KARL JASPERS - TRIẾT HỌC NHẬP MÔN
Ý HƯỚNG TRIẾT LÝ CỦA CUỘC ĐỜI
KARL JASPERS (1883-1969) LÊ TÔN NGHIÊM dịch
Karl Jaspers. Triết học nhập môn . Chương 12: “Ý hướng triết lý của cuộc đời”. Lê Tôn Nghiêm dịch. Bộ Giáo dục và Thanh niên – Trung tâm học liệu xuất bản, 1969, tr. 119-128.
Sống theo khuôn khổ khách quan hay sống như một cá nhân có bản lĩnh Để khỏi bị tản lạc và tiêu ma đi, cuộc đời ta phải được hồi phục lại theo một chiều hướng nghĩa là ngày này qua ngày khác nó phải được bao dung thề nâng đỡ; rồi cả đến công ăn việc làm, cả những gì đã thực hiện được, cả những giờ phút thiêng liêng xán lạn cũng đều phải được kết tinh thành một cơ cấu nhất trí. Sau cùng cuộc đời còn phải được lập đi lập lại cho thêm sâu đậm hơn. Tuy có lờ đờ trôi theo nhịp điệu đều đặn của công việc thường xuyên, nhưng cuộc đời vẫn có thể được khích lệ do một sinh khí nhờ đó ta mới thấy cuộc đời có ý nghĩa. Có thể, chúng ta mới được che chở do ý thức ta có về vũ trụ và về chính ta, nghĩa là ta cảm thấy có chân đứng riêng cho ta trong lịch sử loài người và trong chính cuộc đời của ta, nhờ ở những kỷ niệm về dĩ vãng và sự ta trung thành với cuộc đời. Mỗi cá nhân đều có thể gặp được chiều hướng ấy ngay ở quê hương nơi họ sinh trưởng hoặc trong giáo hội của họ, vì những tổ chức này đem lại được cả hình thức và nội dung cho những giai đoạn quan trọng và cho cả những chi tiết nhỏ nhen nhất cuộc đời họ, từ khi sinh cho tới lúc chết. Nhờ đó, tự nhiên con người mới hòa nhịp được với chiều hướng ấy vì nó thể hiện ra với họ mỗi ngày trong những thực tại xảy ra chung quanh họ. Nhưng trong một thế giới đang chực tan rã và càng ngày người ta càng không tin vào những giá trị cổ truyền thì mọi sự lại xảy ra khác hẳn. Thực vậy, thế giới ngày nay chỉ còn là một khuôn khổ ngoại tại rỗng tuếch, không còn hàm chứa được một tư tưởng tượng trưng, siêu việt nào cả, thành ra tâm hồn con người bị trống rỗng, không bao giờ được thỏa mãn. Vì ở đây càng được tự do bao nhiêu, con người càng luẩn quẩn với mình và càng trôi theo dục vọng, buồn nản, theo lo âu và lãnh đạm lạnh lùng bấy nhiêu. Tóm lại, họ tự cảm thấy bơ vơ không nơi nương tựa. Vậy muốn cho cuộc đời đi theo ý hướng triết lý, con người phải tự lực xây dựng ý hướng triết lý ấy, vì thế giới chung quanh không thể thay thế họ được. Thoát ly tình trạng đen tối, bị bỏ rơi và sống vô danh Ý chí quyết sống theo ý hướng triết lý ròng rã cả cuộc đời âm ỉ khởi nhóm lúc con người tự cảm thấy mình sống trong đen tối, trong lầm lạc, nghĩa là những khi không còn biết yêu đời, họ đăm đăm nhìn vào trống rỗng, trong tình trạng thất thế và vô danh, bị cuộc sống máy móc hàng ngày vò xé. Thế là bỗng nhiên họ chợt thức tỉnh rồi kinh ngạc tự vấn: “Tôi là gì? không biết tôi thiểu thốn gì? vậy tôi phải làm gì?” Tình trạng sống vô danh ấy càng ngày càng bành trướng mạnh cùng với sức phát triển mau lẹ của kỹ thuật. Thực vậy, thế giới ngày nay là một thế giới được chỉ định bằng đồng hồ, được phân sắp theo công ăn việc làm lam lũ hay trống rỗng. Nên càng ngày chúng càng không đáp ứng nổi những ước vọng sâu thẳm của lòng người nữa. Do đó, sau cùng con người có cảm tưởng như minh chỉ còn là một bánh xe đang chờ đợi được ráp vào một bộ máy khổng lồ nào đó. Đứng lẻ loi, họ không còn đáng giá gì cả và cũng không còn biết làm gì nữa. Và đôi khi nếu có tự ý thức được một giây lát, thì lập tức “ông khổng lồ” của thế giới này lại tóm cổ họ và lại đem họ ráp vào bộ máy nghiền nát, rồi họ lại cứ phải nai lưng làm ăn vất vả trong trống rỗng và lại cứ sống với những ước vọng hão huyền. Không những thế, là con người chúng ta đã mang sẵn khuynh hướng vong thân rồi. Vì vậy để khỏi bị tiêu ma đi trong thế giới, trong những tập quán, những biểu ngữ công cộng, những đường mòn khô khan, thiết yếu con người phải cương quyết tự giải thoát (tức là biết sống triết lý). Vậy sống triết lý là phải quyết định - làm trào vọt lên trong chính mình nguồn suối mới - tìm lại được con đường suy tư nội tâm của mình - tự nâng đỡ mình bằng một hành động bên trong với tất cả khả năng của mình. Tuy đứng trên bình diện thực tế, hữu hình thì chỉ có những hoạt động khách quan, hữu hiệu lập tức, mới là những gì đáng được ưu thế trong đời sống; tóm lại là phải biết đáp ứng đúng những yêu sách của cuộc sống vật chất hàng ngày. Nhưng con người nào muốn có một lối sống triết lý thì lại không được chỉ miệt mài với những hoạt động hữu hiệu trực tiếp đó mà thôi. Trái lại, họ còn phải thấy rằng: nếu chỉ cặm cụi làm ăn, chỉ lam lũ theo đuổi những mục đích vụ lợi mà thôi, thì họ đã đang bước chân trên con đường nản chí, và thiếu thốn, tội lỗi rồi. Họ còn phải chú trọng và rút kinh nghiệm cả ở những sự giao dịch giữa người với người, cả ở những trường hợp người ta được hạnh phúc hay gặp tai họa, cả khi họ thành công hay thất bại, cả trong những giờ phút đen tối và lo âu. Tóm lại, không được lãng quên mà lại phải sống cuộc đời cho sâu xa. Không được phóng đãng mà lại phải củng cố kinh nghiệm nội tâm. Không được coi dĩ vãng của mình như đã thanh toán xong, mà trái lại còn phải luôn luôn soi sáng nó mãi. Đá là ý hướng sống triết lý. Ý hướng ấy có thể thực hiện theo hai phương hướng khác nhau; - một là phải suy niệm trong đơn độcbằng tinh thần trầm tư theo mọi hình thức của nó; - hai là phải giao dịch với người khác bằng một tinh thần hiểu biết lẫn nhau, bằng sự làm việc cộng đồng với nhau, bằng cách nói năng qua lại với nhau hay bằng cách cùng với nhau im lặng. Suy niệm trong đơn độc Là người, cần thiết mỗi ngày chúng ta phải dành ra một ít giây phút để suy niệm cho thâm trầm. Nhờ đó ta mới chắc tâm sống được và tiếng reo âm ỉ trong nguồn suối thầm lặng của tâm hồn ta mới khởi bị dập tắt hẳn đi trong cơn lốc bất đắc dĩ của thời đại. Những gì trong các tôn giáo có thể thực hiện được bằng tế tự và cầu nguyện, thì trên bình diện triết lý cũng có thể như vậy, nhờ ở ý chí cố gắng sống sâu xa và nhờ ở sự trở về với nội tâm xuống cho tới sự Hữu tự nội. Vậy phải suy niệm vào những ngày giờ hay giây lát ta rảnh tay không bận bịu gì với công ăn việc làm hàng ngày. Những lúc ấy là những lúc không sống trong trống rỗng, trái lại chúng ta đạt được cải gì thiết yếu nhất. Đó là những đầu hay cuối mỗi ngày, hoặc là vào những lúc nhàn hạ. Nhưng suy niệm triết lý lại không cần đồ vật thánh cũng không cần nơi thánh hay hình thức cố định như trong tôn giáo và tế tự. Trái lại, quy luật suy niệm ta tự bó buộc đây không bao giờ được trở thành một sự bó buộc máy móc, mà chỉ là một việc ta có thể làm hay bỏ không ai cưỡng bách được. Trong tế tự thì cần có đoàn thể, còn suy niệm ở đây lại phải cô đơn. Vậy nội dung của một suy niệm triết lý phải như thế nào? - Trước hết phải suy nghĩ về chính mìnhnghĩa là tôi phải ôn lại những gì tôi đã làm, đã nghĩ, đã cảm trong ngày. Tôi kiểm điểm xem đã có gì sai, vào lúc nào tôi đã không thành thực với chính mình, hay đã lẫn trốn tôi hay thiếu thanh liêm? Tôi phải ôn lại những điểm nào tôi đồng ý với chính mình và về những điểm nào tôi muốn tiến lên cao hơn nữa. Tôi ý thức về thái độ tự kiểm của tôi đối với tôi trong suốt ngày. Tôi tự phán xét tôi - về hành động riêng biệt nào đó của tôi thôi, chứ không phải về toàn diện sự hữu của tôi, vì sự hữu ấy không thể nào đạt tới được. Tôi khám phá ra được những nguyên tắc để chi phối lối sống của tôi và có lẽ tôi phải ghi vào ký ức một số châm ngôn để thầm nhủ tôi những lúc tôi nổi giận, thất vọng, chán nản hay lạc hướng, như những công thức ma thuật để giúp tôi trở lại thanh bình (ví dụ những câu: - hãy bình tĩnh - hãy nghĩ tới người khác - hãy chờ đợi- có Thiên chúa kia kìa!). Tôi xin truyền thống dạy bảo cho tôi - một truyền thống khởi từ các triết gia Pythagoriciens, tới Kierkegaard và Nietzsche - đi qua các triết gia khắc kỷ và tín hữu Ky tô giáo. Tuy truyền thống ấy liên lỉ khêu gợi và cải thiện suy tư, nêu cao giá trị thâm niên của nó, nhưng là một kinh nghiệm luôn luôn có thể gặp những sai lầm muôn vàn và luôn luôn không bao giờ hoàn bị. - Tiếp đó phải suy niệm về Siêu việt thể. Nhờ ở những lập luận liên kết giữa những tư tưởng triết lý, tôi còn phải tìm hiểu xem sự hữu nói chung là gì? Tôi còn phải khám phá ra được những tượng trưng của Siêu việt thể nhờ ở thi cavà nghệ thuật. Tôi phải tìm hiểu chúng bằng cách thể hiện chúng trên bình diện triết lý. Tôi còn phải tìm cách biết chắc chắn được những gì không lệ thuộc thời gian hay những gì là đời đời mà lại hiện diện trong thời gian, và phải tìm đến tận nguồn suối tự do của tôi và qua đó tới chính sự Hữu, đi tới tận cùng của những gì sẽ vừa là hiểu biết được vừa là hòa hợp được với vạn vật. - Sau cùng chúng ta phải suy niệm về những điều chúng ta phải làm bây giờ. Kiểm soát lại đời sống dĩ vãng của ta trong cộng đồng giúp ta một hậu trường nhờ đó hoạt động hiện tại của ta được soi sáng từng chi tiết cho ngày sống hiện tại, để những lúc quá bận bịu với những việc hằng ngày cần thiết, ta khỏi đánh mất ý nghĩa của Bao dung thể. Thông cảm với người khác Những gì tôi thâu lượm được cho một mình tôi trong khi suy niệm sẽ vô giá trị nếu tôi chỉ dừng lại ở đó. Vì tất cả những gì không thực hiện đượcbằng thông cảm với người khác đều không hiện hữu. Những gì không bắt rễ vào thông cảm đều không có căn bản đầy đủ vì chân lý chỉ bắt đầu với hai người mà thôi. Vì lý do ấy triết lý đòi buộc phải luôn luôn tìm sự thông cảm, và người ta phải mạo hiểm để đi tới thông cảm mà không trù trừ, và người ta không được tự quyết vì tự quyết là kiêu hãnh, tự mãn và luôn luôn đầu thai vào những hình thức giả mạo để áp đảo người khác. Vậy tôi phải sống với hi vọng rằng: một cách bất ngờ khó lường được, sự hữu của tôi lại có thể được phong phú gấp đôi, nếu tôi biết từ khước nó để thông cảm với người khác. Như thể bó buộc tôi phải luôn luôn trở lại với hoài nghi, vì không thể chắc chắn với một sự thật nào cả, nghĩa là tôi không có quyền khư khư bám chặt lấy tôi, ở một điểm được tự phụ là kiên cố rồi coi mọi sự là sáng sủa và tự coi tôi là chắc chắn. Nhưng thực sự đó chỉ là một hình thức quyến rũ nhất đưa đến thái độ tự đắc, tự mãn, là thái độ trái ngược hẳn với tinh thần tôn thờ chân lý. Kết quả của suy niệm - Cảm hứng căn bản - Những cố gắng - Học biết sống và biết chết Như thế nếu tôi đi tới được sự suy niệm trầm mặc theo ba khía cạnh vừa nói, tức là: suy nghĩ về chính mình - suy niệm về Siêu việt thể-hiện thể hóa được nhiệm-vụ hiện hữu và nếu tôi còn đi tới được thông cảm triền miên, thì chính những gì tôi không đạt được bằng sức mạnh, lại có thể thành sự thực cho tôi, mà không ai ngờ và tính toán nổi, ví dụ tình yêu được sáng suốt - thần minh càng hiện ra qua những hình ảnh tiềm ẩn và luôn luôn bất định - và chính sự Hữu lại cũng thể hiện ra với tôi. Và có khi còn hơn thế nữa, tôi còn được hưởng thụ một sự bình an trong tâm hồn, tuy nhiên cũng không vì vậy mà đời tôi trút sạch hết được lo âu, một sự tín nhiệm vào căn đề của vạn vật, mặc dầu muôn ngàn đau khổ và tai ương rùng rợn, một thái độ cương nghị bất khuất trong khi quyết định mỗi việc gì, mặc dầu những dục vọng của tôi luôn luôn muốn thay đổi, một lòng trung thành sắt đá giữa muôn ngàn những quyến rũ xẩy ra mọi giây phút do những ảo ảnh của trần gian gây ra. Khi sự suy niệm giúp ta ý thức được Bao dung thể nhờ đó ta sống và sống dồi dào hơn, thì từ đó khởi phát lên trong ta một trạng thái tâm hồn có thể là căn bản cho mọi trạng thái khác. Và nó nâng đỡ ta suốt cả ngày, dòng dã những hoạt động liên miên của ta, ngay cả những khi ta bị lôi cuốn vào guồng máy quay cuồng của cơ khí. Đó là ý nghĩa của những giây phút con người biết trở về với chính mình: vì những giờ phút ấy mới khai thông ra được một thái độ căn bản; nó đứng đàng sau tất cả mọi trạng thái tình cảm và tất cả mọi thăng trầm của một ngày để ràng buộc lấy bạn vào trong những lúc lạc đường, những khi hỗn loạn hay những lúc sóng tình vỗ mạnh, nó còn là sức mạnh cầm chân bạn để bạn khỏi bị tiêu diệt hoàn toàn. Được như thế là vì nhờ ở thái độ sống căn bản ấy mà những kỷ niệm của dĩ vãng và những kỳ vọng về tương lai mới cùng hiện hữu được với hiện tại; ở đây ra như có một sức mạnh huyền bí nào vẫn liên kết mọi sự và tồn tại với thời gian. Đó là sống theo ý hướng triết lý nghĩa làhọc biết sống và biết chết. Vì sống như hiện tại là sống trong bấp bênh, chính vì thế mà cuộc đời luôn luôn chỉ là một sơ thảo không bao giờhoàn tất. Vậy trong lúc sơ thảo đó, cần thiết ta phải dám đi cho thiệt xa, phải dám đương đầu với nguy cơ cùng cực mà không lẩn tránh và sau cùng còn phải gây ra một hòa khí thành thực hoàn hảo trong cố gắng nhìn xem, tra vấn và tìm giải đáp. Hơn nữa, còn phải đi theo con đường của ta mà không cần biết toàn cả vạn vật làm sao, cũng cần nắm trọn được sự hữu đích thực một cách hữu hình hay không cần dùng tới những lý luận dài dòng khúc mắc để tìm ra được ngọn hải đăng soi sáng ta trong trần gian này nhờ đó ta mới nhìn trực tiếp và khách quan được Siêu việt thể, cũng không cần đến lời của Thiên chúa nói với ta một ngôn ngữ nhất nghĩa và hoàn hảo lập tức. Trái lại, ta phải biết nhận ra ý nghĩa tượng số của một ngôn ngữ đa nghĩa mà vạn vật thường nói với ta, nhưng đồng thời ta lại phải sống chắc tâm rằng có Siêu việt thể. Chỉ có lối sống ấy mới mang lại cho cuộc đời giá trị của nó, cho trần gian này vẻ đẹp mỹ miều của nó và cho hiện hữu của ta sự sung mãn của nó, trong thân phận đầy bấp bênh của ta. Nói tóm, nếu triết lý là học biết chết thì biết chết lại chính là điều kiện cần thiết cho một đời sống liêm chính. Vậy học biết sống và biết chết cùng là một. Sức mạnh của tư tưởng Suy niệm còn có nghĩa là hiểu được sức mạnh của tư tưởng. Vì biết tư tưởng là bắt đầu biết làm người, như khi hiểu biết đích xác được sự vật, người ta mới nhận ra được sức mạnh của trí khôn ví dụ trong khi làm những bài toán, trong việc thí nghiệm những hiện tượng vật lý hay khi hoạch định những dự án kỹ thuật. Rồi những diễn dịch của luận lý càng có sức mạnh cưỡng bách hay những chứng minh theo lý luận nhân quả càng hiển nhiên và thực tại của những thí nghiệm càng rõ rệt nếu những phương pháp càng được áp dụng một cách minh mẫn Đó là sức mạnh của lối tư tưởng gọi là thuộc trí năng. Nhưng khi lối tư tưởng này gặp những giới hạn tất nhiên, đó là lúc bắt đầu cho việc suy tư triết lý đích thực. Nghĩa là đối với những gì quan trọng quyết liệt cho đời ta như lựa chọn những mục đích và cứu cánh tối hậu, hay việc tìm hiểu sự thiện tối cao hiểu Thiên chúa, tự do là gì, thì trí năng cảm thấy hoàn toàn bất lực. Do đó, sức mạnh của trí năng mới khai thông ra một lối tư tưởng cao hơn nữa, tuy nhiên nó vẫn còn dùng tới những phương tiện của trí năng. Tóm lại, suy tư triết lý và cố gắng chạm tới những giới hạn của lối tri thức theo trí năng để rồi từ đó nó được khích lệ thêm lên. Vì người nào tưởng rằng mình đã nhìn rõ được mọi sự là họ đã ngừng không muốn suy tư triết lý nữa. Hay người nào coi những kiến thức do khoa học thực nghiệm mang lại như là chính sự hiểu biết được toàn thể vạn vật là họ đã trôi theo cuồng lực mê tín vào khoa học rồi. Những ai hết bở ngỡ thì cũng hết thắc mắc. Ai không còn công nhận huyền bí nào nữa thì cũng không tìm tòi gì nữa. Vậy triết lý là phải nhận thức rằng khoa học thực nghiệm có những giới hạn tất yếu và do đó nhà bác học cũng phải rất khiêm tốn. Do đó, triết lý là phải hoàn toàn cởi mở ra với những gì mình chưa biết. Chúng chỉ xuất hiện ở bên ngoài mọi giới hạn của trí năng. Ở đây chỉ có tri thức của trí năng phải ngừng, nhưng sức mạnh của suy tư triết lý còn phải tiến xa hơn nữa. Nhờ ở phương thức áp dụng kỹ thuật của nó, Tri (theo trí năng) là hoạt động và chi phối vũ trụ ngoại tại còn Vô tri (vượt ra ngoài trí năng) lại hoạt động và chi phối thế giới nội tâm, nhờ đó con người có thể tự cải thiện. Ở đây xuất hiện sức mạnh tư tưởng của triết lý. Sức mạnh này khác và sâu xa hơn chứ không như tri thức trí năng, vì nó không còn bị gắn liền và quy hướng về một đối tượng ngoại tại nữa mà nó là một quá trình đồng hóa được cả tri và hành một trật, ở tận nơi thâm sâu của lòng người. Nếu đem so sánh tư tưởng này và hoạt động nội tâm này với sức mạnh ngoại tại của kỹ thuật thì nó không đáng giá gì cả. Vì người ta không sở hữu được nó bằng cách áp dụng một lý thuyết vào thực tế cũng không tự ý thực hiện được nó theo một dự án nào cả. Nhưng nó vừa là việc chinh phục cho được ánh sáng đích thực vừa là một giá trị sâu xa thiết yếu. Đó là sức mạnh của Lý tính (Ratio). Vì chính nó mở rộng ra những chân trời bao la, vì chính nó thiết định những sự vật, khai thác những yêu sách căng thẳng của hữu, và cũng chính nó mới mang lại sức mạnh và xác đáng cho cả những gì nó chưa hiểu nổi. Vì vậy, Lý tính càng mình mẫn thì càng hiểu rõ những giới hạn của trí năng và do đó mới khích lệ lên được những kích thích đích đáng nghĩa là tri và hành, tác động nội tại và tác động ngoại tại đi song song với nhau. Thấy thế nhiều khi người ta đòi hỏi triết gia phải sống thích hợp với những điều ông dạy. Điều đó rất chí lý nhưng đừng hiểu sai ý nghĩa của nó, nghĩa là đừng hiểu những điều triết gia phải dạy là một học thuyết theo nghĩa một mớ những mệnh lệnh có thể áp dụng cho nhiều trường hợp đặc thù trong đời sống cụ thể, cũng không phải theo nghĩa một số những kiểu mẫu thực nghiệm đã thiết định rồi đem áp dụng vào những đối tượng ngoại tại, cũng không phải một mớ những quy luật pháp chế chỉ đem áp dụng vào những sự kiện thực tế. Trái lại, những tư tưởng triết lý (phải sống và phải dạy) không chịu được áp dụng một cách máy móc như trên vì chúng là những thực tại linh động chỉ cần được thực hiện hóa trong trí khôn là người ta sống thực sự là chính mình hay có thể nói được rằng: con người sống đời sống thấm nhuần đầy những tư tưởng triết lý đó. Vì vậy không thể tách rời thân phận con người với suy tư triết lý của họ được (đang khi ấy rất có thể tách rời nhà bác học với những kiến thức khoa học khách quan của họ). Nói tóm lại, hình dung lại một tư tưởng triết lý trong đầu óc chưa đủ, đồng thời còn phải sống lại trong chính nội tâm mình những điều tác giả đã sáng nghĩ ra khi họ triết lý. Những trệch hướng Những ý hướng triết lý thường hay bị sa lầy vào những trệch hướng. Lắm khi những trệch hướng ấy lại còn được người ta biện chính bằng chính những nguyên tắc triết lý rất đẹp đẽ. Nghĩa là dục vọng lại thường được che đậy bằng những châm ngôn hay ý tưởng tự xưng là có sức mạnh hướng dẫn cuộc đời, ví dụ - đáng ra triết lý là biết sống thanh bình thì lại trệch hướng sang sống thụ động; - hay sống là biết tín nhiệm, tin tưởng thì lại trở thành một tin tưởng mù quáng vào hòa âm của vạn vật; - rồi triết lý là biết chết, lại biến thành một thái độ trốn tránh cuộc đời; - hay sự khôn ngoan lại thoái hóa thành lốisõng phóng đãng, rửng rưng. Tóm lại, những gì hoàn hảo nhất lại trở thành đê hèn nhất. Rồi thay vì muốn thông cảm với người khác thì người ta lại lừa dối mình và ẩn nấp đàng sau những tranh chấp mâu thuẫn. Người ta ước ao được tha thứ nhưng người ta lạị cứ khăng khăng tự phụ rằng mình hoàn toàn tự tin vì đã nhìn rõ vấn đề. Người ta cứ nổi giận sống theo bản năng giật gân, nhưng người ta lại cứ đòi hỏi quyền sống như một chủ động tự do. Một đàng cứ dùng những mánh lới và kế hoạch để kín đáo tự vệ; một đàng lại cứ bi bô tuyên bố rằng; mình sẵn sàng đối thoại không do dự. Đang khi cứ chủ quan nghĩ tới mình, người ta lại tưởng rằng mình khách quan, vô tư. Đó là những trệch hướng. Nhưng một con người muốn sống ý hướng triết lý phải nhìn rõ rệt được những trệch hướng và phải thắng vượt được chúng. Và họ phải biết rằng: không bao giờ họ được phép tự phụ cả. Nghĩa là họ phải luôn luôn cảm thấy cần sự phê bình và đối thủ với mình; hay cần phải được người khác phê phán lối sống của họ; hay họ phải nghe người khác, nhưng không phải để phục tòng, mà là để gặp được ở người khác sự giúp đỡ mình hiểu mình rõ hơn Lúc ấy là lúc họ gặp được chân lý và trong tinh thần cởi mở rộng rãi hoàn toàn không gì nghi kỵ, họ còn gặp thấy ở người khác được một chứng cứ thêm cho chân lý, chứng cứ họ đã không chủ ý tìm, nhưng khi đối thoại với nhau thành thực thì thường lại gặp được sự đồng ýcủa người khác. Đó là bảo chứng thêm cho chân lý mình gặp. Hơn nữa, cả sự thông cảm đối thoại cũng không thể thực hiện được đầy đủ và hoàn bị bao giờ. Nhưng chính sự tin tưởng rằng: có thể đi đến thông cảm là sức mạnh làm cho triết lý sống và đẩy nó xông pha với mọi nguy cơ. Thực vậy, hy vọng thông cảm cũng là một sự tin tưởng chứ không phải một điều có thể học biết được. Nên khi lầm tưởng rằng: người ta đã nắm được thông cảm trong tay là khi người ta đã đánh mất nó rồi. Như thế vì trong cuộc sống luôn luôn ta còn chạm trán với những trở ngại bấp bênh, rùng rợn, chứ đừng tưởng rằng đến mức nào đó là hết mọi trở ngại, và còn biết bao nhiêu điều ta đã quên bặt hẳn đi, hay biết bao điều ta công nhận mà chưa nhìn rõ rệt hẳn! Hay ta nói ba hoa biết bao nhiêu, mà vô ích; nhưng chính điều cần phải thực hiện lại rất đơn giản, nhưng không phải thực hiện bằng những câu nói bâng quơ theo mẫu sẵn có mà chỉ cần ra một dấu hiệu thích hợp với hoàn cảnh bấy giờ thôi. Sau cùng, trong khi gặp những trệch hướng, lúc mọi sự rối ren, hỗn loạn, con người ngày nay đi tìm tới nhà Tâm trị học. Điều đó rất thực tế, vì có những chứng bệnh thể xác và thần kinh liên hệ tới tâm lý trạng của ta. Nên tìm hiểu, nhận định và xử trí với chúng là một biện pháp rất thực tế. Vì nhờ ở kinh nghiệm và óc phê phán, nhà tâm trị học có thể khám phá được căn bệnh và phương thuốc điều trị thì việc tin tưởng ở họ là một điều rất hợp lý. Nhưng nên biết rằng: bên cạnh khoa Tâm trị học, một khoa thường được coi là thuộc phạm vi khoa học thực nghiệm và y khoa thuần túythì ngày nay đã thấy một khoa gì khác được ghép thêm vào rồi. Khoa đó chính là triết lý vậy. Nên phải đem khoa tâm trị học ra khảo cứu theo quan điểm luân lý và siêu hình học y như mọi suy tư triết lý khác vậy. Chủ đích sống triết lý Nhưng chủ đích mà ý hướng sống triết lý nhằm không thể thiết định được như một trạng thái có thể thực hiện được một lần là xong và do đó thành một trạng thái hoàn tất. Vì những trạng thái sống của ta luôn luôn thay đổi, khi thì chúng biểu thị được hiện sinh của ta, khi thì chúng lại thất bại. Vì thế không bao giờ có hoàn bị, mà chúng ta phải luôn luôn đi trên đường. Nhưng chúng ta muốn đi qua và vượt trên những điều kiện của thời gian. Điều đó chỉ có thể thực hiện được bằng những đường lối hoàn toàn đối lập nhau như: - chỉ nhờ ở việc sống hoàn toàn với thời gian hiện tại, trong điều kiện lịch sử con người, mà chúng ta mới khám phá ra được một cái gìsiêu thời gian hiện diện với ta. - và chỉ nhờ ở tư cách con người cá nhân đặc thù, có một bộ mặt riêng biệt, mà ta mới thấu hiểu được thân phận nói chung của con người. - và cũng chỉ nhờ ở việc ta sống cho đầy đủthời đại của chúng ta như một thực tại bao phủ ta, mà ta mới có thể hiểu được ý nghĩa của thời đại này trong khuôn khổ của lịch sử nhân loạinói chung và do đó mới hiểu được cả ý nghĩa của lịch sử nhân loại trong khuôn khổ đời đời. Nói tóm, chỉ khi từ hoàn cảnh sống của ta, ta mới lấy được đà tiến, mới vượt ra ngoài những trạng thái ý thức của ta để vươn tớinguồn suối nguyên thủy hằng sáng ngời thêm mãi, nhưng lại cũng có thể luôn luôn bị dập tắt hẳn. Nên đà tiến nâng đỡ cuộc sống triết lý bao giờ cũng có đặc tính riêng tư và thuộc về một cá nhân riêng tư. Mỗi người phải tự mình thực hiện một mình mình, trong sự thông cảm với người khác mà không được đổ thừa trách nhiệm cho ai cả. Đà tiến này chỉ khích lệ ta trong những giờ phút khi ta bó buộc phải lựa chọn quyết định một việc gì rõ rệt, chứ không phải ở lúc ta chọn theo vũ trụ quan này hay vũ trụ quan khác, là những lý thuyết được thiết định trong những công thức hẹp hòi, cố định. Sau cùng, chúng ta có thể hình dung thân phận con người triết gia ở thời đại này như sau: chúng ta hãy tưởng tượng họ đang tìm cách hướng về lãnh vực kiên cố, vững chãi như thí nghiệm theo những lý thuyết khác nhau của khoa học hay những phạm trù, những phương pháp rõ rệt. Đó là lãnh vực sự kiện khách quan, nhưng khi đi tới kỳ cùng của lãnh vực ấy, con người triết gia ngày nay lại gặp lãnh vực các ý tưởngvà họ cũng đi cho tới kỳ cùng không do dự chi cả. Nhưng sau cùng họ đi tới bờ Đại dương. Không khác một con bướm đập cánh “liều mình” sa lầy trên mặt nước mênh mông, họ dừng lại đó, ngóng chờ một con tầu nhờ đó họ có thể mạo hiểm đi tìm được sự Hữu duy nhất, tức Siêu việt thể đang hiện diện trong cuộc sống của họ. Họ cứ ngóng chờ con tầu đó, nghĩa là họ ngóng chờ một phương pháp giúp họ tiến tới được một tư tưởng và một lối sống triết lý. Nhưng, họ chỉ hé thấy con tầu ấy mà không bao giờ bước chân lên tầu được cả. Thế rồi họ cố gắng hết sức, lắm khi còn phải chuyển mình khổ sở lầm than mà vẫn vô ích! Thầm thương thay cho chúng ta loài sâu đất! chúng ta sẽ bị chìm ngịp hẳn nếu ta từ khước không đi trên những con đường rắn chắc, kiên cố. Nhưng ta không được ngồi trên những con đường này mà luôn luôn phải mạo hiểm. Nên luôn luôn những cố gắng của chúng ta vẫn là những cố gắng dò dẫm, không căn cứ vững chãi. Những ai thỏa mãn, muốn được an tọa trong những căn cứ kiên cố thì họ khinh bỉ những cố gắng ấy, nhưng những ai còn bị lo âu vò xé thì lại thông cảm những cố gắng của ta. Vì với những người sau này, trần thế chỉ là một phi đạo mà mỗi người phải vượt một mình, nhưng cùng mạo hiểm chung với những người khác để vươn mình đi thám hiểm, một cuộc thám hiểm quyết liệt mà không một lý thuyết nào trình bầy nổi.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC