máy gỗ quay bằng tay thì anh thủ công hoá thành anh công nhân kỹ nghệ; anh công nhân kỹ nghệ có số kinh nghiệm làm lanh lẹ cho máy khỏi nghiến tay, làm từng loạt hàng hóa v.v. Nói tóm lại lực lượng sản xuất phát triển trước tương quan sản xuất, và trong lực lượng sản xuất thì khí cụ phát triển trước hết, khí cụ đổi mới thì cách sản xuất phải đổi mới, con người đổi mới, kinh nghiệm mới, thói quen mới. Marx nói về khí cụ lao động: “Sự ứng dụng và sự chế tạo khí cụ lao động mặc dầu có chớm nở trong vài loại thú vật là cái tính chất rất đặc biệt của sự lao động của con người. Cho nên ông Franklin định nghĩa con ngưòi là con thú làm khí cụ. Di tích khí cụ lao động cũ như với sự nghiên cứu hình thái kinh tế của các chế độ xã hội đã mất cũng quan trọng ngang hàng với xương xóc các con thú ngày xưa đối với những ai muốn biết các giống loài đã mất. Một thời đại kinh tế này khác với thời đại kinh tế nọ không phải tại các thời đại ấy sản xuất cái gì mà tại nó sản xuất bằng cách nào? Khí cụ lao động là cái thước đo sự phát triển của người lao động, nó trình bày cái tương quan xã hội trong đó người lao động làm việc.” 1 Thời nào lại không làm ra gạo mà ăn? Những người tự nhiên thì giọt từng nắm gạo, thời phong kiến thì xay giã bằng cối tay, thời tư bản thì chà bằng máy. Ta chú ý đến sự phát triển của khí cụ là vì thế, nó là yếu tố quyết định. Tương quan sản xuất biến chuyển tuỳ theo và tương ứng với sự biến chuyển của lực lượng sản xuất, chớ không phải là nó biến chuyển một cách tự do. Liên hệ giữa người luôn luôn tương tùy với liên hệ giữa người và thiên nhiên. Ví dụ khi đã chế tạo được máy hơi nước, một người thợ sản xuất được bằng hàng chục thợ thủ công, hàng mấy chục nông dân, thì hai giai cấp mới phát triển lên, tư bản và vô sản; khi đó tư bản giàu mạnh, không thể để quyền hành trong tay của địa chủ phong kiến mà đợi chờ chính quyền về tay nó để thống trị vô sản cởi cổ nhân dân. Mức phát triển của lực lượng sản xuất quyết định tính chất của tương quan sản xuất trong thời đó. Máy móc phát triển dành chỗ của thủ công thì sớm hay muộn giai cấp tư bản phải trổi lên lập chế độ tư bản của chúng nó; không thể không được; cũng như trước đó, lưởi cày sắt không thể không phá tan chế độ Cộng sản nguyên thủy, và cũng như ngày nay, đại công nghệ không thể không dắt đến xã hội chủ nghĩa; chỉ có vấn đề sớm muộn, trước sau mà thôi. 2. Vai trò của tương quan sản xuất đối với lực lượng sản xuất Tương quan sản xuất tuỳ thuộc lực lượng sản xuất phát triển trước tương quan sản xuất. Nhưng tương quan sản xuất vẫn đóng vai trò độc lập, nghĩa là có ảnh hưởng ngược lại, có tác động ngược lại đối với lực lượng sản xuất : tác động ngược lại đó (phản ứng) có thể là tiêu cực, nghĩa là ngăn trở sức phát triển của lực lượng sản xuất, hay có thể tích cực, nghĩa là đẩy mạnh sức phát triển của lực lượng sản xuất tới trước. Tỉ dụ như bọn tư bản độc quyền ngày nay làm chủ các nhà máy, nhà băng, hầm mỏ, sống trên lưng thợ thuyền, liên hiệp với địa chủ để cưỡi cổ hằng triệu nông dân không có đất hay có rất ít đất,... tương quan sản xuất ấy làm trở ngại cho sự phát triển của lực lượng sản xuất: bọn chủ giấu diếm nhiều phát kiến khoa học mới, không đem ra ứng dụng vì sợ phải bỏ những máy móc cũ, vì sợ đụng chạm đến quyền lợi của bọn chúa trùm tư bản nào đó. Bao nhiêu đề nghị của các nhà bác học để làm nhà máy điện mới ở Mỹ, ở Gibraltar, v.v. đều bị bọn độc quyền, bọn tham mưu chôn vùi dưới hàng trăm triệu giấy tờ, mặc dầu, nếu thực hiện các kế hoạch ấy, hàng triệu người sẽ có việc làm, hằng chục triệu mẫu đất khô được tưới nước, mà có tốn gì mấy đâu: ngăn eo bể Gibraltar để tưới sa mạc Sahara chỉ tốn 1/10 sự tổn phí trong chiến tranh. Tương quan sản xuất tư bản ngăn trở sức phát triển của lực lượng sản xuất. Tương quan sản xuất cũ là một trở ngại. Trái lại, tương quan sản xuất mới đóng vai trò tích cực. Tương quan sản xuất sớm hay muộn phải biến để tương ứng với với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Cách mạng nổi lên là khi nào phải đả phá tương quan cũ, trở ngại, để lập tương quan sản xuất mới, tương ứng. Không tương ứng giữa lực lượng sản xuất tiến phát và tương quan sản xuất đình trệ thì xảy ra các cuộc khủng hoảng; các cuộc khủng hoảng chứng minh sự bất tương ứng giữa lực lượng sản xuất với tương quan sản xuất; nó như dòi hỏi phải có cách mạng để lập sự tương ứng giữa lực lượng sản xuất và tương quan sản xuất; nó như đòi hỏi phải có cách mạng lập sự tương ứng trên một trình độ mới, với tính chất mới của liên hệ xã hội. Về tương quan sản xuất lạc hậu (quyền tư hữu tư bản, những thủ đoạn sản xuất) không tương ứng với lực lượng sản xuất tiến bộ (tính chất xã hội của quá trình sản xuất), cho nên chẳng những tương quan cũ ngăn trở lực lượng mới mà lại còn phá hoại nữa là khác: đóng cửa nhà máy, đốt nguyên liệu, đổ lương thực xuống biển, hàng trăm vạn người công nhân thất nghiệp. Sự bất tương xứng này chính là cơ sở kinh tế của cách mạng xã hội. “ Cần chú ý rằng tương quan sản xuất không thể nào đi quá trễ sau sự phát triển của lực lượng sản xuất, không thể nào mâu thuẫn mãi với sự phát triển ấy bởi vì lực lượng sản xuất chỉ có thể phát triển đầy đủ là khi nào tương quan sản xuất tương ứng với tính chất với tình trạng của lực lượng sản xuất và để cho lực lượng sản xuất phát triển tự do.” Cách mạng xã hội chủ nghĩa mang nhiệm vụ huỷ bỏ tương quan sản xuất cũ đặt tương quan mới thích ứng với trình độ mới của lực lượng sản xuất. Tương quan sản xuất mới khi đã được thành lập rồi thì nó đóng vai trò tích cực; như ơ Liên Xô, nó làm cho lực lượng sản xuất tăng tiến rất mau, như ở các nước tư bản cách đây một thế kỷ, như ở Việt Nam hiện giờ, sự chia đất cho nông dân (dù là chưa phải tất cả đất của địa chủ, sức tiêu thụ của nông dân tăng lên mở triển vọng tốt cho nông nghiệp, đã làm cho sự sản xuất tăng lên, bảo đảm cung cấp cho hằng chục vạn bộ đội, bảo đảm lương thực cho toàn dân ở trong những vùng mà trước kia trong thời bình, bọn đế quốc không làm sao có đủ lương thực tối thiểu cho quần chúng). Liên Xô phát triển kinh tế rất mau, với một tốc độ phi thường, các nước dân chủ nhân dân cũng thế, ở đây không có khủng hoảng: đó là tỉ dụ rõ rệt nhất của sự tưong ứng giữa lực lượng sản xuất và tương quan sản xuất cho nên trong quyển “Duy vật Biện chứng và Duy vật Lịch sử” Stalin viết: “Lực lượng sản xuất không những là yếu tố linh động nhất và cách mạng nhất của sự sản xuất. No cũng là yếu tố quyết định sự phát triển của sản xuất.” Và trong quyển “Những vấn đề kinh tế xã hội chỉ nghĩa ở Liên Xô”, Stalin viết: “ Sai lầm chính của đồng chí Ia-vo-chen-ko là anh ấy rời xa chủ nghĩa Mác về vấn đề vai trò của lực lượng sản xuất và tương quan sản xuất trong sự phát triển của xã hội, muốn tăng quá mức cái vai trò của lực lượng sản xuất và bớt quá mức vai trò của tương quan sản xuất, để đi đến chỗ tưởng lầm rằng dưới chế độ xã hội chủ nghĩa tương quan sản xuất là bộ phận của lực lượng sản xuất.” … Trước hết thật là sai lầm nếu tưởng rằng vai trò của tương quan sản xuất trong lịch sử của xã hội chỉ là hạn chế trong sự ngăn trở, làm liệt bại của lực lượng sản xuất. Khi những người Mác-xít nói rằng tương quan sản xuất đóng vai trở ngại, thì ý họ chỉ nói đến những tương quan sản xuất cũ, những tương quan nào không còn tương ứng với sự tiến triển của lực lượng sản xuất. Nhưng mà, ngoài những tương quan sản xuất cũ, ai cũng biết rằng có những tương quan sản xuất mới thay thế cho tương quan cũ. Người ta có thể nào bảo rằng vai trò của tương quan sản xuất mới dó là làm trở ngại sụ phát triển của lực lượng sản xuất chăng? Tức nhiên không. Noi cho đúng những tương quan sản xuất mới, ngược lại là lực lượng chính yếu và quyết định sự phát triển liên tục và mạnh mẽ của lực lượng sản xuất; và nếu thiếu tương quan sản xuất mới ấy thì lực lượng sản xuất phải bị suy tàn đi như trường hợp ngày nay trong các nước tư bản. Cái mới ngày nay có thể trở thành cái cũ ngày mai, tương quan sản xuất mới không thể đời đời mới mãi, nó đi chậm đi trễ hơn, nó không linh động bằng lực lượng sản xuất, đến một lúc nào đó, nó già cỗi đi, nó mất dần cái vai trò động lực đẩy lực lượng sản xuất tới trưóc, lúc đó tương quan sản xuất mới xuất hiện. Nó xuất hiện với cách mạng, với đột biến, với bạo động của nhân dân (1789, 1917) nếu xã hội bị một giai cấp bóc lột nào thống trị. Nó xuất hiện một cách có ý thức, êm ái, từ từ như một cuộc cách mạng hòa bình từ bên trên xuống (êm ái, hòa bình đây có nghĩa là không có bạo động cướp chính quyền chớ không phải là không có đấu tranh.) Lấy tỉ dụ Cách mạng Tháng Mười chia ruộng đất của địa chủ cho nông dân lao động, tương quan sản xuất mới xuất hiện ở thôn quê, nông dân có đất sống sung túc; sức mua của họ tăng lên, ruộng đất sản xuất cao hơn, nhất là công nghệ phát triển vô cùng mạnh mẽ nhờ kế hoạch hóa nhờ thị trường nông thôn rộng rãi gấp mấy lần hồi trước 1917. Nhưng đến 1929-30 công nghệ phát triển khá mạnh rồi, nếu nông thôn mà cứ giữ tương quan sản xuất tiểu chủ cũ thì công nghệ bị hạn chế, sản xuất nông nghiệp cũng bị hạn chế. Sự chia đất sau Cách mạng Tháng 10 tạo ra một tương quan sản xuất mới ở thôn quê. Tương quan đó đến năm 1930 thì trở thành cũ và bắt đầu trở ngại, do cái trở ngại bắt đầu đó nhà nước Xô Viết chủ trương lập một thứ tương quan sản xuất mới ở nông thôn: công cộng hóa nông nghiệp. Nông dân tiểu chủ dùng cày tay, hái tay, cày vài ba mẫu, trở thành hội viên của công cộng nông trường dùng máy cày to, máy gặt lớn, trồng tỉa hàng chục vạn mẫu, với kỹ thuật tối tân, mỗi mẫu đất tăng năng suất nông dân xã hội chủ nghĩa càng giàu thôn quê càng thừa thãi lúa mì, rau thịt nguyên liệu cho công nghệ và tiêu thụ gấp bội, công nghệ thương mại phát triển không giới hạn. Trong tương lai trên đường đi đến Cộng Sản, chắc hẳn có lúc tương quan sản xuất hiện giờ sẽ có lúc cũ đi, rồi phải biết trước, phải ghi những mâu thuẩn để kịp thời giải quyết để tạo ra tương quan sản xuất mới tương ứng với trình độ phát triển mới của lực lượng sản xuất. Người mới ở xã hội mới chỉ huy được sự phát triển của xã hội tùy theo quy luật phát triển khách quan và tất yếu của nó đặc biệt là tùy luật tương ứng giữa lực lượng sản xuất và tương quan sản xuất. 3. Phác họa quá trình phát triển của tương quan sản xuất suốt lịch sử nhân loại. Biết tình hình của lực lượng sản xuất là biết vậy chớ con ngươi dùng khí cụ nào để sản xuất ra vật dụng. Biết tình hình của tương quan sản xuất căn bản là biết vậy chớ những thủ đoạn sản xuất (máy móc, vốn, nguyên liệu, đất rừng, xe cộ, mỏ...) của tư hay của một nhóm, một giai cấp hay của chung cả xã hội. Phác họa quá trình phát triển của lịch sử a. Từ khí cụ thô sơ bằng đá(đá nhọn, đá bén để giết thú) đến cung nỏ, do đó mà đi từ săn bắn đến chăn nuôi (trước thì chỉ giết chết thú rừng, sau bắt đem về nuôi) b.Từ khí cụ bằng đá đến khí cụ bằng kim khí (búa sắt, lưỡi cày sắt) do đó mà chuyển từ chăn nuôi lên tới trồng tỉa, làm ruộng rẩy. c. Khí cụ bằng sắt được cải tiến lên: lò rèn, lò gốm xuất hiện; do đó bắt đầu có thủ công; thủ công phân biệt với nông nghiệp; thủ công tiến bộ thành thủ công xưởng. d. Khí cụ thủ công chuyển thành máy móc; thủ công xưởng tiến lên công nghệ cơ giới hóa. Kế dó thì chuyển qua những hệ thống máy móc tinh xảo tương tùy với nhau nên đại công nghệ cơ giới hóa tân thời xuất hiện. Đại để có năm bước. Đó là những bước tiến bộ căn bản của lực lượng sản xuất xưa nay. Khí cụ biến đổi thì con người dùng nó cũng biến đổi và phát triển mọi mặt nhất là mặt dùng khí cụ càng ngày càng tinh xảo hơn nghĩa là càng ngày càng lấn bước đối với thiên nhiên. Tương ứng với sự phát triển ấy thì có sự phát triển của tương quan kinh tế tương quan sản xuất giữa con người với con người, những tương quan này theo lời của Marx là nhất định, tất yếu và độc lập đối với ý muốn của con người. Nhất định nghĩa là trình độ lực lượng sản xuất nào có tính chất tương quan sản xuất ấy; tất yếu nghĩa là phải có không có không được, vô luận là ở góc trời nào; độc lập nghĩa là khách quan không tùy ý ta, ta không muốn nó cũng cứ xảy ra. Lịch sử trải qua năm loại tương quan sản xuất căn bản: công xã nguyên thủy, chế dộ nô lệ, chế độ phong kiến, chế dộ tư bản và chế dộ xã hội chủ nghĩa.” Stalin ““Duy vật Biện chứng và Duy vật Lịch sử” Stalin nhấn mạnh ở chữ căn bản nghĩa là còn có những loại tương quan sản xuất phụ thuộc khác giao thời. Câu của Stalin giải quyết vấn đề mà ta thường tự hỏi “phương thức sản xuất Á châu có phải là phương thức sản xuất căn bản không hay nó là phương thức phụ thuộc một hình thái đặc điểm ở Á châu của một phương thức căn bản nào.” Câu của Stalin giải đáp thắc mắc của chúng ta đối với câu của Marx trong đó có Marx có kể năm phương thức sản xuất gồm phương thức sản xuất Á châu mà tất nhiên là lúc ấy chưa có phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa. * Dưới Công xã nguyên thủy, nền tảng của tương quan sản xuất là các khí cụ sản xuất đất rừng, cung nỏ, chưa đủ sức giúp cho con người nguyên thủy riêng rẻ tranh đấu chống thiên nhiên với thú rừng; người nguyên thủy vì thiếu thốn phải để chung khí cụ làm việc chung cùng nhau tranh đấu để chung số quả hái được số thịt giết được số cá bắt được, phải hiệp sức làm chung cái hang cái chòi để ở; nếu không như thế thì chết đói, thì thú rừng ăn thịt đi, thì các bộ lạc chung quanh đánh tan đi . Cộng sản vì thiếu không có tư hữu tài sản trừ võ khí thô sơ không có người bóc lột người tất nhiên là không có chánh phủ pháp luật. * Kế đó là chế độ nô lệ, cơ sở của tương quan sản xuất là khí cụ và người nô lệ là của riêng của chủ nô. Tương quan sản xuất này tương ứng với trình độ của khí cụ: khí cụ bằng kim khí, có chăn nuôi, làm ruộng nương thổ công; có nhiều ngành sản xuất, có thể trao đổi sản vật từ nhóm này qua nhóm kia vùng này qua vùng nọ; có thể làm giàu to tích tụ của cải vào tay của một thiểu số người. Đối với nô lệ thì lao động cưỡng bách người chủ nô mua hay bán người nô lệ như mua bán bất cứ thú vật công cụ nào giết chết cũng được như giết gà giết lợn. Còn chủ nợ ở không làm giàu chồng chất của riêng lên. Giai cấp đấu tranh kịch liệt nổi lên giữa nô lệ và chủ nô giữa người giàu người nghèo, giữa người có quyền ngưòi không quyền. * Kế đó là chế độ phong kiến ở đây cơ sở của tương quan sản xuất là: địa chủ phong kiến chiếm hết ruộng đất và nông cụ, nông nô hay nông dân, hay người thủ công có một ít thủ đoạn sản xuất; ngưòi chủ đất không giết chóc được nông nô mà mua bán được, vì nông nô dính liền với đất; chủ điền bóc lột tá điền bằng các loại tô tức. Tương quan sản xuất ấy tương ứng với tình hình lực lượng sản xuất sau đây: tiến bộ trong nghề nấu gang làm sắt, thông bọng chiếc cày có lưỡi sắt và khung cửi bằng gỗ, nông nghiệp tiến bộ lên, làm ruộng làm vườn khá lên, làm rượu, làm dầu, làm thủ công tinh xảo hơn và kế bên đó có những thủ công xưởng. Tranh đấu giữa phong kiến và nông nô là một đặc sắc của thời kỳ phong kiến. * Đến chế độ tư bản ở đây cơ sở của tương quan sản xuất mới là: nhà tư bản làm chủ công xưởng, vốn nguyên liệu, phương tiện vận tải; người lao động thì không có thủ đoạn sản xuất phải từ đó bán công nuôi miệng; kế bên tài sản tư bản đó thì tài sản của nông dân, thủ công, tiểu thương, các hạng này bị phá sản lần lần; có đất của địa chủ, đất này lần lần biến thành đồn điền sản xuất với kỷ nghệ công nghiệp cao, với máy móc khá. Hồi thời phong kiến, lực lượng sản xuất tiến đến một mực mà ông chủ muốn dân cày có ít nhiều sáng kiến, lợi riêng trong việc làm, cho nên nô lệ không lợi bằng nông dân có một ít tài sản riêng; thì đến thời tư bản, lực lượng sản xuất tiến đến một mực mà ông chủ cần người lao động có ít nhiều học thức, khôn ngoan để dùng nổ cái máy, cần ngưòi ‘tự do’, tự do đối với tài sản (nghĩa là không có công cụ gì), tự do đối với địa chủ, để ‘tự do’ bán sức lao động khi nhà tư bản cần nhân công. Tư bản sản xuất rất nhiều; cạnh tranh nhau rất mạnh; tiêu thụ phá sản; nhân dân bị bóc lột mất bớt sức tiêu thụ; hàng bán không chạy; khủng hoảng kinh tế: khủng hoảng thừa; nhà máy đóng cửa, nhà băng đổ, thợ thuyền thất nghiệp, một phần lực lượng sản xuất bị phá hủy bởi vì tương quan sản xuất tư bản, tư hữu không còn thích ứng với tinh chất xã hội của sự sản xuất nữa. Bởi vậy cho nên có đấu tranh quyết liệt giữa tư bản và công nhân; bởi vậy cho nên cần cách mạng vô sản để mau thay thế tài sản tư bản chủ nghĩa bằng tài sản xã hội chủ nghĩa. * Đến nay thì chế độ xã hội chủ nghĩa đương được thực hiện ở Liên Xô và nhiều nuớc dân chủ nhân dân. Ở đây cơ sở của tương quan sản xuất là: tư liệu sản xuất về tay nhà nước (của công). Không còn người bóc lột người, người bị bóc lột nữa; mỗi người làm việc tùy sức, mỗi người lĩnh tùy công, thầy thợ, công nông đều cộng tác bình đẳng. Bởi vậy cho nên ở các xứ xã hội chủ nghĩa và dân chủ không có kinh tế khủng hoảng, không có đóng cửa nhà máy mà ngược lại nhà máy được dựng thêm vô số; không có thất nghiệp mà số công nhân tăng tiến; đời sống được nâng lên cao ngó thấy từ năm nay qua năm khác; kỹ thuật tiến bộ phi thường, việc làm càng ngày càng bớt nhọc và thêm năng suất. Đó là lịch sử tóm tắt của sự phát triển của tương quan sản xuất từ trước đến giờ suốt lịch sử của nhân loại. Ta thấy nó bị lực lượng sản xuất quyết định: ta thấy nó phản ứng lại với sự phát triển của lực lượng sản xuất; ta thấy rằng khi hai bên mâu thuẩn nhau thì sớm hay chầy tương quan sản xuất phải thay đổi tính chất để thích ứng với lực lượng sản xuất mới để cho toàn bộ sự sản xuất được phát triển luôn luôn. Lịch sử của lực lượng sản xuất và tương quan sản xuất là nền tảng của lịch sử loài người. Đó là cái chìa khóa để hiểu nhân loại tiến hóa sử. Chìa khoá ấy cũng là vũ khí đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC