Thuyết Duy tâm Đức

Chú giải dẫn nhập Lời tựa 3

CHÚ GIẢI DẪN NHẬP BÁCH KHOA THƯ CÁC KHOA HỌC TRIẾT HỌC

Mục lục 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10                  
                                       

CHÚ GIẢI DẪN NHẬP

LỜI TỰA CHO LẦN XUẤT BẢN THỨ BA (1830)

 

BÙI VĂN NAM SƠN

 


G.W.F. Hegel. Bách khoa thư các khoa học triết học 1: Khoa học lôgíc (Logik der Enzyklopädie). Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2008, tr. 34-40. | Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn đã được dịch giả Bùi Văn Nam Sơn cho phép.


 

“Triết học… trong sự cô đơn và tự do”

Lời Tựa III có giọng điệu còn gay gắt hơn cả hai Lời Tựa trước! Vị “chua chát” trong Lời Tựa này hé lộ phần nào tư thế phải lui về “phòng ngự” của Hegel, dù ông đang ở trên đỉnh cao của danh vọng và hết sức thành công trong sự nghiệp giảng dạy. Lời Tựa III được viết sáng sủa, nên ta chỉ lưu ý một vài điểm ngắn gọn:

-    Trước hết, ông nặng lời đả kích mọi nhận xét, mọi bài điểm sách đối với “công trình đã được nghiền ngẫm thấu đáo suốt bao năm trời và đã được thực hiện với tất cả sự nghiêm chỉnh” của ông (S32, 2) vì không thấy gì trong chúng ngoài “những động cơ không tốt lành của sự tự phụ, ngạo mạn, ghen tỵ và khinh thường v.v…”. Như đã làm quen sơ bộ với Hegel qua hai Lời Tựa trước, ta biết rằng mọi phê phán đối với hệ thống của ông đều bị ông hiểu như là sự thù địch đối với triết học nói chung. Điều này là dĩ nhiên và tất yếu khi Hegel không bao giờ chấp nhận việc phân biệt giữa triết học của ông với bản thân triết học. Nếu bậc tiền bối của ông là Kant đã khiêm tốn bao nhiêu trong chủ trương rằng “Triết học nói chung” (die Philosophie) bao giờ cũng chỉ là một “Ý niệm đơn thuần” để vươn tới, vì thế “ta chỉ có thể học cách triết lý (philosophieren) để hướng theo “nguyên mẫu lý tưởng ấy”, và, “trong ý nghĩa cao cả này, thật quá tự cao nếu tự xưng mình là triết gia và dám cho rằng mình đã đứng ngang hàng với hình ảnh nguyên mẫu của bậc triết nhân chỉ có thể có trong Ý niệm” (PPLTTT, B866-867), thì, một quan niệm như thế về “Triết học” và “Triết gia” không thể được Hegel chấp nhận!

-    Sau đó, ông bàn sâu và rất gay gắt về cuộc tranh luận gọi là “cuộc tranh luận ở thành phố Halle” từ năm 1830 giữa phái “Pietist” [Kiên tín] và phái các nhà duy lý trong “Nhật báo giáo hội Tin lành”, và qua cuộc tranh luận ấy, hai giáo sư thần học bị tố cáo là “nhà duy lý” và “nhà vô thần”! Mặc dù Hegel bảo rằng: “Triết học ắt có thể rất hài lòng thấy mình được đứng ngoài cuộc” (S37) và cá nhân ông không dính líu gì đến cuộc tranh cãi này, nhưng ông vẫn thấy cần thiết phải lên tiếng, vì vấn đề tỏ ra rất thiết thân với ông. Tại sao ông cảm thấy mình cũng bị tấn công? Đó lại là ý đồ muốn kết án việc nghiên cứu nội dung của sự khải thị bằng triết học là “vô-tín ngưỡng". Ở đây, ông không chỉ tự vệ bằng cách vạch rõ rằng không ai có quyền và có tư cách để phán xét về “lòng tín ngưỡng" của người khác, nhất là của những triết gia. Ông còn nhắc lại và nhấn mạnh hơn nữa (bằng nhiều dẫn chứng và trích dẫn từ Thánh kinh) về sự cần thiết và tất yếu phải “mở rộng” nội dung của đức tin bằng nhận thức tư biện mới có thể đạt đến Chân lý đích thực: “Đức tin chỉ trở thành Chân lý bằng sự khai triển này” (S35).

-    Sau đó, ở S16, 4, ông đưa ra dự báo về kết quả của cuộc tranh cãi này bằng cách nhắc lại luận điểm đã trình bày trong Hiện tượng học Tinh thần, rằng tư duy trừu tượng của sự Khai minh của giác tính lẫn sự xác tín bằng “Lòng tin” đơn thuần tình cảm, thiếu vắng mọi nội dung cụ thể, phong phú của nhận thức đều chỉ là một thứ giống hệt như nhau mà thôi: “về phương diện này, chẳng có bên nào hay ho hơn bên nào, và vì lẽ cả hai đương đầu với nhau trong một sự đối kháng đơn giản, nên chẳng còn có chút chất liệu nào để hai bên có thể tiếp cận được với nhau, có thể tìm được một mảnh đất chung để có thể cùng đi vào một sự nghiên cứu hầu kỳ cùng đạt tới nhận thức và chân lý” (S36, 4).

-    Cuối cùng, “trong đám bụi mù của lòng kiêu ngạo, ác tâm và sự lạm dụng” ấy, ông lại thấy mở ra một lối thoát: “bây giờ, không còn chịu sự thúc đẩy của bất kỳ quyền uy nào, kể cả quyền uy tôn giáo (thậm chí còn bị quyền uy này xem như là trò xa xỉ thừa thãi, nguy hiểm hay ít ra là đáng ngờ), nên việc nghiên cứu của chúng ta về khoa học [Triết học] này càng tự do hơn vì chỉ dựa vào sự quan tâm đến bản thân Sự việc và đến Chân lý mà thôi” (S37, 6). Cho nên, triết học càng nghiêm chỉnh bao nhiêu trong công việc của mình, thì càng “cô đơn trong nội tâm và càng tĩnh lặng đối với bên ngoài” (nt). Ta chợt nhớ đến câu châm ngôn cũng nổi tiếng đương thời của W. Humboldt về nghiên cứu khoa học: “Cô đơn và Tự do”! Dù sao, so với những lời lẽ hùng hồn đầy hăm hở của Hegel hơn một thập niên trước đó khi ông nồng nhiệt “chào mừng ánh bình minh của một Tinh thần đã tươi trẻ lại” và thiết tha kêu gọi “dũng khí và tinh thần của tuổi trẻ” trong Diễn văn nhậm chức và Khai giảng ở Berlin năm 1818, thì việc sẵn sàng quay về lại trong cái “bios theoretikos” (cuộc sống trong “Lý thuyết”) cô đơn và tĩnh lặng và nhìn ra trong đó cái “thiên phúc đệ nhất” như Aristoteles đã nói, không khỏi thoảng chút dư vị ngậm ngùi của nền… “triết học-tuyệt đối”.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt