Thuyết Duy tâm Đức

Về việc chia lôgíc học phổ biến ra thành phân tích pháp (analytik) và biện chứng pháp (dialektik)

PHÊ PHÁN LÝ TÍNH THUẦN TÚY - MỤC LỤC

 

HỌC THUYẾT SIÊU NGHIỆM VỀ CÁC YẾU TỐ CƠ BẢN CỦA NHẬN THỨC

PHẦN II:  LÔ GÍC HỌC SIÊU NGHIỆM

--- o0o ---

 

DẪN NHẬP Ý NIỆM VỀ MỘT MÔN LÔ GÍC HỌC SIÊU NGHIỆM

1

2

3

4

 

 

III.

VỀ VIỆC CHIA LÔGÍC HỌC PHỔ BIẾN RA THÀNH 

PHÂN TÍCH PHÁP (ANALYTIK) VÀ BIỆN CHỨNG PHÁP (DIALEKTIK)

 

IMMANUEL KANT  (1724-1804)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Nguồn: Immanuel Kant. Phê phán lý tính thuần túy. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2004. Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã được dịch giả Bùi Văn Nam Sơn cho phép.


 

Câu hỏi xưa cũ và nổi tiếng mà người ta hay nêu lên để tưởng lầm rằng có thể bắt bí được các nhà lôgíc học, và tìm cách đẩy họ đến chỗ hoặc phải bào chữa theo cách ngụy biện (Diallete) thảm hại hoặc phải thú nhận sự bất tri cũng như tính khoác lác của toàn bộ môn học này, đó là câu hỏi: CHÂN LÝ LÀ GÌ? Trong câu hỏi trên, người ta đã tán thành và giả định một định nghĩa về chân lý là “sự trùng hợp của nhận thức với đối tượng của nó”, nhưng điều người ta thực sự muốn được nghe trả lời lại là: đâu là tiêu chuẩn (Kriterium) phổ biến và chắc chắn để biết được chân lý của một nhận thức?

Để biết đặt câu hỏi đúng cách, người ta cũng cần trưng ra bằng chứng đầy đủ và mạnh mẽ về sự khôn ngoan hay sáng suốt. Bởi vì, nếu câu hỏi tự nó đã vô lý và đòi hỏi những câu trả lời không cần thiết, thì ngoài việc làm cho người đặt câu hỏi cũng phải xấu hổ, câu hỏi ấy đôi lúc còn có hại và dẫn dắt người nghe vô ý đáp lại bằng những câu trả lời cũng vô lý nốt và tạo ra cảnh tượng buồn cười như người xưa nói “kẻ lo đi vắt sữa dê, người lại đi lấy rây mà hứng”.

Nếu chân lý nằm ở chỗ trùng hợp của một nhận thức với đối tượng của nó, thì qua đó, đối tượng này phải được phân biệt hẳn với những đối tượng khác; vì một nhận thức là sai, nếu nó không trùng hợp với đối tượng mà nó quan hệ, mặc dù nó vẫn chứa đựng những gì có thể là đúng với những đối tượng khác. Trong khi đó, một tiêu chuẩn phổ biến của chân lý phải là tiêu chuẩn có giá trị cho mọi nhận thức không phân biệt những đối tượng của chúng. Thế nhưng, điều rõ ràng là với tiêu chuẩn đó, người ta trừu tượng hóa khỏi mọi nội dung của nhận thức (quan hệ với đối tượng), còn chân lý lại chỉ liên quan đến chính nội dung này, nên quả là hoàn toàn vô lý và không thích hợp khi nêu câu hỏi về một đặc điểm của chân lý cho nội dung này của nhận thức và thế là, không thể nào mang lại một dấu hiệu (Kennzeichen) [tiêu chuẩn] vừa đầy đủ lại đồng thời vừa phổ biến của chân lý. Vì trên đây ta đã gọi nội dung của một nhận thức là “chất liệu” của nó, nên người ta phải nói rằng: “về mặt chất liệu, không thể đòi hỏi có được một dấu hiệu [tiêu chuẩn] phổ biến cho chân lý của nhận thức, vì tiêu chuẩn ấy là tự-mâu thuẫn trong chính nó.

Nhưng, chỉ xét về mặt hình thức (gạt sang một bên mọi nội dung) của nhận thức, điều cũng rõ ràng là: một môn Lôgíc học – trong chừng mực trình bày những quy luật phổ biến và tất yếu của giác tính – phải nêu được trong những quy luật ấy các tiêu chuẩn của chân lý. Cái gì mâu thuẫn lại với những quy luật ấy là sai, bởi như thế giác tính sẽ tự mâu thuẫn với những quy luật phổ biến của tư duy, tức là tự mâu thuẫn với chính nó. Nhưng các tiêu chuẩn này chỉ liên quan đến hình thức của chân lý, tức của tư duy nói chung, và trong chừng mực đó, là hoàn toàn đúng đắn, song không đầy đủ. Vì dù cho một nhận thức có thể hoàn toàn phù hợp với hình thức lôgíc, tức là không tự mâu thuẫn với chính nó, thế nhưng nó vẫn có thể mâu thuẫn với đối tượng. Cho nên, tiêu chuẩn lôgíc đơn thuần của chân lý – tức là sự trùng hợp của một nhận thức với các quy luật phổ biến và hình thức của giác tính và lý tính – chỉ mới là conditio sine qua non [latinh: điều kiện không có không được], do đó, là điều kiện tiêu cực (negativ) của mọi chân lý, chứ môn Lô gíc học này không thể đi xa hơn được và nó không có hòn đá thử nào để phát hiện sai lầm không liên quan đến hình thức mà liên quan đến nội dung [của nhận thức].

Vậy, môn Lôgíc học phổ biến tháo rời toàn bộ các công việc có tính hình thức của giác tính và lý tính ra thành những yếu tố và trình bày chúng như là các nguyên tắc của mọi sự đánh giá về lôgíc đối với nhận thức của ta. Vì thế, phần này của môn Lôgíc được gọi là PHÂN TÍCH PHÁP (ANALYTIK) và cũng vì thế, ít nhất là hòn đá thử tiêu cực về chân lý khi người ta trước hết phải kiểm tra và đánh giá mọi nhận thức về mặt hình thức căn cứ vào các quy luật này của môn lôgíc, trước khi người ta xem xét về bản thân nội dung để biết các nhận thức có chứa đựng chân lý tích cực (positiv) nào đối với đối tượng hay không. Nhưng bởi vì hình thức đơn thuần của nhận thức dù có trùng hợp với các quy luật lô-gíc bao nhiêu đi nữa cũng vẫn chưa đủ để mang lại chân lý chất liệu [khách quan] cho nhận thức, nên không ai có thể chỉ dùng môn Lô-gíc học đơn thuần mà dám phán đoán về đối tượng và khẳng định một điều gì, nếu không tham khảo các hiểu biết có cơ sở về đối tượng mà người ta đã đạt được từ trước và ở bên ngoài môn Lôgíc, để chỉ sau đó mới thử vận dụng và nối kết các hiểu biết ấy lại thành một cái toàn bộ có hệ thống theo các quy luật lôgíc, hoặc tốt hơn nữa, là kiểm tra chúng chỉ theo các quy luật ấy.

Tuy nhiên, có một điều gì đấy hết sức lôi cuốn khi ta làm chủ được một nghệ thuật có vẻ như mang lại hình thức của giác tính cho mọi nhận thức của ta, mặc dù về mặt nội dung của nhận thức có thể còn rất trống rỗng và nghèo nàn, khiến cho môn Lô-gíc học phổ biến vốn chỉ là một Bộ chuẩn tắc (ein Kanon) để phán đoán lại được sử dụng như một Công cụ (ein Organon) nhằm thực sự tạo ra – hay ít nhất cũng có vẻ tạo ra – các khẳng định khách quan, và như vậy trong thực tế, môn Lôgíc học phổ biến đã bị lạm dụngMôn lôgíc học phổ biến bị hiểu sai như là một Bộ Công cụ, được gọi là BIỆN CHỨNG PHÁP (DIALEKTIK).

Dù ý nghĩa [của từ “biện chứng pháp”] được người xưa sử dụng để đặt tên cho một môn khoa học hay nghệ thuật là rất khác nhau, nhưng người ta có thể căn cứ vào việc sử dụng thực sự của nó để nhận ra rằng đối với người xưa, Biện chứng pháp đã không gì khác hơn là môn LÔ-GÍC HỌC VỀ ẢO TƯỢNG (LOGIK DES SCHEINS). Đó là một nghệ thuật ngụy biện nhằm mang lại cho sự không hiểu biết, thậm chí cho sự cố ý lừa phỉnh một lớp sơn của chân lý, bằng cách bắt chước phương pháp chặt chẽ mà Lô-gíc học nói chung đã đề ra (vorschreiben) và sử dụng Định vị học (Topik) [các thể cách lập luận] của môn Lôgíc để tô điểm cho các trò bịp bợm rỗng tuyếch. Cho nên ngày nay, người ta có thể nhận ra một sự cảnh báo chắc chắn và hữu ích là: khi nào môn Lô-gíc học phổ biến bị xem như là Bộ Công cụ (Organon) thì bao giờ cũng là một môn Lô-gíc học về ảo tượng, tức là có tính biện chứng. Vì lẽ nó không truyền dạy được cho ta điều gì hết về nội dung của nhận thức mà chỉ về các điều kiện hình thức đơn thuần của việc trùng hợp với giác tính; còn ngoài ra hoàn toàn không ăn nhập gì với đối tượng cả, cho nên yêu sách đòi hỏi sử dụng Lôgíc học phổ biến như là một công cụ (Organon) hòng tăng tiến và mở rộng nhận thức – ít ra là theo ý đồ bịp bợm của nó – rút cục sẽ không đạt được gì hơn là sự ba hoa nhảm nhí, dùng một số ảo tượng để tùy tiện khẳng định hay bác bỏ bất cứ điều gì người ta muốn.

Một sự truyền dạy như thế là hoàn toàn không thích đáng đối với phẩm giá của Triết học. Chính vì bảo vệ phẩm giá ấy mà người ta – tốt hơn – nên gọi Biện chứng pháp là một sự PHÊ PHÁN ẢO TƯỢNG BIỆN CHỨNG, xếp việc phê phán này vào trong môn Lôgíc học, và ở đây, chúng ta cũng muốn hiểu nó với tư cách là một môn phê phán như thế.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt