Thuyết Duy tâm Đức

Về Lô gíc học siêu nghiệm

PHÊ PHÁN LÝ TÍNH THUẦN TÚY - MỤC LỤC

 

HỌC THUYẾT SIÊU NGHIỆM VỀ CÁC YẾU TỐ CƠ BẢN CỦA NHẬN THỨC

PHẦN II:  LÔ-GÍC HỌC SIÊU NGHIỆM

--- o0o ---

 

DẪN NHẬP Ý NIỆM VỀ MỘT MÔN LÔ GÍC HỌC SIÊU NGHIỆM

1

2

3

4

 

 

II.

VỀ LÔGÍC HỌC SIÊU NGHIỆM

 

IMMANUEL KANT  (1724-1804)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Nguồn: Immanuel Kant. Phê phán lý tính thuần túy. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2004. Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã được dịch giả Bùi Văn Nam Sơn cho phép.


 

Như ta đã thấy, môn Lôgíc học phổ biến trừu tượng hóa khỏi mọi nội dung của nhận thức, tức là, khỏi mọi quan hệ của nhận thức với đối tượng và chỉ xem xét hình thức lôgíc trong mối quan hệ giữa các nhận thức với nhau, nói cách khác, chỉ nghiên cứu mô thức của tư duy nói chung. Nhưng, vì lẽ đã có những trực quan không chỉ thuần túy mà còn thường nghiệm (như Cảm năng học siêu nghiệm đã chứng minh), nên cũng có thể có một sự khác nhau giữa tư duy thuần túy và tư duy thường nghiệm về những đối tượng. Vậy, trong trường hợp này, ắt phải có một môn Lôgíc học, trong đó người ta không trừu tượng hóa khỏi mọi nội dung của nhận thức, bởi vì một môn Lôgíc học chỉ chứa đựng các quy luật của tư duy thuần túy về một đối tượng phải loại trừ mọi nhận thức có nội dung thường nghiệm. Môn Lôgíc học [mới] này sẽ nghiên cứu nguồn gốc (Ursprung) của các nhận thức của chúng ta về những đối tượng, trong chừng mực nguồn gốc này không thể quy cho những đối tượng; trong khi đó môn Lôgíc học phổ biến không hề quan tâm đến việc nghiên cứu nguồn gốc [chủ quan] này của nhận thức, trái lại chỉ xem xét những biểu tượng – dù có nguồn gốc nguyên thủy và tiên nghiệm trong bản thân ta hay chỉ được mang lại một cách thường nghiệm – theo các quy luật mà giác tính sử dụng trong mối quan hệ giữa những biểu tượng với nhau khi giác tính suy tưởng, nghĩa là chỉ nghiên cứu mô thức của giác tính vốn có thể được áp dụng vào những biểu tượng, bất kể những biểu tượng này có nguồn gốc phát sinh từ đâu.

Và ở đây, tôi xin nêu một nhận xét [về từ “SIÊU NGHIỆM” – TRANSZENDENTAL] có ảnh hưởng đến tất cả các nghiên cứu về sau và ta cần phải lưu ý, đó là: Không phải bất kỳ nhận thức tiên nghiệm nào cũng là siêu nghiệm, trái lại, chỉ những nhận thức tiên nghiệm cho ta biết TẠI SAO và BẰNG CÁCH NÀO một số biểu tượng (các trực quan hay các khái niệm) chỉ được hay chỉ có thể được áp dụng một cách tiên nghiệm mới được gọi là SIÊU NGHIỆM (tức là khả thể của nhận thức hay là sự sử dụng nhận thức một cách tiên nghiệm). Vì lý do đó, không gian hay bất kỳ tính quy định hình học tiên nghiệm nào về không gian đều không phải là môt biểu tượng siêu nghiệm, trái lại, chỉ có nhận thức rằng các biểu tượng này không hề có nguồn gốc thường nghiệm và chính khả thể làm thế nào để nhận thức ấy, mặc dù là tiên nghiệm vẫn có thể quan hệ được với những đối tượng của kinh nghiệm mới có thể được gọi là “SIÊU NGHIỆM”. Cũng thế, việc sử dụng [khái niệm] không gian vào những đối tượng nói chung [những vật-tự thân] cũng gọi là siêu nghiệm, nhưng nếu chỉ giới hạn vào các đối tượng của giác quan, việc sử dụng ấy gọi là thường nghiệm. Như vậy, sự phân biệt cái siêu nghiệm và cái thường nghiệm chỉ thuộc về công việc Phê phán các [loại] nhận thức chứ không liên quan đến mối quan hệ giữa các nhận thức này với đối tượng của chúng.

Với hy vọng rằng có thể sẽ có được các khái niệm có khả năng quan hệ với đối tượng một cách tiên nghiệm, không phải với tư cách là các trực quan thuần túy hay cảm tính nữa, mà chỉ với tư cách là các hành vi của tư duy thuần túy, do đó, là các khái niệm không có nguồn gốc thường nghiệm lẫn cảm năng (sthetisch), chúng ta hình thành ngay từ trước ý niệm về một môn khoa học của nhận thức giác tính và lý tính thuần túy, để nhờ đó ta suy tưởng về những đối tượng một cách hoàn toàn tiên nghiệm. Một môn khoa học như thế – có nhiệm vụ xác định nguồn gốcphạm vi và tính giá trị khách quan của các nhận thức [tiên nghiệm] ấy – phải được mệnh danh là môn LÔGÍC HỌC SIÊU NGHIỆM (TRANSZEN-DENTALE LOGIK), vì nó chỉ nghiên cứu các quy luật của giác tính và lý tính trong chừng mực môn học này quan hệ với những đối tượng một cách tiên nghiệm chứ không giống như môn Lôgíc học phổ biến quan hệ với các nhận thức lý tính vừa thường nghiệm vừa thuần túy mà không có sự phân biệt.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt