BÁCH KHOA THƯ CÁC KHOA HỌC TRIẾT HỌC
“BÁCH KHOA THƯ CÁC KHOA HỌC TRIẾT HỌC”: TỪ THAM VỌNG HỆ THỐNG ÐẾN HỌC THUYẾT VỀ CHÂN LÝ VÀ TỰ DO
BÙI VĂN NAM SƠN
G.W.F. Hegel. Bách khoa thư các khoa học triết học 1: Khoa học lôgíc (Logik der Enzyklopädie). Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2008, tr. XI-XXXIV. | Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn đã được dịch giả Bùi Văn Nam Sơn cho phép.
I. . Tham vọng hệ thống, sự ra đời và các ấn bản của bộ Bách khoa thư các khoa học triết học (viết tắt: BKT) II. BKT I: Khoa học Lôgíc và học thuyết của Hegel về Chân lý và Tự do
Vườn hân hoan muôn vạn nỗi dàn bày Của nhựa mạnh thành tơ trong lá mới [1].
I Trong nghiên cứu về Hegel, bộ Bách khoa thư các khoa học triết học (viết tắt: BKT) – hệ thống khái lược triết học Hegel – thường ít nhiều bị các tác phẩm khác che khuất. Người đọc thích thú khám phá những nét thanh tân trong các tác phẩm thời trẻ của Hegel (mới được công bố đầu thế kỷ XX) với các khái niệm “tình yêu”, “sự sống”… mang màu sắc lãng mạn của một người bạn còn đồng hành với Hölderlin[2]. Người ta càng bị lôi cuốn hơn trước nội dung phong phú và hoành tráng của Hiện tượng học Tinh thần[3], [Ðại] Khoa học Lôgíc, nhất là tiếp tục hăm hở tìm hiểu và thảo luận các vấn đề lý luận chính trị-xã hội hay mỹ học, tôn giáo, lịch sử triết học… còn nóng hổi tính thời sự trong các Bài giảng đồ sộ về các lĩnh vực thuộc “Tinh thần khách quan” và “Tinh thần tuyệt đối”. Người đọc ngày nay cũng không còn ở trong truyền thống đào tạo và bầu khí triết học đầy mãnh lực của chủ nghĩa duy tâm Ðức với cao điểm là Schelling, Hegel, do đó, khó chia sẻ, thậm chí dễ dị ứng trước những gì được gọi là “hệ thống”. Thêm vào đó, bộ Bách khoa thư cũng không phải là một “hệ thống” được biên soạn cặn kẽ, mà, như Hegel thừa nhận trong một lá thư gửi cho Victor Cousin, “quyển sách này chỉ là một chuỗi những luận điểm” (“Le livre n’est qu’une suite de thèses”)[4] rất cô đọng và khó hiểu, càng dễ khiến người đọc “kính nhi viễn chi”! Tuy nhiên, trong nỗ lực tìm hiểu toàn diện và trung thực về Hegel, bộ Bách khoa thư, dù muốn hay không, vẫn phải được dành cho vị trí trung tâm. Có mấy lý do hiển nhiên: trước hết, đây là công trình được Hegel theo đuổi suốt đời, xem như là công việc chủ yếu của mình. Nó cũng là cơ sở và hình thức cô đọng cho các “Bài giảng” nổi tiếng khác của ông, đồng thời có không ít lĩnh vực quan trọng không được triển khai ở đâu khác ngoài bộ Bách khoa thư, chẳng hạn phần Triết học về Tự nhiên (BKT II: §§245-376) và phần đặc biệt lý thú về Tinh thần chủ quan (đối tượng nghiên cứu của môn Tâm lý học ngày nay) (BKT III, §§377-482).
Ngay trong bài viết đầu tay của mình, Hegel đã lo ngại về một lối nghiên cứu lịch sử tư tưởng “biến tư duy thành một tư kiến chết cứng và ngay từ đầu đã làm cho nó trở thành quá khứ” và mong mỏi một lối tiếp thu đúng đắn các di sản tinh thần: “Ðể phát hiện tinh thần sống động trong một nền triết học, cần phải tái sinh nó trong một tinh thần đồng điệu. Nếu chỉ nhằm đơn thuần rút ra những kiến thức, thì, trước thái độ ấy, Tinh thần sống động ắt sẽ trượt qua như một hiện tượng xa lạ và không phơi bày phần thâm sâu của nó”[5]. Với tất cả cố gắng nhằm phần nào tránh lối nhìn đơn thuần “sử học” về tác phẩm vì qua đó, càng đẩy nó lùi xa thêm, xin dành phần I này để thử nhận diện mục đích, ý nghĩa và vị trí của tác phẩm trong sự nghiệp triết học đồ sộ của Hegel và lược qua tiến trình hình thành cùng nội dung của nó. I.1: “Hệ thống khoa học”: nhu cầu và nhiệm vụ của triết học - Hegel, ngay khi còn trẻ, đã có ý thức về “nhiệm vụ” phải xây dựng hệ thống triết học. Năm 1800, vừa tròn 30 tuổi, trước khi rời Frankfurt đi Jena để chính thức bắt đầu sự nghiệp triết học, trong lá thư cho Schelling, Hegel có một cái nhìn hồi cố về toàn bộ các tác phẩm thời trẻ khi còn làm gia sư ở Bern và Frankfurt từ 1795-1800 (sau này được H. Nohl tập hợp lại và công bố vào đầu thế kỷ XX với tên gọi: Hegels theologische Jugendschriften / Các tác phẩm thần học thời trẻ của Hegel). Ông viết: “Trong sự đào tạo triết học của tôi, bắt đầu từ những nhu cầu thứ cấp của con người, tôi phải đẩy lên thành khoa học, và lý tưởng thời tuổi trẻ của tôi cũng đồng thời phải được chuyển hóa thành hình thức phản tư, thành một hệ thống”[6]. Theo H. Nohl, đoạn thư này liên quan đến tài liệu nổi tiếng gọi là Di văn về Hệ thống ở Frankfurt / Frankfurter Systemfragment (viết xong ngày 14.09.1800, cuối thời kỳ các tác phẩm thời trẻ). Tiếc rằng tài liệu quan trọng này không còn nguyên vẹn, và hai trang vỏn vẹn còn lại không cho ta biết gì nhiều về “hệ thống” ấy, trừ mục đích rõ rệt của nó: sự hòa giải cho thế giới đã bị phân đôi. Hegel, trong các tác phẩm trước đó, đã vạch rõ sự đổ vỡ sâu sắc ngay trong lòng thời đại, cả về hai phương diện: tôn giáo và chính trị. Sự “hòa giải” toàn diện này về thần học và chính trị phải đi tìm cái tối hậu và cái tối cao ở trong “khoa học”; và khoa học này – theo cách hiểu thời bấy giờ của Schelling lẫn Hegel – không thể là gì khác ngoài Triết học với tư duy “tư biện”[7]. Trong khi đó, theo Hegel, triết học đương thời – kể cả triết học của Kant và Fichte – đều chỉ là một nền triết học đơn thuần “phản tư” hay của “giác tính”, nghĩa là một lối tư duy dừng lại ở những ranh giới và những sự đối lập, không có được sự hòa giải tối hậu (ít ra dưới các danh hiệu như “sự sống”, “tình yêu” hay “Tinh thần” như trong các tác phẩm thời trẻ của ông). Vì thế, trong “Di văn” nói trên, Hegel nói về sự hòa giải đích thực, tức sự vượt bỏ mọi phân ly và “nâng con người… từ cuộc sống hữu hạn lên cuộc sống “vô hạn” của tôn giáo”. “Vì thế, triết học phải kết thúc ở tôn giáo… vì cái vô hạn đúng thật vẫn còn nằm bên ngoài phạm vi của nó”[8]. Ở đây, ta vẫn chưa biết rõ ý của Hegel: triết học phải tuyệt đối nằm bên dưới tôn giáo, hoặc chỉ cần vượt bỏ loại triết học “phản tư của giác tính” bằng một tôn giáo thống nhất hay một triết học tư biện đúng nghĩa, vì ở thời điểm này, cả hai hầu như chưa được phân biệt. Tuy nhiên, nhận định cơ bản sẽ theo đuổi Hegel suốt đời là: tư duy “giác tính” không thể tát cạn được mọi khả thể của tư duy, đồng thời, tôn giáo cũng không thể chỉ tiếp tục đặt nền trên “tình cảm” sùng mộ đơn thuần: “tình cảm thần thánh, cái vô hạn được xúc cảm bằng cái hữu hạn chỉ có thể hoàn chỉnh khi thêm vào đó sự phản tư”. Và, việc “thêm vào” này không thể là cái gì đến sau và đến từ bên ngoài (“sự phản tư bị tách rời về tình cảm bị tách rời”), trái lại, sự phản tư phải hợp nhất với tình cảm để có thể cho ra đời “cái Biết hay tri thức tư biện”[9]. Như thế, với cương lĩnh phác họa ở Frankfurt, Hegel đã đạt tới cấp độ tư duy hướng đến “khoa học” và đã nhận ra rằng việc xây dựng thành hệ thống là sự cần thiết nội tại của hành trình tư tưởng. - Chuyển sang Jena (1801) làm luận án nhờ sự giới thiệu của bạn nối khố là Schelling (mới 23 tuổi đã có ghế giáo sư thực thụ ở Jena!) và từ 1805-1807, được bổ làm giáo sư ngoại ngạch, Hegel thực sự được sống trong môi trường nghiên cứu triết học. Các hệ thống duy tâm lớn đã từng ra đời ở thành phố nhỏ bé này, và không khí lẫn sự cộng tác chặt chẽ với Schelling đã chắp cánh cho Hegel viết hàng loạt các bài nghiên cứu và điểm sách. Kết quả nhanh chóng là công trình độc lập đầu tay: “Sự khác biệt giữa hệ thống của Fichte và của Schelling về triết học” (1801). Trong quyển sách nhỏ này, Hegel xác định nhiệm vụ của triết học đúng theo tinh thần của thời trẻ trước đó: “Khi sức mạnh của sự hợp nhất biến mất khỏi đời sống của con người và các sự đối lập đã mất đi mối tương quan sống động và sự tác động qua lại để trở nên độc lập thì nảy sinh nhu cầu của triết học”. Nhiệm vụ của triết học, do đó, là giải phóng các sự đối lập đã trở nên cứng nhắc ra khỏi sự xơ cứng, nghĩa là, phải đặt sự phân ly vào trong bản thân cái Tuyệt đối và phải hiểu cái Tuyệt đối như là cái toàn thể đầy xung lực giống như Sự sống và Tinh thần. Theo nghĩa đó, Hegel thấy cần phải có “sự phản tư như là công cụ của việc làm triết học”. Sự phản tư thiết định nên mọi sự phân ly và giới hạn, đồng thời phải tự phá hủy chính mình với tư cách là giác tính đơn thuần làm công việc thiết định và giới hạn, và, nhờ đó, tự nâng mình lên thành lý tính, hiểu như sự phản tư về sự phản tư, nắm bắt cái Tuyệt đối trong hình thức phù hợp với nó, tức như là “một cái toàn thể (Totalität) khách quan, một cái toàn bộ (Ganze) của cái Biết, một sự tổ chức của những nhận thức”, trong đó “mỗi bộ phận đồng thời là cái toàn bộ”. Nói khác đi, triết học không được tự vừa lòng với một sự “thỏa mãn trong nguyên tắc của sự đồng nhất tuyệt đối” mà phải xuất phát từ đó để “tạo ra một hệ thống của khoa học”. Một nỗ lực triết lý mà không tự kiến tạo thành hệ thống thì vẫn còn bị cột chặt trong những sự giới hạn và là một cái gì bất tất xét về nội dung. Mục tiêu ấy giúp Hegel có một thước đo đầy tự tin khi nhận định về triết học đương thời từ Kant, Fichte cho đến Jacobi (để chỉ kể những tên tuổi lớn). Vì thế, từ 1805, Hegel đã bắt đầu giảng về Lịch sử triết học. Và, như ta sẽ thấy trong BKT I (Ba lập trường của tư tưởng về tính khách quan: §§26-78), hiếm có một triết gia nào có được cái nhìn toàn diện và độc lập từ quan điểm riêng của mình về tình hình triết học đương thời như Hegel. Suốt thời gian ở Jena, Hegel dành mọi nỗ lực cho việc xây dựng hệ thống triết học bằng nhiều phác thảo khác nhau. Nhờ công lao sưu tầm và ấn hành trong thế kỷ XX, ngày nay ta biết được ba bản phác thảo: Lôgíc học, Siêu hình học và Triết học tự nhiên / Logik, Metaphysik, und Naturphilosophie vào năm 1802; Hệ thống về trật tự đạo đức / System der Sittlichkeit (cùng năm) và hai bản thảo về môn học gọi là Triết học-hiện thực / Realphilosophie (tức Triết học Tự nhiên và Triết học về Tinh thần) vào các năm 1803/4 và 1805/6. Ðáng lưu ý ở đây là: tuy Lôgíc học và Siêu hình học còn bị tách rời như hai môn học độc lập, nhưng trong các phác thảo này, ta đã thấy hình dáng của ba phần trong Bộ BKT về sau: Khoa học Lôgíc, Triết học về Tự nhiên và Triết học về Tinh thần. Tình hình đã chín muồi để Hegel có thể tính đến việc trình bày Hệ thống của mình bằng một công trình dày dặn. Từ mùa hè 1805, Hegel đã thông báo sẽ công bố một giáo trình bao hàm toàn bộ Hệ thống. Trong lá thư năm 1805, ông viết: “Sau thử nghiệm đầu tay [ám chỉ các tác phẩm thời trẻ] ấy, suốt ba năm qua, tôi đã im tiếng và tôi chỉ trình bày toàn bộ Hệ thống triết học tại đại học này bằng các bài giảng. Việc làm suốt thời gian ấy sẽ được tôi trình bày trong Hệ thống triết học của mình vào mùa thu này” (Thư tín I, 99). Nhưng, như ta đã biết, độc giả phải chờ mãi đến đầu năm 1807 mới thấy mặt mũi tác phẩm ấy, thế nhưng vẫn chưa phải là Hệ thống khoa học hoàn chỉnh mà chỉ là “Phần thứ nhất” của Hệ thống: quyển Hiện tượng học Tinh thần / Phänomenologie des Geistes. Tác phẩm này thoạt đầu chỉ được dự kiến như là phần “Dẫn nhập” vào triết học (như là “praemissa Phaenomenologia mentis” / Hiện tượng học Tinh thần dự bị cho Lôgíc học và Siêu hình học được giới thiệu trong bài giảng vào lục cá nguyệt mùa đông 1806/1807), nhưng phần “Dẫn nhập” này, khi được chấp bút, đã bùng nổ thành một công trình độc lập như là “Phần thứ nhất” của hệ thống triết học và được thừa nhận rộng rãi như là một tác phẩm “thiên tài” của Hegel! - Vậy là, trong hơn sáu năm làm việc ở Jena, Hegel vừa theo đuổi tư tưởng về hệ thống khi phê phán các nền triết học khác, vừa từng bước xây dựng các bộ phận cho hệ thống của chính mình. Ông ngày càng sáng tỏ về phương pháp tư duy: không dừng lại ở các sự đối lập, cũng không xóa bỏ các sự đối lập mà tìm cách “bao trùm” chúng trong một cái toàn bộ, qua đó chúng được “phủ định”, “bảo lưu” và “nâng cao”. Tư duy “biện chứng” này đã được Hegel vận dụng từ lúc còn ở Frankfurt nhưng nó chỉ thực sự trở thành Phương pháp khoa học ở Jena. Thành tựu ấy được Hegel đúc kết trong Lời Tựa nổi tiếng (vừa dài vừa khó!) đặt ở đầu quyển Hiện tượng học Tinh thần nhưng thực ra là Lời Tựa chung cho toàn bộ hệ thống[10]. Trong Lời Tựa ấy, quan niệm của Hegel về “hệ thống” được lý giải rõ ràng về mặt khái niệm và được biện minh như một Cương lĩnh đầy tham vọng: “Hình thái đúng thật, trong đó Chân lý hiện hữu, chỉ có thể là HỆ THỐNG KHOA HỌC về Chân lý này. Góp phần đưa triết học đến gần với hình thức của khoa học – mục đích để nơi đó triết học có thể trút bỏ danh xưng là “sự yêu mến cái biết” để trở thành Tri thức hiện thực – chính là điều tôi đã tự đặt ra cho mình”[11]. Theo Hegel, ý đồ ấy tương ứng với cả hai mặt của sự tất yếu. Sự tất yếu bên trong: cái Biết phải là khoa học là bản tính tự nhiên của cái Biết; bản tính ấy chỉ được thỏa mãn trong việc trình bày cặn kẽ của bản thân hệ thống triết học. Sự tất yếu bên ngoài: thời điểm đã chín muồi cho việc nâng triết học lên thành khoa học. Ông hiểu thời điểm lịch sử này là “một thời điểm của việc ra đời và chuyển sang một thời kỳ mới”. “Tinh thần đã đoạn tuyệt với thế giới cũ của sự hiện hữu và của sự hình dung trước nay của nó và đang dự tính trong đầu để cho chúng chìm sâu vào dĩ vãng và bắt tay vào công cuộc tái tạo của mình”. Hegel không ngại ngần tuyên bố rằng cái thế giới được đặt cơ sở về mặt siêu hình học và tôn giáo của tinh thần Tây phương đã suy tàn. Tinh thần đã đi ra khỏi “đời sống bản thể” (tức sự xác tín về sự hòa giải trong đức tin) để chuyển sang cái đối cực khác là “sự phản tư vô bản thể”. Trong Hiện tượng học Tinh thần, Hegel trình bày rõ diễn trình lịch sử ấy của Tinh thần: phong trào khai minh đã phản tư phê phán về tất cả mọi sự, và mang cả sự phản tư vào trong thế giới của đức tin tôn giáo, rút cục không có gì trong tay ngoài những “tính hữu hạn trống rỗng”. Sự phản tư đi sâu vào trong chính mình và khẳng định lý lẽ lẫn quyền lực của mình: cuộc đại cách mạng Pháp đã đặt nữ thần lý tính lên ngai vàng; Kant và Fichte hiểu sự phản tư như là sự Tự do tự trị, mang lại động lực mạnh mẽ nhất cho cuộc cách mạng tinh thần ở nước Ðức. Sự tự do “tuyệt đối” ấy mở đường cho trào lưu “lãng mạn” tin rằng có thể thống trị tất cả. Thế nhưng, theo Hegel, Tinh thần nay cũng lại đã vượt ra khỏi sự phản tư vô-bản thể ấy. Chính nguyên tắc về lý tính tự trị của thời khai minh đã cảm nhận sâu sắc về sự “trống rỗng”, thôi thúc hướng đến một tính “bản thể”, và bây giờ, Tinh thần đang đòi hỏi triết học phải khôi phục lại tính bản thể này một cách trọn vẹn. Song, sự khôi phục ấy không thể thực hiện bằng con đường dựa vào “tình cảm” đơn thuần thế chỗ cho “lao động của khái niệm” (như nơi Jacobi, Fichte hậu kỳ, Schleiermacher và các nhà “lãng mạn”), bằng sự “phấn khích tâm hồn” trong một “cái Biết trực tiếp” hòng nắm bắt cái Tuyệt đối nhờ “trực quan trí tuệ” (như trường phái Schelling). Theo Hegel, cả phong trào khai minh lẫn các xu hướng chống lại khai minh đều rơi vào chỗ phiến diện và cực đoan. Hegel nhìn ra “cái nút thắt chủ yếu nhất” của hiện tình là ở trong sự đối lập giữa hai lập trường cực đoan này, vì thế, cần nhận định rõ về chỗ hợp lý lẫn chỗ hạn chế của cả hai. Nếu phía chủ trương “tính thần thánh trực tiếp” có được một nguyên lý “bản thể” thì phía khai minh đối lập cũng đã đáp ứng một yêu cầu cần thiết của Tinh thần là mở rộng sự phản tư lên tất cả những gì có thể nhận thức được, lên “sự phong phú của chất liệu”. Vậy, nhiệm vụ nặng nề của triết học, theo Hegel, là phải khắc phục cả hai quan điểm và “trung giới” chúng vào trong một sự thống nhất “cao hơn”. “Tình cảm và trực quan” hướng đến cái Tuyệt đối như đến cái Toàn bộ không phân ly quả đã khôi phục lại khả thể cho một nền triết học “bản thể”, “thực chất”, nhưng như thế là chưa đủ. Nó còn thiếu “sự triển khai và sự đặc thù hóa của nội dung”, còn thiếu “sự trưởng thành của hình thức, qua đó những sự phân biệt được xác định vững chắc và được sắp xếp trong các mối quan hệ chặt chẽ”. Ðó là công việc của lao động khái niệm nặng nhọc, của một sự phản tư được thực hiện một cách phổ quát. Triết học cần phải vượt bỏ cái “bề sâu trống rỗng”: “Sức mạnh của Tinh thần chỉ có độ lớn tương đương với sự biểu lộ sức mạnh đó ra; bề sâu của nó chỉ là sâu tương đương với mức độ nó dám triển khai và đánh mất mình đi trong sự phơi bày và bộc lộ của mình”. Từ đó dẫn đến câu nói nổi tiếng thường được trích dẫn trong Lời Tựa này: “Cái Ðúng thật là cái Toàn bộ”. Trước hết, câu này muốn nói rằng một tính hữu hạn bị cô lập, tách rời thì không có chân lý, trái lại, cái hữu hạn chỉ là đúng thật khi nó được đặt vào trong một tính toàn bộ-bản thể. Nhưng, cái Toàn bộ này cũng không được phép hiểu như là cái nhất thể được khẳng định một cách đơn thuần trực tiếp mà là một nhất thể đã được triển khai, đã được phân thù mạch lạc, chặt chẽ. Vì thế, đối với triết học, câu này có nghĩa: “hình thái đúng thật trong đó Chân lý hiện hữu… chỉ duy nhất là Hệ thống khoa học về Chân lý”. “Hệ thống”, theo cách hiểu của Hegel, không phải là một sự phản tư của tư duy về một đối tượng ở bên ngoài nó, rồi tập hợp lại thành một công trình bao quát như là sản phẩm của đầu óc, bởi như thế là vẫn chưa khắc phục được sự đối lập giữa tư duy và đối tượng. Tư duy mà Hegel đòi hỏi và quyết tâm hiện thực hóa phải “vượt bỏ” (“aufheben”) mọi sự đối lập. Có nghĩa là, nó hợp nhất chính mình với Ý niệm như là với cái Phổ biến tối cao, vượt lên khỏi mọi cái hữu hạn và phân ly. Do đó, chính cái tối hậu và tối cao (tức: Ý niệm đầy hoạt lực hay Tinh thần-tuyệt đối) tự phơi bày trong bản thân tư duy. “Hệ thống phản tư” phải là sự tự-phản tư của Tinh thần-tuyệt đối. Nói cách khác, trong việc xây dựng hệ thống, triết học không tạo ra một tổng thể của những đối tượng mà tham gia vào việc tự-trung giới của cái Tuyệt đối! Nhưng, nếu triết học được hiểu như là Siêu hình học về cái Tuyệt đối thì quan hệ của nó sẽ ra sao với tôn giáo, khi tôn giáo cũng có cùng một yêu sách tuyệt đối như thế? Hegel xem Kitô giáo là tôn giáo trong hình thái phát triển nhất, là “tôn giáo tuyệt đối”[12], vì trong đó Thượng đế được đề cập với tư cách là Tinh thần. Nhưng, theo ông, tôn giáo này chỉ nắm bắt cái Tuyệt đối trong hình thức của sự hình dung bằng biểu tượng, khi đặt cái Tuyệt đối như là một đối tượng đối lập lại với chính mình. Tôn giáo ấy quả đã có nội dung tuyệt đối nhưng chưa mang lại được cho nội dung ấy một hình thức tuyệt đối. Vì thế, tôn giáo không đủ năng lực để tiến hành sự hòa giải của Tinh thần với chính mình như yêu cầu của thời đại. Vậy, chỉ có “cái Biết tuyệt đối hay Tri thức-tuyệt đối” mới mang lại hình thức tuyệt đối cho nội dung tuyệt đối, vì đó là hình thái tối hậu và không thể vượt qua được nữa của Tinh thần. Trên đây là khái lược về yêu sách của Hegel đặt ra cho hệ thống triết học của ông. Chân lý của tôn giáo (và bên cạnh nó, nghệ thuật không có thế đứng riêng biệt, khác hẳn với quan niệm của Kant) được bảo lưu trong hệ thống, được nhận thức trong sự tất yếu của nó, nhưng đồng thời cũng bị tương đối hóa. Bởi lẽ chính hệ thống triết học hay cái Biết-tuyệt đối mới là Tôn giáo trong sự hoàn chỉnh tối hậu và không một nội dung thần học nào còn nằm ở bên ngoài triết học nữa! Và cũng chính vì thế mà cái Biết-tuyệt đối cũng đồng thời là cái Thực hành (Praxis) đích thực. Hegel có tham vọng giải quyết cả nhiệm vụ mà cuộc Ðại Cách mạng Pháp đã không thể đảm đương được, đó là hiện thực hóa sự Tự do đúng thật. Cách mạng Pháp chỉ kết thúc trong sự “khủng bố”, vì thế, “sự tự do tuyệt đối chuyển từ hiện thực tự hủy hoại chính mình [nước Pháp] sang mảnh đất khác của Tinh thần tự giác”[13] tức sang nước Ðức với cuộc Cách mạng-tinh thần mà Kant đã phát động. Hegel không cho rằng lao động triết học chỉ là “lý thuyết suông”, trái lại, “tôi ngày càng xác tín rằng lao động lý thuyết làm được nhiều điều hơn lao động thực hành: chỉ khi tiến hành cuộc cách mạng trong vương quốc của thế giới biểu tượng thì thế giới hiện thực mới không còn đứng vững được nữa!”[14]. I. 2: Ba ấn bản của Bách khoa thư - Nếu ý tưởng về hệ thống đã chín muồi trong các năm ở Jena (với cao điểm là Hiện tượng học Tinh thần) thì thời gian ngắn làm báo ở Bamberg và thời gian 8 năm dạy học tiếp theo ở Nürnberg (1808-16) là cơ hội để Hegel thực hiện ý tưởng ấy. Trong lời “Tự giới thiệu” / “Sebstanzeige” về quyển Hiện tượng học, Hegel đã thông báo về kế hoạch tiếp theo: “Phần thứ hai sẽ là hệ thống về Lôgíc học như là triết học tư biện và hai phần còn lại của triết học sẽ dành cho khoa học về Tự nhiên và về Tinh thần”. Hegel tuy chưa giữ được lời hứa nhưng ông vẫn trung thành với kế hoạch gồm ba phần ấy. Thời gian ở Nürnberg, ông tập trung vào bộ phận thứ nhất và đạt được kết quả ngoài cả dự kiến: bộ [Ðại] Khoa học Lôgíc đồ sộ đã được hoàn tất, và xuất bản thành ba quyển (Học thuyết về Tồn tại; Học thuyết về Bản chất và Học thuyết về Khái niệm) vào các năm 1812, 1813 và 1816, làm cơ sở cho BKT I (thường được gọi là “Tiểu-Lôgíc học”). Ðồng thời, một cơ duyên khác thúc đẩy ông sớm hoàn thành bộ Bách khoa thư. Với tư cách là hiệu trưởng trường trung học Ägidiengymnasium ở Nürnberg và phụ trách giảng dạy môn dự bị triết học cho bốn lớp lớn, ông phải chấp hành “Quy định chung về cơ sở giáo dục công cộng” năm 1808 của vùng Bayern, yêu cầu phải “tập hợp các môn giảng dạy riêng lẻ về tư duy tư biện thành một Bách khoa thư triết học”. Yêu cầu ấy tạo cơ hội cho ông thực hiện cả hai mục đích: – soạn nội dung các bộ phận của triết học thật ngắn gọn, mạch lạc, vừa với khả năng tiếp thu của học sinh (đúng với chủ trương của ông trong Lời Tựa quyển Hiện tượng học Tinh thần: “làm cho triết học đồng thời có tính công truyền, dễ hiểu, có thể học được và trở thành sở hữu của mọi người”) và – trình bày triết học như một hệ thống. Hai mục đích cụ thể trên đây là nguyên nhân trực tiếp cho sự ra đời của bộ Bách khoa thư các khoa học triết học. Trong niên khóa 1810 / 11, Hegel đã bắt đầu giảng dạy triết học “một cách có hệ thống”, rồi trong niên khóa 1811 / 12, ông bắt đầu gọi chung các môn học là “Bách khoa thư triết học” thay vì “Các khoa học dự bị triết học” hay “Triết học” như trước đây. Nhờ các bước chuẩn bị ấy nên ta không ngạc nhiên khi Hegel – vừa hoàn tất bộ Khoa học Lôgíc (1816) và được mời lên giảng dạy tại đại học Heidelberg vào mùa thu năm ấy, – đã giảng ngay một giáo trình về Bách khoa thư các khoa học triết học và đó cũng là tên gọi chính thức của công trình được ấn hành ngay vào khóa học mùa hè 1817 chứ không còn phải chờ đợi như các lần trước. Với việc ra mắt bộ BKT, Hegel đã đạt được mục tiêu theo đuổi lâu nay. Dù trong Lời Tựa cho Ấn bản lần thứ nhất này, Hegel viết: “Nhu cầu cung cấp cho những người nghe một hướng dẫn để theo dõi các khóa giảng triết học của tôi là lý do trực tiếp nhất khiến tôi cho ra đời quyển cương yếu khái quát về toàn bộ phạm vi của triết học sớm hơn dự định”, nhưng dù sao tác phẩm cũng là bằng chứng cho thấy triết học “về cơ bản” là “Bách khoa thư” vì “cái Ðúng thật chỉ với tư cách là cái toàn thể và chỉ thông qua sự phân biệt và xác định những sự khác biệt của nó mới có thể là sự tất yếu của cái toàn thể và là sự tự do của cái toàn bộ” (Lời Tựa I cho BKT I). Từ nay, Hegel có thể dựa vào quyển cương yếu này để trình bày hệ thống của mình. Các công bố trong thời gian về sau minh chứng điều ấy. Ông không còn tiếp tục cách trình bày bằng hình thức tác phẩm chi tiết và hoàn chỉnh như bộ [Ðại] Khoa học Lôgíc trước đây nữa. Phần Triết học về “Tự nhiên” cũng như Triết học về “Tinh thần chủ quan” không được triển khai thêm ngoài những gì được viết cô đọng trong BKT II và III. Trong thời gian từ 1818 (khi bắt đầu chuyển lên đại học Berlin cho đến khi qua đời), ông chỉ công bố một tác phẩm có hệ thống, đó là “Các nguyên lý cơ bản của triết học pháp quyền” / Grundlinien der Philosophie des Rechts (1821). Chủ đề này về “Tinh thần khách quan” đã được trình bày ngắn gọn trong BKT III và tác phẩm “Các nguyên lý” nói trên thực chất cũng chỉ là Bản hướng dẫn chi tiết hơn để theo dõi bài giảng, còn các chủ đề khác được tóm lược khái quát trong BKT III (triết học về lịch sử thế giới, mỹ học, triết học tôn giáo cũng như lịch sử triết học) cũng chỉ được triển khai dưới hình thức bài giảng (phần lớn do các môn đệ ghi chép lại) chứ không phải là các tác phẩm độc lập đúng nghĩa. - Trong thời gian ở Berlin, bản thân BKT ngày càng chính thức trở thành tài liệu giảng dạy căn bản. Năm 1827 ra mắt Ấn bản lần thứ 2, được sửa chữa và mở rộng đáng kể: số trang gần gấp đôi Ấn bản lần thứ 1 (1817) với hơn 100 tiểu đoạn được bổ sung. Có thể nói, Ấn bản 2 là một công trình hầu như hoàn toàn mới mẻ, thu lượm những thành quả nghiên cứu suốt hơn 10 năm kể từ Ấn bản 1. Khi Ấn bản 2 ra mắt, Hegel đang ở trên đỉnh cao của sáng tạo và danh vọng. Tác phẩm trở nên độc lập với mục đích cố hữu là cương yếu cho các bài giảng mà đã trở thành biểu tượng cho toàn bộ hệ thống triết học Hegel, được đón nhận và ca tụng nồng nhiệt. Nhà thần học Rust viết thư cho Hegel: “Nước Ðức có quyền tự hào về Ấn bản lần thứ hai này của công trình vĩ đại” (Thư tín III, 240). Lời ca tụng ấy có lẽ không phải là quá đáng trong bối cảnh đương thời, vì Ấn bản lần 2 quả thật đã thành công vang dội, nhanh chóng được bán hết và ngay từ tháng 6.1829, nhà xuất bản đã đề nghị Hegel cho tái bản lần thứ 3. - Ấn bản lần thứ ba (1830) cũng được đích thân Hegel kịp đọc lại và sửa chữa nhiều trước khi ông đột ngột qua đời vào năm sau (1831). Ðiều ấy cho thấy Hegel không bao giờ vừa lòng với những gì đã đạt được và luôn nỗ lực cải tiến tư tưởng của mình. Ông đã dành suốt nửa đời người cho tác phẩm này với mục đích không thay đổi: trình bày hệ thống triết học. I. 3: Tính chất và nội dung của Bách khoa thư - “Bách khoa thư” / Enzyklopädie, theo đúng nghĩa của nó, là sổ tay cương yếu về một ngành khoa học: “Với tư cách là Bách khoa thư, khoa học không được trình bày trong sự phát triển cặn kẽ mà chỉ giới hạn vào các nguyên lý và các khái niệm nền tảng của các ngành khoa học đặc thù” (BKT I: §16). Vì thế, dù được cải tiến và bổ sung ở các lần tái bản, Bách khoa thư vẫn không đánh mất tính chất ấy. Nhưng, Bách khoa thư các khoa học triết học khác với Bách khoa thư của các ngành khoa học khác – vốn khá nhiều ở thời Hegel – ở chỗ nào? Theo Hegel, các tác phẩm ấy chỉ là một sự tập hợp hỗn tạp các môn khoa học “một cách bất tất và thường nghiệm” (nt). Các khoa học chỉ được tóm lược theo một trật tự ngoại tại chứ không thành một nhất thể thực sự. Ngược lại, BKT triết học phải sắp xếp các môn học theo “sự nối kết tất yếu, được quy định bằng khái niệm”. Triết học là “một toàn bộ gồm nhiều môn khoa học” nhưng cái toàn bộ này luôn tạo nên “Một khoa học đúng thật” (nt). Do đó, “tuy nhan đề của một bộ Bách khoa thư thoạt đầu nhằm dành chỗ cho sự tập hợp các bộ phận một cách ngoại tại với mức độ ít chặt chẽ hơn về phương pháp khoa học, nhưng chính tính chất của Sự việc [đối tượng nghiên cứu] buộc rằng sự nối kết lôgíc vẫn phải là cơ sở nền tảng cho nó” (Lời Tựa II, S14). - Bách khoa thư gắn liền với phương pháp dạy và học quen thuộc thời bấy giờ. Việc dạy và học luôn dựa vào một quyển Cương yếu (có khi là Cương yếu của tác giả khác như Kant vẫn thường sử dụng, vì đó là quy định từ năm 1788 cho các giáo sư ở Königberg: “Quyển Cương yếu tồi nhất dù sao vẫn hơn là không có quyển nào cả, và các giáo sư, nếu tài giỏi, tha hồ bổ sung, sửa chữa các tác giả nhưng việc “thầy đọc trò chép” / Dictata tuyệt đối phải được xóa bỏ”[15]. Bản thân Hegel không bao giờ dùng sách Cương yếu của người khác, mà chỉ dựa vào Cương yếu của mình, nhất là sau khi có bộ BKT và quyển Triết học pháp quyền. Có khi ông trình bày dựa trên các ghi chú tóm tắt, đó là trường hợp các Bài giảng nổi tiếng về lịch sử triết học, mỹ học, triết học lịch sử và triết học tôn giáo. Hegel chỉ có hai lần giảng BKT một cách trọn vẹn ở Heidelberg và Berlin, còn ngoài ra, ông luôn dùng nó làm cơ sở để “giảng thêm bằng miệng” cho các môn chuyên biệt: Khoa học Lôgíc, Triết học về Tự nhiên, Triết học về Tinh thần (chủ quan). Cách làm của ông như sau: trước hết, ông đọc to từng phần hoặc toàn bộ tiểu đoạn (đánh số với dấu §, được in đậm trong sách này) rồi giảng thêm một cách tự do. Các phần gọi là “Nhận xét” đi liền theo từng tiểu đoạn (được in lùi trong sách này) tự chúng có tính minh giải nên ông không đọc. Ngày nay, khi ta đọc BKT với những tiểu đoạn quá súc tích, khô khan, ta không nên quên rằng chúng được bổ sung bằng các lời giảng thêm bằng miệng (Lời “Giảng thêm” bằng miệng này được các nhà ấn hành tập hợp từ nhiều ghi chép khác nhau của môn đệ và được in bằng kiểu chữ nhỏ trong sách này. Chúng có giá trị tham khảo rất lớn, tuy không thể đảm bảo được tính trung thực và đầy đủ). Sau đây ta sẽ lược qua chủ đề của các phần chính trong bộ sách. Dàn bài của Ấn bản 3 trùng hợp với dàn bài của Ấn bản 2, nhưng Ấn bản 3 (1830) được lấy làm căn cứ. - Trước hết, Hegel dành “Lời dẫn nhập” gồm 18 tiểu đoạn cho toàn bộ công trình để bàn ngắn gọn về bản chất của việc làm triết học và về sự cần thiết phải xây dựng nó thành hệ thống. Ông bắt đầu với khẳng định rằng thoạt tiên, triết học có “những đối tượng” chung với tôn giáo. “Cả hai đều có Chân lý làm đối tượng và trong nghĩa cao nhất của từ ấy, trong đó Thượng đế là Chân lý và chỉ duy có Thượng đế là Chân lý. Rồi cả hai cũng bàn về lĩnh vực của cái hữu hạn, về giới tự nhiên và tinh thần con người cũng như về mối tương quan giữa cả hai với nhau và với Thượng đế như là với Chân lý của chúng” (BKT I, §1). Nhưng, như đã nói, trong tôn giáo, cái Biết về cái Tuyệt đối vẫn còn ở trong hình thái chưa phù hợp với nội dung của nó, tức với Chân lý. Tôn giáo nắm bắt cái Tuyệt đối theo phương cách của sự hình dung bằng hình tượng, ngược lại, triết học vượt ra khỏi hình tượng để đi đến với “sự xem xét các đối tượng bằng tư duy”. Thay hình tượng bằng Khái niệm, triết học là phương thức duy nhất đúng để mang lại hình thức phù hợp cho tư duy về cái Tuyệt đối. Từ điểm xuất phát ấy, nhiệm vụ của Lời dẫn nhập là biện minh sơ bộ cho “nhận thức bằng Khái niệm”, qua đó làm rõ tính chất hệ thống của cái Biết. - Sau Lời dẫn nhập về tính hệ thống của triết học (bao gồm mối quan hệ giữa tư duy và sự hình dung bằng biểu tượng, tư duy và kinh nghiệm, lịch sử và hệ thống, bộ phận của hệ thống và toàn bộ hệ thống), Hegel bắt đầu phần thứ nhất: Khoa học Lôgíc. Thế nhưng, một lần nữa, Hegel lại bổ sung thêm phần “Khái niệm sơ bộ” / “Vorbegriff” không dưới 60 tiểu đoạn! Lý do có lẽ vì ông cảm thấy sự khó khăn của độc giả và người học khi đi vào hệ thống, mặc dù đối với triết học – như Hegel đã nhấn mạnh ở Lời dẫn nhập – tuyệt nhiên không thể có một sự “bắt đầu” hay “khởi điểm sơ bộ” nào cả. Bởi nếu triết học vẫn đối xử với tư duy như với bất kỳ một đối tượng đặc thù, có sẵn nào đó, ắt nó sẽ có một chỗ “bắt đầu” giống như mọi ngành khoa học khác và bị cột chặt vào đó. Hegel khẳng định: “Duy nhất là hành vi tự do của tư duy tự đặt mình vào thế đứng chỉ cho chính mình, và qua đó, tự tạo ra và tự mang lại đối tượng cho chính mình” (§17). “Thế đứng” hay “quan điểm” này – thoạt đầu tỏ ra là một thế đứng trực tiếp, không có sự trung giới – chỉ đạt được ngay bên trong lòng của khoa học. Chính ngay bên trong lòng khoa học mà thế đứng ấy tự biến mình thành kết quả, “trong đó khoa học lại đạt được sự bắt đầu của mình và quay trở lại vào trong chính mình”. Cách nói khó hiểu ấy mang ngụ ý: triết học trở thành một vòng tròn hoàn hảo, do đó, không thể có một sự bắt đầu như trong các ngành khoa học khác. Vậy, sự “bắt đầu” hay “khái niệm sơ bộ” có chăng chỉ là dành cho người học “quyết tâm làm công việc triết lý” (§17) mà thôi. Phần “Khái niệm sơ bộ” này là sự “bắt đầu” để giúp cho người học đỡ bỡ ngỡ, bởi ông nghĩ rằng Lời Tựa nổi tiếng trong Hiện tượng học Tinh thần có lẽ vẫn chưa đủ để giúp người học làm một “bước nhảy cần thiết” vào trong “tư duy thuần túy, hoàn toàn không còn có điều kiện tiên quyết nào cả”. Trong bài giảng đầu tiên về Bộ BKT này ở Berlin (nhất là phần I: Khoa học Lôgíc), Hegel dùng một cách nói rất ấn tượng: “Quyết tâm làm triết học là dấn mình vào tư duy một cách thuần túy (tư duy là cô độc nơi chính mình), là ném mình vào một đại dương không bờ bến; tất cả mọi màu sắc sặc sỡ, mọi cứ điểm trên đất liền, mọi ngọn hải đăng thân thuộc đều đã lịm tắt hết. Chỉ còn có một ngôi sao duy nhất, – ngôi sao bên trong của Tinh thần –, là còn lóe sáng: đó là sao Bắc đẩu”[16]. Tóm lại, trong khi không thể có một sự “dẫn nhập” đúng nghĩa vào hệ thống triết học (tức vào bộ BKT) thì chính yêu cầu sư phạm đã buộc Hegel phải viết Lời Tựa dài ngót trăm trang cho Hiện tượng học Tinh thần trước đây và phần “Khái niệm sơ bộ” hơn 60 tiểu đoạn cho BKT hiện nay! Ông viết thư cho Daub, đồng nghiệp cũ ở Heidelberg và là người được ông nhờ theo dõi việc in Ấn bản 2 của BKT: “Việc mở rộng phần Dẫn nhập đã làm tôi mất rất nhiều thời gian và công sức (…) Công việc càng khó khăn hơn cho tôi, vì phần dẫn nhập chỉ có thể đứng trước chứ không thể đứng ở bên trong bản thân triết học được!”[17]. Sáu mươi tiểu đoạn của “Khái niệm sơ bộ” tuy “không đứng bên trong” nhưng thực chất là sự dẫn nhập cần thiết để đi vào phần thứ I: Khoa học Lôgíc với ba phần nhỏ: học thuyết về Tồn tại, học thuyết về Bản chất và học thuyết về Khái niệm (Ý niệm). Ở phần 2 của bài giới thiệu này (và nhất là trong phần Chú giải dẫn nhập của người dịch cho từng tiểu đoạn), ta sẽ có dịp bàn sâu hơn về Khoa học Lôgíc, vì thế ở đây chỉ nói lướt qua để có một cái nhìn tổng thể: - Hegel hiểu “Lôgíc học” không chỉ theo nghĩa quen thuộc của Lôgíc học hình thức hay Lôgíc học-giác tính mà chủ yếu và trước hết như là Siêu hình học. Như đã thấy, trong thời kỳ ở Jena, Hegel còn phân biệt giữa Lôgíc học và Siêu hình học, xem chúng là hai môn học riêng biệt. Bây giờ, ông có cái nhìn hợp nhất. Trong Ấn bản 2 của BKT (1827), ông viết: “Lôgíc học, trong ý nghĩa cơ bản của triết học tư biện, thay chỗ cho môn thường được gọi là Siêu hình học và vốn được nghiên cứu như là môn học tách rời với Lôgíc học” (BKT, 1817, §18). Trong Ấn bản III (1830), ông giải thích rõ hơn: “Lôgíc học tư biện bao hàm Lôgíc học và Siêu hình học trước đây, bảo lưu các hình thức tư tưởng, quy luật và đối tượng của chúng đồng thời mở rộng và cải biến bằng nhiều phạm trù khác nữa” (§9). Hay ngắn gọn hơn: “Lôgíc học… trùng khít với Siêu hình học” (§24). Nếu người đọc đời sau thường đánh giá cao Hegel trong các công trình về Triết học-Tinh thần (mỹ học, triết học pháp quyền, triết học tôn giáo, triết học lịch sử…) như là nhà tư tưởng kiệt xuất về các lĩnh vực văn hóa (cũng như đánh giá cao Schelling vì đã khôi phục vị trí của triết học về Tự nhiên ngay trong lòng chủ nghĩa duy tâm Ðức) thì ta luôn nhớ rằng trọng điểm nghiên cứu của ông là khôi phục và đổi mới Siêu hình học và Lôgíc học, hai môn học cổ xưa nhất và căn cơ nhất của triết học Tây phương. Triết học-Tinh thần cũng chỉ có thể được thấu hiểu trên cái nền chung của Lôgíc học mới mẻ này. Ấn bản I (1817) đã nhận định rằng triết học phê phán của Kant đã làm cho “Siêu hình học đi đến chỗ cáo chung” (§18). Hegel không muốn chấp nhận điều này như một định mệnh đã an bài. Ngay trong Lời Tựa của bộ [Ðại] Khoa học Lô gíc (1812), ông đã viết: “Vì khoa học và lý trí con người thông thường đã tay trong tay làm cho Siêu hình học suy tàn nên dường như ta đang chứng kiến một quang cảnh thật lạ lùng: một dân tộc có văn hóa mà lại không có Siêu hình học, không khác gì một ngôi đền được trang hoàng lộng lẫy mà lại thiếu vị thần tối linh”([18]). Hegel muốn đổi mới Lôgíc học và Siêu hình học nhằm mang lại “linh hồn đích thực” cho đời sống tinh thần của dân tộc. Kant, Fichte, Schelling đã chuẩn bị miếng đất (phê phán, “phát quang” nền Siêu hình học giáo điều cổ truyền bằng nguyên tắc mới mẻ của tính chủ thể), bây giờ Hegel muốn tiếp tục phát triển tính khái niệm dựa theo sự tất yếu nội tại để làm cho môn học này không chỉ tương ứng với cái hữu hạn mà cả với cái vô hạn. Vì thế, trong Ấn bản I của BKT, Hegel không che giấu tham vọng muốn trình bày Lôgíc học như là “cơ sở tuyệt đối” cho tất cả: không chỉ như là “triết học tư biện” mà có cả “ý nghĩa của thần học tư biện” (BKT 1817, §17). Mục đích và kế hoạch đã rõ. Còn việc thực hiện phần “Tiểu Lôgíc học” này trong BKT I cũng tương đối dễ dàng vì ông có thể dựa vào công trình [Ðại] Khoa học Lôgíc gồm ba tập trước đây. Trước khi qua đời (1831), ông chỉ kịp sửa chữa, bổ sung (gần gấp đôi số trang!) cho tập I của [Ðại] Khoa học Lôgíc (Học thuyết về Tồn tại), vì thế phần Khoa học Lôgíc tóm tắt trong BKT I thuộc Ấn bản lần thứ ba (1830) (thường được gọi là Tiểu Lôgíc học) này có thể được xem là “định bản” về Lôgíc học của Hegel trước khi ông qua đời. - Hegel dành phần II (BKT II) gồm 131 tiểu đoạn (§§245-376) [chưa có trong bản dịch này] để trình bày hệ thống Triết học về Tự nhiên và đây cũng là phần duy nhất được công bố về lĩnh vực này. Hegel biết và quan tâm đến các thành tựu đương thời về khoa học tự nhiên, nhưng với “Triết học về Tự nhiên”, Hegel có ý đồ khác về nguyên tắc so với các khoa học tự nhiên. Triết gia Hegel không quan tâm đến việc nghiên cứu những đối tượng tự nhiên và những hiện tượng của chúng (đó là nhiệm vụ của các khoa học tự nhiên), cũng không nhằm tổng kết các học thuyết khoa học tự nhiên, trái lại, ông chỉ lưu tâm đến việc nghiên cứu tư duy và các quy luật của tư duy. Nhà triết học tự nhiên đặt câu hỏi: nhận thức về Tự nhiên có thể có được dưới những điều kiện nào và những phát biểu của các nhà khoa học tự nhiên có ý nghĩa gì trong toàn cảnh của tư duy? Nói khác đi, triết học về tự nhiên là một lý luận của tư duy về Tự nhiên. Ở đây, Hegel tiếp tục việc làm của Kant trong Phê phán lý tính thuần túy và Các cơ sở siêu hình học của khoa học tự nhiên. Trong sự tiến lên của nhận thức, ta ngày càng vươn lên những khái niệm chỉ còn chức năng lôgíc và thoát ly khỏi sự quy định vật chất. Theo nghĩa đó, Kant phát triển một hệ thống siêu-lý thuyết mô tả đối tượng nào (như là đối tượng của tư duy) tương ứng với cấp độ nào của quan năng nhận thức. Như thế, “Tự nhiên” – trong quan hệ với quan năng nhận thức – là “tổng thể những quy luật”. Hegel – dựa vào phương pháp biện chứng – trình bày những khái niệm nền tảng nhờ đó ta nắm bắt được những hiện tượng tự nhiên cá biệt, cụ thể. Nhiệm vụ của triết học tự nhiên là “trình bày đối tượng dựa theo sự quy định khái niệm của nó trong diễn trình triết học” (§246). Theo Hegel, sở dĩ Triết học về Tự nhiên là triết học vì nó có thể đề ra những quy định khái niệm một cách tiên nghiệm. Việc nội dung của những quy định khái niệm trùng hợp với những hiện tượng thường nghiệm không phải là nhờ kinh nghiệm lẫn trực quan mà chỉ có thể minh chứng trong việc diễn dịch tiên nghiệm của triết học. Sự khác biệt cụ thể giữa triết học tự nhiên và khoa học tự nhiên là ở chỗ: các khoa học tự nhiên làm việc với đối tượng mà không có một công cụ để diễn dịch những khái niệm một cách tiên nghiệm. Chúng tập hợp dữ liệu từ những quan sát riêng lẻ và rút ra tính quy luật bằng con đường quy nạp. Nhiều phát hiện mới về sự kiện thường nghiệm đôi khi buộc nhà khoa học tự nhiên phải điều chỉnh, thay đổi hoặc ít ra phải giới hạn phạm vi hiệu lực của những “quy luật tự nhiên” đã được quy nạp. Với Hegel, đây là một sự mâu thuẫn, vì trong chừng mực những định luật tự nhiên đúng là “những quy luật” của Tự nhiên thì chúng phải có giá trị vô-điều kiện. Chúng cũng không thể phục tùng trình độ nhận thức của riêng con người chúng ta. Vậy, nếu ta thực sự xem trọng Tự nhiên như là “cái khác của Tinh thần” và chấp nhận những quy luật của nó như những gì không thể dùng tinh thần của ta mà thay đổi được thì ta có thể kiểm tra nhận thức của ta về tự nhiên bằng con đường triết học, đó là hỏi: ta tiến hành những gì trong tư duy khi nắm bắt tự nhiên và những gì ta có thể biến đổi. Triết học không bàn về những quy luật của khoa học tự nhiên, trái lại, nhiệm vụ của nó là kiểm tra tính lôgíc nội tại của các khái niệm, tức chỉ dưới giác độ của tính lôgíc (Logizität) mà thôi. Ðể làm việc này, Triết học Tự nhiên có thể dựa vào công cụ diễn dịch tiên nghiệm của mình. Lẽ tất nhiên, triết học không thể diễn dịch bất kỳ nội dung nào một cách tiên nghiệm được cả mà chỉ diễn dịch hình thức hay những quy định lôgíc được suy tưởng trong một khái niệm. Tính xa lạ của Tự nhiên là ở chỗ: kinh nghiệm và tính khái niệm để phát biểu về kinh nghiệm không trùng hợp trực tiếp với nhau. Cái được kinh nghiệm là cái khác, cái xa lạ và còn phải được nhận thức, tức được nắm bắt trong khái niệm. Ðối tượng tự nhiên thường nghiệm thì bất tất; ta không thể nắm bắt tính đa tạp của những hiện tượng tự nhiên chỉ bằng những phương tiện lôgíc, nghĩa là: kinh nghiệm về đối tượng là không thể dự đoán một cách tiên nghiệm. Nhưng, trong chừng mực cái được kinh nghiệm có một tính phổ biến nơi nó thì tính phổ biến này có thể được nắm bắt trong một khái niệm. Khái niệm này – và đây là điểm then chốt – có thể được rút ra một cách tiên nghiệm trong hình thức lôgíc của nó. Triết học nắm lấy nội dung của kinh nghiệm – tức những dữ liệu của khoa học tự nhiên – và cho thấy rằng hình thức lôgíc của những khái niệm của nó trùng hợp với sự mô tả những dữ kiện của khoa học tự nhiên. Nếu tính phổ biến của những dữ liệu khoa học tự nhiên – được diễn đạt trong những định luật tự nhiên – thực sự phù hợp với những khái niệm lôgíc được diễn dịch tiên nghiệm, thì bấy giờ định luật tự nhiên hầu như đã trở thành hình thức lôgíc, có giá trị độc lập với trình độ nhận thức của ta. Trong việc diễn dịch tiên nghiệm, ta có bằng chứng tất yếu về những quy định của khái niệm; còn khi quay về với kinh nghiệm, ta có sự bất tất của Tự nhiên. Nhờ Triết học Tự nhiên – theo sự tự đánh giá của Hegel – ta có được một sự trình bày có phê phán về những khái niệm của nhận thức của ta về Tự nhiên và những hiện tượng tự nhiên. Khuôn khổ Mấy lời giới thiệu không cho phép đi sâu hơn vào Triết học-Tự nhiên của Hegel, vì thế xin tạm kết thúc bằng một nhận xét ngắn gọn về tác động của nó. Tuy bị nhiều phản bác và hầu như ai cũng đồng ý rằng Triết học Tự nhiên không phải là chỗ mạnh của Hegel, nhưng cũng không thể phủ nhận các tác động của nó, dù chỉ nêu một vài ví dụ. Trong luận án tiến sĩ của mình, K. Marx đã sử dụng phương pháp triết học tự nhiên của Hegel để nghiên cứu nhận thức về Tự nhiên ở thời cổ đại. F. Engels – dựa vào thuyết duy vật lịch sử của Marx – đã thử phát triển một thuyết duy vật biện chứng nhằm trình bày các sự nối kết biện chứng ở trong Tự nhiên. Gần đây hơn, D. Wandschneider (1982) cho thấy có sự gần gũi về lập luận giữa học thuyết của Hegel và khái niệm thời gian trong thuyết tương đối, cũng như M. Gies (1990) chỉ ra sự song hành với lập luận của các thuyết về lượng tử[19]. - Phần Triết học về Tinh thần chủ quan cũng chỉ được Hegel công bố trong khuôn khổ BKT (BKT III, 377-482) [chưa có trong bản dịch này]. Ngay khi còn tập trung nghiên cứu về Lôgíc học ở Nürnberg, Hegel đã dự định nối tiếp công trình này bằng một nghiên cứu về “Tâm lý học”. Ông rất quan tâm đến việc đổi mới môn học này. Trong BKT (Ấn bản I lẫn Ấn bản III), Hegel vẫn không thay đổi ý kiến: “Cũng như Lôgíc học, Tâm lý học thuộc về các môn khoa học còn ít rút ra được những điều bổ ích từ sự đào luyện chung về tinh thần và từ những khái niệm sâu hơn của lý tính trong thời đại chúng ta và đang ở trong tình trạng cực kỳ thảm hại” (§444). Rồi cả trong Ðại cương các nguyên lý của triết học pháp quyền, ông vẫn nhắc lại những khiếm khuyết trong việc xây dựng môn Tâm lý học (§4), và nhắc lại ý định viết một tác phẩm về lĩnh vực này. Tiếc rằng ý định ấy không được thực hiện ngoài những gì được tóm lược trong BKT III. - Về phần “Tinh thần khách quan” (§§488-552) trong BKT, Hegel viết: “Vì lẽ phần này của triết học đã được tôi trình bày trong quyển Ðại cương triết học pháp quyền, nên tôi có thể đề cập đến nó ngắn gọn hơn các phần khác” (§487). Thật thế, sau khi đã có quyển “Ðại cương” này, Hegel không thấy có nhu cầu khai triển thêm phần này trong BKT. - Phần về “Tinh thần tuyệt đối” (§§553-577) cũng quá ngắn gọn. Phần này hoàn toàn không cân đối với các phần trước. Lý do không phải vì ông xem nhẹ mà vì, như đã biết, ông triển khai các nội dung của “Tinh thần tuyệt đối” (nghệ thuật, tôn giáo, lịch sử triết học) dựa vào các ghi chú riêng chứ không dựa hoàn toàn vào các tiểu đoạn quá ngắn gọn trong BKT. - Dù có sự mất cân đối ấy, bộ BKT vẫn thể hiện cái toàn bộ của triết học theo quan niệm của Hegel. Tính chất “không có chỗ bắt đầu” của Triết học dường như là kết quả của bản thân khoa học như một vòng tròn chặt chẽ. Hegel thường bảo: Hệ thống là một “suy luận” (Schluß). Suy luận, theo cách hiểu của Hegel, không phải chỉ là một “suy luận của giác tính”, hợp nhất những cái khác biệt cứng đờ và độc lập, mà phải là việc “trung giới mình với mình” của một cái toàn bộ thông qua các mômen của chính mình. Suy luận có tính “tư biện” ấy “là cái lý tính và tất cả cái lý tính” (Der Schluß ist das Vernünftige und alles Vernünftige”: §181). Theo nghĩa ấy, cái Tuyệt đối cũng là một “suy luận”: nó “viên mãn” với chính mình trong Hệ thống bằng các mômen của mình: cái Phổ biến của Lôgíc học, cái Ðặc thù (và bị phân cắt) của Tự nhiên, tính Cá biệt và tính Chủ thể của Tinh thần. Như ta sẽ thấy ở mục bàn về “suy luận” (§§181-193), nó là “viên mãn” khi mỗi mômen đều trở thành “cái hạn từ trung gian”. Trong BKT, giới Tự nhiên được thiết định như là hạn từ trung gian của “Suy luận-Hệ thống”. Tuy nhiên, trình tự sắp xếp này (điều không thể tránh khỏi trong một hệ thống) cũng dễ gây ngộ nhận như thể các bộ phận chỉ đơn thuần đứng “bên cạnh nhau” “không khác gì các giống” trong một loài (§18) và sự trung giới của Khái niệm ở trong hệ thống chỉ là hình thức ngoại tại của việc “chuyển sang” hay “quá độ” “từ cái phổ biến của Lôgíc học đến Tự nhiên rồi Tinh thần. Do đó, trình tự hệ thống: Lôgíc học, Triết học-Tự nhiên, Triết học-Tinh thần không phải là một trình tự tuyệt đối mà chỉ là tương đối và phiến diện cần được vượt bỏ. Sự tự-trung giới của cái Tuyệt đối chỉ hoàn tất viên mãn, khi cả Tinh thần lẫn cái Lôgíc cũng được thiết định như là hạn từ trung giới và các trình tự hệ thống khả hữu khác cũng được thấu hiểu trong tính chất riêng của chúng: “Triết học… là tròn đầy viên mãn trong chính mình giống như vũ trụ vậy; nó không phải là cái đầu tiên lẫn cái cuối cùng, trái lại, gánh vác và chứa đựng tất cả, nghĩa là hỗ tương và tất cả trong Một”[20]. Trong ba Lời Tựa cho ba Ấn bản (được chúng tôi giới thiệu và chú giải khá cặn kẽ), dù giọng điệu và tâm trạng có khác nhau qua thời gian, nhưng Hegel vẫn giữ vững một lập trường: “Khoa học [Triết học tư biện] hiểu được tình cảm và đức tin [tôn giáo], nhưng bản thân triết học chỉ có thể được phán xét từ khái niệm mà nó lấy làm nền tảng”. Rồi ông kết thúc bộ BKT bằng một trích dẫn (nguyên văn Hy Lạp, không dịch ra tiếng Ðức!) từ quyển Siêu hình học của Aristoteles, cũng từ lập trường vững chắc (chia sẻ với cả Thánh Anselm, nhà kinh viện khai minh) về sự cần thiết phải tránh mọi lòng tin giáo điều khi nó không được kết nối với sự nhận thức. Tiếp bước tiền nhân, Hegel cũng muốn tổng hợp tư duy của thời đại vào trong một hệ thống để đánh dấu một bước phát triển có một không hai trong lịch sử tư tưởng Tây phương: đào sâu Siêu hình học Hy Lạp bằng đức tin Kitô giáo, đồng thời vượt bỏ thần học Kitô giáo trong sự tư biện và hoàn tất trong “Tri thức tuyệt đối” của Tinh thần đã đi đến chỗ tự giác. Dù phê phán hay tán thành, không ít người – từ môn đệ đương thời cho đến các nhà tư tưởng ngày nay – đều phải thừa nhận công lao ấy của Hegel. Rosenkranz (môn đệ) xem BKT là tác phẩm “chứa đựng những khái niệm nền tảng của toàn bộ triết học”. “Nền tảng này không phải là một tấm thảm sặc sỡ dễ bị đứt chỉ mà bền chắc như tường đồng vách sắt”[21]. Rudolf Haym (phê phán nặng nề triết học Hegel): “Một công trình khổng lồ như thế về triết học là chưa từng thấy kể từ Aristoteles”[22]. Richard Kröner: “Bách khoa thư là sự trình bày phong phú nhất và hoàn chỉnh nhất của triết học duy tâm Ðức”, là “ngôi nhà để cho Tinh thần có thể cư ngụ được”[23]. Ngày nay, sau bao “nước chảy qua cầu”, ta không thể không thấy “ngôi nhà” ấy đã có phần… “xuống cấp”, thậm chí nền móng của nó đã bị lung lay, nhưng không thiếu những căn phòng, những ngõ ngách của nó – độc lập với toàn bộ hệ thống – vẫn còn xinh đẹp và vững chắc. Nhưng, như Hegel nói: “chỉ từ cái toàn bộ mới có thể hiểu được các bộ phận”[24], nên khi đi vào và “cư trú” trong từng căn phòng, ta khó và không nên quên hình dáng của ngôi đại hạ lộng lẫy một thời!
[1] Huy Cận, Lửa thiêng. [2] Xem: G. W. F. Tác phẩm hai mươi tập của Hegel / Hegel Werke in zwanzig Bänden: Tập I: Các tác phẩm thời trẻ / Frühe Schriften, Suhrkamp Taschenbuch Wissenschaft, Frankfurt / M, 1969. [3] Hegel, Hiện tượng học Tinh thần, Sđd, tập 3 (Bản dịch và chú giải của Bùi Văn Nam Sơn, NXB Văn học 2006). [4] Hegel, Thư tín / Briefe III, 169. [5] Hegel, Những ấn phẩm đầu tiên / Erste Druckschriften. Bản G. Lasson, Leipzig 1928, tr. 9. [6] Hegel, Thư gửi Schelling ngày 3.11.1800; Thư tín / Briefe I, 59. [7] Tư biện: xem Hiện tượng học Tinh thần, Chú giải dẫn nhập 1.4 của BVNS, NXB Văn học 2006, tr. 151-172. [8] Hegel, Theologische Jugendschriften / Các tác phẩm thần học thời trẻ; H. Nohl ấn hành, Tübingen, 1907, tr. 347 và tiếp. [9] nt, tr. 349. [10] Hegel, Hiện tượng học Tinh thần, Lời Tựa (“Về nhận thức khoa học”), Sđd, BVNS, tr. 1-126. [11] Sđd, tr. 11. [12] Hegel, Hiện tượng học Tinh thần, §§748-787, Sđd, tr. 1425 và tiếp. [13] Hegel, Hiện tượng học Tinh thần, §§596-671, Sđd, tr. 1191-1246. [14] Thư gửi cho Niethammer (người bạn thân luôn giúp đỡ Hegel trong việc xuất bản tác phẩm và thăng tiến nghề nghiệp) ngày 28.10.1808 (Thư tín, I, 253). Xem thêm: Chú giải dẫn nhập cho Lời Tựa I trong sách này. [15] Kant, Toàn tập (Bản Hàn Lâm), tập XIV, Berlin 1911, tr. XXI. [16] Hegel, Các bài viết ở Berlin / Berliner Schriften, tr. 19 và tiếp. [17] Hegel, Thư tín / Briefe III 126. [18] Hegel, [Ðại] Khoa học Lôgíc / Wissenschaft der Logik I, Phần I, bản Lasson, 1932, tr. 4. [19] Xem chẳng hạn: - Wandschneider, Dieter: Không gian, Thời gian, tính tương đối: Những quy định cơ bản của Vật lý học trong Triết học-Tự nhiên của Hegel / Raum, Zeit, Relativität. Grundbestimmungen der Physik in der Hegelschen Naturphilosophie. Frankfurt / M 1982. (tiếp trang sau). - Gies, M: Phép biện chứng của Hegel về vật chất và vũ trụ học vật lý ngày nay / Hegels Dialektik de Materie und die physikalistic Kosmologie der Gegenwart, trong: Hegel-Jahrbuch der Internationalen Hegel-Gesellschaft, Berlin 1990, 319-325. [20] Hegel, Các bài viết ở Berlin / Berliner Schriften, 9. [21] Rosenkranz, Lời Tựa cho ấn bản BKT năm 1845, tr. V. [22] R. Haym, Hegel và thời đại của ông / Hegel und seine Zeit, Berlin 1857, tr. 340. [23] R. Kröner, Từ Kant đến Hegel / Von Kant bis Hegel, tập 2, Tübingen 1924, tr. 502. [24] Hegel, Các bài viết ở Berlin / Berliner Schriften, tr. 9.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC