PHÊ PHÁN LÝ TÍNH THUẦN TÚY - MỤC LỤC
CẢM NĂNG HỌC SIÊU NGHIỆM VỀ THỜI GIAN
IMMANUEL KANT (1724-1804) BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải Immanuel Kant. “Cảm năng học siêu nghiệm” trong Phê phán lý tính thuần túy (Kritik der Reinen Vernunft). Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, 2004. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã có sự cho phép của dịch giả.
KHẢO SÁT SIÊU HÌNH HỌC VỀ KHÁI NIỆM THỜI GIAN 1. Thời gian không phải là một khái niệm thường nghiệm được rút ra từ một kinh nghiệm nào đó. Bởi vì bản thân việc xảy ra đồng thời hay xảy ra kế tiếp nhau không đến được với tri giác, nếu biểu tượng về thời gian không làm cơ sở một cách tiên nghiệm. Chỉ với tiền đề ấy, người ta mới có thể hình dung các sự vật là đang tồn tại trong cùng một thời gian (đồng thời) hoặc trong các thời gian khác nhau (kế tiếp nhau). 2. Thời gian là một biểu tượng tất yếu làm nền móng cho mọi trực quan. Đối với những hiện tượng nói chung, người ta không thể thủ tiêu (aufheben) bản thân thời gian, mặc dù người ta hoàn toàn có thể tước bỏ mọi đối tượng ra khỏi thời gian. Vậy, Thời gian là được mang lại một cách tiên nghiệm. Chỉ trong thời gian mà mọi tính thực tại của những hiện tượng mới có thể có được. Những hiện tượng này có thể mất hết nhưng bản thân thời gian (như là điều kiện phổ biến cho khả thể của chúng) không thể bị thủ tiêu được. 3. Khả thể của các nguyên tắc tất nhiên (apodiktisch) về các mối quan hệ trong thời gian hay các tiên đề (Axiomen) về thời gian nói chung đều dựa trên tính tất yếu tiên nghiệm này. Thời gian chỉ có MỘT chiều: những thời gian khác nhau không phải đồng thời với nhau mà là kế tiếp nhau (trong khi những không gian khác nhau không kế tiếp nhau mà cùng tồn tại[1] bên nhau). Các nguyên tắc này không thể được rút ra từ kinh nghiệm, vì kinh nghiệm không mang lại tính phổ biến chặt chẽ lẫn tính xác tín hiển nhiên. [Từ kinh nghiệm], ta hầu như chỉ có thể nói: “tri giác thông thường dạy cho ta biết như thế”, chứ không thể nói: “nó phải như thế”. Các nguyên tắc này có giá trị như các quy luật, nhờ đó những kinh nghiệm, nói chung, mới có thể có được và dạy cho ta biết trước khi có kinh nghiệm chứ không phải thông qua kinh nghiệm. 4. Thời gian không phải là một khái niệm suy lý, hay như người ta thường gọi, không phải là một khái niệm phổ biến mà là một mô thức thuần túy của trực quan cảm tính. Những thời gian khác nhau chỉ là những bộ phận của cùng một thời gian. Nhưng, biểu tượng có thể được mang lại bởi chỉ một đối tượng duy nhất [thời gian] phải là TRỰC QUAN. Nên ngay cả mệnh đề “những thời gian khác nhau không thể là đồng thời với nhau” cũng không thể được rút ra từ một khái niệm phổ biến. Mệnh đề này là có tính tổng hợp và không thể chỉ bắt nguồn duy nhất từ các khái niệm. Vậy, mệnh đề ấy được chứa đựng một cách trực tiếp (unmittelbar) trong trực quan và trong biểu tượng về thời gian. 5. Tính vô tận (Unendlichkeit) của Thời gian không có nghĩa gì khác hơn là: mọi lượng nhất định của thời gian chỉ có thể có được bằng những sự giới hạn của một Thời gian duy nhất làm nền tảng. Vì vậy, biểu tượng nguyên thủy: Thời gian phải được mang lại [được cho] như là vô giới hạn. Nếu bản thân các bộ phận và mỗi lượng của một đối tượng đều chỉ có thể được hình dung một cách xác định bằng các sự giới hạn thì biểu tượng về cái toàn bộ không phải do những khái niệm mang lại (vì những khái niệm chỉ chứa đựng các biểu tượng bộ phận), trái lại phải có trực quan trực tiếp [về cái toàn bộ thời gian] làm nền móng cho những khái niệm ấy. KHẢO SÁT SIÊU NGHIỆM VỀ KHÁI NIỆM THỜI GIAN [Mục §5 này là được thêm vào cho bản B] Để ngắn gọn, tôi xin lưu ý trở lại những gì đã nói ở mục § 3 về thế nào là “siêu nghiệm” được đặt ngay dưới phần khảo sát siêu hình học. Ở đây, tôi chỉ nói thêm rằng: khái niệm về sự biến đổi (Vernderung) và cùng với nó là khái niệm về sự vận động (như là sự biến đổi về vị trí) chỉ có thể có được là nhờ thông qua và ở trongbiểu tượng về thời gian. | Và nếu biểu tượng này không phải là trực quan tiên nghiệm (bên trong), sẽ không có một khái niệm nào, dù thuộc loại gì, có thể làm cho ta hiểu được khả thể của sự biến đổi[2], tức là, của sự nối kết các thuộc tính đối lập – mâu thuẫn nhau[3] trong cùng một đối tượng (chẳng hạn sự tồn tại và sự không-tồn tại của cùng một sự vật trong cùng một vị trí). Chỉ trong thời gian, hai tính quy định đối lập-mâu thuẫn mới có thể cùng tồn tại trong một sự vật, đó chính là sự tồn tại kế tiếp nhau [của hai trạng thái]. Cho nên, khái niệm về thời gian của chúng ta giải thích được khả thể của rất nhiều nhận thức tổng hợp tiên nghiệm như được thể hiện trong học thuyết chung về vận động [ám chỉ môn Cơ học], một học thuyết mang lại không ít điều bổ ích. KẾT LUẬN TỪ CÁC KHÁI NIỆM TRÊN a. Thời gian không phải là cái gì tồn tại cho chính nó hay thuộc về những sự vật như là quy định khách quan, và do đó, không phải là cái vẫn còn lại khi người ta tước bỏ [trừu tượng hóa] mọi điều kiện chủ quan để trực quan sự vật. | Vì trong trường hợp trước [tồn tại cho chính nó], thời gian sẽ vẫn là cái gì hiện thực (wirklich) dù không có đối tượng hiện thực nào cả. Còn trong trường hợp sau, nếu thời gian được xem như một quy định hay trật tự gắn liền với sự vật thì nó không thể đi trước (vorhergehen) đối tượng để làm điều kiện cho chúng và không thể được nhận thức bằng những mệnh đề tổng hợp tiên nghiệm và không thể được trực quan. Nhưng trái lại, những mệnh đề tổng hợp tiên nghiệm là hoàn toàn có thể có được, nếu thời gian không gì khác hơn là điều kiện chủ quan, nhờ đó mọi trực quan có thể diễn ra bên trong ta. Vì ở đây, mô thức này của trực quan bên trong có thể được hình dung trước các đối tượng, do đó, là một cách tiên nghiệm. b. Thời gian không gì khác hơn là mô thức của giác quan bên trong, tức của trực quan về chính ta và về trạng thái bên trong [nội tâm] của ta. Vì thời gian không thể là một quy định của những hiện tượng bên ngoài; nó không có hình thể hay vị trí nào v.v.., trái lại thời gian xác định mối quan hệ giữa các biểu tượng của trạng thái nội tâm bên trong ta. Và, vì trực quan bên trong này không mang lại hình thể nên ta tìm cách thay thế sự thiếu thốn này bằng các cái tương tự (Analogien) và hình dung dòng thời gian bằng một đường thẳng vô tận, trong đó cái đa tạp [mọi thời điểm] tạo thành một chuỗi, chỉ có một chiều và từ các đặc điểm của đường thẳng này mà suy ra mọi đặc điểm của thời gian, ngoại trừ điểm duy nhất là: các bộ phận của đường thẳng [trong không gian] thì cùng tồn tại đồng thời (zugleich) còn các bộ phận của thời gian bao giờ cũng kế tiếp nhau. Điều này cũng cho thấy rõ rằng bản thân biểu tượng về thời gian là một TRỰC QUAN, bởi lẽ mọi mối quan hệ của nó đều có thể được diễn tả bằng một trực quan bên ngoài [“bằng mô thức không gian”]. c. Thời gian là điều kiện mô thức tiên nghiệm cho mọi hiện tượng nói chung. Không gian – như là mô thức thuần túy của mọi trực quan bên ngoài – chỉ là điều kiện tiên nghiệm được giới hạn cho những hiện tượng bên ngoài mà thôi. Ngược lại, vì lẽ mọi biểu tượng – dù có đối tượng là những sự vật bên ngoài hay không – tự chúng là các quy định của tâm thức, đều thuộc về trạng thái nội tâm; nhưng trạng thái nội tâm này thuộc về điều kiện mô thức của trực quan bên trong, tức thuộc về thời gian, nên thời gian là điều kiện tiên nghiệm cho mọihiện tượng nói chung, là điều kiện trực tiếp cho những hiện tượng bên trong (của tâm hồn chúng ta) và đồng thời qua đó cũng là điều kiện gián tiếp cho mọi hiện tượng bên ngoài. Nếu tôi có thể nói một cách tiên nghiệm rằng: “Mọi hiện tượng bên ngoài đều ở trong không gian và được quy định một cách tiên nghiệm theo các mối quan hệ của không gian”, thì từ nguyên tắc của giác quan bên trong, tôi có thể nói một cách hoàn toàn tổng quát rằng: “Mọi hiện tượng nói chung, tức mọi hiện tượng của giác quan đều ở trong thời gian và nhất thiết phải ở trong các mối quan hệ của thời gian”. Giả thử ta tước bỏ phương cách của ta để tự trực quan chính ta từ bên trong và nhờ trực quan [bên trong] này để bao quát hết mọi trực quan bên ngoài trong năng lực biểu tượng, nghĩa là nếu ta hiểu đối tượng như chúng đang tồn tại tự thân, thì thời gian [sẽ không còn nữa và] không là gì cả (nichts). Nó chỉ có giá trị khách quan đối với những hiện tượng, vì chúng là những sự vật được ta xem là những đối tượng của giác quan chúng ta; nhưng nó sẽ không còn là khách quan, nếu người ta trừu tượng hóa [tước bỏ] khỏi cảm năng của trực quan chúng ta, do đó, là trừu tượng hóa khỏi phương cách biểu tượng (Vorstellungsart) riêng có của chúng ta và lại đi bàn về những sự vật nói chung (Dinge berhaupt) [tức những vật-tự thân]. Vậy, thời gian chỉ là một điều kiện chủ quan của trực quan (mang tính con người) của chúng ta (bao giờ cũng là cảm tính, nghĩa là trong chừng mực ta được các đối tượng kích động), còn thời gian tự thân, ở bên ngoài chủ thể, là không có [không là gì cả]. Tuy nhiên, đối với mọi hiện tượng, tức đối với mọi sự vật có thể xuất hiện ra cho ta trong kinh nghiệm, thời gian là khách quan một cách tất yếu. Chúng ta không thể nói: “Mọi sự vật đều ở trong thời gian”, vì trong khái niệm về “mọi sự vật nói chung”, mọi phương cách để trực quan sự vật đã bị tước bỏ, trong khi chính phương cách này là điều kiện đích thực để thời gian được thuộc về biểu tượng của những hiện tượng. Nhưng nếu điều kiện này được bổ sung thêm vào cho khái niệm trên, và câu trên trở thành: “Mọi sự vật – với tư cách là những hiện tượng (những đối tượng của trực quan cảm tính) đều ở trong thời gian”, nguyên tắc này sẽ có được tính đúng đắn khách quan và tính phổ biến tiên nghiệm. Các khẳng định trên đây của chúng ta dạy cho ta biết về tính thực tại thường nghiệm (empirische Realitt)của thời gian, tức tính giá trị khách quan đối với mọi đối tượng có thể được mang lại cho giác quan của ta. Và bởi vì trực quan của ta bao giờ cũng là cảm tính, nên trong kinh nghiệm, không bao giờ một đối tượng được mang lại cho ta mà không phục tùng điều kiện thời gian. Ngược lại, ta bác bỏ mọi yêu sách về tính thực tại tuyệt đối (absolute Realitt) của Thời gian, vì như vậy, thời gian sẽ gắn liền với những sự vật một cách tuyệt đối như là điều kiện hay thuộc tính mà không cần xét đến mô thức của trực quan cảm tính của chúng ta. Các thuộc tính gắn liền với những vật-tự thân như thế không bao giờ có thể được mang lại cho ta thông qua các giác quan. Tuy nhiên, chính ở điểm này cho thấy Ý thể tính siêu nghiệm (transzendentale Idealitt) của thời gian, theo đó, thời gian không là gì cả nếu người ta trừu tượng hóa nó ra khỏi mọi điều kiện chủ quan của trực quan cảm tính, và thời gian không thể được xem là cái gì tồn tại như bản thể (subsistierend), cũng không phải cái gì tồn tại như tùy thể (inhrierend) nơi những đối tượng tự thân (mà không có quan hệ với trực quan của ta). Nhưng Ý thể tính này, cũng giống như ý thể tính của không gian, không được đem ra so sánh một cách sai lầm với cảm giác, vì như vậy là người ta đã giả định như một tiền đề rằng hiện tượng – mang nơi mình các thuộc tính ấy [các cảm giác] là có tính thực tại khách quan; điều hoàn toàn không có ở đây, ngoại trừ việc: tính thực tại ấy chỉ là thường nghiệm, tức là trong chừng mực người ta xem bản thân đối tượng chỉ là hiện tượngđơn thuần mà thôi, như đã từng nhận xét ở cuối mục §3 trên đây mà ta có thể xem lại.
[1] Zugleich: đồng thời, nhưng – như đã nói – ở đây có nghĩa là “cùng tồn tại” bên nhau (Koexistenz). (N.D). [2] Về cách dùng chữ, sau này (B225-231), Kant phân biệt rất tế nhị giữa “biến đổi” (Vernderung) và “thay đổi” (Wechsel). “Biến đổi” chỉ bản thân sự vật (bản thể) trải qua nhiều trạng thái khác nhau, nó vẫn là nó nhưng không còn giống như trước đây (vd: tôi vẫn là tôi nhưng tôi “biến đổi” từ trẻ thành già. Còn các trạng thái “trẻ”, “già” chỉ là những “thay đổi”, tức sự thay chỗ cho nhau, tự chúng không “biến đổi” gì dù là các thuộc tính “đối lập-mâu thuẫn” nhau trong cùng một sự vật. Theo Kant, chỉ nhờ khái niệm về thời gian, ta mới nhận thức được khả thể ấy. Do đó, để thống nhất về thuật ngữ, từ nay chữ “Vernderung” sẽ được dịch là “sự biến đổi”, còn “Wechsel” là “thay đổi”. (N.D). [3] Đối lập-mâu thuẫn: Kontradiktorisch-entgegengesetzt. (N.D). |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC