Triết học nhân học

Con người

TRIẾT HỌC NHẬP MÔN

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14
                           

CON NGƯỜI

KARL JASPERS

LÊ TÔN NGHIÊM dịch

 

 

Có thể hiểu biết được con người không? - Tự do của họ

Con người là gì?

Sinh lý học nghiên cứu thể xác; tâm lý học nghiên cứu tâm linh và xã hội học nghiên cứu xã hội tính của họ. Và thường thường con người xuất hiện như một hiện tượng siêu nhiên, nên người ta mới tìm hiểu họ như tìm hiểu các sinh vật khác.

Nhưng con người cũng là sản phẩm của lịch sử. Muốn tìm hiểu khía cạnh lịch sử ấy, người ta thường tra vấn và bình luận những gì đã được lưu lại, hay tìm hiểu ý nghĩa mà con người xưa kia đã gán cho hành vi và tư tưởng của họ, hay tìm cách giải thích những biến cố đã xảy ra bằng những lý do, những hoàn cảnh và những dự kiện tự nhiên.

Đó là đường lối khảo cứu con người của khoa học nhân văn. Tuy nhiên, chúng cũng chỉ đem lại được những kiến thức tản mát, chứ không thể cho biết được con người toàn diện.

Vậy ta còn phải thắc mắc tự hỏi: với những kiến thức tản mát ấy ta có thể có được một quan niêm quán triệt về con người chưa?

Hay bên ngoài kiến thức, con người còn là một cái gì khác siêu việt hơn nữa ví dụ là một tự do vượt ra ngoài mọi kiến thức khách quan, nhưng tự do ấy vẫn hiện diện nơi họ như một thực tại bất diệt?

Quả thế, ta có thể đề cập vấn đề con người bằng hai con đường lối khác nhau: một như là đối tượng khảo cứu cho khoa học; hai là như một tự do hiện hữu vượt trên mọi khảo cứu của khoa học. Trường hợp thứ nhất, ta bàn đến con người như một thực tại không thể khách quan hóa được. Do đó ta chỉ có thể biết rằng: họ hiện hữu và khi họ ý thức về chính họ thì họ lại càng trở thành sâu xa, khó hiểu. Vì vậy ta không thể biết được họ một cách rõ rệt, minh bạch mà chỉ có thể cảm nghiệm được bản chất của họ ở tận nguồn tư tưởng và hành động của ta.

Tóm lại, theo nguyên tắc, con người còn vượt xa những gì họ biết được về chính họ.

Vậy ta ý thức được rằng: ta tự do là khi ta công nhận ta phải phục tòng một số yêu sách. Thỏa mãn những yêu sách ấy hay không là tùy ở quyền ta định đoạt. Nghĩa là chúng ta không thể phủ nhận rằng: chúng ta quyết định và mỗi khi quyết định là quyết định về chính mình.

Nói tóm, chúng ta là những con người có trách nhiệm.

Người nào phủ nhận điều đó thì cũng mặc nhiên phủ nhận rằng mình không có trách nhiệm gì với ai cả. Ngày kia, một bị cáo muốn tự biện hộ trước tóa án, họ đã thưa quan tòa rằng: sinh ra họ đã mang những tập quán hướng về điều ác, thành ra họ không thể làm khác được. Nếu họ tự coi là không có lỗi. Quan tòa trả lời họ một cách tinh anh rằng: về phía ông là quan tòa cũng chỉ vì đã sinh ra với những tập quán quan tòa, thành ra bó buộc ông phải theo luật pháp sẵn có mà tuyên án bị can.

Tự do với Siêu việt thể

Trên đây là bước thứ nhất để ta biết chắc rằng ta tự do.

Bây giờ còn phải bước một bước thứ hai nữa để hiểu rõ chúng ta là gì? Thưa chúng ta là một hữu tướng về Siêu việt. Như thế nghĩa là gì? Nghĩa là chúng ta không tự mình mà có. Vì khi suy nghĩ mỗi người đều cảm thấy rằng: mình có thể không có. Điểm này làm cho con người giống như loài vật.

Nhưng ngược lại, chúng ta còn biết tự ta quyết định chứ chúng ta không lệ thuộc định luật thiên nhiên một cách máy móc, nghĩa là ta tự do hơn sinh vật. Nhưng tự do đó không tự ta mà có, vì khi tự do, ta tự cảm thấy ta là một tặng vật cho chính ta[1]. Khi không biết yêu đương, không biết ta phải làm gì? Chúng ta không thể có tự do bằng một sức mạnh nào khác. Nhưng khi chúng ta tự do quyết định, và do quyết định ấy tất cả cuộc đời ta tràn đầy ý nghĩa, rồi ta mới sống cuộc đời ấy hoàn toàn. Khi ấy ta mới ý thức rằng: hữu của ta không phải do ở ta mà thôi. Thực vậy, những khi được hoàn toàn tự do và khi ta bó buộc phải quyết định hành động không vì áp lực của định luật thiên nhiên bên ngoài, mà là do chính nội tâm của ta là ý chí tự quyết của ta lúc ấy, khi tự do,ta ý thức ta là một tặng vật của Siêu việt thể. Càng tự do thực sự con người càng tin có Thiên chúa. Vì khi tự do thực sự ta mới chắc chắn ta không tự ta mà có.

Là người không bao giờ chúng ta có thể tự mãn. Vì luôn luôn chúng ta hướng vượt ra xa hơn và hơn lên mỗi khi ta càng ý thức sâu xa rằng: Thiên chúa có. Đồng thời ý thức ấy càng soi sáng cho ta hiểu rõ ràng được chính ta và ta không đáng giá gì.

Nói rằng: con người hướng về Thiên chúa, nhưng ở đây không phải là đặc tính tự nhiên. Trái lại, đặc tính này phù hợp với tự do của ta. Nó chỉ rực rỡ lóe sáng với mỗi người là khi con người biết nhảy vượt, vì nhờ nhảy vượt họ mới thoát ly được tình trạng sống sinh lý tầm thường để dẫn họ về sự hữu đích thực của họ. Ở đây một khi đã thoát ly thế trần, họ phải được hoàn toàn mở toang ra với thế trần. Bấy giờ họ mới có thể sống không lệ thuộc thế trần, vì họ liên hệ chặt chẽ với Thiên chúa.

Nói tóm, với họ khi họ càng hiện hữu thực sự tự do thì càng chứng tỏ Thiên chúa có.

Ôn lại mấy điểm trên

Tôi xin phép ôn lại một lần nữa: là một thực tại thực nghiệm của nhiên giới, con người là một đối tượng có thể hiểu biết được.

Do đó những lý thuyết về chủng tộc mới thiết định được những khác biết giữa những chủng tộc này với chủng tộc khác; rồi nhà phân tâm học mới nghiên cứu được hoạt động của tiềm thức; và chủ nghĩa Mác xít mới coi con người như một sinh vật sống động biết cần lao và sản xuất để chế ngự được thiên nhiên, thực hiện được thực tại xã hội. Nhờ đó, cả việc chế ngự thiên nhiên, cả việc thực hiện cách mạng xã hội đều có thể đạt được lý tưởng.

Đó là tất cả những đường lối tri thức dùng để lĩnh hội được một cái gì xác thực, nhưng không bao giờ lĩnh hội được toàn diện con người.

Vì vậy nếu những lý thuyết khoa học kiểu đó dám tự phụ (mà khoa nào cũng tự phụ như vậy) hiểu được con người toàn diện, thì đương nhiên chúng đã đánh mất con người đích thực. Nên người nào tin tưởng vào những lý thuyết ấy, họ đã dập tắt đi trong lòng họ ý thức về con người và về những gì thuộc con người, nghĩa là ý thức về con người là tự do và quy hướng về Thiên chúa.

Vậy rất cần phải theo dõi những tiến triển của ngành khoa học nhân văn; ngành này càng phát triển thì lợi ích càng lớn lao. Vì nhờ đấy ta mới khám phá được những điều ta biết một cách có khoa học, như thế ta mới biết rằng: ta mới biết rất ít, nếu đem so sánh với những gì có thể biết về con người.

Tóm tắt, người ta sẽ nhận ra rằng: những kiến thức kiểu khoa học ta không tài nào đạt được thân phận con người đích thực. Nhờ đó đồng thời ta cũng tránh được những nguy cơ gây ra do những khoa học tự phụ hiểu được con người.

Được hướng dẫn

Đã nhận thấy những bế tắc của kiến thức khoa học về con người, bây giờ ta đủ sáng suốt tự ủy thác cho một sức nhiệm mầu nào đó hướng dẫn ta bằng chính tự do của ta, khi tự do ấy quy hướng về Thiên chúa.

Đó là một vấn đề tối quan hệ cho thân phận con người, nghĩa là ở đâu con người mới gặp được lẽ sống? Ta biết chắc một điều là đời sống con người không như đời sống thú vật, vì từ thế hệ này sang thế hệ khác sinh vật chỉ sinh sản như máy móc theo những định luật thiên nhiên.

Trái lại, con người có tự do, mà lại không dám chắc tâm với hiện hữu của mình. Nhưng chính tự do ấy lại giúp con người những cơ hội thuận tiện để thực hiện những khả năng và hiện hữu đích thực của họ. Cùng với tự do, trời đã ban cho họ quyền sử dụng cuộc đời họ như một chất liệu (để thực hiện được Hiện sinh đích thực của họ).

Vì lý do ấy chỉ mình con người có lịch sử, nghĩa là không sống bằng di sản sinh lý như loài vật mà thôi, họ còn sống bằng cả một di sản tinh thần nữa. Nên đời sống con người không thể được để trôi giạt theo tự nhiên mà phải được hướng dẫn, vì họ tự do.

Thường thường khi nói đến hướng dẫn là người ta hiểu ngay rằng: người này dùng uy thế để đàn áp người khác và coi đó là hướng dẫn. Nhưng đó là một lối hướng dẫn bằng áp bức. Tôi không thể khai triển điều đó ở đây.

Vậy sự hướng dẫn tối cao cho con người mới là điều ta đang tìm kiếm ở đây. Và đây là đề tài chủ trương của Niềm tin triết lý:

Con người có thể sống dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa

Đề tài ấy có nghĩa gì?

Nói chung, chúng ta như tin tưởng rằng: Thiên chúa hướng dẫn ta. Nhưng trong thực tế làm thế nào lại như thế được, vì Thiên chúa không hiện hữu trong trần gian như một sự vật hữu hình và Ngài không hề hiện diện một cách minh bạch? Hãy cho rằng: Thiên chúa hướng dẫn con người đi nữa, nhưng làm sao con người nhận ra được Thiên chúa muốn gì? Con người có bắt gặp được Thiên chúa bao giờ không? Và gặp gỡ làm sao?

Trong một ít tiểu sử tự thuật, ta được nghe kể lại rằng: những khi quyết định một cách nghiêm nghị, quan hệ đến cả cuộc đời, con người thường do dự lâu ngày, nhưng bỗng nhiên có lúc học được chắc tâm phi thường nghĩa là sau những giờ phút do dự trong băn khoăn bất lực, người ta bỗng nhiên cảm thấy sự chắn chắn ấy như chính tự do thúc đẩy họ hành động. Lúc ấy càng chắc chắn mình được tự do rõ rệt bao nhiêu, con người càng nhận thấy minh bạch Siêu việt thể là nguyên nhân tạo sự Hữu cho họ bấy nhiêu.

Ví dụ mỗi ngày Kierkegaard đều phải tự vấn và phó thác mình cho Thiên chúa hướng dẫn. Như vậy ông luôn luôn cảm thấy mình sống trong bàn tay Thiên chúa. Nên qua những hành động và biến cố xẩy đến cho đời ông, ông đều nghe có tiếng Thiên chúa. Tuy nhiên ông vẫn ý thức rằng: những điều Thiên chúa nói với ông đều gồm những ý nghĩa hàm hồ. Nghĩa là Thiên chúa hướng dẫn ông, nhưng không phải theo một lối hữu hình, cũng không phải bằng những mệnh lệnh hiển nhiên mà là bằng chính tự do của ông. Nên tự do ấy quyết định gì cũng đều quyết định trong sự liên hệ với căn cơ Siêu việt.

Vì trong Siêu việt thể dẫn dắt chúng ta bằng một đường lối khác hẳn đường lối của trần gian,nghĩa là bằng duy có tự do của ta. Tiếng nói của Ngài vang dội bên tai ta, mỗi khi với tư cách cá nhân ta chắc tâm về hiện hữu của ta và tự cởi mở ra với những gì từ truyền thống và thế giới chung quanh mà đến với ta.

Như thế, được Thiên chúa hướng dẫn là khi con người tự mình phán đoán những hành động của mình hoặc bằng ngăn cản hay khách lệ, bằng sửa phạt hay xác nhận. Trong trần gian khi phán đoán lối sống của con người, Thiên chúa không dùng cách nào khác cho bằng chính phán đoán của con người phán đoán về mình, về những lý do, những động lực thúc đẩy họ hành động và chính cả hành động của họ, con người đều được tự do và thành thật tự vấn và tự phê phán. Họ tự cáo và tự thẩm định. Trong sự phê phán ấy, con người gián tiếp nhận ra được phán đoán của Thiên chúa, nhưng như là một phán đoán không minh bạch và dứt khoát, mà luôn luôn hàm hồ.

Vì thế, sự phán đoán của con người có thể bị sai lầm ngay từ lúc đầu, nếu họ tưởng rằng: trong đó họ gặp dứt khoát được tiếng nói của Thiên chúa, và có thể hoàn toàn đặt tin tưởng vào đó. Nên chúng ta phải cương nghị đập tan khuynh hướng muốn tự coi ta là một thẩm phán tối cao. Khuynh hướng này đã khởi phát ngay khi ta bắt đầu thỏa mãn về đời sống đạo đức của ta, và khi ta tự phụ ta không sai lầm. Vì thực ra, con người không thể luôn luôn thỏa mãn với chính mình được vì khi tự phê phán họ chỉ căn cứ vào có chính mình. Nên bó buộc phải có người khác nữa để phán đoán hành động của họ. Và họ cũng cần đến phán đoán của người khác là khi những người khác đó siêu việt hơn. Nên dư luận tầm thường của quần chúng hay của những thể chế đã thoái hóa, suy đồi tuy vẫn có ảnh hưởng gì trên họ, nhưng cũng vẫn không lay tỉnh được họ bao nhiêu.

Trái lại, không phải những phán đoán của loài người, mặc dầu phán đoán ấy siêu quần tới đâu, mà chỉ duy có một phán đoán tối quan trọng và quyết liệt không bao giờ nghe thấy trong trần gian.

Đó là phán đoán của Thiên chúa.

Thực vậy, không một ai dám tự đại coi mình là thẩm phán tối cao cho mình được. Vì mỗi người đều cần đến sự phán đoán của người khác. Đó là nguồn sinh lực dồi dào đã nâng đỡ những người tiền sử để họ hành động một cách anh hùng; nên họ mới tiến ra chịu chết với một lòng can đảm vô song, con mắt cứ đăm đăm nhìn vào những người khác trong tương lai. Vì họ hy vọng rằng: muốn người khác sau này sẽ ca tụng họ muôn đời. Đó là niềm hy vọng đã khích lệ những anh hùng hấp hối trong huyền thoại Edda.

Nhưng thái độ anh hùng của một Hiện sinh dám sống cô đơn lại có giá trị khác, vì anh hùng này không cần tới người khác trong một cộng đồng nào cả và cũng không hi vọng vào vinh quang sau khi chết. Đứng trước con người anh hùng dám can đảm sống cô đơn với mình như vậy, có người nghĩ rằng: họ anh hùng được như vậy là vì tính tình tự nhiên của họ đã hòa hiệp sẵn; người khác lại nghĩ rằng: đó là vì họ đã được hấp thụ những tinh túy của một truyền thống, do cộng đồng xã hội sơ khai di truyền lại. Nhưng trong trần gian này ý thức họ không gặp được một cái gì đáng tín nhiệm cả. Nhưng không vì vậy mà thái độ anh hùng ấy bị mai một đi trong hư vô. Được thế là vì nó bám rễ sâu vào sự Hữu đích thực, nghĩa là giả như có thể diễn tả ra bằng ngôn ngữ được thì phải gọi đó là sự phán đoán của Thiên chúa thay chỗ cho phán đoán của loài người.

Những lề luật luân lý có giá trị chung cho mọi người

Những mệnh lệnh tối thượng, riêng tư cho mỗi sử tính Hiện sinh

Những phán đoán hướng dẫn ta, có thể khuất phục ta thực sự và quyết liệt thường xuất hiện ra dưới hai hình thức: thứ nhất là những phán đoán có sức bó buộc mọi người nói chung; thứ hai là những phán đoán có tính cách như những mệnh lệnh tối thượngriêng tư cho mỗi sử tính Hiện sinh.

Thực vậy, những lề luật luân lý bó buộc mọi người đều có sức mạnh thuyết phục con người. Kể từ mười giới răn trở đi những lề luật luân lý ấy chính là những bằng chứng có Thiên chúa hiện diện. Nhưng có lẽ, thực ra, cũng có những người vô tín công nhận giá trị của những lề luật ấy và phục tòng chúng, và nhất định chỉ bám lấy những gì con người có thể làm được tự mình.

Nhưng thường thường người nào phục tòng lề luật luân lý một cách nghiêm nghị và tự do cũng đều biết rằng: họ cũng nghe tiếng Siêu việt thể, chính là vì họ tự do.

Nhưng những giới răn và lề luật luân lý là những mệnh lệnh còn quá tổng quát. Khi gặp những hoàn cảnh cụ thể, con người vẫn không tìm được ở đấy những quy luật sống. Vì trong mỗi hoàn cảnh lịch sử riêng biệt, con người thường dễ tuân phục những mệnh lệnh trực tiếp hơn những mệnh lệnh gián tiếp. Ví dụ những mệnh lệnh trực tiếp truyền rằng: phải làm thế này, không được làm thế kia! Trong trường hợp này, tuy chắc chắn rằng: đó là mệnh lệnh phải theo nhưng con người vẫn còn do dự. Vì cho dù có ngoan ngoãn lắng tai nghe Thiên chúa hướng dẫn tới đâu, con người vẫn có thể bị lạc đường. Vì vậy phải khiêm tốn! Nghĩa là không được an tâm tin tưởng chắc chắn vào đó và không được phép coi lối sống mình chọn là độc đạo ai ai cũng phải theo. Có như thế ta mới tránh được cuồng tín. Tuy con đường ta theo như được tắm trong ánh sáng huy hoàng, khi cảm thấy được Thiên chúa hướng dẫn, nhưng cũng đừng lầm tưởng rằng: nó là con đường chính thực duy nhất mọi người đều phải theo.

Quả vậy sau đó mọi sự còn có thể thay đổi; tuy sống dưới ánh sáng tràn ngập, nhưng con người vẫn còn có thể lạc hướng. Ngay khi quyết định một cách chắc chắn rồi, vẫn còn một cái gì treo lơ lửng một khi quyết định ấy được thể hiện ra trong trần gian. Vì kiêu hãnh nắm được chân lý tuyệt đối thì đã làm tổn thương đến chân lý ở cõi trần này rồi. Tuy được soi sáng trong giây lát, nhưng vẫn cần phải khiêm tốn đặt vấn đề lại luôn mãi.

Như vậy khi nhìn lại ta sẽ bỡ ngỡ thấy rằng: ta đã được hướng dẫn do một bàn tay nhiệm mầu! Nhưng cả ở đây cũng vậy, vẫn chưa có gì chắc chắn vì được Thiên chúa hướng dẫn cũng chưa phải là một đặc ân chỉ cần chiếm đoạt một lần là xong.

Theo quan điểm tâm lý, tiếng Thiên chúa chỉ nghe được trong những giờ phút rất thiêng liêng. Vì những giờ phút ấy gây khích lệ cho cuộc đời ta và vì chúng mà ta sống.

Cư xử với Siêu việt thể

Được hướng dẫn như vậy, con người có thấy Siêu việt thể có thực không? và con người phải cư xử với Ngài làm sao?

Thường thường sự liên hệ giữa ta với Siêu việt thể rất tinh vi không thể diễn tả bằng cách nào được cả, mặc dầu sự liên hệ ấy rất quan trọng vì nó chi phối mọi quyết định của ta. Nhưng là người sống trong trần gian chúng ta mới cảm thấy cần đến những kinh nghiệm hữu hình để cư xử cho chắc tâm. Vậy trong số các kinh nghiệm ấy sự giao tiếp giữa nhân vị với nhân vị là một hình thức cao nhất. Vì vậy tuy không phải hoàn toàn đúng y hệt, nhưng cũng có thể gọi sự giao dịch giữa Siêu việt thể và con người cũng là một sự giao dịch giữa nhân vị và nhân vị.

Nghĩa là ra như ta lôi kéo được Thiên chúa xuống với ta theo hình thức một ngôi vị. Đồng thời ta tự tôn ta lên để có thể cư xử được với Ngài.

Trong trần gian có những mãnh lực muốn đè bẹp ta và thắng đoạt ta, như lo ngại cho tương lai, hay lưu luyến băn khoăn với của cải phù vân, hay lo âu trước những tai họa có thể xảy đến.

Nhưng mặc dầu những trở lực ấy, là những gì họ không chịu đựng, không thấu hiểu và cũng không công nhận nổi, khi đứng trước sự chết hòng đến có lẽ con người sẽ có được một lòng tin tưởng để chết bình an.

Lòng tin tưởng vào sự Hữu căn cơ ấy có thể gọi được là một sự cảm tạ đối với hồng ân vô tư hay như một sự hòa vui trong Niềm tin.

Ở đời một đôi khi hình như tự do của chúng ta cũng có thể nâng đỡ chúng ta. Ví dụ những người Đa thần coi các thần minh và quỷ tặc như những thần bảo hộ hay cừu địch của loài người. Trước những biến cố và ngay đến cả những hành vi con người, họ cũng nói: “Đó là một ông thần nào làm”. Lòng tin tưởng đó vừa nâng cao vừa thánh hóa con người, nhưng đồng thời nó cũng làm cho con người ly tán vào những khả năng phức tạp do cuộc đời cống hiến cho họ trên bình diện mưu sinh cũng như trên bình diện tinh thần.

(Đó là lập trường của người Đa thần).

Trái lại, một chủ thể thực sự ý thức về sự hữu của mình phải biết rằng: Họ lệ thuộc vào sự nâng đỡ của một Thiên chúa duy nhất. Sự nâng đỡ chỉ phát nguyện do có Nhất thể.

Vậy nếu Thiên chúa là độc nhất vô nhị thì ngoài ra không còn thần minh nào khác nữa.

Nếu muốn thiết định sự nâng đỡ trên đây một cách rõ rệt thì không thể được. Việc cầu nguyện cũng thế, là một cuộc gặp gỡ với Đấng vô hình; nếu muốn thiết định nó thì nó không còn là một sự chiêm niệm thầm lặng tuyệt đối không lời nữa. Chúng ta say sưa đi tìm bàn tay một Thiên chúa ngôi vị. Vì thế sau cùng lời cầu nguyện sẽ là một tiếng gọi dâng lên Thiên chúa để xin cho được điều ta ước vọng trong cuộc sống vật chất.

Con người nào có một đời sống tinh dòng rồi, họ sẽ thấy mọi biến cố, mọi hoàn cảnh bế tắc không lối thoát chỉ còn việc chết, đều do Thiên chúa gởi đến cả. Như vậy mọi hoàn cảnh cụ thể đều là một nhiệm vụ cho con người tự do. Họ sẽ chỉ đứng vững, chỉ phát triển và chỉ sa ngã trong tự do. Nhưng không được coi nhiệm vụ ấy chỉ là phải thực hiện một hạnh phúc cụ thể nào dưới trần này mà thôi. Vì nhiệm vụ ấy chỉ sáng tỏ là nhờ ở sự Hữu duy nhất, siêu việt ấy và nhờ ở tình yêu tuyệt đối biểu lộ ra trong đó. Tình yêu ấy biểu lộ ra với lý tính siêu việt, mới biết chiêm ngưỡng sự Hữu và khám phá ra được trong những thực tại trần gian, văn tự tượng số của Siêu việt thể.

Yêu sách tôn giáo với triết lý

Thực ra các linh mục thường lên tiếng cảnh cáo những người nào muốn tìm liên hệ giữa con người với Thiên chúa bằng nỗ lực của triết lý. Các Ngài coi họ là những kẻ kiêu căng lộng hành. Các Ngài ra lệnh buộc ta phải vâng phục Thiên chúa mặc khải.

Nhưng ta có thể trả lời các linh mục rằng: khi tự do quyết định một việc gì, con người triết lý đơn độc vẫn tin là họ tuân lệnh của Thiên chúa. Nhưng không vì thế họ tự phụ đã nắm được một bảo đảm khách quan để quyết đáp rằng: họ đã biết được Thiên chúa muốn điều gì. Họ vẫn luôn luôn sống trong nguy cơ. Thiên chúa ảnh hưởng là ảnh hưởng bằng những quyết định tự do của mỗi cá nhân.

Các linh mục đã lầm tưởng rằng: vâng phục Thiên chúa bao giờ cũng phải là phục tòng những quy chế đã được thiết lập ra trong trần gian như nhà thờ, sách Thánh, lề luật v.v… Vì theo họ đó mới là những gì Thiên chúa trực tiếp mặc khải và bó buộc con người phải tuân theo.

Tuy phục tòng những quy chế ngoại tại trần gian kia và phục tòng thánh ý Thiên chúa theo kinh nghiệm hiện sinh sau cùng cũng có thể đi đôi với nhau được, nhưng sự hòa hợp đó không phải đã sẵn có, mà phải chinh phục bằng cố gắng.

Khi một cá nhân tưởng rằng có thể khám phá ra trong mình ý muốn của Thiên chúa và rút ra ở đó một chứng lý đối lập lại những quy chế khách quan thì họ có thể lâm nguy là đi đến chỗ hành động bừa bãi hay muốn thoát ly mọi kiểm soát trên bình điện tổng quát và cộng đồng.

Ngược lại, nếu coi những quy chế khách quan để phản đối những điều cá nhân coi là Thiên ý thì người ta lâm nguy một cách khác là một khi đã nhận thấy Thiên ý của Ngài qua chính thực tại Hiện sinh của họ rồi, họ lại còn muốn lẩn tránh không vâng phục mà còn cứ bám chặt lấy những quy chế khách quan. Những ai cứ khư khư tin tưởng mù quáng vào lề luật và mệnh lệnh của quyền binh thì họ còn sống trong bấp bênh, hỗn loạn.

Trái lại, những ai cố gắng nghe tiếng Siêu việt thể bằng toàn cả Hiện sinh của họ thì những người ấy lại cảm thấy trào vọt lên trong họ nguồn nghị lực thiêng liêng và trách nhiệm tự do của họ.

Nói tóm lại, muốn biết được trình độ đạo đức của một con người, chỉ cần thử nghiệm xem Siêu việt thể đã nói với họ sâu xa đến mức nào và hướng dẫn họ như thế nào?

Vì con đường tiến thủ của mỗi cá nhân chính là do lối sống của họ vậy.

 



[1] Xem chương 4, số 2.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt