Chủ nghĩa Marx

Đặc tính thứ nhất của sự sản xuất

DUY VẬT LỊCH SỬ

 

CHƯƠNG THỨ HAI

QUY LUẬT TƯƠNG ỨNG TẤT YẾU GIỮA

LỰC LƯỢNG SẢN XUẤT VÀ TƯƠNG QUAN SẢN XUẤT

1 2 3 4 5

 


Bài giảng của Giáo sư Trần Văn Giàu tại Trường Dự bị Đại học Việt Nam đầu năm 1954.


 

 

II. ĐẶC TÍNH THỨ NHẤT CỦA SỰ SẢN XUẤT: NÓ BIẾN CHUYỂN,

NÓ PHÁT TRIỂN KHÔNG NGỪNG

 

“Đặc tính thứ nhất của sự sản xuất là không bao giờ nó ngừng lại một điểm nào đó trong một thời gian lâu dài, nó biến chuyển luôn luôn và luôn luôn phát triển; hơn nữa sự thay đổi phương thức sản xuất nhất định phải gây ra sự thay đổi cả chế độ xã hội; thay đổi ý tưởng của xã hội, công luận và những tổ chức chính trị, sự thay đổi phương thức sản xuất gây ra sự thay đổi tất cả chế độ xã hội và chính trị…”1

1. Sự sản xuất luôn luôn phát triển

Đặc tính này cũng là một quy luật phát triển của xã hội loài người. Sự sản xuất luôn luôn phát triển không ngừng lâu ở một mức nào. Sự thật xưa nay như thế, chúng ta đã thấy các phương thức sản xuất nối tiếp nhau: cộng sản nguyên thủy, nô lệ, phong kiến, tư bản và xã hội chủ nghĩa. Phương thức sau tiến hơn phương thức trước về cách sản xuất cũng như về số sản xuất.

Có ngưòi sẽ nói: “Vậy trong xã hội Việt Nam ta từ mấy ngàn năm vẫn cứ một mực, vẫn chiếc cày thiên cổ, vẫn cái chế độ phong kiến mãi cho đến gần đây.” Ai dám bảo rằng sự sản xuất không phát triển ở Việt Nam? Có phát triển chứ, nhưng chậm chạp mà thôi, có khi thụt lùi tạm thời nữa, nhưng vẫn có phát triển. Thời Văn Lang, Âu Lạc, con ngưòi ở dọc sông Hồng Hà, sông Mã, sông Lam đã biết lưỡi cày sắt đó đâu? (Ông bà ta thuở ấy còn kém xa đồng bào xa trên mạn ngưọc bây giờ).

Rồi sau đó, sau khi bị chinh phục, ông bà ta biết dùng lưõi cày sắt, rồi sau nữa mới biết làm lưỡi cày sắt. Sự sản xuất có tăng tiến, đi từ sản xuất gia đình, làng xóm đến sản xuất để buôn bán với nưóc ngoài. Đời Lý đã có những bạc dịch trưòng ở dọc biển cảnh.

Hay là từ sản xuất nông nghiệp bằng những đại điền trang dưói thời nhà Trần tới chế độ quân điền ở thời nhà Lê, anh nô tỳ hoá ra anh nông dân, mức đó không phải là một sự tiến bộ của sự sản xuất là gì?

 

Và ngay giữa hai thời ấy, nông nghiệp, thủ công thương mãi phát triển thì Hồ Quý Ly mới có lệnh dùng tiền giấy, có lớp học làm sổ sách của nhà buôn, mới có chỉ thị bắt buộc nhà buôn phải mở cửa tiệm  khi nhà buôn phản đối chính sách tiền tệ của Hồ Quý Ly. Sự phát triển kinh tế từ đời Hậu Lê lúc Trịnh Nguyễn phân tranh… sự buôn bán với ngoại quốc lại càng rõ hơn nữa. Duy sự phát triển ấy có chậm, mà ở phương trời nào sự phát triển ấy cứ luôn luôn mau. Kinh tế gặp nhiều thế kỷ đình đốn, ví dụ như nhà Minh qua chiếm xứ ta mười năm, Chế Bồng Nga ra đánh phá xứ ta, làm cho kinh tế đình đốn, song đình đốn ta tạm thời, một vài năm, một vàì thế kỷ có thấm gì với hàng ngàn vạn năm lịch sử? Một năm khỏe sức, ăn sung mặc sướng, anh không thấy anh già, song có phải vì lẽ anh không thấy già thêm mà anh không già đi một ít đâu? Vả chăng trong quá trình phát triển chung của nhân loại, có nơi đi mau, có nơi đi chậm, có nơi đi trưóc, có nơi đi sau, lạ gì điều ấy? Những bưóc sụt lùi tạm thời cũng không tránh khỏi.

Nếu không có sự phát triển của sản xuất, của thương mãi ít ra là trong một mức độ phạm vi nào thì sẽ không thể nào giải thích được sự tiến bộ của tập quyền phong kiến từ Lý đến Lê chẳng hạn. Song không phải vì ta cần giải thích mà ta bày ra sự phát triển của sản xuất, của thương mãi, vì sự phát triển ấy là một sự thực lịch sử nên ta giải thích được chính xác một số hiện tượng chính trị lịch sử. Vậy lấy chung cho nhân loại hay lấy riêng cho từng nước thì câu nói của Staline, “không bao giờ sản xuất ngừng lâu ở một chỗ, nó luôn luôn biến chuyển, luôn luôn phát triển”, câu nói ấy được lịch sử đã qua chứng nhận rõ ràng. Lịch sử hiện nay càng chứng minh chắc chắn hơn nữa: nếu các nước tư bản không phát triển nổi sự sản xuất đó là bằng cớ rằng chế độ tư bản phải nhường chỗ lại cho một phương thức sản xuất cao hơn:xã-hội-chủ-nghĩa.
         Lịch sử loài người, lịch sử xã hội trong căn bản là lịch sử của sự sản xuất, lịch sử của các phương thức sản xuất nối tiếp nhau một cách tất yếu: xã hội chủ nghĩa phải tới sau tư bản chủ nghĩa, phong kiến không thể có trước nô lệ, sự sản xuất phát triển từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Chúng ta đặc biệt chú ý đến điều nầy:

2. Hễ phương thức sản xuất biến đổi thì chế độ xã hội, ý thức tư tưởng cũng biến đổi

Sự biến đổi của phương thức sản xuất  nhất định phải gây ra sự biến đổi của tất cả chế độ xã hội và chính trị, biến đổi của ý tuởng, công luận chớ không thể nào mà phương thức sản xuất biến đổi, còn chế độ xã hội lại “bất biến” được, “bất biến” ấy quả là ý muốn của giai cấp bóc lột cầm quyền thống trị, nhưng cuộc đời bảo thế, nào phải đã muốn thế là đưọc thế đâu?

Người nguyên thủy dã man + ná bằng giây, thương bằng gỗ, kinh nghiệm sản xuất rất thô sơ, chống lại thiên nhiên rất vất vã, sống thiếu thốn = lực lượng sản xuất. Lực lượng sản xuất đó có một tương quan sản xuất tương ứng với nó = khí cụ lao động là của chung, sản vật tìm  đưọc, làm được là của chung, của nhóm ngưòi cùng cộng tác mà sản xuất. Tương ứng với phương thức sản xuất đó thì chế độ xã hội là cộng sản, tức không có nhà nước, cảnh binh, không luật pháp, còn trong tư tưởng thì không có đầu óc gian tham, cạnh tranh nhau, tuy tin ở thần làm ra thiên tai địa họa. 

Đến khi khí cụ phát triển lên, dao mác, lưỡi cày sắt xuất hiện, con người biết làm ruộng, làm thủ công, sản xuất tiến bộ đến đỗi một ngưòi làm nuôi được vài người thì sinh ra bắt bán nô lệ, ngưòi nô lệ, người chủ nô xuất hiện, nhà nước pháp luật xuất hiện để đè nén kẻ bị bóc lột, một chế độ mới thành hình, tư tưởng ý kiến mới phát sinh, tư tưởng chủ tớ, tư tưởng tham lam tin vào thượng đế, luân lý chủ nô… 

Cứ như thế đến ngày nay, luôn luôn hễ phương thức sản xuất đổi thì chế độ xã hội và chính trị đổi theo, ý thức tư tưởng cũng đổi theo; công nghệ sinh ra quan hệ lao tư; chế độ phong kiến đổ tư bản thành công, chính thể đại nghị xuất hiện, cá nhân chủ nghĩa thịnh hành. Rồi đại công nghệ đi đến một mực phát triển cao làm cho sự phân công chia giai cấp trở thành thừa, trở thành trở ngại: cách mạng vô sản thủ tiêu tư bản lập xã hội không giai cấp, không người bóc lột người, không dân tộc áp bức dân tộc, tư tưởng hòa bình, quốc tế, trọng của công, trọng lao động đưọc thịnh hành.

Noi tóm lại, theo như lời của Staline:

“Ở các trình độ của sự phát triển, con người dùng các tư liệu sản xuất khác, hay nói đơn giản hơn, con người sống một cách sống khác. Trong công xã nguyên thủy có một phương thức sản xuất; dưới chế độ nô lệ, có một phương thức khác; dưới chế độ phong kiến lại có một phương thức khác và cứ như thế. Chế độ xã hội của con người, sinh hoạt tinh thần của họ, ý kiến của họ, tổ chức chính trị của họ đều khác nhau tùy theo các phương thức sản xuất ấy. Trong căn bản thì chính xã hội, ý kiến, lý luận, công luận, tổ chức chính trị của xã hội, là tương ứng với phương thức sản xuất . Hay là, nói một cách đơn giản hơn, sinh sống thế nào thì tư tưỏng thế ấy” 1

3. Những kết luận quan trọng sau khi nhận thấy đặc tính thứ nhất của sự sản xuất.

a. Căn cứ vào những điểm đã trình bày và giải thích thì:

“ Lịch sử phát triển của xã hội trưóc hết là lịch sử phát triển của sự sản xuất, lịch sử của các phương thức sản xuất nối tiếp nhau qua các thế kỷ, lịch sử phát triển của lực lượng sản xuất và tương quan sản xuất giữa con ngưòi với nhau.”2

Nói như thế không phải là bảo rằng nhà làm sử chỉ nên mô tả xem trong mỗi thời đại lịch sử những khí cụ sản xuất ra làm sao, người ta làm việc bằng cách nào, sản xuất bao nhiêu, sản xuất những gì, chủ nô và chủ tớ đối đãi với nhau ra làm sao. Nói như thế là xây dựng cho nhà làm sử có chỗ đứng, có phương pháp, biết căn cứ vào đâu mà phân chia thời kỳ lịch sử, biết lấy hiện tượng nào là hiện tượng căn bản để giải thích các hiện tượng khác, không phải bù đầu rối óc trong vô số hiện tượng rất phức tạp của lịch sử.

Nếu như thế người lao động bây giờ tin chắc rằng trong cuộc đấu tranh giữa hai phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa phải thắng, tiến bộ phải hơn lạc hậu, lao động Việt Nam thấy rằng dưới chế độ dân chủ nhân dân của ta, tàn tích phong kiến, sự bóc lột của địa chủ là một trở ngại cần thủ tiêu, thủ tiêu được, mà thủ tiêu nó là một bước tiến bộ lớn của lịch sử nước nhà. Cái gì phát triển, cái ấy mới là bất khả xâm phạm, mà phát triển đây căn bản là sản xuất; sản xuất mạnh hơn, tiến hơn đó là điều kiện quan trọng nhất để cho một chế độ này thắng hơn một chế độ khác.

b. Nếu quả lịch sử loài người trưóc hết là lịch sử của sự sản xuất thì:

“Lịch sử phát triển của xã hội đồng thời là lịch sử của những người sản xuất ra những tài sản vật chất, là lịch sử của quần chúng cần lao tức là lực lượng căn bản của quá trình sản xuất và tức là những kẻ làm ra tài sản vật chất cần yếu cho sinh tồn của xã hội.” 1

Bởi vậy cho nên nhà làm sử muốn đúng với khoa học thì không nên xem lịch sử như là lịch sử của các triều đại, các anh hùng, vua chúa, tướng tài mà thôi, lẽ tất nhiên là làm sử ai lại có thể bỏ qua tên tuổi, uy danh, sự nghiệp ví dụ của vua Ngô, của Hưng đạo vương, nhưng nếu làm sử của thời ấy mà không căn cứ vào các sự nghiên cứu cách sống của nhân dân, sự phân phối ruộng đất trong tay các giai cấp, sự thành lập các đại điền trang, thái độ, mối liên hệ giữa nông dân với địa chủ, với nhà chùa v.v. thì chẳng những là ta chỉ biết cái ngọn không biết cái gốc, mà ta cũng không thể hiểu được vì những lẽ sâu xa nào mà Ngô Quyền chiến thắng và lập quốc được, vì sao nhà Trần có sức thắng quân Mông mạnh mẽ vô cùng,  mà sau đó lại suy nhược cho đến đổi cầm cự không lại với quân Chiêm Thành của Chế Bong Nga.

Nói đến những người sản xuất, nói đến đa số đó là một lẽ phải rồi: triều đình anh hùng là một tối thiểu số, chiến tranh là một đoạn ngắn của lịch sử dài; song, chẳng những đó là lẽ phải, mà chính đó là cái chìa khóa để giải thích những hiện tượng lịch sử căn bản. Stalin dạy:

“Khoa học lịch sử, trước hết, phải chú trọng đến lịch sử của những người sản xuất ra tài sản vật chất, đến lịch sử của quần chúng cần lao, đến lịch sử của nhân dân.”

Chúng ta ngày nay hãy còn lầm lạc nhiều ở chỗ này cho nên, hoặc là chia Việt sử theo triều đại, hoặc ta tìm cắt nghĩa sự nam tiến bằng cuộc tranh phân giữa chúa Nguyễn chúa Trịnh, hoặc chú trọng quá nhiều đến cái ngày nào mà ví dụ như Nguyễn Anh qua tới Xiêm, về tới Nam, đánh trận lặt vặt nào; hoặc ta nói rằng Tự Đức bất tài, thua Minh Trị về chỗ thấy xa hiểu rộng, nên Việt Nam nô lệ mà Nhật Bản duy tân v.v. Nói một cách khác, nhà làm sử hay tìm những lẽ phát triển của xã hội ở torng ý nghĩ tài cán, đạo đức của con người hay của xã hội, mà ít hay không chú ý phân tích phương thức sản xuất trong mỗi lúc, phân tích những điều kiện sinh hoạt kinh tế v.v. để tìm biết những động lực sâu xa của lịch sử. Đối với Việt sử, đây không phải là việc dễ, vì mới bắt đầu, vì tài liệu khan hiếm; nhưng, không phải là không có tài liệu; vài khúc xương dưới đất có thể cho phép nhà khoa học lập lại cả bộ xương con thú sống đời xưa thì vài tài liệu có thể làm chứng cho đặc điểm của một thời kỳ kinh tế miễn là ta hiểu phương pháp biện chứng, miễn ta biết lựa chọn, miễn là ta nắm được “chìa khóa của lịch sử”, chìa khóa ấy là gì, Stalin viết:

c. “Nhiệm vụ căn bản của khoa học lịch sử là nghiên cứu và phát kiến những quy luật của sự sản xuất, quy luật phát triển của lực lượng sản xuất và tương quan sản xuất, quy luật của sự phát triển kinh tế của xã hội.”

Có người tưởng tượng rằng huấn thị của Stalin chỉ có thể áp dụng được ở Tây phương, còn ở Đông phương, ở nước Việt Nam thì không áp dụng được, ở đây, theo họ thì chủ nghĩa Mác không đúng nữa. Cho nên họ nói rằng “phải tìm căn nguyên của chế độ tập quyền ở Đông phưong, ví dụ như ở Việt Nam không phải trong sự phát triển của thương mại mà tìm nó ở trong sự cần yếu phải có tập quyền để chống ngoại xâm”. Nếu hiểu thế thì Mác sai, phải sửa chữa Mác, nếu thế thì Stalin thiếu phải bổ khuyết cho Stalin!

Nhưng ta hỏi; tại sao ví dụ như ở Việt Nam có những lúc không có ngoại xâm nào cả, mà chính quyền tập trung vẫn thịnh đạt? Còn có những lúc có ngoại xâm thì chính quyền tập trung lại tan rã không còn?

Lẽ tất nhiên là sự cần yếu chống lại ngoại xâm có thể giai cấp địa chủ phong kiến tập trung quyền lực hơn nữa để giữ ngôi bá chủ của chúng, giữ đặc quyền của chúng; nhưng nếu không có sự nhu cầu căn bản hơn tức nhu cầu kinh tế, nhu cầu đi lại của nhà buôn, lưu thông tự do của hàng hóa, đo lường thống nhứt v.v. hay một bộ phận của nhu cầu ấy, thì tập quyền xây dựng trên sức mạnh vô biên của tướng tài, chỉ có thể duy trì được rất tạm thời mà thôi. Vậy chớ nên kiên định rằng: “Chủ nghĩa Mác” là học thuyết của Tây phương, chớ nghĩ rằng “phương thức sản xuất Á châu” lọt ra khỏi lý luận về sử học, mà phải có đủ siêng năng tìm lại tài liệu lịch sử, tìm sự phát triển kinh tế duy vật trong những thời kỳ đã nói trên thì nhất định ta sẽ thấy cái chìa khóa lịch sử không phải ở trên ngọn giáo của quân Nguyên, Minh, Thanh mà ở trong sự phát triển kinh tế xứ ta với tất cả đặc điểm của nó.

d.Cuối cùng chúng ta xin trích huấn thị của Stalin về nhiệm vụ của Đảng tiền phong khi đã nhận thức được đặc tính thứ nhất của sự sản xuất:

“ Bởi vậy cho nên Đảng của giai cấp vô sản nếu muốn trở thành đảng chân chính, thì trước hết phải nắm vững khoa học về quy luật phát triển của sự sản xuất, quy luật phát triển của nền kinh tế xã hội.

Bởi vậy cho nên muốn khỏi sai lầm về chính trị thì trong sự lập ra chương trình của mình cũng như trong sự hành động thực tiễn của mình, Đảng của giai cấp vô sản trước hết phải căn cứ vào quy luật phát triển của sự sản xuất, quy luật phát triển nền kinh tế xã hội.” 

Khoa học lịch sử sở dĩ trở thành khoa học là vì căn cứ vào quy luật kinh tế chính xác, và tìm được quy luật lịch sử chính xác, nó không còn là một sự ghi chép hồ đồ, bất cứ sự kiện nào xảy ra, nó không còn là lịch sử của các vua chúa nữa. Khoa học lịch sử không phải là một thứ học thức bàng quan, biết để biết, mà trở thành vũ khi đấu tranh của nhân dân, động viên, cổ võ nhân dân, ôn cũ để biết mới và càng tin tưởng vào sự tất yếu của thắng lợi, càng tin tưởng vào vai trò quyết định của quần chúng cần lao, những người sản xuất, những người làm thực thụ.

Ở đây chúng ta có thể nhớ lại câu nói: “Cải cách ruộng đất trong kháng chiến là hợp với quy luật của sự phát triển của xã hội Việt Nam,” để chứng minh rằng đảng và chính phủ hoạt động căn cứ vào quy luật, vào sự hiểu biết xã hội, vào khoa học kinh tế và lịch sử. Bởi vậy cho nên thắng lợi rất là chắc chắn.

 



1 Staline, Duy vật biện chứng và duy vật lịch sử

1, 2 Staline, Duy vật biện chứng và duy vật lịch sử

1 Staline, Duy vật biện chứng và duy vật lịch sử Staline

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt