Siêu hình học

Sự cần thiết của việc khôi phục một cách minh nhiên câu hỏi về tồn tại

Martin Heidegger. Tồn tại và Thời gian. "Dẫn nhập"

1 2 3 4 5 6 7 8

 

 

SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC KHÔI PHỤC MỘT CÁCH 

MINH NHIÊN CÂU HỎI VỀ TỒN TẠI

 

MARTIN HEIDEGGER (1889-1976)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch

 


Martin Heidegger. Vật, Xây Ở Suy tư, Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật, Tồn tại và thời gian (dẫn nhập). Bùi Văn Nam Sơn tuyển dịch và chú giải. Nxb. Hồng Đức & Trustbooks. | Phiên bản điện tử trên triethoc.edu.vn đã có sự cho phép của dịch giả.


 

1

Ngày nay, câu hỏi nói trên đã bị lãng quên, dù thời đại của ta tự xem mình là tiến bộ, khi trở lại tán thành “siêu hình học”. Nhưng đồng thời ta lại nghĩ mình được miễn trừ khỏi “cuộc đại chiến của những người khổng lồ về vấn đề Tồn tại (gigantomachia peri tès ousias, Plato, Sophist 245e6-246e1) đang bùng phát trở lại. Tuy nhiên, câu hỏi được bàn ở đây quả nhiên không phải là một câu hỏi vu vơ, tùy tiện. Nó đã từng khuấy động công cuộc nghiên cứu của Plato và Aristotle, và rồi, từ đấy trở đi, không còn được nghe thấy như là câu hỏi chủ đề cho một công cuộc khảo cứu đích thực nữa. Những gì cả hai vị ấy đã đạt được vẫn còn được giữ vững qua bao nhiêu sự chuyển dịch và cả “thổi phồng” cho đến tận bộ “Khoa học Lô gíc” của Hegel. Và những gì mà nỗ lực tư duy tối cao trước đây đã dày công đánh vật với những hiện tượng ấy – tuy còn rời rạc và ở bước đầu – thì từ lâu đã bị tầm thường hóa.

2

Không chỉ như thế. Dựa trên những khởi điểm của người Hy Lạp khi diễn giải về Tồn tại[1]  đã hình thành nên một tín điều cho rằng câu hỏi về Tồn tại không chỉ là thừa thải mà còn chấp nhận việc bỏ qua cả bản thân câu hỏi. Người ta bảo: “Tồn tại” là khái niệm phổ quát nhất và cũng trống rỗng nhất. Với tính cách ấy, nó chống lại mọi cố gắng để định nghĩa nó. Vì là khái niệm phổ quát nhất và do đó, không thể định nghĩa được, nên cũng không cần một định nghĩa nào cả. Ai ai cũng sử dụng nó thường xuyên và đều đã hiểu mình muốn nói gì với nó. Cho nên, cái ẩn mật, bị che giấu đã từng gây bất an cho triết học cổ đại và giữ mãi triết học cổ đại trong sự bất an ấy đã trở nên hiển nhiên, sáng tỏ như ban ngày, khiến cho ai còn tra hỏi về nó ắt bị xem là mắc sai lầm về phương pháp tư duy.

3

Ở điểm khởi đầu này của việc nghiên cứu, ta chưa thể bàn ngay vào chi tiết đối với định kiến không ngừng lặp đi lặp lại rằng câu hỏi về Tồn tại là không cần thiết. Các định kiến này có gốc rễ từ trong bản thân môn hữu thể học[2] cổ đại. Trong khi đó, hữu thể học, đến lượt nó, chỉ có thể được diễn giải một cách thích đáng dưới sự hướng dẫn của câu hỏi về Tồn tại phải được làm rõ và được trả lời trước đã. Ta phải tiến hành từ mảnh đất phát sinh những khái niệm hữu thể học cơ bản và từ sự chứng minh thích hợp các phạm trù và sự hoàn chỉnh của chúng. Vì thế, ta mong muốn thảo luận về các định kiến ấy ở đây chỉ trong chừng mực làm rõ sự cần thiết của một sự khôi phục câu hỏi về ý nghĩa của Tồn tại mà thôi. Có ba định kiến như thế

4

1. “Tồn tại” là khái niệm “phổ quát nhất”: to on esti katholou malista pantòn[3]. Illud quod primo cadit sub apprehensione est ens, cuius intellectus includitur in omnibus, quaecumque quis apprehendit. “Việc hiểu về Tồn tại bao giờ cũng được chứa sẵn trong tất cả những gì ta lãnh hội về những cái tồn tại(a)”2. Nhưng, “tính phổ quát” của “Tồn tại” không phải là tính phổ quát của giống hay chi (b). “Tồn tại” không bao gồm lĩnh vực tối cao của những cái tồn tại, trong chừng mực những cái tồn tại được phát biểu về mặt khái niệm theo giống hay chi và loài(c)out to on genos [“Tồn tại không phải là một giống”][5]. “Tính phổ quát” của Tồn tại “vượt lên trên” mọi tính phổ quát kiểu giống hay chi. Theo cách mệnh danh của hữu thể học trung đại, “Tồn tại” là một “siêu việt thể” (d)Aristotle đã từng nhận ra rằng sự thống nhất của “cái phổ quát” siêu nghiệm này là đối lập lại với sự đa tạp của các khái niệm tối cao về giống xét về mặt nội dung, như là sự thống nhất của loại suy(e).Dù lệ thuộc vào cách đặt vấn đề hữu thể học của Plato, với sự phát hiện này, Aristotle đã đặt vấn đề “tồn tại” trên một cơ sở mới về nguyên tắc. Tuy thế, ông đã không làm rõ được sự tối tăm của những mối quan hệ có tính phạm trù này. Hữu thể học trung đại đã bàn về vấn đề này thật đa dạng, nhất là trong các trường phái Thomist và Scotist, nhưng vẫn không đi đến được một sự minh bạch về nguyên tắc. Và sau cùng, khi Hegel xác định “Tồn tại” như là “cái trực tiếp bất định” và lấy quy định này làm cơ sở cho các giải thích tiếp theo về mặt phạm trù trong “Khoa học lô gíc” của mình, ông vẫn ở yên trong cùng một viễn tượng giống như hữu thể học cổ đại, chỉ có điều ông đã từ bỏ vấn đề đã được Aristotle đặt ra, đó là sự thống nhất của Tồn tại, đối lập lại với sự đa tạp của những “phạm trù” mang tính nội dung. Do đó, khi ta nói rằng: “Tồn tại” là khái niệm phổ quát nhất, thì điều này không thể có nghĩa rằng nó là khái niệm rõ ràng nhất và không cần khảo sát gì nữa. Đúng ra, khái niệm “Tồn tại” lại là khái niệm tối tăm nhất.

5

2. Khái niệm “Tồn tại” là không thể định nghĩa được. Điều này được suy ra từ tính phổ quát cao nhất của nó[6]. Và đúng là như thế, - nếu definitio fit per genus proximum et differentiam specificam[Lat: “định nghĩa đạt được thông qua giống gần nhất cùng với đặc điểm khác biệt”]. Thật thế, “Tồn tại” không thể được hiểu như là cái tồn tại. Enti non additur aliqua natura: “Tồn tại” không thể được định nghĩa bằng cách quy cái tồn tại cho nó. Về mặt định nghĩa, Tồn tại không thể được dẫn xuất từ những khái niệm cao hơn và không thể được hình dung bằng những khái niệm thấp hơn. Nhưng từ đó liệu có thể suy ra rằng “Tồn tại” không thể mang lại cho ta vấn đề gì? Tuyệt nhiên không phải thế; điều duy nhất có thể được rút ra là: “Tồn tại” không phải là cái gì giống như là cáitồn tại. Cho nên, cách định nghĩa những cái tồn tại tuy là chính đáng trong một phạm vi nào đó - như “định nghĩa” của môn lô gíc học truyền thống vốn có cơ sở trong hữu thể học cổ đại - là không thể áp dụng được vào cho Tồn tại. Việc không thể định nghĩa được Tồn tại không hề miễn trừ việc đặt câu hỏi về ý nghĩa của nó, trái lại, chính nó yêu sách ta phải làm công việc ấy.

6

3. “Tồn tại” là một khái niệm hiển nhiên. “Tồn tại” được dùng trong mọi nhận thức, phát biểu, trong bất kỳ ứng xử nào với cái tồn tại, trong bất kỳ quan hệ nào với chính bản thân ta, và qua đó, từ “” thì ai cũng hiểu mà “không thắc mắc” gì cả. Ai cũng hiểu: “trời [thì] xanh”, “tôi [thì] vui” v.v và v.v. Chỉ có điều: chính việc dễ hiểu tầm tầm này chỉ minh chứng cho sự khó hiểu! Nó cho thấy rõ rằng có một điều bí ẩn nằm ngay một cách a priori (tiên nghiệm) trong mọi mối quan hệ và trong quan hệ giữa Tồn tại với cái tồn tại xét như cái tồn tại. Chính việc ta luôn từng hiểu Tồn tại, đồng thời ý nghĩa của nó bị che phủ trong bóng tối cho thấy sự cần thiết cơ bản là phải khôi phục lại câu hỏi về ý nghĩa của “Tồn tại”. 

7

Nếu cái gì là “hiển nhiên” và chỉ nó thôi - Kant gọi là “phán đoán bí mật của lý tính thông thường” - mới phải trở thành và muôn đời là chủ đề minh nhiên cho công việc phân tích của ta (như là “nghề nghiệp của triết gia”), thì việc viện đến sự hiển nhiên trong lĩnh vực của những khái niệm cơ bản của triết học, - ở đây liên quan đến khái niệm “Tồn tại” - là một phương thức đáng ngờ. 

8

Nhưng, việc cân nhắc các định kiến đồng thời cho thấy rõ rằng không chỉ ta thiếu câu trả lời cho câu hỏi về Tồn tại, mà thậm chí bản thân câu hỏi cũng tối tăm và vô phương hướng. Vì thế, khôi phục lại câu hỏi về Tồn tại có nghĩa là: trước hết thử tìm hiểu thỏa đáng thế nào là đặt câu hỏi.

 



[1] Sein/Being/being [từ tiếng Anh được dịch lần lượt là của J. Macquarrie & E. Robinson và J. Stambaugh trong trường hợp có sự khác nhau. ND];

[2] Ontologie/ontology.

[3] Aristoteles, Siêu hình học, B4, 1001a21.

(a) Seienden/beings; (b) Gattung / class or genus; (c) Gattung und Art / genus and species; (d) transcendens; (e) Einheit der Analogie / unity of analogy.

2 Thomas v. Aquino, Tổng luận thần học, II.1 qu. 94 a2.

[5] Aristoteles, Siêu hình học, B3, 998b22.

[6] Xem: Pascal: Pensées et Opuscules (ed. Brunschvicg), Paris 1912, tr. 169: “On ne peut entreprendre de définir l’être sans tomber dans cette absurdité: car on ne peut définir un mot sans commencer par celui-ci, c’est, soit qu’on l’exprime ou qu’on le sous-entende. Donc pour définir l’être, il faudrait dire c’est, et ainsi employer le mot défini dans sa définition” (Ta không thể định nghĩa Tồn tại mà không rơi vào sự phi lý sau đây: vì ta không thể định nghĩa một từ mà không bắt đầu bằng từ: đó là, dù ta nói ra hay hiểu ngầm. Do đó, để định nghĩa Tồn tại, ta phải nói đó là, và như thế là dùng từ cần phải định nghĩa ở ngay trong định nghĩa về nó).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt