CHÚ GIẢI DẪN NHẬP BÁCH KHOA THƯ CÁC KHOA HỌC TRIẾT HỌC
CHÚ GIẢI DẪN NHẬP: §§1-18
BÙI VĂN NAM SƠN
G.W.F. Hegel. Bách khoa thư các khoa học triết học 1: Khoa học lôgíc (Logik der Enzyklopädie). Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2008, tr. 34-40. | Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn đã được dịch giả Bùi Văn Nam Sơn cho phép.
… “Ý niệm tự cho thấy như là tư duy tuyệt đối đồng nhất với chính mình, và điều này lập tức tự cho thấy là hoạt động thiết định chính mình đối lập lại với chính mình để tồn tại cho-mình và chỉ tồn tại ở-trong-nhà-nơi-chính-mình trong cái tồn tại khác này. Như thế, khoa học [Triết học tư biện] chia ra làm ba phần”… - Phần “Dẫn nhập” (§§1-18) đúc kết ở cao điểm là tiểu đoạn §18, do đó, chúng ta cần tập trung tìm hiểu tiểu đoạn then chốt này. Tiểu đoạn này giúp ta xác định vị trí của Khoa học Lôgíc trong tổng thể các “Khoa học triết học”, theo quan niệm của Hegel trong bộ Bách khoa thư. Nhiệm vụ khó khăn, vì, để làm được điều đó, cần phải có một sự phân chia (Einteilung) tổng quát nội dung của triết học thành những bộ phận khác nhau. Thế nhưng, việc phân chia ấy tiền-giả định rằng ta đã có một cái nhìn toàn bộ ngay trước khi trình bày có hệ thống. Điều ấy, theo Hegel, là không ổn: không có nền triết học nào có thể mang lại một sự hình dung sơ bộ mà thỏa đáng cả, vì, xét kỳ cùng, nội dung chỉ được biện minh bằng chính tiến trình hình thành có hệ thống, tuần tự và tất yếu của bản thân việc trình bày khoa học. Vả lại, như ta sẽ thấy, theo Hegel, triết học là Khoa học về Ý niệm, nên chỉ có cái toàn bộ của khoa học mới là sự trình bày (Darstellung / presentation) đích thực về Ý niệm chứ không chỉ là việc hình dung (Vorstellung / representation), kiểu sơ đồ cho nhu cầu tìm hiểu theo trực quan và biểu tượng của ta. Vì thế, việc phân chia triết học thành những khoa học đặc thù chỉ có thể được “nhận thức” hay được “thấu hiểu bằng khái niệm” (begriffen) – chứ không phải chỉ “được hình dung” – là từ bản thân Ý niệm trong sự phát triển toàn bộ của nó. Cho nên, nếu phần Dẫn nhập này thử đưa ra một sự “phân chia” nội dung (sự tự-phân chia của Ý niệm sẽ chỉ diễn ra từ §244 và §376 bắt đầu tập II và tập III của Bộ Bách khoa thư) thì chỉ là một việc làm bất đắc dĩ hiểu như một sự “phân chia” trừu tượng về các mômen của Ý niệm mà thôi. Để hiểu sơ bộ về sự phân chia các khoa học triết học và vị trí của khoa học lôgíc, trước hết, cần làm rõ thuật ngữ then chốt: “Ý niệm”, “Ý niệm tuyệt đối”. - “Ý niệm là tư duy tuyệt đối đồng nhất với chính mình”… Để phần nào hiểu được nội dung tư biện của chữ “Ý niệm” của Hegel, ta có thể liên tưởng đến chữ “Nous” của Anaxagoras (500-425 tr. CN)*, đến “Ý niệm” hay “Linh tượng" của Plato hay đến chữ “Logos” của phái khắc kỷ cổ đại. Chúng ta cũng có thể nghĩ đến Ý niệm thứ ba của lý tính thuần túy nơi Kant (còn gọi là Ý niệm thần học hay Ý thể / das Ideal). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, nơi Hegel, hố thẳm “một trời một vực” giữa Ý niệm tự-thân và thế giới hiện tượng (nơi Kant) không còn nữa, nên, với Hegel, Ý niệm là hoàn toàn khách quan, và, giống với Descartes và nhất là Spinoza, Ý niệm là đối tượng đích thực của cái Cogito [Tôi-tư duy] trong chừng mực Cogito vươn tới các kích thước của tư duy thuần túy (thậm chí, của tư duy thần thánh). Vậy, Ý niệm là tính khả niệm [tính có thể suy tưởng được, có thể hiểu được] (Intelligibilität) của mọi sự vật, là tư duy kích hoạt tất cả, và tất cả đều là một sự phản ánh, một sự tham dự vào tư duy. Hay nói ngược lại cũng thế: Ý niệm chính là cái toàn bộ trong tính khả niệm của nó. Ý niệm là toàn bộ mọi sự vật với tư cách là hình thức khả niệm trong suốt đối với tư duy và là bản thân sự trong suốt ấy. Do đó, nó là cái “Eidos”, cái “Idea” theo cả ba nghĩa cùng một lúc: chủ quan, khách quan và tuyệt đối của kẻ nhìn, cái được nhìn và bản thân việc nhìn! Ở phần Giảng thêm cho §236 gần cuối sách này, Hegel đưa ra định nghĩa: “Đó là cái noēsis noēseōs mà Aristoteles đã gọi là hình thức cao nhất của Ý niệm”, nghĩa là: đó là tư duy tự suy tưởng, và, do đó, suy tưởng về tất cả những gì có thể suy tưởng được (khả niệm), tức, toàn bộ mọi sự vật. Tư duy là nền tảng của mọi sự, nên, ở bên ngoài nó (thật ra không thể có cái gì ở bên ngoài nó cả!), tất cả những cái còn lại (thật ra cũng không có cái gì còn lại!) đều là “sai lầm, hỗn loạn, tư kiến trống rỗng, việc làm tùy tiện và ảo tượng phù du: chỉ duy có Ý niệm-tuyệt đối mới là sự Tồn tại, là sự sống bất diệt, là chân lý tự biết về chính mình và là toàn bộ chân lý” (Đại “Khoa học Lôgíc”, II, 484a). Nói cách khác, Ý niệm trước hết là một cái Phổ biến, là cả một Vũ trụ mà ta không bao giờ ra khỏi nó được. Nó là Tư duy – và bất kể nó là gì và đang suy tưởng gì – thì vẫn luôn tự khẳng định chính mình như là Tư duy và, như thế, là bao giờ cũng đồng nhất với chính mình. Hiểu trong sự thuần túy và trừu tượng như là tính khả niệm thuần túy, Ý niệm chính là đối tượng (nghiên cứu) của Khoa học [về] “Lôgíc”, nghĩa là khoa học về Ý niệm xét như là Logos phổ biến, hay, nói như Hegel, về Ý niệm tự-mình-và-cho-mình (chữ “tự-mình-và-cho-mình” ngụ cả hai ý: tính trừu tượng và thuần túy lẫn tính toàn thể, không có sự phiến diện). - … “đồng thời thiết định chính mình đối lập lại với chính mình để tồn tại-cho mình”… Khi định nghĩa Ý niệm như là Tư duy đồng nhất với chính mình thì nó không chỉ có nghĩa là tính phổ biến lô gíc giản đơn (A=A) của Tư duy. Ngay trong cách nói: “đồng nhất với chính mình” (nhất là liên từ “với”) đã ngụ ý là có một tiến trình của việc đồng nhất hóa với chính mình, nghĩa là, khi Tư duy là đồng nhất với chính mình, nó phân biệt (phủ định) chính nó và rồi lại phủ định sự phân biệt hay khác biệt này đi. Như ta sẽ thấy sau này, nơi Hegel, mọi sự khẳng định đúng thật (“đồng nhất với chính mình”) chỉ có được thông qua sự phủ định của phủ định. Cũng giống như cái Vô hạn không gì khác hơn là sự phủ định của cái hư vô vốn là cái hữu hạn, thì sự đồng nhất với chính mình của Tư duy không gì khác hơn là sự phủ định đối với sự khác biệt của nó với chính nó! Chỉ có như thế, nó mới là cái “tồn tại-cho mình” (như sẽ rõ hơn ở §96). Qua việc đồng nhất hóa với chính mình này, tức việc phân biệt hay giữ khoảng cách giữa mình với chính mình mà Ý niệm thể hiện ra như là giới Tự nhiên và, qua đó, đặt cơ sở cho Triết học về Tự nhiên (tập II của Bách khoa thư). Triết học này, trong thuật ngữ Hegel, sẽ là khoa học về Ý niệm trong sự tồn tại-khác của nó, nghĩa là, về Ý niệm trong tính khác biệt với chính nó, trong sự xa cách với chính nó, trong tính “đặc thù” của nó (Besonderheit / particularity) (với nghĩa từ nguyên: trong việc “phân ly” / ”đặc thù” / ”Sonderung / separation / partition). - … “và chỉ tồn tại ở-trong-nhà-chính-mình trong cái tồn tại-khác này”… Ngay trong bản thân việc “đồng nhất hóa với chính mình” của Tư duy, bây giờ nhấn mạnh đến chữ “chính mình”: đó là nói đến tiến trình của việc quay trở lại với chính mình, tức thoát khỏi sự khác biệt, phân ly để trở lại hợp nhất một cách tích cực, khẳng định với chính mình, và bấy giờ, Ý niệm tự hình thành như là Tinh thần (Geist / Spirit / Esprit) và, qua đó, làm cơ sở cho Triết học về Tinh thần, tức, khoa học về Tinh thần quay trở về lại với chính mình từ cái tồn tại-khác của nó. Với tư cách là Tinh thần, khoa học về Ý niệm không còn ở trong tính phổ biến lôgíc (trừu tượng), cũng không còn ở trong tính đặc thù (của Tự nhiên) mà ở trong tính cá biệt (Einzelheit / Singularity / Singularité) tinh thần của hành vi làm chủ chính mình một cách trọn vẹn. Ở bước “dự đoán sơ bộ” này, đó là các sự phân chia khái quát nhất về nội dung của “Khoa học triết học”. Và ta cũng mới tạm thời định nghĩa Khoa học Lôgíc như là khoa học về Ý niệm tự-mình-và-cho-mình. Hegel giải thích rõ thêm ở phần “Nhận xét”mà ta cần lưu ý kỹ để tránh lẫn lộn. - Phần Nhận xét (§18): ... và chỉ có Ý niệm mới [chính là cái] tự trình bày chính mình trong các môi trường (Elemente) khác nhau (…) mà thôi” - Logos, Tự nhiên và Tinh thần là phiên bản đặc thù của Hegel về ba “Ý niệm siêu nghiệm” hay ba “Ý niệm của lý tính” nơi Kant: Thượng đế, Vũ trụ và Linh hồn (con người). Chỗ khác biệt cơ bản giữa Kant và Hegel là: trong khi với Kant, ba Ý niệm này chỉ có giá trị “điều hành” (regulativ), tức định hướng cho nhận thức khi ta muốn vươn đến những gì tuyệt đối, toàn vẹn, chứ tuyệt nhiên không có giá trị cấu tạo (konstitutiv) nên nhận thức, thì nơi Hegel, chúng lại có giá trị nhận thức, thậm chí là nhận thức bản thể học tuyệt đối. Ở đây, ta không bàn về tính khả thi của quan niệm này mà chỉ cố gắng tìm hiểu những gì Hegel muốn nói. a) Logos, Tự nhiên, Tinh thần chỉ là ba mômen bộ phận và tạm thời của Ý niệm tuyệt đối duy nhất mà tính toàn thể của nó phản ánh trong từng Ý niệm nhất định ấy. Vậy, trong Tự nhiên, không có gì khác hơn là chính bản thân Ý niệm, nhưng chỉ có điều: nó tồn tại trong hình thức của cái tồn tại-khác của nó, hay, chính xác hơn, trong hình thức của sự xuất nhượng (Entäußerung / uttering / désappropriation / extériorisation)* của nó. Cũng thế, trong Tinh thần, cũng không gì khác hơn là chính Ý niệm với tư cách là Ý niệm tồn tại-cho mình và trên đường trở thành tự-mình-và-cho-mình. Điều này có nghĩa là gì? b) Ta đã thấy rằng Logos là Ý niệm tự-mình-và-cho-mình, và Lôgíc học là khoa học về Ý niệm như thế, nghĩa là khoa học về Ý niệm thuần túy, về tính khả niệm thuần túy trong sự trừu tượng của tư duy đơn thuần của nó về chính mình. Vậy, Khoa học về Ý niệm vừa không thiên về một cái tự-mình tự nhiên lẫn của một cái cho-mình tinh thần mà vẫn còn ở yên trong sự “không thiên vị” của cái tự-mình-và-cho-mình lôgíc. Nói cách khác, Ý niệm tuyệt đối – với tư cách là Ý niệm lôgíc – là Ý niệm tự suy tưởng chính mình như là Ý niệm thuần túy ở bên ngoài thời gian và không gian, ở bên ngoài con người và lịch sử. Nhưng, trong sự vận động ấy, nó đã mặc nhiên mang dấu ấn của mômen tự nhiên (là sự đối lập của mình với chính mình) và mômen tinh thần (quay trở lại với chính mình một cách tích cực). Như thế, là Tư duy hay Tư tưởng tự suy tưởng, nó là chủ thể (Tư duy, Tư tưởng), đồng thời là đối tượng (“tự” suy tưởng chính nó) và hành vi tuyệt đối của suy tưởng. Nhưng, trong Lôgíc học, hai mômen khác của Ý niệm (mômen tự nhiên và tinh thần) chỉ mới được suy tưởng trong tính phổ biến lôgíc, trong tính ý thể thuần túy: mômen trước sẽ là “tính khách thể” (Objektivität), mômen sau sẽ là “tính chủ thể” (Subjektivität) hay Khái niệm về Ý niệm-tuyệt đối. Vì thế, ta sẽ thấy Khái niệm, Khách thể và Ý niệm sẽ là ba mômen lôgíc của Ý niệm tuyệt đối (từ §162). Còn giới Tự nhiên và Tinh thần (tập II và III của Bách khoa thư) không gì khác hơn là sự hiện hữu thực tồn (real), tự trị, và chừng mực nào đó là bị tách rời, phân lập, của hai mômen chủ quan và khách quan của Ý niệm tuyệt đối. Nếu Ý niệm lôgíc là Ý niệm-tuyệt đối hiện hữu một cách tự do (hay, đúng hơn, trong trạng thái tự do) trong mômen phổ biến của tính khả niệm thuần túy tự suy tưởng tự-mình-và-cho-mình, thì giới Tự nhiên cũng chính là Ý niệm-tuyệt đối ấy nhưng hiện hữu một cách tự do trong mômen đặc thù và mâu thuẫn của tính khách quan hay của cái tự-mình, nghĩa là, của sự đồng nhất trực tiếp và tĩnh tại với chính mình (nơi tính động thuần túy của Ý niệm tự xuất nhượng) và Tinh thần cũng chính là Ý niệm-tuyệt đối ấy, nhưng hiện hữu một cách tự do trong mômen cá biệt của cái tồn tại-cho mình, tức của việc giải phóng tích cực đối với chính mình và quay trở lại tích cực với chính mình nhờ vào việc thiết định chính mình bởi chính mình. c) Rồi Tinh thần – trong sự phát triển của nó với tư cách là Tinh thần-tuyệt đối – sẽ lại hiện thân trong nghệ thuật, tôn giáo và triết học trong tính khả niệm thuần túy của nó và, trải qua mọi thăng trầm của lịch sử thế giới và sự tự do của con người, trở lại nhận biết về Ý niệm-tuyệt đối trong cái tự-mình-và-cho-mình với sự trong suốt về lôgíc đối với chính mình. Vì thế, Tinh thần không chỉ là Ý niệm với tư cách là cái gì cho-mình mà còn là Ý niệm với tư cách đang trở thành tự-mình-và-cho-mình. Từ đó, Hệ thống Bách khoa thư các khoa học triết học kết thúc bằng cách quay trở lại điểm xuất phát, tức, quay trở lại Khoa học Lô gíc như khoa học về Ý niệm tự-mình-và-cho-mình, nhưng với sự khác biệt so với trước: nếu Ý niệm lôgíc lúc ban đầu còn là khả thể của mọi sự thì bây giờ, qua Hệ thống, hoàn tất và trở thành thực tại bản thể của mọi sự, là chỗ kết thúc tối hậu, trong đó tính phiến diện của cả hai mômen (khách quan và chủ quan, tức Tự nhiên (Ý niệm tự-mình) và Tinh thần hữu hạn (Ý niệm cho-mình và trên đường trở thành tự-mình-và-cho-mình) tiêu trầm đi trước cái tự-mình-và-cho-mình của Ý niệm lôgíc nay đã trở thành phổ biến một cách tuyệt đối. - Logos, Tự nhiên và Tinh thần đều không gì khác hơn là Ý niệm-tuyệt đối cho thấy tính liên tục và “trôi chảy” của việc chúng “quá độ” sang nhau. Chân lý của Hệ thống, vì thế, là Ý niệm-tuyệt đối duy nhất. Ý niệm này không hiện hữu một cách trừu tượng ở bên ngoài ba lĩnh vực ấy mà chỉ “vượt bỏ” từng mỗi lĩnh vực như một mômen trừu tượng của chính mình. Vì thế, mỗi một khoa học cá biệt (Lôgíc học, triết học về Tự nhiên, triết học về Tinh thần) không chỉ có nhiệm vụ nhận thức nội dung của riêng mình như là một đối tượng đang tồn tại đơn thuần (seiend / simply ist / qui est), tức như một đối tượng mang đặc điểm của sự trực tiếp, sự tĩnh tại và sự đồng nhất trực tiếp của cái gì “tồn tại”, mà còn phải lập tức nhận thức trong mỗi nội dung ấy cái mômen “trôi chảy” (fliessendes / fluide) hay sự quá độ sang lĩnh vực cao hơn. Lôgíc học không chỉ nhận thức Logos như là Logos mà còn như là sự quá độ của Logos sang giới Tự nhiên (§244). Triết học về Tự nhiên không nhận thức Tự nhiên như là Tự nhiên mà còn như là sự quá độ của Tự nhiên sang Tinh thần (§376), còn triết học về Tinh thần cũng thế, không chỉ nhận thức Tinh thần như là Tinh thần, mà còn như là Tinh thần-tuyệt đối quay trở lại với tư tưởng thuần túy của nguyên tắc lôgíc nguyên thủy của nó (§574). Do đó, sự hình dung bằng biểu tượng phân chia tổng thể của khoa học thành ba bộ phận cứng nhắc là không đúng, trong chừng mực nó đặt chúng bên cạnh nhau, thay vì chỉ ra tính trôi chảy ngay trong lòng của Ý niệm toàn thể duy nhất. (Trong §§575-577 của tập III, với học thuyết về các suy luận của triết học, Hegel sẽ cho thấy: cần nắm bắt Hệ thống không chỉ theo trình tự Logos-Tự nhiên-Tinh thần mà cả theo trình tự kép: Tự nhiên-Tinh thần-Logos và Tinh thần-Logos-Tự nhiên. Ở đây, ta chưa có điều kiện để đi sâu vào vấn đề khó khăn và phức tạp này về “cấu trúc” của hệ thống Hegel). * Ta có một định nghĩa về “Nous” của Anaxagoras: “Nous là không bị giới hạn, tự chủ và không trộn lẫn với vật khác. Chỉ có nó là tồn tại tự-mình và cho-mình”. (Đoạn văn 12, Simplikios trong Phys, 164, 24 và 15b, 13, xem: Die vorsokratischen Philosophen, Einführung, Texte und Kommentare / Các triết gia trước Socrate: Dẫn nhập, văn bản và chú giải (tiếng Đức) của G.S. Kirk / J. E. Raven / M. Sohofield, 2001, tr. 397-398, câu 476. * Entäußerung: nguyên là một phạm trù của Tâm lý học (của Hegel) mà ta sẽ gặp khi chú giải cho §177. Nói chung, nó nói lên việc: một cái gì đó tự từ bỏ cái sở hữu của mình, nghĩa là thiết định bên trong chính mình một cái ngoại tại để, qua đó, trở lại với chính mình một cách dễ dàng hơn, tốt hơn. Chẳng hạn, trong tâm lý học, chủ thể “nội tâm hóa” đối tượng được trực quan bằng cách, từ bên trong chính mình, mang lại cho nó tính ngoại tại của một “tên gọi” để tái tạo ra đối tượng ấy ở trong ký ức chứ không còn cần đến một trực quan hay một hình ảnh nhất thời nữa. Vậy, ở đây, ta tạm hiểu sơ bộ rằng: đây là mômen khi Tư duy thiết định bên trong chính mình một tính ngoại tại, trong đó nó tự từ bỏ, tự “nhượng lại sở hữu của mình” để đi đến với chính mình một cách tốt hơn. Theo đó, ở trong bản thân Ý niệm tuyệt đối, giới Tự nhiên được xem như là mômen khi Ý niệm thiết định một sự khác biệt triệt để (trong đó nó tự từ bỏ sự thuần túy và sự nội tại đơn thuần lôgíc) để qua đó, trở lại với chính mình và “thụ hưởng" chính mình với tư cách là Tinh thần. Thuật ngữ này có thể được dịch là “ngoại tại hóa”, “dị thể hóa”, nhưng chúng tôi đề nghị dịch là “sự xuất nhượng" để muốn nói rõ hơn hành vi “tự-từ bỏ”, “tự nhượng lại sở hữu của mình”. (Xem thêm: “sự xuất nhượng” và “sự tha hóa” (Entfremdung) trong Hiện tượng học Tinh thần. Chú giải dẫn nhập: 8.3.1. Sđd, BVNS, tr. 1061-1066). |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC