Triết học nghệ thuật

Chú giải dẫn nhập Phân tích pháp về cái đẹp và cái cao cả (§6-9)

 

CHÚ GIẢI DẪN NHẬP

PHÂN TÍCH PHÁP VỀ CÁI ĐẸP VÀ VỀ CÁI CAO CẢ

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11
                     

BÙI VĂN NAM SƠN

 


Immanuel Kant. Phê phán năng lực phán đoán (Mỹ học và Mục đích luận). Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Hà  Nội: Nxb. Tri Thức, 2006, tr. 87-92. | Phiên bản  đăng trên triethoc.edu.vn đã được sự đồng ý của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn.


 

1.1.2 Phân tích phán đoán sở thích về mặt lượng (§§6-9)

Lượng của một phán đoán là xét về “lượng lôgíc” của nó: cá biệt, đặc thù hay phổ biến.

Nhan đề của §6 gói trọn mọi nội dung của phần phân tích này:

“Cái đẹp là cái gì được hình dung như đối tượng của một sự hài lòng phổ biến, độc lập với mọi khái niệm”.

Ta thường biết rằng chỉ khái niệm mới có tính phổ biến (vd: khái niệm “con chó” bao hàm mọi con chó khả hữu), nay bảo “độc lập với khái niệm” hay “không có khái niệm” mà lại “phổ biến” thì thật khó hiểu. Do đó, Kant phải tiến hành bằng nhiều bước chứng minh:

1.1.2.1 Trước hết, sự vui sướng về cái đẹp như là một “sự hài lòng phổ biến” nghĩa là gì? Hay dễ hiểu hơn: điều kiện của nó là gì? Kant trả lời bằng cách nêu ra một sự phân biệt quan trọng: đó là khi “không có những điều kiện riêng tư như là cơ sở cho sự hài lòng”, cho nên có thể yêu cầu “bất cứ ai cũng có một sự hài lòng tương tự” như của riêng ta.

Điều kiện “riêng tư” (privat) cho một sự hài lòng dễ nhận biết nhất là trong trường hợp sở thích ẩm thực. Khi ta đánh giá món ăn hay thức uống theo khẩu vị của chính mình, nhận định ấy rõ ràng nằm bên trong “lĩnh vực riêng tư” của ta thôi, nghĩa là khó mà tranh cãi đúng sai. Ở đây không có chuyện “lý luận", trái lại, chỉ có thể… “tự ăn tự ngộ” theo cách chủ quan của mình.

Tất nhiên, trong câu chuyện ẩm thực cũng có thể tranh cãi nhau ra trò. Chẳng hạn, các người bạn sành rượu tranh cãi xem ly rượu mạnh hay ly rượu chát vừa được rót ra có đúng là VSOP, là X.O, là “sec” hay “demi-sec” theo các tiêu chuẩn phân loại nhất định hay không để phân biệt đúng sai.

So sánh với hai trường hợp trên, có thể nói: phán đoán sở thích (thẩm mỹ) là một hình thức pha trộn, giao thoa của cả hai! Phán đoán sở thích yêu sách một giá trị hiệu lực không chỉ đơn thuần chủ quan. Khi bảo cái gì đó không chỉ là cái dễ chịu (theo nghĩa của Kant) mà là “đẹp” thì đồng nghĩa với sự chờ đợi rằng những người khác cũng chia sẻ với nhận định của ta. Nhưng sự chờ đợi hay hy vọng này không thể chỉ dùng lý luận mà “cưỡng ép”, vì như đã thấy, phán đoán sở thích không phải là một phán đoán liên hệ trực tiếp với các thuộc tính khách quan của đối tượng, trái lại, chỉ là… “như thể” mà thôi:

“Cho nên ta nói về cái đẹp như thể (als ob) tính đẹp là một tính chất của đối tượng và như thể phán đoán ấy là có tính lôgíc (tức tạo ra một nhận thức về đối tượng bằng cái khái niệm về nó [vd: VOSP, XO, Sec, demi-sec…]), mặc dù phán đoán này chỉ có tính thẩm mỹ và đơn thuần chứa đựng một mối quan hệ giữa biểu tượng về đối tượng với chủ thể; và sở dĩ nó có chỗ giống với phán đoán lôgíc là vì ta có thể tiền-giả định rằng nó có giá trị cho tất cả mọi người” (B18).

1.1.2.2 Nhưng, tính phổ biến của sự hài lòng với cái đẹp khác với tính phổ biến của một phán đoán nhận thức (về các thuộc tính khách quan của sự vật) ở chỗ nào?

Kant trở lại với sự phân biệt giữa cái dễ chịu và cái đẹp bằng hai thuật ngữ mới: “sở thích của giác quan”“sở thích của sự phản tư” (B22): cái trước phán đoán về cái dễ chịu “thuần túy riêng tư” (ai có sở thích nấy), còn cái sau phán đoán về cái đẹp (với sự tán đồng của những người khác).

Kant biết rõ rằng việc đòi hỏi sự tán đồng của những người khác là không dễ dàng (chẳng hạn với một trào lưu hay hình thức nghệ thuật nào đó, nhất là khi nó mới lạ, khác thường). Ông viết một câu dài, hơi dây cà dây muống – theo đúng văn phong đặc sản của Kant – nhưng quan trọng:

“Bây giờ, điều có vẻ lạ lùng là: với sở thích của giác quan, không chỉ kinh nghiệm cho thấy rằng phán đoán của nó (về sự vui sướng hay không vui sướng đối với điều gì đó) là không có giá trị phổ biến, và ai ai cũng tự nguyện không đòi hỏi mọi người khác phải tán đồng (mặc dù trong thực tế lại thường có sự nhất trí rất phổ biến về những phán đoán này), trong khi đó, sở thích của sự phản tư – như kinh nghiệm cũng cho thấy – thường bị phản đối trước đòi hỏi về tính giá trị phổ biến cho phán đoán của nó (về cái đẹp), mặc dù vẫn có thể – như thực sự vẫn làm – là đưa ra các phán đoán đạt được sự nhất trí phổ biến. | Trong thực tế, sự nhất trí mà nó đòi hỏi nơi mỗi người đối với từng mỗi phán đoán sở thích của họ, đó là: những người đưa ra các phán đoán ấy không tranh cãi với nhau về khả thể của mọi đòi hỏi như thế mà chỉ có thể không nhất trí với nhau được về việc áp dụng đúng đắn quan năng này trong những trường hợp đặc thù” (B22, 23).

Ý ông muốn nói: về nguyên tắc, không ai phản đối “khả thể” của sự tán đồng phổ biến đối với phán đoán của sở thích phản tư, dù trong thực tế rất khó nhất trí. Trong khi đó, về nguyên tắc, không ai đòi hỏi sự nhất trí về sở thích của giác quan nhưng lại dễ nhất trí với nhau! Vậy, chỉ còn cách: luôn phải nỗ lực đạt tới sự tán thành phổ biến về cái đẹp, dù luôn bị phản đối hoặc cự tuyệt, với lòng tin rằng: những người khác sớm muộn cũng sẽ tán đồng, miễn họ có một thái độ thẩm mỹ đối với đối tượng và phán đoán về nó một cách không có định kiến. Đó là phương diện lượng đầu tiên của phán đoán thẩm mỹ: sự tán đồng phổ biến, khác với tính riêng tư của sở thích cảm tính.

1.1.2.3 Nhưng, mặt khác, phán đoán sở thích lại quan hệ với những đối tượng cá biệt. Đó là đặc điểm riêng có của nó, vì phán đoán thẩm mỹ không dựa trên khái niệm về một loại gồm nhiều đối tượng mà dựa trên cách thức lĩnh hội đối tượng thông qua chủ thể. Ví dụ của Kant: “Hoa hồng này là đẹp!”. Sự hài lòng luôn nhắm đến một đối tượng cá biệt có trước mắt mình. Kinh nghiệm ấy lặp đi lặp lại khiến ta có thể nêu một phán đoán tổng kết: “[Mọi] Hoa hồng đều đẹp!”. Một cách nào đó, phán đoán tổng kết có phần thay đổi tính chất: nó không còn là một phán đoán thuần túy thẩm mỹ nữa, mà là một phán đoán lôgíc có tính nhận thức về cả một loại đối tượng.

1.1.2.4 Một đặc điểm khác nữa liên quan đến vấn đề: có luận cứ nào “buộc” ta phải tán đồng một phán đoán sở thích hay không? Kant viết:

“Khi ta phán đoán về đối tượng đơn thuần theo các khái niệm, mọi biểu tượng về tính đẹp đều bị mất hết. Vì thế, không thể có quy tắc nào để dựa theo đó bắt người ta phải thừa nhận cái gì đó là đẹp. Một bộ quần áo, một ngôi nhà, một đóa hoa có đẹp hay không, người ta không thể bàn nhảm về phán đoán ấy bằng những lý do hay nguyên tắc gì cả” (B25).

Ví dụ: ta thấy ngôi nhà ấy không đẹp. Liệu một kiến trúc sư cố thuyết phục ta về “các nguyên tắc” của nó – nào là “cổ điển”, “tân-cổ điển”, thậm chí “hậu-hiện đại” – có làm ta thay đổi ý kiến? Không hẳn, vì phán đoán về vẻ đẹp của đối tượng không lệ thuộc vào những khái niệm hay nguyên tắc! Tuy nhiên, không loại trừ việc giải thích đầy tính chuyên môn ấy có thể “gợi” cho ta một cách nhìn mới về đối tượng, và phán đoán thẩm mỹ có thể được thay đổi từ chính mắt của ta.

1.1.2.5 Ta nhớ rằng phán đoán về vẻ đẹp gắn liền với sự hài lòng. Ở tiết trước, Kant đã nhắc đến sự vui sướng đối với cái đẹp khi bàn về việc phán đoán thẩm mỹ không có sự quan tâm nào. Bây giờ, ông đào sâu hơn mối quan hệ giữa phán đoán ấy với sự vui sướng. Ông đặt câu hỏi:

“Trong phán đoán về sở thích, tình cảm vui sướng đi trước hay đến sau sự phán đoán về đối tượng?” (nhan đề §9; B27).

Câu hỏi này thực ra không đơn giản như mới thoạt nhìn. Ta biết rằng đối với phán đoán về cái dễ chịu, cảm giác vui sướng là cơ sở quy định chung nhất của phán đoán. Tại sao đã biết thừa rằng sự vui sướng nơi phán đoán thẩm mỹ không “đi trước" giống như nơi phán đoán về cái dễ chịu mà Kant vẫn đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa cảm giác vui sướng và phán đoán thẩm mỹ? Và thậm chí, còn bảo rằng việc giải quyết câu hỏi này là “chìa khóa cho sự Phê phán về sở thích” (B27)?

Trước hết, chữ “đi trước" (vorhergeht) dễ gây hiểu lầm. Nó không nói lên trình tự thời gian đơn giản, vì ngay trong tình cảm vui sướng nơi phán đoán sở thích – hay nơi kinh nghiệm thẩm mỹ nói chung – khó có thể bảo tình cảm vui sướng là cái “đến sau” được. Thật thế, không phải ta cứ dửng dưng khi nghe một bài hát, rồi khi “khúc tận”, ta mới buông ra câu phán đoán: “khúc hát hay thật”, và sau đó đột ngột cảm nhận một sự hài lòng. Ở đây, Kant muốn lưu ý đến khía cạnh khác, cơ bản hơn:

“Nếu xem sự vui sướng về một đối tượng được mang lại là cái có trước, và nếu chỉ có tính có thể thông báo được một cách phổ biến về sự vui sướng này là tất cả những gì mà phán đoán sở thích thừa nhận nơi biểu tượng về đối tượng, thì cách làm này sẽ tự mâu thuẫn với chính mình. Vì sự vui sướng thuộc loại này ắt không gì khác hơn là tính tiện nghi đơn thuần trong cảm quan”… (B27).

Câu viết khá tối tăm ấy dường như muốn nhấn mạnh đến điểm cốt yếu là phải phân biệt phán đoán về đối tượng với phán đoán sở thích, và lưu ý rằng việc phán đoán về đối tượng chưa phải là phán đoán sở thích. Phán đoán sở thích còn là cái gì “nhiều” hơn thế. Thật vậy, phát biểu phán đoán “X là đẹp” bao giờ cũng dựa trên cơ sở cảm nhận về một “tình cảm”. Tình cảm này vừa khác với sự vui sướng đối với cái dễ chịu, vừa khác với phán đoán nhận thức:

-        Nó khác với sự vui sướng đối với cái dễ chịu ở chỗ: chủ thể không xem tình cảm này chỉ như là phán đoán riêng tư của mình về đối tượng. Tình cảm vui sướng với cái đẹp còn gắn liền với nhận thức rằng tình cảm này là có thể thông báo một cách phổ biến và được những người khác cùng cảm nhận như thế. Bản thân sự cảm nhận này cũng có cương vị như một sự phán đoán. Nói khác đi, tình cảm vui sướng cái biết có ý thức về cảm trạng này là thiết yếu gắn liền với nhau. Sự vui sướng với cái dễ chịu là sự vui sướng thụ động, được cảm nhận nơi một số sự vật thông qua các giác quan mà không có sự tác động của ta. Còn sự hài lòng nơi đối tượng đẹp gắn liền với một sự kích hoạt các quan năng nhận thức. Sự đối lập giữa tính nhận thức thụ động khi hưởng thụ cái dễ chịu với tính nhận thức chủ động khi phán đoán về cái đẹp là hết sức hệ trọng đối với Kant.

-        Hoạt động của tâm trí nơi phán đoán thẩm mỹ cũng theo một kiểu khác so với hoạt động nơi phán đoán nhận thức. Nơi phán đoán nhận thức, tôi không chỉ tiền giả định rằng tôi có thể thông báo phán đoán của tôi đối với những người khác mà còn có yêu sách là mọi người nhất thiết phải đồng ý với tôi, hay còn gọi là “tính giá trị hiệu lực phổ biến” một cách nghiêm ngặt. Ngược lại, đối với sở thích về cái dễ chịu (ví dụ: ẩm thực), ta không thể đề ra yêu sách ấy, còn đối với sở thích về cái đẹp, ta chỉ thể yêu sách sự đồng tình một cách tương đối, giả định.

1.1.2.6 Vậy, trở lại với câu hỏi ban đầu: tình cảm vui sướng như là tiền đề tất yếu cho một phán đoán sở thích (thẩm mỹ) tích cực (“X là đẹp”) là như thế nào? Kant có câu trả lời độc đáo, bất ngờ: tình cảm vui sướng ấy vừa không dựa trên những cảm giác của giác quan, vừa không đơn thuần dựa trên khái niệm về đối tượng. Đúng hơn, đó là khi các năng lực nhận thức ở trong một tình trạng tương tác tự do. Các năng lực hay quan năng nhận thức nói ở đây là trí tưởng tượnggiác tính. Trí tưởng tượng tổng hợp cái đa tạp của trực quan cảm tính. Giác tính xử lý chất liệu trực quan đã được trí tưởng tượng “cấu trúc hóa” sơ bộ ấy bằng cách thâu gồm nó vào dưới các phạm trù nhất định.

Hoạt động của ta nơi phán đoán nhận thức là hướng đến mục đích, còn trong phán đoán sở thích, các quan năng nhận thức trong một trạng thái hoạt động. Hoạt động này không dừng lại với việc thâu gồm, sắp xếp đối tượng vào dưới một phạm trù nhất định của giác tính. Trái lại, trí tưởng tượng và giác tính ở trong một trạng thái tương tác hài hòa. Trạng thái này là có thể thông báo một cách phổ biến, và vì thế, – giống như phán đoán nhận thức – dường như độc lập với những đặc điểm cá nhân của chủ thể:

“Tính có thể thông báo được một cách phổ biến và chủ quan của phương thức biểu tượng ở trong một phán đoán về sở thích, – phải có mà không lấy một khái niệm nhất định nào làm điều kiện tiên quyết – không thể là gì khác hơn là trạng thái tâm thức trong lúc tương tác tự do giữa trí tưởng tượng và giác tính (trong chừng mực hai quan năng này tương hợp hài hòa với nhau như là điều kiện cần cho một nhận thức nói chung)”… (B29).

Từ đặc điểm cơ bản ấy của sự hoạt động của các quan năng nhận thức trong thái độ thẩm mỹ, Kant rút ra kết luận cho vấn đề đã nêu ở đầu mục:

“Việc phán đoán [đánh giá] (thẩm mỹ) đơn thuần chủ quan này về đối tượng, hay về biểu tượng – thông qua đó đối tượng được mang lại – là đi trước sự vui sướng về đối tượng ấy và là cơ sở của sự vui sướng này trước sự hài hòa của các quan năng nhận thức”... (B29).

Như thế, chữ “đi trước" không hiểu theo nghĩa trình tự thời gian thường nghiệm mà theo nghĩa “siêu nghiệm” như là điều kiện khả thể cho phán đoán sở thích. Nói cách khác, sự vui sướng với cái đẹp không phải là sự vui sướng với các thuộc tính nhất định của đối tượng mà là sự vui sướng trước trạng thái hài hòa của năng lực nhận thức của chính ta.

Nhưng từ đâu ta biết được rằng trí tưởng tượng và giác tính là đang “ở” trong trạng thái ấy? Kant trả lời dứt khoát: không phải do suy nghĩ bằng khái niệm mà do ta cảm nhận được trò chơi tương tác giữa trí tưởng tượng và giác tính như là một sự “sinh động hóa” (B31) tâm thức của ta.

Câu kết luận của Kant về phương diện thứ hai, tức phương diện lượng này quá ngắn gọn: “Đẹp là cái gì làm hài lòng một cách phổ biến, độc lập với khái niệm”, nên dễ gây hiểu nhầm. Với tất cả điều đã trình bày ở trên, ta lưu ý rằng: phán đoán sở thích tuy không do khái niệm quy định, nhưng giác tính (như là quan năng của các khái niệm) cũng có phần đóng góp tích cực ở trong đó. Vậy, chữ: “độc lập với khái niệm” hay “không có khái niệm” cần được hiểu theo nghĩa: những quy định khái niệm không giữ vai trò quyết định hay không tát cạn được hết phán đoán thẩm mỹ.

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt