Siêu hình học

Về không gian

PHÊ PHÁN LÝ TÍNH THUẦN TÚY - MỤC LỤC

 

CẢM NĂNG HỌC SIÊU NGHIỆM 

VỀ KHÔNG GIAN

1 2 3 4 5

 

IMMANUEL KANT (1724-1804)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Immanuel Kant. “Cảm năng học siêu nghiệm” trong Phê phán lý tính thuần túy (Kritik der Reinen Vernunft). Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, 2004. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã có sự cho phép của dịch giả.


 

 

KHẢO SÁT SIÊU HÌNH HỌC VỀ  KHÁI NIỆM KHÔNG GIAN

Nhờ giác quan bên ngoài (một thuộc tính của tâm thức), ta hình dung những đối tượng như là ở ngoài ta và đều ở trong KHÔNG GIAN. Chỉ ở trong không gian, hình thể, độ lớn và quan hệ giữa những đối tượng với nhau mới được xác định hoặc có thể được xác định. Còn giác quan bên trong,– nhờ đó tâm thức trực quan chính mình hay trực quan trạng thái nội tâm – tuy không mang lại trực quan nào về bản thân linh hồn như một đối tượng, nhưng cũng là một mô thức nhất định, chỉ nhờ đó trực quan về trạng thái nội tâm [bên trong] mới có thể có được; vì thế, tất cả những gì thuộc về những quy định bên trong đều được hình dung trong các quan hệ về THỜI GIAN. Thời gian không thể được trực quan từ bên ngoài cũng như không gian không thể được trực quan như cái gì ở bên trong ta. Vậy, KHÔNG GIAN và THỜI GIAN là gì?

Phải chăng chúng là những thực thể (wirkliche Wesen)? Hay chúng tuy chỉ là các quy định hoặc các quan hệ của sự vật nhưng lại là các quy định, quan hệ thuộc về tự thân những sự vật ngay cả khi những sự vật ấy không được trực quan? Hay chúng chỉ tồn tại như là cái gì chỉ gắn liền với mô thức của trực quan, và vì thế, gắn liền với tính chất [đặc điểm cấu tạo] (Beschaffenheit) chủ quan của tâm thức ta, mà nếu không có tính chất này, các thuộc tính [không gian, thời gian] không thể được gán cho bất kỳ sự vật nào? Để tìm hiểu về việc này, trước hết ta cần khảo sát khái niệm về không gian. Tôi hiểu “khảo sát” (Erưrterung, expositio) là sự hình dung một cách minh bạch (dù chưa thật cặn kẽ) về những gì thuộc về một khái niệm; còn sự khảo sát sẽ có tính siêu hình học khi nó bao hàm những gì diễn tả khái niệm như là được mang lại một cách tiên nghiệm[1].

1. Không gian không phải là một khái niệm thường nghiệm được rút ra từ những kinh nghiệm bên ngoài. Bởi vì, để cho các cảm giác có thể quan hệ được với cái gì ở bên ngoài tôi (tức với cái gì chiếm vị trí trong không gian khác với vị trí của tôi), cũng như để tôi có thể hình dung chúng như là ở bên ngoài nhau và bên cạnh nhau, tức không chỉ khác nhau mà còn khác vị trí với nhau; biểu tượng về không gian phải [có sẵn] làm cơ sở. Do vậy, biểu tượng về không gian không thể được vay mượn từ các mối quan hệ của hiện tượng bên ngoài thông qua kinh nghiệm, trái lại, bản thân kinh nghiệm bên ngoài này cũng chỉ có thể có được là thông qua biểu tượng này.

2. Không gian là một biểu tượng tất yếu, tiên nghiệm làm cơ sở cho mọi trực quan bên ngoài. Người ta không bao giờ có thể có được biểu tượng rằng không có không gian, dù người ta có thể dễ dàng nghĩ rằng trong không gian ấy không có một đối tượng nào. Vậy, không gian phải được xem như là điều kiện khả thể cho những hiện tượng, chứ không phải như là một quy định phụ thuộc vào hiện tượng; nó là một biểu tượng tiên nghiệm, làm cơ sở cho những hiện tượng bên ngoài một cách tất yếu[2].

3. Không gian không phải là một khái niệm suy lý (diskursiv) – hay như người ta quen nói – không phải là một khái niệm phổ biến về các quan hệ của sự vật nói chung, mà là một TRỰC QUAN THUẦN TÚY. Bởi vì, thứ nhất, người ta chỉ có thể hình dung một không gian duy nhất, và khi nói về nhiều không gian, người ta hiểu đó là những bộ phận của cùng một không gian duy nhất ấy. Những bộ phận này không thể đi trước(vorhergehen) cái không gian duy nhất bao trùm tất cả kia như thể là các bộ phận cấu thành của nó (từ đó làm cho một sự tổ hợp – Zusammensetzung – có thể có được), trái lại, chúng chỉ có thể được suy tưởng như đều ở trong không gian duy nhất. Vậy, không gian thiết yếu phải là một, duy nhất, còn cái đa tạp trong nó, do đó, cả khái niệm phổ biến về nhiều không gian nói chung là chỉ dựa trên những sự giới hạn. Từ đó suy ra, một trực quan tiên nghiệm (không phải là thường nghiệm) phải làm nền tảng cho mọi khái niệm về không gian. Nhờ đó, mọi nguyên tắc hình học, chẳng hạn, “trong một tam giác, tổng của hai cạnh lớn hơn cạnh thứ ba” không bao giờ được rút ra từ các khái niệm phổ biến về đường thẳng và tam giác, mà là từ trực quan và là được rút ra một cách tiên nghiệm với sự xác tín hiển nhiên (apodiktisch).

4. Không gian được hình dung như là một lượng (Grösse) vô tận (unendlich) được cho. Bởi vì, tuy người ta có thể suy tưởng về bất kỳ khái niệm nào như là một biểu tượng chứa đựng số lượng vô tận những biểu tượng khác nhau có thể có (như là đặc điểm có chung giữa những biểu tượng của nó), tức là tập hợp các biểu tượng dưới (unter sich) một khái niệm, nhưng không một khái niệm nào, đúng với nghĩa là một khái niệm, lại có thể được suy tưởng như thể chứa đựng bên trong nó (in sich) một số lượng vô tận những biểu tượng. Trong khi đó, không gian lại có thể được ta suy tưởng như vậy (vì mọi bộ phận của không gian đều là đồng thời[3] tồn tại đến vô tận). Vậy, biểu tượng nguyên thủy về không gian là TRỰC QUAN TIÊN NGHIỆM, chứ KHÔNG PHẢI KHÁI NIỆM.

[Tiểu mục 4 trên đây là phần được thêm vào cho bản B. Tiểu mục này trong bản A như sau:

5. Không gian được hình dung như một lượng (Grưsse) vô tận được mang lại. Một khái niệm phổ biến về không gian (chung cho một “phút” [Fusse: từ cổ, chỉ đơn vị chiều dài = 0,33 cm] cũng như cho một “sải tay” [Elle: = 113cm]) không thể xác định điều gì cả về mặt lượng. Nếu giả thử không có tính vô-giới hạn [không có ranh giới] (Grenzenlosigkeit) trong tiến trình của trực quan, ắt không có khái niệm nào về các mối quan hệ lại mang theo mình một nguyên tắc về tính vô tận (Unendlichkeit) của trực quan.

[Mục §3 tiếp sau đây: “Khảo sát siêu nghiệm về khái niệm không gian” là phần được thêm vào cho bản B].

 

KHẢO SÁT SIÊU NGHIỆM VỀ KHÁI NIỆM KHÔNG GIAN

Tôi hiểu sự khảo sát siêu nghiệm là sự giải thích một khái niệm, [xem nó] như một nguyên tắc, nhờ đó có thể nhận ra được khả thể của các nhận thức tổng hợp tiên nghiệm khác. Mục đích này đòi hỏi: 1. Các nhận thức tổng hợp tiên nghiệm thực sự bắt nguồn từ khái niệm được cho nói trên; 2. Các nhận thức này chỉ có thể có được khi lấy phương cách giải thích siêu nghiệm về khái niệm làm tiền đề.

Môn hình học là một khoa học xác định các thuộc tính của không gian một cách tổng hợp nhưng lại tiên nghiệm. Vậy, biểu tượng về không gian phải như thế nào để có thể có được một nhận thức như thế về nó? Không gian phải là trực quan nguyên thủy; vì từ một khái niệm đơn thuần ta không thể rút ra các mệnh đề đi ra khỏi bản thân khái niệm ấy [vì như vậy chỉ có các mệnh đề phân tích], nhưng thực tế vẫn diễn ra được trong Hình học (xem Lời dẫn nhập mục 5). Nhưng, trực quan này [không chỉ tổng hợp mà] phải là tiên nghiệm, tức phải có sẵn trong ta trước mọi tri giác về đối tượng; do đó không gian là trực quan thuần túy, không phải thường nghiệm. Bởi lẽ những mệnh đề hình học đều có tính hiển nhiên (apodiktisch), nghĩa là gắn liền với ý thức về tính tất yếu của chúng, chẳng hạn: “không gian chỉ có ba chiều”, những mệnh đề như thế không thể là những phán đoán thường nghiệm hay phán đoán kinh nghiệm, cũng không thể được rút ra từ những phán đoán ấy. (Xem Lời dẫn nhập, ấn bản 2)

Vậy làm thế nào một trực quan bên ngoài – đi trước (vorhergeht) bản thân các đối tượng và trong đó, khái niệm về đối tượng có thể được xác định một cách tiên nghiệm – lại có thể tồn tại trong tâm thức? Rõ ràng không bằng cách nào khác hơn là trong chừng mực nó có chỗ đứng đơn thuần ở bên trong chủ thể, như là tính chất [đặc tính cấu tạo] (Beschaffenheit) về mặt mô thức của chủ thể được kích động bởi các đối tượng và qua đó, nhận được biểu tượng trực tiếp về các đối tượng, tức là trực quan. | Như vậy, trực quan về không gian chỉ như là MÔ THỨC CỦA GIÁC QUAN BÊN NGOÀI NÓI CHUNG.

Và chỉ có cách giải thích trên đây của chúng ta mới làm cho ta hiểu được khả thể của môn Hình học như là môn học về nhận thức tổng hợp tiên nghiệm. Bất cứ phương cách giải thích nào khác, dù có vẻ ngoài ít nhiều tương tự với cách giải thích của chúng ta, nhưng không mang lại được khả thể ấy thì đều có thể được phân biệt một cách chắc chắn nhất với cách giải thích của chúng ta dựa trên đặc điểm này.

 

KẾT LUẬN TỪ CÁC KHÁI NIỆM TRÊN

a. Không gian không hình dung thuộc tính của bất kỳ vật-tự thân nào hay hình dung các vật-tự thân trong quan hệ giữa chúng với nhau; tức là không hình dung tính quy định nào của vật-tự thân như là cái gắn liền với bản thân các đối tượng và vẫn tồn tại cả khi người ta tước bỏ [trừu tượng hóa] mọi điều kiện chủ quan của trực quan. Bởi vì [đối với vật-tự thân], các tính quy định (Bestimmungen) tuyệt đối lẫn tương đối đều không thể được trực quan trước khi có sự tồn tại thực (Dasein) của các sự vật mang các quy định ấy, nghĩa là không thể được trực quan một cách tiên nghiệm.

b. Không gian không gì khác hơn là mô thức cho mọi hiện tượng của giác quan bên ngoài; tức là, điều kiện chủ quan của cảm năng, chỉ nhờ đó trực quan bên ngoài mới có thể có được cho ta. Vì tính thụ nhận của chủ thể sẵn sàng được kích động bởi đối tượng phải đi trước mọi trực quan về các đối tượng ấy một cách tất yếu, nên dễ hiểu tại sao mô thức của mọi hiện tượng lại có thể đã được mang lại (gegeben sein) [có sẵn] trước mọi tri giác có thực, do đó là một cách tiên nghiệm ở trong tâm thức, và tại sao mô thức ấy – với tư cách là một trực quan thuần túy – trong đó mọi đối tượng phải được quy định – lại có thể chứa đựng các nguyên tắc cho các mối quan hệ của mọi đối tượng có trước mọi kinh nghiệm.

Vì thế, chỉ đứng từ quan điểm của con người, ta mới có thể nói về không gian, về những đối tượng có quảng tính v.v.. Nếu ta rời bỏ điều kiện chủ quan nhờ đó ta có thể nhận được trực quan bên ngoài cũng như được các đối tượng kích động, biểu tượng về không gian sẽ không có ý nghĩa gì cả. Thuộc tính này [không gian] chỉ được gán cho những sự vật trong chừng mực chúng xuất hiện (erscheinen) ra cho ta, tức như là những đối tượng của cảm năng. Mô thức ổn định cố hữu này của tính thụ nhận mà ta gọi là cảm năng là một điều kiện tất yếu của mọi mối quan hệ, trong đó những đối tượng được trực quan như là ở ngoài ta; và khi người ta tước bỏ [trừu tượng hóa] hết những đối tượng này, vẫn còn lại trực quan thuần túy có tên là không gian. Vì ta không thể biến các điều kiện đặc thù của cảm năng thành các điều kiện cho khả thể của bản thân sự vật, nhưng chỉ là của những hiện tượng thôi,  nên ta có thể nói rằng không gian bao trùm mọi sự vật trong chừng mực chúngxuất hiện ra cho ta ở bên ngoài [như những hiện tượng], chứ không bao trùm bản thân mọi vật-tự thân theo nghĩa dù chúng có được trực quan hay không hoặc được trực quan bởi chủ thể nào. Bởi vì, ta hoàn toàn không thể đánh giá về những trực quan của những hữu thể có tư duy nào khác, liệu họ có bị ràng buộc bởi những điều kiện đang giới hạn trực quan của ta, tức những điều kiện chỉ có giá trị phổ biến cho ta thôi. Nếu ta đem tính giới hạn của một phán đoán thêm vào cho khái niệm của chủ thể, phán đoán ấy sẽ có giá trị, tức là đúng một cách vô điều kiện. Mệnh đề: “Mọi sự vật đều ở bên cạnh nhau trong không gian” chỉ đúng với điều kiện giới hạn khi những sự vật này được xem là những đối tượng của trực quan cảm tính của ta. Nếu ở đây, tôi thêm điều kiện cho khái niệm trên và nói: “Mọi sự vật,– như là những hiện tượng bên ngoài – đều ở bên cạnh nhau trong không gian”, thì quy luật này có giá trị phổ biến, không có giới hạn nào. Vậy, các khảo sát trên đây vừa cho ta thấy tính thực tại (Realitt) (tức giá trị khách quan) của không gian đối với tất cả những gì có thể xuất hiện ra cho ta ở bên ngoài như là đối tượng [hiện tượng], nhưng đồng thời cho thấy cả Ý thể tính (Idealitt) của không gian đối với những sự vật khi chúng được lý tính xem xét nơi tự thân chúng, tức là, khi không xét đến đặc điểm cấu tạo của cảm năng chúng ta. Vậy, chúng ta khẳng định tính thực tại thường nghiệm của không gian (đối với mọi kinh nghiệm bên ngoài có thể có), mặc dù ta giả định (annehmen) Ý thể tính siêu nghiệm của không gian, tức giả định không gian là cái hư vô (Nichts) [cái khuôn rỗng, không có gì hết] bao lâu ta rút bỏ điều kiện tạo nên khả thể cho mọi kinh nghiệm và xem không gian như là cái gì làm cơ sở cho bản thân những vật-tự thân.

Nhưng, ngoài không gian ra, không có một biểu tượng chủ quan nào khác có quan hệ với cái gì ở bên ngoàimà lại có thể được gọi là [có giá trị] khách quan tiên nghiệm. Vì ta sẽ không rút ra được những mệnh đề tổng hợp tiên nghiệm từ bất cứ biểu tượng chủ quan nào khác ngoài biểu tượng về trực quan trong không gian (xem § 3). Do vậy, nói một cách chính xác, những biểu tượng chủ quan khác không thể có Ý thể tính nào cả, dù chúng trùng hợp với biểu tượng về không gian ở chỗ chúng đều thuộc về tính chất [đặc điểm cấu tạo] chủ quan của phương cách [tri giác] cảm tính, chẳng hạn thị giác, thích giác, xúc giác thông qua các cảm giác về màu sắc, âm thanh và hơi ấm v.v.., nhưng vì chúng chỉ là những cảm giác đơn thuần chứ không phải những trực quan nên tự chúng không thể cho ta nhận thức về đối tượng, càng không thể là nhận thức tiên nghiệm[4].

Mục đích của nhận xét này chỉ là để tránh việc người ta giải thích Ý thể tính của không gian đã được khẳng định trên đây bằng các ví dụ không đầy đủ [bằng màu sắc, mùi vị v.v..], vì màu sắc, mùi vị… không phải là những tính chất (Beschaffenheiten) của sự vật mà đúng ra phải được xem như là những trạng thái biến đổi của chủ thể chúng ta; chúng thậm chí có thể khác nhau nơi những con người khác nhau. Trong trường hợp đó, cái mà bản thân nguyên thủy chỉ là hiện tượng, chẳng hạn một đóa hồng lại được xem là một vật-tự thân trong giác tính thường nghiệm, mặc dù về mặt màu sắc, đóa hồng có thể xuất hiện ra một cách khác nhau dưới con mắt nhìn của mỗi người. Ngược lại, khái niệm siêu nghiệm [của chúng ta] về những hiện tượng trong không gian là một sự nhắc nhở có tính phê phán rằng: nói chung không có gì được trực quan trong không gian mà là một vật-tự thân; và không gian không phải là một mô thức của sự vật như là cái gì vốn có nơi bản thân sự vật; trái lại, những đối tượng tự thân là cái gì hoàn toàn không biết được đối với chúng ta, và tất cả những gì được ta gọi là những đối tượng bên ngoài đều không gì khác hơn là những biểu tượng đơn thuần của cảm năng chúng ta. | Mô thức của cảm năng chính là KHÔNG GIAN, còn cái đối ứng thực sự (wahres Correlatum) [của mô thức ấy], tức vật-tự thân không được và cũng không thể được nhận thức bằng mô thức ấy cũng như không bao giờ được tra hỏi ở trong kinh nghiệm cả.

 



[1] Siêu hình học – theo nghĩa chặt chẽ, – là môn khoa học về sự tồn tại. Do đó, nhiệm vụ của khảo sát siêu hình học là chứng minh một sự vật (ở đây là không gian và thời gian) là có thực., như các mô thức thuần túy của trực quan. Còn nhiệm vụ của khảo sát siêu nghiệm (ở mục §3) – theo đúng nghĩa của từ “siêu nghiệm” mà Kant dùng – là cho thấy các mô thức ấy là điều kiện khả thể làm cho nhận thức tiên nghiệm có thể có được. (N.D).

[2] Trong ấn bản A (lần xuất bản thứ nhất), Kant viết tiếp điểm 3 và được thay bằng điểm 3 mới trong bản B. Điểm 3 này trong bản A như sau:

“3. Tính xác tín hiển nhiên của mọi nguyên tắc hình học và khả thể của việc cấu tạo chúng một cách tiên nghiệm là dựa trên tính tất yếu tiên nghiệm này. Vì giả thử biểu tượng về không gian chỉ là một khái niệm được sở đắc một cách hậu nghiệm, tức là có được từ kinh nghiệm bên ngoài nói chung, ắt các nguyên tắc đầu tiên [nền tảng] của quy định toán học không gì khác hơn là các tri giác. Như thế, chúng có mọi tính bất tất [ngẫu nhiên] của tri giác, và không có gì tất yếu rằng giữa hai điểm chỉ có thể có một đường thẳng, trái lại chỉ là do kinh nghiệm lúc nào cũng cho ta biết thế thôi. Cái gì vay mượn từ kinh nghiệm thì chỉ có tính phổ biến so sánh, tức là nhờ quy nạp. Với cách như thế, người ta cùng lắm chỉ có thể nói, theo những gì được quan sát cho tới nay, chưa thấy có không gian nào có nhiều hơn ba chiều”. (N.D).

[3] Zugleich: đồng thời, tuy nhiên ở đây nên hiểu theo nghĩa “không gian”, tức là những bộ phận của không gian đều cùng tồn tại bên nhau (Koexistenz). (N.D).

[4] Đoạn: “Vì ta sẽ không rút ra được… nhận thức tiên nghiệm” là phần Kant viết lại cho ấn bản B. Phần này của bản A như sau: “Bởi vậy, điều kiện chủ quan này của mọi hiện tượng bên ngoài [không gian] là không thể so sánh được với các điều kiện chủ quan nào khác. Vị ngon của rượu không thuộc về các quy định khách quan của rượu, tức của một đối tượng cho dù được xem như là hiện tượng, mà thuộc về đặc điểm cấu tạo đặc thù của giác quan nơi chủ thể đang thưởng thức rượu. Các màu sắc không phải là các đặc điểm của vật thể gắn liền với trực quan về chúng, mà cũng chỉ là các sự biến thái (Modifikationen) của thị giác được ánh sáng kích động bằng một cách nào đó. Ngược lại, không gian, như là điều kiện của các đối tượng bên ngoài, lại thuộc về hiện tượng hay trực quan về hiện tượng một cách tất yếu. Mùi vị và màu sắc là những điều kiện không tất yếu, nhờ đó các đối tượng chỉ có thể trở thành các đối tượng của giác quan trước mắt ta. Chúng chỉ nối kết với hiện tượng như là các tác động được thêm vào một cách ngẫu nhiên của sự tổ chức đặc thù [của hiện tượng]. Vì thế chúng không phải là các biểu tượng tiên nghiệm, trái lại dựa trên cảm giác; vị ngon [của rượu] thậm chí còn dựa trên cảm xúc (vui và không vui) như là một tác động của cảm giác. Ta không bao giờ có được một cách tiên nghiệm biểu tượng về một màu sắc hay một mùi vị, trong khi đó, không gian thì lại chỉ liên quan đến mô thức thuần túy của trực quan, không bao hàm cảm giác trong nó (không có gì thường nghiệm), và thậm chí mọi cách thái và quy định của không gian đều có thể và đều phải được hình dung một cách tiên nghiệm nếu muốn các khái niệm – không chỉ về hình thể mà cả về các quan hệ – được ra đời. Chỉ thông qua không gian mới làm cho các sự vật có thể trở thành các đối tượng bên ngoài cho ta được”.

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt