THÁI ĐỘ VÀ NHẬN XÉT CỦA MÁC VÀ ĂNG-GHEN VỀ VĂN HỌC
GIĂNG PHƠ-RÊ-VIN Xuân Tửu, Trần Hữu Thung dịch
Giăng Phơ-Rê-Vin. Mác, Ăng-ghen, Lê-Nin và văn học nghệ thuật. Xuân Tửu, Trần Hữu Thung dịch. Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1962, tr.76-77.
1. Chủ nghĩa lãng mạn phản động Lúc Mác và Ăng-ghen bước vào đời, thì chủ nghĩa lãng mạn Đức, về mặt văn học, đang ở thời kỳ rực rỡ nhất. Nó đã trở thành hệ tư tưởng chính thống của nhà nước phong kiến và chuyên chế. Ngay sau cuộc cách mạng Pháp, chủ nghĩa lãng mạn đã trở thành một hiện tượng phổ biến. Qua nội dung tư tưởng của nó, người ta có thể định nghĩa: chủ nghĩa lãng mạn là sự phản ứng chống lại chủ nghĩa duy lý của thế kỷ XVIII và xã hội tư sản của thế kỷ đó. Nhưng trong mỗi nước nó mang những nét đặc thù do điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội quyết định. Ở Pháp, phái lãng mạn lúc đầu tôn thờ ngai vàng và Thượng đế, trong khi phái tự do đòi hỏi chủ nghĩa cổ điển. Nhưng chủ nghĩa lãng mạn Pháp lại chứa đựng chất men phản kháng: nó thừa hưởng của Rút-xô tình thương yêu con người, những nỗi bất bình độ lượng, lòng ham muốn sự trong trắng và nhân hậu. Những biểu hiện giả danh đạo cơ-đốc lúc đầu, việc phục hồi những đạo đức thời trung cổ, việc tìm tòi tính chất ngoại lai, chẳng bao lâu đã phải nhường chỗ cho đòi hỏi tự do [1], cho những mộng tưởng bình đẳng, bác ái, bằng cách hòa hợp các giai cấp. Chủ nghĩa lãng mạn đã mang lại sự cải biến hình thức văn học, đã làm phong phú thêm tiếng nói, đã đổi mới tình cảm và trí tưởng tượng sáng tạo. Cố nhiên, những người bênh vực nó đã thất bại : trong những biểu hiện táo bạo nhất, nó đã không vượt xa hơn chủ nghĩa không tưởng. Nhưng, qua lăng kính của lý tưởng của nó, của những biểu tượng, những ảo tưởng của nó, nó cũng phản chiếu được bước đi của lịch sử, phản chiếu được trào lưu tư tưởng nhân đạo và dân chủ to lớn, xuyên qua tình hình xã hội và văn học từ năm 1830 đến năm 1848, phản chiếu được vấn đề xã hội, sự đương lên của giai cấp vô sản, phản chiếu được ngay cả cuộc sống của nước Pháp giữa thế kỷ XIX, « đất nước trong đó, hơn bất cứ ở đâu hết, các cuộc đấu tranh giai cấp bao giờ cũng đi đến chỗ giải quyết dứt khoát ».[2] Ở Đức, thế kỷ XVIII, phong trào ánh sáng mà Lét- sinh là đại diện tích cực nhất, có xu hướng muốn giải phóng trí tuệ cho giai cấp tư sản, chứ không phải giải phóng về mặt chính trị cho nó. Đáng lẽ tuyên chiến chống chế độ phong kiến, triết học của những người thuộc phái ánh sáng ở Đức lại mang màu sắc kinh viện, đạo đức, nhuốm mùi vị mộ đạo mơ hồ. Trong khi chế độ Phổ thiết lập và được củng cố dưới triều vua Phờ-rê-đê-rích II, với bộ máy quan liêu tập trung của nó, với đội ngũ võ quan quí tộc và lính tráng đần độn của nó, thì từ năm 1770, nhân danh tính tự phát, lòng nhiệt tình, lòng tin và thiên tài, phong trào Bão táp và đắm say mở một cuộc tấn công đầu tiên chống chủ nghĩa duy lý. Chủ nghĩa lãng mạn Đức xuất hiện vào những năm cuối thế kỷ XVIII, mở rộng và hệ thống hóa cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa duy lý. Nó mượn của Phích-tơ, quan điểm về vũ trụ bên ngoài, cái vũ trụ không đối lập với cái tôi mà là do cái tôi làm chủ, sáng tạo ra. Quyền lợi của con người nói chung có khuynh hướng tự hạn chế vào một con người Đức duy nhất. Sự đồng nhất giữa ý niệm và thực tại, sự biểu dương linh tinh, sự ngụp lặn vào cái vô ý thức, sự đồng cảm giữa tâm hồn cá thể và tâm hồn phổ biến, trùm những định lý của chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm lên địa hạt văn học. Chủ nghĩa lãng mạn Pháp đối lập cá nhân với xã hội. Chủ nghĩa lãng mạn Đức thì làm cho cái cá thể hòa tan trong lòng cái phổ biến, đặt cá thể trong cái toàn thể, vượt qua nó, làm cho cái cá thể tan biến vào trong cái tổng thể hữu cơ, tức là khối cộng đồng quốc gia Volkstum, Volkheit — đó là mầm mống của một nhà nước quân sự hóa sau này. Những mộng tưởng, những say sưa, những cuồng vọng lãng mạn, đã kích thích, đã nhen nhóm và thôi thúc nhiều khuynh hướng, sau này sẽ cụ thể hóa thành những hình thái khác nhau của chủ nghĩa Đại Đức. Ngay từ đầu, chủ nghĩa lãng mạn Đức đã tỏ ra như đoạn tuyệt với chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa nhân đạo, như một sự quay trở lại những nhân tố phi lý, những truyền thuyết và những chuyện hoang đường, một sự biện hộ cho quá khứ trung cổ có tính chất Nhật nhĩ man và cơ đốc. Nó làm sống lại những truyền thuyết cũ, nó lý tưởng hóa tinh thần hiếu chiến, những thời đại của hiệp sĩ, của thi ca và của lòng tin, trong đó Nhà thờ thống trị xã hội hệt như tâm hồn thống trị thể xác, trong đó không có ngọn gió nào khả dĩ đánh đổ ngục Bát-sti... Sự tán dương ấy đạt đến đỉnh cao nhất trong những điệu nhảy và tiếng kèn của kịch trường Oa-nhe. Cuộc chiến tranh chống Na-pô-lê-ông đã in dấu hiếu chiến và phản động vào chủ nghĩa lãng mạn. Các nhà thơ quốc gia Đức thời 1813 như Coóc-ne, Sen-ken-đoóc, Rúc-ke, Cờ-lây, Stơ, Ác, Ây-sen-đoóc... mơ tưởng lấy lại nhà thờ Stơ-rat-sbua; họ nguyền rủa mọi cái từ nước Pháp tràn sang. Ăng-ghen đã chế riễu những « ông sùng dân tộc Đức » ấy là những « người điên rồ ăn thịt người Pháp » [3]. Sau 1815, chủ nghĩa lãng mạn quyết tâm làm kẻ biện hộ cho chế độ chính trị chuyên chế và cho ưu thế của Nhà thờ. Được Mét-téc-ních và chủ nghĩa thần bí của khối Liên minh thần thánh thừa nhận, nó có duy trì hoặc khôi phục những chế độ chính trị đang lung lay hoặc đã đổ nát. Nó nhìn thấy trong đạo Thiên chúa ngay cả lẽ sống của mọi khuynh hưởng nghệ thuật, của mọi chính phủ, nó mong muốn đế quốc Thần Thánh La-mã Nhật- nhĩ-man được phục hồi. Ngay khi bắt đầu tấn công vào trật tự đương thời, Mác đã vấp phải chủ nghĩa lãng mạn. Trong bài viết đầu tiên của ông về chế độ kiểm duyệt, cũng như trong những bài khác viết cho Báo Rê-na-ni ông tố cáo hệ tư tưởng của giai cấp thống trị, thế giới đảo ngược của chủ nghĩa phong kiến tư sản hóa với cái giả nhân giả nghĩa và những bịp bợm của nó. Chủ nghĩa chủ quan lãng mạn là cái đà xui khiến việc ban hành đạo lệnh mới của chính phủ Phổ về vấn đề kiểm duyệt, – với những vẻ ngoài lừa dối, đã dung túng các phương pháp độc đoán nhất. Nguyên tắc lãng mạn cấm chỉ tự do chung của con người để bảo vệ tự do riêng của bọn phong kiến đặc quyền. Vì các đại biểu của lý tưởng cơ-đốc sống trong một thế giới phi thực tại và « tưởng tượng đối với họ là óc và tim » nên họ quay về lý thuyết của thế giới bên kia của tôn giáo mà họ chui vào để che dấu dục vọng và quyền lợi tầm thường của họ. Chủ nghĩa lãng mạn chẳng đã luôn luôn tìm cách choàng một áo khoác ma thuật vào những sự kiện phàm tục đó sao? Nó viện đến « thứ chủ nghĩa thần bí phóng túng, uyển chuyển và đa cảm » để che đậy « cái gay gắt của chủ nghĩa thực dụng duy lý, xảo quyệt, biển lận, sự tính toán nhỏ nhen dựa trên kinh nghiệm, nhưng rỗng về tư tưởng »[4]. Là kẻ bảo vệ chế độ chiếm hữu phong kiến, các nhà tư tưởng của chủ nghĩa lãng mạn dùng hai chiến thuật : thì họ tìm cách thuyết phục giai cấp tư sản, nói rằng nền tự do công xã thời trung cổ có giá trị hơn cái tự do bình đẳng hoang đường mà cách mạng Pháp nêu lên ; khi thì họ cố « dương cao cái bị của người ăn mày » và kích động quần chúng chống lại giai cấp tư sản. Mác đã vạch trần nội dung chung của hai mặt đó của chủ nghĩa lãng mạn Đức. Chủ nghĩa lãng mạn đó, say sưa với chế độ và tập quán thời trung cổ, chỉ biểu hiện sự lạc hậu về chính trị của nước Đức mà thôi: nó đã ngăn cản khá nhiều việc giải phóng nước Đức về chính trị. Một ngày kia nước Đức sẽ đạt tới trình độ suy tàn chung của châu Âu, mà chưa bao giờ đạt đến trình độ tiến bộ chung của châu Âu. Người ta sẽ có thể vì nước Đức với một tin đồ chết vì đau bệnh thiên chúa giáo [5]. Cuộc cách mạng 1848 húc phải khẩu hiệu « chỉ có lính chống lại bọn dân chủ! » đã xác nhận những điều Mác dự đoán. Giai cấp tư sản đầu hàng không đánh đá gì, lại cấu kết với thế lực phản động phong kiến và giúp chúng bóp chết phong trào cách mạng. Trong một thế kỷ, nước Đức đã lựa chọn số phận của nó, số phận mà Mác định nghĩa trong một câu: « Hãy so sánh những người Pa-ri leo lên xung phong đánh trời với bọn người nô lệ của Đế quốc Thần Thánh La-mã — Phổ — Nhật-nhĩ-man, với những bộ mặt nạ hậu sinh của nó, với mùi trại lính và Nhà thờ, mùi phong kiến và nhất là chủ nghĩa Phi-lít-stanh hôi thối của nó [6]. [1] Vích-to Huy-gô đã viết trong tập “Chiêm ngưỡng»: “Tôi làm nổi gió cách mạng Tôi chùm mũ đỏ cho quyền từ điển cũ. Thôi hết những từ bệ vệ, những tiếng quê mùa Tôi gây giông bão trong lòng lọ mực.» [2] Ăng-ghen: Lời nói đầu cho lần xuất bản thứ III cuốn Ngày 18 tháng Sương mù của Lui Bô-na-pác, Nhà xuất bản xã hội, Pa-ri, 1949, tr. 9. [3] C. Mác và F. Ăng-ghen : Về văn học và nghệ thuật, Nhà xuất bản Sự thật, Hà-nội, 1958, tr. 292. [4] Mác: Bàn về tự do báo chí, Toàn tập, t. I, tr. 207. [5] Mác; Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hê-ghen, Toàn tập, t. I, tr. 616. [6] Mác : “Thư gửi Cu-gien-man ngày 12-4-1871”, Nội chiến ở Pháp, Nhà xuất bản Xã hội, Pa-ri, 1953, tr. 15.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC