KARL JASPERS - TRIẾT HỌC NHẬP MÔN
BAO DUNG THỂ[1]
KARL JASPERS (1883-1969) LÊ TÔN NGHIÊM dịch
Karl Jaspers. Triết học nhập môn . Chương 3: “Bao dung thể”. Lê Tôn Nghiêm dịch. Bộ Giáo dục và Thanh niên – Trung tâm học liệu xuất bản, 1969, tr. 44-51.
Tình trạng phân ly chủ thể và khách thể[2] Hôm nay tôi muốn cùng quý vị khai triển một tư tưởng căn bản, có thể là một trong những tư tưởng khó hiểu nhất, nhưng không thể bỏ qua được vì chính nó mới đem lại cho phản tỉnh triết học một ý nghĩa chân thật. Chúng ta có thể hiểu tư tưởng ấy một cách đơn giản, nhưng suy diễn nó là một công việc rất phức tạp, Vậy tôi sẽ thử phác họa tư tưởng ấy như sau: vấn đề đầu tiên của triết học là vấn đề: Sự hữu nói chung là gì? Thoạt tiên ta nhận thấy muôn vàn sự vật: những sự vật trong thế giới hữu hình, những hình ảnh vô tri, những sinh vật sống động, cả một thế giới gồm những gì hiện qua rồi biến mất. Còn Sự hữu theo tính cách hữu thực sự là gì? nghĩa là sự hữu nguồn suối phát sinh, tạo dựng vạn sự hữu khác và mọi sự đều lệ thuộc vào nó. Sự hữu ấy là gì? Trước vấn đề này, các triết gia đã nêu nhiều giải đáp khác nhau. Câu trả lời cổ kính nhất là câu của nhà hiền triết Thalès: tất cả là nước, tất cả đều do nước. Về sau người ta lại chủ trương:tất cả là lửa hay không khí, hay là cái bất định, vật chất hay là nguyên tử. Hoặc người ta còn cho rằng sinh lực[3] là bản thể đầu tiên, còn vật vô tri là cặn bã của sinh lực. Hoặc còn như thế này: bản thể đầu tiên chính là tinh thần[4] và vạn sự hữu khác là những ảo ảnh, những biểu tượng đặc biệt nó đã tạo ra trong một chiêm bao. Đó là một chuỗi dài gồm toàn những quan niệm tổng quát được gọi là chủ nghĩa Duy vật (tất cả là vật chất và là quá trình cơ giới) hoặc là chủ nghĩa Duy linh (tất cả là tinh thần) hoặc là Vật hoạt thuyết[5] (vũ trụ toàn diện là vật chất bên trong có một linh hồn) v.v. Tóm lại, để trả lời câu hỏi: sự hữu theo tính cách hữu là gì thực sự, mỗi thuyết trên đều đã chọn lấy một sự hữu đặc thù nào đó hiện có trong trần gian, rồi coi nó là nguồn suối cho vạn sự hữu khác. Vậy đâu là câu trả lời xác đáng? Trong cuộc tranh luận dài dòng hàng ngàn năm không một học thuyết nào biện chính được rằng chủ trương của mình giá trị hơn chủ trương khác. Mỗi chủ trương đều chứa đựng một phần chân lý hay đúng hơn họ đã chỉ nêu ra được một quan niệm, một phương pháp sưu tầm dậy cách nhìn vũ trụ một cách sáng sủa hơn. Ngoài ra nếu học thuyết nào tự coi mình là độc nhất, rồi giải thích vạn sự hữu bằng quan niệm căn bản mình tạo ra thì họ đã lầm. Vậy lầm ở chỗ nào? Tất cả họ đã lầm ở điểm này là họ đã biến sự hữu thành một hữu ở ngoài tôi, một đối tượng khách thể đứng đối diện với chủ thể là tôi[6]. Đó là một hiện tượng căn bản trong đời sống trí thức của ta. Nhưng vì nó thường xảy ra quá thành ra ta không còn thắc mắc, nghi vấn gì về nó nữa. Nghĩa là những gì chúng ta suy tưởng tới hay bàn luận tới toàn là những gì khác biệt với ta. Chúng là những gì ta hướng nhìn như một đối tượng khách thể đặt trước mặt chúng ta và chúng ta là chủ thể. Cả khi tôi suy tư về tôi, tôi cũng tự xem tôi như khách thể, tức là tôi trở nên một cái gì khác tôi. Đồng thời (đối diện khách thể có bên chủ thể), tôi hiện hữu với tư cách là tôi suy tư, tôi thực hiện tư tưởng đó bằng chính tôi, nhưng cái tôi ấy, tôi không thể quan niệm nó giống hệt như một đối tượng, bởi vì cái tôi đó là một điều kiện tiên quyết cho mọi hoạt động khách thể hóa. Đó là một đặc điểm nền tảng trong đời sống tư tưởng, thường được gọi là sự phân ly chủ thể và khách thể. Chỉ lưu tâm và chú ý đôi chút, cũng thấy được rằng luôn luôn ta tư tưởng theo sự phân ly ấy. Vì dù có đảo lộn ngược xuôi lối tư tưởng của ta bao nhiêu, tư tưởng ấy vẫn không sao thoát được sự phân ly hướng về khách thể nói trên. Cho dẫu khách thể ấy là gì đi nữa: hoặc là hữu do giác quan ta tri giác hay là một biểu niệm trí năng như các con số và đồ hình có khi lại là hữu không tưởng[7] hay một quan niệm hoàn toàn tưởng tượng không bao giờ có thể có. Những khách thể hiện diện trong ý thức của ta đều nằm đối diện trước mắt ta, hoặc ở trong hoặc ở ngoài, như Schopenhauer đã nói: không một khách thể nào lại không có chủ thể cũng như không một chủ thể nào lại không có khách thể. Mỗi khi hé nhìn vào sự phân ly chủ thể khách thể kia, ta thấy hiện lên một ý nghĩa huyền bí, vậy ý nghĩa ấy là gì? Thưa chính là sự hữu toàn diện. Nhưng sự hữu toàn diện này không phải đối trọng khách thể, cũng không phải bản ngã chủ thể, mà phải làBao dung thể hiện diện trong sự phân ly nói trên. Sự Hữu toàn diện không thể là đối tượng khách thể thuần túy[8]. Vì bất cứ gì là đối tượng cho tôi, thì cũng phải từ Bao dung thể mà đến. Đằng khác, chính tôi là chủ thì cũng phải từ Bao dung thể mới xuất hiện là chủ thể được. Vì đối tượng khách thể lại chính là một sự hữu được thiết định cho một chủ thể. Nhưng Bao dung thể vẫn không xuất hiện rõ rệt hẳn ra với ý thức. Nó chỉ bừng sáng lên được là do những đối tượng khách thể và nó càng sáng thêm khi những đối tượng khách thể ấy hiện diện rõ rệt trước ý thức. Tóm lại, chính Bao dung thể không bao giờ trở thành khách thể mà nó chỉ xuất hiện trong sự phân ly chủ thể khách thể. Nên Bao dung thỉ vẫn là một hậu trường tiềm ẩn. Hậu trường ấy chỉ luôn luôn được lóe sáng qua sự biểu lộ của các khách thể. Nhưng một khi được quan niệm và định nghĩa như vậy, mỗi đối tượng khách thể lại phải liên hệ với những đối tượng khách thể khác ví dụ ngay khi quan niệm sự hữu tổng quát nào bất cứ, nó cũng phải được quan niệm đối lập với hư vô là một đối tượng khác nó. Như vậy, bất cứ sự vật gì, bất cứ nội dung tư tưởng nào hay bất cứ khách thể nào đều phải trải qua hai lần phân ly: một lần phần ly với chủ thể suy tư; một lần phân ly với các khách thể khác. Vì nếu đã là đối tượng cho tư tưởng, không bao giờ chúng có thể là một toàn diện, hay một sự hữu toàn diện, hay cả đến sự hữu suông nữa, vì một khi bị tư tưởng coi là đối tượng thì bất cứ sự Hữu nào cũng đứng ra ngoài Bao dung thể cả. Vì đối tượng trong tư tưởng bao giờ cũng là một đối tượng đặc thù và như thế nó vừa đối lập với chủ thể, vừa đối lập với các đối tượng khác. Tóm lại, qua những đối tượng do tư tưởng quan niệm và thiết định ra, Bao dung thể chỉ xuất hiện như một ký hiệu, chứ không bao giờ ta gặp tận mặt Bao dung thể. Nhưng tất cả những gì chúng ta gặp, chúng ta đều gặp chúng trong Bao dung thể cả. Ý thức về Bao dung thể và tầm quan trọng của nó. Nhận thức về Bao dung thể như trên có nghĩa gì? Theo phương pháp thông thường trong việc giao tiếp với sự vật thì nhận thức trên có vẻ phản tự nhiên. Nên cứ dựa trên những tiêu chuẩn thực tiễn (tức là tìm khách quan), trí óc ta sẽ chống đối lại nhận thức trên. Như thế nhờ vào tác động nền tảng của Bao dung thể, tư tưởng có thể vượt qua mọi nội dung tư tưởng. Việc ấy xem ra không khó, nhưng lại rất kỳ dị! Vì tác động ấy không giúp ta nhận thức được một đối tượng mới nào như một cái gì rõ rệt cả. Trái lại, tác động ấy chỉ vận dụng tới sự phản tỉnh là để biến đổi ý thức của ta đối với ta thôi. Nó không phô diễn trước mắt ta một khách thể mới nào và vì vậy theo ý nghĩa thông thường của tri thức tự nhiên, nó là một thể gì thiếu nội dung. Nhưng với hình thức của nó, tác động ấy mở ra những khả năng vô hạn trong đó sự Hữu tự biểu lộ ra với chúng ta. Và đồng thời nó biến mọi khả thể trên thành hữu thể minh bạch. Nó biến đổi chính ý nghĩa của khách thể tính. Vì nó lay tỉnh ý thức ta để ta có khả năng nhận thức được giữa những hiện tượng ảo ảnh đâu là sự Hữu đích thực. Những hình thái Bao dung thể. Chúng ta hãy minh giải thêm về Bao dung thể: Bàn luận trực tiếp về Bao dung thể là đi trực tiếp vào sự Hữu. Nhưng không thể, vì ta chỉ có thể bàn luận về Bao dung thể một cách gián tiếp. Vì bao giờ tư tưởng ta cũng phải tư tưởng bằng đối tượng. Nhưng nếu Bao dung thể là một tư tưởng không khách quan, làm sao ta phải có thể diễn tả nó một cách khách quan? Ví dụ về sự phân ly chủ thể khách thể ta khai triển trên. Luôn luôn ở trong sự ly khai đó, chúng ta không thể thấy nó tự bên ngoài. Tuy nhiên lúc gọi tên nó ta xem nó như một khách thể, nhưng chỉ gọi tạm là khách thể vậy thôi. Vì sự phân ly chỉ có trong liên quan giữa những sự vật trong trần thế, xuất hiện ra với tôi như những đối tượng khách thể. Nhưng liên quan ấy trở thành mệt hình ảnh dùng để diễn tả cái không thể trông thấy, cái gì không phải là đối tượng. Vậy ta hãy gợi lên trong ta những gì hiện hữu trong nguồn suối của ta, để suy niệm về những hình thái Bao dung thể, sự phân ly chủ thể khách thể hiện ra với chúng ta theo nhiều cách thái, tùy theo tôi là trí năng[9] đứng trước những thực tại khách quan, hay như một sinh vật[10] phấn đấu với hoàn cảnh, hay như một hiện sinh[11] hướng về Thiên chúa. - Là trí năng, chúng ta đứng trước những sự vật hiển nhiên, chúng ta cố gắng tri thức chúng một cách chân xác, bất khả nghi. Vì thế tri thức đó bao giờ cũng nhằm những đối tượng rõ rệt. - Còn nếu là những sinh vật phấn đấu với hoàn cảnh, chúng ta lại lệ thuộc những sự vật ta tri giác. Đối tượng tri giác ấy sẽ thực hữu, nếu ta sống nó bằng kinh nghiệm bản thân của ta. Và thực tại ấy không thể bị giản lược vào một nhận thức tổng quát nào cả. - Còn như là Hiện sinh, chúng ta lại liên quan với Thiên chúa, Đấng siêu việt, và được thế là nhờ ở tiếng nói đó các sự vật đã trở thành tượng số hoặc biểu trưng. Vì với trí năng hay với cảm giác của ta, ý nghĩa tượng số trên không có nội dung khách quan nào cả. Thiên chúa chỉ thực hữu khách quan đối với chúng ta khi chúng ta là Hiện sinh. Vì hiện hữu của Ngài thuộc những viễn tượng khác biệt hẳn với những đối tượng vật chất thuộc trí năng hay cảm giác. Như vậy một khi tìm cách thấu hiểu Bao dung thể, chúng ta thấy nó phân chia ra thình nhiều, hình thái khác nhau, vì con người có thể bị Bao dung thể chi phối bằng nhiều cách. Căn cứ vào thể thức phân ly chủ thể khách thể như sợi dây chuyền, chúng ta có thể phân Bao dung thể theo mấy hình thái sau đây: i) Là Trí năng tức ý thức phổ quát, ai ai trong chúng ta cũng đều giống nhau cả. ii) Là Chủ thể sinh tồn, mỗi người chúng ta đã thành một cá tính đặc thù. iii) Là Hiện sinh, mỗi người mới thực sự hiện hữu là mình trong sử tính riêng tư của mình. Đến đây tôi thú nhận không thể trình bầy ý niệm ấy vắn tắt hơn được nữa, chỉ xin tóm lược như sau: được quan niệm là chính sự Hữu, Bao dung thể mang tên là Siêu việt thể (Thiên chúa) hay Vũ trụ. Còn khi được quan niệm theo sự hữu của chúng ta thì Bao dung thể lại mang tên là Chủ thể sinh tồn, Ý thức phổ quát, Tinh thần và Hiện sinh[12]. Ý nghĩa của Huyền niệm. Đường lối triết lý theo Bao dung thể vừa trình bầy là một đường lối căn bản. Nhờ nó, ta mới diệt bỏ được những lối tư tưởng bằng đối tượng khách quan và coi khách quan ấy như chính sự Hữu. Và cũng nhờ lối triết lý theo Bao dung thể, bây giờ ta mới hiểu được ý nghĩa của Huyền niệm. Từ ngàn xưa, ở Trung hoa, Ấn độ và ở Tây phương biết bao triết gia đã phát biểu một số quan niệm tương tự như nhau khắp nơi và trong mọi thời gian, tuy cách diễn tả có khác nhau. Họ nói: con người có khả năng vượt trên sự phân ly chủ thể và khách thể, để tiến tới trình độ đồng hóa hai bên với nhau. Như thế, khách thể cũng bị tiêu diệt và cả chủ thể cũng bị mất hút. Lúc ấy là lúc sự Hữu tuyệt đối mới xuất hiện trong con người[13]. Rồi khi con người thức tỉnh, sự Hữu đó còn ghi lại trong ý thức họ vết tích một ý nghĩa gì sâu thẳm và bất tận vượt trên, mọi ý nghĩa khác. Những ai đã trải qua kinh nghiệm đó, sự đồng nhất chủ thể khách thể kia chính là sự thức tỉnh[14]. Còn nếu cứ ngồi lỳ ở tình trạng phân ly thì phải gọi là một giấc ngủ mê man[15]. Chính Plotin một triết gia thần bí danh tiếng nhất của Tây phương đã mô tả kinh nghiệm ấy như sau: “Đôi khi thoát được thể xác ngái ngủ và thức tỉnh lại trong bản ngã, tôi được thấy lóe sáng một vẻ đẹp phi thường. Chính những lúc ấy tôi mới tin chắc được rằng: tôi sống ở một thế giới tốt đẹp và cao cả hơn. Rồi tôi còn thấy trèo vọt lên trong tôi một sức sống mạnh mẽ tột bực, vô cùng huy hoàng. Những lúc ấy tôi cảm thấy như đã được đồng hóa với Thiên chúa rồi”. Như thế, không còn ai ngờ vực được rằng: không thể có kinh nghiệm Huyền niệm. Và cũng không thể ngờ vực sự kiện sau đây nữa là (sau khi trải qua những kinh nghiệm Huyền niệm như vậy rồi) có dùng ngôn ngữ nào đi nữa, nhà Huyền niệm cũng không bao giờ diễn tả nổi những điều ông đã chiêm niệm. Vì những bí nhiệm ấy không thể mô tả được. Ở đây, nhà Huyền niệm như bị chết ngộp trong Bao dung thể. Vì những gì diễn tả ra được đều bị kẹt trong phân ly chủ thể khách thể. Nên dầu ý thức con người thông thường có muốn mình giải đến mức nào đi nữa, cũng không bao giờ bắt gặp được nguồn suối vô tận ấy. Nhưng khổ nỗi, khi muốn diễn tả ta chỉ diễn tả được những gì có tính cách đối tượng khách quan mà thôi, Ngoài ra những gì không thành khách thể lại không thể diễn tả. Đó là những gì còn sót lại (bất khả diễn tả), Nhưng chính chúng lại nằm ẩn đàng sau mọi tư tưởng triết lý mà ta gọi là Siêu hình. Chính chúng còn đem lại cho những tư tưởng triết lý Siêu hình trên uy lực và ý nghĩa của chúng nữa. Siêu hình, một thủ bản viết bằng Tượng số. Hơn nữa, đường lối triết lý theo Bao dung thể còn giúp chúng ta hiểu rành mạch hơn được những Hữu thể học và Siêu hình học cổ kính tự ngàn xưa, như Siêu hình học về lửa, vật chất, tinh thần, biển hành toàn diện, v.v.”. Thường thường những vị sáng nghĩ ra các Siêu hình học đều coi chúng như những lý thuyết có thể mang lại những tri thức khách quan. Nhưng nếu xét theo khía cạnh khách quan thì hoàn toàn sai[16]. Trái lại, phải biết rằng: những Siêu hình ấy mang một ý nghĩa khác, nghĩa là chúng chỉ là những Tượng số để diễn tả sự Hữu. Vì vậy, một khi đã dùng Tượng số trước mặt Bao dung thể để soi sáng sự hữu của mình và sự Hữu tự tại rồi, người triết gia đừng còn lầm mà coi nó là một thực tại khách quan nào có thể đồng thời đóng vai sự Hữu tự tại nữa. Nhờ khi tư tưởng ta hoạt động giữa những hiện tượng trần gian này mà chúng ta mới ý thức được rằng, sự Hữu tự tại không thể bắt gặp được trong sự hữu khách quan, vì sự hữu khách quan hẹp hòi; cũng không thể gặp được trong những khuôn khổ của vũ trụ vì những khuôn khổ ấy nhỏ bé, mặc dầu chúng có bao hàm tất cả vạn vật. Trái lại, sự Hữu tự tại chỉ bắt gặp được trong Bao dung thể, bên kia mọi khách thể và mọi khuôn khổ; bên kia mọi phân ly chủ thể và khách thể. Tóm lại, khi nào đã thông thạo được đường lối triết lý theo Bao dung thể rồi, chúng ta sẽ thấy những Siêu hình trên sụp đổ. Cùng với chúng cũng sẽ sụp đổ những lý thuyết nào tự phụ mang lại được một tri thức về hữu, trong khi đề cao và quan trọng hóa những sự hữu đặc thù. Nhưng dầu sao, những học thuyết ấy vẫn là những ngôn ngữ đặc biệt khả dĩ giúp chúng ta vượt qua mọi sự hữu tầm thường như đối tượng và khuôn khổ chung, tức là vượt mọi hình thức bên ngoài để nhìn được sự Hữu tự tại. Thực vậy ngoại trừ kinh nghiệm Huyền niệm, là kinh nghiệm bất khả diễn tả, còn mỗi khi muốn đạt được mục đích nói trên (là vượt mọi hình thức khách thể để nhìn sự Hữu tự tại), ta không được ly khai với cuộc đời. Trái lại, phải ở trong trần gian, tức là phải sử dụng lối biết khách quan vì chỉ ở đó, ý thức chúng ta mới sáng sủa. Vì chỉ nhờ sự khúc chiết, tri thức ấy mới cảm nghiệm được những giới hạn của mình và những gì qua kinh nghiệm ấy mới xuất hiện với ý thức. Do đó, ý thức mới bắt gặp được thực chất của mình. Tuy nhờ tư tưởng ta vượt qua được mọi khách thể rồi, nhưng ta vẫn còn lệ thuộc những điều kiện khách thể tính. Cả khi ta nhìn thấu được ngoại ảnh (khách quan) rồi, ta vẫn còn bị ràng buộc trong đó. Tuy nhờ Sinh hình học ta nhận thức được hình thái Bao dung thể Siêu việt và giải thích nó như một văn tự tượng số, nhưng ta sẽ không bao giờ hiểu được ý nghĩa của nó, nếu ta chỉ ưa thích những lập luận lý thuyết suông mà không dám dấn thân thí nghiệm. Với ta, Siêu hình học chỉ có đầy đủ ý nghĩa là khi nó giúp ta nhận thức được sự Hữu qua Tượng số; nhưng điều đó chỉ có thể là khi nào ta cảm nghiệm sự Hữu đó bằng Hiện sinh của ta, chứ không phải bằng trí năng vì trí năng không nhận thức được điều đó. Nếu vậy, lại càng không được phép coi Tượng số (tượng trưng) của sự Hữu như một đồ vật khách quan sờ sờ trước mắt, đụng chạm tới hay tiêu pha đi được. Vì nếu lấy khách thể làm sự Hữu là sa vào chủ nghĩa Võ đoán. Và nếu coi những trượng trưng là như thực tại vật chất và nhục thể là một thái độ mê tín. Tóm lại, mê lầm trong khách thể là dị đoan. Trái lại, niềm Tin thực thụ phải bám rễ trong Bao dung thể. Tính cách gẫy khúc trong tư tưởng triết học. Sau cùng, đường lối triết lý theo Bao dung thể còn dẫn đến một hậu quả cuối cùng sau đây là nhờ nó chúng ta ý thức được rằng: suy tư triết học là con đường gẫy khúc không sửa thẳng được nữa Mỗi khi ta tư tưởng Bao dung thể để có thể giải thích nó bằng từ ngữ triết học thì mỗi lần ta như bó buộc phải nghĩ ra một khách thể tính cho Bao dung thể. Nhưng Bao dung thể không bao giờ khách quan hóa được. Vì vậy phải thận trong, phải loại bỏ mọi nội dung khách quan trong các công thức chúng ta sử dụng. Chỉ với điều kiện ấy chúng ta mới có được kinh nghiệm về Bao dung thể, vì Bao dung thể không bao giờ là kết quả do cuộc khảo cứu khách quan cả. Trái lại, nó chỉ là một thái độ ý thức. Vì ở đây kiến thức khách quan không biến đổi chỉ duy có ý thức tôi tự có về tôi là biến đổi. Nhưng chính đó lại là nét căn bản cho mọi suy tư triết lý thực sự. Chỉ nhờ ở những tư tưởng có đối tượng chân xác, con người mới hy vọng vươn mình tới Bao dung thể được. Nhờ đà tiến ấy, ý-thức ta mới nhận ra được căn bản vững chãi, chỗ bản ngã ta bám rễ trong sự Hữu tự tại. Do đó sẽ phát triển ra được những ý nghĩa cho cuộc đời và hành động của ta. Nó giải hoát ta khỏi những sợi dây ràng buộc với lối tư tưởng khách quan, nhưng không phải từ bỏ tư tưởng khách quan, mà là để thúc đẩy nó tiến tới kỳ cùng. Tóm lại, một suy tư triết lý có tổng quát trừu tượng tới đâu sau cùng cũng phải được thực hiện trong thực tại cụ thể của ta. Không những phải thể hiện trong sự phân ly chủ thể khách thể, sự Hữu tự tại còn phải hiện diện trong tâm hồn ta nữa, nếu nó muốn thực hữu đối với ta. Vì vậy ta cần phải sáng suốt! Nghĩa là những gì còn u uẩn phải được lý hội theo một hình thức khách quan và căn cứ vào yếu tính của bản ngã đang hoàn thành. Sự Hữu tự tại, căn bản phổ biến, tuyệt đối thể, phải hiện ra khách quan trước mắt ta, dầu dưới một hình thức bất toàn theo tư cách là khách thể. Nhưng hình thức khách quan bất toàn ấy phải tự tiêu diệt đi, và trong khi tiêu diệt phải để lại trong ta ánh sáng huy hoàng của Bao dung thể. Tình trạng Hư vô và phục sinh. Tóm lại, nhờ ý thức về tình trạng phân ly chủ thể khách thể như căn bản cho tư tưởng và do đó nhờ ý thức về Bao dung thể qua sự phân ly nói trên, chúng ta mới thực sự tự do triết lý. Vì đường lối suy tư trên mới gỡ ta thoát mọi hình ảnh đặc thù. Nó bó buộc chúng ta không còn được đi vào những con đường bế tắc mà tri thức khách quan cố định muốn giam giữ chúng ta. Nói tóm, đường lối suy tư ấy hoán cải toàn diện con người ta. Thấy thế, có người sẽ cho rằng: nếu đánh mất giá trị tuyệt đối của vạn vật và khách quan tính của tri thức là mất tất cả. Như thế là sa lấy vào tình trạng Hư vô. Nhưng, từ đây trở đi, những gì được thiết định và chứng minh rõ rệt bằng ngôn ngữ và biểu thị khách quan đều không thể tự hào có giá trị chân thực tuyệt đối nữa. Nhưng đường lối suy tư triết lý của ta phải đi qua con đường Hư vô ấy; vì chính nó lại giải thoát ta để ta vươn lên được sự Hữu thực sự. Vì nhờ cố gắng triết lý ta mới Phục sinh được trong ta bản chất của ta. Nhờ đấy sẽ phát triển lên trong ta ý nghĩa và giá trị tương đối của mọi sự hữu hạn. Rồi ta mới biết chắc chắn nữa rằng: những đường lối của ta bó buộc phải đi qua đó; nhưng chính ở đó, đồng thời cũng mở ra cho ta một ánh sáng sâu xa giúp ta biết tự do xử sự với chúng. Tóm lại, nhờ sự sụp đổ của những gì kiên cố nhất, vì chúng chỉ kiên cố giả tạo, ta mới nhẹ mình bay bổng được. Và những gì ra như đưa ta tới vực thẳm để đầy đọa ta thì lại trở thành địa thế quang đãng cho ta tự do vẫy vùng. Rồi chính tình trạng Hư vô kia lại biến thành vị trí để sự Hữu tự tại xuất hiện ra với ta, vì ở đây hư vô không phải là hư vô trống rỗng.
[1] Bao dung thể. Xem bài Nhập đề. [2] Phân ly chủ thể khách thể, Xem chương Nhập đề số 1. [3] Sinh lực (Leben) đối tượng khảo cứu cho Sinh vật học. [4] Tinh thần (Geist) đối lập với Vật chất, với Thiên Nhiên, với Xác thịt. Nhưng ở đây tác giả chủ ý nói tới học thuyết của Hegel, vậy ở đây Tinh thần được hiểu theo nghĩa vô ngôi vị là thực tại tư tưởng nói chung (la réalité pensanie en général) hay là một chủ tri với những định luật và hoạt động đặc biệt của nó được quan niệm như đối lập với đối tượng khách tri. [5] Vật-hoạt-luận (Hylozoỉsme): học thuyết chủ trương rằng: vạn sự vật chất đều tự chúng đã có sự sống rồi hay chúng có sự sống ấy là vì chúng tham gia vào sức sống của một hồn chung của vũ-trụ. [6] Một đối tượng khách thể đứng đối diện với chủ thể là tôi: đó là sự phân ly chủ thể khách thể thành chủ-thể tôi và khách-thể-vì-không-phải-là-tôi. (Sujet-moi et objet-non-moi). [7] Không-tưởng (Phantasie) tưởng tượng vô căn cứ. [8] Sự hữu toàn diện, Xem chương 1 số 2. [9] Trí năng (Vearstand) của Kant là một tác vụ của trí khôn khi nó liên kết các cảm giác thành từng loại và thành từng những hệ thống cấu kết với nhau nhờ ở những phạm trù. [10] Sinh vật (als lebendiges Dasein). Xem chương Nhập đề số 2. [11] Hiện sinh (als Existenz), Xem chương Nhập đề. [12] Có 5 hình thức Bao dung thể (die Weise des Umgreifenden): Vũ trụ và Siêu việt thể là hai hình thức Bao dung thể ở ngoài ta; còn Chủ thể sinh tồn, Ý thức phổ quát, và Tinh thần là ba hình thức trong ta. [13] Ta có thể gọi đó là một “giấc ngủ huyền nhiệm” (Ruhe-som- mei mystique) hay tình trạng đồng hóa chủ thể khách thể. [14] Nhưng ngủ ở đây không phải là thụ động mà là hoat động ở một trình độ cao hơn. Vì đó là “Giác ngộ”. [15] Tình trạng này lại phải gọi là “Vô minh” (avidya) [16] Theo quan niệm Bao-dung thể thì không một sự hữu nào có tính cách khách quan thuần túy như lối tri thức khách quan thường chủ trương cả. Nên mọi sự chỉ là Tượng số, tượng trưng của Hữu-tự-tại. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC