Siêu hình học

Nghịch đề luận của lý tính thuần túy

PHÊ PHÁN LÝ TÍNH THUẦN TÚY - MỤC LỤC

 

QUYỂN II

CÁC SUY LUẬN BIỆN CHỨNG

CHƯƠNG II

NGHỊCH LÝ (ANTINOMIE) CỦA LÝ TÍNH THUẦN TÚY:

 

TIẾT 2

NGHỊCH ĐỀ LUẬN (ANTITHETIK) CỦA LÝ TÍNH THUẦN TÚY

 

IMMANUEL KANT (1724-1804)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Immanuel Kant. Phê phán lý tính thuần túy. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2004, trang 755-794. Phiên bản điện tử đăng trên website này đã có sự đồng ý của dịch giả.


 

 

ĐỀ LUẬN (THETIK) là thuật ngữ chỉ toàn bộ những mệnh đề giáo điều về một lãnh vực nào đó. Còn NGHỊCH ĐỀ LUẬN (ANTITHETIK) thì tôi không hiểu theo nghĩa là những khẳng định cũng giáo điều về cái ngược lại, mà chỉ chung cho sự tự mâu thuẫn của mọi nhận thức có vẻ giáo điều này, [tức là] trong Chính đề lẫn Phản đề (latinh: thesin cum antithesi), người ta không thấy cái nào có ưu thế hơn hẳn để được tán thưởng so với cái kia. Vậy, Nghịch đề luận không bàn về những khẳng quyết một chiều, nhưng chỉ xem xét các nhận thức phổ biến của lý tính về mặt chúng mâu thuẫn với nhau và đi tìm nguyên nhân phát sinh ra sự mâu thuẫn ấy. Nghịch đề luận siêu nghiệm (transzendentale Antithetik) là việc nghiên cứu về nghịch lý (Antinomie) của lý tính thuần túy, về các nguyên nhân và kết quả của nghịch lý này. Nếu ta dùng lý tính không chỉ để áp dụng các nguyên tắc của giác tính vào những đối tượng của kinh nghiệm mà còn dám phiêu lưu nhằm mở rộng các nguyên tắc ra bên ngoài các ranh giới của kinh nghiệm, nhất định sẽ làm nảy sinh các định lý (Lehrsätze) [hay mệnh đề] ngụy biện. | Các khẳng quyết ngụy biện này [có đặc điểm là]: chúng không hy vọng được kinh nghiệm xác nhận mà cũng không sợ bị kinh nghiệm phủ nhận, và mỗi cái, tự nó, lại không mâu thuẫn, trái lại còn tìm thấy các điều kiện chứng minh tính tất yếu của nó ngay trong bản tính tự nhiên của lý tính; chỉ có điều không may là, mệnh đề đối lập, trái ngược với nó - về phía mình - cũng có đủ những lý do tất yếu và có giá trị không khác gì nó.

Vậy, khi xem xét phép biện chứng này của lý tính thuần túy, các câu hỏi được đặt ra một cách tự nhiên là:

1.   Lý tính thuần túy không tránh khỏi bị rơi vào nghịch lý (Antinomie) trong những mệnh đề khẳng quyết nào?

2.   Đâu là các nguyên nhân của nghịch lý đó?

3.   Lý tính có thể thoát khỏi sự tự mâu thuẫn ấy không? và bằng cách nào để tìm lối ra an toàn đi tới sự xác tín (Gewissheit)?

Như đã nói, một mệnh đề [hay định lý] (Lehrsatz) có tính biện chứng của lý tính thuần túy khác với mọi mệnh đề ngụy biện ở chỗ nó không phải là câu trả lời cho một câu hỏi tùy tiện do ý thích của một ai đó đặt ra, trái lại, là vấn đề mà lý tính con người tất yếu sẽ gặp phải trong quá trình tiến lên. | Điểm thứ hai là, một mệnh đề biện chứng cùng với mệnh đề đối lập với nó cũng không phải đơn thuần là một ảo tượng giả tạo chỉ cần được nghiên cứu kỹ lưỡng là nó lập tức biến mất, mà là một ảo tượng tự nhiên và không thể tránh khỏi, nên dù ta không còn để bị lừa gạt, nó vẫn tiếp tục lừa dối ta, và dù không còn gây nguy hại nữa nhưng cũng không bao giờ có thể dẹp bỏ hẳn được.

Một học thuyết biện chứng như thế không liên quan đến sự thống nhất của giác tính trong những khái niệm thường nghiệm, nhưng chỉ liên quan đến sự thống nhất của lý tính trong các Ý niệm đơn thuần. | Do đó, học thuyết này ở trong các điều kiện [tình thế] như sau: với tư cách là một sự tổng hợp tuân theo quy luật, nó phải tương ứng với giác tính; đồng thời, với tư cách là sự thống nhất tuyệt đối của sự tổng hợp trên, nó phải tương ứng với lý tính. | Nếu tương ứng trọn vẹn với sự thống nhất của lý tính, nó lại quá lớn [quá nhiều] đối với giác tính; ngược lại, nếu tương ứng với giác tính, thì lại quá nhỏ [quá ít] đối với lý tính. | Tình cảnh ấy tất yếu nảy sinh ra sự mâu thuẫn đối chọi lẫn nhau không thể tránh khỏi, và ta muốn bắt đầu sự mâu thuẫn đối chọi ấy từ đâu cũng được.

Những khẳng định ngụy biện này va chạm nhau, mở ra một đấu trường biện chứng, trong đó người nắm ưu thế là kẻ được phép tấn công trước, còn kẻ bại là người bị buộc phải dùng phương pháp phòng ngự. Rồi người thắng - dù ở phe chính hay phe tà - sẽ giành hẳn được vòng nguyệt quế miễn được đặc quyền mở trận tấn công sau cùng mà không phải chống đỡ cuộc phản công mới của đối phương. Ta dễ hình dung bãi chiến trường này ác liệt như thế nào với bao gót giày dẫm đạp của các chiến binh hai phía: bên nào cũng giành được ít nhiều thắng lợi, thế nhưng thắng lợi cuối cùng chỉ thuộc về phe chính nghĩa nếu nó được phép cấm phe kia tiếp tục cầm vũ khí chiến đấu!. Còn chúng ta, với tư cách là những trọng tài vô tư, ta sẽ không đưa ra đánh giá phe nào chính, phe nào tà và cứ để cho họ tự dàn xếp với nhau. Có lẽ sau khi làm cho nhau mệt nhoài hơn là đã làm tổn thương được gì cho nhau, họ sẽ thấy cuộc chiến đấu là vô nghĩa và chia tay nhau như giữa những người bạn tốt.

Phương pháp [“lược trận”] chỉ đứng yên quan sát sự tranh cãi giữa các khẳng quyết với nhau này, hay nói đúng hơn, cứ để cho trận chiến xảy ra, không nhằm mục đích đi tới quyết định ủng hộ phe nào mà để phát hiện xem phải chăng mục tiêu đấu tranh chỉ là một ảo tưởng thôi, không bên nào có thể thắng được, và có thắng cũng chẳng giành được gì nếu đối phương không được chống cự ; phương pháp ấy tôi xin gọi là phương pháp hoài nghi. Cần thấy rõ phương pháp này hoàn toàn khác với thuyết hoài nghi là thuyết truyền bá sự bất tri về phương pháp lẫn khoa học, chôn vùi cơ sở của mọi nhận thức để nếu được thì phá hủy lòng tin và sự tín nhiệm đối với nhận thức. Còn phương pháp hoài nghi hướng đến sự xác tín, để - như trong trường hợp tranh chấp trên đây khi hai phe đều thẳng thắn và tranh biện với nhau bằng lập luận - tìm ra chỗ ngộ nhận, tương tự như thái độ của nhà lập pháp sáng suốt rút ra được bài học về chỗ thiếu sót và chưa rõ ràng của các điều luật khi quan sát sự lúng túng của những quan tòa trong lúc phân xử. Đối với sự sáng suốt bao giờ cũng có hạn của con người, nghịch lý tự phơi bày ra khi áp dụng các điều luật là sự kiểm tra tốt nhất cho việc soạn thảo luật pháp. | Cũng vậy, lý tính con người sẽ tỉnh táo hơn trong việc áp dụng các nguyên tắc của nó vì trong lúc tư biện một cách trừu tượng, nó khó nhận ra ngay những sai lầm của mình.

Nhưng, phương pháp hoài nghi này chỉ thiết yếu đối với triết học siêu nghiệm của chúng ta mà thôi, còn đối với các ngành khoa học khác lại không nhất thiết phải như vậy. Chẳng hạn trong toán học, áp dụng phương pháp hoài nghi là phi lý, vì ở đây không một khẳng định sai lầm nào có thể ẩn giấu và không bị phát hiện vì các chứng minh bao giờ cũng phải tiến hành dựa theo sự hướng dẫn của trực quan thuần túy, và tức là, thông qua sự tổng hợp lúc nào cũng hiển nhiên. Trong khoa học thực nghiệm, sự hoài nghi và thận trọng có thể rất ích lợi nhưng sự ngộ nhận cũng khó xảy ra và lại dễ giải quyết vì kinh nghiệm sớm hay muộn sẽ cho ta phương tiện tối hậu để giải quyết và kết thúc các bất đồng. Đạo đức học luôn mang lại các nguyên tắc cùng với các hệ luận thực hành của nó một cách cụ thể (in concreto) - ít ra trong những kinh nghiệm khả hữu -, nên cũng tránh được sự ngộ nhận [tính nước đôi] của sự trừu tượng.

Khác với các khoa học trên, những khẳng quyết siêu nghiệm của lý tính thuần túy có tham vọng tự vươn tới những tri kiến (Einsichten) vượt ra khỏi lãnh vực của mọi kinh nghiệm khả hữu, vừa không thể diễn tả sự tổng hợp trừu tượng của nó trong bất kỳ trực quan tiên nghiệm nào, vừa không thể nhờ kinh nghiệm để phát hiện những sai lầm của chính mình. Vì lẽ đó, lý tính siêu nghiệm không mang lại viên đá thử [tiêu chuẩn kiểm tra] nào khác để phân định ngoài việc nó tự cố gắng dàn xếp và hợp nhất các khẳng định đối lập với nhau lại. | Nhằm mục đích đó, trước hết hãy để cho sự tranh cãi được diễn ra một cách tự do và không bị kiềm chế và bây giờ, ta sẽ “lược trận” xem cuộc chiến đấu diễn ra như thế nào[1].



[1] Các nghịch lý (Antionomien) diễn ra theo thứ tự của bốn Ý niệm siêu nghiệm đã trình bày ở trên. (Chú thích của tác giả).

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt