TÔN GIÁO [TRONG HÌNH THỨC] NGHỆ THUẬT
c TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT [MANG TÍNH] TINH THẦN*
GEORG WILHELM FRIEDRICH HEGEL (1770-1831) BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải
Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã có sự đồng ý của dịch giả.
§ 727 Những Tinh thần quốc gia-dân tộc [khác nhau] (Volks-geister) – trở nên có ý thức về Bản chất của mình trong hình thái của một con vật đặc thù nào đó – tiến tới chỗ hợp nhất lại thành Một Tinh thần duy nhất. | Cũng như thế, những vị thần quốc gia-dân tộc đặc thù mang tính chất nghệ thuật hợp nhất lại trong một ngôi “Đền bách thần” (Pantheon) mà môi trường (Element) và trú sở (Behausung) của nó chính là NGÔN NGỮ [văn học]. Trong hiện thực của Tinh thần quốc gia-dân tộc, trực quan thuần túy về chính mình như là bản tính người phổ biến có hình thức sau đây: Tinh thần quốc gia-dân tộc kết hợp với những người khác – tức với những người, thông qua [các điều kiện] Tự nhiên, – hình thành Một quốc gia-dân tộc duy nhất vì một công cuộc chung[1]; và, vì công cuộc này, tạo dựng nên một dân tộc chung, đồng thời, một cõi trời chung (Gesamthimmel). Tuy nhiên, tính phổ biến mà Tinh thần đã đạt đến được trong sự hiện hữu của mình này chỉ là tính phổ biến đầu tiên, mới xuất phát từ tính cá nhân của đời sống đạo đức [xã hội], chưa vượt qua được tính trực tiếp của nó, chưa tạo dựng nên được Một nhà nước duy nhất thoát thai từ những cộng đồng thành viên riêng rẽ này. Tính cách đạo đức của Tinh thần hiện thực của một dân tộc [đặc thù] một phần dựa trên sự tín nhiệm, tin cậy trực tiếp của những cá nhân riêng lẻ đối với cái toàn bộ của dân tộc mình; một phần khác, dựa trên sự chia xẻ trực tiếp mà tất cả – bất chấp sự khác biệt về giai tầng (Stände) – đều có phần tham gia vào những quyết định và hành động của chính quyền của họ. Trong sự hợp nhất vốn thoạt đầu không hình thành một trật tự lâu bền mà chỉ nhằm đến một hành động chung, sự tự do tham dự nói trên của mỗi người cũng như của mọi người bị tạm thời gác sang một bên. Tính tập thể đầu tiên này, vì thế, chỉ đơn thuần là một sự tập hợp của những tính cá nhân hơn là sự thống trị [và kiểm soát] của tư tưởng trừu tượng, tức của cái ắt sẽ cướp đi phần tham dự tự giác của những cá nhân trong ý chí và việc làm của cái toàn bộ [của Nhà nước][2]. * Tác phẩm nghệ thuật mang tính tinh thần trung giới lãnh vực trừu tượng đầu tiên (tác phẩm nghệ thuật trừu tượng, §§705-719) với lãnh vực cụ thể thứ hai (tác phẩm nghệ thuật sống động, §§720-725) và thể hiện thần linh ở trong môi trường của biểu tượng và ngôn ngữ do Tinh thần sáng tạo ra: nó nói lên mối quan hệ sống động giữa Thần và Người trong sự thống nhất của cả hai. [1] Công cuộc chung này là việc vây hãm thành Troie, tạo nên sự thống nhất sinh động chứ không phải một Nhà nước trừu tượng của các cộng đồng dân tộc Hy Lạp khác nhau (dẫn theo J.H). [2] Đây chính là thời kỳ được gọi là “thời đại anh hùng” khi “tính phổ biến chưa bị tách rời với tính cá nhân”. Trong thời đại này, cá nhân mang tính phổ biến ngay nơi chính mình và chưa phục tùng cái phổ biến như phục tùng một trật tự ngoại tại. (Xem định nghĩa về “thời đại anh hùng” trong Hegel: Mỹ học, Sđd, I: “Về sự độc lập cá nhân; thời đại anh hùng”).
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC