Tạp chí ĐẠI HỌC
MỘT QUAN NIỆM ĐẠO ĐỨC MỸ
LÊ VĂN DIỆM
Lê Văn Diệm. “Một quan niệm đạo đức Mỹ”. Tạp chí Đại học, số 4, tháng 8-1961, tr. 51-57. | Bản điện tử bài viết do bạn Quế Hương thực hiện.
Cũng như các tư tưởng chính trị, kinh tế xã-hội, và quan niệm văn nghệ, tư tưởng tôn giáo cũng giữ một phần quan trọng trong lịch-sử văn-minh các quốc gia nói chung, và Hoa-kỳ nói riêng. Một phần nào tôn giáo là một sinh hoạt tinh thần của con người, có một giá trị và dựa vào một thực tại riêng biệt không tùy thuộc địa phương và lịch-sử; nhưng một phần khác tôn giáo lại là thành phần và là một định chế, một tổ chức của một hệ thống văn-minh, có liên quan chặt chẽ với những hoạt động khác của nền văn-minh ấy. Bởi vậy một kinh tế sử gia, một nhà xã-hội hay chính trị học thường cần biết về công tác của sử gia tôn giáo, cũng như ngược lại, ông cần theo dõi công tác của những ông kia. Nói gần đề mục của bài này hơn, những quan niệm tôn giáo và đạo đức cũng tác động mạnh mẽ để đưa đẩy lịch-sử, uốn nắn đường lối diễn tiến của một quốc gia cùng những nét đặc sắc của một nền văn-minh. Quan niệm đạo đức của một dân tộc đứng sau thái độ và những định chế của họ. Người Á Đông có thể bảo rằng xã-hội và văn-minh Hoa-kỳ là vật chất; nhưng khi ta đã thông cảm với một vài quan niệm đạo đức của Hoa-kỳ và chuyển quan điểm của ta theo thông cảm mới thì ta sẽ nghĩ lại và tự hỏi: họ hướng về vật chất hay họ đã dựa trên một căn bản tinh thần? Mục đích bài này không phải là chứng minh rằng văn-minh Mỹ là vật chất hay nó là tinh thần, nhưng là phỏng tả lại một quan niệm đạo đức của những vị lãnh đạo Tân Anh-Quốc (New England) hồi thế kỷ thứ 17, tức là thuộc vào giai đoạn đầu tiên của lịch-sử Hoa-kỳ. Tân Anh-Quốc là một nhóm các tiểu bang ở miền Đông Bắc của xứ ấy, và Tân Anh-Quốc đã có ảnh hưởng lớn trong sự tiến triển của Liên Bang. Giai cấp lãnh đạo của Tân Anh-Quốc hồi ấy phần nhiều gồm những vị có cả quyền lực chính trị và uy tín tôn giáo và văn hóa. Có nhiều người vừa là mục sư vừa là người đứng cai quản việc đời. Quan niệm nguyên tắc và đường lối của họ không những đã được ghi trong lịch-sử chính trị mà còn có thể tìm thấy lại trong các bài giảng của họ ở nhà thờ; vì trong thực trạng và theo lý thuyết của họ, Tân Anh-Quốc phải đồng thời là một quốc gia và là “nước Chúa”. Hạng người lãnh đạo này nguyên là người Anh thuộc phái duy-thanh (Puritanism) tức là một phái của Cơ-Đốc giáo. Tuy rằng Cơ-Đốc giáo đã trở thành quốc giáo ở Anh, phái duy-thanh vẫn cho Cơ-Đốc giáo ở Anh là còn thủ cựu, và đối với họ hệ thống tôn giáo cùng chính trị, xã-hội và văn hóa ở Cựu Thế-giới và Anh-Quốc cần phải sửa đổi thêm nữa. Vì chống đối với chế độ đương thời ở nước nhà và vì thế bị truy tố nên họ bỏ quê hương qua Mỹ với mục đích cao cả là xây dựng một tân thế-giới theo quan niệm tôn giáo và chính trị của họ và xa lìa thế-giới cũ mà họ đã hư hỏng quá nhiều. Đối với hạng người lãnh đạo Tân Thế-giới này phương pháp phụng thờ Thượng-Đế và thực hiện đạo đức như thế nào? Để hiểu rõ điểm sắp đề cập đến, tức là mục đề của bài này, ta nên biết qua về tình trạng cô đơn tinh thần của họ. Họ đã bác bỏ những định chế và truyền thống của Cựu Thế-giới mà họ cho là không hợp lý, và nhất là họ triệt để bài xích đẳng cấp và cách phụng thờ của giáo hội Rôma và giáo hội Anh-Quốc mà họ cho là quá ỷ cậy vào quyền người và tượng hình nghi lễ. Dưới mắt họ, tượng hình và nghi lễ của Giáo Hội Rôma có tính cách khêu gợi cảm giác xác thịt hơn là trí-tuệ và tinh thần. Thượng-Đế của phái duy-thanh không ngự sau những cảm giác và cảm tình rối ren vu vơ và những truyền thống bế tắc và vô lý, vì đấy là những mưu tà của Satan và của thế gian xác thịt muốn làm mờ ám trí-tuệ và tiêu tan năng lực thiêng liêng của thánh nhân đang lúc họ phải xây nước Chúa. Những vị lãnh đạo Tân Anh-Quốc quan niệm nhân loại chia ra hai hạng người: một số ít là thánh nhân được ơn phép của Chúa thì ở trong vùng sống tái tạo, còn phần đông nằm la liệt trong vừng tối tăm bê bối của tội lỗi; phần này là phần sa đọa không hy vọng gì được cứu vớt. Người đời không thể phân biệt được ai thuộc vào hạng nào; nhưng dù thuộc vào bên nào đi nữa tín đồ phái duy-thanh cũng phải đứng trong một tình trạng cô đơn tinh thần: một đàng, nếu anh biết được rằng anh là thánh nhân nhờ ơn phép của Chúa thì địa vị của anh là một địa vị xa lìa nhân loại hư hỏng; đàng khác, nếu không có ơn phép đặc biệt này thì cố nhiên anh xa lìa Thượng-Đế vì anh đang nằm trong thế gian tội lỗi; nhưng không phải vì vậy mà anh vẫn còn gần người đời, vì trong khi chung sống với người đời, tín đồ xấu số này vẫn ghê tởm thế gian và nhân loại xác thịt và tội lỗi. Vì đó mà những người thuộc phái duy-thanh có khuynh-hướng về lý trí. Suy gẫm (méditation) đối với họ là một phương pháp luyện tập cho lý trí được vững chắc, vì bằng cách luyện tập này tín đồ sẽ có thể phát triển một đời sống và một xã-hội hợp lý và dọn mình đặng mong tìm một dấu hiệu ơn trên trong đời mình. Suy gẫm, xét mình và mở mang một đời sống hợp lý còn là một hoạt động đạo đức vì đó cũng là một tác dụng giúp ta gọt rữa phần xác thịt, tức là phần sống gồm những cảm giác và cảm tình vu vơ vô ích làm tiêu hao năng lực hoạt động chính đáng của đời ta. Ở thế kỷ 16 và 17, Cơ-Đốc Giáo là một hiện tượng sinh ra một thời với những hiện tượng văn hóa khác ở Tây Âu, như sự vãn hồi của khuynh-hướng đi tìm hiểu định luật của vũ trụ thiên-nhiên, sự tiếp diễn nảy nở của tinh thần khoa học (với Galileo, Bacon và Descartes chẳng hạn) sự tiến triển của giai cấp công thương cùng những thái độ triết lý của giai cấp này. Do đầy sự tôn quý những gì hợp lý không phải chỉ là một thái độ tôn giáo như vừa nói trên mà thôi, mà còn có thể là một đức tính của một nhà khoa học, kỹ thuật gia hay một công thương gia. Ví dụ, đối với nhà khoa học lý trí là trí-tuệ đi tìm lý tính hay định luật của thiên-nhiên khách quan; và đối với công thương gia những hoạt động hợp lý là những hoạt động xài phí quá nhiều mà vẫn được việc và đem lợi cho mình (có thể giả thiết rằng cái lý trí “công thương gia” này về sau đã hòa hợp với một ý thức nhân đạo để tạo ra thuyết duy-thanh của Bentham). Vì những yếu tố tinh kinh tế và văn hóa như vừa kể nên khuynh-hướng tôn quý một đời sống hợp lý ở Anh và Mỹ hồi ấy không phải chỉ là một đức tính của phái Duy-thanh Hoa-kỳ dùng làm phương pháp gột rửa tâm hồn, mà còn là một đức tính của khoa học và công thương trong một giai đoạn chuyển đổi kinh tế và văn hóa trước khi Tây-phương tiến đến thời đại ngày nay. Khuynh-hướng đi đến một đời sống hợp lý cả tín đồ phái duy-thanh ở thế kỷ 17 (và những thế kỷ sau nữa) là một đức tính có những tác dụng khác và thống đạt cho văn-minh sử gia nhiều ý nghĩa khác ở bên ngoài phạm vi tôn giáo: một đàng nó phụng sự một lý tưởng thiêng liêng, và một đàng khác nó chi phối những thái độ và hoạt động ở đời. Nhưng đức tính yêu chuộng một đời sống hợp lý chỉ là một phần của hệ thống đạo đức của người theo phái duy-thanh ở Tân Anh-Quốc. Ngoài phần này ra còn có những phần khác như đức tính khắc khổ, đức tính theo đuổi nghề nghiệp và đức tính ưa đời sống tập đoàn, tất cả đều liên quan chặt chẽ với nhau. Người theo phái duy-thanh phải khắc khổ vì lẽ trước hết là họ cố gắng tạo lập một đời sống hợp lý để xây dựng và đồng thời họ phải từ bỏ đời sống vu vơ “xác thịt”. Khi đã có chút hy vọng rằng mình là người được ơn Chúa để làm thánh nhân, thì họ cố cặm cụi và ý tứ giữ mình không để cho những cảm tình hoan lạc của thế gian cám dỗ. Họ tìm cách minh chứng hay xác định bằng mọi ý nghĩ và mọi việc làm rằng mình là thánh nhân. Họ tự buộc thân vào một phận sự thiêng liêng, tức là xây dựng “nước Chúa”. Họ phương-pháp-hóa mọi hoạt động của họ để tiến đến mục đích này. Có một đặc điểm phải nêu ra để phân biệt thứ khổ tu của người theo phái duy-thanh Tân Anh-Quốc, – như Max Weber đã giảng giải trong quyển The Protestant Ethic and The Spirit of Capitalism của ông – tức là lối khổ tu này là một thứ khổ tu trong thế gian chứ không phải ngoài thế gian như khổ tu của Công giáo trung cổ. Khác với công giáo, khổ tu của phái duy-thanh không cần tu viện. Đối với người Công Giáo Trung Cổ, tu viện là một nơi để đào luyện nuôi dưỡng những cảm tình thiêng liêng mà họ cho rằng người đời lơ đãng không tha thiết noi theo thường ngày chính là nhà tu của họ. Phái này không có nhà dòng, luật. Trái lại, theo quan niệm phái duy-thanh thì đời hoạt động và cuộc sống dòng, không mặc áo hay mang dấu hiệu như Công Giáo. Không có hạng người theo phái duy-thanh nào vì đạo mà đứng biệt lập ra khỏi đời. Thánh nhân duy-thanh sống như người thường và tận tình tận lực sinh hoạt và làm mọi việc ở đời. Dưới mắt người ngoài họ cũng theo đuổi những mục đích của xã-hội loài người. Họ có thể là thầy giảng đạo, nhà buôn, công nghệ hay chính trị gia, luật sư, giáo sư hay y-sĩ, cũng mãnh liệt tranh đua với người thế gian để được thăng tiến và phát đạt. Họ cũng khai mỏ, dựng xưởng, mở nhà hàng, nhưng trong khi hăng hái cố gắng thừa hành chức vụ hay nghề thì họ tin rằng họ là quân lính của Thượng-Đế hay là những người thợ đang xây nước Ngài. Họ quan niệm những hoạt động đời mà họ đang theo đuổi đấy là một cách phụng thờ sẽ tiếp tục cho đến ngày họ chết. Là những vị khổ tu của thời đại mới, họ cho đời hoạt động hữu ích và theo một niềm tin là một bài kinh; và thế gian hoạt động là nhà thờ của họ. Họ ưa chuộng đức tính được việc, họ vui mừng thấy kết quả, nhưng họ luôn luôn giữ mình để khỏi bị kết quả vật chất cám dỗ xác thịt: “Ta phải siêng năng chăm lo việc đời, nhưng đồng thời lòng ta phải chết đi đừng để đời cám dỗ”, đây là lời của John Cotton, một vị lãnh đạo Tân Anh-Quốc thế kỷ 17 khuyên bảo đồng bào của ông. Tín đồ phái duy-thanh không quan niệm thiên chức như Công Giáo Trung Cổ. Thiên chức không phải đào luyện ở nhà dòng, nhưng thiên chức là một nghề nghiệp có ích cho xã-hội mà ta theo đuổi vì ta là người có tin tưởng và đức hạnh. Tín đồ theo phái duy-thanh thi hành thiên chức của họ trong các công việc ở xưởng, ở công trường, ở phòng kế toán, ở nghề thầy giáo… John Cotton lại nói: “khi ta đã tin Thượng-Đế rồi thì tâm hồn ta cũng chưa bình an được, nếu ta chưa tìm ra một nghề lương thiện”. Vì ta phải có một nghề để làm tặng vật dâng lên Thượng-Đế. William Perkins, một mục sư duy-thanh có tiếng ở Anh-Quốc hồi cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17, coi Thượng-Đế như một vị tướng lãnh và người đời như quân đội, mỗi người phải làm một nghề để thi hành chương trình của Ngài cho đến ngày họ chết mới thôi. Vì tôn quý nghề nghiệp và công việc có ích cho xã-hội nên họ đặc biệt ghét các dòng bần-tu và các dòng trầm tưởng thời trung cổ. Tính lười và tính ưa nhàn đối với họ không những là một thói xấu mà còn là một tội lỗi lớn đối với Thượng-Đế. Trong các bài giảng và văn phẩm phái duy-thanh ngày xưa như của Richard Baxter và William Perkins, người ta đã thấy một ít quan niệm về tổ chức công việc một cách hợp lý bằng phương pháp phân chia chuyên môn để tăng sức sản xuất và thêm công hiệu. Perkins coi những công việc vu vơ như công việc anh bồi hay người hầu cận là những việc không phải là chuyên môn và vì thế không thể coi như là một thiên chức trong hệ thống xã-hội. Trong viễn tưởng của họ xã-hội là một tổ chức chặt chẽ, mỗi người thi hành một chức vụ hay công việc rõ ràng và có ích cho toàn thể. Người làm nghề đi săn hay đi đánh bẫy trong rừng một mình thường thường không phải là tín đồ phái duy-thanh, vì hồi thế kỷ 17 và 18 tín đồ phái ấy ở Hoa-kỳ mỗi lần di cư thì họ đi cả đội, cả làng để có đủ bộ phận của một xã-hội tập thể. Vì họ tổ chức công việc hợp lý, vì siêng năng hăng hái và vì luôn luôn giữ mình xa những cám dỗ xác thịt, nên sự theo đuổi một thiên mệnh quan niệm như trên thường thường đưa người tín đồ đến địa vị giàu có. Phái duy-thanh không cấm làm giàu; vả lại tiền của trong trường hợp này có thể là chỉ số đo lòng tin và đạo đức của người theo đạo đã cố gắng làm tròn thiên chức mình để xây nước Chúa. Phải chăng là nếu anh càng kiếm được nhiều tiền của thì tức là đạo đức của anh càng cao? Nhưng một tín đồ nhiều của cải có thể bị lâm vào một tình trạng khó khăn và nguy hiểm cho linh hồn anh ta vì anh dễ bị hoan lạc của thế gian “xác thịt” cám dỗ. Max Weber đã giảng giải liên lạc giữa đạo đức Cơ-Đốc giáo và tinh thần tư bản; ông có nhắc đến John Wesley, một mục sư Cơ-Đốc Anh thế kỷ 18 bị nhiều ảnh hưởng duy-thanh. John Wesley đã suy nghĩ về vấn đề tiền của và đạo đức, và theo ông thì chỉ có một cách giải quyết tình trạng nguy nan của một tín đồ giàu có: tức là người tín đồ giàu muốn tránh cám dỗ của vật chất phải ra sức tiếp tục làm tiền đề giàu thêm nữa và để xa lìa đời đi. Đấy là làm giàu vì Thượng-Đế và vì ta thiết tha với đạo đức. Nếu ta ngừng không theo đuổi thiên chức đời ta nữa thì e rằng ta sẽ rời vào thế-giới xác thịt. Về trường hợp của nhà khổ tu triệu phú này, phải chăng chuyện cái lỗ kim và con lạc đà trong Tân Ước không còn đúng nữa? Nếu tín đồ phái duy-thanh giàu vì họ tận tình và khắc khổ phụng thờ Thượng-Đế thì họ cũng có thể tự coi mình như một người quản lý của cải cho Thượng-Đế. Họ có thể điều khiển những tổ chức thu tiền và tạo tiền và đồng thời sáng lập những tổ chức tiêu và phân phát tiền, như một tổ chức văn hóa hay từ thiện bác ái. Những tổ chức này cũng như những tổ chức trên đều hoạt động một cách hợp lý và thường thường có tính cách vô ngã theo nguyên tắc đạo đức phổ biến hơn là dựa trên thông cảm mất thiết giữa người và người. Inge, một nhà tôn giáo học Anh hiện đại đã nói rằng tín đồ phái duy-thanh cần cù siêng năng làm việc, nhưng không phải vì tham giàu sang; họ có khuynh-hướng hay đứng ra tổ chức xã-hội nhưng không phải vì họ thiết tha với mục đích nâng cao hạnh phúc con người; họ hăng hái thúc đẩy cho sức sản xuất lên cao nhưng lại không cho đồ vật họ chế tạo ra là quý báu. Vì thái độ này nên đạo đức của phái duy-thanh và của các quốc gia có mang ảnh hưởng của phái ấy (như Hoa-kỳ) có những đặc điểm khác với các quốc gia khác ở Tây-phương. Khắc khổ trí-tuệ để tạo một đời sống và một xã-hội hợp lý, khắc khổ về cảm tình để giữ mình xa thế gian “xác thịt”, khắc khổ để theo đuổi thiên chức, tức là một nghề nghiệp nhất định, rõ ràng có ích cho xã-hội hiện giờ và hướng về viễn tưởng nước Chúa ngày mai, đó là khắc khổ của tín đồ phái duy-thanh trong thời kỳ đầu của lịch-sử Hoa-kỳ. Vì sợ thế-giới “xác thịt”, họ huy động và phối-hợp trí-tuệ và năng lực sống vào một đời hoạt động có hệ thống và phương pháp; và số lượng sự nghiệp của họ thường thường họ quan niệm là tiêu chuẩn để đo số lượng năng lực mà họ đã bỏ ra khi họ theo đuổi thiên chức để phụng thờ Thượng-Đế, và do đó cũng để đo mức đạo đức của họ. Người khảo cứu về lịch-sử văn-minh có thể hỏi: vì tinh thần này đã đưa lên cao độ, thế thì đó có phải là tinh thần của những nhà cách mạng kinh tế hay kỹ nghệ hồi trước không? Hay sử gia cũng có thể hỏi câu khác: văn-minh Hoa-kỳ là văn-minh vật chất hay văn-minh tinh thần? Đây là những câu hỏi nên suy nghĩ đến nhưng không thể trả lời trong phạm vi bài này được. Vã lại mỗi nền văn-minh đều có phần vật chất và phần tinh thần. Phạm vi của bài này là đưa ra một quan niệm đạo đức Hoa-kỳ. Và nếu ta có thể coi lịch-sử của một quốc gia như một bức tranh tả cá tính của nước ấy, thì những nét của thế kỷ 17 hay 18 có thể là một phần nào vẫn còn lại đến bây giờ.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC