Immanuel Kant. “Các nghịch lý của lý tính thuần túy”, trong Phê phán lý tính thuần túy. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2004. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã có sự đồng ý của dịch giả.
CHÍNH ĐỀ
TÍNH NHÂN QUẢ THEO NHỮNG ĐỊNH LUẬT CỦA TỰ NHIÊN KHÔNG PHẢI LÀ CÁI DUY NHẤT ĐỂ TỪ ĐÓ NHỮNG HIỆN TƯỢNG TRONG THẾ GIỚI NHÌN CHUNG CÓ THỂ ĐƯỢC DẪN XUẤT RA [ĐƯỢC GIẢI THÍCH]. TẤT YẾU PHẢI GIẢ ĐỊNH THÊM MỘT TÍNH NHÂN QUẢ TỪ TỰ DO ĐỂ GIẢI THÍCH NHỮNG HIỆN TƯỢNG NÀY.
CHỨNG MINH
Hãy giả thiết rằng không có tính nhân quả nào khác hơn là tính nhân quả tuân theo những định luật của tự nhiên. | Như vậy, bất cứ cái gì xảy ra đều phải giả định có một trạng thái đi trước mà nó nhất thiết đến sau trạng thái này đúng theo một quy luật. Nhưng bản thân trạng thái có trước này cũng phải là cái gì đã xảy ra (đã trở thành trong thời gian vì trước đó nó chưa có), bởi vì nếu nó lúc nào cũng đã có sẵn một cách vĩnh viễn thì kết quả của nó cũng không thể bắt đầu sinh ra, trái lại cũng có sẵn một cách vĩnh viễn. Vậy, bản thân tính nhân quả của nguyên nhân của cái xảy ra cũng là một cái gì đã từng xảy ra, và theo định luật của tự nhiên, nguyên nhân này lại bắt buộc phải có một trạng thái và tính nhân quả đi trước làm điều kiện cho nó, và cái này lại cần một cái trước hơn nữa v.v.. Như vậy, nếu tất cả diễn ra chỉ tuân theo những định luật của tự nhiên, bao giờ cũng chỉ có một khởi đầu thứ cấp (subaltern) chứ không bao giờ có một khởi đầu đầu tiên, tức là nói chung không thể có sự hoàn tất trọn vẹn của chuỗi về phía những nguyên nhân bắt nguồn từ nhau. Nhưng định luật tự nhiên là nằm ở chỗ: không có gì có thể xảy ra mà không có một nguyên nhân được xác định đầy đủ một cách tiên nghiệm. Thế mà, giả thiết trên một đàng khẳng định rằng tính nhân quả phải tuân theo định luật tự nhiên, đàng khác lại không tuân theo tính phổ biến không có giới hạn của nó, rõ ràng là tự mâu thuẫn. | Vậy, đây không thể là loại nhân quả duy nhất được.
Từ đó suy ra, phải thừa nhận có một tính nhân quả làm cho cái gì đó xảy ra, nhưng nguyên nhân của nó không bị quy định theo những quy luật tất yếu buộc phải có một nguyên nhân đi trước nữa, tức là phải có sự tự khởi tuyệt đối cho mọi nguyên nhân, tự làm cho chuỗi những hiện tượng xảy ra theo quy luật tự nhiên được bắt đầu từ đầu, nghĩa là phải có sự TỰ DO siêu nghiệm, nếu không, ngay bản thân chuỗi những hiện tượng về phía những nguyên nhân cũng không bao giờ hoàn tất trọn vẹn ngay cả trong diễn trình của tự nhiên.
PHẢN ĐỀ
KHÔNG CÓ TỰ DO, TRÁI LẠI TẤT CẢ NHỮNG GÌ XẢY RA TRONG THẾ GIỚI ĐỀU CHỈ TUÂN THEO NHỮNG ĐỊNH LUẬT CỦA TỰ NHIÊN
CHỨNG MINH
Giả thiết rằng: có một tự do theo nghĩa siêu nghiệm như một phương cách đặc biệt của tính nhân quả mà những sự kiện trong thế giới có thể tuân theo, nghĩa là có một quan năng [có thể] bắt đầu một trạng thái, do đó cũng là bắt đầu một chuỗi những tiếp diễn một cách tuyệt đối; trong trường hợp này, không chỉ chuỗi do sự tự khởi này sinh ra, mà cả sự quy định của bản thân sự tự khởi này để tạo ra chuỗi kia, tức là, bản thân tính nhân quả cũng bắt đầu một cách tuyệt đối khiến cho không có gì đi trước cả để qua đó hành động tác tạo này được quy định theo những định luật bất biến. Nhưng mọi sự khởi đầu hành động giả định một trạng thái lúc nguyên nhân chưa hành động, thế mà một khởi đầu đầu tiên có tính năng động của hành động lại giả định một trạng thái không có sự nối kết nào về mặt nhân quả với trạng thái trước của cùng nguyên nhân ấy, tức là không phải từ đó mà ra. Vậy, tự do siêu nghiệm hoàn toàn đi ngược lại định luật [tự nhiên] về nhân quả, và một sự nối kết cái trạng thái tiếp diễn của những nguyên nhân tác động theo kiểu như vậy là phá hủy khả thể về sự thống nhất của kinh nghiệm, vì thế cũng không thể có ở trong kinh nghiệm mà chỉ là một vật-tư tưởng (Gedankending) trống rỗng [do tư duy tưởng tượng ra].
Vậy, ta không có gì khác ngoài giới Tự nhiên là nơi ta phải tìm kiếm sự nối kết và trật tự của mọi sự kiện trong thế giới. Sự Tự do - (tức sự độc lập) với những định luật của tự nhiên - đúng là sự giải phóng khỏi mọi cưỡng chế, nhưng đồng thời cũng là sự thoát ly khỏi sự hướng dẫn của mọi quy luật. Vì ta không thể nói rằng thay cho những quy luật của tự nhiên, những quy luật của Tự do sẽ chi phối tính nhân quả của thế giới, bởi vì nếu nó đã bị quy định theo những quy luật thì không phải là Tự do mà bản thân nó không gì khác hơn là Tự nhiên. Cho nên, phải phân biệt giữa Tự do siêu nghiệm và Tự nhiên giống như phân biệt giữa tuân theo quy luật và vô quy luật. | Tự nhiên tuy làm phiền giác tính bằng sự khó khăn là phải đi tìm nguồn gốc của những sự kiện trong chuỗi những nguyên nhân ngày càng cao hơn vì tính nhân quả nơi chúng bao giờ cũng là có điều kiện, nhưng bù lại, giác tính được hứa hẹn có được sự đảm bảo về một sự thống nhất xuyên suốt và hợp quy luật của kinh nghiệm. | Còn ngược lại, ảo tưởng lừa bịp (Blendwerk) của Tự do siêu nghiệm tuy hứa hẹn cho giác tính một điểm dừng trong chuỗi những nguyên nhân bằng cách dẫn nó đến tính nhân quả tuyệt đối, vô điều kiện có quyền lực tự khởi đầu hành động, nhưng vì bản thân nó là mù quáng nên nó xóa bỏ hết mọi sự hướng dẫn của những quy luật là cái duy nhất làm cho một kinh nghiệm được nối kết xuyên suốt [trọn vẹn] có thể có được.
NHẬN XÉT VỀ NGHỊCH LÝ THỨ BA
1. VỀ CHÍNH ĐỀ
Ý niệm siêu nghiệm về tự do chưa phải là toàn bộ nội dung của khái niệm tâm lý học về tự do vốn phần lớn có ý nghĩa thường nghiệm. | Ở đây, Ý niệm này chỉ mới tạo nên khái niệm về tính tự khởi tuyệt đối của hành động như là cơ sở thực sự cho việc có thể quy cho (Imputabilität) tự do như là nguyên nhân cho một số loại đối tượng nhất định. | Tuy nhiên, xem tự do là nguyên nhân là đặt một tảng đá gây cản ngại lớn cho triết học vì nó sẽ gặp phải những khó khăn không vượt qua được để tiến tới chỗ thừa nhận tính nhân quả vô-điều kiện loại này. Trong vấn đề này, yếu tố tự do ý chí từ lâu đã gây lúng túng lớn cho lý tính tư biện vì chính nó có ý nghĩa siêu nghiệm, tức là chỉ liên quan đến câu hỏi [về điều kiện khả thể]: phải chăng cần giả định có một quan năng tự khởi tự mình tạo nên một chuỗi những sự vật tiếp diễn hay những trạng thái ngay từ đầu hay không? Làm sao có thể có một quan năng như vậy là điều chưa nhất thiết phải nghiên cứu, vì trong bản thân tính nhân quả tự nhiên, ta buộc phải tạm vừa lòng với nhận thức tiên nghiệm rằng cần giả định một tính nhân quả từ tự do như thế, dù ta không thể hiểu khả thể làm thế nào thông qua một sự tồn tại nào đó [của nguyên nhân tự do] thì sự tồn tại của một cái khác được thiết định, và do đó, đành phải chỉ dựa vào kinh nghiệm thôi. [Ở trong chính đề,] ta đã chứng minh tính tất yếu của một sự khởi đầu tiên cho cả một chuỗi những hiện tượng từ nguyên nhân tự do, chỉ trong chừng mực sự khởi đầu ấy là cần thiết để hiểu một nguồn gốc phát sinh của thế giới, còn sau đó, mọi trạng thái tiếp theo đều được xem là một sự diễn tiến chỉ tuân theo những định luật tự nhiên. Nhưng như vậy là qua đó cũng là đã chứng minh - măc dù không giải thích được - [sự tồn tại của] một quan năng hoàn toàn tự mình sản sinh ra ngay từ đầu một chuỗi hiện tượng trong thời gian; nghĩa là ta tự cho phép mình thừa nhận một sự khởi đầu về mặt nhân quả cho những chuỗi khác nhau của hiện tượng ngay giữa lòng những diễn tiến của thế giới [tự nhiên]; đồng thời gán cho những bản thể [trong tự nhiên] một quan năng hành động tự do. Nhưng ngay ở đây, ta không nên hiểu lầm để lại cho rằng một sự khởi đầu tuyệt đối của những chuỗi ngay trong lòng tự nhiên là không thể có được vì lý do một chuỗi tiếp diễn trong thế giới chỉ có thể có sự khởi đầu so sánh [tương đối], tức trạng thái này bao giờ cũng có một trạng thái khác đi trước nó. Vì thực ra, ở đây ta không nói về một sự khởi đầu tuyệt đối về mặt thời gian, trái lại, chỉ về mặt nhân quả. Chẳng hạn, hoàn toàn dựa trên ý chí tự do của riêng mình, và độc lập với mọi ảnh hưởng tất định của những nguyên nhân tự nhiên, tôi quyết định đứng dậy, rời khỏi ghế ngồi, vậy là với sự kiện này, tôi khởi đầu chuỗi sự kiện mới một cách tuyệt đối, cùng với những hậu quả tự nhiên của nó đến vô tận, mặc dù về mặt thời gian, sự kiện này chỉ là sự tiếp tục của một chuỗi có trước. Quyết định và hành động của tôi không nằm trong sự diễn tiến của những tác động tự nhiên đơn thuần, cũng không phải là sự tiếp tục đơn thuần của diễn tiến này, trái lại, nguyên nhân tất định của tự nhiên hoàn toàn ngừng lại trước sự kiện này, một sự kiện tuy tiếp theo sau nó (folgt) nhưng không phải từ nó mà ra (erfolgt) và vì thế nó phải được gọi là một sự khởi đầu tuyệt đối đầu tiên, tuy không phải về mặt thời gian nhưng là về phương diện tính nhân quả.
Việc thừa nhận nhu cầu này của lý tính - trong chuỗi những nguyên nhân tự nhiên, viện dẫn đến một sự khởi đầu đầu tiên từ tự do - là điều hiển nhiên qua việc mọi triết gia cổ đại (trừ phái Epicur) đều thấy cần phải giả định một Cái Vận động đầu tiên (erster Beweger) [Nguyên nhân tối cao, Thượng đế] để giải thích mọi sự vận động của vũ trụ, tức là, chấp nhận một nguyên nhân hành động tư do tự mình khởi đầu cả một chuỗi những trạng thái [vận động]. Vì nếu chỉ xuất phát từ tự nhiên, họ không thể làm sáng tỏ được một sự khởi đầu đầu tiên.
2. VỀ PHẢN ĐỀ
Những người bảo vệ cho tính toàn năng, [tự túc tự mãn] của tự nhiên xét về mặt nhân-quả (phái Duy vật lý siêu nghiệm - transzendentale Physiokratie) phản đối học thuyết về tự do và những suy luận ngụy biện của thuyết này bằng những lập luận theo kiểu như sau: Nếu các người không chấp nhận một khởi điểm có tính toán học về mặt thời gian trong thế giới, hẳn các người cũng đã không cần phải đi tìm một cái khởi đầu năng động về mặt nhân quả. Ai buộc các người phải tưởng tượng ra một trạng thái tuyệt đối sơ thủy của vũ trụ - và do đó, một khởi đầu tuyệt đối cho chuỗi diễn tiến tuần tự của những hiện tượng - như một điểm dừng làm cơ sở cho sự tưởng tượng của mình và lấy đó làm ranh giới cho tự nhiên không bị giới hạn? Nếu những bản thể trong vũ trụ bao giờ cũng đã tồn tại như thế - ít nhất sự thống nhất của kinh nghiệm buộc ta phải giả định như vậy -, ắt không có gì khó khăn để cũng giả định rằng sự thay đổi của những trạng thái của những bản thể ấy, tức là một chuỗi những sự biến đổi của chúng cũng đã luôn luôn tồn tại như thế, do đó một khởi điểm đầu tiên - có tính cách toán học hay năng động - là hoàn toàn không cần thiết phải đi tìm. Tất nhiên, khả thể của một sự bắt nguồn vô tận như thế mà không có một mắt xích đầu tiên để mọi cái còn lại đều chỉ là những cái tiếp theo sau nó, đúng là điều - về mặt khả thể - không cho ta hiểu được. Nhưng nếu vì lý do đó mà các người muốn dẹp bỏ điều bí ẩn này của tự nhiên, thì các người sẽ thấy cần thiết vứt bỏ luôn [sự tồn tại] của nhiều đặc tính cơ bản có tính tổng hợp [của những đối tượng tự nhiên] (như các lực cơ bản chẳng hạn), là những điều các người cũng không thể hiểu được và ngay cả bản thân khả thể của một sự biến đổi nói chung cũng đã gây khó khăn cho các người. Bởi vì nếu thông qua kinh nghiệm, các người đã không hiểu được sự biến đổi thực sự là gì, chắc hẳn các người lại càng không bao giờ có thể nhận ra được một cách tiên nghiệm làm thế nào một chuỗi tiếp diễn không ngừng nghỉ như thế giữa [trạng thái] tồn tại và không tồn tại lại có thể có được.
Vậy nếu giả thiết có sự tồn tại của quan năng siêu nghiệm về tự do - để khởi đầu những sự biến đổi trong thế giới-, quan năng này ít nhất cũng phải tồn tại bên ngoài thế giới, (và thật là một khẳng định táo bạo khi cho rằng bên ngoài toàn bộ mọi trực quan khả hữu lại còn giả định có một đối tượng không thể được mang lại trong một tri giác khả hữu nào cả). Gắn một quan năng như vậy cho những bản thể thuộc bản thân thế giới là điều không thể chấp nhận được, vì nếu vậy, sự nối kết giữa những hiện tượng được quy định theo những định luật phổ biến mà ta gọi là giới tự nhiên và cùng với nó là đặc điểm của chân lý thường nghiệm giúp ta phân biệt giữa kinh nghiệm và mộng tưởng hầu như sẽ biến mất hoàn toàn. Bên cạnh một quan năng của tự do vô quy luật như vậy, thật khó suy tưởng về tự nhiên [như một hệ thống], vì những định luật của tự nhiên sẽ bị thay đổi liên tục dưới ảnh hưởng của cái trước và dòng chảy của hiện tượng vốn điều hòa và thuần nhất trong tự nhiên sẽ bị làm cho rối loạn và đứt đoạn.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC