Nhận thức luận | Khoa học luận

Linh-hồn và thể-xác

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15                    
                                                 

 

LINH-HỒN VÀ THỂ-XÁC

 

HENRI BERGSON (1859–1941)

CAO VĂN LUẬN dịch

 


Henri Bergson. “Linh-hồn và thể-xác”. Cao Văn Luận dịch. Đại học, số 2, 1961, tr. 123-145. | Phiên bản điện tử do bạn Nguyễn Hà Vy thực hiện.


 

Đầu đề của bài diễn văn này là “Linh hồn và thể xác”, nghĩa là vật-chất và tinh-thần, nghĩa là tất cả cái hiện hữu và ngay cả một cái gì có lẽ là không hiện-hữu, nếu chúng ta tin theo một thứ triết-lý mà chúng ta sẽ bàn đến. Nhưng xin các Ngài hãy yên tâm. Ý chúng tôi không phải là đi sâu vào bản tính của vật chất và bản tính của tinh thần. Người ta có thể phân biệt hai sự vật với nhau và xác-định một phần nào các liên quan của chúng mà không cần phải biết đến bản tính của mỗi sự vật ấy. Chẳng hạn bây giờ tôi không thể biết hết những người chung quanh tôi, tuy nhiên tôi cũng phân biệt được tôi với họ và tôi cũng nhận được vị-trí của họ đối với tôi. Về linh-hồn và thể-xác cũng thế: định nghĩa yếu-tính của linh-hồn và thể-xác là một công việc sẽ đưa chúng ta đi quá xa; nhưng tìm cho biết những gì nối kết chúng và những gì phân biệt phân biệt chúng là một chuyện dễ hơn vì sự nối-kết ấy và sự phân biệt ấy là những thực-tại kinh-nghiệm.

Trước hết kinh-nghiệm trực-tiếp và ngây-thơ của thường-thức cho chúng ta biết gì về điểm đó? Mỗi một chúng ta là một thể-xác phải tuân theo cùng những định-luật như tất cả các phần-tử vật-chất khác. Thể-xác chúng ta sẽ tiến lên, nếu nó bị đẩy, nó sẽ thụt lùi, nếu nó bị kéo lại, nếu người ta nưng nó lên rồi bỏ mặc nó, nó sẽ rơi xuống. Nhưng ngoài những chuyển động gây ra một cách máy móc bởi căn-do ngoại-tại ấy, còn có những chuyển động khác hình như phát-xuất từ bên trong và phân-biệt với những chuyển động trên bởi tính-cách bất ngờ của chúng: người ta gọi chúng là những chuyển động cố ý. Căn do của chúng là gì? Chính là cái mà mỗi người chúng ta gọi là “tôi” hay là “bản ngã”. Mà bản ngã là gì? Bản ngã là một cái gì, hoặc đúng hoặc sai, hình như vượt ra ngoài thể-xác về mọi mặt, vượt ra trong không gian cũng như trong thời gian. Trước hết, vượt trong không gian vì thể-xác của mỗi một chúng ta bị giới hạn trong những hình thù nhất định, đang khi chúng ta có thể nhờ khả năng tri giác, nhất là khả-năng nhìn ngó, mà phóng xa ra ngoài thể-xác chúng ta; chúng ta đến tận các tinh-tú. Sau là, vượt trong thời-gian vì thể-xác là vật-chất mà vật-chất nằm trong hiện tại và dầu quả thực quá khứ có để lại nơi vật-chất một ít dấu-vết thì những dấu vết ấy cũng chỉ là dấu vết đối với một ý thức nhìn thấy chúng và giải-thích được những cái nó nhìn thấy nhờ ánh sáng những cái nó nhớ lại; trái lại, ý thức nắm giữ được quá-khứ, cuộn cho quá khứ tiếp tục dày thêm theo bước thời gian và, với quá khứ, chuẩn bị một tương lai mà ý thức sẽ góp phần sáng tạo ra. Ngay cả hành-vi cố ý mà chúng ta vừa nói đến, cũng chỉ là một toàn bộ vận-động học-tập được trong những kinh-nghiệm về trước và được ý thức hướng theo một thứ luôn luôn mới, vai trò của ý thức hình như là luôn luôn sáng tạo ra một cái gì mới mẻ cho thế-giới. Phải, ý thức sáng tạo ra cái mới ở ngoài nó, vì nó gây ra trong không gian những chuyển động bất ngờ, không thể đoán trước được. Ý-thức cũng sáng tạo ra cái mới ngay trong chính nó, vì hành-động cố ý ảnh-hưởng lại trên con người hành-động, nó biến đổi một phần nào tính tình con người hành-động, và bởi một thứ phép lạ, thực-hiện một sự sáng-tạo bản thân bởi bản thân, mà điều này hình như là chính đối-tượng của đời người. Vậy, tóm lại, bên cạnh thể-xác bị ràng buộc vào giây phút hiện tại trong thời gian, và bị giới-hạn ở chỗ nó chiếm cứ trong không gian, cử động như bộ máy và phản-ứng lại các ảnh-hưởng ngoại tại một cách máy móc, chúng ta còn nhận thấy một cái gì vươn ra trong không gian xa hơn thể xác và tồn tục qua thời gian, một cái gì đòi hỏi hay bắt buộc thể-xác những chuyển-động không phải là máy móc và đã được biết trước, nhưng là những chuyển-động tự-do và không thể tiên-đoán được: cái vượt ra ngoài thể-xác về mọi phía ấy, là bản ngã, là linh-hồn, là tinh-thần, tinh-thần chính là một năng-lực có thể tự lấy ở mình ra nhiều hơn là mình mang sẵn, có thể phân phát nhiều hơn là đã tiếp-nhận, cung-cấp nhiều hơn là cái mình có sẵn. Đó là điều chúng ta tin chúng ta nhìn thấy. Đó là bề ngoài. Người ta bảo: Đúng lắm, nhưng đó chỉ là bề ngoài. Ngài hãy nhìn vào gần hơn và hãy nghe khoa-học dạy gì. Trước hết chính Ngài, Ngài cũng phải nhận rằng linh-hồn kia không bao giờ tác động trước mặt Ngài mà lại không có thể-xác. Thể-xác của nó luôn luôn đồng-hành với nó, từ lúc sinh ra cho đến lúc chết, và dẫu rằng nó phân biệt thực sự với thể-xác đi nữa, thì mọi sự cũng xảy ra như thể là nó được nối kết chặt-chẻ với thể-xác, không thể tách rời ra được. Ý-thức của Ngài sẽ biến tan, nếu Ngài hít phải thuốc mê; nó sẽ hứng lên, nếu Ngài uống rượu hay uống cà-phê. Một sự đầu-độc nhe-nhẹ cũng có thể gây ra những hỗn loạn sâu rộng trong trí-tuệ, cảm quan và ý chí. Một sự đầu-độc lâu dài như sự đầu độc do những thứ bệnh truyền-nhiễm để lại có thể gây ra bệnh mất trí và điên cuồng. Thực ra nếu lúc nghiệm-thi (autopsie) không phải là bao giờ người ta cũng tìm thấy những vết hư-hỏng nơi những người điên-cuồng, thì ít ra người ta cũng năng tìm thấy và đâu không có những vết hư-hỏng trông thấy được, thì chắc hẳn là một sự biến đổi tính-chất hóa học ở các mô đã gây ra bịnh. Hơn nữa khoa-học đã hạn-chỉ ở một số não-hồi nhất-định những chức-vụ rõ rệt của tinh-thần: chẳng hạn cơ-năng thực-hiện những chuyển-động tự-ý mà Ngài vừa nói đến hồi nảy. Những sự hư-hỏng một điểm nào đó thuộc vùng lô-răng (zone rolandique) nghĩa là vùng ở giữa lá trán (lobe frontal) và lá cạnh (lobe pariétal) của óc làm cho người ta mất khả-năng vận-động tay, chân, mặt, và lưỡi. Ngay cả ký-ức mà Ngài cho là một chức-vụ cốt-yếu của tinh-thần, thì cũng đã được hạn chỉ một phần: phía dưới của não-hồi thứ ba phía trán tả là trụ sở của các hoài-niệm vận-động phát-âm ngôn-ngữ; vùng liên-hệ với não-hồi thứ nhất và thứ hai phía màng tang trái là nơi lưu-trữ ký-ức âm-thanh các từ ngữ; phần sau của não-hồi thứ hai phía cạnh trái là chỗ chứa đựng các hình ảnh thị-giác, các tiếng và các chữ v.v… Chúng ta hãy đi xa hơn nữa. Ngài vừa nói rằng linh-hồn kết-hợp với thể-xác, nhưng vượt hẳn thể-xác trong không gian cũng như trong thời gian. Chúng ta hãy xét về không gian. Thực thì, thị-quan và thính-quan vượt ra ngoài giới-hạn thể-xác; nhưng vì sao? Vì những chấn-động, từ xa đến, đã kích động con mắt và lỗ tai, rồi chuyển vào óc, ở đó kích động đã biến thành cảm giác nghe và thấy, vậy thì tri-giác là ở bên trong thể-xác và không mở rộng nó ra ngoài. Bây giờ chúng ta hãy nói đến thời gian. Ngài bảo tinh-thần bao quát dĩ vãng còn thể-xác thì giới-hạn trong hiện tại luôn luôn tái diễn. Nhưng chúng ta chỉ nhớ được dĩ-vãng vì thể-xác chúng ta giữ lại vết tích còn hiện tại của dĩ vãng. Những ấn-tượng mà sự vật ghi vào óc não, đang tồn tại ở đó, cũng như những hình-ảnh ghi vào tầm kính ảnh, hoặc những âm-điệu ghi vào cái đĩa lưu-thanh; cũng như đĩa nhạc lưu lại bản nhạc, khi người ta cho vặn máy lên, thì óc não sẽ làm cho hoài niệm phục-hồi, khi có một chấn-động  lay chuyển chỗ ấn-tượng đã được ghi vào. Vậy thì trong thời gian, cũng như trong không gian, “linh-hồn” không vượt ra ngoài thể-xác. Nhưng có linh-hồn phân biệt với thể-xác thực không? Chúng ta vừa thấy rằng trong óc não luôn luôn xảy ra những sự đổi thay, hay nói một cách chính-xác hơn, luôn luôn có những chuyển dịch và những tập-hợp mới của những phân-tử và nguyên-tử óc não; có những cái được diễn ra bằng những cảm giác, cũng có những cái khác lại được diễn ra bằng những hoài-niệm. Chắc chắn là tất cả các hiện tượng trí-tuệ, cảm quan và ý chí đều có những chuyển-dịch và tập-hợp tế-bào óc não tương-đối với: ý-thức chỉ thêm vào đó như một thứ lân-quang, nó giống như một vết ánh-sánh tiếp theo và phác họa cái chuyển động của cây diêm người ta cạch vào tường trong bóng tối. Làn lân-quang ấy có thể nói được là nó tự soi sáng cho chính mình, và gây ra cho mình những ngộ nhận nội tâm kỳ quái; ý thức cũng thế, nó tưởng-tượng là nó thay đổi, điều-khiển và tạo ra những vận-động mà kỳ thực nó chỉ là kết-quả, sự tin tưởng có ý chí tự-do là tại đó. Thực ra nếu chúng ta có thể nhìn qua sọ để thấy những gì đang xảy ra trong bộ óc đang hoạt-động, nếu chúng ta có được những khí cụ có thể phóng đại ra triệu triệu lần, như những kính hiển vi mạnh nhất, để quan-sát bên trong võ não, và nhờ thế, chứng kiến được cuộc múa nhảy của các phân tử, nguyên tử và điện-tử tạo thành vỏ não, và nếu, đường khác, chúng ta có được cái bảng đối-chiếu hiện-tượng óc não với hiện-tượng tinh-thần, tôi muốn nói nếu chúng ta có được một bộ tự-điển cho phép dịch mỗi một hình thể của cuộc nhảy múa ấy ra tiếng tư-tưởng và tình cảm, thì chúng ta cũng biết được như “cái mạo danh là linh-hồn” ấy tất cả những gì nó suy-tưởng, cảm-nghĩ và ước muốn, biết được những gì nó tưởng là nó tự-do làm, mà kỳ thực nó làm một cách máy móc. Và chúng ta còn biết được rõ ràng hơn nó nữa, vì cái mạo danh là linh hồn hữu thức ấy chỉ chiếu sang được một phần nhỏ của cuộc múa nhảy bên trong óc não, nó chỉ là một đám ma trơi phất phới trên những nhóm nguyên-tử ưu-tiên nào đó, còn chúng ta, chúng ta nhìn thấy tất cả các nhóm của tất cả các nguyên-tử, chúng ta nhìn thấy toàn thể cuộc nhảy múa não bộ. Cái “hồn thiêng” của Ngài, chẳng qua, chỉ là một hiệu-quả nhìn thấy những hiệu-quả, còn chúng tôi, chúng tôi nhìn thấy vừa hiệu-quả vừa nguyên-do.

Đó là những điều người ta thường nhân-danh khoa-học mà nói ra. Nhưng phải chăng đã rõ là nếu người ta gọi là khoa-học những gì đã được quan-sát và có thể quan-sát, đã được chứng-minh và có thể chứng-minh, thì một câu kết-luận như câu người ta vừa trình-bày ở trên, chẳng có gì là khoa-học, bởi vì, trong hiện tình khoa-học ngày nay, chúng ta không thấy có phương-cách gì để kiểm-chứng nó cả. Thực ra, người ta cũng viện-chứng rằng luật bảo-tồn năng-lượng chống lại với việc có một phần nhỏ năng-lực hoặc vận-động nào được tạo dựng ra trong vũ-trụ và nếu sự việc không xảy ra một cách máy móc như người ta nói, nếu một ý-chí hữu hiệu can-thiệp vào để thực-hiện những hành-động tự-do, thì định-luật bảo-tồn năng-lượng sẽ bị vi-phạm. Những lý-luận như thế, tức là chỉ chấp-nhận những điều phải bàn cãi; vì định-luật bảo-tồn năng-lượng, cũng như tất cả các định luật vật-lý khác, nó chỉ là một công thức gồm tóm lại những điều đã quan-sát về các hiện-tượng vật-lý; nó phát-biểu ra những điều xẩy ra trong một phạm-vi mà ở đó không bao giờ có ai chủ-trương là có sự bất thường, sự lựa chọn hoặc tự-do cả, và chính điều phải biết ở đây, là phải chăng định-luật bảo-tồn năng-lượng còn được chứng minh là đúng trong những trường-hợp mà ý-thức cảm thấy mình đang đứng trước một hoạt-động tự-do và nói cho cùng, ý-thức là một khả-năng quan-sát và nó có thể thí-nghiệm theo cách của nó. Tất cả những gì giác-quan, hoặc ý-thức trực-tiếp nhìn thấy được, tất cả những gì là đối-tượng của kinh nghiệm hoặc nội-giới hoặc ngoại-giới, đều phải được coi là có thực, bao lâu người ta không chứng-minh được rằng đó chỉ là một vẻ bề ngoài. Thế mà, chắc hẳn chúng ta cảm thấy chúng ta tự do, đó là một cảm-tưởng trực-tiếp của ý-thức. Vậy những người chủ-trương cảm-tưởng đó là một ảo-tưởng, chính họ cần phải chứng-minh điều họ quả-quyết; nhưng thực ra họ không chứng-minh được như thế, họ chỉ độc-đoán áp dụng cho các hành-động tự ý một định-luật chỉ được nhận chân trong các trường hợp ý-chí không can thiệp vào. Vả chăng rất có thể là nếu ý-chí có thể tạo ra năng-lượng, thì năng-lượng được tạo ra đó quá nhỏ nhen, không đủ để ảnh-hưởng một cách rất rõ rệt, đến các khí-cụ đo-lường của chúng ta; tuy nhiên, hiệu-quả của các hành-động tự-ý ấy có thể là rất lớn lao, như ảnh-hưởng của tia lửa làm bùng nổ kho thuốc súng. Tôi xin miễn đi sâu vào điểm ấy. Tôi chỉ cần nói điều nầy: nếu người ta nhìn xét then máy của vận-động tự ý nói riêng và hoạt-động của thần-kinh-hệ nói chung, và sau hết, nhìn xét chính sự sống trong yếu tính của nó thì người ta phải kết-luận rằng thủ-đoạn thường-xuyên của ý-thức, từ nguồn-gốc thấp-hèn nhất của nó và trong các thể sinh-vật đơn-giản nhất, là lợi dụng luật tất-định vật-lý để đạt đến cứu-cánh riêng của nó, hay đúng hơn, thủ-đoạn của ý-thức là xoay trở định-luật bảo-tồn năng-lượng bằng cách bắt vật-chất sản-xuất ra càng ngày càng nhiều những chất nổ, càng ngày càng hữu ích cho mình, lúc đó chỉ cần một hành-động hết sức yếu ớt, như hành-động bấm ngón tay vào cò súng lục, cũng đủ để giải-thoát, vào lúc mình muốn và theo hướng mình chọn, một số hết sức lớn năng-lượng đã tích trữ. Đường tố chứa trong các bắp thịt quả là một chất nổ thực, nhờ nó mà vận-động tự ý được thực-hiện: hình như sản-xuất và sử dụng những chất-nổ như thế là mối lo-âu thường-xuyên và cốt-yếu của sự sống, kể từ lúc nó mới xuất-hiện đầu tiên trong các thể nguyên hình chất có thể biến-hình như ý, cho đến lúc nó đã phát-triển hoàn-toàn trong các cơ-thể có khả-năng hoạt-động tự-do. Nhưng một lần nữa, tôi không muốn nhắn mạnh ở đây về một điểm mà tôi đã bàn đến nhiều ở chỗ khác. Vậy tôi xin đóng cái vòng khép lại, mà lẽ ra tôi có thể không mở ra và tôi xin trở lại điều tôi đã nói trước, là chúng ta không thể gọi là khoa-học một giả-thuyết không được chứng-minh và cũng không được kinh-nghiệm gợi ra. Quả thế, kinh-nghiệm dạy gì cho chúng ta? Kinh-nghiệm cho chúng ta thấy rằng sự sống của linh-hồn, hay là sự sống của ý-thức nối kết với sự sống của thể-xác, giữa hai sự sống ấy có liên-đới chặt-chẻ, và chỉ có thế. Nhưng điều đó không có ai chối cãi bao giờ; tuy nhiên, không thể dựa vào đó mà quả-quyết được rằng hiện-tượng óc não tương-đương với hiện-tượng tinh-thần, người ta có thể đọc được, trong óc não, tất cả những gì xảy ra trong ý-thức đổi chiều. Cái áo liên-đới với cái đinh treo áo, áo rơi, nếu đinh bị nhổ, áo lung-lay, nếu đinh chuyển-động, áo lủng và rách, nếu đinh quá nhọn; tuy nhiên, không phải vì thế mà mỗi chi-tiết của đinh đổi-chiều với mỗi chi tiết của áo, hoặc đinh là tương-đương với áo, và lại rất càng không phải vì thế mà đinh với áo là một. Cũng thế, ý-thức, cố-nhiên, dính liền với óc não, nhưng không phải vì thế, mà óc não bao trùm được tất cả mọi chi tiết của ý-thức và ý-thức là một chức-vụ của óc-não. Quan-sát, kinh-nghiệm và bởi đó, khoa-học, chỉ cho phép quả-quyết điều này: là giữa óc-não và ý-thức có một mối liên hệ nào đó.

Mối liên-hệ ấy thế nào? A! Đây là chỗ mà chúng ta có thể tự hỏi, phải chăng triết-học đã đem lại điều mà người ta có quyền chờ đợi ở nó. Triết-học có nhiệm-vụ khảo-cứu sinh-hoạt tâm linh trong tất cả mọi biểu-hiện của nó. Quen với quan-sát nội-tâm, nhà triết-học lẽ ra phải đi xuống, bước sâu vào bản thân, rồi đi lên, trở lại mặt ngoài, theo dỏi cử-động của ý thức, lúc đó dần dần tự giải, tự phóng vào chuẩn-bị chuyển-vận trong không gian. Chứng-kiến việc vật-chất-hóa dần dần ấy của ý-thức, quan-sát đường đi nước bước của ý-thức, lúc đó ngoại-thể-hóa (s’extérioriser), nhà Triết-học, ít ra, cũng có được một trực-giác mơ hồ tinh-thần kết-hợp với vật-chất thế nào, thể-xác và linh-hồn liên-hệ với nhau làm sao, có lẽ đó chỉ sẽ là một tia sáng sơ-khai, không có gì hơn. Nhưng tia sáng ấy sẽ hướng-dẫn chúng ta giữa muôn ngàn thực tại mà khoa tâm-lý và khoa bệnh-lý biết được. Rồi ra, sửa chữa và bổ-túc những sai lầm và thiếu sót của kinh-nghiệm nội-giới, các thực-tại ấy sẽ chỉnh-đốn được phương-pháp quan-sát nội-tâm. Như thế, nhờ liên-lạc giữa hai trung-tâm quan-sát, quan-sát bên trong và quan-sát bên ngoài chúng ta sẽ tìm một giải-pháp càng ngày càng sát với vấn-đề, một giải pháp không bao giờ hoàn-hảo, như các giải-pháp của nhà siêu-hình-học thường tự cho là hoàn-hảo, nhưng là một giải pháp có thể luôn luôn cải-tiến, như các giải-pháp của nhà khoa-học. Cố nhiên là sự thúc đẩy đầu tiên phải phát-xuất từ bên trong, cái nhìn nội-tâm phải đem lại cho chúng ta những tia sáng sơ yếu, và bởi đó, vấn đề vẫn vẫn phải là một vấn đề triết-lý.

Nhưng nhà siêu-hình-học không dễ-dàng từ bỏ những chỗ cao-siêu mà ông thích ở lại. Platon đã mời ông hướng lên thế-giới các ý-niệm. Đó là nơi ông muốn an-cư để đi lại giữa các ý-niệm thuần-túy, bắt chúng nhường-nhịn lẫn nhau và hòa-giải chúng một cách tạm-bợ; cố gắng thi-thố trong thế giới tao-nhã ấy một chính-sách ngoại-giao khôn khéo. Ông ngần-ngại, không dám đụng đến các thực-tại, bất cứ là những thực-tại nào, huống hồ là các thực-tại như các thứ bệnh trĩ, ông lại càng không dám: ông sợ bẩn tay. Tóm lại, lý-thuyết mà khoa-học có quyền mong đợi triết-học đem lại ở đây một lý-thuyết mềm dẻo có thể cải-tiến và căn cứ vào toàn-thể những thực tại đã được biết đến, triết-học đã không muốn, hoặc đã không biết đem lại cho khoa học.

Bởi vậy, tự-nhiên nhà Bác-học đã tự bảo: vì triết-học không dựa vào thực-tại và lý-lẽ nào để bảo tôi phải hạn-chế sự đổi-chiều giả-thiết giữa tinh-thần và óc-não cách nọ hay cách kia nhất-định, ở điểm nọ hay điểm kia nhất-định, cho nên tạm thời, tôi sẽ xử sự như thể là có sự đổi-chiều hoàn-toàn, hoặc như thể là tinh-thần và thể-xác là tương-đương, hay có lẽ là đồng nhất nữa. Tôi là nhà sinh-lý-học, với những phương-pháp tôi sẵn có, nghĩa là với sự quan-sát và thí-nghiệm hoàn-toàn bên ngoài, tôi chỉ thấy có óc não và tôi chỉ tác-động được trên óc-não, vậy tôi sẽ xử sự như thể là tinh-thần chỉ là một chức-vụ của óc-não, tôi sẽ mạnh dạn tiến bước như thế và như thế tôi sẽ có càng nhiều may mắn tiến xa; khi người ta không thấy quyền mình có giới-hạn, thì trước hết người ta có thể cho nó là không giới-hạn, người ta sẽ luôn luôn có thời giờ để lùi lại. Đó là điều nhà Bác-học đã tự nói với mình và Ông đã ngừng lại ở đó, nếu Ông đã bỏ được triết lý.

Nhưng người ta không thể bỏ được triết-lý. Đang lúc chờ đợi các triết-gia đem lại một thuyết-lý mềm dẻo, dễ dàng uốn-nắn theo kinh-nghiệm nội và ngoại-giới mà khoa-học cần đến, tự nhiên các nhà bác-học đã tiếp nhận ở siêu-hình-học cũ một thuyết-lý sẵn có hoàn-toàn đặt-để, rất hợp với quy-luật phương-pháp ông cho là lợi cho ông theo. Vả chăng, ông cũng không thể lựa chọn gì hơn. Cái giả-thuyết minh-bạch độc nhất mà siêu-hình-học của ba thế-kỷ vừa qua đã để lại cho chúng ta về điểm này, chính là giả-thuyết nhìn-nhận rằng linh-hồn và thể-xác hoàn-toàn song đối, linh-hồn phát-biểu một số trạng-thái của thể-xác, hoặc thể-xác phát-biểu linh-hồn, hoặc linh-hồn và thể-xác là hai bản dịch ra hai tiếng khác nhau, cùng một bản nguyên-văn khác với cả hai: mà cả trong ba trường-hợp, hiện-tượng óc não hoàn-toàn tương-đương với hiện-tượng tinh-thần. Triết-học thế-kỷ XVII đã đi đến giả-thuyết ấy làm sao? Cố nhiên là không phải nhờ khoa-giải-phẫu và khoa-sinh-lý về óc-não, là những khoa-học hầu như chưa có ở thời đó, và cũng không phải là nhờ sự khảo-cứu cơ-cấu, chức-vụ và những sự hư-hỏng của tinh-thần. Không, giả-thuyết ấy, cố-nhiên, đã được suy-diễn ra từ những nguyên-tắc tổng-quát của một thứ siêu-hình người ta đã quan-niệm ra, ít là trong một phần lớn, để thực-hiện những hy vọng của vật-lý-học thời nay. Những cuộc phát-minh sau thời phục-hưng, nhất là những phát-minh của Kepler và của Galilée, đã cho người ta thấy có thể rút các vấn-đề thiên-văn và vật-lý vào những vấn-đề cơ-học. Do đó, đã phát-minh ra ý-nghĩ rằng toàn-thể vũ-trụ vật-chất, vô cơ và hữu cơ, là bộ máy mênh-mông, tuân theo những định-luật toán-học. Bởi đó, các sinh-vật nói chung, và thân-xác con người nói riêng, phải được tháp lắp vào bộ máy ấy, như những bộ phận trong máy đồng-hồ; tất cả những gì chúng ta có thể làm, đều đã được xác-định trước, đã được tính-toán như toán-học cả. Như thế, linh-hồn người ta trở nên bất-lực, không thể sáng-tạo được; nếu có linh hồn, thì nhất thiết các trạng-thái kế tiếp của nó, chỉ diễn tả ra, dưới hình thức tư-tưởng và tình cảm, chính những cái mà thể-xác của nó phát-biểu ra bằng không gian và chuyển-động. Thực ra, Descartes chưa đi xa đến thế; chú ý đến thực-thể, ông đã muốn dành lại cho ý-chí tự-do ít nhiều chỗ đứng, mặc cho lý-thuyết vì đó mà bớt phần chặt-chẽ. Và nếu, với Spinoza và Leibniz sự dè dặt của Descartes đã bị lý-luận của hệ-thống tư-tưởng quét sạch, nếu hai triết-gia nầy đã trình bày một cách rất chặt chẽ giả-thuyết nhìn nhận một sự song đối bền vững giữa các trạng thái thể-xác và trạng-thái tinh-thần, thì ít ra họ đã không dám coi linh-hồn như là một hiệu-quả của thể-xác; mà có lẽ họ cũng nói được thể-xác là một hiệu-quả của linh-hồn. Nhưng họ đã mở đường cho một chủ-nghĩa Đề-các (Catesianisme) suy-giảm, chật hẹp nhìn nhận sinh-hoạt tinh-thần chỉ là một bộ mặt của hoạt-động óc-não, cái mạo-nhận là “linh hồn” chẳng qua chỉ là toàn thể những hiện-tượng óc não và ý- thức được thêm vào đó như là một ánh lân-quang. Thực thì suốt cả thế kỷ XVII chúng ta có thể thấy rõ triết thuyết Đề-các đã dần dần bị giản lược như thế. Càng rút hẹp lại, triết thuyết ấy càng lấn nhập vào sinh-lý-học, và sinh-lý-học, cố nhiên, là đã tìm thấy ở đó một triết-học rất có thể đem lại cho nó lòng tự tin mà nó cần phải có. Và vì thế nên những triết gia như Lamettrie, Helvétins, Charles Bonnet, Cabanis là những người mà ai cũng biết là theo chủ-nghĩa Đề-các, đã đem đến cho khoa-học của thế-kỷ XIX những gì mà nó có thể lợi-dụng được nhất ở triết học của thế-kỷ XVII. Vậy các nhà bác-học ngày nay, khi suy-luận về liên quan giữa tâm-lý và vật-lý, nếu họ ngã theo giả thuyết song đối, thì điều đó dễ hiểu, vì các triết-gia đã không cung-cấp cho họ cái gì khác. Mà họ có thích thuyết đối-chiếu, hơn tất cả các thuyết, người ta có thể có được, nhờ cũng một phương pháp xây-dựng tiên nghiệm đi nữa, tôi cũng còn công nhận điều đó, vì họ tìm thấy, trong thuyết ấy, một sự khích-lệ để tiến xa. Nhưng, nếu trong họ, có ai đến nói với chúng ta rằng đó là khoa-học, rằng kinh-nghiệm cho chúng ta thấy có một sự song đối chặt chẽ và đầy đủ giữa hoạt-động óc não và sinh-hoạt tinh-thần, thì không được, chúng ta sẽ ngừng người ấy lại và sẽ trả lời với ông: là nhà bác học, cố-nhiên, ông có thể bênh-vực thuyết ấy, như nhà triết-học bênh-vực nó, nhưng lúc đó lời của ông không phải là lời của nhà bác học, mà là lời một nhà triết học. Ông chỉ trả lại cho chúng tôi cái chúng tôi đã cho ông mượn. Lý thuyết ông đem lại cho chúng tôi, chúng tôi biết nó rồi, nó ở xưởng chúng tôi mà ra, chính chúng tôi, là những triết-gia, đã sản tạo ra nó và đó là một món hàng cũ, rất cũ. Cố nhiên, không phải vì cũ mà nó kém giá trị, nhưng cũng không vì cũ mà nó quí hơn. Ông hãy xem nó cho vừa giá nó và một thuyết-lý, trước thời sinh-lý và tâm-lý-học của chúng ta phát-xuất, đã có thể mặc lấy hình thể hoàn hảo và dứt khoát người ta thường nhận thấy ở một học-thuyết siêu-hình, xin ông đừng cho nó là một kết-quả của khoa-học, là một thuyết-ý đã được đắp khuôn theo các thực-tại và có thể uốn-nắn lại theo các thực tại.

Nay chúng ta có nên thử tìm ra một công-thức phát-biểu được mối-liên-quan giữa hoạt-động tinh-thần với hoạt-động óc-não, đúng như nó xuất-hiện, lúc người ta vứt bỏ hết mọi ý-niệm tiền-kiến, để chỉ xét đến những thực tại đã được quan-sát không? Một công-thức như thế, tất nhiên là tạm-thời, nó sẽ chỉ có thể tham vọng đạt đến một cái có lẽ đúng ít nhiều. Nhưng ít ra, cái có lý lẽ đúng ấy sẽ có thể dần dần tăng thêm và công-thức sẽ ngày càng trở nên chính xác hơn, khi sự hiểu-biết các thực-tại càng được nới rộng.

Vậy tôi sẽ nói với các ngài là chú ý khảo sát sinh-hoạt tinh-thần và hoạt-động sinh-lý đồng-hành, đã làm cho tôi tin rằng quan-niệm thường-thức là đúng, ý-thức con người cao rộng phong-phú hơn bộ óc đối chiếu với nó vô cùng. Và đại lược, đây là kết-luận tôi đã đi đến. Giả sử có người nào nhìn được vào trong bộ óc đang hoạt-động, theo dõi những bước đi lại của các nguyên-tử và giải-thích được các hành-động của chúng, thì chắc người ấy cũng biết được ít nhiều những gì xảy ra trong tinh-thần, nhưng là biết được rất ít. Người ấy chỉ biết được những gì có thể phát-biểu thành những dáng-điệu, thái-độ và cử-chỉ của thân-xác, những cái mà trạng thái tinh-thần bao hàm như hành-động sắp thực-hiện hay chỉ mới chớm phát. Đối với những tư-tưởng và tình-cảm diễn ra trong ý-thức, người ấy cũng ở trong hoàn-cảnh một khan-giả nhìn thấy rõ ràng tất cả những điều các kịch-sĩ làm trên sân khấu, nhưng không hiểu được một tiếng nào của những lời họ nói. Cố nhiên, những bước đi lại, bộ điệu và cử chỉ của kịch-sĩ điều có lý-do trong tấn-tuồng họ đóng và nếu chúng ta hiểu văn của bản kịch, chúng ta có thể đoán trước được gần đúng bộ điệu của kịch-sĩ, nhưng ngược lại không đúng; sự nhìn biết bộ điệu chỉ cho chúng ta hiểu được rất ít về bản kịch, vì một bản kịch tế-nhị chứa đựng biết bao ý-nghĩa phong-phú vượt hẳn những cử-động người ta dùng để phân-nhịp nó; cho nên tôi tưởng, nếu chúng ta hoàn toàn hiểu biết then máy của óc não và cũng hoàn toàn hiểu biết tâm-lý, chúng ta có thể đoán được những gì xảy ra trong óc-não, mỗi khi có một trạng-thái tâm-lý; nhưng chúng ta không thể làm ngược lại, vì đối với một trạng-thái óc não nhất định, chúng ta có thể có vô số trạng-thái tâm-lý cũng đều thích-hợp cả. Nhưng xin các ngài biết cho, tôi không nói bất cứ trạng-thái tinh-thần nào cũng có thể đối-xứng với một trạng-thái óc-não nhất định: các Ngài treo cái khuông lên, nhưng không phải là các Ngài bỏ được vào cái khuông ấy bất cứ bức họa nào. Cái khuông xác định được bức họa một phần nào, nó loại trừ trước tất cả những bức nào không có cùng một hình-thể, cùng một kích-tấc; nhưng miễn là hình-thể và kích-tất vừa vặn, thì bức họa nằm lọt vào khuông được. Đối với óc não và ý-thức cũng thế. Một trạng-thái tinh-thần phiền phức sẽ giảm biến thành những hành-động tương-đối đơn-giản như bộ-điệu, thái-độ, cử-động; nếu những hành-động này là chính những hành-động óc-não đang chuẩn-bị, thì trạng-thái tinh thần sẽ tháp nhập đúng vào trạng-thái óc-não. Nhưng có vô số bức họa khách nhau cũng đều có thể tháp nhập vào cái khuông ấy và bởi đó óc não không xác-định tư-tưởng và như thế, tư-tưởng, ít ra là phần lớn, không lệ-thuộc óc não.

Sự khảo cứu các thực tại sẽ cho phép chúng ta diễn-tả một cách càng ngày càng chính-xác cái khía-cạnh đặc-biệt nầy của sinh-hoạt tinh-thần, là khía-cạnh độc nhất, theo thiển-ý chúng tôi, được đồ họa ra trong hoạt động óc não. Về khả-năng tri-giác và cảm-giác chẳng hạn, nằm trong thế-giới vật-chất, thân-xác chúng ta tiếp-nhận những khích-động mà nó phải đáp lại bằng những cử-động thích-hợp; óc não và hệ-thống tủy-não nói chung, sắm sửa các cử-động ấy, nhưng tri-giác là một cái gì hoàn toàn khác. Về khả-năng quyết-định cũng thế. Thể-xác thực-hiện những cử-động cố ý, nhờ một số then máy đã đi lên sẵn trong hệ-thống thần-kinh, các then máy này chỉ đợi một dấu hiệu để khởi-động và óc-não là điểm phát-xuất dấu-hiệu và khởi-động các then máy. Vùng “rô lăng” là vùng người ta cho là trụ-sở của cử-động cố ý, quả thực nó sánh được như một trạm bể ghi, từ đó người phu tàu có thể hướng dẫn đoàn tàu đang đến, vào đường nọ hay đường kia; hoặc còn có thể ví nó như một chuyển lộ khí (commutateur) nhờ đó một khích-động ngoại giới hiện tại có thể liên-lạc với một bộ phận động-cơ nào đó tùy ý; nhưng bên cạnh những cơ-quan vận-động và cơ-quan lựa-chọn, còn có cái gì khác, còn có chính sự lựa chọn. Sau hết về tư-tưởng cũng thế. Lúc chúng ta tư-tưởng, ít khi mà chúng ta không tự nói với chính mình: nếu chúng ta không thực-hiện thực-sự thì chúng ta cũng phát khởi hay là chuẩn-bị những cử-động phát âm nhờ đó tư-tưởng sẽ được phát biểu, và một chút gì của những cử-động ấy chắc chắn đã được phát họa trong óc não. Nhưng chúng ta tin rằng then máy óc não của tư-tưởng không phải chỉ có thế: đàng sau những cử-động phát âm bên trong là những cử-động vả chăng không cần thiết, còn có một cái gì tinh-vi hơn, cốt yếu hơn. Tôi muốn nói đến những cử-động mới chớm-phát là những cử-động tượng-trưng tất cả các hướng đi kế tiếp của tinh-thần. Xin chú ý rằng tư-tưởng hiện-thực, cụ thể, linh-động là cái mà đến nay các nhà tâm-lý-học rất ít nói đến, vì nó rất khó mà quan-sát được. Cái mà người ta khảo-cứu, dưới danh-từ tư-tưởng, không phải là chính tư-tưởng, nhưng là một mô phỏng giả tạo có được nhờ tập-hợp những ảnh-tượng và ngay cả với những ý tưởng, cái Ngài sẽ không tạo ra tư tưởng, cũng như với những vị-trí, cái ngài sẽ không tạo ra chuyển-động. Ý tưởng là tư-tưởng ngừng lại. Ý-tưởng xuất-phát, khi tư-tưởng không tiếp tục tiến, nhưng ngừng lại hay là quay về, cũng như sức nóng tự phát ra trong quả banh, lúc quả banh gặp phải chướng-ngại-vật. Nhưng cũng như sức nóng không sẵn có trước trong quả banh, ý-tưởng không phải là một bộ-phận thuộc về tư-tưởng. Ví dụ các Ngài hãy sắp kế tiếp nhau các ý-tưởng “nội tại” và “tự mình” bao hàm trong các tiếng “trong” và “tự”, rồi thử tạo lại cái tư-tưởng mà tôi vừa phát biểu trong câu “sức nóng tự phát ra trong quả banh”. Các ngài sẽ thấy là không thể được, tư-tưởng là một chuyển-động, không phân chia được, và các ý-tưởng tương-đối với một từ-ngữ chỉ là những quan-niệm xuất hiện trong tinh-thần ở mỗi khoảng khắc chuyển-vận của tư-tưởng, nếu tư-tưởng ngừng lại; nhưng tư-tưởng không ngừng lại. Vậy xin các Ngài dẹp lại một bên những xây dựng giả tạo tư-tưởng và xin nhìn xét chính tư-tưởng; các Ngài sẽ tìm được ở đó không phải là những trạng thái phân biệt, nhưng là những chiều-hướng, và các Ngài sẽ thấy tư-tưởng chính là một sự thay đổi chiều hướng nội tâm, thường xuyên và liên-tục và sự thay đổi này luôn luôn có khuynh hướng diễn tả bằng những hành-động và những bộ-điệu có thể vạch ra trong không gian và phát-biểu ra, như thể bằng ẩn-dụ, những lối đi lại của tinh-thần. Những chuyển-động được phác-họa hay chỉ mới được chuẩn-bị ấy, chúng ta không nhìn thấy, thường là vì chúng ta không có lợi-thú nào để biết đến chúng. Nhưng nhất-thiết chúng ta phải để ý đến chúng, khi chúng ta theo riết tư-tưởng chúng ta cho thật sát để bắt sống lấy nó và làm cho nó nhập vào tâm-hồn kẻ khác lúc nó đang sống động. Các từ-ngữ, cho dầu được lựa chọn chu-đáo đến đâu, cũng sẽ không nói ra được những gì chúng ta muốn cho chúng nói ra, nếu nhịp điệu, phép phân câu chiết-tự và tất cả nghệ-thuật diễn-đạt của bài văn không giúp được cho các từ-ngữ thế nào để làm cho độc giả, được một chuyển-động đang phát-nở hướng-dẫn, có thể vẽ ra một đường cong tư-tưởng và tình cảm đúng như đường công chúng ta đang vẽ ra. Tất cả nghệ-thuật viết văn là ở đó. Đây là một cái gì tương-tự như nghệ-thuật của nhạc-sĩ, nhưng các Ngài đừng tưởng âm-nhạc nói đến đây, chỉ hướng về lỗ tai, như người ta thường nghĩ. Lỗ tai một người ngoại quốc, dẫu là quen âm-nhạc đến đâu, cũng không phân biệt được loại Pháp-văn chúng ta cho là có âm-điệu với một loại không có, không phân biệt được như Pháp-văn hoàn-toàn hay với thứ Pháp-văn tầm thường: đó là triệu chứng hiển-nhiên ở đây có cái gì khác hơn là một hòa-điệu vật-chất của các âm thanh. Thực ra nghệ-thuật của văn-gia cốt ở sự làm cho chúng ta quên là Ông dùng từ-ngữ. Cái hòa điệu ông tìm kiếm là một thứ đối xứng giữa những lối đi lại của tinh-thần với những lối đi lại của văn-từ, một thứ đối-xứng rất hoàn hảo, khiến cho những uyển-chuyển tư-tưởng của ông được câu văn chở theo và thông truyền vào tư-tưởng của chúng ta và lúc đó mỗi một từ-ngữ, tách riêng ra, không còn đáng kể: không còn gì khác ngoài cái ý-nghĩa linh-động lướt qua các từ-ngữ, không còn gì khác ngoài sự thông-cảm trực-tiếp, không trung-gian và đồng nhịp với nhau, giữa hai tâm hồn. Vậy nhịp điệu của ngôn-ngữ không có mục-đích nào khác hơn là tạo lại nhịp điệu của tư-tưởng và nhịp-điệu của tư-tưởng là gì, nếu không phải là nhịp-điệu của những chuyển-động chớm nở và hầu như còn vô thức, đồng-hành với tư-tưởng? Các chuyển-động nhờ đó tư-tưởng ngoại-thể hóa thành hành-động ấy phải được chuẩn-bị và phải được như là thành hình sẵn trước trong óc não.

Cái mà có lẽ chúng ta nhìn thấy được, nếu chúng ta có thể nhìn thấu vào một bộ óc đang làm việc, chính là những chuyển-động, kèm theo tư-tưởng, chứ không phải là chính tư-tưởng.

Nói cách khác, tư-tưởng hướng về hành-động và khi nào nó không đi đến một hành-động thực-sự thì nó cũng phác-họa ra một hay nhiều hành-động tiềm-thể, những hành-động chỉ là có thể. Các hành-động hiện-thực hay tiềm-thể ấy là hình ảnh suy giảm và giản lược của tư-tưởng phóng ra trong không-gian và biểu-thị các nhịp-điệu chuyển-vận của tư-tưởng; các hành-động ấy chính là các được vẽ ra trong chất não. Vậy liên-quan giữa óc não và tư-tưởng quả là phiền-tạp và tế-nhị. Nếu các Ngài bảo tôi phải phát-biểu nó ra bằng một công-thức đơn-giản và tất-nhiên thô-sơ, thì tôi xin nói rằng: óc não là một cơ-quan làm tuồng câm và chỉ làm tuồng câm mà thôi. Vai trò của nó là múa máy bắt chước sinh-hoạt tinh-thần và múa máy bắt chước những hoàn-cảnh bên ngoài mà tinh-thần phải thích-nghi theo. Hoạt-động óc não đối với hoạt động tinh-thần cũng sánh được như những chuyển-động của cái gậy ông nhạc-trưởng đối với khúc hòa nhạc. Về mọi mặt, khúc hòa-nhạc vượt hẳn những cử-động đánh nhịp của Ông nhạc-trưởng. Sinh-hoạt tinh-thần cũng thế, nó vượt hẳn sinh-hoạt óc não. Nhưng óc não, chính vì nó rút ở sinh-hoạt tinh-thần ra tất cả những gì có thể phát-xuất thành cử-động và có thể vật-chất-hóa; chính vì nó là chỗ tinh-thần tháp-nhập vào vật-chất, nên luôn luôn nó bảo-đảm cho tinh-thần thích-nghi với hoàn-cảnh, luôn luôn nó làm cho tinh-thần tiếp-xúc với thực thể. Vậy thì nói cho đúng, óc não không phải là cơ-quan tư-tưởng, cơ-quan tình-cảm hay cơ-quan ý-thức, nhưng nó làm cho ý-thức, tình-cảm và tư-tưởng nhắm thẳng vào cuộc sống hiện thực và bởi đó có thể hành-động hữu-hiệu. Nếu các Ngài muốn thì chúng ta hãy nói: óc não là cơ-quan để chú ý đến cuộc sống.

Bởi vậy, chỉ một sự biến-đổi chất não nhe nhẹ cũng đủ cho toàn thể tinh-thần hình như bị tổn-thương. Trên kia, chúng ta đã nói đến hiệu-quả một số chất độc gây ra nơi ý-thức và, một cách tổng-quát, ảnh-hưởng của bệnh óc não đối với sinh-hoạt tâm-linh. Trong những trường-hợp như thế, phải chăng chính tinh-thần bị phá rối, hay đúng hơn, chỉ là then máy kết-hợp tinh-thần với sự vật bị? Khi một người điên nói bậy, lý-luận của nó có thể là hợp với phép luận-lý hết sức chặt-chẽ: khi các Ngài sẽ bảo rằng: nó sai-lạc vì lý-luận thái quá. Nó sai lỗi, không phải tại lý-luận không đúng, nhưng tại lý-luận bên cạnh thực-tế, ngoài thực-tế, như một người mơ. Giả sử là một sự đầu độc gây ra bệnh, mà điều đó có thể lắm, thì cũng không nên tưởng rằng chất độc đã đi tìm sự suy luận trong những tế-bào nào đó của óc não để phá, và bởi do điểm nọ hay điểm kia trong óc não có những chuyển-động các nguyên-tử đối-chiếu với suy-luận. Không, có lẽ là tất cả óc não đã bị đầu độc, cũng như khi một cái nút giây thắt không đúng, thì tất ca giây bị giản ra, chứ không phải là phần nọ hay phần kia của giây mà thôi. Nhưng, cũng nhu cái giây cột chuyển nới giản ra ít nhiều, đã đủ làm cho con thuyền lay lắc trên mặt nước, thì một sự biến đổi toàn thể chất não, dầu là rất nhẹ, cũng có thể làm cho tinh-thần mất liên-lạc với toàn thể ngoại vật nó thường dựa vào, và cảm thấy thực thể biến lọt đi, nó lảo-đảo và choáng-váng. Quả thế, trong nhiều trường-hợp, bệnh điên bắt đầu bằng một cảm giác tương-tự như cảm-giác choáng-váng. Người bệnh ngơ ngác như lạc hướng và sẽ bảo các ngài là sự vật đối với nó không còn tính cách cứng vững, rõ ràng và hiện thực như trước. Trước kia, tinh-thần nhắm thẳng vào hay đúng hơn, chú ý vào cái phần ngoại-giới nó phải tiếp-xúc, thì nay sự nhắm thẳng ấy, sự chú ý ấy bị nới giãn ra, và quả thực, đó là kết quả trực-tiếp duy-nhất của sự hư-hỏng óc não, óc não là toàn thể những bộ-phận đã được thiết-bị để tinh-thần có thể đáp lại tác-động của sự vật bằng những phản-ứng vận-động hoặc thực-hiện ra thật, hoặc chỉ mới chớm nở và sự vừa vặn khít khao của các bộ-phận ấy bảo-đảm cho tinh-thần nhập vào thực-thể hoàn-toàn.

Đại lược, liên-quan giữa tinh-thần và thể-xác là thế. Tôi không thể kể ra đây những thực-tại và những lý-lẽ căn-bản của quan-niệm này. Vậy mà tôi không thể xin các ngài tin tôi ở lời nói suông. Làm thế nào bây giờ? Thiết tưởng, trước hết, chúng ta cũng có cách chấm dứt mau chóng cái thuyết mà tôi đang phi bác là chứng-minh rằng giả-thuyết hiện-tượng óc não tương-đương với hiện-tượng tinh-thần là một giả-thuyết tự mâu-thuẫn với mình, nếu người ta nhìn xét nó trong tất cả lý-luận chặt-chẽ của nó, vả giả-thuyết ấy bắt người ta đồng thời chấp-nhận hai quan-điểm trái-ngược và đồng thời dùng hai hệ-thống ký-hiệu tương-phản. Trước kia, tôi đã thử chứng-minh điều đó; nhưng mặc dầu sự chứng-minh ấy rất đơn-giản, nó cũng đòi hỏi một số nhận xét mở đầu về thuyết duy thực và duy tâm mà sự trình bày ra đây sẽ đưa chúng ta đi quá xa. Vả chăng tôi cũng nhìn lại là trong trường-hợp người ta không đẩy nó vào nghĩa duy-vật, người ta có thể thu-xếp một cách nào đó để làm cho thuyết tâm-lý sinh-lý tương-đương có vẻ hiểu được. Đường khác, nếu lý-luận thuần-lý đủ để minh-chứng rằng thuyết ấy không chấp nhận được, thì lý-luận ấy vẫn không nói và không thể nói cho chúng ta biết phải lấy gì thay cho thuyết ấy. Cho nên, rút cục, chúng ta lại phải nhờ đến thực-nghiệm, như các ngài đã có thể đoán trước. Nhưng làm thế nào để kê-khai ra đây các hiện tượng bình-thường và các hiện-tượng bệnh-hoạn cần phải xét đến. Khảo sát tất cả các hiện-tượng ấy là một việc không thể làm được; khảo-sát chu-đáo một số các hiện-tượng có vẻ thuận-lợi nhất cho thuyết đối chiếu, những hiện-tượng độc-nhất thật ra có vẽ đã đem lại cho thuyết ấy đôi chút chứng-minh, tôi muốn nói các hiện-tượng thuộc ký-ức. Nếu chúng ta có thể tóm tắt, dẫu là một cách thiếu-sót và thô-sơ, chứng-minh được rằng một sự khảo-sát chu-đáo những hiện-tượng ấy sẽ đưa đến sự phủ-nhận thuyết đã triệu đến chúng và xác-nhận thuyết chúng ta đề-nghị thì đã khá lắm. Chúng ta sẽ không có được một sự chứng-minh đầy-đủ, nó còn xa lắm; ít ra chúng ta cũng sẽ biết được phải tìm sự chứng-minh ấy ở đâu. Đó là điều chúng ta sẽ làm.

Cái cơ-năng độc-nhất của tư-tưởng mà người ta có thể chỉ-định cho một chỗ trong óc não, quả là ký-ức, và đặc-biệt hơn, là ký-ức từ-ngữ. Đầu bài này tôi đã nhắc lại sự khảo-cứu những bệnh ngôn-ngữ đã khiến người ta hạn chỉ được hình-thức nọ hay hình-thức kia của ký-ức từ ngữ là nằm ở vùng nọ hay vùng kia ở óc não thế nào. Kể từ thời ông Broca là người đã cho chúng ta thấy sự quên các vận-động phát-âm ngôn-ngữ có thể là do một sự hư-hỏng não hồi thứ ba phía trán trái thế nào, người ta đã mệt nhọc xây dựng ra một lý-thuyết càng ngày càng phiền phức về bệnh mất trí nhớ ngôn-ngữ và về những sự kiện óc não của bệnh ấy. Về lý-thuyết ấy, có lẽ chúng ta có nhiều điều phải nói. Ngày nay, một số các nhà bác-học có thẩm-quyền vững chắc, dựa vào một sự quan-sát cẩn-thận những vết hư-hỏng óc não cùng xuất hiện với các bệnh ngôn-ngữ, đã bác bỏ lý-thuyết ấy. Cách đây gần hai mươi năm, chính chúng tôi cũng đã quả-quyết rằng cái lý-thuyết được coi là bất khả xâm-phạm kia, ít ra cũng cần phải sửa đổi lại. Chúng tôi nhắc lại chuyện này, không phải là để khoe mình, nhưng là để cho các ngài thấy rằng sự quan-sát có thể ăn-đứt những phương-pháp người-ta tin là hữu hiệu hơn. Song không hề gì. Có một điều mà ai ai cũng thuận nhận cả là căn do của các bệnh mất trí nhớ từ-ngữ, chính là những vết hư-hỏng ở óc não mà người ta có thể hạn chỉ rõ ràng ít nhiều. Vậy chúng ta hãy xem lý-thuyết nhận tư-tưởng là một chức-vụ của óc não và, nói chung, những người tin có một sự đối chiếu, hoặc một sự tương-đương giữa hoạt-động của óc não và hoạt-động tinh-thần đã giải-thích kết-quả trên thế nào.

Không có gì giản-dị hơn lối giải-thích của họ. Các hoài-niệm được lưu-trú trong óc não dưới hình-thức những biến-đổi in vào những yếu-tố thể-chất của óc não; nếu các hoài-niệm biến đi, chính là tại các yếu-tố thể-chất, chứa-đựng chúng, đã biến-tính hay là đã hư-hỏng. Hồi nẩy chúng ta đã nói đến những kính chụp hình, những đĩa ghi âm là những ví dụ thường gặp trong các thuyết lấy óc não cắt nghĩa ký-ức; các ấn-tượng gây ra bởi ngoại vật được tồn tại trong óc não, cũng như tồn-tại trong tấm kính chụp ảnh hay trong cái đĩa thu thanh. Nhưng nhìn gần vào, người ta sẽ thấy các ví dụ ấy sai-lạc biết bao! Nếu quả thật, hoài-niệm thị-giác của tôi về một sự vật chẳng hạn, là một ấn-tượng sự vật ấy in vào óc tôi, thì chẳng bao giờ tôi có hoài-niệm về một sự vật, tôi sẽ có hằng ngàn hằng triệu hoài-niệm về nó, vì sự vật đơn giản nhất, bền vững nhất cũng đổi hình thể, kích thước, màu sắc, tùy tôi nhìn nó từ chỗ nào. Trừ khi tôi bắt buộc mình phải hoàn toàn đứng yên một chỗ, lúc nhìn nó, trừ phi con mắt tôi không lay động chút nào trong lỗ mắt, vô số hình-ảnh của vật kia, không cái nào trùng hợp với cái nào, sẽ lần lượt in vào võng mạc mắt tôi, rồi được chuyển vào óc tôi. Nếu nói đến hình-ảnh thị-giác về một người, thì sẽ thế nào? Diện mạo người ấy thay đổi, thân-thể người ấy cử-động, áo-quần và cảnh-vật xung quanh người ấy cũng khác đi, mỗi lần tôi gặp người ấy lại. Vậy mà chắc-chắn là ý-thức chỉ có về vật ấy hay người ấy một hình-ảnh độc nhất, hay gần như độc nhất, một hoài-niệm, trong thực-tế, không bao giờ thay đổi: đó là triệu-chứng hiển-nhiên rằng ở đây có một cái gì khác, chứ không phải chỉ là một sự ghi ký máy móc. Về hoài-niệm thính-quan cũng thế. Cũng một từ-ngữ do nhiều người nói ra, hoặc do cũng một người nói ra, ở những lúc khác nhau, trong những câu khác nhau, thì nó phát ra những âm-thanh không trùng-hợp nhau được: làm sao mà so-sánh cái hoài-niệm tương-đối bất-biến và độc-nhất về âm-thanh của từ-ngữ ấy với một âm-thanh ghi vào đĩa thu-thanh được? Chỉ một nhận xét này cũng đã đủ cho chúng ta hoài-nghi lý-thuyết cho các bệnh mất-trí-nhớ từ-ngữ là do một sự biến tính hay là một sự phá-hủy các hoài-niệm đã được vỏ não ghi ký một cách máy móc. Nhưng chúng ta hãy xem những gì xảy ra trong các bệnh ấy. Có những trường-hợp óc não bị hư- hỏng nặng và trí nhớ các từ-ngữ bị tổn hại sâu xa, vậy mà một khích-động hơi mạnh, như một cảm-xúc chẳng hạn, có thể làm cho hoài-niệm hình như đã hoàn-toàn biến mất kia, tái hồi được. Nếu hoài-niệm đã được ghi ký vào chất não, mà nay chất não đã biến-tính và hư-hỏng, thì chuyện tái-hồi hoài-niệm kia có thể có làm sao được? Đúng hơn, là sự việc xảy ra như thế là óc não giúp gợi lại hoài-niệm, chứ không phải là lưu-trử hoài-niệm. Người bị bệnh mất trí nhớ từ ngữ trở nên bất kham, không thể tìm lại được cái từ-ngữ nó cần; hình như nó lẩn-quẩn xung-quanh, không có sức lực cần-thiết để đặt tay vào đúng chỗ phải đặt; quả thế, trong phạm-vi tâm-lý, dấu hiệu bề ngoài của sức-lực bao giờ cũng là sự chắn-chắn, chính-xác. Nhưng hoài-niệm hình như là có đó, vì nhiều khi nhờ dùng những lời nói quanh thay cho chính từ-ngữ nó tưởng đã biến mất, người bị bệnh mất trí nhớ có thể tìm lại được ngay từ ngữ đã mất ấy trong một lời nói quanh kia. Cái bị lệch-lạc đi ở đây, chính là sự sửa cho đúng tình-thế, một công việc mà then máy óc não phải bảo đảm. Đặc-biệt hơn, cái bị tổn-thương ở đây, chính là khả-năng làm cho hoài-niệm trở nên có ý-thức, nhờ phác-họa ra trước những vận-động có thể làm cho hoài-niệm phát-xuất thành hành-vi, nếu có ý-thức; khi chúng ta quên một tên riêng, chúng ta làm thế nào để nhớ lại? Chúng ta thử hết các chữ cái, chứ này đến chữ khác ban đầu chúng ta đọc thầm các chữ ấy, rồi nếu chưa đủ, thì chúng ta đọc to lên: lần lượt chúng ta đặt mình vào những hướng vận-động, những thái-độ cần-thiết, thì thanh-âm của danh-từ phải tìm kiếm, lướt vào đó như lướt vào một cái khuông đã sắm sẵn để tiếp-nhận nó. Sự múa máy hiện-thực hay tiềm-thế, được thi-hành hay chỉ mới chớm phát ấy, chính là công việc mà then máy óc não phải bảo-đảm và chắc-chắn chính đó là cái mà bệnh phá hỏng. Bây giờ xin các Ngài hãy nghĩ đến những điều mà người ta quan-sát được trong bệnh mất trí nhớ từ-ngữ dần dần nghĩa là trong các trường-hợp mà sự quên các từ-ngữ cứ tăng-gia mãi. Thường các từ-ngữ biến mất theo một thứ-tự nhất-định, như thể là bệnh nó biết văn-phạm: danh-từ riêng quên trước, rồi đến danh-từ chung, hình-dung-từ và sau hết là động-từ. Xét qua, thì hình như điều đó là một chứng lý bênh-vực cho giả-thuyết nhìn nhận các hoài-niệm được tích-trử trong chất não. Các danh-từ riêng, danh-từ chung, hình-dung-từ, động-từ, hình như được sắp đặt thành từng lớp, chồng lên nhau, và bệnh cứ dần dần làm hư hỏng, lớp này sau lớp khác. Phải, nhưng bệnh có thể là do nhiều căn-cớ khác nhau, nó có thể mang những hình-thức khác nhau, bắt đầu ở bất cứ một điểm nào thuộc vùng não liên-hệ và tiến theo bất cứ hướng nào, tuy vậy, thứ-tự biến mất các hoài-niệm vẫn cứ thế. Nếu bệnh phá-hủy chính các hoài-niệm, thì điều đó sao mà có thể được? Vậy hiện-tượng này phải được giải-thích cách khác. Đây là cách giải-thích rất đơn-giản tôi đề-nghị. Trước hết nếu tên riêng bị quên trước tên chung, tên chung trước hình-dung-từ, hình-dung-từ trước động-từ là vì nhớ lại một tên riêng khó hơn một tên chung, một tên chung khó hơn một hình-dung-từ, một hình-dung-từ khó hơn một động-từ: vậy cơ-năng gợi lại hoài-niệm là một cơ-năng mà óc não có giúp vào thật sự, nó phải giới-hạn vào những trường-hợp ngày càng dễ hơn, lúc óc não càng bị hư-hỏng nặng thêm. Nhưng tại đâu mà sự nhớ lại gặp phải khó-khăn nhiều hay ít? Và tại đâu các động-từ lại là những từ-ngữ chúng ta ít gặp khó-khăn để nhớ lại hơn các từ-ngữ khác? Rất đơn giản, chính là vì các động-từ diễn-tả những hành động, mà một hành-động lại có thể nhái được, bắt chước được bằng bộ-điệu. Động-từ có thể trực-tiếp múa máy bắt chước được; hình-dung-từ chỉ có thể múa máy bắt chước được qua trung-gian động-từ nó bao-hàm; danh từ thì qua hai trung-gian là hình-dung-từ phát-biểu một tính-cách nào đó của danh-từ và động-từ bao-hàm trong hình-dung-từ, sau hết danh-từ riêng thì lại qua ba trung gian là danh-từ-chung, hình-dung-từ và động-từ; vậy chúng ta càng đi từ động-từ đến danh-từ riêng, thì chúng ta càng xa với hành-động mà thân-xác có thể lập-tức múa máy bắt chước được, nhái được. Một thủ-đoạn càng ngày càng phiền-phức trở nên cần-thiết để biểu-thị bằng cử-động cái ý-tưởng bao-hàm trong từ-ngữ người ta đang tìm kiếm, mà vì óc có nhiệm-vụ chuẩn-bị các cử-động ấy, và hoạt-động của nó ở điểm này càng suy-giãm, thu hẹp và sơ-sài, khi cái vùng não liên-hệ càng bị tổn-thương nặng-nề hơn, nên một sự biến-tính, hoặc phá-hủy các mô, có thể làm cho người ta không thể nhớ lại các tên riêng mà vẫn nhớ được các động-từ, điều đó không có gì lạ lùng. Ở đây cũng như ở chỗ khác, thực-tại chỉ cho phép chúng ta coi hoạt-động của tinh-thần, chứ không phải là tương-đương với nó.

Nhưng, nếu hoài-niệm không được lưu-trử trong óc não, thì nó được lưu-trử ở đâu? Nói cho đúng, tôi không chắc là vấn-đề “ở đâu” còn có một ý nghĩa, khi người ta không còn nói đến một thể xác nữa. Kính chụp ảnh cất vào một cái tủ, đĩa thu-thanh xếp vào những ngăn hộc, còn các hoài-niệm không phải là những vật hữu-hình, đụng chạm được, sao lại cần phải có một cái gì để chứa đựng, và có thể nào được? Nếu các Ngài nhất định muốn thế, thì tôi cũng chấp-nhận là có một nơi chứa đựng hoài-niệm nhưng hiểu theo một nghĩa thuần bóng-bẩy và tôi xin nói một các ngây-ngô rằng: các hoài-niệm được chứa-đựng trong tinh-thần. Tôi không bịa-đặt, không triệu đến một thực-tế huyền-nhiệm, tôi chỉ dựa vào sự quan-sát, bởi vì không có cái gì người ta biết được tức thì hơn ý-thức, không có gì là hiển-nhiên có thực hơn là ý-thức, và tinh-thần là chính ý-thức. Mà ý-thức trước hết, có nghĩa là trí nhớ. Giờ đây, tôi hầu chuyện các ngài, tôi nói ra chữ “causerie” (hầu chuyện). Rõ ràng là ý-thức của tôi quan-niệm ấy liền lập-tức; nếu không, nó sẽ không thấy ở đó một chữ duy-nhất, và không gán cho chữ ý một ý-nghĩa. Tuy nhiên, khi tôi đọc lên cái vần cuối cùng của chữ ấy, thì hai vần đầu đã được đọc xong rồi; chúng đã thuộc về quá-khứ, so-sánh với vần cuối này là vần phải được coi như hiện tại. Nhưng cái vần “rie” cuối cùng này, tôi đã không đọc nó ra một các chớp-nhoáng, tức-khắc: cái thời-gian tôi đọc nó ra, dẫu là văn đến đâu, cũng còn có thể phân ra nhiều phần và các phần này lại là quá-khứ đối với phần cuối cùng của chúng, mà phần cuối cùng này lẽ ra là hiện-tại dứt khoát, lại còn có thể phân ra nhiều phần nữa, nên dù làm thế nào đi nữa, các Ngài cũng không thể vạch ra được một đường ranh-giới phân-chia ký-ức với ý-thức. Nói cho đúng, khi tôi nói lên chữ “causerie”, thì tôi có hiện tại trong trí tôi chẳng những là vần đầu, vần giữa và vần cuối cùng của tiếng ấy, mà là các tiếng đã nói trước và tất cả những gì thuộc về câu tôi đã nói: nếu không, tôi sẽ mất liên-tục của bài diễn văn. Bây giờ, nếu sự chấm câu của bài diễn-văn khác đi, thì câu của tôi có thể bắt đầu sớm hơn, nó có thể bao-trùm cả câu... trước và “hiện tại” của tôi được nới rộng thêm lên trong quá-khứ. Chúng ta hãy đầy lý-luận này cho đến kỳ cùng: hãy giả thiết rằng bài diễn-văn của tôi kéo dài đã từ mấy năm, từ lúc ý-thức tôi mới bắt đầu thức tỉnh; và nó tiếp-tục trong một câu duy-nhất; lại ý-thức tôi khá cách xa tương-lai, khá hững hờ với hành-động để chỉ chăm-chú cho bao quát được ý-nghĩa của câu ấy, như vậy tôi sẽ không còn tìm cách giải-thích câu ấy được bảo-tồn toàn vẹn thế nào, cũng như tôi không tìm các giải-thích câu ấy được bảo-tồn toàn vẹn thế  nào, cũng như tôi không tìm cho biết hai vần đầu của chữ causerie tồn-tại làm sao, khi tôi đọc lên vần cuối cùng của chữ ấy. Vậy mà, tôi tin rằng toàn thể sinh-hoạt nội-tâm của chúng ta là một cái gì ví được như một câu duy-nhất, bắt đầu từ lúc ý-thức mới chớm phát, mật câu rãi rắc những phết, nhưng không chỗ nào có chấm. Và bởi đó, tôi cũng tin rằng toàn thể quá-khứ của chúng ta có đó, có trong tiềm thức, nghĩa là hiện-tại với chúng ta, khiến cho ý-thức của chúng ta không cần phải ra khỏi nó hay là thêm vào mình một cái gì xa lại, để biết được quá khứ: muốn thấy rõ ràng tất cả những gì nó chứa đựng, hay đúng hơn muốn thấy nó là gì toàn thể, ý-thức chỉ cần đẩy lùi một chướng-ngoại, chỉ cần vén lên một tấm màn. Vả chăng, chướng ngại may-mắn! Tấm màn vô cùng quý hóa! Chính óc não giúp chúng ta tập-trung chú ý vào cuộc sống; và cuộc sống, nó nhìn vào phía trước; nó chỉ quay trở lại phía sau, lúc quá-khứ có thể giúp nó thấy rõ và chuẩn bị tương-lai. Đối với tinh-thần, sống, cốt-yếu, là tập-trung vào hành-vi cần thực hiện. Vậy sống là lẩn mình vào sự vật nhờ một then máy là cái sẽ lấy ở ý-thức ra tất cả những gì hữu-ích cho hành-động, mặc cho phần lớn còn lại mờ đi trong bóng tối. Đó là vai trò của óc não trong tác-dụng ký-ức. Óc không dùng để lưu-trử quá khứ, nhưng để che khuất quá-khứ, và cho phép những gì của quá khứ là thực tế hữu-ích được lộ xuất ra. Và vai trò của óc não đối với tinh-thần, nói chung, cũng là thế. Rút ở tinh-thần ra những gì có thể ngoại-thể-hóa thành vận-động và tháp-nhập tinh-thần vào khuôn-khổ vận-động ấy, óc não làm cho tinh-thần thường rút hẹp nhãn-giới lại, nhưng hành-động hữu-hiệu hơn. Thế nghĩa là tinh-thần vượt hẳn óc não về mọi phía và hoạt-động óc não chỉ đổi-chiều với một phần rất nhỏ của hoạt-động tinh-thần.

Nhưng thế cũng nghĩa là sinh-hoạt tinh-thần không thể là một hiệu-quả của sinh-hoạt thể-xác, trái lại mọi sự xảy ra như thể là thân xác chỉ là một dụng-cụ của tinh-thần và bởi đó chúng ta không có một lý do nào để giả thiết rằng thể xác và tinh-thần không thể tách lìa nhau được. Xin các Ngài đừng tưởng tôi sẽ tức-tốc giải-quyết, trong nửa phút còn lại, một vấn-đề trọng-yếu nhất nhân-loại có thể được đưa ra. Nhưng tôi cũng sẽ bực mình, nếu phải bỏ qua. Chúng ta bởi đâu đến? Chúng ta làm gì ở hạ giới này? Chúng ta đi về đâu? Nếu quả-thực triết-học không có gì để đáp lại những vấn-đề quan-trọng như thế nó không thể dần dần làm sáng tỏ được các vấn đề ấy như người ta làm sáng tỏ một vấn-đề sinh-lý-học hay sử-học, nếu nó không thể làm cho các vấn-đề ấy được hưởng-thụ một kinh-nghiệm càng ngày càng sâu rộng, một cái nhìn càng ngày càng thấu-triệt thực-tế, nếu nó đành chịu để cho những người, vì những lý-lẽ lấy ở bản tính giả-định của linh-hồn và thể xác, công-nhận hay phủ-nhận sự bất-tử, phải mãi tranh-chấp nhau, thì hầu như là lúc phải nói ra lời của Pascal với một nghĩa đảo-ngược rằng tất cả triết-học không đáng giá một giờ khó nhọc. Cố nhiên là không thể chứng-minh được sự bất-tử của linh-hồn một cách thực-nghiệm được: thực-nghiệm chỉ áp-dụng cho một thời-gian hữu-hạn, và khi tôn-giáo nói đến sự bất-tử, thì tôn-giáo dựa vào mạc khải. Nhưng, nếu đứng ở lập-trường thực-nghiệm người ta có thể chứng minh được rằng sau khi xác tan rã, linh-hồn còn tồn tại một thời gian, là một điều có thể và cũng là có lẽ nữa, thì cũng đã là một chút gì, cũng đã là khá lắm. Rút hẹp vào mức-độ khiêm-tốn ấy, vấn-đề triết-lý về số mệnh linh-hồn đối với tôi, không còn là nan-giải chút nào. Này một bộ óc đang hoạt-động. Này một ý-thức đang cảm-nghị, đang suy-tư và đang ước muốn. Nếu hoạt-động của óc não đổi chiều với toàn-thể ý-thức, nếu hiện-tượng óc-não tương-đương với hiện-tượng tinh-thần, thì ý-thức có lẽ cũng theo số-kiếp của óc não, và cái chết chấm dứt tất cả: ít nữa là kinh-nghiệm không nói ngược lại, và nhà triết-học, nếu muốn quả-quyết là linh-hồn bất tử, sẽ phải xây đắp lý-thuyết của ông trên những lý-luận siêu-hình, một công việc thường là mỏng manh. Nhưng, như chúng ta đã thử chứng-minh, nếu sinh-hoạt tinh-thần vượt hẳn sinh-hoạt óc não, nếu óc não chỉ diễn ra thành vận-động một phần nhỏ những hiện-tượng tâm-linh, thì sự bất tử của linh-hồn trở nên có vẻ rất hữu-lý khiến cho nhiệm vụ chứng minh ngược lại là phận-sự của người phủ-nhận chứ không phải là của người chấp nhận; vì lý-do duy-nhất để tin tinh-thần tan-biến, sau lúc đã chết, là người ta nhìn thấy thể xác tan rã; nhưng nếu hầu như toàn-thể ý-thức không lệ-thuộc thể xác cũng là một hiện-trạng quan-sát được, thì lý do ấy không còn giá trị nữa.

Giải-quyết vấn-đề bất-tử của linh-hồn cách ấy, bắt nó từ bỏ những chỗ cao-siêu mà triết-học cổ-truyền đã đặt nó lên, và đem nó vào địa-hạt thực-nghiệm, làm như thế, cố-nhiên là chúng ta từ chối không muốn có được lập-tức một giải-pháp thấu-đáo cho vấn-đề, nhưng biết làm sao? Trong triết-học, cần phải biết lựa chọn hoặc là lý-luận thuần-lý nhắm-đạt một kết-quả dứt-khoát, không thể cải-tiến vì được coi như đã hoàn-hảo, hoặc là một sự quan-sát nhẫn-nại, chỉ đem lại những kết-quả phỏng-chứng, nhưng có thể sửa đổi và bổ-túc mãi-mãi. Phương pháp thứ nhất, vì muốn đem lại cho chúng ta một sự xác-thực ngay lập-tức, nên nó làm cho chúng ta phải ở mãi trong cái chỉ là có lẽ (le simple probable) hay đúng hơn, trong cái thuần có thể (le pur possible) vì nhiều khi phương-pháp ấy có thể giúp để chứng-minh như nhau hai luận-đề đối-lập, cũng đều mạch-lạc, cũng đều nghe được cả.

Phương-pháp thứ hai, đầu tiên, chỉ nhắm đạt đền cái có lẽ, nhưng vì nó tác động trong một địa-hạt mà cái có lẽ có thể tăng thêm mãi không cùng, nên dần dần nó đưa chúng ta đến một trạng-thái thực ra cũng bằng sự xác thực. Trong hai lối triết-lý ấy, tôi đã chọn một. Tôi rất sung-sướng, nếu tôi đã có thể giúp vào việc hướng-dẫn sự lựa chọn của các Ngài một phần nào, dẫu là rất ít.

BERGSON. Năng-lực tinh-thần. Mục II.

L.M. CAO VĂN LUẬN dịch.

 

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

nguyễn hữu phước - 14:16 06/04/2021
thưa cha, cho con hỏi :Không biết được linh hồn con người, nhưng tại sao các triết gia cố gắng làm công việc này?
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt