Siêu hình học

Triết học về vật chất

 

TRIẾT HỌC VỀ VẬT CHẤT

(Triết lý Duy vật)

I. M. BOCHENSKI (1902-1995)

 

I. M. Bochenski. Triết học tây phương hiện đại. Chương II: “Triết học về vật chất (Triết lý Duy vật)”.  Tuệ Sỹ dịch, Nxb. Ca Dao, 1969, tr. 84-130

 

MỤC LỤC

TỰA

NGUỒN GỐC TRIẾT HỌC CẬN ĐẠI

  1. Thế kỷ thứ XIX
  2. Khủng hoảng
  3. Mở đầu thế kỷ XX
  4. Những trào lưu chính của triết học hiện đại

TRIẾT HỌC VỀ VẬT CHẤT

  1. Bertrand Russell
  2. Tân thực chứng luận
  3. Duy vật biện chứng

TRIẾT HỌC VỀ Ý THỂ

  1. Benedetto Croce
  2. Léon Brunschig
  3. Tân chủ Kant

TRIẾT HỌC VỀ NHÂN SINH

  1. Henri Bergson
  2. Thực dụng chủ nghĩa và phái Bergson
  3. Phái sử quan và triết học nhân sinh Đức

TRIẾT HỌC VỀ YẾU TÍNH THỂ

  1. Edmund Husserl
  2. Max Scheler

TRIẾT HỌC VỀ HIỆN HỮU

  1. Đặc điểm tổng quát của chủ nghĩa hiện sinh
  2. Martin Heidegger
  3. Jean-Paul Sartre
  4. Gabriel Marcel
  5. Karl Jaspers

TRIẾT HỌC VỀ THỂ TÍNH

  1. Siêu hình học
  2. Nicolai Hartmann
  3. Alfred North Whitehead
  4. Chủ thuyết Thomas

PHỤ LỤC

  1. Luận lý toán học

Nhiều phong trào khác nhau được bao gồm dưới đầu đề tổng quát này: triết học của Russell, tân thực chứng luận (néo-positivisme), và duy vật biện chứng (matérialisme dialectique). Các hệ thống này có thể là không quan trọng lắm, theo quan điểm triết học hạn hẹp, nhưng chúng gây ảnh hưởng trên một phạm vi rộng lớn hơn bất cứ một trào lưu triết học nào khác. Lý do thành công vượt mức của chúng thật dễ hiểu, vì rằng chúng đang làm sống lại những ý niệm đích thực quan trọng trong triết học hằng trăm năm về trước và quảng đại quần chúng luôn luôn chậm trễ khoảng một thế kỷ đằng sau sự phát triển của triết học khoa học.

Tất cả các triết gia thuộc nhóm này đều là chủ duy nhiên (naturalistes) những nhà duy khoa học; họ là những nhà chủ lý (rationalistes) công khai, hướng về chủ nghĩa duy vật phần nào. Họ là những nhà duy nhiên, theo đó họ coi con người một cách đơn giản là một thành phần toàn bộ của thiên nhiên và không thừa nhận có sự sai biệt nào giữa chính con người và những sinh thể thiên nhiên khác. Họ là những nhà duy khoa học vì họ tin tưởng tuyệt đối rằng khoa học thiên nhiên là thẩm quyền tối thượng. Như vậy, với họ duy chỉ có những phương pháp của khoa học thiên nhiên mới có thể nắm được thực tại, và bất cứ điều gì không thể tương xứng với những phương pháp này đáng được coi là những ngụy đề (pseudo-problèmes), và tất cánh là vô nghĩa: họ không công nhận kinh nghiệm đạo đức, thẩm mỹ và tôn giáo cung cấp thêm những nguồn mạch của nhận thức. Như thế, một lập trường chống tôn giáo quyết liệt điển hình là Russell và những nhà duy vật biện chứng. Với họ, phận sự duy nhất của triết học là để phân tích những khái niệm của khoa học thiên nhiên hay tổng hợp những thành quả của nó, ngược lại là vô nghĩa. Dù phần lớn môn đệ của các trường phái này không thể đi đến hoàn toàn duy vật, nhưng các khuynh hướng rõ rệt duy vật đều có mặt tất cả ở họ. Ngay cả những nhà tân thực chứng cũng chỉ khảo cứu những hiện tượng vật chất mà thôi; theo họ, bàn luận về những hiện tượng tinh thần là vô vị. Sau hết, tất cả những tư tưởng gia này đều rõ ràng là chủ lý với ý nghĩa là họ đặt tin tưởng của mình ở những phương pháp thuần lý và phân tích.

Để hiểu rõ những học thuyết triết học của Russell và tân thực chứng trong sự liên tục lịch sử của chúng, chúng ta sẽ giới thiệu một cách vắn tắt về chủ nghĩa tân duy thực ở Anh. Đúng ra, điều này nên bàn ở sau này, có thể trong liên lạc với hiện tượng học, vì nó là một trong những phong trào tiền phong của thời đại mới đã dẫn đến sự kiến thiết siêu hình học và luận lý toán học ngày nay. Đặc biệt ta chỉ cần ghi nhận rằng mặc dù phong trào tân duy thực dính chặt với duy nhiên khoa học nhưng nó có tầm quan trọng lớn hơn vì nó dẫn một số tư tưởng gia (Whitehead) đến một thế giới quan hầu như chủ Platon.

5. BERTRAND RUSSELL

A. TÂN DUY THỰC

Hậu bán thế kỷ XIX ở Anh chứng kiến sự xuất hiện của một phong trào duy thực. Chắc chắn nó rất yếu, không đủ sức để hình thành một trường phái, cũng không thách đấu trào lưu duy tâm của Bradley và Bosanquet đang ngự trị. Dù vậy, nó đã có thể công bố một số đại biểu quan trọng: tỉ dụ, Robert Adamson (1852-1902) , vẫn còn là một người chủ Kant nhưng vào cuối đời thì bước sang duy thực phê phán (réalisme critique); George Dawes Hicks (1862-1941) với học thuyết về ý hướng tính, nó dẫn ông đến gần Meinong và Husserl và ông giữ địa vị lưng chừng giữa duy tâm và tân duy thực; Thomas Case (1844-1925), duy thực phê phán, ông nghĩ là mình có thể luận về bản thân của sự vật từ những ngoại ảnh; và nhiều vị khác.

George Edward Moore (-1873) khai sinh phong trào tân  duy thực khi ấn hành bài báo nổi tiếng của ông năm 1903: The Refutation of Idealism. Ảnh hưởng của Moore trên triết học Anh hiện đại rất rộng khiến cho không một ai ngoài Bergson hay James có thể so sánh với ông.

Thế hệ thứ nhấ: C. Leyod Morgan (1852-1936), Alfred North Whitehead (1861-1947), Sir T. Percy Nunn (1870-1944), Bertrand Russell (-1873), Sammul Alexander (1859-1938), Charlie Dunbar Broad (-1877), John Laird (1859-1945); thế hệ thứ hai: C.E.M. Joad (1891-1953), H.H. Price (-1899), A.C.E.Wing (-1899), và Gillbert Ryle (-1900). Tất cả chịu ảnh hưởng của Moore. Vì Morgan, Alexander, Whitehead và Laird, mỗi người đều xây dựng một siêu hình học nên ta sẽ bàn về họ trong một đoạn khác. Về những triết gia khác, Russell quan trọng nhất cả về ảnh hưởng và về sản lượng của ông nên mục này sẽ viết về học thuyết của ông, sau một thoáng nhìn về các đặc điểm của tân duy thực.

B.   NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA TÂN DUY THỰC

Đúng như danh hiệu tiêu biểu, những nhà tân duy thực nước Anh đối lập với những nhà duy tâm qua chủ trương duy thực và trên đại thể duy thực trực tiếp; họ quả quyết rằng không những chỉ có thể trực tiếp lĩnh hội những ảnh tượng tinh thần mà còn cả thực tại siêu chủ quan nữa. Họ còn có thêm những sắc thái chung, đặc biệt là chủ trương duy nghiệm quả quyết của họ. Với họ, không có gì nghi ngờ rằng tất cả nhận thức của chúng ta khởi lên từ kinh nghiệm và phần lớn họ cho rằng nhất định kinh nghiệm phát xuất từ các giác quan. Sự thừa nhận định đề này thực là quảng bá suốt trong truyền thống Anh, kể từ Locke, Berkeley và Hume, và nhất là có thể cả từ Reid. Các nhà tân duy thực cũng nghiêng nặng về các khoa học thiên nhiên mà họ hầu như tất cả, đều coi những phương pháp của chúng là những phương pháp đích thực triết học. Những lưu tâm chính của họ là vật lý học và toán học, và những vấn đề lý thuyết thường là vấn đề số một đối với họ. Sự thực là, Moore đã xuất bản một tác phẩm quan trọng về luận lý, và Whitehead, cũng như Russell, thỉnh thoảng đặt sự chú tâm của mình vào những vấn đề đạo đức và tôn giáo, nhưng trên toàn thể, mối lưu tâm của các nhà tân duy thực là những vấn đề thuần lý thuyết về luận lý học, nhận thức luận, vật lý học hay sinh vật học.

Tuy nhiên, sắc thái nổi bật nhất của các nhà tân duy thực, là đường lối đi sâu vào sự nghiên cứu chi tiết những vấn đề của họ. Trước nhất, lập trường của họ là chống hệ thống và họ tấn công tất cả những cố gắng trước kia của triết học với chủ nghĩa phê phán gắt gao, và thường thường vô căn cứ. Ngay dù một số trong bọn họ vào những năm cuối đời mình đã khởi lên tư biện có hệ thống nhưng lúc nào họ cũng vẫn trung thành với phương pháp “hiển vi” – xu hướng tế phân các vấn đề và phân tích chúng. Về phương diện này, C.D.Broad là điển hình, nhưng tất cả bọn họ đều tán thành một phương pháp tương tự, và thường ứng dụng nó với sự tỉ mỉ lạ lùng. Trường phái tân duy thực rõ là trường phái phân tích.

C.  BERTRAND RUSSELL: CÁ TÍNH VÀ SỰ PHÁT TRIỂN

Bertrand Russell, sinh trong một gia đình quý tộc Anh; điều không thể chối cãi, ông là một trong những triết gia được đọc và được bàn đến nhiều nhất ở giữa hai trận thế chiến. Ông đã phô trương một hoạt động văn hóa có hiệu quả phi thường. Năm 1896, ông xuất bản tác phẩm đầu tiên, và sau đó cứ mỗi năm một hoặc hai tác phẩm cho đến 1947, ngoài vô số bài báo trong các tờ báo khác nhau không kể. Những xuất bản phồn thịnh này phản ảnh những mối bận tâm đa dạng của ông; không có một lĩnh vực triết học nào mà ông không thám hiểm tới. Thường thường, ông còn bận tâm đến những vấn đề khác như chủ trương hòa bình, vì bảo vệ nó mà ông bị cầm tù trong một thời gian suốt kỳ thế chiến I. Những tác phẩm của ông được phổ biến vượt mức. Tỉ dụ, trong khi không có một dịch phẩm bằng tiếng Đức nào về Whitehead, Alexander hay Broad cho đến thế chiến thứ II, thì 17 quyển sách của Russell đã được phiên dịch trước năm 1935. Rất minh bạch, rất “khoa học”, Russell đã là, và đang còn là một triết gia của một nhóm lớn vẫn trung thành với những lý tưởng thực chứng của thế kỷ XIX. Với chủ trương triệt để về chính trị và chống tôn giáo, được bày tỏ bằng ngôn ngữ sáng sủa, ông có vẻ là một thứ Voltaire kiểu mới – hiển nhiên là một dáng vóc nhỏ hơn. Với tất cả những điều này, Russell khác hẳn với những tác giả bình dân khác thuộc cùng loại, như Haeckel hay cả Voltaire, bởi vì ông không những chỉ có ảnh hưởng ở quảng đại quần chúng mà còn ở triết học Âu châu qua những công trình chuyên môn triết học của ông, những công trình ấy chỉ là đại chúng hóa.

Những quan điểm của Russell được phân làm hai loại mục khác nhau, một xuất phát từ luận lý học và  triết học về toán học của ông, và một nữa từ những lý thuyết còn lại của ông. Trên phương diện kỹ thuật, loại thứ nhất quan trọng hơn là mục thứ hai nhiều. Trong lĩnh vực này Russell duy trì phần lớn lập trường mà ông đã đề ra từ năm 1903. Phạm vi của sách này chỉ cho phép chúng ta nhận định về lập trường triết học tổng quát của Russell. Cuối sách, phần phụ lục, sẽ có một thảo luận ngắn về những lý thuyết luận lý và toán học của ông.

Người ta cũng có thể phân biệt hai giai đoạn trong sự diễn tiến của ông. Trước hết, Russell chú tâm nghiên cứu về toán học mà theo ông hình như đó là mô thức cho triết học. Ông nói về toán học bằng sự nhiệt tâm của một đồ đệ Platon; quả thực, trong thời kỳ này ông là đồ đệ xác tín Platon. Ông quả quyết rằng ngoài những thực tại thường nghiệm còn có tổng thể (universaux) mà chúng ta tiếp nhận trực tiếp và chúng có một hiện hữu riêng của chúng, độc lập với các sự vật hay tâm. Đồng thời, ông coi triết học như là một khoa học diễn dịch có phần độc lập với kinh nghiệm giác quan. Từ thời kỳ này xuất hiện tác phẩm Principia Mathematica của ông, một trong những tác phẩm có ảnh hưởng nhất của tư tưởng Âu châu ở thế kỷ XX.

Tuy nhiên, về sau Russell dần dần thay đổi lập trường. Trong khi Whitehead, người viết chung với ông tác phẩm to lớn Principia, đi sâu hơn vào siêu hình học, thì về phần Russell, ông quay về những nhà thực chứng luận. Vấn đề tổng thể (universaux) đối với ông hình như vô vị, siêu hình học bất cứ loại nào đều vô nghĩa, triết học không còn là diễn dịch mà được xác định một cách duy nghiệm, trong tinh thần truyền thống Anh. Ngay cả trong toán học, ông không còn bàn tới cái “mỹ” của Platon mà chỉ là một khí cụ đơn giản, thực tiễn, khoa học. Trong giai đoạn tư tưởng này Russell là một đại biểu của duy kinh khoa học. Ông tuyên bố rằng những phương pháp khoa học là duy nhất cung cấp nhận thức cho chúng ta; ông tin tưởng sự toàn thiện của nhân loại qua kỹ thuật, và hăng hái nói về sự tiến bộ. Chủ nghĩa duy thực của ông giống với của Hume, một thứ hoài nghi trầm trọng đè nặng trên mọi bước tiến của tư tưởng ông.

Ta cũng nên để ý rằng với những ấn phẩm đông đảo của ông trên những chủ đề đa biệt nhất và dù với óc thông minh lớn của ông, Russell chưa từng kiến thiết được một hệ thống ngay cả việc tránh khỏi những mâu thuẫn. Lập trường tinh thần của ông vẫn đang thay đổi và đang ở trong dòng biến chuyển không ngừng.

D.    KHÁI NIỆM VỀ TRIẾT HỌC

Khái niệm về triết học mà ngày nay Russell chủ trì là chủ điểm của tất cả trường phái tân duy thực. Thêm nữa, ở phương diện này chính Russell chịu ảnh hưởng của Moore. Theo ông, triết học chính yếu phải là khoa học. Những vấn đề mà nó đặt ra phải được đưa ra từ những khoa học thiên nhiên và không phải từ những pháp điển tôn giáo hay đạo đức; lý tưởng của nó phải là một lý tưởng khoa học. Trong cứu cánh, lĩnh vực của nó duy nhất thiết lập bằng những vấn đề không thể nghiên cứu một cách khoa học được và như thế nó chỉ để sửa soạn lối đi cho khoa học. Tất cả chủ thuyết “lãng mạn” (romantisme), tất cả chủ thuyết “thần bí” (mysticisme) phải hoàn toàn loại hẳn. Ta cũng không nên tìm ở triết học một “phương thuốc cho những đau khổ tinh thần”; trái lại, bằng một cách kiên nhẫn và điềm tĩnh, người ta phải đào sâu vào chi tiết những khảo cứu.

Thoạt đầu, Russell không tin rằng triết học có thể đưa ra nhiều giải đáp chắc chắn. Vì tự bản chất, nó bị hạn hẹp vào lĩnh vực tiền khoa học, (région préscientifique) nên nó chỉ đưa ra những vấn đề hơn là giải quyết. Phận sự chính của nó là phê bình. Triết gia phải làm sáng tỏ những khái niệm, những kết cấu, và những phương pháp kiểm chứng của khoa học, và như thế liệt chúng vào một phân tích hoàn toàn luận lý. Thêm nữa, phương sách này sẽ được áp dụng như một kích thích tố và đồng thời nó sẽ hữu ích hơn những giải đáp mãi mãi không chắc chắn. Về sau, Russell trở thành nhà bất khả tri luận (agnostique) rõ rệt tin rằng chỉ có khoa học thiên nhiên mới thăm dò được thực tại và ở đây khoa học cũng không thể vượt qua tính chất cái nhiên (probabilité). Trên phương diện này một cách đơn giản, Russell đang tiếp tục truyền thống duy nghiệm và thực chứng, đặc biệt là của Hume và Mill.

E.     DUY THỰC VÀ ĐA NGUYÊN LUẬN

Một trong những ách yếu của triết học Russell cũng như của Moore và phần lớn các nhà duy thực Anh, là chủ thuyết phê bình học thuyết Bradley về những tương quan nội tại. Với Russell, không có tương quan nội tại (relations internes) tất cả những tương quan hiện hữu đều là những tương quan ngoại tại thêm vào tính thể của sự thể đã hiện hữu,vì vậy, bất cứ bằng cách nào, tính thể của sự thể ấy không phụ thuộc vào những tương quan này. Như thế, Russell gạt bỏ tôn chỉ căn bản của học thuyết Bradley. Cũng thế, ông gạt bỏ hai kết luận chủ chốt của Bradley bằng cách bênh vực đa nguyên luận và phân biệt sở tri với chủ tri. Đa nguyên luận là khía cạnh sơ bản của toàn thể phong trào triết học này, theo đó thế giới được coi là gồm nhiều nguyên tử rời rạc, có thể là vô số, được kết hợp lại qua những tương quan ngoại tại. Về sau, Russell phát triển đa nguyên luận này thành thuyết nguyên tử luận lý (atomisme logique), học thuyết cho rằng thế giới do các dữ kiện giác quan liên kết với nhau bằng những tương quan hoàn toàn luận lý. Duy tâm luận Hegel cũng bị bác bỏ, căn cứ vào duy thực trực tiếp. Mối bận tâm với Leiniz và những nghiên cứu toán học đã đưa Russell đến đa nguyên luận này.

Sự áp dụng đa nguyên luận vào nhận thức luận đã dẫn đến những hậu quả quan trọng của triết học. Khi tống khứ khách quan duy tâm luận bằng lý thuyết về những tương quan ngoại tại của mình, Moore và Russell cùng tấn công mãnh liệt chủ quan luận duy tâm của Berkeley và chúng đô đệ. Với duy tâm luận này, chúng ta chỉ biết được các yếu tố của tâm thức, tức là những ý tưởng; thế giới siêu chủ quan trốn khỏi nhận thức của chúng ta.Các nhà chủ duy thực bây giờ gạt bỏ lý thuyết này, cho là một võng luận (paralogisme) vụng về; rõ ràng Berkeley lẫn lộn hai nghĩa của chữ “ý tưởng” (idée), nó có thể vừa chỉ cho hành động nhận thức, và vừa sự thể được nhận thức. Sự thể được nhận thức không cần phải luôn luôn hiện hữu trong ý thức, nó có thể hiện hữu ở ngoài ý thức và khác với chủ tri. Duy thực trực tiếp được thiết lập bằng cách đó.

Tuy nhiên, với Russell, vật chất không thể nhận thức trực tiếp được dù là thực hữu, chúng ta chỉ nhận thức những dữ kiện giác quan (Moore cũng chủ trương như thế). Tỉ dụ, màu sắc của cái bàn, tính chất cứng của nó và tiếng động nó phát ra khi chúng ta vỗ tay vào, chắc chắn đều là những thực tại, nhưng chúng không phải là những tự hữu của cái bàn. Điều này có thể chứng tỏ rằng mỗi người kinh nghiệm những dữ kiện giác quan khác nhau. Sự định vị của những dữ kiện giác quan sai biệt tùy theo giác quan tiếp nhận chúng, và như vậy, tùy theo nhân cách tiếp nhận chúng. Sự giả định theo đó những dữ kiện giác quan có một sự thể ở bên dưới chúng là kết quả của quy nạp thuần túy, và không một chứng cứ trực tiếp nào có thể đưa ra cho nó. Khởi đầu, Russell chủ trương rằng hiện hữu của một sự thể như thế phải được hiểu như là một giải thích đơn giản về những dữ kiện giác quan, nhưng về sau, ông thay đổi ý kiến và tiến tới lý thuyết “nguyên tử”, theo đó thế giới gồm những dữ kiện giác quan liên kết với nhau một cách có luận lý. Điều cần phải nhấn mạnh rằng lý thuyết này không thể được đặt ngang với duy tượng luận (phénoménalisme) cổ điển theo đó các dữ kiện giác quan được coi như là những thực tại phi tâm độc lập với bất cứ chủ tri nào ngay cả với một chủ tri siêu nghiệm hay tuyệt đối. Với Russell, chúng là những thành tố của thế giới thực hữu, mặc dù hoàn toàn không có những bản thể. Điều này phù hợp với học thuyết của Hume.

Trong giai đoạn đầu, Russell cũng chủ trương rằng, ngoài tri giác thuộc những dữ kiện giác quan còn có một nhận thức trực tiếp về những tổng thể (universaux). Tỉ dụ, không những chúng ta chỉ biết được London và Edinburgh mà còn cả mối tương quan (ngoại tại!) giữa hai thành phố này. Nhưng mối tương quan đó không phải thuộc tinh thần chủ quan (vì dù ta có biết hay không biết nó, nó vẫn hiện hữu), cũng không phải là một sự kiện vật lý  (vì thực tại vật lý nhất quyết được tổ hợp bằng những dữ kiện giác quan) – quả thực, đó là một thứ lý niệm (idée) kiểu Platon hiện hữu bằng đặc quyền của nó.

Russell còn khai triển thêm lý thuyết của mình bằng cách bênh vực lập trường cổ điển Platon. Nhưng về sau ông chấp nhận một quan điểm bất khả tri luận tương tự với thực chứng luận.

F. TÂM LÝ HỌC

Thoạt kỳ thủy, Russell nghi ngờ không biết có hay không có một nhận thức trực tiếp về bản ngã, và ngã sang thừa nhận thái độ của Hume, theo đó linh hồn con người, một cách đơn giản, được coi như là một liên hợp của các ý tưởng. Trong The Analysis of Mind, Russell công khai tuyên bố thái độ này và khai triển nó theo một kiểu cách độc đáo; nó giữ thái độ trung lập đối với duy vật và duy tâm và tiến tới chủ trương rằng không phải vật chất hay tinh thần mà chỉ là những dữ kiện giác quan, chúng được tổ hợp một cách sai biệt và được kiểm soát bằng những định luật sai biệt. Những dữ kiện giác quan của những sở tri sai biệt (tỉ dụ: các ngôi sao), nhìn từ một quan điểm duy nhất, tạo ra tinh thần; những dữ kiện giác quan của những chủ tri sai biệt (tỉ dụ: nhiều khía cạnh khác nhau của cùng một ngôi sao) tạo nên cái gọi là vật chất. Đằng khác, những định luật tâm lý và vật lý khác nhau. Những hiện tượng tâm lý được hạn định bằng “ký ức tất định luận” (déterminisme mémonique) hình như phát xuất từ tất định luận về thần kinh hệ; chủ quan tính cũng là một đặc điểm của tâm và được cắt nghĩa, theo phương diện vật chất, là một sự tập trung những dữ kiện giác quan vào một chỗ (óc não). Trường hợp những sự kiện tâm lý hiện hữu ở ý thức theo Russell chưa đủ lẽ để coi chúng chính là tinh thần, bởi vì chúng không luôn luôn hiện hữu trong ý thức; và cũng không thể quy định chúng bằng những khái niệm như taapjo quán, ký ức hay tư tưởng bởi vì những thứ này là những thiết định của ký ức tất định luận.

Russell thú nhận xu hướng thiên duy vật của mình nhưng điều kiện hiện tại của khoa học và học thuyết của ông không cho phép ông chấp nhận thuyết duy vật trong toàn bộ của nó. Tuy nhiên ông quả quyết rằng các hiện tượng tâm lý hoàn toàn phụ thuộc các hiện tượng vật lý học, dĩ nhiên, thế là phủ nhận hiện hữu của một linh hồn làm bản thể. Dù vậy, theo ông các hiện tượng tâm lý hiện hữu hơn vật chất bởi vì vật chất không được mang đến một cách trực tiếp và nó được thiết lập bằng diễn dịch và tổ hợp.

G.    ĐẠO ĐỨC VÀ TÔN GIÁO

Con người là một phần vô nghĩa của thiên nhiên; những tư tưởng của nó đều là kết quả của các biến tượng trong óc não nó và của những định luật thiên nhiên. Khoa học thiên nhiên, nguồn mạch độc nhất của nhận thức hoàn toàn không biện minh cho tin tưởng Thượng đế hay lẽ bất tử. Thêm nữa, chủ trương về bất tử tính là vô nghĩa, bởi vì nếu linh hồn bất tử, nó sẽ phải chiếm đoạt toàn thể không gian. Tôn giáo được đặt trên sự sợ hãi, và do đó là một tội ác: nó là kẻ thù của mọi lẽ thiện và mọi sự đoan chính trong thế giới ngày nay, và là triệu chứng của con người ấu trĩ.

Con người có thể chỉ là một mảnh vụn vô nghĩa của thiên nhiên trong trật tự của hiện hữu nhưng nó hưởng một địa vị hoàn toàn sai biệt trong trật tự của những giá trị vượt xa giá trị của hiện hữu. Chúng ta tự do sáng tạo những lý tưởng sinh tồn của mình; và lý tưởng đó, Russell đề nghị là lý tưởng về “đời sống tốt đẹp”, một đời sống của yêu thương đậm đà được hướng dẫn bởi ánh sáng của hiểu biết. Định đề đạo đức này là tất cả những gì chúng ta cần có. Mọi thứ đạo đức lý thuyết đều hời hợt. Để đánh giá điều này, người ta chỉ cần đặt mình vào địa vị một người mẹ với người con đang ốm của bà; điều mà bà ta cần không phải là một nhà đạo đức nhưng là một bác sĩ giỏi. Chắc chắn những luật lệ của đạo đức thực tiễn đều cần thiết nhưng, đáng tiếc, những luật lệ ngày nay thường đứng lại trên những khái niệm mê tín, như ta thấy trong tất cả bộ luật về nam nữ (moralité sexuelle), kể cả chế độ đơn hôn (monogamie) và hình luật. Lý tưởng giải thoát cá nhân là một khái niệm quý tộc vì đối lập với lý tưởng dân chủ là giải thoát xã hội, cũng sai lầm như vậy. Hạnh phúc là mục đích những khát vọng chúng ta và có thể đạt được bằng cách trấn áp sự sợ hãi, bằng cách củng cố cá tính giáo dục, và bằng cách toàn thiện toàn thể loài người. Sự tiến bộ rộng lớn có thể hoàn thành được khi mà con người không còn bám chặt lấy sự kính phục mê tín đối với thiên nhiên, bởi vì toàn thể thiên nhiên, kể cả con người, phải trở thành một đối tượng của luận giải khoa học nếu chúng ta mong đạt tới hạnh phúc.

 

6. TÂN THỰC CHỨNG LUẬN

A.  THỈ TỔ VÀ NHỮNG ĐẠI DIỆN CHÍNH YẾU

Ngày nay, công trình hoàn toàn mới mẻ của duy nghiệm luận chỉ được tìm thấy trong trường phái thực chứng luận, bắt nguồn từ thực chứng luận cổ điển của Comte và Mill, và vọng lại duy nghiệm luận Anh ở thế kỷ XVIII. Song, tiền nhân trực tiếp của nó là duy nghiệm luận Đức. Chính Joseph Petzoldt (1862-1929), học trò của Avenarius, đã lái trường phái sang chiều hướng của tạp chí Annalen der Philosophie, tạp chí đã ra đời Erkenntnis, tờ báo quan trọng nhất của trường phái tân thực chứng giữa năm 1930 và 1938. Ngoài duy nghiệm phê bình (empiriocriticisme) ra, ảnh hưởng nặng nhất trên tân thực chứng luận là phê bình khoa học ở Pháp, học thuyết Russell, và sự phát triển trong ngành luận lý toán học và tân vật lý học (Einstein).

Phái này nổi lên từ chủng viện Moritz Schlick (1882-1936). Dưới danh hiệu “Nhóm thành Vienne” nó đột khởi với sự xuất bản của tuyên ngôn Wissenchaftliche Weltauffassung – Der Wiener – Kreis (1929). Năm sau, 1930, Erkenntnis bắt đầu xuất hiện sau khủng hoảng chính trị 1939, được thay thế bởi Journal of Unified Science. Những cuộc hội nghị đáng chú ý liên tiếp ra đời; 1929 ở Prague, 1936 ở Königsberg, 1934 lại ở Prague, 1935 ở Paris, 1936 ở Copenhaghen, 1937 lại Paris lần nữa, 1938 ở Cambridge. Điều này thôi cũng đủ chứng tỏ năng lực trường phái mới và đặc tính quốc tế đích thực của nó. Những nhà tân duy thực lỗi lạc nhấ tìm chỗ trốn tránh Đảng Nazism ở Anh và Hoa Kỳ. Tại Hoa Kỳ, họ khởi đầu một sự định to tát với bộ bách khoa quốc tế về khoa học thống nhất: International Encyclopedia of Unified Science và ngày nay họ có ảnh hưởng lớn ở cả Anh và Hoa Kỳ. Tạp chí “phân tích” Analysis, cơ quan của một nhóm gần với chủ tân thực chứng xuất hiện ở Anh từ năm 1933. Trường phái tân thực chứng tỏ ra là một trường phái mạnh nhất tại Hội nghị quốc tế về triết học ở Prague vào năm 1934. Từ ngày đó, nó đã chứng nghiệm một cuộc đảo lộn trên lục địa, nhưng vẫn giữ tầm quan trọng hàng đầu và ngày nay được kể như là một trong những trường phái lãnh đạo của triết học hiện đại.

Những đại biểu chủ chốt của nó hầu như đều là người Đức. Trước hết, phải kể Rudolf Carnap (1891), đã dạy triết học ở Vienne, Prague và Chicago, và bây giờ dạy ở Los Angeles. Ông có vẻ là một luận lý học và trong một ý nghĩa nào đó, người lãnh đạo của trường phái. Sau ông là đến Hans Reichenbach (1891-1935), giáo sư ở Berlin, Istanbul, và sau hết ở Los Angeles, là ngườ dự phần lập ra “Nhóm thành Vienne” và đã cộng tác việc ấn hành tờ Erkenntnis, nhưng rồi bỏ tân thực chứng luận chính thống. Những đại biểu khác thuộc “Nhóm thành Vienne” đáng ghi nhớ, ngoài Moritz, Schlick (đặc biệt nổi danh với những tác phẩm về luận lý và bị thảm sát bởi một sinh viên) là Otto Neurath (1882-1945), người đã gợi lên ý tưởng về khoa học thống nhất, và Hans Hahn (1880-1934). Những nhà luận lý học khác; Alfred Tarski và Karl Popper đều có quan hệ mật thiết với trường phái này.

Ngoài nước Đức ra, tân thực chứng luận chỉ tạo được ảnh hưởng lớn ở Anh. Ở đây, ngay cả bây giờ, nó là trường phái chính. Một số triết gia có liên hệ chặt chẽ với nó ít nhiều, tỉ dụ, nhóm đã lập nên tờ Analysis năm 1933: A.E. Ducan-Jones, S.A.Mace, L. Susan Stebbing, cả Alfred J. Ayer là những nhà tân thực chứng triệt để nhất, và nhất là Gilbert Ryle, triết gia Anh có lẽ có ảnh hưởng nhất của thời hiện đại. Một số khá lớn những nhà thực chứng luận, như John Wisdom ở Anh, có liên hệ hơi lỏng lẻo với những nhà tân thực chứng. Ở Pháp hiếm có những đại biểu nổi tiếng nào của tân thực chứng luận, nhưng nếu có thì phải kể Louis Rougier, General Charles, Ernst Vouillemin (người đã cố gắng quảng bá công trình của Nhóm thành Viene), và Maurice Boll.

B.   NHỮNG ĐẶC ĐIỂM VÀ SỰ TIẾN TRIỂN

Những nhà thực chứng luận hình thành một trường phái đúng nghĩa: cùng có một quan điểm căn bản chung và cùng sử dụng những phương pháp như nhau để tiến gần những vấn đề chung của họ. Thoạt kỳ thủy, họ tỏ ra hăng hái khác thường và tin tưởng một cách sâu xa rằng những quan điểm của họ tuyệt đối chính xác. Reichenbach, một trong những nhà lãnh đạo xưa kia, nhận xét chí lý rằng trường phái này chấp nhận một thái độ đặc biệt tôn giáo và ngay cả bè phái. Đằng khác ta phải công nhận rằng một ít đối thủ triết học của họ biết phán đoán học thuyết tân thực chứng với sự công bình khách quan, bởi vì, chắc chắn học thuyết này có tính chất cách mạng khiến cho nó đòi hỏi sự chấp nhận điều kiện hay sự đối lập công khai. Ngoài ra, nhóm thành Vienne khởi thủy được cổ vũ vởi một tinh thần “truyền đạo” hăng hái, lại ưa công kích và bút chiến nữa.

Kết hợp với đặc tính bè phái này là khuynh hướng cực kỳ duy lý, luận lý và phân tích, khiến cho nhìn bên ngoài những tác phẩm của tân thực chứng giống như một thứ chủ kinh viện kiểu mới; dù sao, từ thời trung cổ chúng ta đã không thấy một sự tin tưởng và kính phục luận lý học như thế. Lại nữa, trường phái tân thực chứng duy trì chủ khoa học cực đoan hơn cả tân duy thực hay duy vật biện chứng; nó nhận định rằng phận sự duy nhất của triết học là phân tích ngôn ngữ của những khoa học thiên nhiên, chúng hạn định một cách chật hẹp phương pháp luận của nó.

Tuy nhiên, một vài thay đổi trong tân thực chứng luận nên được bàn đến. Khởi thủy các đại biểu của nó tin rằng luận lý học trang bị cho họ một khí giới vững mạnh chống lại tất cả những triết học khác. Về sau họ tự thấy là không thể đề cập đến những vấn đề cổ truyền về nhận thức luận khi đang nằm ì trên tân luận lý – mà những trường phái khác cũng đang bắt đầu sử dụng. Sau hết, giai đoạn thứ ba, được phác họa trong học thuyết Reichenbach, mang đặc tính nhiều dung hợp hơn và ít giáo điều hơn đã biểu lộ trong những buổi đầu của trường phái Vienne.

C.     LUDWIG WITTGENSTEIN

Những đường nét chính yếu của tân thực chứng luận đã được vẽ ra trong Logisch-philosophische Abhandlung (bản dịch: Tractatus Logico-philosophicus (1921) của Ludwig Wittgenstein học trò và là bạn của Russell, và cùng dạy tại Cambridge. Trong tác phẩm rất khó đọc tập hợp nhiều cách ngôn có đánh số này, Wittgenstein đi từ thuyết nguyên tử luận lý của Russell, theo đó thế giới được tạo nên bằng những sự kiện hoàn toàn độc lập với nhau. Nhận thức của chúng ta là một bản sao những sự kiện cụ thể này. Không có ngoại lệ, những mệnh đề toàn xưng (universal statements) – hoàn toàn là những “chức phận chân lý” (truth fuctions) của những mệnh đề đặc xưng (singular propositions); nghĩa là, chúng được thành lập từ những mệnh đề đặc xưng  bằng các phương tiện của những tương quan luận lý. Tỉ dụ mệnh đề: “Mọi người đều phải chết” có cúng ý nghĩa như mệnh đề “Peter phải chết và John phải chết, v.v…” Luận lý học hoàn toàn chỉ có đặc tính trùng phức, nó không khẳng định được gì cả; những mệnh đề luận lý đều trống rỗng và chúng không truyền thông cho chúng ta được gì về thực tại. Thực tại phải được khảo cứu bằng khoa học thiên nhiên; triết học không phải là một học thuyết mà chỉ là một hoạt động.

Wittgenstein cũng có một lý thuyết về ngôn ngữ, theo đó người ta không thể nói đầy đủ ý nghĩa về ngôn ngữ và do đó một phân tích kiểu luận lý về văn pháp trở thành bất khả. Nhưng bởi vì tất cả những vấn đề triết học rút cuộc có thể giản lược vào phân tích này nên chún đặt ra những ngụy đề không giải quyết được. Wittgenstein kết luận quyển sách bí hiểm của ông với quan điểm rằng chính tác phẩm ấy cũng vô nghĩa: “Những gì người ta không thể nói được, vậy người ta phải im lặng” (Wo von man nicht sprechen kann, dariiber muss man schweigen).

D.    LUẬN LÝ VÀ KINH NGHIỆM

Đặt căn bản trên những ý tưởng của Wittgenstein, các nhà tân thực chứng có một lý thuyết rất kỹ thuật mà chủ đề chính yếu của nó có thể tóm tắt bằng một lời rằng chỉ có một nguồn mạch của nhận thức thôi, đó là cảm giác, nhận thức chỉ có thể nắm được những biến tượng đơn nhất và vật chất. Điều này rõ ràng là lập trường chủ kinh nghiệm cổ điển, nhưng vượt lên nó, tân thực chứng luận khởi hành một cách rộng rãi từ kinh nghiệm luận và thực chứng luận cổ điển. Các nhà duy nghiệm chủ trương rằng luận lý học tự nó là hậu thiên – a posteriori, và nằm trong những tổng quát hóa từ các sự kiện đơn nhất được quan sát. Kant giữ một quan điểm ngược lại, rằng có những định luật được thiết lập tiên thiên – apriori (độc lập với kinh nghiệm) nhưng tổng hợp (không trùng phức). Các nhà tân thực chứng giữ một lập trường trung dung. Theo họ, những định luật của luận lý là tiên thiên, độc lập với kinh nghiệm, nhưng đồng thời chúng hoàn toàn trùng phức, không diễn tả cái chi cả. Chúng chỉ đề ra những quy luật văn pháp hầu dễ vận dụng những dữ kiện của kinh nghiệm giác quan. Như thế luận lý học phát xuất từ những quy luật tạo cú (règles syntactique) nhờ những định đề được thiết lập một cách tư biện. Một khi những định đề và những quy luật diễn dịch được công nhận, những hậu quả hiển nhiên phải được thừa nhận, nhưng luận lý học như thế được đặt trên một giả định (Setzung) mà thôi.

Trái với Wittgenstein, Carnap ủng hộ lý thuyết cho rằng người ta có thể bàn về ngôn ngữ, nhưng để làm thế người ta cần có một ngôn ngữ khác, một siêu ngôn ngữ (métalangage). Triết học chính là sự phân tích siêu luận lý. Nó đề ra một hệ thống những ký hiệu để chỉ cho những hạng từ của ngôn ngữ khoa học, và vậy nó trở thành khả dĩ phân tích những diễn tả của khoa học thiên nhiên. Triết học là sự nghiên cứu về cú pháp luận lý của những mệnh đề khoa học.

E.     Ý NGHĨA CỦA MỆNH ĐỀ

Cũng nên thêm vào đây một thuyết lý khác đã làm cho trường phái này nổi tiếng: thuyết kiểm chứng (doctrine de la vérification). Với những nhà tân thực chứng, ý nghĩa của mệnh đề nằm ở phương pháp kiểm chứng nó, hay theo một công thức thích đáng hơn: “một mệnh đề có ý nghĩa nếu, và chỉ nếu, kiểm chứng được.”

Thực vậy, các nhà thực chứng luận nói, ta chỉ có thể biết được ý nghĩa của một mệnh đề nếu ta biết dưới điều kiện nào nó sai hay đúng; điều này có nghĩa rằng phương pháp kiểm chứng luôn luôn phải được đưa ra với ý nghĩa, và ngược lại; và thế, bằng định đề Leibniz về đồng nhất tính của những vô phân biệt thể (indiscernables), chúng trở thành cùng một sự thể.

Điều này đã là một lập trường khả cách mạng nhưng trở nên nghịch lý hơn bởi một thừa nhận thêm, thừa nhận chính yếu đối với học thuyết tân thực dụng; sự kiểm chứng luôn luôn phải là liên chủ thể, nghĩa là, nó phải thực hiện được ít nhất bởi hai quan sát viên. Nếu không được, thì chân lý của mệnh đề không chứng minh được và đó không phải là một mệnh đề khoa học. Nhưng vì mỗi kiểm chứng liên chủ thể được tạo ra do những giác quan, nên không có mệnh đề nào có thể được kiểm chứng khác hơn là những mệnh đề có tương quan với cơ thể và những vận động của nó; tất cả những mệnh đề của tâm lý học nội quan và triết học cổ điển đều không thể kiểm chứng, vì vậy, vô nghĩa. Tiếp theo ngôn ngữ của vật lý học (chủ vật lý; phisicalisme) và mọi khoa học nên được thống nhất (ngôn ngữ thống nhất và khoa học thống nhất).

Còn một điều kiện cần phải đủ để một mệnh đề có ý nghĩa: phải thiết lập nó phù hợp theo những quy luật tạo cú của ngôn ngữ. Nói “con ngựa ăn” thì có nghĩa, nhưng nói “cái ăn ăn” thì vô nghĩa. Triết học cổ điển không chỉ cưỡng bức định đề căn bản về liên chủ thể mà thường chính cả cú pháp nữa. Một số những từ ngữ được các nhà hiện sinh sử dụng như thế có vẻ vô nghĩa. “Das Nichts nichtet” (Cái không có không có) của Heidegger là một thí dụ cổ điển cho trường hợp này. “Das Nicht” (cái không có) mang hình thức một thể ngữ (substantif) đúng, nhưng nó không phải là một thể ngữ theo ý nghĩa luận lý học: nó là dấu hiệu của sự phủ định và không thể nhận lãnh chức phận của một chủ từ.

Đi từ những định đề này các nhà tân thực chứng hăng hái đào bới những ngụy đề của triết học. Carnap phân biệt nhiều chức phận của ngôn ngữ; nó có thể xác nhận, hay có thể chỉ diễn tả những ước muốn và những cảm thức. Các triết gia cổ điển đã lẫn lộn hai chức phận này; những mệnh đề triết học của họ có vẻ diễn tả những cảm thức, nhưng chúng không xác nhận điều gì. Những vấn đề của họ, như duy thực hay hiện hữu của Thượng đế, đều là những ngụy đề, và cố giải quyết chúng chỉ tốn thời giờ. Triết học phải tự giới hạn vào việc phân tích ngôn ngữ khoa học bằng cách những phương pháp luận lý.

F.      NHỮNG MỆNH ĐỀ THẢO BẢN

Các nhà tân thực chứng cố khám phá những nền tảng thuần túy thường nghiệm của khoa học thoát khỏi mọi kết cấu có tính cách luận lý. Họ coi khoa học như một cơ cấu của những mệnh đề được phối trí hợp luận lý. Cần phải khởi đầu với những mệnh đề căn bản nào đó, mà Carnap đặt tên cho chúng là “Những mệnh đề thảo bản” (Protokol sätze), bởi vì chúng được tìm thấy trong thảo bản của phòng thí nghiệm hay đài quan sát. Trong hình thức đơn thuần của chúng, chúng có thể diễn ra như sau: “X ở vào thời điểm T đã quan sát P tại vị trí L.”

Tuy nhiên, thuyết này chứa đựng những nan giải của nhiều thứ đa biệt. Về một phía, người ta có thể nhận xét rằng một mệnh đề thảo bản có thể bị nghi ngờ và được chứng nghiệm bằng một mệnh đề thảo bản khác. Tỉ dụ, tình trạng tinh thần của nhà vật lý học có thể bị nghi ngờ và do đó được ý sĩ thần kinh bệnh trắc nghiệm, và cứ thế sự việc diễn ra vô cùng tận. Những nan giải này đưa đến chỗ tranh luận sôi nổi ở nội bộ của trường phái, những tranh luận không mang lại kết quả cụ thể, đó là điều tự nhiên, bởi vì một hậu quả thuần luận lý như thế sẽ là một hoài nghi luận triệt để.

Về phía khác, người ta có thể tự hỏi một cách chính xác: cái cơ bản của chính mệnh đề thảo bản này là gì? Trung thành với nguồn gốc duy nghiệm phê bình của mình, các nhà tân thực chứng trả lời rằng đối tượng của kinh nghiệm chỉ có thể là những cảm giác – chúng ta không thể nhảy ra ngoài da thịt của mình để năm lấy thực tại. Những vấn đề về thực tại là những ngụy đề, bởi vì chúng ta bao giờ cũng chỉ bắt gặp những cảm giác mà thôi và chúng ta không bao giờ có thể kiểm chứng hiện hữu của mọi sự thể khác với những cảm giác của mình.

G.    HANS REICHENBACH

Hans Reichenbach từ chối những kết luận đó. Theo ông, Carnap và những nhà tân thực chứng đã nhầm lẫn khi đi tìm cái xác nhiên tuyệt đối (certitude absolute) ở những nơi chỉ có thể là cái nhiên (probabilité) và nếu chúng ta lấy cái nhiên tính làm căn bản thì nguyên tắc khả chứng phải được thay đổi. Reichenbach phân biệt bốn mức độ về khả chứng: thuộc kỹ thuật (nó khả dĩ trong những điều kiện kỹ thuật ngày nay), thuộc vật lý (không được mâu thuẫn với những định luật của thiên nhiên), thuộc luận lý (không được tự mâu thuẫn) và sau hết, ở trên thường nghiệm. Một trong những mức độ nào trên đây mà được chọn lựa để xác định tính chất khả chứng cũng chỉ là một vấn đề để thích nghi thôi, và chính Reichenbach nhận định rằng một sự thích nghi trung gian giữa vật lý và luận lý rất hữu ích cho khoa học. Vì vậy, Reichenbach xác định “ý nghĩa” bằng cách nói rằng một mệnh đề có ý nghĩa nếu mức độ cái nhiên tính của nó có thể hạn định được (cái nhiên tính được kiểm chứng của nó). Ông chứng tỏ thêm rằng với giả định này giả thiết của duy thực (theo đó có những sự thể mà không chỉ là những cảm giác) càng có ý nghĩa thêm, nó vừa cái nhiên hơn và vừa hữu ích hơn giả thiết của những nhà tân thực chứng cổ điển.

Những khuynh hướng tân thực chứng tiếp nhận công thức khả quan nhất của họ nơi công trình của Reichenbach, nhưng phần lớn những nhà tân thực chứng không tán thành điều đó và đến lượt họ lại bị Reichenbach tấn công dữ dội. Ông ta đã áp dụng thuyết của mình để khu biệt những lĩnh vực triết học một cách rất lý thú, nhưng ở đây không thể quảng diễn được những phân tích ấy.

H.    TRIẾT HỌC PHÂN TÍCH

Sau cuộc chiến, những lý thuyết của nhóm triết gia này vẫn còn phát triển thêm trên chiều hướng mà Reichenbach đã để lại. Ngày nay, người ta nói về “triết học phân tích” phát xuất từ Moore và từ tân thực chứng luận. Người ta có thể phân biệt nhiều khuynh hướng ở nội bộ của “triết học phân tích” này. (1) Tiếp nối những giai đoạn sau cùng của tư tưởng Rudolf Carnap, các đồ đệ của ông cố lập những định nghĩa chính xác về những khái niệm căn bản của các khoa học trong khung khổ của một ngôn ngữ có định thức lý tưởng. (2) Trường phái của Moore, về phía khác, lấy “ngôn ngữ thường nhật” làm cơ sở và chủ trương rằng điều kiện tiên quyết của sự phân tích chính xác theo khoa học là phù hợp với tục thức. (3) Những chuyên viên trị liệu của Wittgenstein coi triết học như là một thứ trị liệu có tính cách luận lý đối với những ngụy đề, trị liệu phải được hướng dẫn cách tân thực chứng thực thụ. (4) Những nhà biện chứng. (Xem đoạn sau, tr. 114 và tiếp). (5) Ngoài ra, giữ các triết gia phân tích cần phải kể thêm những vị hoạt động trong một tư thế hoàn toàn độc lập và trình bày những quan điểm hoàn toàn khác với thực chứng luận, và những vị bận tâm với sự phân tích chính xác và tế vi về những khái niệm và những phương sách của khoa học và triết học, nhất là với sự phụ giúp của luận lý toán học Nhưng những vị này, và cả những nhà biện chứng không thể được coi như là những đại biểu của triết học về vật chất. Chỉ trong tính chất tương tự về những phương pháp của họ, họ mới có thể được đồng hóa với các triết gia phân tích.

Những phát triển mới mẻ hơn, hầu khắp cả Hoa Kỳ, đã làm suy yếu nguyên tắc khả chứng, làm suy yếu duy tượng, duy danh, và cả duy vật lý. Toàn thể phong trào này đã tiến đến gần chủ thực dụng một cách rõ rệt.

7.  DUY VẬT BIỆN CHỨNG

A.  ĐẶC ĐIỂM

Duy vật biện chứng chiếm một vị trí hoàn toàn đặc biệt trong triết học Âu châu. Trước nhất nó có rất ít đại biểu tại những môi trường đại học ngoài Nga và các chư hầu ra, mà ở đó, ngược lại, nó được đặt làm môn triết học chính thức va do đó có những đặc quyền mà không một trường phái hiện đại nào khác có được. Ngoài ra, nó độc nhất, vì là triết học của một đảng chính trị - Đảng Cộng sản; vì thế, nó liên hệ chặt chẽ với những lý thuyết kinh tế và chính trị cũng như hoạt động thực tiễn của Đảng, và Đảng được coi là “lý thuyết tổng quát”. Ở Nga, nơi ở dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản, không một ai được phép giảng dạy một thứ triết học nào khác hơn duy vật biện chứng, và ngay cả giải thích về những bản văn triết học cổ điển của nó cũng bị giám thị nghiêm mật. Sự giám thị này – chắc chắn là hợp với cá tính quốc gia của Nga – tạo ra một sức thái kỳ lạ của những ấn phẩm duy vật biện chứng; những ấn phẩm này khác hẳn tất cả qua tính cách hoàn toàn nhất dạng của chúng. Tất cả các tác giả của chúng cùng nói một cách chính xác như nhau về một sự thể và cũng trích dẫn rất nhiều từ các tác giả cổ điển, những trích dẫn phải đưa ra những luận chứng cho các thể tài nóng hổi ngay hiện tiền. Có lẽ sự giám thị này là nguyên nhân cho tính chất tầm thường của các triết gia thuộc trường phái này. Dù sao, nó cũng phải mang óc giáo điều cực đoan, óc bài ngoại, và tính gây gỗ của các triết gia duy vật biện chứng.

Tuy nhiên, một khía cạnh quan trọng hơn những điểm đặc dị này, những điểm có thể là phụ thuộc, đó là đặc tính phản động của duy vật biện chứng, vì triết học này lôi thẳng về giữa thế kỷ XIX và tìm cách tái thiết sinh hoạt tinh thần của thời đại đó mà không một thay đổi nhỏ nhặt nào.

B.  NGUỒN GỐC VÀ CÁC ĐẠI BIỂU

Người Nga coi vị tổ của duy vật biện chứng là Karl Marx (1818-1883), nhà kinh tế học nổi danh, với cộng sự viên mật thiết là Friedrich Engels (1820-[115] 1895). Marx thuộc trường phái Hegel, mà vào thời kỳ ông học tại Đại học Berlin, (1837-1841) đã chia thành một “tả” và một “hữu”. Đại biểu nổi bật nhất của tả phái là Ludwig Feuerbach (1804-1872), người giải thích hệ thống Hegel trong một chiều hướng duy vật và coi lịch sử thế giới như là sự khai triển của vật chất chứ không phải là tinh thần. Marx ủng hộ Feuerbach một cách quyết liệt nhưng đồng thời lại chịu ảnh hưởng của duy vật khoa học đang bành trướng bấy giờ; điều này cắt nghĩa lòng hâm mộ khoa học và lòng tin sâu xa va ngây thơ về tiến bộ ở ông, và sự biểu đồng tình của ông đối với tiến hóa luận Darwin. Để thiết lập duy vật biện chứng, ông nối biện chứng Hegel với duy vật thời bấy giờ. Marx chính thức là một nhà kinh tế chính trị, nhà xã hội học, và triết gia xã hội. Ông là sáng lập viên của duy vật lịch sử trong khi nền tảng triết học tổng quát của hệ thống là duy vật biện chứng, chính yếu là công trình của Engels. Duy vật biện chứng thiết lập một sợi dây giữa biện chứng Hegel và duy vật thế kỷ XIX.

Vladimir Ilich Ulyanov (Nikolai Lenin, 1870-1924) sau này lại khám phá học thuyết của Marx và Engels rồi diễn giải nó và quy định nó cho Đảng Cộng sản. Lenin rất ít sửa đổi học thuyết của Engels, nhưng phát triển nó thêm bằng cách nguyền rủa những giải thích cơ giới và duy nghiệm phê bình. Cộng sự viên và cũng là người kế vị lãnh đạo đảng là Iosif Vissarionovich Dzhughashvili (Joseph Stalin, 1879-1953) đã hệ thống hóa học thuyết của Marx theo những giải thích của Lenin. Và vậy, một triết học được dựng lên mệnh danh là “Chủ nghĩa Marx-Lenin-Stalin”[1] mà ở Nga nó được coi như là một toàn thể bất khả phân. Nó ra đời trong hình thức bách khoa, những tập sách cỡ vừa, và những khóa bản nhỏ, và là một chủ đề bắt buộc tại các trường cao đẳng So-viet. Nhưng những tác giả của các sách chỉ nam này ít quan trọng bởi vì như chúng ta đã nói, họ chỉ lặp lại Lenin và Stalin.

C.     SỰ PHÁT TRIỂN Ở  NGA

Sự thảo luận về triết học tại Liên-Xô là do chỉ định ở đây, vì triết học Liên Xô đồng nhất với duy vật biện chứng, và những đối thủ Tây Âu chỉ có ý nghĩa khi chúng phù hợp với triết học này. Lý do là vì rằng sự bành trướng ảnh hưởng của duy vật biện chứng được khai thác hầu như cực đoan quan Đảng Cộng sản, Đảng được tập trung mãnh liệt và chỉ khoan dung với thứ triết học nào thỏa mãn những quy phạm của Nga.

Có bốn thời kỳ trong triết học Nga-Sô. (1) Sau thời chiến tranh ngắn hạn, từ 1917 đến 1921, khi mà tự do vẫn còn, nói một cách tương đối, tất cả triết học không chủ Marx đều bị chận lại hay bị thanh toán ở Nga. (2) Từ 1922 đến 1930 có sự xung đột gay cấn giữa những trường phái được mệnh danh là “chủ cơ giới” hay “thiểu số duy tâm”. Phái trước giải thích duy vật biện chứng là thuần túy duy vật, trong khi phái sau, dưới sự lãnh đạo của G.A.Deborin muốn giữ thăng bằng cả hai yếu tố. (3) Tháng giêng, ngày 15, 1931 cả hai đều bị Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản kết án. Như thế bắt đầu thời kỳ thứ ba, từ 1931 đến 1946, suốt trong thời kỳ này, ngoài tiểu luận của Stalin triết học hình như tắt ngúm trên thực tiễn tại Nga. Các triết gia chỉ xuất bản những luận giải và những tác phẩm bình dân. (4) Thời kỳ thứ tư được mở ra bằng một bài thuyết trình của A.A.Zhdanov, ngày 24, tháng 6, 1947, theo lệnh của Stalin và Ủy ban Trung ương, Zhdanov tấn công một trong những triết gia lãnh đạo ở Nga, G.F.Alexandrov, và kêu gọi tất cả các triết gia Nga cố gắng tích cực và có hệ thống. Năm 1950 có nhiều cuộc xung đột về sự giải thích chữ “cổ điển” trong một vài lĩnh vực kỹ thuật mà tiểu luận của Stalin đã không đưa ra chỉ định nào. Ở đây chúng ta có thể ghi nhận sự tấn công luận lý học của W.F.Asmus vì đặc tính “phi chính trị” và “duy khách quan” của nó; sự hối cải của B.M.Kedrov, năm 1949, về việc đã cố công ngăn chặn làn sóng ào ạt của chủ nghĩa quốc gia; cuộc tấn công vào Tâm lý học tổng quát của N. Rubenstein năm 1950; và nhất là cuộc thảo luận rộng lớn Bản chất của nhận thức vật lý của M.A.Maximov (1947) mà đến năm sau thì bị A.A.Maximov kết án là không chính thống.

Ở tâm lý học, có một phát triển song hành. Trong khi, ngay từ buổi đầu, từ ngữ “tâm lý học” (psychologie) được coi là không chính thống và người ta đã cố thay nó bằng “phản ứng học” (Reaktologie) hay một số từ ngữ tương tự, thì tâm lý học, cũng như luận lý học, sau cùng đã được chấp nhận là một ngành học hợp pháp. Trong tất cả những thảo luận này, kể cả cuộc nổi tiếng bàn về sự sinh hóa năm 1948, M.B.Mitin những quan điểm của chính quyền và dự phần vào tất cả mọi cuộc tố cáo chống lại những đồng nghiệp quá độc lập về tư tưởng của họ. Mitin kể như là đại biểu nổi bật nhất của duy vật biện chứng hiện đại.

Tất cả những cuộc thảo luận ấy diễn ra hoàn toàn trong khung khổ duy vật biện chứng và không đụng đến những thuyết lý chính của hệ thống mà Stalin truyền lại. Mỗi biện giả tìm cách chứng minh khuyết điểm của đối phương mình tư hệ tuyến Marx-Engels-Lenin-Stalin và nhất là Engels và Lenin.

D.    DUY VẬT

Theo duy vật, chỉ có một thế giới thực hữu, đó là thế giới vật chất, và tâm chỉ là sản phẩm của một cơ quan vật chất, óc não. Tương phản giữa tâm và vật không có giá trị gì ngoại trừ với nhận thức luận; thực tế chỉ có vật chất. Các nhà duy vật biện chứng hiển nhiên là phê bình các phái duy vật cổ, nhưng chủ phê bình của họ khôn nhằm chống lại duy vật ấy, nhưng nhất loạt nhắm vào sự thiếu sót một yếu tố biện chứng và một khái niệm đúng về sự tiến hóa.

Hiển nhiên, tầm mực của duy vật biện chứng lệ thuộc vào ý nghĩa mà người ta mang cho từ ngữ “vật”. Về phương diện này, một vài khó khăn được tạo ra bởi định nghĩa của Lenin theo đó vật chất chỉ là một “phạm trù triết học, dùng để chỉ thực tại khách quan”; và trong nhận thức luận của ông vật chất hoàn toàn đối lập với tâm bằng cách đồng hóa “vật chất” với “thực tại khách quan”. Nhưng chúng ta khỏi phải nghi ngờ về điểm này, bởi vì ở những nơi khác các nhà duy vật biện chứng chủ trương rằng chúng ta có thể biết được vật chất nhờ các giác quan, rằng vật chất nằm dưới những định luật nhân duyên và tất định (lois causales et déterminites), và rằng nó đối lập với tâm; vắn tắt, rõ ràng rằng, thông dụng chữ “vật chất” theo quan niệm các nhà duy vật biện chứng không có gì khác biệt với quan niệm phổ thông. Duy vật biện chứng là thứ duy vật cổ điển và triệt để.

Nhưng duy vật ấy không phải là cơ giới. Theo thuyết được chấp nhận, chỉ có vật chất vô cơ mới lệ thuộc những định luật cơ giới và không phải là vật chất sinh động, dù chắc chắn có bị chi phối bởi những định luật của nhân duyên tất định luận (déterminisme causal). Ngay trong vật lý học, các nhà duy vật biện chứng cũng không ủng hộ một nguyên tử luận tuyệt đối.

E.     TIẾN HÓA BIỆN CHỨNG: NHẤT NGUYÊN LUẬN VÀ TẤT ĐỊNH LUẬN

Vật chất ở trong sự tiến hóa liên tục hướng đến chỗ hình thành những thể tính càng phức tạp hơn: nguyên tử, phân tử, tế bào sống, thực vật, loài người, xã hội. Như thế, sự tiến hóa này không giống như một vòng tròn mà là đường thẳng. Ngoài ra, sự tiến hóa được diễn ra trong chiều lạc quan: giai đoạn cuối cùng luôn luôn phức tạp nhất, phức tạp nhất lại đồng nghĩa với tốt đẹp nhất và cao quý nhất. Các nhà duy vật biện chứng vẫn hoàn toàn duy trì tin tưởng của thế kỷ XIX vì sự tiến bộ bằng tiến hóa.

Theo họ, sự tiến hòa này gồm một chuỗi những biến cải: những thay đổi nhỏ về lượng trong tính thể của sự vật chồng chất lên nhau, tình trạng căng thẳng xuất hiện, một cuộc phấn đấu ra đời đến một thời hạn cố định thì những yếu tố mới trở nên đủ sức để hủy diệt sự thăng bằng và một tính chất mới khởi lên từ những thay đổi cho thế lực thúc đẩy của tiến hóa tiến hành bằng những bước nhảy: đó gọi là “tiến hóa biện chứng.”

Toàn thể dòng tiến hóa không có đích điểm, được hoàn thành vì kết quả của những xung đột và tương tranh dưới sự va chạm của những yếu tố thuần nguyên nhân. Nói một cách nghiêm xác, thế giới không có một ý nghĩa hay một mục đích gì và tiến hóa một cách mù quáng phù hợp theo những định luật vĩnh cửu và tất định.

Không có gì là thường; toàn thể thế giới và tất cả những yếu tố của nó đều bị lôi cuốn theo tiến hóa biện chứng; tại mọi nơi và khắp mọi thời, cái già chết đi và cái mới xuất hiện; không có những bản thể cố định và “những nguyên lý vĩnh cửu.” Chỉ có vật chất và những định luật về sự biến đổi của nó tồn tại miên viễn trong dòng lưu chuyển phổ quát.

Thế giới là một toàn thể nhất thống. Trái với siêu hình học (Marxists) coi thế giới như một đám những thực thể rời rạc, các nhà duy vật biện chứng là đại diện của một nhất nguyên luận theo hai nghĩa. Họ nhìn thế giới như một thực tại duy nhất (ngoài nó là hư vô, và nhất là không có Thượng đế), và họ coi nguyên lý của nó như là đồng nhất thể (nhị nguyên luận hay đa nguyên luận theo kiểu nào đều bị loại bỏ vì sai lầm).

Những định luật điều hành thế giới này là tất định theo nghĩa cổ điển của chữ này. Chắc chắn các nhà duy vật biện chứng, với nhiều lý do, không muốn bị xếp loại vào những chủ “tất định”, và vì thế, họ nói rằng, tỉ dụ sự sinh trưởng của một thực vật không hoàn toàn tất định bởi những định luật của thực vật đó, nhưng vì một yếu tố ngoại tại, như mưa đá chẳng hạn, có thể làm cho vô hiệu. Tuy nhiên, trong tương quan với toàn thể các sự vật, các nhà duy vật biện chứng cứng rắn cự tuyệt những ngẫu thể - những định luật của thế giới trong toàn thể tính của chúng ta đã tất định toàn bộ tiến trình của vũ trụ, không có ngoại lệ.

F.      TÂM LÝ HỌC

Tâm, hay ý thức, chỉ là một hiện tượng phụ đới, một “bản sao, một phản chiếu, một bức ảnh” của vật chất (Lenin). Ý thức không thể hiện hữu mà không có thân thể và là một sản phẩm của óc não. Vật chất là dữ kiện sơ thủy, và ý thức (hay tâm) là thứ yếu; do đó, ý thức không phải là cái tất định cho vật chất, mà ngược lại, vật chất cho ý thức. Tâm lý học như thế là duy vật và tất định.

Tuy nhiên, tất định luận này tinh tế hơn của duy vật thuở trước. Vì một điều là các nhà duy vật biện chứng không muốn hoàn toàn là những chủ tất định, như chúng ta đã thấy trong tương quan với ngẫu thể. Tự do, theo họ là khả năng khiến những định luật của thiên nhiên thành hữu ích, dĩ nhiên, ngay cả con người cũng lệ thuộc vào những định luật này nhưng nó ý thức được vấn đề, và tự do của nó, một cách đơn giản, là ý thức về sự tất yếu (như với Hegel). Thêm nữa, họ trực tiếp mà hoạt động qua trung gian của xã hội.

Như thế con người chính yếu là xã hội, không thể sinh tồn ngoài xã hội; chỉ trong xã hội nó mới có thể sản xuất những nhu yếu của cuộc sống. Tuy nhiên, những phương tiện và phương pháp cho sự sản xuất như thế trước nhất hạn định những mối tương quan người và người và đến lượt chúng hạn định ý thức con người. Đó là đề tài của duy vật sử quan; mọi sự mà con người nghĩ, hay ước muốn, trong một phân tích cứu cánh, đều là một hậu quả những nhu cầu xã hội của nó, cũng như chúng kết quả do những phương pháp sản xuất và những tương quan xã hội được tạo nên bởi sự sản xuất này.

G.    NHẬN THỨC LUẬN

Vì vật chất xác định, tất định ý thức, nên nhận thức phải được lĩnh hội trong một tư thái duy thực, chủ tri không tạo ra đối tượng, vì đối tượng hiện hữu độc lập với chủ tri; nhận thức kết quả từ sự kiện theo đó những bản sao, những phản chiếu, hay những bức ảnh của vật chất đều có mặt trong tâm. Thế giới không phải bất khả tri mà là hoàn toàn khả tri. Dĩ nhiên phương pháp chân thực để nhận thức duy chỉ là khoa học được kết hợp với sự thực hành có kỹ thuật; tiến trình kỹ thuật đủ chứng tỏ sự kém thế của tất cả bất khả tri luận. Dù nhận thức nhất thiết là nhận thức giác quan, tư tưởng thuần lý cũng cần thiết là nhận thứ giác quan, tư tưởng thuần lý cũng cần thiết để tổ chức những dữ kiện kinh nghiệm này. Thực chứng luận là một “trò phỉnh gạt trưởng giả” và là một “duy tâm luận”; bởi vì trên thực tế chúng ta nắm được yếu tính của các sự vật qua những hiện tượng.

Như thế nhận thức luận chủ Marx tự chứng tỏ một duy thực tuyệt đối và ngây thơ của một kiểu mẫu duy nghiệm thông thường. Đặc điểm của duy vật chủ Marx nằm ở sự kiện nó kết hợp quan điểm duy thực ấy với một quan điểm duy thực khác, thực dụng luận (pragmatisme). Từ quan niệm rằng mọi yếu tố của ý thức chúng ta đều được tất định bởi những nhu cầu kinh tế, thì tiếp theo đó mỗi giai cấp xã hội có khoa học riêng của nó và triết học riêng của nó.  Một khoa học độc lập và biệt lập và bất khả: chân lý là những gì dẫn đến sự thành công, và, chỉ có sự thực hành thôi thiết lập tiêu chuẩn của chân lý.

Cả hai lý thuyết về nhận thức này được tìm thấy song song trong chủ nghĩa Marxist mà không một ai cố hết sức để điều hòa chúng. Phần lớn người ta công nhận rằng nhận thức chúng ta là một cố gắng cho chân lý tuyệt đối, nhưng bây giờ nó chỉ là tương đối và chỉ để trả lời cho những nhu cầu chúng ta thôi. Ở đây, lý thuyết ấy hình như rơi vào mâu thuẫn, vì nếu chân lý mà tương đối đối với những nhu cầu chúng ta thì nhận thức không bao giờ có thể là một bản sao của thực tại – ngay dù một bản sao phiến diện.

H.    NHỮNG GIÁ TRỊ

Theo duy vật sử quan tất cả những nội dung của ý thức đều là kết quả của những nhu cầu kinh tế và rồi những nhu cầu ấy lại thay đổi liên tục. Điều này đặc biệt áp dụng cho luân lý, thẩm mỹ và tôn giáo.

Trên phương diện luân lý, duy vật sử quan không thừa nhận một quy tắc trường cửu nào cả và dạy rằng mỗi giai cấp xã hội có luân lý riêng của nó. Luật luân lý cao nhất là lẽ thiện giúp cho việc hủy diệt xã hội trưởng giả.

Về thẩm mỹ, những sự thể càng phức tạp hơn. Ta phải sẵn sàng công nhận rằng trong thực tại, trong bản thân những sự vật, hiện hữu một yếu tố khách quan hoạt động như là nền tảng của sự đánh giá thẩm mỹ của chúng ta và cho phép ta nhìn các sự vật vừa đẹp vừa hữu ích. Nhưng về phía khác sự định giá này cũng lệ thuộc sự tiến hóa; mỗi giai cấp có những nhu cầu riêng biệt của nó; mỗi giai cấp thẩm định giá trị theo cách thể riêng biệt của nó. Thế thì nghệ thuật không thể tách biệt khỏi cuộc sống, nó phải tham dự vào cuộc đấu tranh giai cấp; nó phải biểu trưng cho những cố gắng dũng cảm của lớp cần lao trong công cuộc đấu tranh để kiến thiết một thế giới theo xã hội chủ nghĩa (duy thực xã hội).

Sau hết, đối với tôn giáo, lý thuyết lại thay đổi thêm một lần nữa. Duy vật biện chứng coi tôn giáo như là một kết cấu của những quan niệm sai lầm và quái dị mà khoa học đã kết án, và chỉ có khoa học mới là con đường dẫn đến hiểu biết. Tôn giáo bắt nguồn từ sợ hãi; trong sự bất lực của mình trước thiên nhiên, và sau đó là đối diện với những kẻ lợi dụng, loài người thánh hóa những thế lực đó và cầu nguyện chúng, đồng thời tìm thấy ở tôn giáo và những tín ngưỡng thế giới trên kia một nguồn an ủi mà đời sống nô lệ và bị lợi dụng của họ không thể mang lại được. Tuy nhiên, những kẻ lợi dụng (bọn phong kiến, tư bản, v.v) coi tôn giáo như một phương tiện tốt nhất để đặt quần chúng vào dưới ách thống trị của chúng; trước hết là làm cho quần chúng vâng lời những kẻ lợi dụng họ và thứ đến là ngăn cản lớp lao động nổi loạn bằng cách hứa hẹn cho họ một số phận tốt đẹp hơn sau khi chết. Hạng lao động không lợi dụng một ai, và do đó không cần đến tôn giáo. Trong khi luân lý và thẩm mỹ chỉ bị thay đổi, tôn giáo hoàn toàn bị tiêu hủy.

KẾT LUẬN PHÊ BÌNH

Trực giác, cái nằm ở nền tảng của những hệ thống mà chúng ta vừa trình bày, chính là một thứ tình cảm sắc bén về những chiều kích lấn áp của vũ trụ, mà ở trong đó, con người chỉ là một hạt bụi vô nghĩa bị bỏ rơi vào một thế giới hững hờ hay đáng ghét nữa. Điều dễ hiểu, cái trực giác trên căn bản duy vật này phải được nối kết với một thái độ lãng mạn hào hùng. Lạc lối trong vụ trụ vô hạn, con người phải bảo vệ mình bằng sức mạnh của chính mình, bằng khoa học mà mình có, và điều này tạo ra sự tôn sùng khoa học và kỹ thuật và sự đăng quang của lý tính con người.

Dù cái trực giác ấy có là của chung của tất cả những nhà duy nghiệm, mà đằng khác vẫn còn những sai biệt như thế trong từng hệ thống khiến cho khó mà quy định phong trào này trong toàn bộ của nó. Đại đa số những đại biểu của nó điều tán dương khách quan tính và quyền lực tương đối hiểu biết của con người. Trên toàn thể, họ thừa nhận rằng dù một số ít cương quyết hơn, tinh thần không sáng tạo nên thế giới, rằng thế giới hiện hữu độc lập với tâm thức và rằng, một nhận thức bao quát thế giới là không thể có. Khi biện minh cho những quan niệm này, thì chính họ lại nhận lãnh việc ngăn chặn sự đe dọa từ chủ ngoại lý và chủ quan luận nguy hại đang đe dọa nền văn hóa Tây phương. Nhiều tư tưởng gia kể trên nhất là những triết gia phân tích, đã khiến cho sự tiến bộ của lý luận khoa học và phương pháp luận của khoa học thiên nhiên, rất là được việc.

Tuy nhiên, những sắc thái tiêu cực của các hệ thống này vẫn còn quá lộ liễu. (1) Họ thảy đều có khuynh hướng quay trở về một lập trường mà đời sống tinh thần của Âu châu đã vượt qua từ lâu, và thế là họ thiết lập nền triết học thoái hóa đối với thời đại chúng ta; điều này đặc biệt đúng cho duy vật biện chứng. (2) Về phương diện lý thuyết thì thật là yếu thế vô cùng. Khỏi phải nói, duy vật biện chứng thường thường tự hạn chế vào trình độ gần như là tiền Socrate, mà ngay cả thực chứng luận cũng nằm trên một thể luận chất phác và trên những tiền đề độc đoán mà các đại biểu của nó chưa từng xét lại. Tính chất một chiều của những hệ thống này thật là kì lạ. (3) Nhưng điều quan trọng nhất là không một hệ thống triết học nào ở đây có một giải đáp cho những vấn đề trọng đại của con người mà tư tưởng hiện đại đang vật lộn với chúng. Đối diện với sự khổ, luân lý và tôn giáo, họ thường bằng lòng với tuyên bố rằng những điều đó không mang lại những nghi vấn nào, hay chính ra những nghi vấn như thế mà được nêu lên chỉ là vô nghĩa. Vì xu hướng thoái hóa ấy, sự yếu kém mặt lý thuyết và sự thiếu sót của họ trước những vấn đề trọng đại về thân phận con người, những nền triết học này ít có giá trị trong tư tưởng hiện đại – ngoại trừ những kết quả thuần phương pháp học của các triết gia phân tích. Nhìn vào toàn thể, triết học hiện đại không những chỉ bỏ qua những kết luận của các nền triết học này mà còn bỏ lối đặt vấn đề của chúng.

 


Nguồn: Phiên bản điện tử do bạn Phạm Tấn Xuân Cao, sinh viên khoa Triết trường Đại học Huế, gửi cho triethoc.edu.vn.


 

[1] Có những giải thích khác về các học thuyết của Marx nhưng ít quan trọng và không thể bàn đến ở đây.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt