Chủ nghĩa Marx

Lược sử tiến hóa của lực lượng sản xuất và tương quan sản xuất ở Việt Nam

DUY VẬT LỊCH SỬ

 

CHƯƠNG THỨ HAI

QUY LUẬT TƯƠNG ỨNG TẤT YẾU GIỮA

LỰC LƯỢNG SẢN XUẤT VÀ TƯƠNG QUAN SẢN XUẤT

1 2 3 4 5

 


Bài giảng của Giáo sư Trần Văn Giàu tại Trường Dự bị Đại học Việt Nam đầu năm 1954.


 

V – LƯỢC SỬ TIẾN HÓA CỦA LỰC LƯỢNG SẢN XUẤT VÀ

TƯƠNG QUAN SẢN XUẤT Ở VIỆT NAM

 

1. Chế độ Cộng sản ở Việt Nam

  Căn cứ vào những di tích công cụ sản xuất, xương xóc con người mà các nhà khảo cổ đã tìm được ở Bình Ca, Mai Pha, Ba Xã, Bản Hậu, Chợ Gành, Đa Bút, Cầu Giác, cù lao Rùa thì trước khi người Lạc Việt đến ở miền bắc Việt Nam, trong lưu vực Hồng Hà, sông Mã thì trên đất Việt Nam đã có một chủng tộc Anh-đô-nê-diêng ở rồi; trình độ phát triển của họ đã đến mực đồ đá trau, có lộn chút ít đồ đồng. Người Anh-đô-nê-diêng này ở khắp các nơi chứ không phải chỉ riêng trừ Hoành Sơn trở ra như người Lạc Việt, thường thường nhất là họ ở vùng núi và chân núi. Ta tìm thấy dấu tích của họ khắp Việt-Miên-Lào; cù lao Rùa ở Nam Bộ, Cam Môn ở Lào, Sam rong Sen ở Cao Miên, Quảng BÌnh ở Trung Bo, Bình Ca ở Bắc Bộ v.v. nhiều nơi lắm, song rải rác. Người ta chưa được rõ rằng người Anh-đô-nê-diêng đến đất này tự bao giờ, chỉ biết rằng họ là một nhóm người của chủng tộc Tang Diên.

Căn cứ vào tình hình của công cụ thì ta đoán chắc rằng người thời ấy không còn ở hang đá nữa mà đã biết cất nhà, xúm nhau ở từng làng xung quanh có hàng rào tre nứa bảo vệ; nhà là nhà cao chân (nhà sàn). Người ta đã biết chăn nuôi, làm nương thì đẵn cây nhỏ, đốt rừng rồi xoi lỗ, gieo giống; săn  bắn; thịt rừng, măng, rau cỏ trong rừng thì không thiếu. Gần như chưa biết cày, nhưng đã biết làm cối giả lúa gạo; công cụ, búa, dao, thương, the, kim may làm bằng đá silex, xương xóc, sừng ngà của thú, lại đã biết dệt vải bằng đay để che thân, đan lưới bắt cá, làm nồi niêu để đựng nước nấu ăn.

Công cụ ít ỏi, kém cỏi, đất cát lại mênh mông mà con người còn ít, đất cát cũng như công cụ, trừ vũ khí tùy thân, là của chung; cho đến kết quả của sự săn bắn, trồng trọt, chài lưới cũng đều là của chung, ngay nhà cửa cũng không phải là riêng cho một vài người nào. Xã hội ấy chưa có ai giàu có hơn ai, chưa có ai bóc lột ai. Các bộ lạc hoặc hợp tác nhau trao đổi sản phẩm hoặc đấu tranh nhau để giành chỗ sinh nhai, hoặc để trả thù khi một người trong bộ tộc bị người của bộ tộc khác giết. Người chỉ đạo bộ tộc được toàn dân bầu cử, chẳng có đặc quyền gì, người ta chỉ lựa trong số những ai mạnh khỏe nhất, thao lược nhất, kinh nghiệm nhất, địa vị ấy chưa có tính chất cha truyền con nối.

Trong lúc các bộ lạc Anh-đô-nê-diêng còn ở trong thời kỳ đá trau thì ở vùng Chiết Giang, Phúc Kiến (Trung Quốc), đến thế kỷ thứ 4 trước J.C. thì có các bộ tộc Việt đã tiến đến trình độ đồ đồng khá thịnh vượng. Một trong những bộ tộc Việt, người Lạc Việt, trước sự tan rã của nước Việt vì nước Sở xâm chiếm, trước sự triển khai của dân tộc Hán, phải di cư xuống vùng Vịnh Bắc Bộ, trong lưu vực Hồng Hà, sông Mã mà họ đã lui tới nhiều lần và biết rõ là phì nhiêu.

Người Việt cũng là một ngành của chủng tộc Tang Diên.

Người Lạc Việt xuống ở xứ ta từ thế kỷ 4 trước J.C. đem tới đấy một nền văn minh đồ đồng lấn người Anh-đô-nê-diêng, đẩy lùi họ lên núi, xuống miền nam, hay đồng hóa họ một phần.

Người Anh-đô-nê-diêng thì ở khắp các nơi ở Việt, Miên, Lào, còn người Lạc Việt thì chỉ ở từ Hoành Sơn trở ra mà thôi. Văn minh tiêu biểu của người Lạc Việt còn để di tích trong các cuộc phát quật ở dọc theo sông Đáy ở Kiến An, nhất là ở Đông Sơn (Thanh Hóa), tiêu biểu nhất là thuyền đồng và trống đồng. Văn minh này là văn minh Lạc Việt ở thế kỷ thứ 4, 3 trước J.C. (không phải sau kỷ nguyên); không phải là văn minh của người Anh-đô-nê-diêng trước khi có bộ tộc Lạc Việt đến; cũng không phải là một văn minh chịu ảnh hưởng trực tiếp của văn minh Hán tộc lúc ấy, mà là một bộ phận của văn minh Ngô-Việt chịu ảnh hưởng của văn minh sông Hoài).

Văn minh đồ đồng của người Lạc Việt, khi thành lập nước Au Lạc thì có chịu ảnh hưởng ít nhiều của văn minh người Thục từ Tây Nam Trung Quốc đến; kỹ thuật đồ đồng của người Lạc Việt có nhiều ảnh hương đến các xứ láng giềng, cả đến Nam Dương Quần đảo. Quân nhà Tần không vào sâu trong nội địa xứ ta mà đã bị đánh lui rồi nên không kịp đem văn minh tới không ảnh hưởng gì mấy đến cuộc thế.

Văn minh đồ đồng nay kéo dài đến thời Hán thuộc (111 trước J.C.), đến khi Mã Viện xâm chiếm xứ ta, đến lúc Nhâm Diên, Tích Quang cai trị thì mới chấm dứt; bởi vì hồi xứ ta nội thuộc nhà Triệu thì tình hình sinh hoạt kinh tế và xã hội không có sự thay đổi căn bản, chính sách nhà Triệu rất thả lỏng; ngay trước khi Nhâm Diên, Tích Quang đến thực hiện một chính sách đồng hóa ráo riết, thì nhà Hán hãy còn theo dấu nhà Triệu mà cai trị một cách lỏng lẻo, không phá hoại cơ sở tổ chức và xã hội bộ tộc ở xứ ta.

Vậy từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 1 trước J.C. tình hình sinh hoạt vật chất và tổ chức xã hội ở xứ người Lạc Việt như thế nào?

- Sinh hoạt vật chất: Lúc còn ở vùng Chiết Giang, Phúc Kiến, người Lạc Việt thường sống về nghề đánh cá; đến khi đến lưu vực sông Hồng, sông Mã thì theo nghề cày cấy, chăn nuôi; những lưỡi cuốc, lưỡi cày, dao rìu, búa bằng đồng, chứng tỏ điều ấy; họ cày cấy, họ lợi dụng mưa và thủy triều để làm ruộng khác với người Anh-đô-nê-diêng trước phát rẫy, gieo hạt. Người Lạc Việt cày cấy lúa là chủ yếu nhưng hãy còn chưa biết cày bừa, bằng trâu bò, và cứ vào những cung tên, qua, v.v. ... thì chắc là nghề săn bắn cũng không phải là nghề không quan trọng. Chăn nuôi thì có gà, chó, lợn, trâu, bò, dê, chưa có ngựa, chưa có đồ sắt; theo sử liệu Trung Quốc thì người Lạc Việt ở Giao Chỉ, Cửu Chân, phải đợi đến thời Tích Quang và Nhâm Diên thì mới biết dùng đồ sắt. Thời An Dương Vương và sau đó ít lâu, là thời của đồ đồng ở đất người Lạc Việt được thịnh đạt nhất.

Cứ vào những trống đồng, những khí cụ, vũ khí, đồ gốm đào được ở Đông Sơn, thì thấy rằng thủ công đã nảy nở và đã tiến bộ đến một bực khá, đã có tay thợ chuyên môn rồi mới có đúc và chạm một cách tinh xảo như thế. Nghề dệt cũng đã có; sử Trung Quốc có chép rằng người Lạc Việt quần vải tròng ngan dâu làm áo.

Người Lạc Việt chẳng những có sự trao đổi phẩm vật ở trong xứ mà còn có trao đổi phẩm vật với các xứ láng giềng.

Sinh hoạt xã hội: Đến trình độ phát triển này của công cụ sản xuất thì tuy chưa phải có giai cấp nhưng đã có kẻ giàu người nghèo rồi. Do phần đất cát cày cấy được hãy còn là của chung; song đã có lạc điền mà lạc dân cày cấy và đóng góp cho các lạc hầu, lạc tướng, lạc vương; vương, hầu, tướng này chẳng qua là những vị tù trưởng, lãnh tụ bộ tộc, thị tộc. Những chức này không còn là những chức mà toàn dân bầu cử ra như trước nữa, mà đã thành truyền tử lưu tôn, sau một thời kỳ mà chỉ có những người giàu có nhất, uy quyền nhất được lựa chọn. Cứ vào những đồ minh khí, những trống đồng thì biết rằng việc tế lễ thịnh hành và xã hội Lạc Việt đã có một số thầy mo có uy quyền. Xã hội Lạc Việt lúc bấy giờ chắc chả cao hơn xã hội đồng bào Moi Ra-Đê ngày nay là mấy. Lúc bấy giờ, gọi là có Lạc Vương 18 đời, có An Dương Vương, có nước Văn Lang, Au Lạc, kỳ thực, đó chưa phải là quốc gia mà mới là bộ tộc hay liên hiệp bộ tộc mà thôi, bước tiến trên con đường thành lập một quốc gia (chế độ bộ tộc đã qua tới thời kỳ phụ hệ).

2. Việt Nam không có tri qua chế độ nô lệ thành hệ thống chủ yếu

Ta không nên vì những lạc vương, lạc hầu, lạc tướng mà kết luận vội rằng xã hội Lạc Việt đã là một xã hội phong kiến. Không có xã hội phong kiến nào dựng trên cơ sở khí cụ đồ đồng cả, cũng tựa như, nếu thấy một cái xương suông dài một tấc thì không thể nói rằng đó là di tích hài cốt của một con trâu. Vậy lạc vương chỉ có thể là ông vua Mọi ở vùng Đê trước đây không bao lâu, lạc hầu, lạc tướng, bộ hạ gần gủi vua ấy không phải là bước quan trọng một triều đình đồ sộ gì đâu; những hầu tướng ấy, trong lúc giai cấp bắt đầu phân hóa, chỉ là những tay giỏi văn giỏi võ gì đó mà giàu có hơn người thường xử các vụ kiện cáo, hay cầm quân đi đánh; rồi về nhà vẫn làm lụng. Đến ngày nay hãy còn có những ông “vua” của một số bộ tộc mà đặc quyền chỉ là ngồi trên cái ghế ba chân trong các cuộc họp bộ tộc và chỉ là khỏi phải đi chăn các đàn súc vật của bộ tộc.

Nhưng có thể nào nói rằng thời ký ấy, nhất là thời kỳ An Dương Vương xứ ta đã vào chế độ nô lệ rồi chăng? Cũng không nữa. Không thể nghe nói có chiếc thành Cổ Loa rồi từ đó mà suy diễn bừa rằng có chế độ nô lệ mới làm được thành ấy. Bởi vì điều thứ nhất, thành ấy không có gì là to cả. Thứ nhì là, nếu có nô lệ mới làm được việc kiến trúc to, thì Trung Quốc ở thời Tần Thủy Hoàng đế với sự xây Vạn lý Trường thành, là thuộc chế độ nô lệ chăng? Không phải thế, An Thương thuộc chế độ nô lệ mà có cần gì phải có kim tự tháp đâu? Vả cái di tích tầm thường của cái gọi là Cổ Loa ngày nay đã vị tất đã là đô thành của An Dương Vương hay là cái thành khác của người Hán đã xây sau đó.

Lẽ tất nhiên là cuối những thời kỳ xã hội bộ tộc lúc xã hội bộ tộc bắt đầu tan rả mà chưa đến chế độ xã hội nô lệ thì cũng đã có người nô lệ xuất hiện rồi, song lượng chưa đủ để biến thành chất.  Đó là tình trạng của xã hội Lạc Việt đến thời An Dương Vương. Cũng là dễ hiểu rằng không nhất thiết phải đến có khí cụ bằng sắt mới có chế độ chiếm hũu nô lệ Ai Cập Lưỡng Hà và Trung Quốc đã đi vào xã hội chiếm hữu nô lệ trong lúc khí cụ hãy còn là khí cụ đồ đồng; đồng già vẫn cách hơn sắt non. Hiện nay ở vùng đồng bào mọi có người đầy tớ nô tỳ ơ nhà các Cà Rá gần như nô lệ; điều ấy không đủ để nói rằng ở cao nguyên có chế độ nô lệ được.

Mãi dến lúc Thục Phán cầm đầu các bộ tộc cả vùng này chống lại quân Tầu, chiến thắng quân Tầu, lập thành nước Au Lạc vẫn là một liên hiệp bộ tộc chưa phải là quốc gia nô lệ chế, cũng tựa như dù tiến hơn dưới các thời Lac vương, tức là các tù trưởng Lạc Việt. Roi trong lúc xứ ta nội thuộc nhà Triệu rồi nhà Hán thi chế độ thị tộc lại càng tan rả mau hơn nữa, bước qua chế độ phong kiến, không trãi qua chế độ chiếm hữu nô lệ thành hệ thống kinh tế chủ yếu. Trên thế giới có nhiều dân tộc bước ngang trên chế độ chiếm hữu nô lệ, bước qua chế độ phong kiến không trải qua chế độ chiếm hữu nô lệ thành hệ thống kinh tế chủ yếu. Trên thế giới, có nhiều dân tộc bước mau trên chế độ chiếm hữu nô lệ, đi tắt từ thị tộc sang phong kiến. Ví dụ như dân tộc Slaves, dân tộc Nga; mặc dầu hồi ấy, Byzance thịnh đạt, người Slaves đánh nhau, bắt nô lệ, bán nô lệ cho Byzance khá nhiều, các dân tộc Slaves không trải qua chế độ chiếm hữu nô lệ, bởi vì trước chế độ thị tộc Slaves tan rã thì trên lịch sử Tây Phương và Cận Đông, chế độ nô lệ đã qua rồi.

Ơ Đông Phương đây, ở Việt Nam đây cũng thế.

Bên ta là thời kỳ An Dương Vương thì bên Trung Quốc đã từ lâu vượt khỏi chiếm hữu nô lệ và cả phong kiến phân quyền nữa.

Nói chung thì toàn nhân loại phải trải qua các giai đoạn lịch sử; riêng từng xứ, từng dân tộc thì không nhất thiết. Dưới mắt ta, có xứ đi thẳng từ phong kiến sang xã hội chủ nghĩa, không qua tư bản chủ nghĩa và sẽ có nhiều xứ đi thẳng từ chế độ bộ tộc qua xã hội chủ nghĩa, không qua nô lệ, phong kiến và tư bản.

3. Chế độ phong kiến ở Việt Nam

Hán thuộc,  nhất là từ thời Nhâm Diên, Tích Quang trở đi thì chế độ phong kiến sinh nở ở xứ ta. Mot giai cấp địa chủ mọc lên; bắt đầu với những quan lại tướng tá lớn nhỏ của nhà Hán gởi đến cai trị, và với những phần tử tù trưởng, quyền quý của người Lạc Việt. Lần lần số nhiều ruộng đất tập trung vào tay của một số ít địa chủ. Nông dân là  số đông mà chiếm số ít đất ruộng. Xã hội chia làm hai giai cấp lớn quan trọng nhất: địa chủ phong kiến và nông dân.

Lưỡi cày sắt đã được du nhập rồi được sản xúât ở tại chỗ; cày cấy bằng trâu bò, làm ruộng hai mùa, các nghề thủ công cũng tuần tự mà thịnh đạt, giao thông càng tăng rãi từ Lý đến Trần, Hồ nhưng chưa có những thành thị quan trọng lắm.

Tư thế kỷ này qua thế kỷ nọ, giai cấp địa chủ ấy càng thêm mạnh: đến một lúc thì họ lãnh đạo nhân dân đánh đổ ách đô hộ của phong kiến Trung Quốc mà lập thành quốc gia dân tộc phong kiến từ nhà Ngô. 

Chế độ nô tỳ thời Lý Trần không phải là chế độ nô lệ; những điền trang thái ấp của nhà vương giả, nhà chùa tiêu biểu cho một chế độ tương tự như chế độ nông nô; chế độ ấy dần dần tan rã với cuối thời Trần, trong thời nhà Hồ, mà luật hạn điền hạn nô là biểu chứng, cho đến đời nhà Hậu Lê thì có thể nói là tan rã hết; thực ra nông dân đã chiếm lại đất, nhất là trong suốt thời kỳ kháng chiến chống quân Minh, việc quân điền ở đời Hậu Lê là thừa nhận một sự thật đã dĩ nhiên đi rồi.

Thời nhà Minh bên Trung Quốc đã chớm nở những yếu tố tiền tư bản chủ nghĩa thì bên này ở thời Trần, Hồ, thương mãi cũng có tiến bộ nhiều. Quân Minh tàn phá, sự tích lũy mới chỉ bắt đầu đã bị huỷ hoại đi. Tuy nhiên từ Hậu Lê cho đến Tây Sơn, thì sự phát triển của thương mãi thủ công vẫn tiếp tục, và nền kinh tế vẫn là nền kinh tế nông nghiệp thôi.

Yếu tố tiền tư bản đã mọc lên song chưa có một giai cấp tư sản thành hình, chỉ có những nhóm con buôn, buôn trong nước hay buôn với các nước. Nhà Nguyễn thành lập tiêu biểu sự phản động tồi tàn của phong kiến địa chủ, theo dấu phản động lạc hậu đời nhà Mãn Thanh ở Trung Quốc. Mất nước từ 1884 là sự thất bại của chế độ phong kiến thối nát trước  xâm lăng của tư bản chủ nghĩa Au Tây hưng thịnh.

80 năm Pháp thuộc, chế độ phong kiến được bảo toàn; phong kiến liên hiệp với đế quốc; cả hai bọn nắm những tư liệu sản xuất căn bản; đế quốc liên hiệp với phong kiến làm cho sự bóc lột phong kiến càng thậm tệ hơn trước nữa, mấy tầng áp bức chồng chất lên nhau. Sự bóc lột của đế quốc làm nảy nở giai cấp vô sản và giai cấp tư sản với những tầng lớp tiểu tư sản ở thành thị. Trong căn bản nền kinh tế Việt Nam vẫn là nông nghiệp mà trong nông nghiệp đó, lối bóc lột phong kiến vẫn là căn bản; tiền bạc thông dụng; sản xuất để xuất cảng, địa tô bằng tiền lần lần lấn buộc địa tô bằng sản vật chỉ làm cho nạn cho vay cắt cổ thêm nặng, địa chủ bóc lột thêm tận xương cốt chớ không thay đổi bản chất phong  kiến của nền kinh tế nông nghiệp trong đó toàn dân mâu thuẫn với đế quốc, nông dân mâu thuẩn với địa chủ, là hai mâu thuẫn lớn nhất cần được giải quyết.

4. Dân chủ Nhân dân

Cách mạng tháng Tám và kháng chiến đánh đổ đế quốc Pháp và phong kiến Việt Nam, trong lúc trên thế giới xã hội chủ nghĩa đã hoàn toàn thắng lợi ở Liên Xô và đang được xây dựng trên mười mấy nước khác. Chế độ dân chủ nhân dân là phòng chờ của xã hội chủ nghĩa, trong nền kinh tế này thì ruộng đất về tay người cày ruộng; các công nghệ chìa khóa, nhà hàng, ngoại thương sẽ ở trong tay nhà nước nhân dân; tiêu nông, tiểu công nghiệp vào ngõ hợp tác xã. Nước ta nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô, của các xứ xã hội, dân chủ nhân dân, sẽ đi vào đường xã hội chủ nghĩa mà không trải qua tư bản chủ nghĩa thành hệ thống chính.

Tóm lại luận cương của duy vật lịch sử là, sự phát triển của lực lượng sản xuất là đông cơ chính đẩy lịch sử tới trước nó quyết định tương quan sản xuất; lực lượng sản xuất nào có tương quan sản xuất ấy; mà hai yếu tố ấy chính là phương thức sản xuất, chính là  nền tảng, động cơ chính của một lịch trình tiến hóa của xã hội; cho nên nhà viết sử, muốn nghiên cứu sử một cách khoa học phải căn cứ vào sự nghiên cứu phương thức sản xuất.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt