VẤN ĐỀ 12 THIÊN CHÚA ĐƯỢC CHÚNG TA NHẬN BIẾT NHƯ THẾ NÀO?
Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999.| Xem: Bản dịch tiếng Anh
MỤC 11 Trong lúc sinh thời có ai nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa được chăng?
NGHI VẤN. Hình như ở đời này có người có thể nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa. 1. Ông Giacóp đã nói: “Tôi đã thấy Thiên Chúa mặt đối mặt”. Nhưng thấy mặt đối mặt là thấy theo yếu tính, như lời thánh Tông đồ: “Bây giờ chúng ta thấy qua tấm gương, cách ẩn giấu, nhưng lúc đó sẽ mặt giáp mặt”. Cho nên ở đời này yếu tính Thiên Chúa có thể được ai đó nhìn thấy. 2. Về Môsê, Chúa phán: Ta nói với nó trực diện, nó nhìn thấy Thiên Chúa nhãn tiền chứ không qua ẩn dụ và hình bóng. Nhưng đó là nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa. Cho nên ở đời này, có người có thể nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa. 3. Điều trong đó chúng ta biết mọi vật khác và đoán định về các vật khác, là điều được chúng ta nhận biết trong chính nó. Nhưng ngay hiện nay chúng ta biết mọi sự trong Thiên Chúa. Thực vậy, thánh Augustino nói: “Nếu cả hai chúng ta thấy điều bạn nói là chân thật, và cả hai chúng ta thấy điều tôi nói là chân thật, thì tôi xin hỏi chúng ta thấy điều đó ở đâu? Tôi không thấy nơi bạn, và bạn cũng không thấy nơi tôi: nhưng cả hai chúng ta thấy nơi chính chân lý bất khả biến, vượt trên trí khôn chúng ta”. Cũng vậy, trong sách Về Đạo thật người nói, chúng ta đoán định về mọi sự theo chân lý thần linh. Trong sách Về Chúa Ba Ngôi, thánh nhân nói, nhiệm vụ của lý trí là phán đoán về những vật hữu chất theo những lý lẽ vô chất và trường cửu: những lý lẽ không thể là bất khả biến nếu không vượt trên trí tuệ. Cho nên ngay ở đời này chúng ta nhìn thấy chính Thiên Chúa. 4. Theo thánh Augustino, những chi ở trong linh hồn theo yếu tính thì được nhìn thấy bằng cái nhìn của trí năng. Nhưng chính thánh nhân lại nói, cái nhìn của trí năng về những điều khả hội thì không thể hiện bằng ảnh niệm, mà bằng chính yếu tính của những điều ấy. Cho nên vì Thiên Chúa ngự trong linh hồn chúng ta theo yếu tính, nên được chúng ta nhìn thấy theo yếu tính. NHƯNG. Trong sách Xuất hành có nói: “con người không thể thấy Ta mà vẫn sống”. Lời chú giải viết: “Bao lâu ta còn sống ở đời tạm này, Thiên Chúa có thể được nhìn thấy bằng những hình ảnh nào đó, nhưng không thể được nhìn thấy bằng chính ảnh niệm của bản tính Thiên Chúa”. LUẬN GIẢI. Không phàm nhân nào có thể nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa nếu không ra khỏi cuộc sống tạm này. Sở dĩ như thế là vì, như đã nói trên (m.4), cách thức nhận biết thì tương ứng với cách thức hiện hữu của chủ thể nhận biết. Nhưng bao lâu chúng ta còn sống ở đời này, linh hồn chúng ta hiện hữu trong thân thể hữu chất: vì thế linh hồn chỉ có thể biết cách tự nhiên những vật có mô thể trong chất thể, hay những vật mà nó có thể biết được nhờ những vật như thế. Nhưng hiển nhiên là không thể nhờ những vật hữu chất mà biết được yếu tính của Thiên Chúa: thực vậy, như đã chứng minh trên đây (m.2), sự nhận biết Thiên Chúa bằng bất cứ ảnh niệm thụ tạo nào đều không phải là nhìn thấy yếu tính của Người. Vì thế linh hồn phàm nhân, trong khi sống ở đời này, không thể nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa. Bằng chứng về điều đó là, linh hồn ta càng siêu thoát khỏi các vật hữu chất càng có thể nhận biết những điều khả niệm trừu tượng. Vì thế trong giấc mộng và lúc xuất thần thoát ly khỏi giác quan thân thể, người ta nhận được những mặc khải của Thiên Chúa và những dự đoán tương lai cách dễ dàng hơn. Bởi đó, bao lâu còn sống ở đời tạm này, linh hồn không thể được cất nhắc để biết điều khả hội tuyệt đỉnh, là yếu tính Thiên Chúa. GIẢI ĐÁP: 1. Theo Dionysio, sở dĩ Thánh Kinh nói có người được nhìn thấy Thiên Chúa là có ý nói về những hình thù khả cảm hay tưởng tượng nào đó, đã được kiến tạo để biểu thị điều của thần linh, bằng sự đồng dạng nào đó. Cho nên việc ông Giacóp nói là được nhìn thấy Thiên Chúa mặt đối mặt, không nên hiểu về chính yếu tính Thiên Chúa, mà về hình thù biểu thị Thiên Chúa. Còn sự kiện nhìn thấy Thiên Chúa đích thân phán dạy, dù trong thị kiến tưởng tượng, thì đó là một đặc trưng cao viễn của sứ ngôn, như sẽ nói sau (I-II vđ.174, m.3) khi bàn về các bậc ngôn sứ. — Hoặc ông Giacóp nói thế để chỉ một trạng thái trác tuyệt của trí khôn chiêm niệm, trổi vượt trên bậc thông thường. 2. Như Thiên Chúa hoạt động cách siêu nhiên trên những vật hữu hình bằng phép lạ thể nào, thì ngoài trật tự thông thường, Người cũng cất nhắc cách siêu nhiên trí khôn của người đang sống trong xác thịt, nhưng không dùng giác quan thể ấy, đến độ được hưởng kiến yếu tính của Người, như thánh Augustino nói về ông Môsê, là thầy dạy dân Do thái, và về thánh Phaolô, là thầy dạy Dân ngoại. Điều này sẽ được bàn rộng hơn khi đề cập đến về sự Ngất trí (I-II, vđ.175, a.3). 3. Sở dĩ chúng tôi nói, nhìn thấy mọi sự trong Thiên Chúa, và theo Người mà phán đoán mọi sự, là vì nhờ thông dự ánh sáng của Người chúng ta biết mọi sự và phán đoán về mọi sự: vì chính ánh sáng tự nhiên của lý trí là một thứ thông dự ánh sáng thần linh; như chúng ta nói nhìn thấy và đoán định mọi vật khả cảm dưới mặt trời, nghĩa là nhờ ánh sáng mặt trời. Vì thế thánh Augustino viết: Chỉ có thể nhìn thấy toàn cảnh các khoa học khi chúng được soi sáng bởi cái gì như mặt trời của nó, nghĩa là bởi Thiên Chúa. Vậy, như để nhìn thấy đối tượng nào theo giác quan thì không cần phải trông thấy bản thể mặt trời, thì để nhìn thấy điều gì theo trí khôn cũng không cần phải trông thấy yếu tính Thiên Chúa. 4. Cái nhìn của trí khôn liên quan đến những điều ở trong linh hồn theo yếu tính thì như những điều khả hội ở trong trí khôn. Vậy Thiên Chúa ở như thế trong linh hồn những phúc nhân, chứ không phải trong linh hồn ta; Người hiện hiện trong linh hồn ta theo sự hiện diện, yếu tính và quyền năng.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC