Thuyết Duy tâm Đức

Lời tựa cho lần xuất bản thứ ba (1830)

 

BÁCH KHOA THƯ CÁC KHOA HỌC TRIẾT HỌC

MỤC LỤC

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

LỜI TỰA

CHO LẦN XUẤT BẢN THỨ BA (1830)

 

G.W.F. HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


G.W.F. Hegel. Bách khoa thư các khoa học triết học 1: Khoa học lôgíc (Logik der Enzyklopädie). Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2008, tr. 11-33. | Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn đã được dịch giả Bùi Văn Nam Sơn cho phép.


 

 

1. Trong lần xuất bản thứ ba này, chúng tôi đã cải tiến rất nhiều chỗ và nhất là đã cố gắng tăng cường sự rõ ràng và chính xác trong việc trình bày. Tuy nhiên, do mục đích của giáo trình này là một bộ cương yếu, nên văn phong của nó vẫn giữ nguyên tính cô đọng, hình thức và trừu tượng. | Quyển sách không thay đổi nhiệm vụ [nguyên thủy] của nó, vì thế, việc giảng thêm để làm sáng tỏ sẽ được trình bày bằng miệng.

2. Kể từ lần xuất bản thứ hai [1827] đến nay đã có khá nhiều những nhận xét về phương pháp nghiên cứu triết học của tôi, – nhưng tiếc thay, tuyệt đại bộ phận những nhận xét ấy đều cho thấy rõ tính không chuyên nghiệp. | Những phản ứng thiếu thận trọng như thế trước những công trình đã được nghiền ngẫm thấu đáo suốt bao năm trời và đã được thực hiện với tất cả sự nghiêm chỉnh mà đối tượng nghiên cứu lẫn sự trình bày khoa học đòi hỏi thật chẳng mang lại cho ta chút niềm vui nào khi phải nhìn thấy toàn là những động cơ không tốt lành của sự tự phụ, ngạo mạn, ghen tỵ và khinh thường v.v… đang đổ dồn vào cho chúng, và càng không thể học hỏi thêm được chút gì từ những nhận xét ấy. Trong quyển II của bộ Tusculanae disputationes (II, 4), Cicero đã viết: “Est philosophia paucis contenta judicibus, multitudineus consulto ipsa fugiens, eique ipsi et invisa et suspecta; ut, si quis universam velit vituperare, secundo id populo facere possit”. [Latinh: “Triết học chỉ vừa lòng với một số rất ít những người phán xử mà thôi và nó cố tình tránh né đám đông: trước mắt đám đông, triết học vừa khả nghi vừa bị căm ghét, nên ai muốn đả phá triết học một cách toàn bộ, có thể dễ dàng làm điều ấy với sự ủng hộ của đám đông quần chúng”]. Việc đả phá triết học càng nông cạn và thiếu nghiêm chỉnh bao nhiêu, càng dễ thu phục lòng người bấy nhiêu! Sự mê cuồng nhỏ mọn ấy càng dễ nhận ra trong dư âm phản hồi từ nhiều người khác, và tất nhiên, cũng song hành với sự thiếu hiểu biết tương tự của những người này. Những đối tượng khác thì đập ngay vào mắt hay được mang lại trong toàn cảnh trực quan dành cho sự hình dung bằng biểu tượng, nên người ta thấy cần thiết phải hiểu biết – dù chút ít – về những đối tượng ấy mới có thể chõ miệng vào, đó là chưa nói đến việc chúng được “lý trí lành mạnh” của con người dễ nhận ra hơn, bởi chúng hiện diện trong sự quen thuộc, vững chắc. Nhưng, vì lẽ triết học thiếu tất cả những điều ấy nên người ta đã không ngượng ngùng dùng chính việc thiếu này để chống lại triết học, hay đúng hơn, để chống lại một hình ảnh trống rỗng, bịa đặt nào đó về triết học do chính sự dốt nát về nó đã tưởng tượng ra. | Sự dốt nát này không có gì [“cụ thể”] trước mắt để tự định hướng, do đó, cứ lẩn quẩn mãi trong lối ăn nói bất định, trống rỗng và vô nghĩa. Ở nơi khác[1], tôi đã phải làm công việc bất đắc dĩ và tốn công vô ích là vạch trần thực chất của một số trong những hiện tượng ấy, những hiện tượng đã được dệt nên toàn bằng sự mê cuồng và dốt nát.

3. Trong thời gian gần đây, dường như đã có dấu hiệu cho thấy một nỗ lực nghiên cứu nghiêm chỉnh hơn về Thượng đế, về những điều thiêng liêng và lý tính ở trong một quy mô khoa học rộng hơn xuất phát từ cơ sở của thần học và cả của kinh nghiệm tôn giáo[2]. Nhưng ngay khởi điểm của phong trào này đã không cho phép ta hy vọng được gì nhiều ở kết quả của nó, bởi động lực của phong trào xuất phát từ “những cá nhân”, và, do đó, từ cả hai phía: phía cáo buộc (là những người xiển dương sự sùng tín từ “trái tim”) lẫn phía bị cáo buộc (là những người chủ trương sự tự do của lý tính) đều không phía nào nâng mình lên được đến “bản thân Sự việc”, và càng không đi đến được ý thức rằng: muốn bàn về bản thân Sự việc này, phải bước vào mảnh đất của triết học. Sự đả kích cá nhân ấy – dựa trên những chi tiết hết sức ngoại tại của tôn giáo – thể hiện rõ trong yêu sách kinh khủng của những người tự cho mình có toàn quyền để sẵn sàng “khai trừ” những người khác ra khỏi Kitô giáo và đóng vào trán họ dấu ấn của sự trừng phạt ở trên thế gian và đời đời. Dante, nhờ vào cảm hứng thi ca thần thánh, đã tự cho mình có quyền nắm lấy chìa khóa Thiên đàng của Thánh Phêrô để kết án đích danh nhiều người đương thời – kể cả nhiều Giáo hoàng và vua chúa – phải bị trừng phạt trong Hỏa ngục, nhưng họ đều là những người đã quá cố! Một trong những trách cứ có tính phỉ báng chống lại một nền triết học hiện đại nào đó là cho rằng trong đó cá nhân con người tự thiết định chính mình như là Thượng đế[3], nhưng so sánh với trách cứ dựa trên một sự suy diễn sai lầm ấy thì tham vọng tự cho mình có vai trò làm người phán xử trên thế gian, có quyền tước bỏ tinh thần Kitô(a) nơi những cá nhân khác và phán truyền lời kết tội về họ lại là một tham vọng thuộc loại hoàn toàn khác. Khẩu hiệu lỗi thời của thứ quyền uy tuyệt đối này là “nhân danh Đức Kitô” và sự khẳng quyết rằng Đức Kitô ngụ ở trong tim những người phán xử ấy. [Thế nhưng], chính Đức Kitô đã nói (xem: Tin mừng theo Thánh Mathiêu 7: 20, Tân Ước): “Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai”, và, quả thật, sự láo xược kinh khủng của việc kết án và trừng phạt nói trên nhất định không phải là một thứ hoa quả tốt. Đức Kitô nói tiếp: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! (…) Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” Và bấy giờ Thầy đã tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” (nt, 7.21, 22). Những ai cam kết với ta rằng họ chiếm hữu độc quyền tinh thần Kitô và đòi hỏi cùng một đức tin như thế từ những người khác đã không hề mang đức tin của mình để trừ quỷ, trái lại, giống như những kẻ tin vào thầy bói, có xu hướng vui mừng thấy mình giao hảo được với đám đông ma quỷ mà họ vốn sợ hãi, thay vì đả phá và dẹp bỏ những lời dối trá ấy của một thứ mê tín phản-Kitô đầy tinh thần nô lệ. Họ cũng không hề có năng lực nói lên được những lời hiền minh, và hoàn toàn không đủ sức làm được điều gì lớn lao về nhận thức và khoa học vốn là sứ mệnh và bổn phận của họ: sự uyên bác suông thì chưa phải là khoa học. Vì chỉ quá bận tâm với vô số nhiều điều bề ngoài, không quan trọng của đức tin, trong khi chỉ biết đơn giản “nhân danh Chúa Kitô” trong những gì liên quan đến nội dung thực chất và trí tuệ của bản thân đức tin, nên họ đã cố tình xem nhẹ việc phát triển học thuyết vốn là cơ sở cho đức tin của giáo hội Kitô giáo. | Một khi sự khai triển [của học thuyết] một cách khoa học, nghĩa là đầy tính tinh thần và tư duy, bị phá rối, thậm chí bị ngăn cấm và triệt tiêu, thì sự tự phụ chủ quan tha hồ huênh hoang về những cam kết vô-tinh thần và vô-kết quả – toàn là những hoa quả xấu xa – rằng họ là kẻ chiếm hữu – và chiếm hữu độc quyền – tinh thần Kitô giáo. Trong Kinh Thánh, “việc khai triển tinh thần” mà tôi vừa nói được phân biệt một cách có ý thức đầy đủ nhất với “đức tin” đơn thuần. Đức tin chỉ trở thành Chân lý bằng sự khai triển này. Đức Kitô nói: “Ai trọn lòng tin vào tôi thì từ lòng người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Tin mừng theo Thánh Gio-an, 7: 38, Tân Ước). Rồi lập tức, điều này được giải thích và xác định rõ ở câu 39: không phải đức tin đơn giản vào nhân cách hiện tiền, cảm tính, nhất thời của đức Kitô có thể mang lại phép lạ này, bởi Ngài chưa phải là Chân lý xét như là Chân lý. Trong câu 39, đức tin vừa nói được xác định như sau: đức Kitô nói ở đây về Tinh thần [Thần khí] mà những ai tin vào Ngài ắt sẽ được lãnh nhận, bởi đức Thánh linh đã chưa có mặt ở đây, bởi bản thân đức Jêsu đã chưa được tôn vinh. Hình thái vẫn chưa được tôn vinh của đức Kitô là nhân cách hiện diện một cách cảm tính ở trong thời gian trước đây hay được hình dung ở trong thời gian sau này (thực ra là cùng một nội dung). | Đó chính là đối tượng trực tiếp của lòng tin. Trong sự hiện diện [lịch sử] này, bản thân đức Kitô khải thị bản tính vĩnh hằng của Ngài cho những môn đồ bằng lời nói. | Ngài cũng khải thị sứ mệnh của Ngài là hòa giải Thượng đế với bản thân Ngài và giữa Ngài với con người, cũng như khải thị cả con đường của sự cứu chuộc và học thuyết về đạo đức. | Thế nhưng, cho dù đức tin ấy có kiên cố đến mấy đi nữa thì vẫn bị tuyên bố rằng đó chỉ mới là sự bắt đầu, mới là điều kiện cơ bản chứ chưa được hoàn chỉnh. Những ai đã tin vào điều ấy thì vẫn chưa có được Tinh thần [Thần khí]; họ vẫn còn phải [làm nhiệm vụ để] “lãnh nhận” nó nữa. Tinh thần, bản thân Chân lý, [tức] Tinh thần dẫn ta đến toàn thể Chân lý chỉ đến sau đức tin này. Song, những tín đồ tân tòng của chúng ta lại cứ đứng yên trong sự xác tín vốn chỉ mới là điều kiện; và sự xác tín này – bản thân chỉ là sự xác tín chủ quan – chỉ mang lại hoa quả chủ quan của sự cam kết, khẳng quyết đơn thuần hình thức, và cùng với nó, là sự kiêu ngạo, phỉ báng và kết án người khác. Trái ngược lại với Kinh Thánh, họ chỉ khư khư bám giữ sự xác tín và chống lại Tinh thần, trong khi Tinh thần mới là sự “khai triển” của nhận thức, và chỉ có như thế mới là Chân lý.

4. Lòng sùng mộ [đơn thuần] chia sẻ sự nông cạn về nội dung tinh thần và khoa học cùng với trào lưu bị nó biến thành đối tượng trực tiếp của sự cáo buộc và lên án: sự “khai minh” của giác tính(a). Bằng lối tư duy trừu tượng và đơn thuần hình thức, thiếu hẳn mọi nội dung thực chất, sự “khai minh” này đã tước bỏ hết mọi nội dung của tôn giáo, chẳng khác gì lòng sùng mộ ấy đã làm bằng cách quy giảm đức tin vào khẩu hiệu cũ rích: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” Về phương diện này, chẳng có bên nào hay ho hơn bên nào, và vì lẽ cả hai đương đầu với nhau trong một sự đối kháng đơn giản, nên chẳng còn có chút chất liệu nào để hai bên có thể tiếp cận được với nhau, có thể tìm được một mảnh đất chung để có thể cùng đi vào một sự nghiên cứu hầu kỳ cùng đạt tới nhận thức và chân lý. Về phần mình, thần học-khai minh[4] cố thủ trong chủ nghĩa hình thức của riêng nó, nghĩa là, nó viện đến sự tự do lương tâm, tự do tư tưởng, tự do giảng dạy, và cả tự do cho lý tính và khoa học nữa. Dĩ nhiên, sự tự do này là phạm trù thuộc về quyền vô hạn của Tinh thần, và, với tư cách ấy, nó là điều kiện đặc thù khác của Chân lý vốn đi cùng với đức tin như là điều kiện đầu tiên. Thế nhưng, lương tâm tự do và đích thực chứa đựng những gì xét như những quy định và lề luật hợp lý tính; đức tin và tư tưởng tự do có những gì để giảng dạy như là nội dung của nó thì vấn đề thực chất này không được đề cập đến. | Họ chỉ cố thủ chủ nghĩa hình thức của cái phủ định và cố thủ sự tự do để tự do lấp đầy tùy theo tư kiến và ý thức của họ, còn bản thân nội dung, về nguyên tắc, thì không được đếm xỉa đến. Một lý do khác cắt nghĩa tại sao phía [khai minh] này không thể đến gần được với bất kỳ nội dung nào, đó là: cộng đồng Kitô giáo phải và luôn phải được hợp nhất bằng sợi dây liên kết của một nguyên tắc giáo lý hay một sự tuyên tín, trong khi đó, “giòng nước vô hồn” của giác tính, với những cái phổ biến chung chung và thuyết duy lý trừu tượng của nó(a) không thể dung thứ đặc trưng của một nội dung và nguyên tắc giáo lý Kitô giáo được phát triển đầy đủ và xác định một cách nội tại. Ngược lại, phía bên kia thì chỉ biết dựa vào công thức “Lạy Chúa! Lạy Chúa” như là câu thần chú “Vừng ơi, mở cửa ra!” hoàn toàn xem nhẹ việc lấp đầy lòng tin với tư cách là Tinh thần, nội dung thực chất và Chân lý.

5. Thế là một đám bụi mù của lòng kiêu ngạo, ác tâm và sự lạm dụng của cá nhân nhất định sẽ bị khuấy lên cùng với những điều phổ biến chung chung, trống rỗng, trong khi đức tin chẳng có được kết quả nào: nó đã không thể bao chứa được nội dung, nó cũng không thể dẫn đến thực chất và sự nhận thức. Triết học ắt có thể rất hài lòng thấy mình được đứng ngoài cuộc chơi này. Chỗ đứng của triết học là ở bên ngoài mảnh đất của những tham vọng ép uổng như thế, của óc cá nhân lẫn của những cái phổ biến chung chung, trừu tượng, bởi, nếu giả sử bị lôi cuốn vào mảnh đất thuộc loại ấy, nó ắt sẽ chỉ gặt hái được những kết quả không thích thú và không bổ ích gì.

6. Khi mối quan tâm lớn nhất và vô-điều kiện của bản tính con người bị suy tàn ngay trong nội dung thực chất sâu xa và phong phú của nó, và khi thái độ tôn giáo – cả thái độ sùng tín ngây thơ lẫn thái độ phản tư [của “thần học khai minh”] – đi đến chỗ thỏa mãn tối đa với cái gì không có nội dung, thì triết học đã trở thành một nhu cầu chủ quan, bất tất. Trong cả hai loại hình của thái độ tôn giáo nói trên, sự quan tâm vô-điều kiện đã được thiết lập trong khuôn khổ của “lý sự” [hữu hạn] khiến cho người ta thấy không cần đến triết học nữa để đáp ứng sự quan tâm ấy. | Thậm chí, đối với sự hài lòng mới được tạo ra trên cơ sở hạn hẹp như thế thì triết học không tránh khỏi bị xem là kẻ quấy rầy. Thế là, triết học hoàn toàn bị phó mặc cho nhu cầu được cảm thấy là hoàn toàn tự do của chủ thể. | Không còn có một sự thúc bách nào đối với chủ thể, trái lại, mỗi khi có nhu cầu, nó có thể hiên ngang chống lại mọi sự nghi ngờ và cảnh cáo. | Nhu cầu ấy chỉ hiện hữu như là một tất yếu nội tâm, mạnh hơn cả chủ thể [bởi] từ đó, Tinh thần của chủ thể được thôi thúc không ngừng nghỉ “phải vượt qua chính mình” và có thể mang lại sự thỏa mãn xứng đáng cho sự thôi thúc của lý tính. Bây giờ, không còn chịu sự thúc ép của bất kỳ quyền uy nào, kể cả quyền uy tôn giáo (thậm chí còn bị quyền uy này xem như là trò xa xỉ thừa thãi, nguy hiểm hay ít ra là đáng ngờ!), nên việc nghiên cứu của chúng ta về khoa học [Triết học] này càng tự do hơn vì chỉ dựa vào sự quan tâm đến bản thân Sự việc và đến Chân lý mà thôi. Nếu, như Aristoteles đã nói, lý thuyết (Theoria) là cái thiên phúc đệ nhất, và là cái Tối hảo trong mọi cái tốt lành [Siêu hình học XII, 7, 1072b 24], thì những ai được tham dự vào sự thụ hưởng này ắt sẽ biết mình có được gì trong đó: sự thỏa mãn cho tính tất yếu của bản tính tinh thần của chính mình. | Họ không cần phải đòi hỏi gì nơi người khác về điều này và cứ để cho những người khác đi theo những nhu cầu của họ và những sự thỏa mãn mà họ tự tìm thấy cho những nhu cầu này của mình. Điều cần phải suy tưởng về sự thôi thúc phải làm công việc của triết học mà không cần kêu gọi ai cả như đã nói trên, đó là: càng ồn ào bao nhiêu thì càng ít thích hợp với công việc này. Tham dự càng sâu và càng nghiêm chỉnh vào triết học thì càng cô đơn trong nội tâm và càng tĩnh lặng đối với bên ngoài. | Sự huênh hoang và hời hợt thì nhanh nhảu và dễ khiến ta vội vã “chõ miệng” vào đủ mọi chuyện. Trong khi đó, sự quan tâm nghiêm chỉnh về một Sự việc – vốn to tát trong bản thân nó và đòi hỏi một lao động lâu dài và gian khổ mới phát triển trọn vẹn được – thì phải đắm mình bền bỉ để theo đuổi nó trong sự tĩnh lặng.

7. Ấn bản lần thứ hai [1827] của Bộ Bách khoa thư này đã sớm cạn nhanh chóng – dù với đặc điểm đã nói: không giúp cho việc nghiên cứu triết học được dễ dàng hơn! – khiến tôi hài lòng nhận thấy rằng: đứng ngoài sự ồn ào náo nhiệt của sự khoa trương và nông cạn, một sự tham dự thầm lặng hơn nhưng đáng tưởng thưởng hơn vào triết học quả đã xảy ra. | Tôi mong mỏi điều ấy cũng sẽ được tiếp tục đối với ấn bản mới lần này.

Berlin, 19 Tháng Chín, 1830.

 



[1] trong “Jahrbücher für wissenschafliche Kritik” / Niên gián phê bình khoa học (1829), trong các số 10, 11, 13 và 14, Hegel đăng hai bài điểm sách về các tác phẩm bàn về triết học của ông.

[2] Ám chỉ cuộc tranh luận giữa tờ báo Evangelische Kirchenzeitung / Nhật báo giáo hội Tin lành và một số đại diện của phân khoa thần học tại đại học Halle (1830).

[3] đây là trách cứ thường dành cho chính triết học Hegel, vì trong đó, con người được xem như có năng lực vươn tới bản thân Tri thức tuyệt đối.

(a) Christlichkeit / Christianity.

(a) die Verstandesaufklärung / the enlightenment of understanding.

[4] Ám chỉ cuộc tranh biện giữa phái thủ cựu chỉ biết dựa vào văn tự của Kinh Thánh với phái những nhà thần học chịu ảnh hưởng của phong trào Ánh sáng. Hegel cho rằng cả hai phía đều sai lầm, và việc lý giải Kinh Thánh từ cả hai phía đều thiếu nội dung tư biện (triết học). (Xem thêm: HTHTT, Cuộc đấu tranh của sự Khai sáng
 

(a) die Allgemeinheiten und Abstraktionen des abgestandenen, nicht lebendigen rationalistischen Verstandeswassers / the lifeless water of the understanding, with its generalities and its abstract rationalism.

 

 

 

chống lại sự mê tín §§541-573, Sđd, BVNS, tr. 1089 và tiếp). [Lưu ý: trước đây, chúng tôi dịch chữ Aufklärung / Enlightenment“Khai sáng”; từ nay đề nghị đổi lại là “Khai minh” cho chính xác hơn về ngữ nghĩa Hán-Việt. Xin cáo lỗi cùng bạn đọc về sự thiếu nhất quán này, BVNS].

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt