HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC
LỜI TỰA
11. HIỂU NHƯ THẾ NÀO KHI BẢO RẰNG: “HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN” [CHỈ] CÓ TÍNH PHỦ ĐỊNH VÀ CHỨA ĐỰNG CÁI SAI?
G. W. F. HEGEL (1770-1831) BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải
Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả. | Nguyên bản tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh.
§ 38 Tuy nhiên, bởi lẽ Hệ thống này về kinh nghiệm của Tinh thần [Hiện tượng học Tinh thần] chỉ nắm bắt mặt “hiện tượng” của Tinh thần thôi, cho nên con đường tiến lên từ hệ thống này để vươn tới nền Khoa học về cái Đúng thật (das Wahre) – tức cái Đúng thật trong hình thái của chính cái Đúng thật – có vẻ chỉ đơn thuần mang tính phủ định, tiêu cực; và người ta không khỏi nghĩ rằng tại sao không bỏ qua tiến trình phủ định này đi như bỏ qua cái gì sai lầm để tiến thẳng một mạch đến với Chân lý: chứ còn vướng bận với “cái sai” làm gì?(95). Điều đã nêu lên trước đây về việc liệu ta có nên bắt đầu ngay lập tức với Khoa học hay không có thể được giải đáp ở đây bằng cách hãy xem xét phương diện tính chất của cái phủ định, với tư cách là cái “sai lầm” nói chung. Chính những cách nhìn nhận quen thuộc về vấn đề này thường cản trở nghiêm trọng việc tiếp cận Chân lý. Xem xét vấn đề này cũng nhân tiện cho ta cơ hội để bàn về nhận thức toán học, tức loại cái biết không có tính triết học nhưng lại được xem như là lý tưởng mà triết học phải nỗ lực vươn tới, nhưng đến nay vẫn cố gắng hoài công(96).
§ 39 “Đúng” và “Sai” thường được hiểu như thuộc loại những ý tưởng được xác định rõ, có giá trị cứng nhắc, bất động theo đúng bản chất riêng của chúng, đứng cố định và cô lập mỗi thứ một nơi và không có cộng đồng tương tác nào giữa chúng với nhau cả. Bác lại cách hiểu này, cần khẳng định rằng Chân lý không phải là một đồng tiền được đúc sẵn và cứ thế có thể được mang ra tiêu dùng(97). Vả lại, không có một cái Sai [tự thân] cũng như không có một cái Xấu [tự thân]. Cái Xấu và cái Sai thực ra không đến nỗi tà ngụy như bản thân con ác quỷ, bởi, trong hình thức của ác quỷ, ắt chúng bị biến thành những “chủ thể” đặc thù, trong khi với tư cách là “sai” và “xấu”, chúng chỉ đơn thuần là những cái phổ biến [những ý tưởng khái quát], mặc dù chúng có tính bản chất (Wesenheit) riêng, trái ngược nhau. Cái Sai – điều duy nhất được bàn ở đây – được giả định như là cái Khác, như là cái phủ định của Bản thể, còn Bản thể – với tư cách là nội dung của cái biết – là cái Đúng. Thế nhưng, bản thân cái Bản thể cũng thiết yếu là cái phủ định; một mặt, với tư cách là [tham gia vào] việc phân biệt và xác định nội dung, mặt khác, với tư cách là một hành vi đơn giản của việc phân biệt, nghĩa là, phân biệt như là Tự ngã và cái biết nói chung. Tất nhiên, ta có thể biết điều gì đó một cách sai lầm. “Biết một cách sai lầm” có nghĩa là: cái biết không ngang bằng [hay không tương ứng hoàn toàn] với Bản thể của nó. Chỉ có điều, chính sự không-ngang bằng [không-đồng nhất (Ungleichheit) này là hành vi phân biệt (das Unterscheiden) nói chung, là yếu tố bản chất [trong việc nhận thức]. Trong thực tế, chính từ sự phân biệt này mới làm cho sự ngang bằng của những cái được phân biệt nảy sinh ra và sự ngang bằng – đã được trở thành ấy – chính là Chân lý(98). Nhưng, đó không phải là Chân lý theo nghĩa vứt bỏ sự không-ngang bằng ra khỏi nó như thể loại bỏ tạp chất ra khỏi kim loại ròng, cũng không phải như thể dẹp bỏ công cụ đi khi chiếc lọ đã đúc xong. | Bản thân sự không-ngang bằng vẫn tiếp tục có mặt trực tiếp ở bên trong chân lý, xét như chân lý, như là cái phủ định, như là Tự ngã. Tuy nhiên, không phải vì thế mà bảo rằng cái Sai là một yếu tố hay thậm chí là một bộ phận cấu thành của cái Đúng. “Trong cái Sai nào cũng có cái Đúng” là một cách nói, trong đó cả hai có cùng giá trị, hiện diện như nước và dầu, hai chất liệu không thể hòa tan vào nhau mà chỉ nối kết nhau một cách bên ngoài. Chính vì quan tâm đến ý nghĩa nhằm biểu thị phương diện hay yếu tố của cái “tồn tại-khác hoàn toàn”(99), cho nên các từ “đúng” và “sai” không thể được tiếp tục sử dụng một khi sự tồn tại-khác của chúng đã được thủ tiêu và vượt bỏ (aufgehoben). Giống như các cách nói: “sự thống nhất giữa chủ thể và khách thể”, giữa “cái hữu tận và cái vô tận”, giữa “tồn tại và tư duy” v.v.. đều có chỗ không thích đáng khi “chủ thể và khách thể” v.v.. có nghĩa như nằm bên ngoài sự thống nhất của chúng và như thế, trong sự thống nhất ấy, chúng không có ý nghĩa đúng như chính các cách nói về chúng muốn diễn tả, nên cũng thế, cái sai – với tư cách là cái sai – không còn là một yếu tố của chân lý nữa.
§ 40 Thuyết giáo điều (Dogmatismus) về lề lối tư duy (Den-kungsart) trong cái biết cũng như trong việc nghiên cứu triết học không gì khác hơn là cách nhìn nhận [sai lầm] rằng chân lý nằm gọn trong một mệnh đề, như một kết quả [hay đáp số] cứng nhắc, hay, như cái gì được biết một cách trực tiếp. Đối với những câu hỏi theo kiểu: “Caesar sinh lúc nào?” hoặc “Bao nhiêu “bộ” thì thành một “chặng” ?” v.v.., ta có thể đưa ra một câu trả lời gọn ghẽ; cũng thế, nhất định là đúng khi bảo rằng bình phương của cạnh huyền bằng tổng bình phương của hai cạnh còn lại của một tam giác vuông. Thế nhưng, bản tính của cái gọi là chân lý thuộc loại như thế là khác với bản tính của những chân lý triết học(100).
(95) Cấp độ của “Logos” tuyệt đối chỉ đạt được ở chỗ kết thúc “Hiện tượng học”: “Khoa học lô-gíc” như là “Hệ thống về kinh nghiệm của Tinh thần” phải quan hệ với “Hệ thống về kinh nghiệm của ý thức” như là “những hiện tượng trong mối quan hệ với thế giới”. Do đó, chính những “hiện tượng” này là sự “trung giới” tất yếu của cái Tuyệt đối, nếu không, sẽ không có cái Tuyệt đối hiện thực, cụ thể. Vấn đề được bàn ở đây là: cái “phủ định” như là “hiện tượng” đối lập với Tự ngã đúng thật không chỉ đơn thuần là “cái sai”, do đó, cần xác định thế nào là “đúng” và “sai”. (96) Hai lý do khiến Hegel phải vạch rõ ranh giới giữa phương pháp triết học và phương pháp toán học: a) Toán học, ở thời cận đại, do tính chính xác của nó, được xem là “lý tưởng” mà triết học phải hướng đến và mô phỏng (Spinoza cố ý phát triển hệ thống của mình theo “kiểu hình học”/“Ordine geometrico”; và cả Schelling cũng theo gương này trong “Triết học đồng nhất” từ 1801. b) Bản thân “Khoa học Lô-gíc” của Hegel cũng có vẻ như được trình bày chặt chẽ theo kiểu toán học. Do đó, để chống lại dư luận cho rằng mình theo “chủ nghĩa toàn-lôgíc” (Panlogismus), Hegel vạch rõ chỗ dị biệt của mình với tư duy toán học đang thống trị. (97) Hình ảnh mượn từ vở kịch thơ “Nathan, người hiền” (Nathan, der Weisen) (1779) của G.E. Lessing, hồi 3, cảnh 6 và Schelling (“Các bài giảng về học vấn hàn lâm”/“Vorlesungen über das akedemische Studium”, 1802): “Thứ vô-triết học gọi giác tính là lành mạnh vì nó chỉ là lý trí thông thường, và hầu như chỉ đòi hỏi những đồng tiền mặt kêu rủng rỉnh của chân lý. [Do đó] trong triết học nói chung, nó tạo ra con quái vật của một thứ triết học giáo điều thô lậu, đo lường cái Vô-điều kiện bằng cái có-điều kiện, tìm cách mở rộng cái hữu tận thành cái Vô-tận (bài giảng thứ 6, dẫn theo Erwin Metzke). (98) Chân lý hay cái Đúng thật là “sự ngang bằng đã trở thành”: tiến trình nhờ đó sự ngang bằng được thiết lập là tiến trình thiết yếu không tiêu biến đi trong kết quả. Vận động của cái biết thiết lập nên cái Đúng thật và bản thân cái Đúng thật (như là kết quả) là thiết yếu gắn liền với nhau, và không chỉ cho sự nhận thức mà ở trong bản thân Bản thể. Cái “Sai” như là mô-men (Moment) của tiến trình biện chứng không phải là cái Sai theo nghĩa thông thường, tức không phải là cái không-Đúng thật (das Un-wahre) như là cái đối lập đơn thuần đối với Chân lý. (99) Những cái đối lập không phải cứ là như thế dù ở bên ngoài hay ở bên trong sự tổng hợp của chúng: “Trước khi tổng hợp, những cái đối lập là hoàn toàn khác so với sau khi tổng hợp; trước sự tổng hợp, chúng là những cái đối lập và chỉ thế thôi: cái này không phải là cái kia; cái kia không phải là cái này” (Hegel, W. I. tr. 45). Vậy “cái tồn tại-khác hoàn toàn” (das vollkommene Anderssein) tương ứng với cái gì đi trước sự tổng hợp. (100) “Chân lý không nằm gọn trong một mệnh đề”: nó chỉ là đúng trong sự nối kết và là sai khi bị thiết định một cách “tuyệt đối”. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC