Siêu hình học

Các nhận xét chung và kết luận về cảm năng học siêu nghiệm

PHÊ PHÁN LÝ TÍNH THUẦN TÚY - MỤC LỤC

 

CÁC NHẬN XÉT CHUNG VÀ KẾT LUẬN VỀ 

CẢM NĂNG HỌC SIÊU NGHIỆM

1 2 3 4 5

 

IMMANUEL KANT (1724-1804)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Immanuel Kant. “Cảm năng học siêu nghiệm” trong Phê phán lý tính thuần túy (Kritik der Reinen Vernunft). Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, 2004. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã có sự cho phép của dịch giả.


 

Mục lục

1. Dẫn nhập

2. Về không gian

3. Về thời gian

4. Giải thích

5. Nhận xét chung và kết luận

 

CÁC NHẬN XÉT CHUNG VỀ CẢM NĂNG HỌC SIÊU NGHIỆM

I. Trước hết, cần thiết phải giải thích càng rõ càng tốt ý kiến của chúng ta liên quan đến tính chất cơ bản [căn tính] (Grundbeschaffenheit) của nhận thức cảm tính nói chung để ngăn ngừa mọi sự hiểu lầm.

Những điều chúng ta muốn nói là:

[ – ] Mọi trực quan của ta không gì khác hơn là biểu tượng về hiện tượng;

[ – ] Ta trực quan những sự vật không phải là trực quan cái gì nơi tự thân chúng, cũng không phải trực quan các quan hệ theo bản tính tự thân của chúng, mà như chúng xuất hiện ra cho ta;

[ – ] Nếu ta thủ tiêu chủ thể của ta hay chỉ thủ tiêu bản tính cấu tạo chủ quan của giác quan nói chung, thì mọi thuộc tính, mọi mối quan hệ của những đối tượng trong không gian và thời gian, và thậm chí cả bản thân không gian và thời gian cũng sẽ biến mất cả và với tư cách là những hiện tượng, chúng không thể tồn tại tự-thân, mà chỉ có thể tồn tại (existieren) trong ta. Cái gì có thể xem là có nơi tự thân những đối tượng và tách rời khỏi mọi tính thụ nhận của cảm năng chúng ta là điều hoàn toàn không thể biết được đối với ta. Chúng ta không biết gì ngoài phương cách của chúng ta để tri giác những đối tượng; phương cách ấy là của riêng ta, không nhất thiết phải là của mọi sinh vật, nhưng là tất yếu đối với mọi con người. Và ta chỉ làm việc với phương cách này mà thôi. Không gian và thời gian là các mô thức thuần túy của phương cách ấy, còn cảm giác nói chung là chất liệu của nó. Chúng ta chỉ có thể nhận thức được cái trước một cách tiên nghiệm, tức là trước mọi tri giác có thực, vì thế chúng có tên gọi là trực quan thuần túy; còn cái sau [cảm giác] là cái làm cho những gì trong nhận thức chúng ta trở thành nhận thức hậu nghiệm, nên được gọi là trực quan thường nghiệm. Cái trước gắn chặt với cảm năng chúng ta một cách tuyệt đối tất yếu, bất kể các cảm giác của chúng ta thuộc loại gì; còn cái sau thì có thể rất khác nhau. Cho dù ta có thể đưa các trực quan này của chúng ta đến độ minh bạch tối cao đi nữa, ta cũng không tiến gần hơn được đến các tính chất của những đối tượng nơi tự thân chúng. Bởi vì, trong mọi trường hợp, ta cũng chỉ có nhận thức hoàn chỉnh về phương cách trực quan của ta, tức là về cảmnăng của ta thôi và phương cách này bao giờ cũng phục tùng các điều kiện vốn gắn chặt một cách nguyên thủy với chủ thể, đó là không gian và thời gian; còn cái gì có thể là những đối tượng nơi tự thân chúng, thì thông qua nhận thức dù sáng tỏ nhất về hiện tượng của những đối tượng ấy – là những gì duy nhất được mang lại cho ta – cũng sẽ không bao giờ cho ta nhận biết được chúng.

Nhưng nếu vì vậy mà cho rằng toàn bộ cảm năng của ta không gì khác hơn là biểu tượng còn mù mờ, lộn xộn về những sự vật, tuy chứa đựng những gì liên quan đến tự thân sự vật nhưng mới chỉ là sự thâu góp hỗn độn các đặc điểm và các biểu tượng bộ phận về sự vật mà ta chưa thể dùng ý thức để phân biệt; cách nhìn này là sự xuyên tạc khái niệm về cảm năng cũng như khái niệm về hiện tượng, làm cho toàn bộ học thuyết về cảm năng trở nên vô dụng và trống rỗng. Sự khác nhau giữa một biểu tượng thiếu minh bạch với biểu tượng minh bạch chỉ là sự khác nhau đơn thuần về mặt lô-gíc chứ không liên quan đến nội dung. Đúng là khái niệm về sự công bằng được lý trí lành mạnh bình thường sử dụng cũng chứa đựng cùng một nội dung mà sự tư biện tinh vi nhất có thể triển khai từ khái niệm ấy, chỉ có điều trong việc sử dụng thông thường và thực hành, người ta không ý thức về các biểu tượng hết sức đa tạp chứa đựng trong tư tưởng ấy. Nhưng không vì thế mà người ta có thể bảo rằng khái niệm thông thường về sự công bằng là cảm tính và chỉ chứa đựng một hiện tượng đơn thuần, bởi lẽ sự công bằng không hề có thể xuất hiện ra như hiện tượng, ngược lại, khái niệm của nó là ở trong giác tính và là sự hình dung về một thuộc tính (đạo đức) của các hành vi, thuộc về nơi tự thân các hành vi. Trái lại, biểu tượng về một vật thể ở trong trực quan lại không chứa đựng bất cứ điều gì có thể thuộc về đối tượng nơi tự thân nó, mà chỉ là hiện tượng đơn thuần về một cái gì và là phương cách làm thế nào để ta được đối tượng ấy kích động; tính thụ nhận ấy của năng lực nhận thức của ta chính là cảm năng và mãi mãi khác biệtmột trời một vực với nhận thức về đối tượng tự thân cho dù người ta có nghiên cứu thấu suốt đến tận căn cơ của hiện tượng bao nhiêu đi nữa.

Do đó, triết học Leibniz-Wolff đã đề ra một quan điểm hoàn toàn không đúng cho mọi công cuộc nghiên cứu về bản tính tự nhiên cũng như về nguồn gốc của những nhận thức của chúng ta khi nó xem sự khác biệt giữa Cảm năng và [nhận thức] trí tuệ (Intellektuelle) chỉ đơn thuần có tính lô-gíc, trong khi sự khác biệt này rõ ràng có tính siêu nghiệm [tức về điều kiện cho khả thể của các loại nhận thức khác nhau] và nó không chỉ liên quan đến mô thức của sự minh bạch hoặc không minh bạch mà đến nguồn gốc và nội dung của mô thức này; nghĩa là thông qua cảm năng, không phải là ta nhận thức một cách không minh bạch về các tính chất của những vật-tự thân mà là không thể nhận thức được gì hết về chúng, và bao lâu ta tước bỏ tính chất chủ quan của ta, cả đối tượng được hình dung với các thuộc tính do trực quan cảm tính gán cho nó cũng không và không thể được tìm thấy ở đâu cả, bởi chính tính chất chủ quan này xác định mô thức của đối tượng như là hiện tượng.

Tất nhiên, giữa các hiện tượng, ta thường phân biệt những gì là cốt yếu gắn liền với trực quan về chúng, có giá trị cho giác quan của con người nói chung với những gì chỉ thuộc về trực quan một cách bất tất, ngẫu nhiên, không có giá trị trong quan hệ với cảm năng nói chung mà chỉ có giá trị đối với vị trí hay tổ chức đặc thù của một giác quan nào đó. Do vậy, ta thường gọi nhận thức trước là loại nhận thức hình dung đối tượng trong “tự thân”nó, còn loại sau chỉ là “hiện tượng” [vẻ ngoài] của sự vật. Tuy nhiên, sự phân biệt này chỉ có tính thườngnghiệm. Nếu ta chỉ biết dừng lại ở đây (như thường xảy ra) và không chịu nhìn trực quan thường nghiệm ấy cũng chỉ là hiện tượng (điều đúng ra phải làm), trong đó không có gì thuộc về vật-tự thân cả, ta sẽ đánh mất sự phân biệt siêu nghiệm và tưởng rằng đang nhận thức những vật-tự thân, khi thực ra dù ta có nghiên cứu những đối tượng một cách cặn kẽ nhất cũng không thể tìm ra ở đâu (trong thế giới cảm tính) cái gì khác hơn là những hiện tượng. Thật thế, ta thường gọi cầu vồng chỉ là hiện tượng đơn thuần [vẻ bề ngoài] của cơn mưa trong khi trời nắng, còn cơn mưa mới chính là “vật-tự thân”; điều này đúng, trong chừng mực ta hiểu khái niệm “vật-tự thân” này chỉ theo nghĩa vật lý, như cái gì – trong kinh nghiệm phổ biến và trong mọi trạng thái khác nhau đối với các giác quan – phải xuất hiện ra trong trực quan bằng một cách nhất định chứ không thể khác được. Nhưng nếu ta lại hiểu cái [dữ kiện] thường nghiệm này một cách tổng quát và không lưu ý đến sự nhất trí của nó với giác quan của con người, tự hỏi cái thường nghiệm ấy có hình dung được vật-tự thân nào không (không phải trong những giọt mưa vì chúng chỉ là những đối tượng thường nghiệm như là những hiện tượng), câu hỏi về mối quan hệ của biểu tượng với đối tượng như vậy là có tính siêu nghiệm, và không chỉ những giọt mưa là những hiện tượng đơn thuần, mà cả dạng tròn của chúng và thậm chí cả không gian trong đó chúng rơi xuống cũng chẳng có gì là tự thân cả, trái lại đều là các biến thái đơn thuần (Modifi-kationen) hay là các cơ sở[1] của trực quan cảm tính của ta, còn đối tượng siêu nghiệm vẫn là điều không biết được đối với ta.

Điểm thứ hai rất hệ trọng đối với lý thuyết Cảm năng học của chúng ta là: Cảm năng học siêu nghiệm này không phải chỉ là một giả thuyết (Hypothese) có vẻ chấp nhận được mà đúng một cách chắn chắn và không thể nghi ngờ như đòi hỏi của bất kỳ học thuyết nào muốn trở thành công cụ (Organon) [phương pháp luận]. Để hoàn toàn làm sáng tỏ sự xác tín này, ta thử chọn một trường hợp chứng minh tính hiệu lực của nó rõ ràng nhất và có thể giúp làm sáng tỏ hơn những gì đã nói ở mục § 3 trên kia.

Giả thiết rằng không gian và thời gian là tồn tại khách quan như những vật-tự thân và là các điều kiện cho khả thể của những vật-tự thân, trước hết ta thấy: cả hai [không gian-thời gian] phải mang lại một số lượng lớn những mệnh đề tổng hợp và tiên nghiệm hiển nhiên về không gian, nên ở đây ta ưu tiên xét về không gian để làm ví dụ. Vì lẽ những mệnh đề của môn Hình học đều được nhận thức một cách tổng hợp tiên nghiệm với sự xác tín hiển nhiên, vậy tôi xin hỏi: Từ đâu các bạn có được những mệnh đề như vậy, và giác tính của ta dựa vào đâu để đi đến được những chân lý tuyệt đối tất yếu và có giá trị phổ biến như vậy? Không có con đường nào khác, ngoài việc thông qua các khái niệm hoặc là thông qua các trực quan; nhưng cả hai hoặc được mang lại một cách tiên nghiệm hoặc hậu nghiệm. Bằng con đường sau, tức bằng các khái niệm thường nghiệm [hậu nghiệm] cùng với cơ sở mà chúng dựa vào là trực quan thường nghiệm, không thể mang lại các mệnh đề tổng hợp nào ngoài những mệnh đề chỉ có tính thường nghiệm, tức là mệnh đề kinh nghiệm, do đó không bao giờ có thể bao hàm được tính tất yếu và tính phổ biến tuyệt đối vốn là đặc điểm tiêu biểu của mọi mệnh đề hình học. Còn đối với con đường trước và là con đường duy nhất, đó là: hoặc thông qua các khái niệm đơn thuần hoặcthông qua các trực quan tiên nghiệm để đạt được các nhận thức như thế; rõ ràng là từ các khái niệm đơn thuần, ta không thể đạt được nhận thức tổng hợp nào cả mà chỉ có nhận thức phân tích thôi. Các bạn thử lấy mệnh đề: “Hai đường thẳng không thể bao chứa một không gian, do đó không hình thể nào có thể có được” và thử rút mệnh đề ấy ra từ khái niệm về các đường thẳng và con số hai; hoặc cũng thế với mệnh đề: “Từ ba đường thẳng có thể có được một hình thể” và hãy thử rút mệnh đề ấy ra chỉ từ các khái niệm đơn thuần này. Mọi nỗ lực của các bạn đều hoài công và các bạn thấy buộc phải cầu cứu đến trực quan cũng như môn Hình học lúc nào cũng làm thế. Vậy tức là: các bạn mang lại cho chính mình một đối tượng trong trực quan; thế nhưng, trực quan này thuộc loại nào, nó là một trực quan tiên nghiệm hay trực quan thường nghiệm? Nếu là thuộc trực quan thường nghiệm, thì không bao giờ từ đó có thể có được một mệnh đề có giá trị phổ biến, càng không thể có một mệnh đề hiển nhiên (apodistisch), bởi vì kinh nghiệm không khi nào có thể mang lại một mệnh đề như thế. Vậy, các bạn phải mang lại cho mình một đối tượng tiên nghiệm trong trực quan và đặt mệnh đề tổng hợp của các bạn trên cơ sở này. Nhưng nếu không tồn tại sẵn trong các bạn một quan năng để trực quan tiên nghiệm, nếu điều kiện chủ quan này – về mặt mô thức – không đồng thời là điều kiện phổ biến tiên nghiệm chỉ nhờ đó đối tượng của bản thân trực quan (bên ngoài) này có thể có được, và nếu đối tượng (hình tam giác) là cái gì tự thân, không có quan hệ nào với chủ thể các bạn: vậy làm sao các bạn có thể nói rằng, cái gì là tất yếu để cấu tạo (konstruieren) nên hình tam giác theo các điều kiện chủ quan của các bạn cũng phải tất yếu thuộc về hình tam giác tự thân? Bởi vì như thế, các bạn không thể thêm vào cho các khái niệm của các bạn (về ba đường thẳng) một cái gì mới (hình thể), và cái mới này sở dĩ phải được xem là có một cách tất yếu nơi đối tượng là bởi vì đối tượng này được mang lại trước khi có nhận thức chứ không phải nhờ có nhận thức. Vậy nếu không gian (và cả thời gian nữa) không phải là mô thức đơn thuần của trực quan của các bạn, chứa đựng các điều kiện tiên nghiệm chỉ nhờ đó các sự vật có thể trở thành các đối tượng bên ngoài cho các bạn, những đối tượng ấy sẽ không là gì cả nơi tự thân chúng khi không có các điều kiện chủ quan này, và các bạn không thể tạo nên bất kỳ điều gì có tính tổng hợp và tiên nghiệm về những đối tượng bên ngoài. Tóm lại, điều chắc chắn không thể nghi ngờ chứ không phải chỉ có thể hay có lẽ, đó là: không gian và thời gian, với tư cách là các điều kiện tất yếu của mọi kinh nghiệm (bên ngoài và bên trong), chỉ là các điều kiện chủ quan của mọi trực quan của chúng ta; vì thế, ở trong mối quan hệ với các điều kiện này, mọi đối tượng chỉ là những hiện tượng chứ không phải là những vật-tự thân được mang lại cho ta bằng phương cách đặc thù này. | Cũng vì lý do đó, về những gì liên quan đến mô thức của những hiện tượng, nó cho phép ta phát biểu nhiều điều tiên nghiệm, nhưng không thể phát biểu điều gì về vật-tự thân là cái có thể làm nền tảng của những hiện tượng này.

II.[2] Để xác nhận sự đúng đắn của học thuyết này về Ý thể tính của giác quan bên ngoài lẫn giác quan bên trong, tức của mọi đối tượng của giác quan chỉ như là Ý thể tính của những hiện tượng đơn thuần, ta đặc biệt lưu ý đến nhận xét sau đây: trong nhận thức của chúng ta, tất cả những gì thuộc về trực quan không chứa đựng gì khác hơn là các mối quan hệ (không kể các xúc cảm sướng, khổ và ý chí, vì chúng không phải là nhận thức); đó là các quan hệ về các vị trí trong một trực quan (quảng tính), sự biến đổi các vị trí (sự vận động) và các quy luật xác định sự biến đổi này (các lực vận động). Tuy nhiên, cái gì thực sự hiện diện (gegenwrtig) trong vị trí này hay vị trí kia hoặc cái gì thực sự tác động nơi bản thân sự vật – ngoài việc thay đổi vị trí – không thể được mang lại cho ta bằng trực quan. Vậy chỉ thông qua các quan hệ đơn thuần, sự vật – như là vật-tự thân – không hề được nhận thức, cho nên cần phải nhận định rằng: thông qua giác quan bên ngoài, không có gì được mang lại cho ta ngoài các biểu tượng về các mối quan hệ, do đó giác quan bên ngoài chỉ có thể chứa đựng mối quan hệ của một đối tượng đối với chủ thể trong biểu tượng của nó chứ không chứa đựng cái nội tại (das Innere) [bản chất] thuộc về đối tượng tự thân. Tình hình cũng giống hệt như thế với trực quan bên trong. Không phải chỉ vì trong trực quan bên trong, các biểu tượng của giác quan bên ngoài tạo nên chất liệu thực sự cho tâm thức ta làm việc, mà chính vì bản thân thời gian,– trong đó ta thiết định (setzen) các biểu tượng này – có trước ý thức về các biểu tượng ấy trong kinh nghiệm và làm nền móng như là điều kiện mô thức của phương cách làm thế nào để ta thiết định (setzen) chúng trong tâm thức, nên thời gian đã chứa đựng sẵn các mối quan hệ về sự tiếp diễn, sự đồng thời và về cái gì đồng thời [gắn liền] với sự tiếp diễn (sự thường tồn). Cái gì, với tư cách là biểu tượng, có thể có trước mọi hành vi suy tưởng về một sự vật chính là trực quan, và nếu trực quan không chứa đựng cái gì khác hơn là các mối quan hệ, thì chính mô thức của trực quan – là cái không hình dung điều gì ngoài việc trong chừng mực có cái gì đấy được thiết định trong tâm thức – không có thể là gì khác hơn là phương cách làm thế nào để tâm thức được kích động bằng hoạt động của chính nó, tức bằng việc thiết định này về biểu tượng của nó (dieses Setzen seiner Vorstellung), do đó, là được kích động bởi chính mình (affiziert durch sich selbst); phương cách này chính là một giác quan bên trong xét về mặt mô thức của nó. Tất cả những gì trong chừng mực được hình dung [thành biểu tượng] thông qua một giác quan đều chỉ là hiện tượng, do đó, hoặc phải hoàn toàn phủ nhận một giác quan bên trong, hoặc chủ thể – là đối tượng của giác quan bên trong – cũng chỉ có thể được giác quan bên trong hình dung như là hiện tượng, chứ không phải chủ thể có thể tự mình nhận thức được như thể trực quan của chủ thể là sự tự khởi thuần túy (blosse Selbstttigkeit), tức là một cách trí  tuệ  (intellektuell) [như của thần thánh]. Mọi khó khăn ở đây tập trung ở câu hỏi: Làm thế nào mà một chủ thể có thể trực quan chính mình từ bên trong?, chỉ có điều khó khăn này học thuyết nào cũng gặp phải. Ý thức về chính mình (Thông giác – Apperzeption) là biểu tượng đơn giản về cái Tôi (Ich), và nếu chỉ thông qua biểu tượng này mà mọi cái đa tạp trong chủ thể đều được mang lại một cách tự khởi (selbtttig), ắt trực quan bên trong phải có tính trí tuệ. Trong con người, ý thức này đòi hỏi tri giác bên trong về cái đa tạp được mang lại từ trước trong chủ thể và để phân biệt với phương cách trí tuệ, phương cách [của con người] làm thế nào để cái đa tạp được mang lại trong tâm thức mà không có tính tự khởi, được gọi là CẢM NĂNG. Nếu quan năng tự nhận thức muốn nhận ra (lãnh hội – apprehendieren) cái gì ở trong tâm thức, nó phải kích động tâm thức và chỉ bằng phương cách như thế mới tạo ra được một trực quan về chính mình. | Nhưng chính mô thức của trực quan – là cái cơ sở đã có sẵn trước đó trong tâm thức – quy định phương cách làm thế nào để cái đa tạp được tập hợp trong tâm thức trong biểu tượng về thời gian, vì chủ thể tự trực quan chính mình không phải theo cách làm thế nào để tự hình dung chính mình một cách tự khởi trực tiếp (unmittelbar selbstttig) mà theo phương cách làm thế nào để được kích động từ bên trong, do đó, như nó xuất hiện ra cho chính mình [như hiện tượng] chứ không phải như nó là. [trong tự thân nó]. (Wie es sich erscheint, nicht wie es ist).

III. Khi tôi nói rằng trực quan về những đối tượng bên ngoài cũng như trực quan về chính mình của tâm thức [chủ thể] đều hình dung cả hai [đối tượng và chủ thể] ở trong không gian và thời gian như chúng kích động các giác quan của ta, tức như chúng đang xuất hiện ra cho ta, tôi không hề muốn nói rằng những đối tượng ấy chỉ là một ảo tượng bề ngoài đơn thuần (ein blosser Schein). Bởi vì, trong hiện tượng, các đối tượng – và cả những tính chất được ta gán cho chúng – bao giờ cũng được xem là cái gì được mang lại thực sự; chỉ có điều, trong chừng mực tính chất này phụ thuộc vào phương cách trực quan của chủ thể trong mối quan hệ với đối tượng được cho, cho nên đối tượng này phải được phân biệt với tư cách là hiện tượng với chính bản thân nó, tức với tư cách là vật-tự thân. Do đó, tôi không hề bảo rằng các vật thể chỉ có vẻ như là tồn tại ở bên ngoài tôi, hoặc bảo linh hồn của tôi chỉ có vẻ được mang lại trong Tự-ý thức của tôi mỗi khi tôi khẳng định rằng đặc điểm của không gian và thời gian – là những gì tôi phải tuân theo để thiết định cả hai đối tượng trên như là điều kiện cho sự tồn tại của chúng – có cơ sở trong phương cách trực quan của tôi chứ không phải trong các đối tượng này một cách tự thân. Sẽ là lỗi của riêng tôi nếu tôi làm cho những gì được tôi xem là hiện tượng trở thành ảo tượng bề ngoài[3]. Nhưng, điều này sẽ không xảy ra do nguyên tắc Ý thể tính của mọi trực quan cảm tính của ta, trái lại, nếu ta gán tính thực tại khách quan [tuyệt đối] cho các mô thức biểu tượng này, sẽ không thể tránh khỏi là tất cả sẽ qua đó bị biến thành ảo tượng bề ngoài. Bởi vì, nếu ta xem không gian và Thời gian như là các tính chất – mà về mặt khả thể – phải được tìm thấy trong những vật-tự thân, và nếu ta thử suy nghĩ về những điều phi lý ta sẽ gặp phải khi thừa nhận hai sự vật vô tận – vừa không phải là các bản thể, vừa không phải là thuộc tính thực sự của các bản thể – mà lại là cái gì phải tồn tại, thậm chí là điều kiện tất yếu cho sự tồn tại của mọi sự vật, và vẫn tiếp tục tồn tại cho dù mọi sự vật đang tồn tại thật đều bị thủ tiêu hết, ta sẽ không thể buộc tội BERKELEY[4] tốt bụng tại sao đã hạ giá mọi vật thể xuống thành những ảo tượng bề ngoài đơn thuần, và bằng cách đó, thậm chí làm cho cả sự tồn tại của chính bản thân ta cũng phải lệ thuộc vào tính thực tại tự-thân của một vật tưởng tượng là thời gian để cùng với thời gian bị biến thành ảo tượng nốt, một điều phi lý mà cho đến nay không ai chịu nhận lỗi cả.

IV. Trong môn Thần học tự nhiên, vì người ta suy tưởng về một đối tượng [Thượng đế] không những không bao giờ có thể là đối tượng của trực quan cho ta, mà cũng không thể là đối tượng cho trực quan cảm tính của bản thân Thượng đế, nên người ta đã cẩn thận tước bỏ mọi điều kiện của không gian và thời gian ra khỏi mọi trực quan của Thượng đế (vì trực quan phải là toàn bộ nhận thức của Thượng đế chứ không phải là tư duy vì tư duy bao giờ cũng có những giới hạn). Nhưng thử hỏi người ta có quyền gì để làm điều đó khi trước đó đã biến cả hai (không gian và thời gian) thành các mô thức của những vật-tự thân và chúng vẫn tiếp tục tồn tại như là các điều kiện tiên nghiệm cho sự tồn tại của mọi sự vật ngay cả khi người ta đã thủ tiêu bản thân mọi sự vật; bởi lẽ, với tư cách là các điều kiện của mọi tồn tại nói chung, không gian và thời gian ắt cũng phải là các điều kiện cho sự tồn tại của Thượng đế. Vậy không còn cách nào khác hơn là người ta không được biến chúng thành các mô thức khách quan của mọi sự vật mà chỉ thành các mô thức chủ quan của phương cách trực quan bên ngoài lẫn bên trong của ta, vì thế được gọi là cảm tính, vì chúng không có tính căn nguyên (ursprng-lich), tức không phải loại trực quan chỉ cần thông qua chính mình thì sự tồn tại của đối tượng được mang lại ngay (phương cách trực quan này chỉ có thể có nơi Hữu thể nguyên thủy [Thượng đế] (Urwesen) trong chừng mực ta cảm nhận được), trái lại, chúng phải lệ thuộc vào sự tồn tại của đối tượng, nghĩa là chỉ có thể có được bằng cách năng lực biểu tượng của chủ thể được đối tượng kích động.

[Tất nhiên], ta không cần thiết phải giới hạn phương cách trực quan trong không gian và thời gian vào cảm năng của con người; vì rất có thể là tất cả mọi sinh vật có tư duy hữu hạn đều phải tất yếu phù hợp với con người ở điểm này (dù ta không thể quyết đoán được), thế nhưng không vì tính có giá trị phổ biến ấy mà phương cách trực quan này không còn dựa vào cảm năng nữa, bởi lẽ phương cách này đều có tính phái sinh (intuitus derivativus)[5] chứ không có tính căn nguyên (intuitus originarius), do đó, không phải là trực quan trí tuệ (intellektuelle Anschauung) mà – như lý do đã nêu trên – có lẽ chỉ thuộc về Hữu thể nguyên thủy [Thượng đế], chứ không bao giờ thuộc về một hữu thể bị lệ thuộc về mặt tồn tại lẫn về trực quan (trực quan quy định sự tồn tại trong mối quan hệ với các đối tượng được cho). | Tuy nhiên, nhận xét sau cùng này chỉ được xem như là sự giải thích rõ hơn cho Học thuyết về cảm năng của chúng ta chứ không được kể như một luận cứ để chứng minh.

 

KẾT LUẬN CỦA CẢM NĂNG HỌC SIÊU NGHIỆM

Vậy đến đây, ta đã có được một trong các phần cần thiết để giải quyết vấn đề chủ yếu của Triết học-siêu nghiệm: LÀM THẾ NÀO ĐỂ NHỮNG MỆNH ĐỀ TỔNG HỢP TIÊN NGHIỆM CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC?, đó là các trực quan thuần túy tiên nghiệm: KHÔNG GIAN và THỜI GIAN, chính trong đó chúng ta – khi muốn đi ra khỏi khái niệm được cho để phán đoán tiên nghiệm – sẽ gặp được những gì không thể phát hiện được trong khái niệm nhưng lại được tìm thấy một cách tiên nghiệm ở trong trực quan tương ứng với khái niệm và có thể nối kết với khái niệm một cách tổng hợp. | Nhưng những phán đoán [do các trực quan thuần túy mang lại] này, cũng vì lý do trên, không bao giờ có thể vượt ra khỏi những đối tượng của giác quan và chỉ có thể có giá trị đối với những đối tượng của kinh nghiệm khả hữu mà thôi.

 

 


 


[1] Grundlagen: các cơ sở. Ở đây có thể hiểu là “các sự sắp xếp cơ bản” (fundamentale Dispositionen) của trực quan cảm tính của ta. (N.D).

[2] Các tiểu mục II, III, IV và phần kết luận của Cảm năng học siêu nghiệm dưới đây là phần được Kant thêm vào cho ấn bản B. (N.D).

[3] Các thuộc tính của hiện tượng sở dĩ có thể được gán cho đối tượng là do chúng ở trong mối quan hệ với giác quan của ta, chẳng hạn màu đỏ hay mùi thơm được gán cho hoa hồng; thế nhưng, ảo tượng bề ngoài (der Schein) không bao giờ có thể được gán cho đối tượng như là thuộc tính, chính là vì ảo tượng bề ngoài đã mang những gì thuộc về mối quan hệ với giác quan hay với chủ thể nói chung gán cho đối tượng tự-thân, chẳng hạn khi mới được phát hiện, sao Thổ bị người ta gán cho hai cái cán. HIỆN TƯỢNG là cái gì không phải ở nơi đối tượng tự-thân mà bao giờ cũng là cái nằm trong mối quan hệ của đối tượng với chủ thể và gắn liền không tách rời với biểu tượng về đối tượng, và như thế, các thuộc tính của Không gian và Thời gian có quyền được gán cho các đối tượng của giác quan và ở đây không có ảo tượng bề ngoài nào cả. Ngược lại, nếu tôi gán tính đỏ cho hoa hồng tự-thân, gán hai cái cán cho sao thổ tự-thân hay gán quảng tính cho mọi đối tượng tự-thân ở bên ngoài mà không nhìn thấy một mối quan hệ nhất định của các đối tượng này với chủ thể và không biết tự giới hạn phán đoán của tôi trong mối quan hệ ấy, bấy giờ ảo tượng bề ngoài mới nảy sinh ra.

[4] George Berkeley (1685-1753): giám mục Ái Nhĩ Lan, nhà thần học và triết gia đề xướng thuyết duy tâm chủ quan cực đoan với luận điểm nổi tiếng: “Esse est percipi aut percipere”: “sự tồn tại của các đối tượng là cái được tri giác, còn sự tồn tại của các chủ thể là sự tri giác”. (N.D).

[5] Intuitus derivativus (latinh): trực quan phái sinh (được dẫn xuất). (N.D).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt