Nhận thức luận | Khoa học luận

Bản tính của chân lý triết học và phương pháp của nó

HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC

 

LỜI TỰA

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19

 

13.

BẢN TÍNH CỦA CHÂN LÝ TRIẾT HỌC

VÀ PHƯƠNG PHÁP CỦA NÓ

 

G. W. F. HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả. | Nguyên bản tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh.


 
 

§ 47

Triết học thì ngược lại. | Triết học không bàn về sự quy định nào không mang tính bản chất, trái lại, chỉ xem xét một quy định trong chừng mực nó là một yếu tố bản chất (wesentliche) mà thôi. | Môi trường và nội dung của triết học không phải là cái trừu tượng hay cái không-hiện thực, mà là cái hiện thực (das Wirkliche), cái tự-thiết định chính mình, cái có sự sống bên trong chính mình, [tức] cái hiện hữu trong chính Khái niệm của nó. Môi trường của triết học là tiến trình tạo ra (erzeugt) những mô-men (Momente) của chính mình và kinh qua tất cả những yếu tố ấy; và toàn bộ sự vận động này hình thành nên nội dung tích cực, khẳng định (das Positive) và chân lý của nó. Do đó, chân lý này bao hàm cả cái [yếu tố] phủ định bên trong mình, tức yếu tố ắt sẽ bị gọi là “cái sai lầm”, nếu nó bị xem như cái gì cần phải tước bỏ hay trừu tượng hóa đi. Thật ra, bản thân yếu tố phủ định đang tiêu biến đi ấy cũng phải được xem như là có tính bản chất, không phải theo nghĩa là một cái gì cố định, “bị đóng đinh”, bị cắt rời khỏi cái đúng thật, được để nằm ở bên ngoài cái đúng thật mà chẳng ai biết phải để nó nằm ở đâu; giống như cái đúng thật cũng không thể được xem là đứng riêng về một phía khác với tư cách là cái tích cực, khẳng định nhưng bất động và chết cứng. Sự xuất hiện ra [hay “Hiện tượng”] (Erscheinung) là tiến trình ra đời và mất đi, nhưng bản thân tiến trình này không ra đời và mất đi mà là tự-mình (an sich) và chính nó tạo ra hiện thực và sự vận động cho sự sống của Chân lý. Như thế, cái đúng thật [Chân lý] là đám rước cuồng nhiệt Thần Rượu Bacchus, nơi đó không thành viên nào là không say khướt; và bởi vì khi mỗi thành viên tách riêng ra, thì cũng tự ngã gục lập tức, nên đám rước cũng đồng thời là sự yên nghỉ trong suốt và đơn giản [khi mọi thành viên đều lăn quay ra đất](108). Được “xét xử” (in dem Gerichte) bởi sự vận động ấy, những hình thái riêng lẽ của Tinh thần, – cũng giống như những tư tưởng nhất định – không hề tự tồn (bestehen), mà đều vừa là những yếu tố tích cực, khẳng định, tất yếu, vừa có tính phủ định và nhất thời [sẽ tiêu biến đi]. Trong cái toàn bộ của sự vận động, hiểu như một toàn bộ yên nghỉ, cái gì tự phân biệt trong tiến trình vận động ấy và mang lại cho mình sự hiện hữu đặc thù, thì đều được bảo lưu như cái gì tự-hồi ức(109), mà sự hiện hữu (Dasein) của nó là cái biết về chính mình, cũng như cái biết về chính mình cũng trực tiếp là sự hiện hữu(110).

 

§ 48

Về PHƯƠNG PHÁP (METHODE) của tiến trình vận động này hay của chính Khoa học, lẽ ra cần phải nêu ngay từ đầu rất nhiều điểm. Nhưng Khái niệm [hay bản tính] của Phương pháp đã nằm ngay trong những gì đã nói ở trên, còn sự trình bày đích thực về Phương pháp thì thuộc về Khoa học Lô-gíc, hay nói đúng hơn, chính là bản thân Lô-gíc học(111). Bởi lẽ: Phương pháp không gì khác hơn là cấu trúc của cái Toàn bộ được trình bày trong tính bản chất thuần túy của nó(112).

          Tuy nhiên, đối với quan niệm quen thuộc cho đến nay về vấn đề Phương pháp, ta cần ý thức rằng hệ thống những quan niệm liên quan đến Phương pháp triết học đều thuộc về một thời kỳ đào luyện [tinh thần] đã qua từ lâu rồi. Cho dù câu nói ấy nghe có vẻ khá khoác lác hay cách mạng – một giọng điệu mà tôi biết cách tránh xa – thì điều đáng suy ngẫm vẫn là: cái “cơ ngơi” khoa học được vay mượn từ toán học [nền triết học dựa theo mẫu mực của toán học] – gồm nào là những luận giải, phân loại, những tiên đề, chuỗi các định lý đi kèm với chứng minh, những nguyên lý cùng với những hệ luận và suy luận được rút ra từ chúng – tất cả những điều ấy ít ra cũng bị xem là đã lạc hậu, kể cả trong dư luận thông thường(113). Mặc dù chưa ai nhận thức rõ được tại sao phương pháp toán học không thích dụng được [trong triết học], nhưng điều rõ ràng là phương pháp ấy đã không còn hoặc rất ít được sử dụng; cũng thế, tuy việc sử dụng ấy chưa bị bác bỏ thẳng thừng song nó cũng không được mấy ai ưa thích. Và chúng ta không khỏi có định kiến là dành sự ủng hộ cho cái gì là tuyệt vời khi nó có thể tự trở thành hữu dụng và làm cho mình được chấp nhận. Nhưng, [dù sao], không khó khăn gì để thấy rằng: phương thức đề xướng một mệnh đề, đưa ra các lý lẽ để bảo vệ nó, rồi cũng dùng các lý lẽ để bác bỏ mệnh đề đối lập dứt khoát không phải là hình thức để trong đó chân lý có thể xuất hiện ra được. Chân lý là sự vận động của chính nó nơi bản thân nó; trong khi phương pháp vừa nói trên là sự nhận thức nằm bên ngoài chất liệu [được nhận thức]. Thế nên, phương pháp này là đặc trưng của toán học và hãy cứ để yên cho nó, bởi toán học – như đã vạch rõ trước đây – lấy quan hệ về Lượng, – một quan hệ vô-khái niệm (begrifflos) – làm nguyên tắc và lấy không gian chết cứng lẫn cái Một [đơn vị] cũng chết cứng làm chất liệu cho mình. Một phương pháp như thế, – nếu được sử dụng theo kiểu tự do hơn, nghĩa là pha trộn với ít nhiều sự bất tất, tùy tiện –, có thể có một chỗ đứng trong đời sống thường ngày, trong việc đàm luận, hay trong việc cung cấp sự hướng dẫn có tính sự kiện nhằm thỏa mãn tính tò mò hơn là nhận thức, đại khái như trong trường hợp một Lời Tựa(114). Trong đời sống hàng ngày, ý thức tìm thấy nội dung của mình trong nhiều loại kiến thức khác nhau, nhiều kiểu kinh nghiệm, nhiều sự kiện cảm tính cụ thể, kể cả những tư tưởng và nguyên tắc, và nói chung, trong cái gì có giá trị như một dữ kiện hay như một tồn tại hoặc một bản chất cứng nhắc trong trạng thái ổn định của chúng. Ý thức khi thì chạy theo chúng, khi thì cắt đứt mối liên kết của chúng bằng sự tự do tùy tiện đối với một nội dung như thế của mình và hành xử như là một sự quy định và lèo lái nội dung ấy từ bên ngoài, một cách ngoại tại. Ý thức quy nội dung này về một cái gì đấy có vẻ vững chắc đối với mình, dù đó chỉ là cảm giác nhất thời; và sự tin chắc (Überzeugung) được thỏa mãn khi đạt đến được một điểm dừng quen thuộc nào đó(115).

 

§ 49

Nhưng, nếu một khi sự tất yếu của Khái niệm đã xua đuổi cách tiến hành quá lỏng lẻo của lối đàm luận “lý sự”(116) cũng như cách tiến hành càng xơ cứng hơn của sự hào nhoáng mang danh khoa học này đi, thì vị trí của nó – như đã nói trước đây – không thể được thay thế bằng sự Vô-phương pháp (Unmethode) của kiểu “dự cảm”, “phấn khích” nội tâm và bằng sự tùy tiện của lối nói đầy vẻ “tiên tri”, bởi cách làm này không chỉ khinh thường hình thức đặc thù của tính khoa học ấy mà khinh thường cả tính khoa học [Phương pháp khoa học / Triết học tư biện] nói chung.



(108) Câu nổi tiếng: “Cái đúng thật là đám rước cuồng nhiệt Thần rượu Bacchus, nơi đó không thành viên nào là không say khướt…” có hai dị bản trong phần tiếp theo của câu, do đó có hai cách dịch khác nhau:

- Bản in lần thứ hai năm 1832 của J. Schulze, trong Toàn tập do H. Glockner ấn hành, tập 2 (Stuttgart – Bad Caunstadt, F. Frommann, Verlag, 1927-1930) (làm căn cứ cho bản dịch tiếng Pháp của Bernand Bourgeois (Paris 1997) và bản tiếng Anh của Miller) viết là: … “weil jedes, indem es sich absondert, ebenso unmittelbar auflưst”… Ở đây, chúng tôi chọn theo bản in mới nhất này, nên dịch như trên (B. Bourgeois: … “et, puisque chaque membre, en tant qu’il se sépare, se dissout aussi bien immédiatement”…. Miller:… “yet because each member collapses as soon as he drops out”... Trong khi đó, bản của J. Hoffmeister (Tập hợp tác phẩm, ấn bản 4, tức bản của NXB Meiner) lại viết: … “… und weil er jedes, indem es sich absondert, ebenso unmittelbar auflưst,… (“và bởi đám rước này giải thể ngay lập tức bất cứ thành viên nào muốn tách ra khỏi cái toàn bộ…). J. Hyppolite căn cứ vào bản này nên dịch: “… et puisque ce délire résout en lui immédiatement chaque moment qui tend à se séparer du tout”…). Tuy nhiên, ý chung của cả câu không thay đổi: một tiến trình yên tĩnh nhưng luôn có xu hướng tự phân đôi, hình thành những hình thái, và vì những hình thái là sự tự-giới hạn của cái không-giới hạn nên phải tự-giải thể, tự-thủ tiêu, đồng thời được hợp nhất và “vượt bỏ” trong “sự yên nghỉ đơn giản và trong suốt” ấy.

(109) Trong toàn bộ sự vận động, cái tồn tại nhất định (cái “khẳng định”) vừa bị phủ định, vừa được bảo lưu: nó đã được “nội tại hóa” hay “nội tâm hóa” (“hồi ức”: Er-inerung).

(110) Tiểu đoạn §47 do thấy Hegel đang ở trên đỉnh cao của tư tưởng của ông, khi không chỉ muốn chứng minh rằng Khái niệm của ông về chân lý bảo lưu tất cả những gì đã xuất hiện như là chân lý trong lịch sử mà còn muốn phát biểu về bản thân chân lý trong sự vận động của nó như là tiến trình tìm thấy chính mình thông qua “tính phủ định” của những sự đối lập và căng thẳng giữa ý thức và đối tượng ở trong “sự giằng xé tuyệt đối”. Trong sự vận động ấy, mỗi cái chỉ tồn tại thông qua và cùng với cái khác. Mỗi cái cá biệt đều bị “xét xử” (gerichtet), nhưng đồng thời sự có mặt của nó là cần thiết và tất yếu: cái đang tồn tại sẽ tiêu vong; cái tiêu vong được bảo lưu và bản thân sự ra đời và mất đi là sự không-ra đời và không-mất đi, thật quả là một “đám rước cuồng nhiệt trong đó không thành viên nào là không say khướt…”, nhưng đồng thời là một sự “yên tĩnh đơn giản và trong suốt”, trong đó tất cả được hợp nhất và vượt bỏ. Đoạn văn “xuất thần” này không xuất hiện ngẫu nhiên mà còn được Hegel lặp lại nhiều lần bằng các cách nói đầy ấn tượng khác như là “bản chất của sự sống”, “linh hồn của thế giới”, như “dòng máu tươi đập đều nhịp trong lòng nó mà không chuyển động, rung chuyển trong lòng nó mà không bất an” (§162) hay “sự vận động thuần túy chung quanh trục của nó, sự yên nghỉ của bản thân nó như là tính vô tận tuyệt đối không yên nghỉ…”.

(111) Xem: Hegel: “Khoa học Lô-gíc” (Wissenschaft der Logik), 1812.

(112) “Tính bản chất thuần túy” (reine Wesentlichkeit): cái tạo nên bản chất của sự vật, chỉ tính “lô-gíc” nội tại. Ở dạng “số nhiều”, “những tính bản chất” (Wesentlichkeiten) chính là những phạm trù hay những quy định của Khoa học Lô-gíc.

(113) Chỉ phương pháp toán học được Spinoza và Ch. Wolff sử dụng trong triết học.

(114) Xem lại: §1 và tiếp.

(115) Ở thời cận đại, với sự lớn mạnh của các khoa học tự nhiên, vấn đề “phương pháp” trở thành vấn đề hàng đầu. Triết học càng phải lo củng cố vững chắc “phương pháp” của mình trước đã. Đó là nỗ lực từ Descartes đến Kant và có khi trở thành “mục đích tự thân”. Hegel phản đối cách nhìn “tiên nghiệm” như thế về phương pháp, vì nó sẽ mang tính hình thức và trừu tượng, ngoại tại. Theo Hegel, phương pháp triết học không thể tách rời với việc triển khai nội dung, thậm chí là bản thân sự triển khai này và sẽ biến hóa theo nội dung. Đó là ý nghĩa của câu: “Chân lý là sự vận động của bản thân nó”. Do đó, phép biện chứng cũng chỉ được hiểu đúng, khi nó được xem như là vận động cụ thể của bản thân nội dung; còn trong chừng mực liên quan đến tính thuần túy của nó thì thuộc về việc trình bày trong “Khoa học Lô-gíc”. Tuy nhiên, như Hegel sẽ nói ở §49, việc phê phán các phương pháp “trừu tượng” không phải dẫn đến sự Vô-phương pháp, mà là cần hiểu đúng về “phương pháp triết học”. (Xem: Chú giải dẫn nhập: 2.4 và 2.4.3).

(116) Sự đàm luận “lý sự” (räsionierende Konversation): “räsionieren” (Räson-nement): “lý luận”, “lý sự”: cách làm của “giác tính” (Verstand) chứ không phải của “lý tính” (Vernunft). Lối lý luận “ngoại tại” tiền giả định và duy trì tính cứng nhắc mà giác tính – quan năng phân cắt một cách trừu tượng giữa cái tôi và đối tượng – áp đặt lên các quy định của tư duy. Hegel dùng theo nghĩa xấu, tiêu cực.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt