Siêu hình học

Nghịch lý thứ tư giữa các ý niệm siêu nghiệm

PHÊ PHÁN LÝ TÍNH THUẦN TÚY - MỤC LỤC

 

QUYỂN II

CÁC SUY LUẬN BIỆN CHỨNG

CHƯƠNG II

NGHỊCH LÝ (ANTINOMIE) CỦA LÝ TÍNH THUẦN TÚY: 

 

TIẾT 2

NGHỊCH ĐỀ LUẬN (ANTITHETIK) CỦA LÝ TÍNH THUẦN TÚY

2a 2b 2c 2d 2e

 

Nghịch lý thứ tư giữa các ý niệm siêu nghiệm

 

IMMANUEL KANT (1724-1804)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 

Immanuel Kant. “Các nghịch lý của lý tính thuần túy”, trong Phê phán lý tính thuần túy. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2004. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã có sự đồng ý của dịch giả.

 

 

CHÍNH ĐỀ

CÓ MỘT HỮU THỂ TUYỆT ĐỐI TẤT YẾU THUỘC VỀ THẾ GIỚI,

HOẶC LÀ MỘT BỘ PHẬN CỦA NÓ

HOẶC LÀM NGUYÊN NHÂN CHO NÓ.

 

CHỨNG MINH

Thế giới cảm tính - như là cái toàn bộ (das Ganze) của mọi hiện tượng - đồng thời chứa đựng một chuỗi những sự biến đổi. Vì không có chuỗi như vậy, bản thân biểu tượng về chuỗi thời gian - như là điều kiện cho khả thể của thế giới cảm tính - cũng không thể được mang lại cho ta[1]. Nhưng sự biến đổi nào cũng phục tùng điều kiện đi trước nó về mặt thời gian và nhờ đó nó trở thành tất yếu. Cái có-điều kiện nào được mang lại - về mặt tồn tại - cũng giả định tiên quyết một chuỗi trọn vẹn những điều kiện cho tới cái Vô-điều kiện tuyệt đối là cái duy nhất tuyệt đối tất yếu. Vậy một cái gì tuyệt đối tất yếu phải tồn tại nếu sự biến đổi cũng tồn tại như là hậu quả của nó. Hơn nữa, bản thân cái tất yếu này cũng phải thuộc về thế giới cảm tính. Vì, giả thiết nó tồn tại bên ngoài thế giới, chuỗi những biến đổi trong thế giới rút ra (ableiten) [dẫn xuất] sự khởi đầu từ nó, nhưng bản thân nguyên nhân tất yếu ấy lại không thuộc về thế giới cảm tính. Đó là điều phi lý, không thể được. Vì lẽ sự khởi đầu của một chuỗi thời gian chỉ có thể được quy định do cái gì đi trước nó về mặt thời gian, do đó, điều kiện tối cao của sự khởi đầu một chuỗi những biến đổi ấy cũng phải tồn tại trong thời gian khi bản thân chuỗi ấy chưa tồn tại, (vì sự khởi đầu là một tồn tại có một thời gian đi trước nó, trong đó sự vật chưa tồn tại, rồi mới bắt đầu tồn tại). Như vậy, tính nhân quả của nguyên nhân tất yếu của mọi sự biến đổi, do đó, cả bản thân nguyên nhân cũng phải thuộc về thời gian,- tức thuộc về [thế giới] hiện tượng (bởi thời gian chỉ có thể có được như là mô thức của hiện tượng). | Vậy, nó không thể được suy tưởng như [là ở bên ngoài và] tách rời khỏi thế giới cảm tính xét như là toàn bộ mọi hiện tượng. Tóm lại, trong bản thân thế giới có chứa đựng một cái gì tuyệt đối tất yếu (- hoặc là bản thân toàn bộ chuỗi [những hiện tượng trong] thế giới hoặc là một bộ phận của chuỗi này).

 

PHẢN ĐỀ

KHÔNG CÓ MỘT HỮU THỂ NÀO TUYỆT ĐỐI TẤT YẾU

DÙ Ở TRONG HAY Ở NGOÀI THẾ GIỚI NHƯ LÀ NGUYÊN NHÂN CỦA NÓ.

 

CHỨNG MINH

Giả thiết rằng: một Hữu thể tất yếu là bản thân thế giới, hoặc ở trong thế giới, vậy [hai trường hợp có thể có là:] hoặc trong chuỗi những biến đổi của thế giới có một cái khởi đầu tất yếu, vô điều kiện, tức là không có nguyên nhân,- điều này trái với định luật năng động về sự quy định mọi hiện tượng ở trong thời gian; hoặc, bản thân chuỗi hiện tượng [tức bản thân thế giới] không có cái khởi đầu và dù là bất tất và có điều kiện trong tất cả các bộ phận, nhưng trong toàn bộ thì lại tuyệt đối tất yếu và vô điều kiện, điều này rõ ràng là tự mâu thuẩn, vì lẽ sự tồn tại của một tập hợp (Menge) không thể là tất yếu được nếu không một bộ phận nào của nó có một sự tồn tại tất yếu.

Ngược lại, hãy giả thiết rằng có một nguyên nhân tuyệt đối tất yếu của thế giới tồn tại ở bên ngoài thế giới. | Nguyên nhân này - với tư cách là mắt xích tối cao trong chuỗi những nguyên nhân của những sự biến đổi trong thế giới - phải bắt đầu[2] [sinh ra] sự tồn tại của những sự biến đổi và chuỗi mọi biến đổi trong thế giới. Trong trường hợp này, nguyên nhân ấy phải bắt đầu hành động và khi như vậy, tính nhân quả của nó lại thuộc về thời gian, thuộc về toàn bộ thế giới hiện tượng, tức là thuộc về thế giới, do đó bản thân nguyên nhân [tối cao] không thể ở ngoài thế giới; điều này lại đi ngược với giả thiết. Vậy, không thể có một Hữu thể tuyệt đối tất yếu nào tồn tại ở trong thế giới lẫn ở ngoài thế giới (mà lại có quan hệ nhân quả với thế giới).

 

NHẬN XÉT VỀ NGHỊCH LÝ THỨ TƯ

1.   VỀ CHÍNH ĐỀ

Để chứng minh sự tồn tại của một Hữu thể tất yếu, ở đây tôi không được phép sử dụng luận cứ nào khác ngoài luận cứ vũ trụ học, tức là từ cái có điều kiện trong thế giới hiện tượng đi ngược lên đến cái vô-điều kiện trong khái niệm, - bằng cách xem cái vô-điều kiện này như là điều kiện tất yếu cho cái toàn thể tuyệt đối của chuỗi hiện tượng. Còn muốn chứng minh sự tồn tại của Hữu thể tối cao của mọi hữu thể xuất phát từ Ý niệm đơn thuần [chứ không phải từ thế giới hiện tượng], thì lại thuộc về một nguyên tắc khác của lý tính và đòi hỏi sự nghiên cứu riêng biệt ở nơi khác. [Xem Chương 3: “Ý thể siêu nghiệm”].

Luận cứ thuần túy vũ trụ học chứng minh sự tồn tại của một Hữu thể tất yếu không thể bằng cách nào khác hơn là không đồng thời đi vào giải quyết câu hỏi liệu Hữu thể ấy là bản thân thế giới hay là một cái gì khác với thế giới. Bởi lẽ, muốn khẳng định chân lý của điều sau, lại phải cần những nguyên tắc không còn có tính vũ trụ học nữa và không đi theo chuỗi những hiện tượng - mà là dựa vào các khái niệm về hữu thể bất tất nói chung (trong chừng mực chúng được suy tưởng đơn thuần như là những đối tượng của giác tính) - cùng với một nguyên tắc nối kết những đối tượng bất tất này với một Hữu thể tất yếu chỉ nhờ thông qua các khái niệm đơn thuần. | Tất cả các điều ấy là thuộc về một thứ triết học siêu việt chưa bàn ở đây.

Nhưng nếu ta bắt đầu chứng minh bằng luận cứ vũ trụ học, bằng cách lấy chuỗi những hiện tượng và sự quy thoái (Regressus) [truy tìm nguyên nhân] ở trong đó phù hợp với những quy luật nhân-quả thường nghiệm làm cơ sở, ta không được phép nữa chừng làm đứt đoạn phương cách chứng minh này để chuyển sang [thừa nhận] một cái gì bản thân không phải là một mắt xích thuộc về chuỗi thế giới hiện tượng. Bởi vì cái với tư cách là điều kiện phải được xem trong cùng một [tầng] ý nghĩa, giống như mối quan hệ của cái có điều kiện với điều kiện của nó trong chuỗi hiện tượng dẫn đến điều kiện tối cao này trong một sự tiến lên liên tục [không đứt đoạn]. Vì mối quan hệ này là cảm tính và thuộc về việc sử dụng giác tính thường nghiệm khả hữu, nên điều kiện hay nguyên nhân tối cao có thể khép kín sự quy thoái [chuỗi truy tìm theo hướng lùi] theo đúng những quy luật của cảm năng, tức là bản thân nó cũng phải thuộc về chuỗi thời gian, và như vậy, Hữu thể tất yếu phải được xem như là mắt xích tối cao của chuỗi thế giới hiện tượng.

Tuy nhiên, có không ít triết gia tự cho phép mình làm một bước nhảy [ra khỏi thế giới hiện tượng để tìm một cơ sở siêu việt cho vạn vật] (như thuật ngữ cổ Hy Lạp: METABASIS EIS ALLO GONOS)**. Từ những biến đổi trong thế giới, họ rút ra kết luận về tính bất tất thường nghiệm của vạn vật, tức sự lệ thuộc của vạn vật vào những nguyên nhân có thể xác định một cách thường nghiệm, qua đó có được một chuỗi đi lên của những nguyên nhân thường nghiệm. | Đến đây, việc làm của họ hoàn toàn đúng đắn. Nhưng vì rút cục họ đã không thể tìm được cái khởi đầu đầu tiên và mắt xích tối cao nào trong chuỗi nguyên nhân thường nghiệm này cả, họ đột ngột từ bỏ khái niệm thường nghiệm về tính bất tất và nắm lấy phạm trù thuần túy và trong trường hợp này đã tạo ra một chuỗi [mới] đơn thuần khả niệm mà sự hoàn tất trọn vẹn của chuỗi này dựa vào sự tồn tại của một nguyên nhân tuyệt đối tất yếu. | Hơn thế nữa, vì chuỗi khả niệm này không bị ràng buộc vào những điều kiện cảm tính, do đó, cũng thoát ly khỏi điều kiện thời gian để tự mình khởi đầu tính nhân quả. Cách tiến hành này hoàn toàn không thể chấp nhận được như ta sẽ thấy rõ sau đây:

Nếu xét theo ý nghĩa thuần túy của phạm trù, đương nhiên có thể có cái đối lập với cái bất tất [đó là cái tất yếu]. Nhưng ta lại không thể suy luận từ sự bất tất thường nghiệm ra sự bất tất có tính khả niệm. Cái đối lập [thường nghiệm] với cái gì đang biến đổi - cái đối lập với trạng thái hiện nay của nó - cũng là cái có thực nhưng diễn ra ở một thời điểm khác, do vậy, là điều cũng có thể có, do đó, nó không phải là cái đối lập mâu thuẫn với trạng thái trước. | Muốn xem như vậy thì đòi hỏi rằng trong cùng thời điểm khi trạng thái trước tồn tại thì trạng thái đối lập với nó cũng đồng thời có thể tồn tại ở ngay chỗ của trạng thái trước, đó là điều hoàn toàn không thể được suy ra từ sự biến đổi [trong hiện tượng]. Một vật thể ở trong trạng thái vận động = A, sau đó chuyển sang trạng thái đứng yên = không A. Nhưng không thể xuất phát từ sự kiện có một trạng thái ngược lại với trạng thái A rồi kết luận rằng cái đối lập mâu thuẫn với A là có thể có, cho nên A là bất tất. | Vì muốn chứng minh điều đó, lại phải đòi hỏi rằng trong cùng một thời gian, trạng thái đứng yên cũng đã có thể tồn tại đồng thời và thay chỗ cho trạng thái vận động. Trong thực tế, ta không biết gì hơn rằng trạng thái đứng yên chỉ xảy ra thực sự sau trạng thái vận động, và cũng nhờ vậy mới có thể xảy ra được. Vậy, vận động trong thời điểm này, rồi đứng yên trong thời điểm khác, chúng không phải là mâu thuẫn đối lập nhau. Sự tiếp diễn của những quy định đối lập nhau tức là sự biến đổi không hề chứng minh tính bất tất theo các khái niệm của giác tính thuần túy và cũng không thể dẫn đến sự tồn tại của một Hữu thể tất yếu nào theo [nghĩa của] các khái niệm thuần túy của giác tính. Sự biến đổi chỉ chứng minh tính bất tất thường nghiệm, tức là, trạng thái mới tự mình không thể xảy ra nếu không có một nguyên nhân thuộc về thời gian trước đó đúng theo quy luật nhân quả. Vậy nguyên nhân này - và dù được giả định là tuyệt đối tất yếu - cũng phải được mang lại trong thời gian bằng phương cách này và phải thuộc về chuỗi những hiện tượng.

2.   VỀ PHẢN ĐỀ

Những khó khăn mà ta ngỡ rằng gặp phải trong việc tiến lên trong chuỗi hiện tượng vươn tới sự tồn tại của một nguyên nhân tối cao tuyệt đối tất yếu không phải bắt nguồn từ [sự bất lực của ta trong việc khẳng định chân lý cho] các khái niệm đơn thuần về sự tồn tại tất yếu của một sự vật nói chung; do đó, các khó khăn này không có ý nghĩa bản thể học mà chỉ nảy sinh từ sự nối kết nhân quả với một chuỗi những hiện tượng để giả định cho chuỗi ấy một điều kiện mà bản thân lại là vô-điều kiện. | Vậy, các khó khăn là có tính vũ trụ học và được rút ra theo những quy luật thường nghiệm. Tức cần phải cho thấy rằng sự tiến lên trong chuỗi những nguyên nhân (trong thế giới cảm tính) không bao giờ có thể kết thúc bằng một nguyên nhân vô-điều kiện có tính thường nghiệm và rằng luận cứ vũ trụ học xuất phát từ tính bất tất của những trạng thái trong thế giới - tính bất tất do sự biến đổi những trạng thái gây ra - không đi đến chỗ bác lại giả định về một nguyên nhân đầu tiên, khai sinh ra chuỗi những hiện tượng một cách tuyệt đối.

Trong nghịch lý [thứ tư] này bộc lộ một sự tương phản lạ lùng; đó là: cùng từ một cơ sở chứng minh giống nhau mà trong Chính đề suy ra sự tồn tại của một Hữu thể nguyên thủy, còn trong Phản đề lại suy ra sự không tồn tại của Hữu thể này và đều với sự suy luận sắc bén như nhau. Trước thì bảo rằng: Có một Hữu thể tất yếu, vì toàn bộ thời gian đã trôi qua bao trùm trong nó chuỗi của mọi điều kiện và do đó, cả cái vô-điều kiện (cái tất yếu). Sau lại bảo rằng: không có một Hữu thể tất yếu, cũng cùng một lý do, vì toàn bộ thời gian đã trôi qua bao trùm chuỗi của mọi điều kiện (do đó mọi điều kiện đều lại là những cái có-điều kiện).

Nguyên nhân của sự tương phản lạ lùng này là: luận cứ thứ nhất [chính đề] chỉ nhìn vào cái toàn thể tuyệt đối của chuỗi những điều kiện, cái này quy định cái khác trong thời gian và qua đó có được một cái vô điều kiện và tất yếu. Ngược lại, luận cứ thứ hai [phản đề], chỉ xem xét tính bất tất của tất cả những gì bị quy định trong chuỗi thời gian (- vì cái gì cũng có một thời gian đi trước, trong đó bản thân điều kiện cũng lại bị quy định như cái có-điều kiện -), do đó mọi cái vô-điều kiện và mọi cái tuyệt đối tất yếu đều hoàn toàn biến mất. Vậy là trong cả hai lập luận, phương cách suy luận đều hoàn toàn phù hợp với phương cách của lý trí thông thường của con người, vốn thường rơi vào chỗ bất nhất với chính mình khi xem xét một đối tượng từ hai quan điểm, [hai chỗ đứng] khác nhau. Herr von Mairan xem sự tranh cãi giữa hai nhà thiên văn học nổi tiếng - phát sinh từ sự nan giải tương tự trong việc chọn lựa chỗ đứng - như một hiện tượng đủ lạ lùng, thú vị để ông viết riêng một quyển sách bàn về sự kiện này. Một nhà thiên văn kết luận: mặt trăng quay quanh trục của nó vì nó bao giờ cũng xuất hiện một phía về hướng trái đất; nhà thiên văn kia bảo rằng mặt trăng không quay quanh trục của nó cũng vì lý do tương tự. Cả hai kết luận đều đúng tùy theo chỗ đứng từ đó người ta quan sát sự vận động của mặt trăng.

 



[1] Về mặt khách quan, thời gian đi trước mọi sự biến đổi như là điều kiện mô thức cho khả thể của sự biến đổi, nhưng về mặt chủ quan và trong tính thực tại của ý thức, biểu tượng về thời gian - cũng như những biểu tượng khác, chỉ được mang lại cho ta nhân có những tri giác.

[2] Chữ “bắt đầu” (anfangen) có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất có tính chủ động (aktiv): nguyên nhân bắt đầu một chuỗi các trạng thái như là hậu quả của nó (infit). Nghĩa thứ hai có tính thụ động (passiv): tính nhân quả trong bản thân nguyên nhân bắt đầu hoạt động (fit). Ở đây, tôi suy luận từ nghĩa thứ nhất sang nghĩa thứ hai.

* “Metabasis eis allo gonos” (Hy Lạp): “Nhảy sang một chủng loại khác”: Theo Lô-gíc học của Aristote, đây là một sai lầm của tư duy khi không ở yên trong khái niệm hay sự việc đang bàn mà nhảy sang một khái niệm thuộc loại khác hay một lãnh vực khác. (N.D).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt