THÁI ĐỘ VÀ NHẬN XÉT CỦA MÁC VÀ ĂNG-GHEN VỀ VĂN HỌC
GIĂNG PHƠ-RÊ-VIN Xuân Tửu, Trần Hữu Thung dịch
Giăng Phơ-Rê-Vin. Mác, Ăng-ghen, Lê-Nin và văn học nghệ thuật. Xuân Tửu, Trần Hữu Thung dịch. Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1962, tr.82-88.
2. Tô-ma Các-lai lơ Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đem lại cho giai cấp vô sản Anh những đau khổ tầy đình mà Ăng-ghen đã thuật lại. Đạo luật Cải cách năm 1832 với việc hủy bỏ một số « thị trấn mục nát », dinh lũy của bọn chúa đất, với chế độ tuyển cử, đã giúp cho giai cấp tư sản thắng được giai cấp quí tộc phong kiến. Nhưng ngay đó, giai cấp tư sản lại bắt đầu đánh đập và bắt bớ dân nghèo, nên đằng sau chúng đã nổi lên hình bóng của khối nhân dân thất vọng và tức tối. Những nỗi bất công, những cuộc khủng hoảng trong công nghiệp, việc giảm tiền lương, cảnh thất nghiệp làm cho cả một phong trào quần chúng rộng lớn bùng lên. Phong trào Hiến chương đòi hỏi thủ tiêu đạo luật năm 1834, đạo luật nói về dân nghèo và làm cho dân nghèo bị đẩy vào chỗ bĩ cực, « bỏ mặc thợ thuyền cho chủ nghĩa tư bản khát thịt người » như Ô-bờ-ri-en đã viết. Nhưng trong khi những người thuộc phái Hiến chương nổi dậy chống giai cấp tư sản, buộc họ cải cách xã hội để giảm bớt đau khổ của « đám người nghèo rất cần thiết cho tài sản của người giàu», thì nhiều kẻ khác lại rút từ trong cảnh khổ đó những kết luận trái lại. Đó là bọn thuộc phải bảo thủ, bọn quý tộc đã bị giai cấp tư sản tước đoạt và đang tìm cách phục thù. Họ thấy ở Tô-mát Các lai-lơ, nhà tư tưởng của họ. Tô-mát Các-lai-lơ là nhà văn có phong cách trúc trắc dài dòng, chửi rủa hùng hổ như chớp giật... Nhà văn này tuyên bố rằng bệnh lãng mạn, bệnh đa cảm, mơ mộng, sự tưởng tượng quá trớn, đã làm hại xã hội. Các-lai-lơ mưu toan chữa cho xã hội khỏi các bệnh hoài nghi, hủ bại, những dục vọng hão huyền, những khích động cuồng loạn... Nhưng toàn bộ tác phẩm của ông ta lại nhuốm đầy chủ nghĩa thần bí lãng mạn. Ông ta bài bác chủ nghĩa duy lý, cho nó là tội phạm chủ yếu. Ông ta rất căm ghét nước Pháp vô đạo, cho đó là nguồn gốc của mọi tật xấu. Tinh thần Pháp, một thứ tinh thần chỉ biết phá hoại, vứt bỏ các thứ mà Các-lai-lơ tôn thờ như: cái vô ý thức, sự nồng nhiệt thiêng liêng, cái kỳ diệu, « những vực sâu của bí mật và thần kỳ »... Quyển sách của ông nói về cách mạng Pháp mà nhà sử học Mi-sơ-lê [1] đã công kích, tìm cách đe dọa giai cấp tư sản Anh và làm họ khiếp sợ bằng những ảo tưởng thần bí. Đúng như Ăng-ghen nhận xét, Các-lai-lơ đã làm cho tư tưởng Đức nhuốm màu chủ nghĩa thanh giáo [2] của Anh và chủ nghĩa lãng mạn của bọn theo giáo phái bảo thủ. Ông ta bị ảnh hưởng của Phich-tơ, Se-linh, Nô-va-lit, Héc-đe, Giăng Pôn Rich-te, Gớt-tơ. Là người duy tâm, ông lên án vật chất cho nó là thế giới của cám dỗ, lên án những sự yếu đuối và thống khổ của xác thịt ; ông đề cao tinh thần và Thượng đế. Trong tác phẩm Quá khứ và hiện tại (1843) Các-lai-lo đả kích xã hội tư sản đã bị chủ nghĩa tự do chính trị và kinh tế làm cho bại hoại. Trong khi của cải chất đống lên, thì nhân dân chết héo giữa cảnh xung mãn độc nhất vô nhị». Cảnh sang trọng của những kẻ nhàn cư bày ra ngay giữa cảnh đói kém. Hàng vạn người thất nghiệp run rẫy trong những nhà tế bần, những « căn nhà lao động – người ta gọi đùa thế vì ở đấy thật không có việc gì đáng làm cả ». Tình trạng « mạnh ai nấy làm, gặp chăng hay chớ» đã gây nên một cuộc cạnh tranh hỗn loạn, gây nên khủng hoảng thừa, nạn nhân mãn, kéo theo luôn cảnh bần cùng, ngu dốt, bệnh rượu chè và những rối loạn xã hội khác. Đồng tiền từ nay là mối liên hệ mật thiết giữa con người với nhau ! Các-lai-lơ đưa ra cái dũng cảm, cái uy quyền, cải trật tự trung cổ để chống lại cái « lường gạt khốn nạn » và cái « giả nhân giả nghĩa hiện tại ». Người công nhân xưởng máy bị buộc chặt vào « miếng đất công trường thủ công », không được hưởng ngay cả sự bảo trợ mà bọn chúa đất giành cho nông nô Cái xấu hiện đại từ đâu mà tới? Từ sự rối loạn về kinh tế và đạo đức, từ những tư tưởng dân chủ, từ những tin điều vô đạo đang thay thế cho tôn giáo cơ đốc. Để ngăn chặn mối đe dọa của cách mạng, phải làm sống lại thời trung cổ, phải khôi phục uy quyền của Nhà thờ, phải thay thế giai cấp quý tộc suy nhược bằng một giai cấp quý tộc chân chính chọn lựa trong những người đứng đầu của công nghiệp. « Con người hùng» đem lại cho Các-lai-lơ nguyên lý hành động của bản kinh xã hội của ông ta. Theo ông ta, nhân loại sở dĩ đạt được những tiến bộ là nhờ một thiểu số những người có tài năng, có thẩm quyền, những người hưởng đặc mà tưởng khám phá nổi thiêng liêng ở trong sự vật, còn quần chúng ngu ngốc chỉ nhìn thấy được cái bề ngoài « phàm tục và phù du » của sự vật mà thôi. Những kẻ chăn chiên đó đã được trời phú cho tất cả. Đấng Tối Cao không lầm lỗi muốn rằng họ là kẻ ngồi trên và đã giao cho họ « sứ mệnh cao cả » là điều khiển người khác, buộc đám người này phải hoàn toàn thần phục, và nếu cần thì được sử dụng quyền cưỡng bức, mà chỉ phải tuân theo lương tâm mà thôi. Các-lai-lơ đã kết luận bản cáo trạng của ông chống lại chủ nghĩa vô chính phủ, chủ nghĩa vị kỷ, bằng cách biểu dương con người tư sản, con người hùng như thế đấy. Kẻ tố cáo chủ nghĩa tư bản lại trở thành người biện hộ cho chủ nghĩa tư bản. Ông ta chỉ chống chủ nghĩa tư bản để làm cho nó khỏe thêm, tiêm máu mới cho nó, dạy nó nghị lực và tinh thần củng rắn mà thôi. Ông ta nhìn thấy trong bọn chiếm hữu tư liệu sản xuất, những người dẫn đường, những người chủ hợp pháp của thế giới. Quân đội của các ngài, rộng lớn như vũ trụ, hết thảy đã nổi dậy, hỗn loạn và đói khát, bên miệng hố của một thảm họa sắp cháy bùng và của bệnh cuồng điên ! Họ không muốn làm việc cho lợi ích của các ngài vì mười hai đồng xu một ngày và vì nguyên lý của luật cung cầu nữa... Các ngài phải bắt họ tuân theo kỷ luật, các ngài phải bắt đầu buộc họ trở lại với kỷ luật đi. Trở lại với kỷ luật, trở lại sự phục tùng chính đáng, trở lại sự trung thành cao quý để đền đáp lại một uy quyền cao quý. Tâm hồn họ gần như điên dại : cầu chúc cho tâm hồn của các ngài luôn luôn tốt lành, luôn luôn tốt lành hơn [3]. Bảy năm sau, Các-lai-lơ lại lắp lại thuyết giáo của ông ta trong Tập văn trào phúng của ngày cuối cùng. Cách mạng đã nổ ra năm 1848 trên lục địa, nhưng đã thất bại. Nước Anh nằm lặng trong một sự bình yên và phồn vinh giả tạo. Các-lai-lơ, cáu tiết hơn, khổ não hơn, lại đánh trống la làng. Bão táp đã dịu dần, nhưng bão táp có thể nỗi lại. Trật tự xã hội vẫn bị đe dọa. Phải « tổ chức lao động », nếu không thì nguyên nhân nào sẽ đẻ ra kết quả đỏ. Thế là Các-lai-lơ lại kêu gọi tuyển mộ thợ thuyền, buộc họ đứng vào hàng ngũ, buộc họ nhắm mắt vâng theo mệnh lệnh của các thủ lĩnh công nghiệp ! Sau khi đã lên án Thời nay như thế, trong một bài nghiên cứu thứ hai, bài Những nhà tù kiểu mẫu, Các-lai-lơ lên tiếng công kích chủ nghĩa tình cảm " nhân đạo », những phương pháp tù đầy mới chỉ nhằm để giáo dục chứ không trừng phạt. Ông định nghĩa thiên chúa giáo là một học thuyết của sự căm ghét, « sự ghê tởm lành mạnh của kẻ vô lại » : khao khát đàn áp, ông đòi treo cổ bọn người xấu và giao quyền cho những người tốt... Các-lai-lơ là người đề xướng ra một xã hội hết sức tôn ti trật tự, luôn luôn được ý chí của những « anh hùng » giữ vững trong những khuôn khổ cổ truyền. Ông ta là người truyền bá sự bất bình đẳng giữa các dân tộc, cái quyền thế của các giòng giống cao đẳng, cương nghị và hùng mạnh được phép chỉ huy các giống thấp hèn. Trước Ki-pơ-linh bảy mươi năm, ông ta đã nêu lên quyền tối cao của dân tộc Ăng-gờ-lô-xắc-xông và thiên chức của hoàng gia nước Anh. Để cứu chữa nạn thất nghiệp, ông ta cổ vũ việc phát triển thuộc địa. Các nhà tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc thừa nhận ông ta là một nhà tiên tri. Luận điệu gian dối của Các-lai-lơ, nội dung phản động trong lời lẽ của ông ta khi đả kích chủ nghĩa tư bản, mối thiện cảm giả dối của ông ta đối với công nhân dẫn đến việc trói buộc người công nhân lại, sự phê phán vờ vĩnh của ông ta đối với nhà tư sản dẫn đến việc xác nhận cho giai cấp tư sản có quyền dùng vũ lực để thống trị, lòng tức giận kiểu Ma-nét-xơ [4] của ông ta, sự hùng hổ kiểu mèo chín đuôi của ông ta tức giận thay cho chế độ nô lệ của người da đen, chế độ phụ thuộc của nông dân Kếc-lăng vào bọn chúa đất « chừng nào bọn mọi và bọn lếc-lăng vẫn còn là những tên súc sinh » đó thật là biết bao tấm bia cho những lời chỉ trích của Mác và Ăng-ghen ! Tất cả sự phẫn nộ ầm ĩ đó biến thành sự thừa nhận được che đậy đôi chút đối với quyền thống trị của giai cấp đương quyền; nếu người ta buồn phiền và nếu người ta la ó, đó chẳng qua là vì bọn tư sản không dành cho các bậc thiên tài chưa nổi tiếng của chúng, một địa vị ăn trên ngồi trước trong xã hội, và vì những lý do rất thực tiễn, chúng không mảy may chú ý đến những lời lầm cầm hão huyền của các vị này. Vả lại, cả ở đây nữa, Các-lai-lơ đã cho chúng ta một ví dụ rõ rệt về những lời lẽ ba hoa, mỹ miều đã biến thành có ý nghĩa ngược lại như thế nào, con người quyền quí, thông hiểu, hoặc nhà hiền triết, trong thực tiễn đã trở thành một tên thô lỗ, một người dốt nát và một thằng điên như thế nào [5]. Theo Các-lai-lơ, sự khác nhau về giai cấp là biểu hiện sự khác nhau có tính chất tự nhiên. Những sự khác nhau ấy sẽ tồn tại mãi, bất di bất dịch, trong xã hội canh tân nhờ tác dụng của một « sự hồi xuân về tinh thần » mà ông ta muốn mình là kẻ tiên tri. Đến thời kỳ mà Các-lai-lơ đã dự đoán, sẽ có gì thay đổi? Như vậy, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên do thiên tài thống trị khác với kỷ nguyên cũ, chủ yếu là ở chỗ : với kỷ nguyên cũ, cái roi tưởng tượng rằng nó là thiên tài [6] Sùng bải các bậc « thiên tài » và các bậc « anh hùng », vốn là hiện thân của thần linh, có nhiệm vụ bắt quần chủng phải phục tùng, đó là ý muốn cuối cùng của cái clương tâm tư sản ». Chính Các-lai-lơ là người đầu tiên đã cung cấp cho giai cấp tư sản luận đề đó. Và Mác, Ăng-ghen là những người đầu tiên đã vạch rõ ý nghĩa vô cùng phản động của những lời bởi toán của « Si-bi-lơ đờ Sen-xê-a »[7]. [1] Trong một bức thư đề ngày 11-4-1868, gửi cho Va-pơ-rô, Mi-sơ-lê đã viết về Các-lai-lơ như sau: «Mặc dù cuốn Cờ- rôm- oen của ông ta và nhiều tác phẩm mà tôi chưa đọc, có giá trị thế nào đi nữa, thì cuốn nói về cách mạng của ông ấy cũng là một tác phẩm thảm hại viết bừa, không nghiên cứu gì, và sai lầm, không có gì khác ». [2] Puritanisme - (N. D.) [3] Các-lai-lơ : Quá khứ và hiện tại, phần IV. [4] Ma-nét-xơ (Manès) : theo quan điểm của ông này thì thiện và ác là hoàn toàn đối lập nhau. Học thuyết của ông ta thường gọi là « thiện ác nhị nguyên luận » (Manichéisme). (N.D.) [5] C. Mác và F. Ăng-ghen: Về văn học và nghệ thuật. Nhà xuất bản Sự thật, Hà-nội, 1958, tr. 285. [6] Như trên, tr. 285. [7] Mác: Tư bản, q. L t. I, tr. 251.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC