Siêu hình học

Nghịch lý thứ nhất giữa các ý niệm siêu nghiệm

PHÊ PHÁN LÝ TÍNH THUẦN TÚY - MỤC LỤC

 

QUYỂN II

CÁC SUY LUẬN BIỆN CHỨNG

CHƯƠNG II

NGHỊCH LÝ (ANTINOMIE) CỦA LÝ TÍNH THUẦN TÚY: 

 

TIẾT 2

NGHỊCH ĐỀ LUẬN (ANTITHETIK) CỦA LÝ TÍNH THUẦN TÚY

2a 2b 2c 2d 2e

 

Nghịch lý thứ nhất giữa các ý niệm siêu nghiệm

 

IMMANUEL KANT (1724-1804)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Immanuel Kant. Phê phán lý tính thuần túy. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2004. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã có sự đồng ý của dịch giả.


 

 

CHÍNH ĐỀ

THẾ GIỚI CÓ MỘT KHỞI ĐẦU TRONG THỜI GIAN

VÀ CŨNG BỊ BAO BỌC TRONG CÁC RANH GIỚI, VỀ KHÔNG GIAN

 

CHỨNG MINH

Vì, giả thiết rằng thế giới không có một khởi đầu trong thời gian: như vậy cho tới một thời điểm được cho nào đó, một thời gian vô cùng (eine Ewigkeit) đã trôi qua, và do đó, một chuỗi vô tận những trạng thái nối tiếp nhau của những sự vật trong thế giới cũng đã trôi qua. Nhưng tính vô tận của một chuỗi chính là ở chỗ nó không bao giờ có thể hoàn tất trọn vẹn bằng sự tổng hợp tiếp diễn nhau được. Suy ra, một chuỗi thế giới vô tận đã trôi qua là không thể được, do đó, một khởi đầu của thế giới là một điều kiện tất yếu cho sự tồn tại của nó. | Vậy là điểm thứ nhất đã được chứng minh.

Về điểm thứ hai, ta cũng giả thiết điều ngược lại: trong trường hợp này, thế giới là một toàn bộ vô tận được cho của những sự vật tồn tại đồng thời với nhau. Nhưng ta không thể suy tưởng độ lớn [hay kích thước] của một đại lượng - không được mang lại trong những ranh giới nhất định của một trực quan -[1] bằng cách nào khác hơn là chỉ thông qua sự tổng hợp những bộ phận của nó, và cái toàn thể của một đại lượng như thế là nhờ sự tổng hợp hoàn tất trọn vẹn, hay là nhờ sự cộng thêm liên tục các đơn vị vào cho nó[2]. Theo đó, để có thể suy tưởng một thế giới lấp đầy mọi không gian như một toàn bộ, sự tổng hợp những bộ phận của một thế giới vô tận phải được xem là đã hoàn tất trọn vẹn, tức là xem một thời gian vô tận đã trôi qua trong việc đếm hết mọi sự vật cùng tồn tại đồng thời, đó là điều không thể được. Vì thế, một tổ hợp hỗn tạp vô tận của những sự vật có thực không thể được xem là một toàn bộ được cho, do đó cũng không thể xem là được cho một cách đồng thời. Suy ra, thế giới - xét về mặt quảng tính trong không gian - không phải là vô tận mà phải được bao bọc trong các ranh giới của nó. | Và như vậy, điều thứ hai cũng đã được chứng minh.

 

PHẢN ĐỀ

THẾ GIỚI KHÔNG CÓ MỘT KHỞI ĐẦU VÀ KHÔNG CÓ RANH GIỚI TRONG

KHÔNG GIAN, NHƯNG LÀ VÔ TẬN VỀ THỜI GIAN LẪN KHÔNG GIAN

 

CHỨNG MINH

Vì hãy giả thiết thế giới có một khởi đầu. Vì sự khởi đầu là một sự tồn tại mà trước đó có một thời gian sự vật không tồn tại, như thế, phải có một thời gian đã đi trước trong đó thế giới đã không tồn tại, tức một thời gian rỗng. Nhưng sự ra đời của một sự vật trong một thời gian rỗng là điều không thể được, vì không một bộ phận nào của thời gian [rỗng] như thế chứa đựng trong nó một điều kiện quyết định cho sự tồn tại hơn là điều kiện cho sự không-tồn tại (ta có thể giả định rằng sự vật hoặc tự sinh ra hoặc ra đời nhờ một nguyên nhân khác). Do đó, nhiều chuỗi sự vật có thể khởi đầu trong thế giới, nhưng bản thân thế giới thì không thể có một sự khởi đầu, tức là trong quan hệ với thời gian đã qua, thế giới là vô tận.

Đối với điểm thứ hai, trước hết ta cũng hãy giả thiết ngược lại rằng thế giới là hữu tận và hữu hạn trong không gian, tức là nó phải ở trong một không gian trống, không bị giới hạn. Như thế, không chỉ có một mối quan hệ của những sự vật trong không gian mà cả mối quan hệ của những sự vật với không gian. Nhưng, vì thế giới là một toàn bộ tuyệt đối, nên bên ngoài nó, không thể có đối tượng cho trực quan và không có cái đối ứng (Correlatum) với thế giới, để thế giới quan hệ, cho nên quan hệ của thế giới với không gian trống có nghĩa là không quan hệ với đối tượng nào cả. Suy ra, một quan hệ như thế, nói khác đi, sự giới hạn thế giới bằng một không gian trống là không có gì hết, [là hư vô]. | Vậy, thế giới không bị giới hạn về phương diện không gian, tức về mặt quảng tính là vô tận[3].

 

NHẬN XÉT VỀ NGHỊCH LÝ THỨ NHẤT

1.   VỀ CHÍNH ĐỀ

Khi trình bày các lập luận tương phản nhau trên đây, tôi không nhằm tìm ra chỗ ngụy biện của mỗi bên để trưng ra (như người ta thường nói) bằng cớ của trạng sư, lợi dụng chỗ sơ hở của đối phương, rồi dựa vào một điều luật mà bản thân mình cũng hiểu sai để đưa ra những yêu sách bất hợp pháp của mình dựa trên lập luận phản bác [không sòng phẳng] ấy. Ở đây, các chứng minh của hai phía đều được rút ra từ bản tính tự nhiên của sự việc [một cách sòng phẳng] và việc chiếm ưu thế nhờ lợi dụng sai lầm trong lập luận của các nhà giáo điều đều được loại bỏ.

Thực vậy, tôi có thể ra vẻ chứng minh CHÍNH ĐỀ [một cách không sòng phẳng] bằng cách đưa ra một khái niệm sai lầm theo thói quen của các nhà giao điều về tính vô tận (Unendlichkeit) của một lượng đã cho. Một lượng là vô tận khi không có một lượng nào lớn hơn nó có thể có được (tức là được đo lường bằng số lượng của đơn vị được cho chứa đựng trong nó). Nhưng không có số lượng nào là số lượng lớn nhất cả vì bao giờ cũng có thể thêm vào một hay nhiều đơn vị. Do đó suy ra, một lượng vô tận được cho,- tức là một thế giới vô tận - (xét về cả hai mặt: chuỗi thời gian đã trôi qua và quảng tính) là không thể có được: thế giới phải bị giới hạn về cả hai mặt ấy. Tất nhiên tôi vẫn có thể chứng minh như thế, nhưng chỉ có điều [sòng phẳng mà nói], khái niệm vừa nêu không đúng với khái niệm mà người ta hiểu về một cái toàn bộ vô tận. Trong khái niệm này không chứa đựng một biểu tượng nào về lượng của nó cả: nó không nói nó rộng lớn bao nhiêu, cho nên khái niệm của nó không phải là một khái niệm về một cái tối đa. | Trong khái niệm ấy, chỉ có sự suy tưởng về mối quan hệ giữa khái niệm với một đơn vị giả định nào đó, và trong quan hệ với đơn vị này, nó là lớn hơn bất kỳ con số nào. Cho nên, khi đơn vị ấy được giả định là lớn hơn hay nhỏ hơn, bản thân cái vô tận (das Unendliche) sẽ lớn hơn hay nhỏ hơn nhưng tính vô tận (die Unendlichkeit) - vốn chỉ quan hệ với cái đơn vị đã cho này - bao giờ cũng vẫn như thế, dù đúng rằng qua đó lượng tuyệt đối của cái toàn bộ không được nhận thức, và cũng không hề đặt ra ở đây.

Khái niệm (siêu nghiệm) đích thực về tính vô tận là: sự tổng hợp tiếp diễn về cái nhất thể trong việc đo lường một lượng quảng tính (ein Quantum) không bao giờ có thể hoàn tất trọn vẹn[4]. Từ đó, có thể suy ra một cách chắn chắn rằng một thời gian vô tận của những trạng thái có thực tiếp nối nhau cho tới thời điểm (hiện tại) đã cho không thể xem là đã trôi qua, và như vậy, thế giới phải có một khởi đầu.

Đối với phần thứ hai của CHÍNH ĐỀ, không còn có sự khó khăn về một chuỗi thời gian vừa vô tận mà vừa lại đã trôi qua nữa, bởi vì bây giờ cái đa tạp của thế giới vô tận về mặt quảng tính (không gian) được mang lại một cách đồng thời. Nhưng, để suy tưởng cái toàn thể của một số lượng như thế, ta không thể viện dẫn các ranh giới được cái toàn thể này tự mình tạo ra trong trực quan, trái lại phải nhờ vào khái niệm của ta. | Trong trường hợp này, khái niệm không thể đi từ cái toàn bộ đến số lượng nhất định của các bộ phận mà cần phải chứng minh khả thể của cái toàn bộ nhờ sự tổng hợp tiếp diễn của các bộ phận. Nhưng vì sự tổng hợp này phải hình thành một chuỗi không bao giờ có thể hoàn tất trọn vẹn, nên ta không thể nào suy tưởng được một cái toàn thể trước khi tổng hợp (hoàn tất), cũng như không cần thông qua sự tổng hợp (hoàn tất). Bởi bản thân khái niệm về cái toàn thể trong trường hợp này là biểu tượng về một sự tổng hợp hoàn tất trọn vẹn của các bộ phận, cho nên, sự hoàn tất này cũng như khái niệm về nó là không thể có được.

2.   VỀ PHẢN ĐỀ

Sự chứng minh ủng hộ cho tính vô tận của chuỗi thế giới được mang lại và của tổng thể những gì chứa đựng trong thế giới (Weltinbegriff) dựa vào nhận định rằng: nếu thừa nhận điều ngược lại, thì một thời gian cũng như một không gian trống rỗng sẽ tạo nên ranh giới của thế giới. Thật ra, tôi không phải không biết rằng vẫn có nhiều cách để tránh dẫn tới kết luận này. | Chẳng hạn, cho rằng, về cả hai mặt không gian và thời gian, thế giới có thể có một ranh giới mà không nhất thiết phải giả định điều vô lý là sự tồn tại của một thời gian tuyệt đối có trước sự khởi đầu của thế giới hay một không gian tuyệt đối nằm bên ngoài thế giới hiện thực. Tôi rất hài lòng với phần sau của nhận định này của các triết gia thuộc trường phái Leibniz! Không gian chỉ đơn thuần là mô thức của giác quan bên ngoài chứ không phải một đối tượng có thực để có thể được trực quan từ bên ngoài, và không phải là cái đối ứng (Correlatum) của những hiện tượng mà là mô thức cho bản thân những hiện tượng. Do vậy, không gian không thể xuất hiện một cách tuyệt đối (chỉ tự mình) như là cái gì quy định (Bestimmendes) trong sự tồn tại của những sự vật, vì nó không hề là một đối tượng mà chỉ là mô thức cho những đối tượng khả hữu. Vậy, chính những sự vật - như là những hiện tượng - mới quy định không gian, nghĩa là chúng làm cho trong tất cả những thuộc tính có thể có của không gian (kích thước và tương quan), thuộc tính này hoặc thuộc tính kia được thuộc về thực tại. | Nhưng ngược lại, không gian - như cái gì tự tồn tại - không thể quy định tính thực tại của những sự vật về kích thước hay hình dáng vì tự bản thân nó không có gì là hiện thực (Wirkliches) cả. Cho nên, không gian (được lấp đầy hay trống rỗng)[5] có thể bị những hiện tượng giới hạn chứ những hiện tượng không thể bị giới hạn bởi một không gian trống rỗng không có những hiện tượng. Đối với thời gian cũng đúng như thế. Còn đương nhiên, không có gì phải bàn cãi nếu ta cứ giả thiết sự tồn tại của một ranh giới của thế giới về mặt không gian hay thời gian thì ta buộc phải giả thiết có hai vật tưởng tượng (Undinge) là không gian trống ở bên ngoài thế giới và thời gian rỗng trước khi có thế giới.

Để tránh hậu quả của giả thiết như thế, ta có thể tìm lối thoát như sau: nếu thế giới có một ranh giới (về không gian và thời gian), thì cái trống rỗng vô tận sẽ phải quy định sự tồn tại của mọi sự vật hiện thực về phương diện kích thước của chúng. | Nhưng như vậy là do: thay vì suy tưởng về một thế giới cảm tính, mặc nhiên ta đang suy tưởng về một thế giới khả niệm, mà ta chẳng biết là thế giới nào; và thay vì có một sự khởi đầu đầu tiên [hiện thực] (một sự tồn tại mà trước đó có một thời gian, trong đó không có gì tồn tại cả), ta suy tưởng về một tồn tại không cần lấy bất cứ điều kiện nào trong thế giới làm tiền đề, và [cuối cùng] thay vì suy tưởng về ranh giới của quảng tính, ta lại suy tưởng về những giới hạn (Schranken) của vũ trụ nói chung, tóm lại, là suy tưởng về những gì hoàn toàn thoát ly thời gian và không gian. Nhưng vấn đề bàn ở đây chỉ liên quan đến thế giới hiện tượng (mundus phaenomenon) và lượng của nó, vì vậy trong trường hợp này, ta không thể trừu tượng hóa [hay tước bỏ] các điều kiện đã biết của cảm năng mà không thủ tiêu luôn bản chất [Wesen/tính thực tại cốt yếu] của thế giới này. Thế giới của giác quan, nếu nó bị giới hạn, nhất thiết phải nằm trong một khoảng không vô tận. Mà nếu người ta muốn như vậy thì cùng với nó; người ta cũng muốn vứt bỏ luôn không gian nói chung với tư cách là điều kiện tiên nghiệm cho khả thể của kinh nghiệm, và như thế toàn bộ thế giới khả giác cũng mất theo. Nhưng trong khuôn khổ vấn đề ta đang bàn ở đây, thế giới hiện tượng là cái duy nhất được mang lại cho ta. Do đó, thế giới khả niệm (mundus intelligi-bilis) không gì khác hơn là khái niệm phổ biến về một thế giới nói chung, trong đó người ta trừu tượng hóa khỏi mọi điều kiện của trực quan về nó và đối với một thế giới như vậy, không một mệnh đề tổng hợp nào về nó - dù khẳng định hay phủ định - có thể có được.

 


 


[1] Ta có thể trực quan một đại lượng (Quantum) không xác định như là một toàn bộ (das Ganze) nếu có được bao bọc trong những ranh giới, dù ta không thể kiến tạo cái toàn thể của nó bằng cách đo lường, tức là bằng sự tổng hợp tiếp diễn các bộ phận của nó. Bởi vì chính những ranh giới đã xác định sự trọn vẹn của nó như một toàn bộ, bằng cách cắt rời nó ra khỏi mọi cái [toàn bộ] khác. (Chú thích của tác giả).

[2] Khái niệm về cái toàn thể (Totalität) trong trường hợp này không gì khác hơn là biểu tượng về sự tổng hợp trọn vẹn, hoàn tất những bộ phận của nó, bởi vì ta không thể rút ra khái niệm đó từ trực quan về cái toàn bộ được, (ta không thể trực quan cái toàn bộ trong trường hợp này được) mà chỉ có thể hiểu điều đó trong Ý niệm qua sự tổng hợp những bộ phận cho tới sự hoàn tất trọn vẹn của cái vô tận. (Chú thích của tác giả).

[3] Không gian chỉ đơn thuần là mô thức của trực quan bên ngoài (trực quan mô thức) chứ không phải một đối tượng có thực để có thể trực quan từ bên ngoài. Không gian có trước mọi sự vật xác định nó (lấp đầy hoặc giới hạn nó), hay nói đúng hơn, các sự vật mang lại một trực quan thường nghiệm tương ứng với không gian. | Do đó, không gian với tên gọi là không gian tuyệt đối không gì khác hơn là khả thể đơn thuần của những hiện tượng bên ngoài, trong chừng mực chúng hoặc tồn tại tự-thân hoặc có thể thêm vào cho các hiện tượng được cho. Vậy, trực quan thường nghiệm không phải là sự kết hợp giữa những hiện tượng và không gian [như thể giữa hai sự vật độc lập] (giữa tri giác và trực quan trống rỗng). Cái này không phải là cái đối ứng với cái kia trong sự tổng hợp, trái lại chúng được nối kết trong cùng một trực quan thường nghiệm như là chất liệu và mô thức. Nếu ta muốn tách một trong hai cái ra khỏi cái kia (- không gian bên ngoài mọi hiện tượng -) sẽ nảy sinh đủ loại quy định trống rỗng của trực quan bên ngoài, không thể là những tri giác khả hữu. Chẳng hạn, sự vận động hay đứng yên của thế giới trong một không gian trống rỗng vô tận, - một quy định về mối quan hệ của hai cái với nhau - là điều không thể nào được tri giác, và vì vậy chỉ là thuộc tính của một vật-tư tưởng (Gedankending) đơn thuần [của đầu óc ta] mà thôi.

[4] Lượng ở đây có nghĩa là chứa đựng một số lượng (của đơn vị đã cho) lớn hơn bất kỳ con số nào và đó là khái niệm toán học về cái vô tận.

[5] Người ta dễ thấy điều muốn nói ở đây: không gian trống rỗng - trong chừng mực nó được giới hạn bởi các hiện tượng - tức là không gian ở bên trong thế giới cũng không mâu thuẫn với các nguyên tắc siêu nghiệm và có thể được xem là thuộc về các nguyên tắc này, (dù khả thể của nó không vì thế mà được khẳng định).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt