CHÚ GIẢI DẪN NHẬP PHÂN TÍCH PHÁP VỀ CÁI ĐẸP (§§18-22)
BÙI VĂN NAM SƠN
Immanuel Kant. Phê phán năng lực phán đoán (Mỹ học và Mục đích luận). Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Hà Nội: Nxb. Tri Thức, 2006, tr. 140-146. | Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn đã được sự đồng ý của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn.
1.1.4 Phân tích phán đoán sở thích về mặt hình thái (§§18-22) 1.1.4.1 Tính tất yếu có-điều kiện: Tiết thứ tư này của Phân tích pháp về cái đẹp tiếp nối trực tiếp với chủ đề đã bàn ở tiết hai (về phương diện lượng). Ở tiết hai, Kant đã cho thấy rằng phán đoán sở thích không phải là một phán đoán của giác tính, tuy nhiên vẫn yêu sách tính hiệu lực phổ biến (khác với phán đoán về cái dễ chịu). Như thế, phán đoán sở thích hầu như đứng giữa một bên là phán đoán nhận thức khách quan và bên kia là phát biểu về cảm giác của giác quan đơn thuần có giá trị riêng tư. Nếu ta chỉ căn cứ vào sự lưỡng phân (Dichotomie) này giữa phán đoán của giác tính và phán đoán của giác quan, ắt ta sẽ không thể hiểu được làm sao có thể suy tưởng về sự kết hợp giữa việc nhận xét về đối tượng và việc khởi phát của tình cảm trong phán đoán sở thích. Vấn đề ấy được bàn trong các tiểu đoạn §§18-22. Kant sẽ nghiên cứu: trong chừng mực nào, một phán đoán – vốn không phải là một phán đoán nhận thức khách quan – lại có thể được gán cho tính tất yếu?(1) Tính tất yếu có vai trò gì trong phán đoán sở thích? Và hiểu như thế nào về tính tất yếu ở đây? Kant viết: “… riêng với cái đẹp thì ta suy tưởng rằng nó có một quan hệ tất yếu với sự hài lòng” (B62). Nói khác đi, trong phán đoán sở thích, ta đã mặc nhiên ngụ ý rằng biểu tượng hay sự hình dung về một đối tượng tất yếu gắn liền với một tình cảm vui sướng. Sự nối kết giữa trạng thái tình cảm và sự hình dung về đối tượng được suy tưởng như là sự nối kết tất yếu, chứ không phải bất tất. Sự nối kết bất tất giữa tình cảm vui sướng và phán đoán nhận thức là điều có thể xảy ra: niềm vui khi học được một điều gì mới mẻ hay khi giải được một bài toán, một vấn đề khoa học hóc búa… Nhưng, niềm vui này chỉ là “bên lề”: nó không gắn kết gì với sự đúng sai của phán đoán nhận thức. Trong khi đó, khi đưa ra phán đoán sở thích (“X là đẹp!”), tôi chờ đợi rằng bất kỳ ai nhìn vào đối tượng “X” cũng sẽ bảo: “X là đẹp!”. Như thế, Kant không chủ yếu xét sự tất yếu của việc nối kết giữa sự hình dung về đối tượng với tình cảm vui sướng nơi phán đoán thẩm mỹ của tôi. Trái lại, ông chủ yếu nghiên cứu sự kiện: tôi chờ đợi rằng những người khác cũng sẽ tất yếu tán đồng với tôi. Do đó, ông phân biệt các hình thức khác nhau của sự tất yếu, và cho rằng, trong phán đoán sở thích, ta có một dạng đặc thù của sự tất yếu: “… sự tất yếu này chỉ có thể được gọi là có tính điển hình (exemplarisch) mà thôi. | Nói khác đi, nó là một sự tất yếu của sự tán đồng của mọi người đối với một phán đoán được xem như một điển hình của một quy tắc phổ biến mà ta không thể nêu rõ ra được” (B62-63). “Quy tắc” của một phán đoán là nguyên tắc phổ biến mà ta phải dựa theo đó để đưa ra phán đoán dưới dạng khẳng định hay phủ định. Trong khi đó, nơi phán đoán sở thích, thay chỗ cho một nguyên tắc phổ biến có tính khái niệm giữ chức năng của “quy tắc”, ta chỉ có trạng thái tình cảm của chủ thể. Tất nhiên, tôi có thể mô tả trạng thái này dưới hình thức khái niệm (như cách làm quen thuộc của các nhà văn). Nhưng, trạng thái ấy có thật hay không, tôi không thể rút ra từ tư duy khái niệm được. Tôi phải trải nghiệm trạng thái ấy; tôi phải cảm nhận trực tiếp sự hài lòng này. Nhưng, vì tôi biết rằng, về nguyên tắc, bất cứ ai – trong các điều kiện tương tự và cũng có thể có một sự hài lòng (không có sự quan tâm nào) giống như tôi, nên phán đoán sở thích là có tính phổ quát. Phán đoán ấy còn có tính điển hình, tức như là một trường hợp cụ thể, vì tôi không thể xác định – bằng mô tả khái niệm – rằng những thuộc tính nào của đối tượng làm cơ sở cho phán đoán sở thích của tôi. Tôi chỉ căn cứ vào trạng thái tình cảm của mình để biết rằng ở đây quả đang có một điển hình, một ví dụ về một đối tượng đẹp. Thế nhưng tại sao Kant lại bảo rằng: tính tất yếu phổ quát ấy không có giá trị vô-điều kiện, vô-giới hạn? Đó là vì: ta có thể ngộ nhận về trạng thái tình cảm của mình và của người khác. Sự hài lòng cũng có thể giả mạo: nó không thật sự “không có sự quan tâm nào” mà gắn liền với một mục đích hay ý đồ nào đó. Vậy, chỉ có khả thể về một thái độ thẩm mỹ đối với đối tượng là chắc chắn một cách tiên nghiệm mà thôi. Khi tôi bảo: “X là đẹp!”, tôi biết (một cách tiên nghiệm) rằng người khác cũng có thể có một thái độ thẩm mỹ tương tự để đi đến một phán đoán tích cực như tôi. Chứ tôi không biết một ai đó có thực sự chọn thái độ và tiến hành phán đoán như thế hay không. (Chẳng hạn, trong khi tôi chỉ “đơn thuần" ngắm bức tranh đẹp thì có thể người đứng bên cạnh tính đến chuyện mua hay… đánh cắp nó!). Vì thế, phán đoán thẩm mỹ không thể đề ra yêu sách về sự tất yếu vô-điều kiện được. 1.1.4.2 “Cảm quan chung” (Gemeinsinn) Để biện chính cho sự kiện: trạng thái tình cảm làm cơ sở cho phán đoán sở thích là trạng thái có thể có chung cho những chủ thể khách quan, Kant dùng chữ “cảm quan chung”. Ông cẩn thận lưu ý ta không nên nhầm nó với chữ đồng âm trong các ngôn ngữ Châu Âu (latinh: sensus communis; Anh: common sense; Pháp: bon sens) để chỉ năng lực suy luận đúng đắn một cách bản năng mà không có những khái niệm “rõ ràng và sáng sủa”. Ông dùng chữ “cảm quan chung” để chỉ trạng thái tình cảm xác định phán đoán sở thích và để chứng tỏ cách dùng chữ này là hợp lý, ông quay trở lại với các nhận định trước đây. Ông gọi tình cảm vui sướng giữ vai trò chủ yếu trong phán đoán sở thích là “sự sắp xếp hài hòa (Stimmung) các năng lực nhận thức thành một nhận thức nói chung” (B65). Ta nhớ lại rằng Kant đã bảo trí tưởng tượng và giác tính ở trong một mối quan hệ hợp tác hài hòa. Quan hệ hài hòa này cũng là một điều kiện cần thiết cho nhận thức khách quan. Nghĩa là: mỗi khi ta xác định một sự hình dung về đối tượng nhờ vào khái niệm của giác tính thì bao giờ cũng phải có một sự hợp tác hài hòa giữa trí tưởng tượng và giác tính như là điều kiện tiên quyết. Chỉ có điều: trong trường hợp nhận thức về đối tượng, mối quan hệ này không được nhận thức một cách tự giác mà hoàn toàn bị chìm khuất trong tiến trình xác định đối tượng. Nơi phán đoán sở thích thì lại khác. Ở đây, đối tượng không được chuyển thành khái niệm, trái lại, ta hướng sự chú ý của mình đến mối quan hệ giữa các quan năng nhận thức của ta và, trong trường hợp quan hệ ấy là hài hòa, ta cảm nhận được một tình cảm vui sướng. Nếu ta xác định sự vui sướng thẩm mỹ như thế, ắt ta có thể tiền giả định rằng mọi con người có lý tính đều có khả năng cảm nhận được sự hài lòng này. Chỉ cần họ sẵn sàng [tạm] từ bỏ “thái độ lý thuyết”. Và do chỗ tiến trình này gần gũi với tiến trình nhận thức khách quan, nên Kant bảo rằng sự sắp xếp hài hòa này là có thể thông báo một cách phổ biến. Tính có thể thông báo một cách phổ biến này tiền-giả định một cảm quan chung (tức một trạng thái tình cảm có chung nơi mọi chủ thể phán đoán thẩm mỹ), xuất phát từ sự đồng dạng về cấu trúc của các quan năng nhận thức của con người (trực quan, giác tính, lý tính, trí tưởng tượng, năng lực phán đoán). 1.1.4.3 “Chuẩn mực hay quy phạm lý tưởng” (Idealnorm) (B67): Trước một bức tranh lập thể của Picasso, anh A gật gù khen đẹp. Cơ sở nào cho phép anh A yêu cầu anh B cũng phải tán đồng? Rồi, nếu anh B – cũng nhìn bức tranh ấy – không những không tán đồng mà còn nhún vai và bĩu môi thì làm sao? Kant cho rằng cơ sở cho lòng tin chắc của anh A về khả năng tán đồng phán đoán thẩm mỹ của mình phải là một quy phạm hay một chuẫn mực nào đó. Thế nhưng, trong phán đoán sở thích, chuẩn mực này không thể mang tính khách quan như cái gì thuộc về đối tượng mà chỉ dựa trên giả định về một tình cảm có khả năng phổ quát hóa. Và giả định này, đến lượt nó, cũng không phải là một sự kiện thường nghiệm. Khi anh A bảo “bức tranh này đẹp!”, anh không hề có kinh nghiệm rằng mọi người khác cũng sẵn sàng cảm nhận rằng nó là đẹp. Vậy, phán đoán sở thích họa chăng chỉ là một lời kêu gọi, một đề nghị để người khác đồng tình với mình. Ông viết: “… kinh nghiệm không thể được lấy làm cơ sở cho cảm quan chung này được, bởi vì cảm quan chung là nhằm biện minh cho những phán đoán có chứa đựng một cái “nên là” (ein Sollen): nó không nói rằng bất cứ ai cũng sẽ đồng ý với phán đoán của ta, trái lại, nên đồng ý với ta. Vậy, ở đây, tôi đưa ra phán đoán về sở thích của tôi như một ví dụ điển hình của cảm quan chung (…) nên cảm quan chung chỉ là một quy phạm hay chuẩn mực đơn thuần có tính lý tưởng thôi” (B67). Nói cách khác, chỉ khi người khác cũng chọn một “thái độ thẩm mỹ”, tôi mới có hy vọng rằng họ cũng sẽ tán đồng với phán đoán của tôi. Trong trường hợp kể trên, sở dĩ anh B nhún vai và bĩu môi có thể là vì còn nhiều lý do khác bên ngoài “thái độ thẩm mỹ” chi phối, chẳng hạn anh ấy đang mệt hay đang bực mình về điều gì đấy. Trong tình hình ấy, anh A vẫn giữ vững phán đoán của mình và hy vọng rằng, một lúc nào đó, khi bình tâm lại, anh B sẽ thay đổi thái độ, vì anh A tin rằng sự hài lòng của mình không có tính đặc ứng (idiosynkratisch), riêng có. Nhưng, nếu anh B, khi bình tâm và thực sự chọn ”thái độ thẩm mỹ”, vẫn khẳng định rằng “bức tranh ấy không đẹp!” thì liệu còn có cách nào để tranh thủ sự đồng tình của anh B? Kant không cho ta biết ý kiến của ông về tình huống này! Dường như, trước sau ông vẫn chỉ muốn khẳng định một điều: về nguyên tắc, người ta sẽ tán đồng với nhau về phán đoán thẩm mỹ, nếu họ tập trung vào hình thức của biểu tượng, vào mối quan hệ giữa các quan năng nhận thức và cảm nhận sự hài hòa trong sự tương tác giữa trí tưởng tượng và giác tính. Ông kết luận ngắn gọn về phương diện thứ tư này: “Đẹp là cái gì được nhận thức như là đối tượng của một sự hài lòng tất yếu, nhưng độc lập với khái niệm”. 1.1.4.4 Nhận xét chung về phần Phân tích pháp về cái đẹp (B69-B73) Phần “Nhận xét chung” này tập trung bàn sâu hơn về vai trò của trí tưởng tượng ở trong phán đoán sở thích và gợi nên nhiều suy nghĩ thú vị. Ông bắt đầu bằng cách nêu thêm một định nghĩa về sở thích: “… sở thích như là một quan năng phán đoán về một đối tượng trong mối quan hệ với tính hợp quy luật tự do của trí tưởng tượng” (B69). Thế nào là “tính hợp quy luật tự do của trí tưởng tượng"? Kant dùng thuật ngữ này để cho thấy trí tưởng tượng thực ra không phải hoàn toàn tự do. Hoàn toàn tự do là khi trí tưởng tượng tha hồ tạo nên những hình tượng tuyệt nhiên không có liên quan gì đến những quy định của giác tính, tức tuyệt nhiên không có “tính hợp quy luật” nào hết. Trong trường hợp đó, Kant gọi trí tưởng tượng là “tác giả của những hình thức tùy tiện của những trực quan khả hữu” (B69). Điều này chỉ có trong những hình tượng được thêu dệt trong giấc mơ, và ta không đi tìm một khái niệm và sự lý giải nào cho chúng cả. So với tính vô giới hạn này, vai trò của trí tưởng tượng trong phán đoán sở thích, dù muốn hay không, vẫn tỏ ra bị hạn chế. Vì lẽ: trí tưởng tượng tổng hợp những biểu tượng có đặc trưng là tính thống nhất của những yếu tố. Sự thống nhất này làm cho trí tưởng tượng có quan hệ với những khái niệm của giác tính. (Biết bao trường phái hay loại hình nghệ thuật: phái trừu tượng, phái “Dada”, phái sáng tạo theo tiềm thức hay “tự động”… đều muốn thoát ra khỏi mối quan hệ này, nhưng, về nguyên tắc, hầu như bao giờ cũng chỉ đạt được kết quả có mức độ). Chính vì nhận rõ vai trò không thể tránh khỏi của giác tính, nên Kant hết sức nhấn mạnh đến việc không nên để cho sự hợp tác giữa trí tưởng tượng và giác tính bị khống chế quá nhiều bởi các nguyên tắc cứng nhắc của giác tính. Ông mong mỏi một sự trùng hợp may mắn giữa trực quan và khái niệm của giác tính, nên nói về “tính hợp quy luật” của trí tưởng tượng phải được “tự do”, hay “một tính hợp quy luật không có quy luật” (B69), thậm chí: “giác tính phải phục vụ cho trí tưởng tượng” trong “sự tiêu khiển tự do và có tính hợp mục đích-bất định của các năng lực tâm thức ở nơi cái ta gọi là đẹp” (B71): “Mọi cái hợp quy tắc cứng nhắc (đến gần với tính hợp quy tắc kiểu toán học) tự chúng có cái gì đi ngược lại với sở thích [thẩm mỹ]. | Trong việc thưởng ngoạn, chúng không dành cho ta một sự tiêu khiển lâu bền; và trong chừng mực không có một mục đích nhận thức hay một mục đích thực tiễn nào đó, chúng sẽ làm ta nhàm chán. Ngược lại, những gì để cho trí tưởng tượng tự do tung hoành một cách không vất vả, kỳ khu nhưng lại hợp-mục đích [của bản thân trí tưởng tượng], chúng luôn mới mẻ, thanh tân với ta và ta cũng thưởng ngoạn chúng không chán mắt” (B72). Nếu trước đây, ta có thể ngộ nhận ông về một thứ “chủ nghĩa hình thức” cứng nhắc (xem lại 2.1.3.3) do ta hiểu không đúng về chữ “hình thức” rất khó hiểu của ông thì phần “Nhận xét chung” này góp phần cải chính ngộ nhận ấy và cho thấy ông luôn bận tâm bảo vệ sự tự trị và quyền tự do của lĩnh vực thẩm mỹ đến như thế nào.
(1) “Hình thái” (Modalität) của phán đoán không thêm gì vào nội dung của phán đoán mà chỉ nói lên giá trị chân lý của hệ từ (“LÀ”) trong quan hệ với tư duy: ba hình thái là: tính khả năng (có thể có); tính hiện thực (có thật); tính tất yếu (nhất định có). Xem Phê phán lý tính thuần túy, B100-101. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC