Thuyết Duy tâm Đức

Về môn Lôgic học nói chung

PHÊ PHÁN LÝ TÍNH THUẦN TÚY - MỤC LỤC

 

HỌC THUYẾT SIÊU NGHIỆM VỀ CÁC YẾU TỐ CƠ BẢN CỦA NHẬN THỨC

PHẦN II:  LÔ-GÍC HỌC SIÊU NGHIỆM

--- o0o ---

 

DẪN NHẬP Ý NIỆM VỀ MỘT MÔN LÔ GÍC HỌC SIÊU NGHIỆM

1

2

3

4

 

 

I.

VỀ MÔN LÔGÍC HỌC NÓI CHUNG

 

IMMANUEL KANT

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Nguồn: Immanuel Kant. Phê phán lý tính thuần túy. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2004. Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã được dịch giả Bùi Văn Nam Sơn cho phép.


 

 

Nhận thức của ta phát sinh từ hai nguồn suối cơ bản (Grundquellen) của tâm thức: nguồn thứ nhất là quan năng tiếp nhận những biểu tượng (tính thụ nhận những ấn tượng); nguồn thứ hai là quan năng nhận thức một đối tượng bằng các biểu tượng ấy (tính tự khởi* của các khái niệm); thông qua nguồn suối thứ nhất, một đối tượng được mang lại cho ta; thông qua nguồn suối thứ hai, đối tượng ấy được suy tưởng trong quan hệ với biểu tượng trước (vốn chỉ là quy định đơn thuần của tâm thức). Vậy, trực quan và những khái niệm tạo nên các yếu tố của mọi nhận thức chúng ta, khiến cho: những khái niệm mà không có trực quan tương ứng bằng một cách nào đó cũng như trực quan mà không có khái niệm đều không thể mang lại nhận thức nào cả. Cả hai hoặc là thuần túy, hoặc là thường nghiệm. Là thường nghiệm khi chúng chứa đựng cảm giác (cảm giác lại phải có sự hiện diện thực sự của đối tượng làm tiền đề); là thuần túy khi biểu tượng không bị pha trộn với cảm giác nào cả. Người ta có thể gọi cảm giác là chất liệu của nhận thức cảm tính. Do đó, trực quan thuần túy chỉ chứa đựng mô thức nhờ đó một cái gì đó được trực quan, còn khái niệm thuần túy chỉ chứa đựng mô thức của tư duy về một đối tượng nói chung. Chỉ những trực quan hay khái niệm thuần túy mới có thể có được một cách tiên nghiệm, còn trực quan và khái niệm thường nghiệm thì chỉ có thể có một cách hậu nghiệm.

Nếu ta đã gọi tính thụ nhận của tâm thức đối với các biểu tượng trong chừng mực tâm thức bị kích động bằng một cách nào đó là CẢM NĂNG, thì ngược lại, quan năng sản sinh ra bản thân những biểu tượng, hay là tính tự khởi của nhận thức sẽ được gọi là GIÁC TÍNH (DER VERSTAND). Bản tính tự nhiên của ta quy định rằng trực quan không bao giờ có thể gì khác hơn là cảm tính, tức là, chỉ chứa đựng phương cách làm thế nào để ta được các đối tượng kích động. Ngược lại, quan năng suy tưởng về đối tượng của trực quan cảm tính chính là giác tính. Không quan năng nào có ưu thế [hay quan trọng] hơn quan năng kia. Không có cảm năng, không đối tượng nào được mang lại cho ta, và không có giác tính, không đối tượng nào được suy tưởng. Những tư tưởng không có nội dung thì trống rỗng, những trực quan không có khái niệm thì mù quáng. Vì thế, điều thiết yếu như nhau là phải làm cho những khái niệm trở thành cảm tính (tức thêm vào cho chúng đối tượng trong trực quan) cũng như làm cho những trực quan mang tính tư tưởng (tức đưa chúng vào các khái niệm). Cả hai quan năng (Vermưgen) hay hai năng lực (Fhigkeiten) này không thể chuyển đổi các chức năng của chúng cho nhau. Giác tính không thể trực quan và các giác quan thì không thể suy tưởng điều gì cả. Chỉ từ việc chúng hợp nhất lại, nhận thức mới có thể nảy sinh. Vì thế, người ta không được phép lẫn lộn phần tham gia của chúng, trái lại có lý do rất hệ trọng để phải cẩn thận tách rời và phân biệt chúng ra. Vì lý do đó, chúng ta phân biệt môn học về những quy luật của cảm năng nói chung, tức CẢM NĂNG HỌC (STHETIK) với môn học về những quy luật của giác tính nói chung là môn LÔ GÍC HỌC (LOGIK).

Môn Lô-gíc học, đến lượt nó, có thể được tiến hành theo hai mục đích khác nhau: Lô-gíc học của việc sử dụng giác tính phổ biến và Lô-gíc học của việc sử dụng giác tính đặc thù. Môn học trước bao gồm những quy luật tuyệt đối tất yếu của tư duy, mà không có nó sẽ không có việc sử dụng giác tính nào cả và nó chỉ quan tâm đến việc sử dụng này thôi, không kể đến tính dị biệt của những đối tượng mà nó có thể nhắm đến. Còn môn Lôgíc của việc sử dụng giác tính đặc thù lại chứa đựng những quy luật để tư duy đúng về một loại đối tượng nhất định nào đó. Môn Lôgíc trước [phổ biến] có thể gọi là môn lôgíc học cơ bản (Elementarlogik), còn môn sau là Công cụ (Organon) [phương pháp luận] của ngành khoa học này hay ngành khoa học kia. Lôgíc học đặc thù phần lớn được ưu tiên giảng dạy trong nhà trường như là môn dự bị (Propdeutik) cho các ngành khoa học, mặc dù theo trình tự của lý tính con người, nó là sản phẩm ta đạt được sau cùng một khi ngành khoa học đã hoàn tất từ lâu [đã trưởng thành] và chỉ cần làm động tác tối hậu để chỉnh đốn và hoàn thiện nó. Vì lẽ ta đã phải hiểu biết những đối tượng ở một trình độ khá cao khi muốn đề ra những quy luật làm thế nào để một khoa học về những đối tượng ấy được hình thành.

Môn Lôgíc học phổ biến lại có hai loại: thuần túy hoặc ứng dụng. Trong môn học trước, ta trừu tượng hóa khỏi mọi điều kiện thường nghiệm khi sử dụng giác tính, chẳng hạn khỏi các ảnh hưởng của các giác quan, của trí tưởng tượng, các quy luật của ký ức, sức mạnh của thói quen, của các xu hướng v.v.., tức là khỏi các nguồn gốc của các định kiến, và nói chung khỏi mọi nguyên do làm nảy sinh hoặc ngụy tạo một số nhận thức nào đó, vì chúng chỉ liên quan đến giác tính trong các hoàn cảnh sử dụng cụ thể và để nhận ra chúng, cần phải có kinh nghiệm. Vậy, Lôgíc học phổ biến và thuần túy chỉ bàn đến các nguyên tắc tiên nghiệm và là Bộ chuẩn tắc (Kanon) của giác tính và của lý tính, nhưng chỉ về phương diện hình thức của việc sử dụng chúng, còn nội dung thì tùy ý (thường nghiệm hay siêu nghiệm). Ngược lại, môn Lôgíc học phổ biến sẽ trở thành môn học ứng dụng khi nó hướng đến những quy luật của việc sử dụng giác tính dưới các điều kiện chủ quan thường nghiệm mà môn Tâm lý học dạy cho ta biết. Nó chỉ có những nguyên tắc thường nghiệm, mặc dù những nguyên tắc này có tính phổ biến trong chừng mực áp dụng vào giác tính nói chung, không phân biệt các loại đối tượng. Vì vậy, nó không phải là một Bộ chuẩn tắc của giác tính nói chung, cũng không phải là một bộ Công cụ của các ngành khoa học đặc thù, mà chỉ là phép thanh tẩy (Kathartikon) của giác tính thông thường. [giúp cho giác tính được tỉnh táo, sáng suốt khi hoạt động].

Vậy, trong môn Lôgíc học phổ biến, phần tạo nên học thuyết thuần túy của lý tính phải được tách biệt hoàn toàn với phần ứng dụng (dù phần này vẫn có tính phổ biến như đã nói). Chỉ có phần trước [thuần túy] mới là môn khoa học đích thực, dù ngắn gọn và khô khan và được trình bày theo phong cách học thuật nghiêm chỉnh (schulgerecht) như đòi hỏi của một Học thuyết cơ bản của giác tính. Trong môn học này, các nhà Lôgíc học luôn luôn phải ghi nhớ hai quy luật:

1. Với tư cách là môn Lôgíc học phổ biến, nó trừu tượng hóa khỏi mọi nội dung của nhận thức giác tính cũng như khỏi mọi sự dị biệt của những đối tượng và không làm việc với gì khác hơn là với  thức đơn thuần của tư duy.

2. Với tư cách là môn Lôgíc học thuần túy, nó không có những nguyên tắc thường nghiệm, do đó, không tiếp thu bất cứ điều gì từ môn Tâm lý học (như người ta đôi lúc thường tưởng), vì Tâm lý học không có ảnh hưởng nào đối với Bộ chuẩn tắc của giác tính cả. Lôgíc học thuần túy là môt học thuyết được chứng minh chặt chẽ (demonstrierte Doktrin) và tất cả đều phải có tính xác tín hoàn toàn tiên nghiệm trong môn học ấy.

Còn môn học mà tôi gọi là Lôgíc học ứng dụng (ngược với ý nghĩa thông thường của thuật ngữ này, theo đó Lôgíc học ứng dụng phải bao gồm các bài tập ứng dụng dựa theo các quy luật của phần Lôgíc học thuần túy) là hình dung về giác tính và về các quy luật của việc sử dụng giác tính một cách tất yếu trong các trường hợp cụ thể (in concreto), nghĩa là sự sử dụng giác tính dưới các điều kiện ngẫu nhiên của chủ thể có thể gây cản trở hoặc tạo thuận lợi cho việc sử dụng, và là các điều kiện nhìn chung chỉ được mang lại một cách thường nghiệm. Nó nghiên cứu về sự chú ý, những gì cản trở sự chú ý và các hậu quả của nó, về nguồn gốc của sai lầm, của các trạng thái hoài nghi, do dự, tin tưởng v.v.. | Lôgíc học phổ biến và thuần túy quan hệ với Lôgíc học ứng dụng giống như môn Đạo đức học thuần túy chứa đựng những quy luật đạo đức tất yếu của một ý chí tự do nói chung quan hệ với môn học về đức hạnh (Tugendlehre) là môn học xem xét những quy luật ấy trước các trở lực của tình cảm, xu hướng và đam mê là những gì con người bị lệ thuộc ít hay nhiều, và môn học ứng dụng ấy không bao giờ có thể mang lại một môn khoa học thực sự và được chứng minh chặt chẽ, vì nó – cũng giống như môn Lôgíc học ứng dụng – cần đến các nguyên tắc thường nghiệm và tâm lý học.

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

hh Phi - 14:41 15/02/2017
Cảm ơn hôm nay đã được tìm thấy tài liệu cao cấp hơn của quyển Tôi đang đọc là logic học hình thức ( đại cương)
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt