PHÊ PHÁN LÝ TÍNH THUẦN TÚY - MỤC LỤC
HỌC THUYẾT SIÊU NGHIỆM VỀ CÁC YẾU TỐ CƠ BẢN CỦA NHẬN THỨC PHẦN II: LÔ GÍC HỌC SIÊU NGHIỆM --- o0o ---
DẪN NHẬP Ý NIỆM VỀ MỘT MÔN LÔ GÍC HỌC SIÊU NGHIỆM
IV. VỀ VIỆC CHIA LÔGÍC HỌC SIÊU NGHIỆM RA THÀNH PHÂN TÍCH PHÁP SIÊU NGHIỆM VÀ BIỆN CHỨNG PHÁP SIÊU NGHIỆM
IMMANUEL KANT (1724-1804) BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải
Nguồn: Immanuel Kant. Phê phán lý tính thuần túy. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2004. Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã được dịch giả Bùi Văn Nam Sơn cho phép.
Trong môn Lô-gíc học siêu nghiệm, ta tách riêng giác tính (cũng như trước đây trong Cảm năng học siêu nghiệm, ta tách riêng cảm năng) và rút ra khỏi các nhận thức của ta phần tư duy chỉ có nguồn gốc trong bản thân giác tính để xem xét. Nhưng, việc sử dụng nhận thức thuần túy này phải dựa trên điều kiện là: những đối tượng phải được mang lại cho ta trong trực quan để phần nhận thức thuần túy này có thể được áp dụng vào chúng. Vì lẽ, không có trực quan, mọi nhận thức của ta sẽ thiếu đối tượng và do đó, sẽ vẫn hoàn toàn trống rỗng. Vậy, bộ phận của môn Lôgíc học siêu nghiệm trình bày các yếu tố của nhận thức giác tính thuần túy và các nguyên tắc – mà nếu không có chúng thì không đối tượng nào có thể được suy tưởng, – chính là PHÂN TÍCH PHÁP SIÊU NGHIỆM (TRANSZENDENTALE ANALYTIK) và đồng thời cũng là một môn LÔ-GÍC HỌC VỀ CHÂN LÝ. [Sở dĩ gọi như vậy] vì không một nhận thức nào có thể mâu thuẫn với nó mà không đồng thời đánh mất mọi nội dung, tức là, đánh mất mọi quan hệ với một đối tượng nào đó, và do đó, đánh mất chân lý. Thế nhưng, vì lẽ vốn hết sức hấp dẫn và dễ bị lôi cuốn vào con đường lầm lạc khi sử dụng riêng biệt các nhận thức thuần túy cùng với các nguyên tắc này, cũng như tự mình vượt ra khỏi các ranh giới của kinh nghiệm là nơi duy nhất có thể mang lại cho ta chất liệu (những đối tượng) để các khái niệm thuần túy của giác tính có thể được áp dụng, nên giác tính rơi vào nguy cơ – bằng các ngụy biện trống rỗng – biến các nguyên tắc đơn thuần hình thức của giác tính thuần túy thành một sự sử dụng có tính chất liệu [nội dung] và từ đó, phán đoán về những đối tượng một cách không phân biệt, [đó là] những đối tượng vốn không được mang lại cho ta và có lẽ cũng không thể được mang lại cho ta bằng bất kỳ cách nào. Vì lẽ Phân Tích Pháp Siêu Nghiệm đích thực chỉ là một Bộ chuẩn tắc (ein Kanon) để phán đoán trong sử dụng thường nghiệm, nó sẽ bị lạm dụng nếu người ta cho nó có giá trị như là Bộ Công cụ (Organon) cho một sự sử dụng phổ biến và vô giới hạn, và dám liều lĩnh dùng riêng giác tính thuần túy để phán đoán, khẳng định và quyết định về những đối tượng nói chung [tự thân] một cách tổng hợp. Việc sử dụng giác tính thuần túy như thế sẽ mang tính biện chứng. Cho nên, phần thứ hai của Lô-gíc học siêu nghiệm phải là một sự Phê phán về ảo tượng biện chứng này và có tên gọi là BIỆN CHỨNG PHÁP SIÊU NGHIỆM (TRANSZENDENTALE DIALEK-TIK), không phải như là một nghệ thuật kích hoạt ảo tượng biện chứng một cách giáo điều (một nghệ thuật tiếc thay rất phổ biến trong đủ loại ngụy biện siêu hình học), trái lại với tư cách là một sự Phê phán giác tính và lý tính xét về phương diện bị sử dụng siêu vật lý (hyperphysisch), nhằm phát hiện ảo tượng sai lầm trong các yêu sách thiếu cơ sở của chúng cũng như nhằm hạ thấp các tham vọng muốn khám phá và mở rộng nhận thức – mà hai quan năng trên tưởng lầm rằng có thể đạt được chỉ bằng các nguyên tắc siêu nghiệm – xuống thành việc kiểm tra các phán đoán của giác tính thuần túy và bảo vệ nó trước những ảo tưởng ngụy biện (sophistische Blend-werke).
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC