Siêu hình học

Nhiệm vụ tháo dở (hay "phá hủy") lịch sử Hữu thể học

Martin Heidegger. Tồn tại và Thời gian. "Dẫn nhập"

1 2 3 4 5 6 7 8

 

 

CHƯƠNG 2

NHIỆM VỤ KÉP TRONG VIỆC TRIỂN KHAI CÂU HỎI VỀ TỒN TẠI.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ DÀN BÀI NGHIÊN CỨU

-------- o0o -------

 

§ 6

Nhiệm vụ tháo dỡ (hay “phá hủy”(a)

Lịch sử của Hữu thể học

 

57

Mọi nghiên cứu - nhất là khi vận động trong khuôn khổ câu hỏi trung tâm về Tồn tại - là khả thể vật thể học của Dasein. Tồn tại của Dasein tìm thấy ý nghĩa của mình trong thời tính. Song thời tính đồng thời là điều kiện khả thể cho Sử tính(b) hiểu như loại tồn tại thời tính của bản thân Dasein, bất kể Dasein có phải là một cái tồn tại “ở trong thời gian” hay không và như thế nào. Quy định “sử tính” này đi trước cái ta gọi là lịch sử (sự biến lịch sử thế giới). Sử tính nói lên sự cấu tạo [nền tảng] cho “sự biến(c) của Dasein nói chung, trên cơ sở ấy mới có thể có những gì gọi là “lịch sử thế giới” và thuộc về lịch sử thế giới về mặt lịch sử. Trong Tồn tại kiện tính của mình, Dasein là như thế nào và “là gì” thì đúng như nó đã từng là. Dù có nói ra một cách minh nhiên hay không, Dasein quá khứ của chính mình. Nó quá khứ của chính mình, không chỉ theo nghĩa rằng quá khứ của nó, có thể nói, đẩy nó tới từ “đằng sau”, và sở hữu quá khứ như một thuộc tính vẫn còn có-đó và có lúc tác động lên nó. Dasein “là” quá khứ của chính mình theo kiểu của sự Tồn tại của nó, và, nói một cách thô thiển, Tồn tại này có khi “diễn ra” từ tương lai. Trong cách thức hiện hữu của mình ở từng thời điểm, và theo đó, cùng với việc thấu hiểu Tồn tại vốn thuộc về nó, Dasein lớn lên trong và từ một sự lý giải truyền thống và quen thuộc về Dasein. Dasein thoạt đầu hiểu chính mình trong sự lý giải ấy, và trong chừng mực nào đó, một cách thường xuyên. Việc thấu hiểu này khám phá những khả thể của sự Tồn tại của Dasein và điều tiết những khả thể này. Quá khứ của chính mình - và cũng luôn có nghĩa là quá khứ của “thế hệ” mình - không chạy theo đuôi Dasein, trái lại, đã luôn đi trước nó.

58

 Sử tính cơ bản này của Dasein vẫn có thể bị che giấu đối với bản thân Dasein. Nhưng vẫn có cách để sử tính được khám phá và nuôi dưỡng. Dasein có thể khám phá, bảo tồn và theo đuổi truyền thống một cách thấu đáo. Công việc khám phá và khai thác những gì được “trao truyền” và làm thế nào để tiếp tục trao truyền lại, có thể được tiến hành như một nhiệm vụ độc lập. Như thế, Dasein đặt mình vào kiểu Tồn tại của việc tra hỏi và nghiên cứu. Nhưng, sở dĩ sử ký hay sử học(a) - hay chính xác hơn, tính sử ký(b) - có thể có được như là kiểu Tồn tại của Dasein tra hỏi về truyền thống chính là nhờ Sử tính là đặc điểm quy định trong tận nền tảng của Tồn tại của Dasein. Nếu Sử tính bị che giấu đối với Dasein và bao lâu vẫn còn như thế, Dasein cũng mất đi khả thể của việc tra hỏi và khám phá lịch sử. Việc thiếu sử ký [khuyết sử] không phải là bằng chứng phản bác lại Sử tính của Dasein, trái lại, là bằng chứng cho thể cách khiếm khuyết của cấu tạo nền tảng này của Tồn tại. Chỉ do mang “Sử tính”, nên mới có thời khuyết sử.

59

Mặt khác, nếu Dasein nắm lấy tiềm năng này, không chỉ để làm cho sự hiên hữu của mình trở nên trong suốt với chính mình mà còn để tìm tòi ý nghĩa của bản thân tính phổ sinh (nghĩa là, của việc tìm tòi trước đó về ý nghĩa của Tồn tại nói chung), và nếu qua việc tìm tòi ấy, được mở tầm mắt về Sử tính cốt yếu của chính mình, hẳn ta sẽ không thể không thấy rằng bản thân việc nghiên cứu về Tồn tại (sự cần thiết vật thể học-hữu thể học của công việc này đã được chỉ ra) là do Sử tính quy định. Do đó, việc triển khai câu hỏi về Tồn tại phải nhận được sự hướng dẫn để tìm hiểu về chính lịch sử của nó từ ý nghĩa hữu thể học đích thực nhất của bản thân việc tìm hiểu lịch sử, tức là, trở nên “sử học” để tiếp thu quá khứ một cách tích cực, để hoàn toàn sở hữu được những khả thể đích thực nhất của việc tìm hiểu. Câu hỏi về ý nghĩa của Tồn tại - đúng theo cách thức tiến hành của nó là phải giải thích trước đó đã về Dasein trong Thời tính và Sử tính - sẽ dẫn tới chỗ hiểu chính mình như là câu hỏi sử học.

60

Diễn giải có tính dự bị về những cấu trúc nền tảng của Dasein đối với cách tồn tại thông thường và trung bình của nó - cũng là nơi Dasein lần đầu tiên mang sử tính - sẽ làm rõ những điều sau đây: Dasein không chỉ có xu hướng sa vào thế giới mình sống và tự lý giải thế giới từ con mắt phản tỉnh, mà còn vướng vào một truyền thống ít nhiều được nắm bắt một cách minh nhiên. Truyền thống này sẽ tước đi quyền lãnh đạo của Dasein trong việc tra hỏi và lựa chọn. Điều này đặc biệt đúng đối với việc thấu hiểu (và có thể phát triển việc thấu hiểu này) bắt rễ trong chính Tồn tại riêng biệt nhất của Dasein - tức trong việc thấu hiểu mang tính hữu thể học.

61

Khi truyền thống đã làm chủ, nó sẽ làm cho những gì nó “trao truyền” lại trở nên không thể tiếp cận được, mà hầu như còn bị che đậy nữa. Truyền thống biến những gì trao truyền lại cho ta thành cái gì hiển nhiên; nó khóa chặt con đường ta tiếp cận với những “suối nguồn” căn nguyên đã làm nảy sinh những phạm trù và khái niệm được trao truyền. Thậm chí, nó làm ta quên rằng chúng có một nguồn cội như thế, và khiến ta tin rằng sự cần thiết phải trở lại với những nguồn cội ấy là cái gì không cần phải hiểu đến. Truyền thống đã làm bật rễ Sử tính của Dasein đến mức chỉ còn sót lại sự hứng thú trước tính đa dạng của những loại hình, trào lưu, quan điểm của việc triết lý trong những nền văn hóa xa xôi nhất và xa lạ nhất, và tìm cách che đậy tính vô-căn để(a) của chính mình bằng sự hứng thú ấy. Hậu quả là, bất kể mọi sự quan tâm về lịch sử và mọi sự hăng say diễn giải “khách quan” về mặt ngữ văn học, Dasein không còn hiểu được những điều kiện cơ bản nhất, cho phép một sự trở về tích cực với quá khứ theo nghĩa một sự tiếp thu năng sản, sáng tạo.

62

Ngay khi vào đề (§ 1), ta đã cho thấy rằng câu hỏi về ý nghĩa của Tồn tại không chỉ chưa được giả quyết, không chỉ không được đặt ra một cách đầy đủ, mà đã bị rơi vào quên lãng, dù có mọi sự quan tâm đến “siêu hình học”. Việc hữu thể học Hy Lạp và lịch sử của nó, qua bao biến thể và thăng trầm, cho đến nay vẫn còn tiếp tục quy định hệ khái niệm của triết học là bằng chứng cho thấy Dasein hiểu bản thân mình và Tồn tại nói chung từ “Thế giới”, và rằng nền hữu thể học lớn mạnh như thế đã bị sa vào truyền thống, biến nó thành cái gì hiển nhiên và bị hạ thấp thành chất liệu đơn thuần cho việc được xử lý lại một cách mới mẻ (như đối với Hegel). Nền hữu thể học Hy Lạp bị bật rễ này trở thành nội dung học thuyết vững chắc trong thời trung đại. Tính hệ thống của nó không phải là nhờ gắn kết những mảnh rời của truyền thống thành một tòa nhà. Bên trong ranh giới của một sự tiếp thu giáo điều những cấu tạo nền tảng kiểu Hy Lạp về Tồn tại, vẫn có những nỗ lực tiếp nối bất ngờ trong tính hệ thống này. Trong lớp áo Kinh Viện, hữu thể học Hy Lạp, về cơ bản, đi theo con đường của những Disputationes metaphysicae [Tranh biện siêu hình học] của Suarez sang “Siêu hình học” và Triết học siêu nghiệm của thời cận đại, và vẫn còn xác định những nền móng và mục tiêu của “Khoa học Lôgíc” của Hegel. Bao lâu theo dòng lịch sử này, những khu vực Tồn tại đặc sắc nhất định được lọt vào tầm mắt và từ đó giữ vai trò hàng đầu trong việc dẫn đắt hệ vấn đề (chẳng hạn: cái Cogito của Descartes, chủ thể, cái Tôi, lý tính, tinh thần, nhân cách), thì, tương ứng với việc không ngừng bỏ lỡ câu hỏi về Tồn tại, bản thân Tồn tại và cấu trúc của chúng cũng không hề được tra hỏi. Trong khi đó, nội dung phạm trù của hữu thể học cổ truyền được chuyển trao sang cho những khu vực tồn tại này bằng những sự hình thức hóa tương ứng và những hạn định thuần túy tiêu cực, hoặc phải cầu viện đến phép biện chứng để giúp lý giải tính bản thể của những khu vực chủ đề này.

63

Nếu muốn cho bản thân câu hỏi về Tồn tại đạt được sự trong suốt đối với chính lịch sử của nó, cần có một sự tháo lỏng truyền thống đã bị xơ cứng này và tháo bỏ những sự che đậy do nó gây ra. Ta hiểu nhiệm vụ này là việc tháo dỡ nội dung cựu truyền của nền hữu thể học cổ đại dựa theo manh mối hướng dẫn của câu hỏi về Tồn tại. Việc “tháo dỡ” này sẽ phải dựa vào những kinh nghiệm căn nguyên, trong đó ta sẽ thu hoạch được những quy định đầu tiên và có tính tiếp tục dẫn đạo của Tồn tại.

64

Việc chứng minh này về nguồn cội căn nguyên của những khái niệm nền tảng của hữu thể học - không khác gì việc xuất trình “giấy khai sinh” của chúng - không liên quan gì đến việc tương đối hóa một cách xoàng xỉnh những quan điểm hữu thể học. Việc tháo dỡ cũng không hề có nghĩa tiêu cực, phủ định của việc làm sụp đổ truyền thống hữu thể học. Ngược lại, nó nhằm làm lộ rõ những khả thể tích cực của truyền thống này, và luôn có nghĩa là vạch rõ những ranh giới của nó. Những ranh giới này đã được thật sự mang lại cùng với việc đặt câu hỏi và khu biệt phạm vi nghiên cứu khả hữu được vạch ra từ đó. Việc tháo dỡ không hành xử một cách phủ định đối với quá khứ; cái mà sự phê phán nhắm đến là cái “hôm nay” và đến cách thức xử lý đang thịnh hành về lịch sử của hữu thể học, dù được hiểu theo nghĩa lịch sử tư tưởng, lịch sử tinh thần hay lịch sử vấn đề. Sự tháo dỡ không muốn chôn vùi quá khứ thành hư vô, trái lại, có ý định tích cực; còn chức năng phủ định, tiêu cực chỉ là mặc nhiên và gián tiếp mà thôi.

65

Việc tháo dỡ lịch sử của hữu thể học thiết yếu thuộc về việc đặt câu hỏi về Tồn tại, và chỉ có thể có được bên trong việc đặt câu hỏi ấy mà thôi. Trong khuôn khổ của khảo luận sau đây với mục tiêu là triển khai cơ bản câu hỏi về Tồn tại, việc tháo dỡ chỉ có thể thực hiện được dựa vào những những chặng đường cơ bản, mang tính quyết định của lịch sử này.

66

Theo khuynh hướng tích cực, khẳng định của việc tháo dỡ, trước hết cần đặt câu hỏi là: trong diễn trình lịch sử của hữu thể học nói chung, việc diễn giải về Tồn tại có gắn liền về mặt chủ đề với hiện tượng Thời gian hay không và đến chừng mực nào. Và phải chăng hệ vấn đề liên quan đến “Thời gian tính” (“Temporalität”) vốn thiết yếu ở đây có được hay có thể được triển khai một cách cơ bản hay không. Người đầu tiên và duy nhất đã đi suốt chặng đường hướng đến kích thước của Thời gian tính - hay đã để mình được thôi thúc đi tới do sức mạnh bó buộc của bản thân những hiện tượng, người ấy chính là Kant. Chỉ khi hệ vấn đề “Thời gian tính” đã được cố định, ta mới có thể soi rọi ánh sáng vào chỗ tối tăm trong học thuyết của ông về thuyết Niệm thức(a). Hơn thế, trên con đường này, ta mới giải thích được tại sao lĩnh vực này vẫn cứ còn khép kín đối với Kant trong những kích thước thật sự, cũng như trong chức năng hữu thể học trung tâm của nó. Bản thân Kant đã biết rằng mình đang phiêu lưu vào một lĩnh vực tối tăm: “Thuyết niệm thức này của giác tính chúng ta trong quan hệ với hiện tượng và với mô thức đơn thuần của hiện tượng là một tài nghệ ẩn tàng trong đáy sâu của tâm hồn con người mà ta rất khó phát hiện bàn tay bí ẩn của Tự nhiên và phơi bày ra rõ ràng được”.[1] Những gì có thể nói là đã làm cho Kant phải chùn bước ở đây, cần phải được mang ra ánh sáng như một chủ đề và về nguyên tắc, nếu từ “Tồn tại” muốn có một ý nghĩa có thể chứng minh được. Kỳ cùng, chính những hiện tượng được triển khai trong phân tích sau đây dưới nhan đề “Thời gian tính” là những phán đoán bí mật nhất của “lý tính thông thường”, mà phân tích pháp về nó được Kant xác định là “công việc của triết gia”.

67

Theo đuổi nhiệm vụ tháo dỡ dựa theo sự hướng đạo của vấn đề Thời gian tính, khảo luận sau đây sẽ thử diễn giải chương về thuyết niệm thức và học thuyết của Kant về Thời gian trong chương sách ấy. Đồng thời, ta cũng phải cho thấy tại sao Kant đã không thể đạt tới được thức nhận về hệ vấn đề Thời gian tính. Có hai điều đã cản trở Kant đạt được thức nhận này. Một mặt, là bỏ lỡ câu hỏi về Tồn tại nói chung, và cùng với nó là việc thiếu một hữu thể học được lập chủ đề về Dasein - hay như cách nói của Kant, thiếu một phân tích pháp trước đó về tính chủ thể của chủ thể. Thay vào đó, Kant đã tiếp thu lập trường của Descartes một cách giáo điều, dù có nhiều phát triển cơ bản. Tuy đã đưa được hiện tượng [Thời gian] vào trở lại cho chủ thể, nhưng phân tích của ông về Thời gian vẫn hướng theo cách hiểu thông thường về thời gian. Chính điều này rốt cuộc đã ngăn cản Kant triển khai hiện tượng “quy định thời gian siêu nghiệm” trong cấu trúc và chức năng của riêng nó. Hệ quả của tác động kép này của truyền thống là mối quan hệ quyết định giữa Thời gian và “cái Tôi tư duy” vẫn hoàn toàn bị che phủ trong sự tối tăm, thậm chí chưa từng được đặt thành vấn đề.

68

Khi tiếp thu lập trường hữu thể học của Descartes, Kant đã bỏ lỡ một điều cơ bản: hữu thể học về Dasein. Sự bỏ lỡ này là một sự bỏ lỡ quyết định, căn cứ vào khuynh hướng riêng biệt nhất của Descartes. Với cogito sum (“tôi tư duy [vậy] tôi tồn tại”), Descartes cho rằng mình đã mang lại một cơ sở mới, vững chắc cho triết học. Nhưng, trong sự khởi đầu “triệt để” này, điều vẫn chưa được Descartes xác định là loại tồn tại của cái res cogitans (“bản thể tư duy”), hay, chính xác hơn, là ý nghĩa tồn tại của cái “sum”. Triển khai những cơ sở hữu thể học ngầm ẩn của “cogito sum” sẽ là nội dung của chặng đường thứ hai trên con đường tháo dỡ, và cũng là trở về lại với lịch sử của hữu thể học. Sự diễn giải sẽ không chỉ chứng minh rằng Descartes đã hoàn toàn bỏ qua câu hỏi về Tồn tại, mà cho thấy lý do tại sao ông lại cho rằng sự “chắc chắn” tuyệt đối của cái cogito lại có thể miễn trừ cho ông việc đặt câu hỏi về ý nghĩa của Tồn tại của cái tồn tại này [Dasein].

69

Tuy nhiên, đối với Descartes, không chỉ có việc bỏ lỡ, và do đó, hoàn toàn không xác định được về mặt hữu thể học của cái res cogitans sive mens sive animus (“bản thể/vật tư duy, dù nó là tinh thần hay linh hồn”). Descartes còn tiến hành các “Suy niệm nền tảng” (“Meditationes”) bằng cách áp dụng hữu thể học trung đại vào cho cái tồn tại được ông xem là fundamentum inconcussum (“nền tảng không thể lay chuyển được”). Cái res cogitans được xác định về mặt hữu thể học như là ens (“hữu thể”), và, đối với hữu thể học trung đại, ý nghĩa của sự Tồn tại của ens được cố định trong cách hiểu ens ens creatum (“hữu thể thụ tạo”). Còn Thượng đế - như là ens infinitum (“Hữu thể vô hạn”) - là ens increatum (“Hữu thể sáng tạo/không phải thụ tạo”). Nhưng, việc được sáng tạo hay thụ tạo - trong nghĩa rộng nhất, là cái gì đó được tạo ra, được sản xuất ra - là một mômen cấu trúc của khái niệm “tồn tại” ở thời cổ đại. Sự khởi đầu tưởng là mới mẻ của triết học hóa ra là gieo trồng một định kiến nguy hiểm. Dựa trên định kiến này khiến đời sau bỏ lỡ một phân tích pháp được lập chủ đề hữu thể học về “Gemüte” (“tâm thức”), lẽ ra phải được dẫn đạo bởi câu hỏi về Tồn tại, và đồng thời bỏ lỡ cơ hội tiếp cận một cách phê phán đối với hữu thể học cổ đại cựu truyền.

70

Ai am tường về thời trung đại cũng biết rằng Descartes “lệ thuộc” vào Kinh Viện học trung đại và đã sử dụng hệ thuật ngữ của nó. Nhưng “phát hiện” này chẳng ích lợi gì về mặt triết học, bao lâu vẫn chưa thấy được tầm mức tác động về nguyên tắc của hữu thể học trung đại vào trong việc quy định và cả không quy định về cái res cogitans đối với hậu thế. Ta chỉ lường được tầm mức tác động này, khi trước đó phải chỉ ra được ý nghĩa và ranh giới của hữu thể học cổ đại từ sự định hướng của câu hỏi về Tồn tại. Nói khác đi, việc tháo dỡ đang thấy mình đứng trước nhiệm vụ phải diễn giải nền tảng của hữu thể học cổ đại dưới ánh sáng của hệ vấn đề “Thời gian tính”. Ở đây cũng rõ ràng rằng cách lý giải cổ đại về Tồn tại của những cái tồn tại là hướng theo “Thế giới” hay “Tự nhiên” theo nghĩa rộng nhất, và rằng, trong thực tế, việc lý giải ấy có được sự hiểu biết về Tồn tại là từ “Thời gian”. Bằng chứng tư liệu ngoại tại cho việc này - và tất nhiên, không phải chỉ như thế - chính là việc xác định ý nghĩa của Tồn tại như là parousia hay ousia, [từ Hy Lạp] có nghĩa hữu thể học và về mặt thời gian là “hiện tại”/“hiện diện(a). Những cái tồn tại được nắm bắt như là “hiện tại”/“hiện diện” trong Tồn tại của chúng; và điều này có nghĩa là, chúng đã được hiểu dựa trên một thể cách hay tình thái nhất định của thời gian, đó là “thì hiện tại(b).

71

Hê vấn đề của hữu thể học Hy Lạp, giống như của bất kỳ nền hữu thể học nào, phải lấy manh mối hướng dẫn cho mình từ bản thân Dasein. Trong “định nghĩa” thông thường cũng như trong triết học, Dasein, tức Tồn tại của con người, được khu biệt như là zoon logon echon (Hy Lạp), nghĩa là sinh vật mà Tồn tại của nó được xác định bởi năng lực có thể “nói”. Legein (xem kỹ hơn trong §7 B ngay sau đây) chính là manh mối hướng dẫn để đến với những cấu trúc Tồn tại của những cái tồn tại được gặp gỡ trong việc nói ra và nói với. Đó là lý do tại sao hữu thể học cổ đại do Plato xây dựng đã trở thành “phép biện chứng”. Nhưng với sự triển khai chính manh mối hướng dẫn hữu thể học này, tức triển khai “Thông diễn học”(c) về Logos, nảy sinh khả thể của một sự nắm bắt triệt để hơn về vấn đề Tồn tại. “Phép biện chứng”, vốn là một sự bối rối triết học thật sự, đã trở nên thừa thãi. Sở dĩ Aristotle “đã không hiểu gì về nó nữa” là vì ông đã đặt nó trên một cơ sở triệt để hơn và vượt bỏ nó. Bản thân legein hay noein - tức việc lĩnh hội đơn giản cái gì có-đó trong tính có-đó thuần túy của nó, - từng được Parmenides lấy làm manh mối cho sự lý giải về Tồn tại - có cấu trúc thời gian của việc “làm cho cái gì đó trở nên hiện diện” hay” hiện tại hóa”(a) nó. Những cái tồn tại, phơi bày chính mình ở trong và cho việc “hiện tại hóa” này và được hiểu như là những cái tồn tại đúng nghĩa, theo đó, được lý giải về phương diện “thì hiện tại”; nghĩa là, được quan niệm như là sự “hiện diện” (ousia).

72

Tuy nhiên, việc lý giải kiểu Hy Lạp về Tồn tại tiến hành mà không có hiểu biết rõ ràng nào về manh mối hướng dẫn cho việc làm ấy, không có kiến thức lẫn sự thấu hiểu về chức năng hữu thể học nền tảng của Thời gian, không có cái nhìn nào vào cơ sở khả thể của chức năng ấy. Ngược lại: bản thân Thời gian được nắm lấy như là một cái tồn tại trong số những cái tồn tại khác. Cũng đã có nỗ lực nắm bắt bản thân Thời gian trong cấu trúc của Tồn tại của nó từ chân trời của một sự thấu hiểu Tồn tại hướng đến Thời gian, nhưng một cách ngầm ẩn và ngây thơ.

73

Trong khuôn khổ triển khai cơ bản câu hỏi về Tồn tại sau đây, ta không thể cung cấp một sự diễn giải chi tiết về Thời gian nơi những nền móng của hữu thể học cổ đại – nhất là ở cấp độ khoa học cao nhất và thuần túy nhất như nơi Aristotle. Thay vào đó, ta sẽ chỉ có thể chọn lý giải khảo luận của Aristotle về Thời gian [trong Vật lý học][2] nhằm làm rõ nền tảng và các giới hạn của khoa học cổ đại về Tồn tại.

74

Khảo luận của Aristotle về Thời gian là sự diễn giải đầu tiên và chi tiết được truyền lại cho ta về hiện tượng này. Nó đã có ảnh hưởng cơ bản đến mọi quan niệm về thời gian từ đó về sau – kể cả của Bergson. Từ việc phân tích khái niệm Thời gian của Aristotle, một cách hồi cố, đồng thời cũng cho thấy rằng quan niệm về Thời gian của Kant vận động trong những cấu trúc do Aristotle đề ra, có nghĩa rằng, định hướng hữu thể học nền tảng của Kant - với mọi sự khác biệt của cách tra hỏi mới mẻ - vẫn là định hướng kiểu Hy Lạp.

75

Chỉ khi tiến hành việc tháo dỡ truyền thống hữu thể học, câu hỏi về Tồn tại mới có được sự cụ thể hóa thật sự. Bằng cách ấy, ta mới có thể chứng minh một cách đầy đủ rằng câu hỏi về ý nghĩa của Tồn tại là câu hỏi không thể tránh được, và có thể chứng minh ý nghĩa của việc nói về một sự “đặt lại” hay “tái diễn”(a) câu hỏi này.

76

Bất kỳ nghiên cứu nào trong lĩnh vực này, nơi “bản thân Sự việc được che phủ rất kín”[3], ta cần phải tránh việc [tự] đánh giá quá cao những kết quả của mình. Vì việc tra hỏi như thế luôn buộc ta phải đối diện trước khả thể của việc khám phá một chân trời còn căn nguyên hơn nữa, phổ quát hơn nữa, từ đó có thể rút ra câu trả lời cho câu hỏi: “Tồn tại” là gì? Ta chỉ có thể bàn về những khả thể ấy một cách nghiêm chỉnh và đi đến những kết quả tích cực, khi đánh thức lại câu hỏi về Tồn tại và đến được với lĩnh vực này bằng một cách có kiểm soát.

 



(a) Destruktion/Destroying/Destructuring; (b) Geschichtlichkeit/historicality/ historicity; (c) “Geschehen”/”historizing”/ “occurrences”.

(a) Historie/historiology/discipline of history; (b) Historizität/historicity/historicality.

(a) Bodenlosigkeit/grounglessness.

(a) Schematismus/schematism.

[1] Kant, Phê phán lý tính thuần túy, B 181, (Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, tr. 389)

(a) “Anwesenheit”/“presence”; (b) “Gegenwart”/“the present”; (c) Hermeneutik/ hermeneutics.

(a) “Gegenwärtigen”/ “making present”.

[2] Aristotle, Physik Δ 10, 217, b 29-14, 224, a 17

(a) “Wiederholung”/ “restating”/ “retrieve”.

[3] Kant, Phê phán lý tính thuần túy (bản Đức), tr.121

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt