Chủ nghĩa Marx

Quy luật tương ứng tất yếu giữa lực lượng sản xuất và tương quan sản xuất

DUY VẬT LỊCH SỬ

 

CHƯƠNG THỨ HAI

QUY LUẬT TƯƠNG ỨNG TẤT YẾU GIỮA

LỰC LƯỢNG SẢN XUẤT VÀ TƯƠNG QUAN SẢN XUẤT

1 2 3 4 5

 


Bài giảng của Giáo sư Trần Văn Giàu tại Trường Dự bị Đại học Việt Nam đầu năm 1954.


 

 

 MỤC ĐÍCH VÀ TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG THỨ HAI

Mục đích

1. Nhận thức rõ thế nào là lực lượng sản xuất và tương quan sản xuất, nhận thức rõ mối tương quan giữa lực lượng sản xuất và tương quan sản xuất. Mối tương quan đó là quy luật căn bản của lịch sử xã hội.

2. Nhận thức rõ rằng lực lượng sản xuất là yếu tố linh động và cách mạng nhất của lịch sử.

3. Trông thấy rõ vì đâu mà lịch sử loài người đã trải qua năm chế độ xã hội. Tin tưởng càng sâu sắc rằng Tư bản chủ nghĩa phải nhường chỗ cho Xã hội chủ nghĩa.

Trọng tâm

1. Lực lượng sản xuất là yếu tố linh động và cách mạng nhất.

2. Tương quan sản xuất tư bản ngày nay không tương ứng với trình độ của lực lượng sản xuất nữa. Loại tương quan tương ứng với lực lượng sản xuất ngày nay là tương quan sản xuất xã hội chủ nghĩa.

 

 

I. PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT. HAI MẶT CỦA SỰ SẢN XUẤT.  LỰC LƯỢNG SẢN XUẤT VÀ TƯƠNG QUAN SẢN XUẤT; LIÊN HỆ GIỮA HAI MẶT ẤY.

1. Hai mặt của sự sản xuất

Đề cuơng căn bản của chủ nghĩa Mác-Lê về sự phát triển của xã hội là “Tồn tại quyết định tư tưởng, tồn tại xã hội quyết định tư tưỏng xã hội.” Đề cương duy vật chính xác, nhờ nó mới tìm hiểu được “những cái gì sinh ra các động cơ tư tưởng” của hành động lịch sử. Tồn tại xã hội nào quyết định các động cơ tư tưởng? Chủ nghĩa Mác-Lê trả lời rằng, xét đến cùng đó là sự sản xuất xã hội; trước khi lý luận, làm chính trị, làm văn nghệ, con người phải sống cái đã; muốn sống phải sản xuất; phải làm ra công cụ, cơm áo, nhà cửa; làm ra công cụ, cơm áo, nhà cửa là sản xuất, sự sản xuất gồm những gì? Sta-lin phân tích như sau đây:

Chủ nghĩa Mác nhận định rằng sự sản xuất xã hội là một toàn thể thống nhất gồm hai mặt không thể phân chia nhau: lực lượng sản xuất (tương quan giữa xã hội và lực lượng tự nhiên mà xã hội phải tranh đấu để đảm bảo những tài sản vật chất cần yếu cho mình) và tương quan sản xuất (tương quan giữa con người với con người trong quá trình sản xuất) Đó là hai mặt khác nhau của sự sản xuất xã hội, mặc dầu rằng hai mặt ấy gắn bó nhau không thể tách rời ra được.”1

Thế nào là lực lượng sản xuất? Thế nào là tương quan sản xuất?

2. Lực lượng sản xuất

Mỗi người mỗi nhóm đều phải có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, củi đun, đó là những món cần dùng đầu tiên, không có nó thì không có sống, và con ngưòi lại còn cần dùng nhiều món khác nữa: xe đi, bút viết, tờ báo, đồng hồ… Có tiền của, ngồi không ăn chơi, thì hình như đối với những người như thế nào thấy sự sản xuất quan trọng đâu; muốn cho họ biết sự quan trọng của sản xuất, thì cứ cắt cơm hắn, đuổi hắn ra bờ suối, hắn sẽ thấy ngay khỏi cần giải thích; chừng ấy hắn sẽ thấy rằng văn, triết lý, mỹ thuật đều phải tùy thuộc sản xuất.

Muốn có những món nhu yếu từ căn bản đến phụ thuộc không phải khoanh tay chờ Thượng đế ném dù xuống như Tây ném tiếp tế cho bộ đội bị vây ở Nà sản, mà phải làm việc, làm ra nó, sản xuất nó. Muốn sản xuất ra nó phải có công cụ, phải sản xuất ra công cụ (chiếc cày bừa, cái dao, cái khung cửi, chiếc máy in… )

Công cụ lại phải có ngưòi dùng công cụ mới sản xuất được, chiếc lười chìm xuống đáy sông, chiếc bừa vùi dưới đất sẽ không sản xuất gì được, cần phải có con người làm ra nó, dùng nó. Con người làm việc sản xuất mãi mãi thì có nhiều kinh nghiệm, đúc kinh nghiệm ấy thành ra nhận thức khoa học thấp hay là cao. Và mỗi người sản xuất lại có thói quen làm việc, làm lanh tay, lanh mắt, làm đẹp, làm kỹ…

Vậy lực lượng sản xuất gồm những yếu tố sau đây:

  a. Công cụ

  b. Con ngưòi dùng công cụ

  c. Kinh nghiệm sản xuất

  d. Thói quen trong nghề nghiệp

  (không nên lẫn lộn hai yếu tố sau)

Có người ví sự kiến trúc như cái nhà lầu, lực lượng sản xuất là cái nền nhà. Những nhà sáng tạo ra Duy vật Lịch sử thường nói rằng trong sự nghiên cứu cổ sử thì công cụ của thời đại trước mà nay ta tìm ra được giống như những bộ xương súc vật hay hầu nhân ta tìm được trong hang đá; nhờ những bộ xương cũ kỹ ấy ta biết được sự biến chuyển của các giống loài, thì cũng nhờ những công cụ, ta biết được trình độ phát triển của xã hội, của lực lượng sản xuất. Điều quan trọng đối với những nhà sử học khảo cổ không phải là xem xét coi trong thời đại ấy con ngưòi làm ra các món ấy bằng cách nào. Cái cách làm ra món vật dụng tiêu biểu trình độ của lực lượng sản xuất, cách sản xuất món vật dụng và công cụ để làm ra nó, là hai mặt của một việc quan trọng đặc biệt cho nhà sử học, nhà xã hội học.

Nói rằng lực lượng sản xuất là mối liên hệ giữa xã hội và thiên nhiên là nói rằng nó tiêu biểu sự đấu tranh hay hợp tác giữa con ngưòi và hoàn cảnh để mà sản xuất: trời mưa có nước cấy, trời khi mưa nhiều khi mưa ít nên ngưòi có gàu để tát nưóc lên, nước xuống; cây gỗ to và rắn, trời nóng hay rét, nên ngưòi có dao, có búa  để cưa để đẵn cây làm nhà che mưa nắng, làm thuyền vưọt qua sông biển v.v. con ngưòi thích thích hợp, tích cực với hoàn cảnh thiên nhiên, cải tạo thiên nhiên do đó mà tự cải tạo; sự sản xuất một phần là sự liên hệ với thiên nhiên, tìm trong thiên nhiên, biến chế trong thiên nhiên để có những vật dụng, lương thực cần yếu cho đời sống hằng ngày.

3. Tương quan sản xuất

Nếu lực lượng sản xuất là mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên thì tương quan sản xuất là mối liên hệ giữa con người với con người, liên hệ tất yếu trong khi sản xuất, trong khi tranh đấu với thiên nhiên. Tương quan sản xuất gồm ba yếu tố sau:

a. Hình thức sở hữu những tư liệu sản xuất.

b. Tình hình của các tầng lớp, các nhóm người trong xã hội đối với sự sản xuất.

c. Hình thức phân phối các tài sản vật chất đã đưọc sản xuất ra.

Tìm biết “hình thức” sở hữu những tư liệu sản xuất là gì? Tỉ dụ như trong nghề làm ruộng, tư liệu sản xuất là ruộng đất, cày bừa, trâu bò, giống thóc, kênh dẫn nước, liềm hái, số vốn nào để mua phân, mướn người v.v. Trong nghề làm sách báo, tư liệu sản xuất là nhà máy in, máy cắt, máy đóng, giấy, mực, xe vận tải, tiền mướn nhân công, nhà in v.v. Hỏi hình thức sở hữu những tư liệu sản xuất là hỏi vầy, những món ấy là của ai, của riêng của người làm hay của riêng của ông chủ mướn người làm, của chung của một công ty tư nhân hay của chung của một toàn thể công nhân. Có biết điểm a trong tương quan sản xuất thì mới biết điểm b và c.

Hỏi tình hình của các tầng lớp, các nhóm ngưòi đối với sự sản xuất là hỏi vậy chứ người này, nhóm này cộng tác hay cạnh tranh với người kia, nhóm kia ra làm sao? Tôi làm ra gạo anh ăn, anh làm ra thuyền tôi chở gạo; tao làm mọi tớ cho mày, mày bóc lột tao…

Còn tìm hiểu hình thức phân phối các tài sản vật chất đã được sản xuất ra là gì? Là tìm hiểu coi, khi làm ra món vật dụng, lương thực ra rồi, món đó thuộc quyền sở hữu của ai; tôi làm ra nó, nó về tôi hay chúng tôi làm ra nó mà nó lạì về anh, anh được những món ấy là để tự anh dùng hay đem đi bán lấy lợi; hay là nhà nước lấy đó làm của công rồi phân phối theo sự nhu cầu của mọi người.

Tuơng quan sản xuất là tương quan giữa con người với con người là như thế.

Con người luôn luôn là con người xã hội. Có biết như thế mới biết sự đấu tranh trong xã hội. Anh nông dân miền thượng du có liên hệ với người làm muối ở Ninh Bình, cả hai đều mặc áo bông vải của công nhân dệt ở Nam Định nhuộm bằng củ sấu của các chị gánh từ Thái Nguyên xuống; tất cả đều uống thuốc ký ninh làm từ Java…

Làm gì có bác Robinson Crusoe sống một mình ở hoang đảo; ngay ở đó, chàng vẫn có chú Vendredi theo phục vụ, vẫn dùng cái búa, cây súng, mặc cái áo, đi đôi giày từ xứ sở mang theo, nghĩa là vẫn liên hệ với nhiều người khác.

Ong Lão Tử chán đời, “bỏ xã hội” đi lên núi, để lại quyển Đạo Đức Kinh cho viên quan giữ ải, thì hoặc, ông phải sống với những người lạc hậu trên non cao, trong rừng thẳm, hoặc chết đói, chết rét chớ làm gì có thể ngồi động đá, ăn hoa như con ong, hái trái như con khỉ, uống nước suối, thở khí trời mà sống mà hiển thánh thành tiên, hoá ra Thái Thượng Lão quân nấu thuốc trưòng sinh quanh lò bát quái?

Có người không chịu khuất phục với một triều đình, toan cắt đứt mối liên lạc với xã hội mà triều đình ấy thống trị. Cắt làm sao được, không ăn lúa thì phải ăn rau, khơng mặc áo quan thì phải mặc áo dân vì chả nhẽ đi dưới ruộng bơi qua sông mà tránh những chiếc cầu, các đưòng đó được đắp xây dưới cái chế độ mà mình ghét.

Vả, cầu ấy, đưòng ấy, áo cơm ấy có tội tình gì? Nó có tính chất nhà vùa phong kiến đâu mà toan ruồng bỏ nó.

Chỉ thấy mình gàn, gàn nặng mà thôi.

Con người là con người xã hội; sản xuất là sản xuất xã hội; vô luận thời gian nào, vô luận điều kiện nào, vô luận không gian, chủng tộc nào.

Tương quan sản xuất là độc lập với ý muốn, tất yếu và nhất định, độc lập với ý muốn của anh, bởi vì anh sinh ra đã có nó rồi, anh muốn bỏ nó khi nó là còn cần thiết thì không bỏ được. Anh muốn giữ nó, khi nó đã quá thời thì cũng không được, nên gọi là tất yếu. Khí cụ tới mực nào thì tương quan sản xuất tới mực ấy, đồ đá cộng sản nguyên thủy, lưỡi cày tất là phong kiến, không thể nào khác được, không thể nào đến kỹ nghệ điện phát triển này mà còn tư bản mãi được, phải đến cộng sản, nên gọi là nhất định.

Trong sự sản xuất xã hội đó, con người không thể không đặt mình vào sự tương quan với những người khác, xa hay gần, mật thiết hay lỏng lẻo. Và tương quan giữa người và người, thì tương quan hợp tác có tương quan chủ tớ, có tương quan giao thời, từ một giai đoạn này sang một giai đoạn khác. Tương quan hợp tác như kẻ cung nỏ, người giáo mác, cùng nhau giết một thú rừng đem về làm thịt, như hành động hỗ trợ, như hàng vạn thợ thầy cùng làm một xưởng chế tàu bay. Tương quan chủ tớ như giữa địa chủ ác bá và tá điền khổ sở, giữa tư bản triệu phú và công nhân nghèo đói. Tương quan giao thời như lao tư lưỡng lợi, như chủ tớ đều thực hiện triệt để chính sách nông thôn -giảm tô giảm tức.

Lực lượng sản xuất và tương quan sản xuất không thể tách rời nhau, không thể có cái này mà không có cái kia trong sự sản xuất. Lực lượng sản xuất và tương quan sản xuất là hai mặt của sự sản xuất, mật thiết dính dáng với nhau, không tách rời được.

“Đó là hai mặt khác nhau của sự sản xuất mặc dầu cả hai đều không thể tách rời nhau. Chính vì đó là hai mặt khác nhau của sản xuất, cho nên cái này tác động qua lại đến cái kia. nếu có ai nói rằng một mặt này có thể nuốt mất một mặt kia, mặt kia trở thành bộ phận của mặt này thì ngưòi ấy mắc tội lớn nhất đối với chủ nghĩa Mác”1

Trong quyển “Duy vật biện chứng và duy vật lịch sử” Staline đã nêu rõ:

  “Song mặc dầu tương quan sản xuất mang tính chất nào đi nữa, tương quan ấy luôn luôn dưới tất cả các chế độ một yếu tố không thể không có được của sự sản xuất, ngang hàng với lực lượng sản xuất của xã hội”.

Nhà kinh tế học I-a-rô-sen-kô nghĩ rằng dưới chế độ xã hội chủ nghĩa không còn có tương quan sản xuất nữa; lầm to, dưới xã hội chủ nghĩa và dưói bất cứ chế độ nào trong sự sản xuất; con người vẫn liên hệ với con người; dưới xã hội chủ nghĩa cũng như dưới bất cứ chế độ nào; thì lực lượng sản xuất quyết định tính chất của tương quan sản xuất; tương quan sản xuất ảnh huởng trở lại với lực lượng sản xuất; tương quan sản xuất cũ thì ngăn trở sự phát triển của lực lượng sản xuất còn tương quan sản xuất mới thì trái lại.

“Là lực lượng căn bản và quyết định sự phát triển liên tục và mạnh mẽ của lực lượng sản xuất, và nếu không có tương quan sản xuất mới đó thì lực lượng sản xuất sẽ bị cằn cỗi đi như trường hợp ngày nay của các nước tư bản”1

Staline nhấn mạnh vào vai trò độc lập của những tương quan sản xuất và nói rằng:

“Cái đặc sắc của sự phát triển của tương quan sản xuất –đóng vai ngăn trở lực lượng sản xuất rồi sang đóng vai động cơ chính đẩy lực lượng sản xuất tới trước, từ động cơ sang trở ngại- đó là một yếu tố của biện chứng pháp Mác-xít.”

Học thuyết Mác cũng gọi tương quan sản xuất là tương quan kinh tế.

Trong Chương Một, chúng ta đã đánh đổ những lý thuyết sai lầm về xã hội phát triển, cái sai lầm chung của tất cả các lý thuyết ấy là không tìm được cái lực lượng nào quyết định sự phát triển của xã hội, quyết định tính chất của xã hội.

“Duy vật lịch sử nhận định rằng lực lượng ấy là phương thức thu hoạch những thủ đoạn sinh tồn cần yếu cho con người để sống là phương thức sản xuất những tài sản vật chất…”2

Trình độ nào đó của lực lượng sản xuất và tính chất của tương quan sản xuất tương ứng với trình độ kia, cả hai hợp lại gọi là một phương thức sản xuất. Lịch sử xã hội loài người từ trưóc đến giờ đã trải qua mấy phương thức sản xuất căn bản mà ở trên chúng ta đã trình bày: cộng sản nguyên thủy, chế độ nô lệ, chế độ phong kiến, tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Những đặc tính sau đây của sự sản xuất cắt nghĩa tại sao lực lượng sản xuất quyết định tương quan sản xuất, tại sao phương thức sản xuất ấy nhuờng chỗ cho phương thức sản xuất kia; những đặc tính ấy trình bày rõ nội dung của quy luật tương ứng giữa lực lượng sản xuất và tương quan sản xuất.

a/ Sự sản xuất biến chuyển, phát triển không ngừng.

b/ Biến chuyển ấy, phát triển ấy bắt đầu bằng sự biến chuyển, phát triển của lực lưọng sản xuất, trước hết là của khí cụ sản xuất.

c. Lực lượng sản xuất ấy, tương quan sản xuất mới tương đương đều xuất phát từ trong lòng chế độ cũ.



1 Sta-lin, Những vấn đề kinh tế xã hội ở Liên Xô

1 Staline, Những sai lầm của đồng chí I-a-rô-sen-kô

1, 2 Staline, Duy vật biện chứng và duy vật lịch sử

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt