KARL JASPERS - TRIẾT HỌC NHẬP MÔN
VŨ TRỤ KARL JASPERS (1883-1969) LÊ TÔN NGHIÊM dịch
Karl Jaspers. Triết học nhập môn . Chương 7: “Vũ trụ”. Lê Tôn Nghiêm dịch. Bộ Giáo dục và Thanh niên – Trung tâm học liệu xuất bản, 1969, tr. 81-89.
Thực tại thực nghiệm với khoa học. - Vũ trụ quan. “Thực tại” là những gì ta gặp trong đời sống thường ngày. Chúng có thể là những chất liệu cho ta khảo sát và sử dụng trong khi giao tiếp với sự vật hay với người khác, nhưng cũng có khi chúng cưỡng lại ta. Ngoài ra, ta còn tìm hiểu thực tại qua việc sống, rồi qua việc sử dụng những khí cụ, những trang bị kỹ thuật, sau cùng qua cả những cuộc giao tiếp có quy mô với người khác, hay qua những phương pháp tổ chức và quản lý. Như vậy, những gì ta gặp trong cuộc sống hằng ngày lại còn được ánh sáng của khoa học làm sáng tỏ thêm bằng những khảo cứu thuần lý. Tiếp đó những khoa học thuần lý còn được đem áp dụng vào đời sống thực tế bằng những kỹ thuật. Nhưng cũng phải nói ngay rằng: khoa học áp dụng không chỉ hạn hẹp trong những tiêu chuẩn vật chất, trực tiếp mà thôi. Vì cuộc sống vật chất và công cuộc thí nghiệm để chế ngự những sức mạnh thù địch của thiên nhiên cũng mới là một khích lệ sống động cho khoa học mà thôi. Nhưng khoa học còn vượt xa hơn vì con người còn muốn biết thực tại một cách vô vị lợi nghĩa là ngoài mục đích trục lợi vật chất, khoa học còn bắt nguồn từ một căn bản sâu xa hơn. Căn bản ấy là khoa học chỉ nhằm duy những tiêu chuẩn thuần lý; ở đây con người tự quên chính mình và những lợi ích vật chất của mình để nhìn cho sâu xa, minh mẫn và lắng tai nghe những đáp số của vũ trụ. Đó là thái độ chiêm niệm thuần túy[1]. Vậy nhờ ở những phương pháp mà những kiến thức đa tạp mới trở thành khoa học nghĩa là lúc ban đầu những kiến thức còn tản mát, về sau tiến triển thêm mãi, nhưng nhà khoa học phải có phương pháp để liên kết chúng thành một hệ thống nhất trí. Đó là những nguyên tắc lý thuyết liên kết mọi sự thành một khoa học. Rồi nhiều khoa học kiểu đó muốn được kết nạp thành một Vũ trụ quan. Vì theo vũ trụ quan tổng quát ấy, toàn cả vũ trụ vạn vật này phải có thể hợp quần thành một thế giới nhất trí, liên quan chặt chẽ với nhau về mọi phương diện. Như thế vũ trụ mới xuất hiện thành một hình ảnh cho trí khôn ta quan niệm được. Tuy hình ảnh ấy xem ra vẫn còn bất toàn và còn phải được sửa chữa nhiều nhưng ai cũng phải công nhận đó là một kết quả của khoa học. Vì theo nguyên tắc khoa học chủ trương thì có thể nhờ hình ảnh vũ trụ kia mà nhìn thấy được chính bộ mặt biểu thị ra sự hữu thật mặt trong lòng của vạn vật. Tóm lại một vũ trụ quan phải bao hàm được mọi kiến thức thành một hệ thống cô kết với nhau. Nên ngay từ lúc con người biết suy tư, người ta đã sáng nghĩ ra những vũ trụ quan như thế, mà không một lý thuyết nào bỏ qua được. Đó là khuynh hướng muốn tìm ra một vũ trụ quan để dung nạp mọi sự thành một khối nhất trí và khép kín chặt chẽ. Khuynh hướng ấy là một khuynh hướng rất tự nhiên và bất kháng, vì nó muốn dùng có một khái niệm để dung nạp mọi sự. Nhưng phải nói rằng: khuynh hướng ấy lại căn cứ trên một sai lầm nền tảng mà cho đến ngày nay người ta mới nhìn rõ. Thực vậy khi biết phê phán một chút không những ta thấy ngay rằng: tất cả những vũ trụ quan đã được người ta đề nghị ra từ trước tới giờ đều sai lầm và không thể đứng vững được. Hơn nữa óc bình luận còn minh chứng thêm rằng: những hệ thống mà các khoa học có nhiệm vụ phải thiết lập thì đều thiết yếu và tự căn bản chúng đã khác biệt nhau và không thể nào dung nạp lại với nhau được. Đó là sự thật càng ngày càng rõ rệt, mỗi khi khoa học càng ngày càng phát triển. Nghĩa là những hệ thống lý thuyết khoa học càng muốn bao quát dung nạp rộng rãi thì càng ngày càng không thể liên tục, nhất là trong vật lý học. Vì giữa mỗi lãnh vực sự vật đều có sự phân sáp ví dụ lãnh vực vật lý không thể dung nạp với lãnh vực sinh vật; lãnh vực sinh vật lại khác với lãnh vực linh hồn và lãnh vực linh hồn lại khác với lãnh vực tinh thần. Những lãnh vực khác nhau ấy ra như được tổ chức thành đẳng cấp, cấp trên bao hàm cấp dưới, nhưng ra như những thành tố của cấp dưới có thể hiện hữu mà không cần cấp trên, ví dụ không có vật chất thì không thể có sinh vật, nhưng vật chất lại có thể hiện hữu mà không cần tới sinh vật. Và người ta đã dày công tìm cách chứng minh rằng: những cấp trên đều do cấp dưới mà phát sinh, nhưng vô ích! Mỗi lần muốn làm thế là mỗi lần lại thấy hiện ra rõ rệt hơn hố sâu phân cách hai bên. Nói tóm, vũ trụ quan là chỗ kết tinh tất cả những toàn khối mà khoa học thám hiểm, nhưng chính nó cũng không thể trở thành một toàn khối để cho một học thuyết bao quát hơn khảo cứu nó hay để dẫn hướng cho suy tư như một ý tưởng tổng quát[2]. Nếu vậy, phải nói rằng: không thể có vũ trụ quan nào cả, chỉ toàn có những hệ thống lẻ loi do khoa học thiết định ra. Nên thực ra những vũ trụ quan chỉ toàn là những thành phần tản mát, phân sáp ra từ một khối chung của vũ trụ theo phương pháp này hay phương pháp khác, chứ không làm gì có vũ trụ nhất trí. Người ta đã lầm khi coi chúng là tuyệt đối, là sự hữu toàn bích. Vì mỗi khoa học đều chỉ căn cứ trên một ý niệm nền tảng riêng biệt, thành ra thiết yếu chúng cũng phải dẫn tới những hình ảnh vũ trụ cũng riêng biệt và phân sáp. Như thế mỗi hình ảnh vũ trụ theo khoa học thiết định ra chỉ là một phần mảnh được phân sáp ở toàn diện vũ trụ ra. Còn chính vũ trụ lại không bao giờ trở thành hình ảnh toàn bích được cả. Vì vậy “những hình ảnh khoa học ghép cho vũ trụ” đã được coi là một thái độ chống lại huyền thoại. Nhưng thực sự chính chúng đã là một viễn ảnh huyền thoại mới, tế nhị hơn. Nhưng vì nó sử dụng tới những phương pháp của khoa học thành ra yếu tố huyền thoại như được suy giảm đi ít nhiều. Tóm lại vũ trụ không phải một đối tượng để khoa học trực tiếp khảo sát. Chúng ta sống trong lòng vũ trụ mà vũ trụ không bao giờ trở thành đối tượng cho ta. Những viễn tượng ta có thể dùng phương pháp khoa học để thám hiểm còn có thể mở rộng vô hạn, ví dụ trong viễn tượng Thiên văn, những Tinh vân trong đó có sông Ngân hà của ta với bao nhiêu tỷ thái dương hệ mới chỉ là một giải Ngân hà trong bao nhiêu triệu Ngân hà! - Hay trong viễn tượng Toán học về toàn diện vật chất: biết bao điều nhà Toán học đã khám phá được, nhưng đấy cũng chỉ là những trắc diện của những hiện tượng trong vũ trụ mà thôi, chứ chưa phải căn cơ của vạn vật, cũng không phải vũ trụ toàn bích. Như thế đã rõ tự nó vũ trụ này không có ý nghĩa vì nó không phải một thực tại viên mãn. Nên luôn luôn người ta phải dùng sự vật này để dẫn đến sự vật khác (nghĩa là dùng vũ trụ để tìm về một cái gì khác ngoài nó). Vì vậy không ai biết được khoa học tương lai sẽ còn đi tới đâu và nó sẽ mở ra cho con người biết bao vực thẳm mênh mông nữa? Vô tri và ý nghĩa của nó[3]. Chính tinh thần bình luận theo lối khoa học đã đòi hỏi ta phải loại bỏ mọi lối hình dung khách quan về vũ trụ. Nhưng chính sự từ bỏ ấy lại là điều kiện tiên quyết giúp ta ý thức triết lý về sự Hữu tự nội. Quả thế, ý thức này giả thuyết rằng: đã phải thấu triệt được những đường hướng khoa học theo để khảo cứu về vũ trụ. Vậy ý nghĩa tiềm ẩn trong kiến thức khoa học có lẽ là phải tiếp tục thám hiểm đến kỳ cùng, nhờ đó khoa học sẽ thấy xuất hiện sự cần thiết của Vô tri khi con người đã đạt được kiến thức minh mẫn nhất. Vì chỉ có kiến thức minh mẫn nhất mới làm phát xuất ra được vô tri đích đáng. Chỉ lúc ấy sự Hữu đích thực mới xuất hiện nhưng không phải qua hình thức một vũ trụ quan nào cả mà là qua Vô tri hoàn hảo. Nhưng phải vô tri theo đường hướng của khoa học vì ngoài khoa học và trước khi khoa học xuất hiện không thể có vô tri đích thực được. Đây mới chính là sức quyến rũ vô song của tri thức nghĩa là con người khát biết nhưng phải biết cho tới kỳ cùng, tới chỗ không còn thể biết mới thôi. Vì chỉ có ở vô tri và trong vô tri chính đáng do những thất bại của kiến thức khoa học mang lại mới thấy vọt lên được nguồn suối bất khả thay thế giúp ta hiểu được Hữu. Giải thích. Bằng một đường lối khác, ta hãy thử minh giải thực tại của vũ trụ xem sao? Theo đường lối này, ta có thể tóm tắt tất cả những lối biết vũ trụ theo phương pháp khoa học vào một công thức sau đây: bất cứ kiến thức nào về vũ trụ cũng đều là một lối giải thích mà thôi. Vì lối giải thích sự hữu nào bất cứ cũng đều có thể so sánh với lối giải thích bản văn cả. Lối so sánh này không phải do tình cờ. Thực vậy, ta chỉ có thể lý hội được sự hữu là qua ý nghĩa của nó nghĩa là khi diễn tả sự hữu nào, ta cũng chỉ hiểu được nó là nhờ ở ý nghĩa của những danh từ đã đọc lên. Chỉ những gì ngôn ngữ tiếp thâu được, ta mới có thể lĩnh hội được bằng tri thức. Nhưng ngay trước khi ta nói theo ngôn ngữ (là điều kiện cần thiết phải có trong việc xử sự hằng ngày) thì sự hữu đã có đấy với ta rồi theo hình thức một ý nghĩa. Như thế sự hữu chỉ được thiết định là để chỉ thị một cái gì khác. Vậy sự hữu chỉ thể hiện ra với ta trong sự liên đới giữa các ý nghĩa của nó với nhau. Sự hữu và tri thức sự hữu, thực tại và ngôn ngữ ta dùng để nói về sự hữu, hết thảy đều kết thành một mạng lưới chi chít gồm những ý nghĩa khác nhau. Tóm lại, đối với ta mọi hữu chỉ toàn là hữu do ta giải thích[4]. Mọi ý nghĩa đều đòi hỏi rằng: phải phân biệt mỗi sự vật với ý nghĩa của nó, cũng như phải phân biệt một dấu hiệu với cái nó là dấu hiệu. Vậy nếu phải quan niệm sự hữu như một sự hữu đã được giải thích thì hình như cũng phải biết phân biệt rằng: mỗi giải thích đều phải giải thích một cái gì, nghĩa là mỗi khi ta giải thích thì đều phải có một cái gì được giải thích hay bị giải thích. Cái đó chính là mỗi sự hữu. Nhưng nói cho đúng không thể thực sự phân biệt như vậy được. Vì với ta không một cái gì khó phân tích, không một cái gì ta biết, không một cái gì là đối tượng thuần túy được giải thích mà lại không tự chúng đã là một giải thích rồi. Nói tóm, bất cứ những gì ta biết đều chỉ là một luồng ánh sáng ta phóng trên mỗi sự hữu bằng những giải thích của chúng ta hay ít ra cũng là một khả năng có thể giải thích. Cho nên vũ trụ vạn vật phải được thiết định làm sao để ta có thể giải thích được chúng liên miên mãi. Nhưng không phải là được giải thích một cách bừa bãi. Vì mỗi giải thích đều hợp lý nên mỗi cái đều có tính cách khách quan. Sự hữu đòi hỏi những lối giải thích như vậy. Với chúng ta mọi hình thái hữu đều thiết yếu là hình thái của ý nghĩa, nhưng cũng là những hình thái của ý nghĩa tất nhiên. Vì thế học thuyết phạm trù cũng là học thuyết về những cơ cấu của hữu; học thuyết này cũng phác họa một sơ đồ về những hình thái hữu như những hình thái ý nghĩa vậy, ví dụ những phạm trù thuộc “khách quan” như trong ý niệm đồng tính, ý niệm tương quan, ý niệm nhân quả, hay những phạm trù thuộc “tự do” hay để biểu thị v.v… Tóm tắt, mỗi sự hữu nhìn theo ý nghĩa của nó đều xuất hiện với ta như một hệ thống mặt kiếng giao thoa nhau làm phát sinh ra bốn phương muôn tia sáng. Rồi chính những hình thái của một thực tại thực nghiệm cũng là những hình thái của một thực tại đã được giải thích rồi. Vì có sự giải thích là mỗi lần thực tại được giải thích không phải sự Hữu tự nội, mà chỉ là một cách thái ta hình dung ra sự hữu đó. Vì vậy ta không thể dùng lối giải thích mà lý hội trực tiếp được chính sự hữu. Nếu căn cứ vào nội dung của sự giải thích mà tưởng đó là chính sự Hữu tự nội thì con đường tri thức của ta đã hoàn toàn lạc hướng vậy. Tính cách phù ảo của vũ trụ. Đến đây theo nguyên tắc ta đã có thể quyết đáp rằng: bản chất của vũ trụ là phù ảo[5]. Thực vậy trên đây chúng ta đã công nhận rằng: mọi hình thái thực tại khả nghiệm đều mông lung; mọi vũ trụ quan đều tương đối; và biết tức là giải thích; sự hữu chỉ xuất hiện với ta trong sự phân ly chủ thể và khách thể. Tóm lại, đó là những nét căn bản trong đường lối tri thức của ta. Tất cả đều nói lên rằng: mọi đối tượng đều là hiện tượng cả, vì sự hữu ta biết được kia không phải sự Hữu tự nội hay sự hữu toàn diện. Đó là tính cách mà Kant đã gọi là phù ảo của vũ trụ[6]. Rồi chính sự phù ảo trên cũng không có tính cách xác định, vì ta không thể khảo nghiệm nó một cách khách quan được. Nên mới cần tới một tác động vượt bậc; vì khi có khả năng vượt bậc, không thể lý tính không nhìn thấy tính cách phù ảo ấy. Nhưng ở đây không phải lý tính đem lại một kiến thức mới đặc biệt hơn cộng thêm vào kiến thức đã sẵn có. Trái lại, lý tính phải gây nên trong ta một chấn động toàn diện để ta ý thức về Hữu. Do đó, mỗi khi ta nỗ lực suy tư về sự hữu trong vũ trụ theo tinh thần triết lý thì đều thấy bỗng nhiên vọt ra luồng ánh sáng chớp nhoáng, nhưng lại lưu những vết tích không thể xóa nhòa đi được. Nên nếu ánh sáng ấy không xuất hiện thì tựu chung mọi phát biểu về hữu đều không thể hiểu được, vì chúng không căn cứ vào một kinh nghiệm lý trí nào thực sự cả. Tóm lại, không những mọi vũ trụ quan tuyệt đối đều sụp đổ, mà toàn cả vũ trụ cũng xuất hiện như một vực thẳm. Hơn nữa đối với tri thức khách quan, vũ trụ vạn vật còn bị xé toang thành từng mảnh, vì không thể kết nạp vào một quan niệm duy nhất nào được cả. Nếu vậy, sự hữu toàn diện bao quát không thể là đối tượng cho tri thức khách quan được. Vũ trụ, một thực tại phù ảo giữa Thiên chúa và Hiện sinh. Để đi sâu vào ý thức ta có thể có về sự hữu bao quát, ta hãy đem nó ghép vào với những điều đã nói về Thiên chúa và Hiện sinh. Sau đó chúng ta có thể đi tới kết luận như vầy: thực tại như ta hiện thấy trong vũ trụ là một thực tại phù ảo giữa Thiên chúa và Hiện sinh con người. Nhưng hình như đời sống thường nhật lại nói ngược lại, nghĩa là với những con người như ta, vũ trụ và những gì thuộc về vũ trụ đều được coi là tuyệt đối cả. Thực vậy con người đã coi là tuyệt đối rất nhiều sự vật trong trần gian này, như Luther đã nhận xét: “Những gì ngươi cố bám víu, những gì ngươi đặt hết tin tưởng vào đó, chính là tuyệt đối của ngươi”. Vì dầu muốn dầu không, vô tình hay hữu ý, tình cờ bừa bãi hay quyết định liên tục, hầu như con người không thể không tuyệt đối hóa một cái gì. Với họ, ra như vũ trụ gồm đầy những tuyệt đối. Họ không thể bỏ qua được lãnh vực tuyệt đối ấy. Trái lại, họ phải được phủ đầy mình toàn bằng tuyệt đối. Nhưng lịch sử ngàn năm đã ghi lại bao nhiêu hình ảnh cao quý của những con người biết siêu thoát cuộc đời. Các nhà khổ tu Ấn Độ, các ẩn sĩ biệt lập bên Trung Hoa cũng như bên Âu châu đã từ bỏ thế gian để sống một cuộc đời suy niệm xa thế tục và để được sống với tuyệt đối bằng kinh nghiệm, với họ ra như vạn vật đều tan biến hết, chỉ còn lại có hữu là tất cả (nhưng xét theo quan điểm trần gian thì lại là vô). Những nhà Huyền niệm Trung hoa đã ly khai với những lạc thú cố hữu trần gian để đạt tới trạng thái chiêm nghiệm thuần túy. Ở đây mọi thực tại đều biến thành ngôn ngữ, hay ảo ảnh trong sáng, phù vân của cái gì đời đời và thường tại liên miên. Tóm lại với họ, thời gian đã bị tiêu ma đi trong đời đời, trần gian nói với họ một ngôn ngữ đời đời thời sự. Nhiều bác học, triết gia, thi sĩ và một ít con người hoạt động ở Tây phương cũng kinh qua và mật thiết liên hệ với thế tục nhưng đồng thời họ vẫn như ở một thế giới nào mà đến. Sinh trưởng ở một quê hương xa xăm nào đó, họ đã gặp được trong vũ trụ chính bản lĩnh của họ cùng với muôn ngàn sự vật khác. Họ như kết duyên với những sự vật đó bằng một mối dây vô cùng thắm thiết, nhưng họ vẫn vượt lên trên mọi ảo ảnh thời gian để tìm lại được hoài niệm đời đời của họ. Vượt trên vũ trụ; - Phản đối cả lối giải thích vũ trụ như một sự hữu hòa hợp; - Phản đối cả lối giải thích vũ trụ như một sự phân tán đưa đến Hư vô. Nếu vậy riêng chúng ta không thể căn cứ trên sự Hữu một cách chắc chắn, đơn phương như những người hoạt động hay tri thức bằng khách quan. Và tuy rất dính líu với thế gian nhưng chúng ta vẫn có khuynh hướng khinh khi thế gian. Thực vậy, những khi gặp may mắn toại nguyện, chúng ta như say sưa với cuộc đời và mọi sự xem ra được hòa hiệp, êm xuôi. Nhưng lúc khác ngược hẳn lại, ta lại cảm thấy đau khổ cay đắng, thấy thất vọng trước thực tại gieo trống rỗng, tan hoang vào cuộc đời như muốn tiêu diệt hết hòa vui, làm ta phải thốt ra những câu như: đời vô nghĩa chưa! Đó là hai thái độ phản lập nhau: một đàng coi trần gian là hạnh phúc; một đàng lại coi trần gian là trống rỗng, vô nghĩa. Nhưng người nào đi tìm chân lý mà không thiên kiến đều phải khám phá ra được những sai lầm trong cả hai thái độ nói trên. Vì cả hai đều dựa trên một phán đoán hời hợt và phán đoán ấy lại dựa trên một thiên kiến hẹp hòi. Vậy là người, chúng ta có nhiệm vụ phải tránh cả hai thái độ hẹp hòi, cố chấp ấy và phải luôn luôn ngoan ngùy nghe tiếng nói của mỗi biến cố, mỗi số kiếp may rủi, mỗi hành động riêng tư của ta, qua từng giây phút sống cụ thể. Thái độ ngoan ngùy ấy bao hàm hai kinh nghiệm căn bản sau đây: I/ Tìm hiểu tương quan giữa Thiên chúa siêu việt với trần gian. Tương quan này rất tế nhị nghĩa là khi ta tìm hiểu Thiên chúa siêu việt bằng những đường lối tổng quát và một lần đứt khoát thì Ngài như lại lẩn trốn rất xa ta. Nhưng trong mỗi hoàn cảnh đặc biệt của đời ta thì Ngài lại bất ngờ hiện ra rất gần ta bằng một ngôn ngữ sử tính Hiện sinh rất độc đáo. II/ Tìm hiểu ngôn ngữ của Thiên chúa trong trần gian, nghĩa là vạn vật không phải sự Hữu tự tại, nhưng trong đó chính sự Hữu tự tại cũng phát biểu ra được tiếng nói của Ngài. Tiếng nói ấy luôn luôn hàm hồ, nhưng khi nói với mỗi Hiện sinh trong giây lát sử tính của họ thì tiếng nói ấy lại đơn nghĩa và sống động, không có nghĩa tổng quát nào cả. Lắng nghe tiếng Thiên chúa tiềm ẩn; - những nguyên tắc Niềm tin triết lý và tiếng nói của Thiên chúa trong trần gian. Theo nhãn quan của chính trần gian như tính cách trần gian, sống tự do để tìm sự hữu cũng chưa phải chuẩn đích tối hậu. Vì trong chính sự hữu ta gặp được cả những gì đời đời và cả những gì xuất hiện ra trong thời gian. Nhưng ta không thể gặp được sự hữu đòi đòi ở ngoài những thực tại biến dịch theo thời gian. Vì với ta những gì hiện hữu đều phải xuất hiện ra trong thời gian tính của vạn vật. Nếu vậy, không bao giờ ta biết được sự Hữu siêu việt và Hiện sinh của ta một cách trực tiếp, đích xác. Trái lại, ở đây chỉ phải có một Niềm tin. Sau đây là mấy nguyên tắc của Niềm tin ấy: - Thiên chúa có. - Phải có những yêu sách tuyệt đối. - Con người hữu hạn và bất toàn. - Con người có thể sống dưới sự hướng dẫn của Thiên chúa. Trong những nguyên tắc ấy có ngầm chứa chân lý, nhưng chúng phải được thể hiện như một ngôn ngữ của Thiên chúa trong trần gian. Vì nếu Thiên chúa muốn trực tiếp đột nhập vào hiện sinh mà không qua trần gian thì có lẽ con người không thể hiểu được Ngài. Nên tất cả những chân lý tổng quát đều đã được phát biểu ra trong một truyền thống hay phải đầu thai vào một hiện sinh, nghĩa là ý thức cá nhân được thức tỉnh là nhờ ở hình thức chân lý này hay hình thức chân lý kia ví dụ cha mẹ ta đã nói điều này hay điều kia, như những câu nói thông thường sau đây: “Nhân danh Thiên chúa”… “Trường sinh bất tử”… “Tình yêu”… Những câu nói ấy hàm chứa biết bao là dư âm lịch sử sâu xa từ nguyên thủy! Vì vậy càng tổng quát bao nhiêu, những nguyên tắc Niềm tin trên càng mất màu sắc sử tính bấy nhiêu. Tuy chúng đòi hỏi phải có tính cách thuần túy trừu tượng, nhưng con người không thể sống nguyên với những trừu tượng như thế. Vì khi không được thực hiện một cách cụ thể, những nguyên tắc cao siêu ấy chỉ còn là một sức nâng đỡ rất yếu ớt, một nhắc nhở để ta hoài bão và hi vọng xa xôi mà thôi. Nhưng khi được thực hiện một cách cụ thể trong hiện sinh, những nguyên tắc ấy còn ngầm chứa một sức mạnh tẩy luyện, vì chúng giải thoát ta khỏi những ràng buộc với thể xác và những mê tín hẹp hòi. Chúng còn giúp ta đồng hóa với truyền thống vĩ đại để hiện thể hóa nó trong hiện tại. Tự ủy thác mình cho thế gian hay cho Thiên chúa? Tôi sẽ tự hiến cho Thiên chúa mà không biết do dự, nếu tôi thực sự phục tòng những gì hiện sinh yêu sách. Tôi có thể tự hiến cho một sự vật nào đó trong trần gian đến như phải hủy diệt cả sinh mệnh tôi, nghĩa là tôi đem dâng hiến cho Thiên chúa sự vật ấy vì tôi tin là Thiên chúa muốn thế. Nhưng khi làm thế tôi cũng phải tự kiểm thảo lại luôn mãi. Vì khi con người mù quáng tự hiến thì vô tình họ đã phụng sự một sức mạnh thống trị họ. Và không được ý thức soi sáng (không nhìn rõ, không tra vấn, không suy nghĩ) có lẽ họ đã phục vụ quỷ thần một cách tội lỗi. Khi tự hiến cho một nhiệm vụ nào rõ rệt ở trần gian này, điều kiện làm trung gian cần thiết để con người tự hiến cho Thiên chúa là chính chủ động lớn lên trong tự do của họ và trong khi lựa chọn nhiệm vụ ấy họ tự quyết định khi hiến thân. Nhưng có những trường hợp người ta lại giản lược mọi sự vào có những thực tại trước mắt như gia đình - dân tộc - nghề nghiệp - quốc gia, hay có khi người ta chỉ chú trọng tới có trần gian. Chính những lúc ấy mọi thực tại trần gian không còn lý do tồn tại nữa. Vậy chỉ còn duy có một lối thoát để khỏi thất vọng trước sự trống rỗng là bất cứ gặp cảnh ngộ nào con người vẫn phải là chủ động tự quyết. Tóm lại, chỉ khi tự hiến thân cho Thiên chúa chứ không tự hiến thân cho thế gian là khi con người tự do thực sự và nhận lãnh tự do. Vì bấy giờ ta mới tự do mà quyết đáp tự do ấy trong trần gian. - Câu chuyện huyền thoại về lịch sử thế giới siêu việt. Trên đây đã trình bày sự hiện hữu của vạn vật như một thực tại phù ảo giữa Thiên chúa và hiện sinh. Chân lý ấy được diễn tả ra qua một huyền thoại. Trong Kinh thánh huyền thoại trình bầy vũ trụ dưới hình thức hữu hình của một lịch sử siêu việt như: bắt đầu thế gian được tạo dựng, rồi thế gian sa đọa, tiếp theo là những giai đoạn dẫn đến cứu độ, đến cứu độ và phục sinh mọi sự. Trong huyền thoại này thế gian không tự mình mà có, trái lại nó chỉ là một thực tại lâm thời trong một quá trình siêu việt nghĩa là trong lòng vũ trụ phù ảo này có ngầm chứa một cái gì thực hữu. Đó là chính Thiên chúa và hiện sinh. Tóm lại, những gì đời đời cũng phải xuất hiện ra trong thời gian. Vì chính cũng ở thời gian mà mỗi cá nhân mới ý thức được chính mình. Như thế trong thời gian có hàm chứa tính chất mâu thuẫn nội tại; vì chỉ trong thời gian và do thời gian mới định đoạt được những gì là đời đời tự nội.
[1] Chiêm niệm thuần túy (hingebende Kontemplation), thường khoa học thuần lý phải được ứng dụng vào thực tế thành kỹ thuật để phục vụ con người. Nhưng cũng có những nhà khoa học chỉ học khoa học vì khoa học. [2] Ý tưởng tổng quát của Kant. Xem chương Nhập đề số 3. [3] Vô tri. Xem chương 5 số 1. [4] Hữu là-hữu-đã được-giảng-nghĩa: l’être c’est l’être interprété, là chủ trương của Niétzsche, nghĩa là không có hữu khách quan, duy nhất mà chỉ có hữu theo từng Vũ trụ quan. [5] ảnh hưởng của Kant. [6] ảnh hưởng của Kant. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC